5 Phút cho Lời Chúa ngày 01/02 – 08/02/25
- Details
- Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
01/02/25 Thứ bảy đầu tháng tuần 3 tn
Mc 4,35-41
đức tin là nguồn hy vọng
Chúa Giê-su ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ư?” (Mc 4,39-40)
Suy niệm: Người làm nghề đi biển phải thường xuyên đối mặt với cuồng phong bão tố, nên mỗi chuyến ra khơi, họ đều chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những cơn hiểm nguy sóng to gió lớn. Thế mà, các môn đệ, vốn là những ngư phủ lão luyện, hôm nay đã phải một phen kinh hoảng tưởng chừng “chết đến nơi rồi” trước cơn sóng gió dữ dội. Chỉ khi đụng phải giới hạn của sức người, họ mới gọi Thầy mình. Trong tâm thế tuyệt vọng, họ vẫn nghĩ Ngài chỉ là một người bình thường lại vô tâm nữa; họ đã đánh thức Ngài với giọng điệu trách móc: “Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Nhưng khi Chúa lệnh truyền cho sóng yên gió lặng, họ mới kinh ngạc và nhận ra Thầy mình không phải là một phàm nhân mà là Đấng mà “cả gió và biển cũng phải tuân lệnh”.
Bạn thân mến, chỉ vì kém lòng tin mà các môn đệ tưởng mình không còn lối thoát trong lúc nguy nan. Hẳn là không ít lần bạn cũng như các môn đệ, tưởng Chúa vắng mặt khi bạn đi qua những khúc quanh tăm tối trên con đường đời của bạn. Thực ra Ngài vẫn đồng hành với bạn. Bạn đừng vội thất vọng nhưng hãy xin Chúa ban thêm đức tin cho bạn vì: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn nhớ tới Chúa và xin Ngài ban thêm đức tin cho bạn để bạn luôn vững lòng trông cậy vào Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn trông cậy vào Ngài.
02/02/25 chúa nhật tuần 4 tn – c
Dâng Chúa trong đền thánh Lc 2,22-40
để nhận ra Chúa
“Ông Si-mê-on là người công chính và sùng đạo… Bà An-na không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa…” (Lc 2,25.37)
Suy niệm: Khi thánh cả Giu-se và Đức Ma-ri-a dâng Con vào Đền Thờ, ắt hẳn tại đó đã có đông đảo dân chúng cũng như các thầy tư tế, những thầy thông luật và cả những người Pha-ri-sêu nữa. Hẳn họ cũng nhìn thấy Hài Nhi Giê-su nhưng chỉ thấy Người giống như bao trẻ sơ sinh khác. Chỉ có hai cụ già, ông Si-mê-on và bà An-na, nhận biết Hài Nhi này chính là “Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Để nhận biết và bồng ẵm Chúa Hài Nhi, dù chỉ một lần, hai ông bà đã phải chờ đợi suốt cả một đời người đằng đẵng, một cuộc đời công chính và “sớm hôm thờ phượng Chúa” tại Đền Thờ. Thiên Chúa đến ở với con người, nhưng chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé mọn mới được diễm phúc nhận ra Ngài.
Mời Bạn: Đức Giê-su được “đem lên Đền Thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa” nhưng thực ra khi Con Chúa giáng sinh, Thiên Chúa đã đi bước trước để ‘dâng mình’ cho chúng ta. Ngài đã hạ mình thẳm sâu để ở với chúng ta, thì chúng ta cũng phải hạ mình sống đơn sơ bé mọn để có thể gặp và nhận biết Ngài. Ngày lễ dâng Chúa trong đền thờ được đặt làm “Ngày Cầu Nguyện cho Đời Sống Thánh Hiến” tức là cho các tu sĩ. Các tu sĩ qua đời sống dâng hiến của họ làm chứng cho chúng ta cũng biết dâng mình cho Chúa bằng một đời sống tương quan cá vị và thân thiết với Ngài.
Sống Lời Chúa: Trong ngày, bạn dành thời gian dành riêng cho Chúa để cầu nguyện thân tình với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết hiến dâng chính mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.
03/02/25 Thứ hai tuần 4 tn
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo Mc 5,1-20
giá trị một mạng người
Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra và thấy kẻ trước đây bị quỉ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo. (Mc 5,14-15)
Suy niệm: Thế là quá rõ Chúa Giê-su đánh giá trị một con người cao như thế nào! Để cứu chỉ một mạng người, Ngài dám “xử” luôn cả một đàn heo hai ngàn con cho đâm đầu xuống biển! Chưa hết, Ngài còn bị dân địa phương trục xuất, chịu mất đi một cơ hội tốt để rao giảng Tin Mừng cho vùng đất ngoại giáo này. Thế cũng còn quá rẻ bởi Ngài còn sẵn sàng trả giá đắt hơn nữa để cứu thoát chúng ta: Ngài sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống Ngài nữa, mạng sống của một vị Thiên Chúa!
Mời Bạn thử liệt kê xem có bao nhiêu cách người ta coi những thứ khác trọng hơn mạng sống và phẩm giá con người: Nhân danh công ăn việc làm? Nhân danh sức khoẻ, sắc đẹp, lợi nhuận? Nhân danh sự an ninh và thịnh vượng quốc gia? Bạn nhớ và nhắc người khác nhớ rằng nếu như một ‘người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm’ như cái anh chàng bị quỉ nhập kia mà Chúa còn ra tay cứu vớt thì người nào chà đạp lên phẩm giá con người – dù đó là phẩm giá một thai nhi, một người tội lỗi – người đó đang chống lại chính Chúa!
Chia sẻ: Trong môi trường nghề nghiệp, tại nơi bạn sinh sống đang có những hình thức hạ giá nhân phẩm nào?
Sống Lời Chúa: Bắt đầu thực thi sự kính trọng con người qua lời nói: tuyệt đối loại bỏ những lời thô lỗ, cục cằn, tục tĩu; trái lại luôn dùng những lời lịch sự, có văn hoá, có bác ái để nói với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa coi trọng phẩm giá con người mà Chúa tạo dựng, vì thế, Chúa đã xuống thế làm người chịu chết để ban ơn cứu độ; xin dạy con biết luôn tôn trọng anh chị em con như tôn trọng chính Chúa. Amen.
04/02/25 Thứ ba tuần 4 tn
Mc 5,21-43
lời quyền năng
“Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. (Mc 5,41)
Suy niệm: Sách Các Vua thuật lại việc Chúa cho con trai của bà goá ở Xa-rép-ta đã chết được hồi sinh nhờ lời khẩn xin của ngôn sứ Ê-li-a (x.1V 17,17-24). Phúc Âm Mác-cô cũng kể lại việc con gái ông trưởng hội đường Gia-ia sống lại, nhưng lần này không phải nhờ lời khẩn cầu vị ngôn sứ mà là do chính Đức Giê-su truyền lệnh: “Ta-li-tha kum, này bé, Ta truyền cho con trỗi dậy đi”. Quả thật, Đức Giê-su đã khẳng định: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,21). Chúa dùng chính lời quyền năng của Ngài mà truyền cho em bé đã chết được sống lại để minh chứng rằng: Ngài là “sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Ngài thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
Mời Bạn: Cái chết là đáy cùng của tuyệt vọng bởi vì người ta dù có làm gì đi nữa cũng không thể thoát khỏi nó. Thế nhưng, khi chẳng còn gì để hy vọng chúng ta lại tìm thấy hy vọng (x. Rm 4,18) trong Đức Ki-tô, Đấng đã chịu chết và sống lại để, những ai tin vào Ngài, sẽ được sống muôn đời. Trong Năm Thánh “Những người hành hương của hy vọng”, chúng ta được mời gọi đặt niềm tin và hy vọng vào Ngài, Đấng là nguồn hy vọng của chúng ta. Dù có đau khổ, hiểm nguy, và ngay cả cái chết, chúng ta vẫn hy vọng, vì “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô” (x. Rm 8,39).
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì bạn đọc kinh Sáng Soi và dâng việc sắp làm để làm vinh danh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn trông cậy vào Chúa, vì ở bên Chúa con sẽ không thất vọng bao giờ. Amen.
05/02/25 Thứ tư đầu tháng tuần 4 tn
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo Mc 6,1-6
phá bỏ bức tường thành kiến
Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4)
Suy niệm: Hóa ra, trong hành trình rao giảng của Đức Giê-su, một trong những nơi ‘khó nhằn’ nhất lại là chính quê hương của Người. Hình ảnh ‘bác thợ’ Giê-su quá quen mắt đối với dân làng Na-da-rét lại trở thành bức tường che mắt khiến họ không nhận ra vị Thầy đang “giảng dạy như Đấng có thẩm quyền” (Mc 1,22) đó lại chính là Đấng Ki-tô. Hơn nữa, thành kiến ‘bụt nhà không thiêng’ ấy còn thêm nặng nề vì những con mắt đố kỵ của những người đồng hương: “Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” Thật đúng như lời trong Phúc âm Gio-an: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Bạn thân mến, khi bạn tự nhốt mình trong bốn bức tường thành kiến, bạn sẽ không thể mở được cặp mắt tâm hồn của bạn để nhận biết những nét đẹp, những ưu điểm của anh chị em mình; hơn nữa bạn cũng đánh mất niềm vui khi khám phá rằng tha nhân và cả chính bạn có khả năng biến đổi mỗi ngày để trở nên hoàn thiện hơn; và tệ hại nhất là bạn có nguy cơ không nhận ra Chúa hiện diện nơi tha nhân và nơi chính bạn nữa.
Sống Lời Chúa: Để chữa trị căn bệnh thành kiến nơi mình, mỗi ngày bạn tìm cho bằng được một ưu điểm, hay một điều tích cực nơi người mà bạn khó ưa nhất và bạn cầu nguyện cho người ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin Chúa giúp con phá bỏ bức tường thành kiến nơi con để con đón nhận tha nhân với một con tim quảng đại và khiêm nhường, và nhờ đó con yêu mến Chúa hiện diện nơi họ. Amen.
06/02/25 Thứ năm đầu tháng tuần 4 tn
Th. Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo Mc 6,7-13
được gọi để được sai đi
“Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.” (Mc 6,7a)
Suy niệm: Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giê-su “kêu các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông và gọi làm tông đồ” (Lc 6,13). Chắc chắn Đức Giê-su hữu ý chọn ‘Mười Hai’ như đại diện Mười Hai chi tộc Ít-ra-en để thể hiện mối liên hệ với sứ mệnh đặc biệt của họ trong việc thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới của Tân Ước. Họ được chọn gọi làm ‘môn đệ’ Đức Giê-su để ở lại và học đòi theo gương Thầy Chí Thánh. Nhưng họ còn được đặt làm ‘tông đồ’ để được sai đi với sứ mệnh loan báo Tin Mừng để những ai tin vào Ngài thì được cứu độ.
Mời Bạn: Sứ mệnh loan báo Tin Mừng được Đức Giê-su ký thác cho Nhóm Mười Hai, nay được chuyển thông cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội không chỉ là lời tuyên xưng ‘Tôi tin’ cách cá nhân mà còn là một lời đồng tuyên xưng trong một Hội Thánh ‘công giáo và tông truyền’ để cùng tham dự vào sứ mệnh của toàn Giáo Hội. Sứ mệnh đó là vinh dự và trách nhiệm cao cả mà mỗi người Ki-tô hữu phải hy sinh dấn thân với sự xác tín và trung thành.
Sống Lời Chúa: Mỗi lời nói, mỗi việc làm cũng như mọi giao tiếp trong mối tương quan gia đình, xã hội của bạn đều có thể chuyển biến thành một hành động loan báo Tin Mừng khi bạn thực hiện chúng với tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, hay nói chung, theo giáo huấn của Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã gọi con tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin Chúa ban cho con sức mạnh và lòng can đảm để sống đức tin, làm chứng cho tình yêu Chúa mọi ngày trong suốt đời con. Amen.
07/02/25 Thứ sáu đầu tháng tuần 4 tn
Mc 6,14-29
lắng nghe tiếng lương tâm
Vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân. (Mc 6,20)
Suy niệm: Ca dao có câu: “Hùm giết người hùm ngủ; người giết người thức đủ năm canh”. Đó cũng là tâm trạng dằn vặt của vua Hê-rô-đê khi bị Gio-an Tẩy giả khiển trách về việc ông cướp vợ của anh mình. Tuy đã bắt Gio-an tống ngục nhưng Hê-rô-đê vẫn ngầm che chở vị ngôn sứ. Một đàng ông nhận thức hành động của mình là cực kỳ vô luân sai trái. Đàng khác ông vẫn không từ bỏ lòng ham mê tửu sắc. Nhà vua vẫn dan díu với bà Hê-rô-đi-a, lại còn đắm chìm trong ca vũ tiệc tùng. Trong một lúc cao hứng vui mắt vì điệu vũ của con gái bà Hê-rô-đi-a, Hê-rô-đê đã lỡ lời: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Một lời hứa liều trước mặt bá quan văn võ làm sao rút lại, vua đành cho chém đầu Gio-an Tẩy giả theo lời xúi bẩy của bà Hê-rô-đi-a. Gio-an Tẩy giả đã chết như một vị ngôn sứ, nhưng hành động táng tận lương tâm đó sẽ cứ dày vò Hê-rô-đê mãi không thôi.
Mời Bạn: Tiếng lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa đặt để trong thâm tâm của mỗi người. Tiếng nói của lương tâm là mệnh lệnh tuyệt đối: phải làm điều lành và xa lánh điều dữ. Vâng nghe tiếng lương tâm đem lại bình an tâm hồn. Ngược lại, phớt lờ tiếng nói của lương tâm, để chạy theo dục vọng thì sẽ chỉ nhận được dằn vặt và bất an.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét xem một ngày qua mình đã nghe tiếng lương tâm thế nào và xin Chúa ban ơn hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con có lương tâm phản ánh tiếng nói của Chúa. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn vâng nghe, ngõ hầu chúng con chỉ làm điều lành và lánh điều dữ.
08/02/25 Thứ HAI TUẦN 4 TN
Th. Giô-sê-phi-na, trinh nữ Mc 6,30-34
theo nhịp điệu đời sống
“Chính anh em hãy riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)
Suy niệm: Một người đốn củi thuê mải mê làm việc, tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền. Sau ba ngày làm việc anh bị chủ sa thải. Lý do là vì mải làm, anh quên mất mài dụng cụ, khiến năng suất những ngày sau suy giảm. Cũng vậy, đời sống gồm có hai nhịp: hoạt động và nghỉ ngơi, gặp Chúa, thờ phượng Ngài và gặp gỡ, phục vụ con người. Ta không thể làm việc với năng suất cao nếu không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Tương tự, ta không thể sống đạo tốt nếu không có thời gian tiếp xúc với Chúa, sống mối tương giao thân tình với Ngài trong thinh lặng. Sau khi các môn đệ kết thúc hành trình truyền giáo, Đức Giê-su nhắc các ông thời gian “mài dụng cụ,” để công việc tông đồ các ông sẽ khởi sắc hơn.
Mời Bạn: Bạn chỉ có thể phục vụ người khác trong vui tươi và với lòng yêu mến khi bạn tiếp sức với Đấng là nguồn sự sống, để nhận sức mạnh nâng đỡ của Ngài. Bạn sẽ là môn đệ trung tín của Chúa nếu bạn dành cho Ngài một chút thinh lặng với Ngài mỗi ngày. Mời bạn xem xét làm sao để tạo sự quân bình giữa hai nhịp trong đời sống của bạn.
Sống Lời Chúa: Duyệt xét lại đời sống, xem tại sao mình hay nóng giận, dễ gắt gỏng; dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện riêng, tâm sự với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi bị rã rời vì trăm công nghìn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Ngài. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được nhờ mang đôi cánh thần kỳ cầu nguyện.
(Rabbouni)