5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

12/05/23 THỨ SÁU TUẦN 5 PS


Th. Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo
Ga 15,12-17

 

BẠN HỮU CỦA CHÚA

“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (Ga 15,14)

Suy niệm: Thiên Chúa không phải là một Đấng nào đó xa vời nhưng Ngài rất gần gũi với con người, gần gũi thân thiết như người cha, như người mẹ, hơn nữa như người bạn – không chỉ là người bạn bình thường mà là bạn chí thân, chí cốt, người bạn dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”. Thời đế quốc Rô-ma, hoàng đế Xê-da đôi khi phong tước “Bạn của Hoàng đế” cho một số người nhưng với điều kiện: họ phải là trung thần và đã lập được rất nhiều công trạng. Còn Chúa Giê-su, Ngài không đòi những kẻ theo Ngài phải lập nhiều công trạng nhưng Ngài gọi họ là bạn với điều kiện là họ thực hiện những điều Ngài truyền dạy. Mà điều Ngài truyền dạy là gì? – Thưa, đó chính là điều Chúa lặp đi lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay: “Điều Thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau”.

Mời Bạn: Muốn được kể là bạn thân thiết của Chúa Giê-su thì chính bạn càng phải “thực hiện” điều răn yêu thương của Chúa chứ không chỉ dừng lại trên lý thuyết mà thôi. Đây chính là ‘tiêu chuẩn’ để xét xem bạn có thực sự đang là bạn của Chúa hay không: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).

Sống Lời Chúa: Ngày nào bạn không có một hành động yêu thương nào, ngày đó kể như bạn đã không “sống”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp sức để con biết sống khiêm nhường và chan hòa yêu thương với tất cả mọi người để nhờ đó chúng con được kể vào số những người bạn hữu của Chúa, và ngày sau được hưởng hạnh phúc cùng Chúa trên Quê Trời. Amen.

11/05/23 THỨ NĂM TUẦN 5 PS


Ga 15,9-11

 

NHỰA SỐNG YÊU THƯƠNG

“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,10)

Suy niệm: Nhựa sống mà người môn đệ Chúa Giê-su nhận được từ “cây nho” chính là tình thương của Chúa. Tình thương của Chúa làm cho người môn đệ sống, lớn lên và  sinh hoa kết quả. Song Chúa không thể ép bất cứ ai nhận tình thương của Ngài. Chính người môn đệ chọn hoặc ở lại hoặc tách lìa Ngài. Điều kiện để ‘ở lại trong’ Chúa – như cành liền cây – là tuân giữ các điều răn của Ngài. Và các điều răn ấy gồm tóm chỉ trong một giới răn yêu thương mà thôi: Muốn ở lại trong Chúa, chúng ta phải yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta.

Mời Bạn: Chúng ta không thể ở lại trong tình thương của Chúa chỉ bằng cách quanh quẩn ở nhà thờ. Chúng ta tham dự phụng vụ, lãnh nhận bí tích, dĩ nhiên đó là điều cần thiết! Nhưng, xét về lượng thời gian thì vẫn là quá ít. Chúa mong đợi ta ở lại trong Ngài từng giây từng phút trong cuộc sống thường ngày với những con người chung quanh đời mình. Và hơn nữa, Chúa mong đợi ta ở lại trong Ngài với tất cả tấm lòng của ta.

Sống Lời Chúa: – Hôm nay bạn chu toàn các công việc bổn phận của mình trong tinh thần yêu thương phục vụ. -Khi gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, bạn hãy tâm niệm rằng đây là nơi Chúa Giê-su đang chờ đợi tôi ở lại với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường dễ có khuynh huớng khoanh vùng và phân ly quá mức hai lãnh vực “đạo” và “đời”. Xin Chúa dạy chúng con biết ở lại với Chúa 24/24 giờ bằng một đời sống tràn đầy tinh thần yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.

09/05/23 THỨ BA TUẦN 5 PS


Ga 14,27-31a
 

BÌNH AN CỦA CHÚA

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)

Suy niệm: Đã là người, ai cũng mong muốn bình an: cuộc sống đầy đủ tiện nghi, khỏe mạnh, không lo lắng và phiền muộn, không gặp phải những hoạn nạn, tai ương,… Tuy nhiên, bình an cũng có nhiều kiểu. Chúa hứa ban bình an cho các môn đệ nhưng “không theo kiểu thế gian”. Bình an của Chúa không hệ tại giàu sang phú quý mà là sự bình an trong cuộc sống bình dị, nghèo khó tại làng quê Na-da-rét. Và nhất là sự bình an của Chúa Giê-su qua lời nói: “Mọi sự đã hoàn tất” sau khi Ngài hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó đó là chịu khổ hình, chịu chết trên cây thập tự cứu độ nhân loại. Đó là thứ bình an “phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang” (x. Lc 24,26). Người môn đệ nhận bình an của Chúa cũng phải vượt qua mọi gian nan khốn khó để kiên trì trung thành bước theo Ngài với một niềm xác tín: “Tin vào Chúa và tin vào Thầy vì Thầy đã thắng thế gian.”

Mời Bạn: Theo quan điểm thế gian, càng nhiều tiền của, nhiều quyền lực, thì sự bình an càng được bảo đảm. Trái lại để hưởng bình an mà Chúa Ki-tô phục sinh hứa ban, bạn hãy kiên trì trung tín trước những gian nan, thử thách, dám sống một đời sống thanh thoát với vật chất, biết sẵn sàng phục anh chị em cách quảng đại và vô vị lợi.

Sống Lời Chúa: Tôi có lời nói và hành động tích cực để an ủi, chia sẻ với người hàng xóm gặp lo âu hoặc đau khổ, để họ cảm nghiệm được bình an của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban bình an của Chúa xuống trên chúng con, như xưa kia, Chúa đã trao ban cho các môn đệ, để tận sâu thẳm tâm hồn, chúng con an vui hạnh phúc vì có bình an của Chúa ở cùng.

10/05/23 THỨ TƯ TUẦN 5 PS


Th. Gio-an A-vi-la, linh mục, tiến sĩ HT
Ga 15,1-8

 

NHƯ CÀNH LIỀN CÂY

Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho… Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5)

Suy niệm: Những người thân khi phải xa nhau thường trao nhau kỷ vật và nhắc nhở nhau đừng xa mặt cách lòng. Ở đây, càng hơn thế, trong Bữa Tiệc chia tay, Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể để trao ban chính mình Ngài. Ngài không kỳ vọng ta nhớ Ngài như một hoài niệm. Ngài cũng không hiện diện để ta chỉ sống bên cạnh Ngài. Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho-cành nho để nói lên bản chất mối quan hệ giữa Ngài và các môn đệ. Ngài tha thiết mời gọi đến độ như năn nỉ các môn đệ ở lại với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho.

Mời Bạn: Hãy nhìn một cây bất kỳ nào đó với những cành của nó và cảm nghiệm mối liên hệ sự sống của bạn đối với Chúa Giê-su: – Điều gì sẽ xảy ra nếu cành bị cắt lìa cây, hay nếu vì lý do nào đó, mạch nhựa sống giữa cây và cành bị tắc nghẽn? – Rồi đến trường hợp cành vẫn gắn liền với thân cây, nhưng chỉ xum xuê tán lá chứ không sai quả, cần được cắt tỉa để có thể sinh nhiều hoa trái – những hy sinh, khổ chế trong cuộc đời bạn cũng có mục đích như thế.

Sống Lời Chúa: 1/ Sắp xếp chương trình sống để tham dự Thánh Lễ và rước lễ cách thường xuyên và ý thức hơn. 2/ Làm việc hy sinh là những sự cắt tỉa tự nguyện để lớn lên đúng căn tính của một môn đệ Chúa Giê-su hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết ở lại với Chúa như cành liền cây – và xin dạy con biết chấp nhận những hy sinh khổ chế cần thiết để lớn lên và trổ sinh hoa trái dồi dào. Amen.

08/05/23 THỨ HAI TUẦN 5 PS


Ga 14,21-26

 

VÂNG LỜI VÌ YÊU MẾN

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

Suy niệm: Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Đức Giê-su và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được. Dù thế, chính Chúa Giê-su đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Ki-tô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài : yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.

Chia sẻ: Giữa một việc lành nhưng được làm cách miễn cưỡng và cũng việc đó nhưng được làm cách tự nguyện vì yêu mến, có sự khác biệt rất sâu xa. Bạn làm gì để nhận ra sự khác biệt ấy?

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hoặc một việc công ích mà bạn cảm thấy ngại ngùng để làm với tâm tình mến yêu phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không xét theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn xem cõi lòng. Xin cho con biết tìm gặp Chúa qua những người anh em và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.