5 Phút cho Lời Chúa ngày 26/01 – 31/01/25
- Details
- Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
26/01/25 Chúa nhật tuần 3 tn – c
Lc 1,1-4; 4,14-21
Lời Chúa ĐƯỢC ứng nghiệm
“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe.” (Lc 1,21)
Suy niệm: Chúa Giê-su khẳng định rằng lời tiên báo về Đấng Mê-si-a được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Những lời mạc khải đầy ý nghĩa này mở ra một kỷ nguyên mới, thời đại của ơn cứu độ: “Tin Mừng cho người nghèo; chữa tâm hồn sám hối; giải thoát kẻ bị tù; người mù được thấy; tự do cho kẻ bị áp bức” (Lc 4.19). Qua đó, ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn trung tín thực hiện lời hứa của Ngài vào đúng thời điểm. Thời điểm “hôm nay” không chỉ là thời Chúa Giê-su, mà cả thời hiện đại trong cuộc đời ta. Để Lời ấy được ứng nghiệm trong đời sống hằng ngày, ta cần thường xuyên đọc Lời Chúa, dành thời gian suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi nỗ lực thực hiện Lời ấy mỗi ngày.
Mời Bạn: Khi nghe hoặc đọc Lời Chúa, chúng ta cần tự hỏi: “Đoạn Thánh Kinh này đang được ứng nghiệm trong đời tôi thế nào?” Lời Chúa không chỉ để nghe để đọc mà còn để suy gẫm và để sống. Chúa mời gọi bạn đáp lại bằng niềm tin tưởng, rồi qua việc làm cụ thể, đặc biệt qua việc sống phục vụ, thực thi công lý.
Chia sẻ: Cử tọa trong hội đường Na-da-rét năm nào đã ngạc nhiên khi Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Đấng làm ứng nghiệm Lời Thiên Chúa, bởi họ không nhận ra Ngài là Đấng được sai đến. Còn bạn, bạn có thực sự nhận ra Chúa trong những người bé mọn, hay các biến cố thường ngày không? Nếu chưa, bạn sẽ làm gì để Lời Chúa trở thành hiện thực?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện, đang ngỏ lời với chúng con qua Lời Chúa và qua tha nhân. Xin cho chúng con được biến đổi, Lời Chúa được ứng nghiệm nơi chúng con, bằng lối sống tin – cậy – mến. Amen.
27/01/25 Thứ hai tuần 3 tn
Th. An-giê-la Mê-ri-si, trinh nữ
Mc 3,22-30
tội phạm đến Thánh Thần
“Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)
Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của ta, bất cứ tội nào, miễn là ta ăn năn sám hối, xin Ngài tha thứ. Thế nhưng, có một tội Ngài xác quyết không bao giờ được tha: tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần. Tội ấy là tội gì mà nghiêm trọng đến vậy? – Thưa, là không nhận ra tội lỗi của mình, cũng chẳng thấy khi phạm tội, mình xúc phạm đến Thiên Chúa nhân lành, khước từ ơn cứu chuộc Thiên Chúa ban cho ta qua Thánh Thần của Ngài nhờ thập giá Chúa Ki-tô. Không phải Thiên Chúa không tha thứ cho họ, mà do họ đóng cửa tâm hồn, không đón nhận Ngài. Làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho những người không cần đến Ngài?
Mời Bạn: Có thể bạn không đến mức độ khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa, chẳng cần đến lòng thương xót của Ngài. Tuy nhiên, lắm lúc phạm tội trọng, nhưng bạn vẫn ‘bình chân như vại’, khi bạn tự bào chữa chỉ là tội nhẹ, hoặc nhiều khi thiếu sót lớn trong bổn phận, trách nhiệm của bậc sống, song tâm hồn chẳng thấy áy náy chút nào; hay khi bạn ích kỷ, gạt bỏ tình nghĩa với người anh em, hình ảnh của Chúa.
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi tìm cơ hội để làm một việc tốt lành cho người chung quanh, nói lên lòng tin tưởng Thiên Chúa hiện diện nơi người anh em, thực thi Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con nhận mình là Ki-tô hữu, nhưng lắm khi lại không sống theo Lời Chúa dạy. Làm vậy chẳng khác gì chúng con từ chối chính Chúa. Xin cho chúng con ý thức sự thiếu sót của mình, và sống xứng với danh nghĩa là Ki-tô hữu. Amen.
28/01/25 thứ ba tuần 3 tn
Th. Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ HT
Lc 1,39-55
TẠ ƠN NGÀY CUỐI NĂM
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46)
Suy niệm: Thiên Chúa đã ban cho ta 365 ngày trong năm qua; do đó, dành ra ngày cuối năm để bày tỏ lòng biết ơn Ngài là điều phải đạo. Với lòng tri ân, ta nhận ra một năm qua với bao sự kiện nối tiếp nhau không vô nghĩa nhưng là trong bàn tay quan phòng yêu thương của Ngài. Với lòng tri ân cảm tạ, ta sống ngày cuối năm với sự an bình nội tâm, và hướng về năm mới, Năm Thánh 2025, năm của người lữ hành trên đường hy vọng. Khi sống tâm tình tạ ơn, ta có được một thứ hoa trái quý giá cho cuộc sống, đó là niềm vui. Nhà thần học K. Barth nói rằng niềm vui là hình thức đơn giản nhất của lòng biết ơn. Ta vui khi sống tâm tình biết ơn, ta mừng như một cung cách bày tỏ lòng tri ân với ân nhân của mình. Vì thế, ngày tạ ơn cuối năm phải là ngày vui 24/24 giờ, bù lại những ngày u ám buồn tẻ khi lòng biết ơn chưa ghi đậm nét nơi trái tim mình.
Mời Bạn: Niềm vui ấy trước hết rộn ràng nơi tâm hồn, rồi cũng được diễn tả trên khuôn mặt của người con cái Chúa. Một khuôn mặt lúc nào cũng cau có, bực tức, không thể thường xuyên xuất hiện nơi dung mạo người ghi khắc lòng tri ân Thiên Chúa, vị Đại Ân của đời mình. Bạn thử soi gương nhìn vào khuôn mặt bạn, xem đâu là cảm xúc ‘thường trú’ nơi khuôn mặt ấy.
Sống Lời Chúa: Tối nay, sau thánh lễ tất niên, tôi hay cả gia đình quỳ trước bàn thờ gia đình, cùng đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, suy niệm 5 Phút Lời Chúa, và tạ ơn Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa vì bao thiếu sót lầm lỗi, và cũng tạ ơn Chúa vì vô vàn ân huệ Chúa ban cho con trong năm qua. Amen.
29/01/25 Thứ tư tuần 3 tn
Mồng Một Tết Ất Tỵ
Mt 6,25-34
lời chúc đầu năm của Chúa
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau những điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa thừa biết”. Ngài sẵn lòng “ban thêm” cho chúng ta những điều đó, sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều thân dốc sức “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới, bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.
30/01/25 thứ năm tuần 3 tn
Mồng Hai Tết Ất Tỵ – Kính nhớ Tổ tiên
Mt 15,1-6
điều răn hiếu thảo
Thiên Chúa dạy: “Hãy thờ cha kính mẹ.” (Mt 15,4)
Suy niệm: Mọi dân tộc đều coi việc “thờ cha kính mẹ” là bổn phận thiêng liêng cao quý nhất. Người Việt Nam còn coi đó là đạo: đạo hiếu. Nhưng đó không phải là “đạo” do con người đặt ra mà chính Thiên Chúa đã “đặt” trong lương tâm nhân loại. Điều răn thứ bốn, Chúa dạy: “Hãy thờ cha kính mẹ.” Trong Cựu Ước, thảo hiếu là một trong những giáo huấn quan trọng nhất: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai” (Cn 6,20); kẻ nào đánh đập, nguyền rủa cha mẹ thì phải chết (Xh 21,15.17); còn ai thảo kính cha mẹ thì được sống lâu và hạnh phúc (Xh 20,12; Đnl 5,16). Chúa Giê-su lên án người Do Thái đã đặt ra những luật lệ để phế bỏ bổn phận thảo hiếu do Chúa ban truyền khi họ viện cớ đã dâng của cải vào việc thờ phượng để không phải phụng dưỡng cha mẹ nữa. Làm như thế là họ đã “dựa vào truyền thống của con người mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,2).
Mời Bạn: Gia đình trong văn hoá Việt Nam là nơi bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Trào lưu xã hội ngày nay đang làm cho cơ cấu gia đình bị lung lay và nhiều giá trị đạo đức đó bị phế bỏ. Mời bạn nỗ lực bảo vệ sự thánh thiêng của gia đình qua việc giữ tròn đạo hiếu như lời Chúa dạy.
Chia sẻ: Cái gì đang làm cho việc hiếu thảo gặp khó khăn: sự cảm thông giữa những thế hệ? việc tôn kính, vâng lời? ảnh hưởng xã hội?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bày tỏ lòng thảo kính đối với cha mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương hiếu thảo khi sống vâng phục Đức Mẹ và thánh Giu-se, xin giúp con biết sống vâng phục như Chúa.
31/01/25 thứ sáu tuần 3 tn
Mồng Ba Tết: Thánh hóa công ăn việc làm
Mt 25,14-30
THÁNH HÓA NGHỀ NGHIỆP
“Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)
Suy niệm: Sau những ngày ‘ăn’ Tết vui tươi, thư giãn, ta lại trở về với nhịp sống bình thường, nghĩa là trở lại với công ăn việc làm quen thuộc. Người Ki-tô hữu lao động không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn muốn góp phần làm cho thế giới, công trình sáng tạo của Thiên Chúa, được tốt đẹp hơn. Họ làm việc vất vả không chỉ để nuôi sống, trợ giúp gia đình, nhưng còn muốn bày tỏ tình yêu thương với những người thân trong gia đình qua công việc lao nhọc ấy. Họ xác tín rằng Chúa không đánh giá họ theo công việc nào, tay chân hay trí óc, văn phòng hay ngoài đồng, bằng cấp chuyên môn hay lao động phổ thông, nhưng chỉ xét họ làm với tinh thần nào, cung cách ra sao. Họ lao động với lương tâm nghề nghiệp, đức tin thể hiện bằng việc làm cụ thể hằng ngày.
Mời Bạn: Thánh hóa công ăn việc làm không chỉ là xin cho năm mới làm ăn được thuận lợi, nhưng chủ yếu là siêu nhiên hóa công việc làm ăn ấy. Nghĩa là qua lao động, bạn hướng về Chúa, làm đẹp lòng Ngài khi đặt trái tim vào công việc nghề nghiệp mỗi ngày: Tình yêu dành cho Ngài và cho tha nhân. Đồng thời cũng ghi nhớ rằng chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ phải ra trước tòa Chúa, để tường trình cho Ngài về nén bạc nghề nghiệp Ngài tin tưởng phó thác cho bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một nghề nghiệp để sống, xin Chúa cho tôi biết thánh hóa nghề nghiệp, để qua các sản phẩm mình làm ra, tôi góp phần làm vinh danh Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình, góp một phần nhỏ làm cho xã hội được tốt đẹp hơn. Amen.
Nguồn: Giáo Phận Đà Nẵng