LỜI CHÚA CÓ ỨNG NGHIỆM TRONG ĐỜI TÔI?
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm C
Hôm nay chúng ta nghe phần mở đầu của sách Tin Mừng theo Thánh Luca, được ghi chép lại từ những “người đã được chứng kiến ngay từ đầu” (Lc 1:2) những câu chuyện về Chúa Giêsu. Những người này là nhân chứng về Chúa Giêsu, là cha ông của chúng ta trong đức tin vì “đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta” (Lc 4:2). Thánh sử viết về sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu bằng cách thuật rằng “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lân cận. Ngài giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4: 14-15).
- Lắng nghe lời công bố của Chúa Giêsu
Đoạn sách mà Chúa Giêsu đọc là của Isaia, vị đại ngôn sứ 700 năm trước: “Thần khí của Chúa là Chúa Thượng ngự trên TÔI, vì Chúa đã xức dầu tấn phong TÔI, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61: 1-2).
Chúng ta thử hình dung cảnh tượng này: những người lần đầu tiên nghe thấy Chúa Giêsu đứng lên đọc Sách Thánh và cất tiếng nói trong hội đường: “Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh… Ngài bắt đầu nói với họ: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:16, 21). Họ không biết những lời Ngài nói đó ám chỉ điều gì. Những lời đó liên quan đến Ngài như thế nào. Cõi lòng họ hẳn đã cháy bỏng hy vọng và khao khát Đấng mà vị đại ngôn sứ đã mô tả trong đoạn Sách Thánh mà họ vừa nghe. Lẽ nào Rabbi Giêsu này là Đấng đó? “Chúa đã xức dầu tấn phong TÔI, để TÔI loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai TÔI đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4: 18-19). Trong đôi mắt họ ánh lên niềm hy vọng ấp ủ từ lâu tận cõi lòng, nay được bộc lộ ra, hướng về Rabbi Giêsu này: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài” (Lc 4:22).
Tất nhiên, sách Tin Mừng được viết ra nhiều năm sau khi Chúa Giêsu đã hoàn tất cuộc đời và sứ mệnh của mình nơi trần thế. Vì vậy, sách Tin Mừng cho biết những gì đã diễn ra trong cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu, và minh chứng Chúa Giêsu là niềm hy vọng, là lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Ngài là Đấng được xức dầu tấn phong làm Đấng Mêsia, công bố thời kỳ hồng ân của Thiên Chúa. Ngài đem lại tự do cho người bị áp bức, sự tự do mà tất cả mọi người đều mong ước cho cuộc sống của mình, vốn bị giam cầm trong mù tối, cả thể chất lẫn tinh thần.
Trong những tuần lễ đầu tiên của một năm phụng vụ mới, chúng ta có thể học cách lắng nghe Lời Chúa Giêsu theo một cung cách mới. Trong Thánh lễ, khi được công bố, Lời Chúa Giêsu trở thành Sự Hiện Diện thực sự của Ngài. Sự hiện diện thực sự này, nếu được chúng ta quan tâm và thực lòng đón nhận, sẽ làm nên con người đích thực của chúng ta, như những cá nhân và như một cộng đoàn Hội Thánh, gắn bó với Chúa Giêsu. Việc lắng nghe Lời Chúa thật quan trọng đối với đời sống đức tin của các tín hữu. Phụng vụ và lời công bố Tin Mừng trong mỗi Thánh lễ đều dạy chúng ta cách sống trong trần thế như thế nào, khao khát Chúa như thế nào, cần đến Chúa và phục vụ người lân cận như thế nào, để chúng ta được thứ tha tội lỗi, được sáng soi tâm hồn, có được tự do của người con Chúa, được lãnh nhận mọi hồng ân của Đấng đã công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).
Đọc các đoạn Tin Mừng và các bài thánh thư hoặc trước hoặc sau mỗi Thánh lễ, trong lặng lẽ một mình, mỗi ngày, là điều đáng khích lệ. Chúng ta không thể hiểu Lời Chúa chỉ bằng cách nghe trong Thánh lễ, rồi sau đó thì thôi. Mỗi người chúng ta phải tự mình làm quen với các hình ảnh, các câu chuyện, các nhân vật, toàn bộ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, để bước vào Thánh lễ, hoặc tiếp tục sống Thánh Lễ, mỗi lần mỗi trọn vẹn hơn. Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh lễ nằm trong lời công bố Tin Mừng, trong hình bánh và hình rượu trở thành Mình Thánh và Máu Thánh của Ngài, và trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta. Là những người đã lãnh phép rửa tội, chúng ta đầy tràn Thần Khí của Chúa Kitô, trở nên chi thể trong Nhiệm Thể sống động của Ngài, như Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai hôm nay, đã khẳng định: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất…Vậy anh em, anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cor 12: 13, 27). Chúng ta hãy mở các Sách Thánh, cụ thể là sách Tin Mừng theo thánh Luca, đọc các câu chuyện cuộc đời của Chúa Giêsu và bước vào mối tương quan cá vị với Ngài. Rồi ra, chúng ta sẽ dần được biến đổi thành những gì chúng ta cử hành trong Thánh lễ, thành Thân Mình của Chúa Kitô, trong trần thế.
- Sống lời công bố của Chúa Giêsu Kitô
Mục đích của sách Tin Mừng Luca là giới thiệu Chúa Giêsu cho độc giả là những người Do Thái sống ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng Hy Lạp, hoặc cho độc giả không phải là người Do Thái, không quen văn hóa Do Thái. Một số khái niệm và từ ngữ của người Do Thái đã được tác giả trình bày rất ngắn gọn và rõ ràng bằng tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, Sách Tin Mừng của Thánh Luca được viết trước hết là để đọc chung trong một nhóm Kitô hữu tụ họp trong một ngôi nhà, khi họ cùng nhau chia sẻ Bữa Ăn của Chúa. Vì thế, Thánh Luca hướng sự chú ý của mình vào những sứ điệp đặc thù của Kitô giáo hơn là những bận tâm của thế giới Hy-La thời đó.
Cũng vậy, chúng ta có thể nghe linh mục hoặc ai đó đọc Tin Mừng, nhưng việc đó sẽ không giúp chúng ta tiến lên trong đời sống đức tin chừng nào chúng ta chưa chú tâm vào sứ điệp của Chúa Giêsu, chưa có ý định tìm biết ngày càng rõ ràng hơn về con người của Ngài. Có sự khác biệt giữa việc nhớ một vài câu chuyện trong cuộc đời Chúa Giêsu và việc nhận biết đầy đủ về chính Ngài là ai trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Lời Chúa Kitô có dần biến đổi đời tôi không và đời tôi có dần trở nên xứng hợp với Lời Chúa Kitô không? Xin cho Lời Chúa Kitô ứng nghiệm trong đời tôi.
Thánh Luca bắt đầu sách Tin Mừng của mình bằng lời tựa gửi đến Thêôphilê, tiếng La tinh là Theophilus. Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ Theophilus được viết là Θεόφιλος. Đây là một danh từ kép gồm hai chữ θεός – Thiên Chúa – và φιλία – tình yêu hoặc trìu mến. Chữ Theophilus có thể dịch là tình yêu của Thiên Chúa hay người yêu mến Thiên Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, thì chữ Theophilus có thể là một danh từ chung, ám chỉ những người yêu mến Chúa, và có thể ám chỉ bất cứ Kitô hữu nào, dù hầu hết những nhà chú giải đều coi điều đó ám chỉ đến một người trở lại Kitô giáo và là người bảo trợ cho Luca viết sách Tin Mừng. Ở đây, Luca thông báo cho Thêôphilê về ý định của mình, đó là dẫn người đọc đến với một giáo huấn vững chắc thông qua một tường thuật “đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” và được “tuần tự viết ra” (Lc 1:3) “về những sự kiện đã được ứng nghiệm giữa chúng ta” (Lc 1:1). Tuy nhiên, Luca không có ý định chứng minh cho Thêôphilê về lịch sử Kitô giáo, vì đó là “những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu” (Lc 1:2), nhưng để khuyến khích đức tin: “mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn mà ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Lc 1:4).
Thánh Luca mong muốn đưa các độc giả của ngài vào câu chuyện cuộc đời của Chúa Giêsu và qua đó giúp họ nâng con người của họ lên tới Chúa Giêsu. Thánh Luca, vốn là “Anh Luca, thầy thuốc yêu quý” (Côlôsê 4:14), mong muốn chữa lành đời sống của họ, vốn “nghèo hèn…bị giam cầm… mù tối… bị áp bức” (Lc 4: 18) cả vật chất lẫn linh hồn. Trong bối cảnh như thế, các câu mở đầu của sách Tin Mừng Luca tưởng như ít quan trọng, nhưng trái lại.
Cũng vậy, khi tham dự Thánh lễ, nghe công bố Lời Chúa, chúng ta không chỉ nhắm lợi ích của riêng mình, mà còn cầu nguyện cho người nghèo, người bị tù đày, người đói khát, những người mà cuộc sống của họ đang gánh chịu những hậu quả của các hệ thống bất công. Chúng ta xin cho Lời Chúa Kitô ứng nghiệm nơi tất cả mọi người trong thế giới.
Có thể nhiều người thời Chúa Giêsu đổ xô đến với Ngài vì vô vọng trong cuộc sống, chúng ta ngày nay không như thế sao? Cả những người ngày nay đang ít nhiều khước từ Ngài, giống như những người đồng hương tại quê nhà Nadarét của Ngài (Lc 4: 16, 23, 24, 29), lại không có khát khao sâu xa được cứu độ sao? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo viết: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người, mọi người đều cần ơn cứu độ, và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô” (số 389). Con người ngày nay đang phải chịu đựng những căng thẳng, các mối tương quan tan vỡ, bệnh tật, mất mát, cái chết của những người thân yêu và sự trống rỗng trong sâu xa cõi lòng, không ngừng lao vào làm việc, vào hoạt động, rồi tìm kiếm lạc thú trong tiêu dùng, trong hưởng thụ, quên mất rằng cái chết, vốn hư vô hóa mọi sự, đang chờ đợi mọi người. Trong một thế giới không có Chúa Giêsu, cuộc sống của con người chỉ gồm những thú vui chóng qua, những nỗi đau ngày càng tăng không thể tránh khỏi, cùng sự mơ hồ đáng sợ vào cuối cuộc đời. “Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cùng cực về của cải vật chất, sự đàn áp bất công, các bệnh tật thể lý và tâm thần, sau cùng là cái chết; tất cả những sự khốn cùng của con người này là dấu chỉ cho thấy tình trạng yếu đuối nguyên thủy, mà sau tội đầu tiên của ông Ađam, con người sống trong đó, và đó cũng là dấu chỉ cho thấy sự cần thiết của ơn cứu độ; những nỗi khốn cùng đó đã lôi kéo lòng thương xót của Chúa Kitô, Đấng Cứu độ, Đấng đã muốn mang lấy những nỗi khốn cùng đó khi Ngài đồng hóa mình với ‘những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây’, Mt 25,40.45” (GLHTCG, số 2448).
Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta Ơn Khôn Ngoan để chúng ta có thể nhận ra thực tế của thân phận phàm nhân chóng qua của chúng ta cần được Chúa Kitô cứu độ. Xin “quyền năng Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu” (Lc 4:14) cũng thúc đẩy chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày, tìm đến gần “Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta, bởi vì Ngài là đích điểm cuộc hành trình dương thế của chúng ta” (Đức Thánh Cha Phanxicô, buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 18/12/2024).
Phêrô Phạm Văn Trung