5 Phút cho Lời Chúa ngày 19/01 – 25/01/25

19/01/25 Chúa nhật tuần 2 tn – c

Ga 2,1-11

 

làm việc bổn phận

Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ nước đầy vào các chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. (Ga 2,7-8)

Suy niệm: Hết rượu giữa chừng, nhà đám bối rối. Đức Ma-ri-a nhờ Chúa Giê-su can thiệp. Các gia nhân đổ nước vào các chum đá theo ý Chúa Giê-su. Và phép lạ đã xảy ra. Nghe kể lại chuyện này, ít ai để ý tới những gia nhân phục vụ vất vả. Thông thường họ vẫn đổ nước đầy các chum để dùng vào việc tẩy rửa theo nghi thức thanh tẩy của người Do thái. Hôm nay họ chu toàn cũng một phận sự đó nhưng theo lời Chúa Giê-su, nước lã đổ vào đã trở thành rượu ngon. Gia nhân đã cộng tác vào dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su để vinh quang Chúa được tỏ bày.

Mời Bạn: Sự gì xảy ra nếu những gia nhân này không đổ nước vào các chum? Biết bao nhiêu giáo viên, công nhân,… vẫn theo gương của các gia nhân: họ làm các việc bổn phận hằng ngày theo tinh thần Phúc Âm như lời Chúa dạy. Cuộc sống đầy những cống hiến những hy sinh cao đẹp như một thứ rượu ngon cho đám tiệc cuộc đời, là dấu lạ giữa cõi đời ô trọc. Họ đã làm nhân chứng cho Chúa Ki-tô trong môi trường sống của mình.

Sống Lời Chúa: Dù ở địa vị nào, tôi ý thức mình là tôi tớ của Thiên Chúa, tôi làm điều mình phải làm. Trung thành chu toàn bổn phận trong tinh thần đức tin là chọn lựa cơ bản của tôi để làm chứng cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tại Cana, Chúa đã biến nước lã thành rượu ngon. Xin Chúa biến những hy sinh nhọc nhằn trong cuộc sống thường ngày của chúng con thành lời rao giảng cho vinh quang Chúa và làm cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

 

20/01/25 Thứ hai tuần 2 tn

Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo

Mc 2,18-22

 

đạo đức vì ai?

Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,18-19)

Suy niệm: Chính việc ăn chay, tự nó không hẳn là một việc đạo đức, vì người ta có thể có nhiều lý do để ăn chay. Có người ăn chay vì lý do sức khoẻ; như để chữa bệnh. Có người vì lý do thẩm mỹ: để giảm béo, chẳng hạn. Cũng có người ăn chay để tu luyện võ công, để rèn tập nhân cách… Chúa Giê-su nói khách dự tiệc ăn chay hay không chung qui cũng là vì chàng rể. Việc ăn chay chỉ trở thành việc đạo đức khi người ta ăn chay: – để biểu lộ sự đồng cảm với Đức Ki-tô; – để diễn tả nỗi khao khát muốn gặp Ngài; – để dâng lời khẩn cầu tha thiết muốn được Chúa đáp lời. Nói rộng ra, không riêng gì việc ăn chay, các việc gọi là đạo đức khác chỉ trở thành việc đạo đức khi chúng ta làm vì Chúa, vì yêu Chúa. Và ngay cả những công việc đời thường của chúng ta cũng có thể biến thành việc đạo đức nếu chúng ta làm với ý thức vì Chúa và vì yêu mến Ngài.

Mời Bạn: Hoá ra việc nên thánh đâu có ở xa ngoài tầm tay của bạn. Chất liệu của một cuộc sống thánh thiện nằm ngay trong những công việc hằng ngày của bạn. Chỉ cần bạn làm cho chúng thấm đầy tình yêu Đức Ki-tô là đủ. Bạn hãy đề ra một công việc chung để cùng nhau làm với ý thức giúp cả cộng đoàn nên thánh.

Sống Lời Chúa: Dành một phút cầu nguyện trước khi làm bất cứ việc gì.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin dâng việc con sắp làm đây. Xin Chúa giúp con hoàn thành việc này cách tốt đẹp vì yêu Chúa, và để phục vụ tha nhân. Amen.

 

21/01/25 Thứ ba tuần 2 tn

Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo

Mc 2,23-28

 

chúa là chủ thời gian

Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,28)

Suy niệm: Ngày sa-bát của người Do Thái tiên báo và tiên trưng cho Ngày thứ Nhất trong tuần, ngày Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, ngày trở thành Chúa Nhật, tức là Ngày của Chúa. Khi xác quyết rằng “Con Người làm chủ ngày sa-bát,” Chúa Giê-su muốn nói rằng Thiên Chúa đã ban ngày sa-bát cho dân Do Thái, thì Ngài với tư thế là Ngôi Hai Thiên Chúa, có quyền đem lại ý nghĩa đích thực cho ngày sa-bát, cũng như qui định, giải thích ý nghĩa ấy. Ý nghĩa ấy là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ cho thiện ích của con người. Chúa là chủ của ngày sa-bát, là chủ của thời gian. Con người có thể đặt ra một số luật lệ làm cho thời gian thêm ý nghĩa, nhưng không được lạm dụng, đưa ra những qui định khắt khe giữ luật ngày nghỉ, làm méo mó khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, Đấng ưu ái ban cho con người ngày nghỉ ngơi hằng tuần.

Mời Bạn: Thánh hóa ngày Chúa Nhật vừa vươn tới Thiên Chúa, Đấng ban tặng ngày ấy cho mình, vừa mang tính nhân văn, hướng về tình yêu thương đồng loại. Bạn ghi nhớ hai chiều của việc thánh hóa Chúa nhật hầu có thể tôn vinh Thiên Chúa qua việc dâng lễ, và phục vụ tha nhân bằng việc thăm nom, nâng đỡ người thân cận.

Sống Lời Chúa: Ngày Chúa Nhật bạn ưu tiên dành thời gian tham dự thánh lễ, thăm viếng, ủi an những người neo đơn bất hạnh, cũng như quan tâm săn sóc con cái, gia đình…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn có đó, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời. Xin cho con đừng bao giờ đổi thay tình con với Chúa. Xin cho con cảm nhận nhu cầu cần gặp gỡ Chúa mỗi ngày Chúa Nhật.

 

22/01/25 Thứ tư tuần 2 tn

Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo                                            

Mc 3,1-6

 

ngày sa-bát nên làm gì?

Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. (Mc 3,2)

Suy niệm: Luật Do Thái qui định chỉ được chữa bệnh vào ngày sa-bát trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Người bại tay này rõ ràng không gặp tình huống nguy hiểm đến mạng sống, có thể để qua ngày sa-bát chữa bệnh cho anh ta cũng chẳng sao. Thế nhưng, Chúa Giê-su muốn tái lập nhận thức mục đích cao cả của việc thánh hóa ngày sa-bát: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Hễ đã là điều lành thì phải nhanh chóng thực hiện không trì hoãn, nhất là là việc cứu người. Ta không thể khoanh tay đứng nhìn một người anh em đang đau ốm khi có thể làm gì để giúp đỡ họ. Luật lệ có nghĩa gì khi luật lệ ấy không làm gì ích cho con người, nhất là với người đang đau khổ? Bác ái là điều phải làm bất cứ lúc nào, ngày nào; riêng ngày sa-bát còn phải đặc biệt ưu tiên cho việc bác ái hơn nữa.

Mời Bạn: Não trạng bảo thủ, đạo đức giả, gàn dở… khiến cho việc phục vụ con người bị đình trệ hoặc bị biến chất thành tiêu cực, thụ động, và dần dà bóp nghẹt con tim yêu thương của người đối với người. Chữa lành người bại tay trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su muốn khai thông, thay đổi cách ứng xử duy luật lệ của người Do Thái.

Sống Lời Chúa: Đang sống trong Năm Thánh, năm đề cao sự tha thứ, làm việc lành phúc đức, bạn nên có cái nhìn bao  dung và khoan dung hơn khi nhận xét về người khác, kẻo lỗi đức bác ái và sự công bằng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con sống quảng đại với anh chị em như Chúa từng đối xử đại lượng với chúng con. Amen.

 

23/01/25 THỨ NĂM TUẦN 2 TN

Mc 3,7-12

 

HÃY ĐỂ CHÚA THU HÚT

“… người ta lũ lượt đi theo Người.” (Mc 3,7)

Suy niệm: Phúc âm Mác-cô giới thiệu một bức tranh sinh động nơi Biển Hồ: “Người ta lũ lượt đi theo Người…, người ta lũ lượt đến với Người,… ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” Khi xuất hiện công khai, Đức Giê-su tạo ra “hiện tượng” thu hút đám đông, vì người ta nghe biết Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, trừ quỷ… Các thần ô uế kinh sợ, quy phục Đức Giê-su, nhưng Người không cho chúng tiết lộ về thần tính của Người. Đám đông đi theo Đức Giê-su, bởi những gì Người đã làm chạm đến thân phận, cuộc sống, nhất là trái tim của họ. Khi để Đức Giê-su thu hút, họ sẽ phải đấu tranh với tiếng nói bên trong mình, đi ra khỏi cái thường nhật, thói quen, vùng an toàn của mình.

Mời BạnMỗi người chúng ta đều có ‘vấn đề’ rất riêng của mình, dường như chính bạn cũng không biết sự tồn tại của nó. Khi trong trái tim bạn có sự thúc đẩy, nhắc nhở để lựa chọn giữa việc phục vụ, cảm thông với người khác và việc quy hướng về mình, giữa sự lựa chọn điều tốt và điều xấu, giữa việc dừng lại một chút, đọc một kinh, tham dự Thánh lễ, viếng Thánh Thể hay vui chơi không lành mạnh, lướt mạng hàng giờ, tán gẫu,… những lúc như vậy, bạn có nghĩ mình đang được thu hút bởi Bạn Giê-su chăng? Bạn có tin rằng cuộc sống của bạn bị ‘thu hút’ bởi tình yêu và lòng thương xót của Bạn Giê-su? Và bạn có để cho Ngài thu hút không?

Sống Lời Chúa: Ngay lúc này bạn lặng thinh và tâm sự với Chúa, với Mẹ Ma-ri-a một lời nguyệ từ đáy lòng bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho ánh mắt và tình thương Chúa thu hút và chạm đến con người, cuộc sống, trái tim con mãi. Amen.

 

24/01/25 Thứ sáu tuần 2 tn

Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT            

Mc 3,13-19

 

để là tông đồ của chúa

Rồi Chúa Giê-su lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-14)

Suy niệm: Có những người không đi theo Chúa Giê-su như các môn đệ nhưng vẫn có thể nhân danh Ngài mà trừ quỷ (x. Lc 9,49). Khả năng trừ quỷ không phải là “độc quyền” của các môn đệ và vì thế cũng không phải là “dấu vết riêng” để xác định căn tính của người môn đệ Đức Ki-tô. Nhân dịp chọn gọi và thiết lập Nhóm Mười Hai, Chúa cho chúng ta biết tiêu chuẩn xác định căn tính người môn đệ là: (1) được Chúa gọi đến; (2) đến để ở với Ngài; (3) ở với Ngài để được sai đi. Để làm môn đệ của Chúa Giê-su thì phải “ở với Ngài” cách trọn vẹn từ khi “được kêu gọi” đến lúc “được sai đi”. Nếu không có mối quan hệ thân thiết với Chúa Giê-su thì chưa phải là người môn đệ đích thực của Ngài.

Mời Bạn: Người ta có thể làm điều tốt – làm việc từ thiện chẳng hạn – dưới nhiều động cơ và danh nghĩa khác nhau, nhưng như thế chưa đủ để gọi là tông đồ của Chúa. Việc dấn thân phục vụ của bạn sẽ thiếu “chất ki-tô” nếu bạn chưa “ở với Chúa”. Bạn chỉ là tông đồ thực thụ khi bạn sống thân thiết với Ngài trước khi đem Ngài đến với người khác qua cuộc sống dấn thân phục vụ.

Sống Lời Chúa: Đầu mỗi ngày, bạn dành ít phút hồi tâm nhớ Chúa và cầu nguyện với Ngài, để nhờ đó mọi việc bạn sắp làm trong ngày sẽ được biến thành một việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã kêu gọi con làm môn đệ Chúa, để con tận hiến cho Chúa ngay ở giữa thế gian này. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để con luôn ở với Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.

 

25/01/25 Thứ Bảy tuần 2 tn

Th. Phao-lô tông đồ trở lại.
Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất         

Mc 16,15-18

 

nước Thiên Chúa đến gần

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,15)

Suy niệm: Sinh thời, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng đã ao ước được đi khắp năm châu để rao giảng Tin Mừng. Ngày 22/11/08, cộng đoàn Chúa Ba Ngôi, dòng Cát Minh tại Texas đã chấp thuận lời thỉnh nguyện của đại tá Ron Garan, trao cho ông một mẫu di vật của thánh nữ để ông này mang lên không gian trong chuyến làm việc sắp tới của ông trên tàu vũ trụ con thoi Discovery vào tháng 5 năm sau đó. Niềm ao ước của chị thánh nay có dịp thể hiện qua một dấu chỉ mang chiều kích vũ trụ. Chị thánh đã đồng cảm với mối ưu tư lớn lao của Chúa Giê-su: Gio-an Tẩy Giả vừa mới bị Hê-rô-đê bắt giam, Chúa vẫn mạnh dạn thực hiện sứ vụ công khai bằng việc rao giảng Tin Mừng. Sau đó, Ngài chọn gọi các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Mệnh lệnh cuối cùng của Ngài cũng là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Mời Bạn: Ga-li-lê của việc rao giảng Tin Mừng là chính trần thế này với tầm mức rộng nhất. Đó là những anh chị em đồng loại của chúng ta đang cần được đón nghe Lời Chúa. Đó là những lãnh vực văn hoá, xã hội, chính trị, v.v… đang cần được thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng. Ga-li-lê còn mở rộng đến tất cả mọi vật trong vũ trụ này đang mong chờ được thành toàn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. Rm 8,19-21). Còn bạn, đâu là ‘Ga-li-lê’ mà hôm nay Chúa sai bạn đến rao giảng Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Thăm và chia sẻ một cử chỉ bác ái với một gia đình lương dân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám từ bỏ lối sống ích kỷ, cầu an, hưởng thụ, để chia sẻ với Chúa sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.