2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - MẸ LÊN TRỜI

  • CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA
     
     
     
     
     
    LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI 15/8  
    -  Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab  -  1 Cr 15, 20-26   -  Luca. Lc 1, 39-56
     

    NÂNG CON LÊN CAO

    Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ngài!”.

    Khi thi hài Lincoln được đưa từ Washington về Illinois, nó đi qua đại lộ Albany. Bấy giờ, một phụ nữ da đen bên lề đường, nâng đứa con trai của bà lên cao nhất có thể qua đầu đám đông; người ta nghe bà nói, “Con yêu, mẹ ‘nâng con lên cao’. Hãy nhìn đi, ông ấy đã chết vì con!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Hôm nay, Mẹ Hội Thánh cũng nâng chúng ta lên cao nhất có thể trong ngày mừng kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, và như đang nói với mỗi người chúng ta, “Con yêu, hãy nhìn đi, Giêsu, không chỉ chết vì con nhưng còn ‘nâng con lên cao’ như đã nâng Maria, Mẹ của con lên trời!”.

    Thiên Chúa đã nâng Maria lên tận cung lòng Ngài! Phaolô, trong bài đọc thứ hai hôm nay xác tín, “Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ngài!”. Maria là một trong những kẻ đầu tiên thuộc về Chúa Kitô; tuy là Thánh Mẫu của Con, nhưng Mẹ còn là ‘Ái Nữ’ của Ngài. Ai thuộc về Chúa Kitô bằng Mẹ? Maria đã dâng hiến thân xác, linh hồn và trái tim trọn vẹn cho Chúa; vì thế, sau khi Mẹ hoàn tất cuộc lữ hành dương thế, Thiên Chúa ôm lấy Mẹ, trọn cả xác hồn, đưa Mẹ vào vinh quang của Ngài. Hơn nữa, Mẹ là một trong những môn đệ đầu tiên dự phần chiến thắng phục sinh của Chúa Kitô, nên được vinh thăng với Con cũng là điều phải lẽ. Bài đọc Khải Huyền, nói đến một điềm lạ về một người phụ nữ sinh hạ một con trai, kết luận, “Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa… và Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một chỗ”. Như vậy, ‘Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên’ là dấu chỉ cho mọi kẻ tin vào Lời Chúa hứa; để ai ai cũng nói được rằng, Chúa sẽ ‘nâng con lên cao’ như đã nâng cao Đức Maria tận cung lòng Ngài.

    Được Chúa yêu thương như thế, Maria có gặp những sự cố tréo ngoe cuộc đời? Có! “Gươm sắc” đâm thấu tâm hồn Mẹ gần như suốt cả cuộc đời; thế nhưng, nhờ ôm lấy Thánh Thần, Mẹ vẫn tin yêu hy vọng; Mẹ là bạn chí ái của Thánh Thần! Nhìn lên Mẹ, chúng ta tin tưởng bước đi giữa bao nguy khốn, vì biết rằng, Chúa vẫn đang giữ chỗ cho những con trai con gái của Ngài. Đức Bênêđictô 16 nói, “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là biến cố vui mừng và hy vọng cho toàn nhân loại; biến cố này muốn nói rằng, đích đến của cuộc lữ hành trần gian là cùng Mẹ, chúng ta chiến thắng tuyệt đối trên tội lỗi và sự chết để bước vào hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa”.

    Khi còn ở trần gian, Mẹ Maria chỉ gần gũi một số người; giờ đây, trên thiên quốc, dù là “Nữ Hoàng bên hữu Đức Vua” như Thánh Vịnh đáp ca cho biết, Mẹ vẫn ở bên chúng ta; lắng nghe, cứu giúp; bởi Chúa Giêsu đã trao tất cả chúng ta cho Mẹ. Qua Mẹ, Thiên Chúa chạm vào chúng ta với tình mẫu tử! Mẹ lên trời nhưng rất gần chúng ta, Mẹ đang đồng hành và dìu dắt chúng ta. Hãy tin tưởng Mẹ, năng chạy đến với Mẹ và nhất là noi gương Mẹ ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần. Mẹ là hoa quả đầu mùa, rồi cũng sẽ đến lượt chúng ta; để ngày kia, trên thiên quốc, chúng ta sẽ thưa với Mẹ, “Con cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ, Chúa cũng đã ‘nâng con lên cao!’”.

    Anh Chị em,

    Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ngài!”. Tin Mừng hôm nay cho biết, lời đầu tiên ‘Hoa Quả Đầu Mùa’ Maria thưa lên là, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!”. Với những lời này, có lẽ chúng ta đã quá quen, nên không còn để ý đến ý nghĩa của chúng. “Ngợi khen, nghĩa đen là phóng to”, “làm cho tuyệt vời”. Maria đã làm Thiên Chúa lớn ra; không thành vấn đề Ngài lớn bao nhiêu, nhưng Mẹ cảm thấy Thiên Chúa thật vĩ đại và Ngài phải vĩ đại hơn! Còn chúng ta, chúng ta thường để mình choáng ngợp bởi những khó khăn và bị hấp dẫn bởi bao nỗi sợ hãi! Đức Mẹ thì không, Chúa Vĩ Đại” là tiền đề của Mẹ. Từ tiền đề đó, Magnificat phát sinh, niềm vui được sinh ra: không phải do không có vấn đề, đến sớm hay muộn, nhưng niềm vui được sinh ra từ sự hiện diện của Chúa, Đấng đang ở cùng, ở trong… Đấng sẽ nâng chúng ta lên cao!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con trở nên người bạn của Thánh Thần, để ngày kia, Chúa cũng ‘nâng con lên cao’. Để được vậy, cho con mỗi ngày, biết hạ mình, và nâng anh chị em con lên!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - 15-8-2022

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Ngày 15/08: Đức Mẹ hồn xác về trời (Lc 1,39-56)

    Tin mừng: Lc 1, 39-56

    39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.

    40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét.

    41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần.

    42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

    43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

    44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.

    45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

    46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

    “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
    47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
    vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

    48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
    Người đoái thương nhìn tới;
    từ nay, hết mọi đời
    sẽ khen tôi diễm phúc.

    49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
    biết bao điều cao cả,
    danh Người thật chí thánh chí tôn!

    50 Đời nọ tới đời kia,
    Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

    51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
    dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

    52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
    Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

    53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
    người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

    54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
    55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
    vì Người nhớ lại lòng thương xót
    dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
    và cho con cháu đến muôn đời.”

    56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

    Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Mẹ Maria ý thức mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa, nên hoàn toàn tín thác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì vậy, Mẹ đã trở thành người có phúc và được Thiên Chúa nâng cao: cho lên trời cả hồn lẫn xác.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, hợp tiếng với Đức Mẹ, con dâng lời ngợi khen Chúa. Cuộc đời Mẹ là một chuỗi những hồng ân cao cả và kỳ diệu.

    Phần Mẹ, Mẹ luôn nhìn nhận Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn mọn. Mẹ không bao giờ để cho lòng ngờ vực cản trở chương trình của Chúa. Trái lại, Mẹ nhận ra thân phận nhỏ bé của mình, nên hoàn toàn tín thác vào chương trình cứu độ của Chúa. Mẹ chỉ biết buông theo ân sủng, sẵn sàng để cho Chúa dẫn đi. Vì thế, Mẹ rất xứng đáng với lời ca ngợi của bà Ê-li-sa-bét: Mẹ là người có phúc vì Mẹ đã tin. Nhờ lòng tin mà Mẹ đã đón nhận bao phúc lành của Chúa. Nhờ lòng tin mà trong cuộc đời Mẹ, hồng ân nối tiếp hồng ân.

    Lạy Chúa, nhìn lại cuộc đời con, con cũng nhận ra tất cả đều là hồng ân của Chúa. Tuy nhiên, Chúa không thể dẫn con đi xa hơn và lên cao hơn được vì con chưa vững tin vào chương trình cứu độ của Chúa. Đã nhiều lần con đã để cho cái lợi trước mắt và lòng ngờ vực cản trở công việc Chúa làm nơi con.

    Nhờ gương mẫu và lời chuyển cầu của Đức Mẹ, xin Chúa giúp con nhận ra những hồng ân kỳ diệu Chúa thực hiện trong đời con. Xin cho con vững tin vào Chúa, dám chìa tay ra để Chúa nắm lấy và dẫn đi theo con đường Chúa muốn. Amen.

    Ghi nhớ: “Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ BẢY

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Bảy tuần 19 Thường niên năm II - Tôn trọng trẻ nhỏ (Mt 19,13-15)

    Tin mừng: Mt 19, 13-15

    13 Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.

    14 Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng chân thành và đầy yêu thương. Cùng với các trẻ em, những ai biết sống chân thành và đầy tình yêu thương, sẽ được Chúa đón nhận và chúc lành.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương và ôm các thiếu nhi vào lòng, chẳng phải vì vóc dáng dễ thương nhưng vì các em sống đơn sơ và chân thành. Một em bé đánh mất lòng đơn sơ chân thành chẳng đáng là công dân Nước Trời. Ngược lại, một người lớn mà vẫn giữ được lòng đơn sơ chân thành như trẻ thơ vẫn đáng được Chúa đón nhận.

    Chính Chúa là Đấng chân thành và đầy lòng yêu thương. Chúa đòi hỏi những ai muốn ở với Chúa cũng phải đơn sơ, chân thành và sống chan hòa yêu thương.

    Lạy Chúa, xin giúp con đến với Chúa trong tình yêu mến chân thành của trẻ thơ. Xin đừng để con đến với Chúa để cầu lợi, vì khi ấy con đã trở thành con buôn đến với Chúa. Đừng để con đến với Chúa mà khoe khoang như người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, vì con sẽ chẳng đáng Chúa thương. Đừng để con đến với Chúa mà mặc cảm như ông Giu-đa, không dám xin Chúa tha thứ, vì như thế Chúa chẳng cứu được con. Xin dạy con sống đơn sơ chân thành: biết cám ơn Chúa về điều tốt đẹp nơi con, biết xin Chúa thứ tha cho những điều thiếu sót, biết trình bày những thiếu thốn khó khăn và phó thác trong tay Chúa.

    Lạy Chúa, dù con còn bé hoặc đã trưởng thành, xin cho con biết giữ mãi tinh thần trẻ thơ để con mãi mãi ở trong tay Chúa và đáng được Chúa chúc lành. Amen.

    Ghi nhớ: “Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NỘI NGUYỄN - CN20TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SUY NIỆM/CẢM NGHIỆM SỐNG PHÚC ÂM

    CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM C (14/8/2022)

    ---ooOoo---

     CHÚA GIÊSU KITÔ THỔ LỘ CÕI LÒNG

    “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian

    và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”(LUCA 12, 49)

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Các môn đệ chắc phải giật mình khi nghe Chúa thổ lộ tâm tư thầm kín của mình: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên” Các môn đệ hiểu Thày mình muốn gì khi chia sẻ những điều quan trọng  và riêng tư ấy.

    Đóc và suy niệm bài Phúc âm Chúa Nhật XX Thường Niên Năm C hôm nay,  chúng ta hãy cố gắng hiều những mạc khải mà Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ xưa và chúng ta ngày nay.

    II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 12,49-53:  Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

     

    III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 12,49-53: Những mạc khải của Chúa Giêsu:  

    3.1 “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”  Chúa Giêsu đã đến trần gian không phải đi tay không mà Người đem theo LỬA để đốt cháy các thục tại trần gian và tâm hồn con người. Chúa Giêsu mong lửa ấy bùng chày ở khắp mọi nơi, để lửa ấy thanh tẩy và thánh hóa tất cả. Hẳn nhiên là Chúa Giêsu không làm viêc ấy một mình mà Người cần đến sự hợp tác của các môn đệ trong mọi thời đại, trong đó có thời đại của chúng ta.

    3.2 “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”  Để làm cho lửa bùng ở trong lòng mọi người và trong mọi môi  trường gia đình và xã hội Chúa Giêsu phải trải qua cuộc Vượt Qua tức cái chết và sự sống lại mà Người gọi  là Phép Rửa, phép rửa bằng nước và bằng máu. Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Người đón nhận phép rửa mà Người đã thiết lập để biến các Kitô hữu thành ch thể sống động của Người.

    3.3 “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” Sự hiện điện và giáo lý của Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình phải chọn lựa. Vì thế mà trong mỗi người hay mỗi cộng đoàn có sự xâu xé không thể tránh khỏi: đứng về phía Chúa Giêsu hay đứng về phía đối nghịch với Người.

    IV. THỰC THI LỜI .CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 12,49-53:      

    4.1 Ý thức mình là môn đệ, là bạn hữu của Chúa Giêsu Kitô: Đó chính là điều cơ bản và quan trọng nhất trong đời sống đức tin của chúng ta. Quả thật mỗi người chúng ta đã được Chúa Giêsu Kitô chọn làm môn đệ làm bạn hữu thân tình của Người. Và Chúa Giêsu Kitô đã hành xử với chúng ta với tứ cách là thầy và là bạn hữuthân tình.

    4.2 Sống như môn đd65 như bạn hữu với Chúa Giêsu Kitô: Điều cơ bản và quan trọng thứ hai trong đời sống đức tin của chúng ta là chúng ta không sống tư cách môn đệ và bạn hữu của Cúa Giêsu Kitô. Là môn đệ thì chúng ta phải mô phỏng lại lối sống của Thầy, phải bước theo chân Thầy chí thánh Giêsu Kitô. Là bạn hũu thân tình thì chúng ta phải sống gắn bó mật thiết với Bạn Chí ái Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là bạn của chúng ta

     

    V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 12,49-53:       

    Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con, Người đã thổ lộ cõi lòng của Người với chúng con để chúng con sống tư cách là môn đệ và là bạn hữu của Người.  Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.

     Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN GIÁO DÂN:

    1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho ngày càng có nhiều người nghe được lời tâm tình của Chúa Giêsu mà đáp lại.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2.- «Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất »  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho mọi thành phần của Hội Thánh, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để mọi Kitô hữu biết quý trọng con đường từ bỏ và chết đi để được sống đời đời bên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3.-«Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu sốngt kiên cường trong chọn lựa của mình. 

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    LỜI KẾT:

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con. Người đã trải cõi lòng với chúng con và mời gọi chúng con làm môn đệ và làm bạn hữu của Người. Xin Cha ban cho chúng con ơn dũng cảm để chúng con đáp lại tấm lòng và lời mời gọi của Con Cha. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

    Sàigòn ngày 13 tháng 8 năm 2022 

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  

     

     

     

     

     

    --

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TS DUYỆT -

  •  
    DM Tran
     
     

    THA BAO NHIÊU? THA CHO AI?

     

    Suy niệm và CẢM NGHIỆM sống

    Phúc Âm Mt 18:21-35

    Trần Mỹ Duyệt

     

     

    Chủ điểm trích đoạn Tin Mừng của Thánh Mátthêu hôm nay nói về tha thứ. Một chuyên viên thuế khóa nên sở trường về nợ nần và tha thứ, chính vì thế, ông đã ghi lại câu hỏi của Phêrô với Thầy mình về vấn đề này:

    Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Và Chúa Giêsu đã trả lời:  “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”

     

    “Tha cho nhau đến bảy mươi lần bảy.” Đây là một đòi hỏi quá cao đối với quan niệm bác ái lúc bấy giờ. Thông thường lời dạy của các Rabbi là từ 2-3 lần. Tha như vậy là đủ. Việt Nam ta cũng có quan niệm tương tự: “Qúa tam ba bận”. Nhưng đối với Thiên Chúa thì hành động tha thứ mà con người dành cho nhau như vậy là chưa đủ. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi con người xúc phạm đến Ngài, làm những điều tội lỗi mà giới răn Ngài đã cấm không được làm, những lỗi lầm ấy làm sao có thể đền trả? Ai sẽ tha những món nợ tinh thần này? Để có thể hiểu được sự tha thứ Thiên Chúa dành cho con người, cũng như sự tha thứ mà con người cần phải có đối với nhau, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh so sánh do Thánh Mátthêu đã ghi lại qua ý nghĩa của dụ ngôn sau:

     

    Một thường dân nợ ông vua 10 ngàn nén vàng (ten thousand talents). Và một người bạn nợ bạn mình 100 nén bạc (one hundred denarii). Cả hai đều phải trả nợ, Cả hai đều không có khả năng trả. Nhưng sự tha thứ mà hai con nợ nhận được lại rất khác nhau. Ông vua tha hết. Tha vô điều kiện. Người bạn kia bắt nhốt bạn mình vào tù cho đến khi trả xong nợ.

     

    Để hiểu thêm về tầm quan trọng và giá trị các món nợ, cũng như khả năng người trả nợ, chúng ta cũng nên biết những món nợ ấy nếu tính theo thời giá bây giờ như thế nào. Theo đó, món nợ mà người thường dân nợ ông vua có giá trị bằng tiền nhân công của 200.000 năm, tương đương với 60 triệu ngày làm, và khoảng 3, 48 tỷ đồng. Còn nợ mà người này cho bạn mình vay chỉ tương đương 4 tháng lương, trị giá 5.800 đồng. Một sự khác biệt quá lớn, và quá khác nhau.

     

    Nhưng ý nghĩa của dụ ngôn này không liên quan đến vấn đề nợ nần và tiền bạc. Ý chính của nó là mặc khải cho con người biết về lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta mới nhận ra rằng việc con người xúc phạm đến Ngài thật quá lớn lao, rất phạm thượng, vô phép và không gì có thể đền đáp được, ngoại trừ tình thương tha thứ của Ngài. Đây cũng là lý do đã khiến Ngôi Hai Thiên Chúa phải từ trời xuống thế và chịu chết để đền thay cho nhân loại. Mầu nhiệm Nhập Thể được tìm thấy từ ý nghĩa của dụ ngôn này.

     

    Với những lỗi lầm mà con người đối với nhau tuy có gây ra những tổn thất nặng nề về tài sản, tinh thần, tâm lý và thể lý, nhưng tất cả cũng chỉ là nhỏ mọn, có thể chấp nhận và tha thứ, bởi vì: “Nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên, những điều này không thể đem so sánh với những việc chúng ta đã làm khi xúc phạm đến Thiên Chúa.

     

    Qua dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ, và người này trở thành chủ nợ, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là trước những lỗi phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình, con người phải thống hối ăn năn, kêu van lòng thương xót của Ngài. Đối với những món nợ mà con người mắc với Thiên Chúa, tự chúng ta, chúng ta không thể đền trả được. Nếu không van xin Ngài, tội chúng ta vẫn còn đó. Nhưng để được Ngài tha thứ, việc đầu tiên phải làm là thống hối ăn năn, đến với Phép Giải Tội. Bí Tích Hòa Giải là nơi mà con người cần tìm đến để xin ơn tha thứ.

     

    Nhưng sau khi Thiên Chúa đã tha cho chúng ta thì sao? Dĩ nhiên, chúng ta phải xin sự tha thứ của tha nhân. Chúng ta cũng phải tha cho nhau nữa. Dụ ngôn hôm nay lập lại lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” (Mt 6:12) Nợ đây gồm cả nợ vật chất lẫn tinh thần. Và để đi vào chi tiết thực tế, qua những gì được ghi lại trong Thánh Kinh, chúng ta phải tha thứ cho nhau không chỉ 1, 2 hoặc 3 lần, hoặc như Phêrô đã đề nghị là 7 lần, mà 70 lần 7 có nghĩa là 490 lần cho một người khi họ xúc phạm đến ta theo như Chúa Giêsu đã dạy.

     

    Thử hỏi trong cuộc sống, có ai đã xúc phạm đến chúng ta 490 lần chưa? Nhưng nếu có thì cũng phải tha, bởi vì chúng ta nợ Chúa không chỉ 490 lần mà là rất nhiều lần, trong nhiều trường hợp.          

     

    Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều này, đó là món nợ mà con người mắc với Thiên Chúa thì vô cùng lớn lao, và không thể trả nổi. Không có gì đền trả nổi. Nhưng một điều xem như trái với suy nghĩ của con người, là thay vì bắt trả nợ, hàng ngày Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, quan phòng, săn sóc và ban nhiều ơn phúc cho chúng ta. Vậy chúng phải làm gì với anh chị em mình mỗi khi họ xúc phạm đến chúng ta?

     

    Kết luận thực hành phải chăng, đó là chúng ta phải tự nhủ mình cần siêng năng đến với Tòa Cáo Giải, tức Tòa Thương Xót, để lãnh nhận sự tha thứ và bình an, và luôn suy niệm, thực hành lời Kinh Lạy Cha: “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”