5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

THỨ NĂM 23/11/23 – TUẦN 33 TN    

  Lc 19,41-44

Thánh Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo

BÌNH AN HÔM NAY

“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19,42)

Suy niệm: Ngày 07/10/2023 đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông. Sau khi bị đánh úp bất ngờ, quân dân Israel lại ‘vùng lên’ trả đũa gấp nhiều lần với tất cả quyết tâm của mình. Bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa khóc thương cho Giê-ru-sa-lem, và tiên báo cuộc khởi nghĩa của người Do Thái chống lại Rô-ma năm 70, với cái kết bi thảm là thành đô bị thất thủ, tàn phá bình địa: “Sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào.” Đức Giê-su khóc không chỉ vì hậu quả đau thương khốc liệt của cuộc chiến. Ngài còn khóc vì dân Chúa “đã không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” và “những gì đem lại bình an” cho họ. Bình an hôm nay là chính Đức Giê-su, Đấng khiêm tốn ngồi trên lưng lừa tiến vào Giê-ru-sa-lem, để viếng thăm và cứu độ Dân Người.

Mời bạnNgay cả hôm nay Chúa Giê-su cũng khóc. Bởi vì chúng ta yêu thích con đường chiến tranh, con đường ghét ghen và con đường hận thù… Thế giới tiếp tục gây chiến. Thế giới chưa hiểu được con đường của hòa bình” (Đức Phanxicô). Bạn đang ở trong con đường nào? Con đường ấy có thật sự đem bình an cho bạn chăng? Bạn nhớ Chúa sai bạn ra đi đến với từng nhà để nói: “Bình an cho nhà này” (x. Lc 10,5).

Sống Lời Chúa: Tôi ý thức loại bỏ những lời nói hành động gây thù hận, bất hoà, để kiến tạo bình an, hiệp nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm thấy bình an trong tâm hồn, rồi diễn tả bình an ấy trong đời mình.

 

THỨ TƯ 22/11/23 – TUẦN 33 TN   

Lc 19,11-28

Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo

HẬU QUẢ CỦA LƯỜI BIẾNG

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến.” (Lc 19,13)

Suy niệm: Chẳng lạ gì khi người đầy tớ không làm ăn sinh lợi bị thu hồi nén bạc ông chủ đã giao cho anh. Việc anh “bọc khăn, giữ kỹ” nén bạc của chủ chẳng qua là biểu hiện của sự lười biếng. Lười biếng là một trong bảy mối tội đầu, ở không, nhàn rỗi là nguồn gốc mọi sự dữ. Thật vậy, lười biếng là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ngồi lê đôi mách… phát triển, gây gương mù gương xấu cho trẻ em, sản sinh lớp người ăn bám xã hội. Thói xấu này như dây tầm gửi, gây hại cho đời sống gia đình, cộng đoàn, phải được loại trừ. Trong tương quan với Thiên Chúa và người khác, qua sự kiện chôn dấu nén bạc, người lười biếng cho thấy thói ích kỷ của mình. Nén bạc không được sinh lời là hình ảnh của người chỉ biết sống, quy về mình: tài năng, thời giờ, sức khỏe, của cải, đời sống chỉ dành cho mục tiêu, sở thích của mình, không sinh thiện ích gì cho vinh danh Chúa và phục vụ người lân cận.

Mời Bạn: Bạn không thể biết chắc chắn ngày nào giờ nào Chúa gọi mình về với Ngài. Do đó, bạn cần khôn ngoan đầu tư cho Ngân hàng Nước Trời bằng tài khoản thờ phượng yêu mến Chúa, nghĩa cử quảng đại hy sinh. Đừng để “nước đến chân rồi mới nhảy.”

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thực hành những việc bác ái yêu thương, quảng đại chia sẻ hy sinh, không có thời gian nhàn rỗi, là cội rễ mọi sự dữ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, được cộng tác làm việc với Chúa, xây đắp vũ trụ xinh đẹp, mưu ích cho nhân loại là vinh dự của con người chúng con. Xin cho  chúng con luôn chăm chỉ làm việc, xứng với địa vị của mình, góp phần làm vinh danh Chúa. Amen.

 

THỨ HAI 20/11/23 – TUẦN 33 TN  

   Lc 18,35-43

PHẨM GIÁ MỘT NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Người mù nói với Đức Giê-su: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Lc 18,41)

Suy niệm: Có một số người tàn tật lợi dụng sự khuyết tật của mình để lang thang xin ăn. Tệ hơn nữa, lại có một số người “hoá trang” làm người khuyết tật nhằm đánh động lòng thương xót của người khác, đi ăn xin như một phương thế kiếm tiền béo bở. Người mù thành Giê-ri-cô này ý thức mãnh liệt phẩm giá cao quí của mình: anh ta kêu gào bất chấp sự cản trở của đám đông; anh không có ý xin Chúa chén cơm manh áo qua ngày; anh xin Ngài phục hồi cho anh một chức năng quan trọng: cho anh được sáng mắt, nhờ đó anh có thể sống xứng với nhân phẩm của mình. Lời kêu gào đó không phải là một lời van xin làm hạ phẩm giá con người của anh. Đó là một yêu cầu được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Đứng trước những yêu cầu như thế, Đức Giê-su không bao giờ từ chối. Và Ngài còn làm nhiều hơn điều anh xin: Ngài cho anh được sáng và anh đi theo Ngài mà tôn vinh Thiên Chúa.

Mời Bạn: Đã qua rồi cái thời coi người khuyết tật là đối tượng của việc bố thí, cứu trợ. Cách thể hiện tình bác ái đích thực đối với anh em khuyết tật đó là giúp họ phát huy trọn vẹn phẩm giá của họ, và nhất là để họ cũng trở thành những tông đồ rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh qua những tật bệnh nơi chính thân xác mình.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy mời một người khuyết tật mà bạn quen biết, cùng với bạn tham gia vào một công tác tông đồ thích hợp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đau khổ, xin cho con được phục vụ Chúa nơi những người anh em bệnh hoạn tật nguyền. Và cho con biết rao giảng Chúa chịu đóng đinh nơi những tật bệnh trong thân xác con. Amen.

 

THỨ BA 21/11/23 – TUẦN 33 TN   

 Mt 12,46-50

Đức Mẹ dâng mình

TÌNH MẪU TỬ THIÊNG LIÊNG

“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su đặt câu hỏi: “Ai là mẹ tôi?” Đáp án không phải là Đức Ma-ri-a, Mẹ Ngài, đang đứng phía bên ngoài, nhưng là đám đông đang chăm chú lắng nghe Ngài. Chúa Giê-su cho thấy Thiên Chúa muốn thiết lập một đại gia đình thiêng liêng, ngoài gia đình truyền thống theo huyết tộc quen thuộc. Đó là Hội thánh, những người thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Chúng ta không ở ngoài, nhưng thuộc về đại gia đình của Chúa khi lắng nghe, thực thi thánh ý của Ngài. Theo ý nghĩa này, Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su gấp hai lần: khi cưu mang và sinh Chúa nơi hang đá, và nhất là khi liên lỷ suy đi nghĩ lại và thi hành ý muốn của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời mình. Việc Mẹ dâng mình trong đền thờ nói lên Mẹ hoàn toàn thuộc về Chúa và Mẹ luôn ý thức sâu xa mối liên hệ này khi hoàn toàn thuận theo thánh ý. Như vậy, Mẹ cũng là mẹ tất cả chúng ta qua việc lắng nghe, vâng giữ thánh ý Thiên Chúa.

Mời Bạn: Bạn và tôi cũng được Chúa thâu nhận vào gia đình của Ngài nếu như ta sẵn sàng lắng nghe, vâng theo ý Chúa. Mối dây liên kết thiêng liêng này biến chúng ta thành đại gia đình của Ngài, một Giáo hội, Dân Thiên Chúa. Mời bạn luôn ý thức tư cách đó và sứ mạng Chúa dành cho mình và làm cho mối dây ấy mỗi ngày được bền chặt hơn.

Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ, hành vi (như chắp tay, quỳ gối…) để thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, con thuộc về Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn thuộc về Chúa và Chúa thuộc về con, khi còn biết nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

 

THỨ BẢY 18/11/23 – TUẦN 32 TN   

  Lc 18,1-8

Cung hiến thánh đường thánh Phê-rô và Phao-lô

KIÊN TRÌ CẦU XIN

“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (Lc 18,7)

Suy niệm: Tình cảnh của bà goá này thật bi đát. Là goá phụ trong xã hội Do Thái, bà không có ai hay thế lực nào để cậy dựa. Gặp nỗi oan khiên, bà chỉ biết chạy đến cửa công để kêu cứu. Chẳng may, bà lại gặp phải ông quan toà ‘trên chẳng sợ trời, dưới chẳng nể ai’. Thế mà chỉ vì bà quá lì, cuối cùng, ông đã phải nhượng bộ xét xử vụ kiện của bà. Qua câu chuyện dụ ngôn đó, Chúa dạy các môn đệ: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Một ông quan toà bất chính và vô cảm mà còn đáp lại sự kiên trì cầu xin như thế, huống chi là Thiên Chúa, là Cha nhân từ, sao lại không chăm sóc cho những người con cái, “những kẻ Ngài đã tuyển chọn”? Dù thế, Chúa vẫn ưu tư liệu chúng ta có kiên trì cho đến cùng không: “Liệu khi Ngài đến, còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Mời Bạn: Biết bao người hiện nay đang phải chịu thống khổ vì chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… Phải chăng họ đã không cầu xin cho được tai qua nạn khỏi? Thế nhưng tại sao những tai ương vẫn không chấm dứt mà có khi còn trầm trọng hơn? Phải chăng bạn và tôi cũng đã từng và đang có tâm trạng cầu xin Chúa mà không được đáp lời? Qua dụ ngôn này, bạn còn nghi ngờ gì mà không xác quyết niềm tin vào Chúa và kiên trì trung thành với Ngài đến cùng?

Sống Lời Chúa: Sắp xếp một thời gian nhất định cầu nguyện với Chúa và quyết tâm trung thành với quyết định đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn trọn niềm tín thác và trung thành với cho Chúa đến cùngAmen.