5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

21/04/23 THỨ SÁU TUẦN 2 PS


Th. An-sen-mô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 6,1-15
 

BÁNH CỦA LÒNG YÊU THƯƠNG

Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? (Ga 6,5)

Suy niệm: Một đôi lần hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông đi theo nghe lời Chúa hẳn không đáp ứng nổi cơn đói khát lương thực của người nghèo. Biết thế nhưng Chúa Giê-su vẫn làm phép lạ, vừa minh chứng quyền năng, vừa biểu lộ tình thương của Ngài với đông đảo dân chúng: “Thầy chạnh lòng thương đám đông (Mc 8,2). Việc chạnh lòng thương ấy được diễn tả cụ thể qua những tấm bánh không lao động mà vẫn được ăn no nê, thậm chí còn dư mười hai thúng đầy! Tình thương Chúa không dừng lại ở đám đông dân chúng ngày ấy, nhưng còn bao phủ con người qua mọi đời. Ngước mắt lên, Chúa Giê-su luôn thấy hiện ra đám đông bơ vơ không người chăn dẫn, đám đông có nguy cơ bị sói dữ ăn thịt. Đó là những anh chị em lạc xa đàn chiên Chúa.

Mời Bạn: Là môn đệ Chúa Ki-tô, ta cũng được mời gọi phụ giúp Ngài một tay:  tìm em bé có bánh và cá, bảo người ta ngồi xuống để nghe Chúa dạy dỗ, phân phát bánh và cá… như các tông đồ ngày xưa.  Ngoài việc tham gia các hội đoàn Công giáo, bạn có thể xem trong môi trường mình đang sống, mình có thể thực hiện những công việc tông đồ giáo dân nào? Qua bạn, người khác nhận được tấm bánh tình yêu, nghiệm thấy việc Chúa làm trong đời mình, đặt một dấu hỏi về sự hiện hữu của Ngài.

Sống Lời Chúa: Đọc các dấu chỉ Chúa đã và đang thực hiện cho ta hôm nay, ít ra tự vấn “Chúa muốn tôi làm gì” trong hoàn cảnh nọ, tình huống kia.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ngày xưa. Nay xin cho con cũng sốt sắng đến với Thánh Thể Chúa, để được Chúa ban nguồn sức sống thần linh, cũng như trở thành tông đồ Thánh Thể. Amen.

18/04/23 THỨ BA TUẦN 2 PS

Ga 3,7b-15 

“CẢNH VỰC THẦN LINH”

“Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)

Suy niệm: Nhìn mây bay, lá lao xao, cờ phất phới, hơi mát lướt qua làn da, ta biết có gió, gió đang thổi, không khí đang chuyển động. Ta không nhìn thấy gió nhưng ta biết chắc chắn có gió nhờ thấy hiệu quả hoạt động của nó. Đức Giê-su đã dùng hình ảnh của gió để nói lên sức tác động âm thầm nhưng mạnh mẽ của Thánh Linh nơi con người trong thế giới. Bằng những hoạt động phong phú của Ngài, – mượn một hình ảnh của cha P. Teilhard de Chardin – Chúa Thánh Thần dùng quyền năng sáng tạo bao bọc thế giới này trong một “cảnh vực thần linh”, là môi trường sinh thái thần linh cho mọi hoạt động của những người được tái sinh làm con cái Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhớ rằng từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, bạn đang hít thở, sinh sống, lớn lên trong môi trường Thánh Thần. Mỗi khi bạn cầu nguyện, đọc Lời Chúa, chia sẻ với nhóm Lời hằng sống ấy, mỗi khi bạn nỗ lực chống lại các khuynh hướng xấu, quên mình để phục vụ tha nhân, là bạn đang lớn lên trong và nhờ Thánh Thần.

Sống Lời Chúa: Thức dậy bắt đầu một ngày sống, bạn hãy nhớ ngay đến Chúa Thánh Thần, dâng mọi việc bạn sẽ làm trong ngày cho Chúa. Và vì ý thức mình đang sống trong môi trường sinh thái Thánh Thần, bạn sẽ xa tránh tội lỗi để không làm ô nhiễm môi trường Thánh Thần ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con hay quên lãng Chúa vì Chúa hoạt động quá âm thầm và kín đáo. Xin nâng đỡ chúng con luôn bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa trong từng phút giây của cuộc đời. Amen.

16/04/23 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – A

Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20,19-31
 

THƯƠNG XÓT ĐEM LẠI BÌNH AN

Bình an cho anh em, rồi Người bảo ông Tôma: đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy….” (Ga 20,26-27)

Suy niệm: Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã đặt Chúa Nhật II Phục sinh làm ngày kính lòng Chúa thương xót. Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta dung mạo của lòng thương xót của Chúa. Chúa Ki-tô, Đấng phục sinh hiện ra với các tông đồ một lần nữa, lần này có cả Tô-ma, người đã không tin. Chúa không trách mắng các môn đệ vì họ đã nhát sợ trốn chạy khi Ngài chịu khổ nạn. Ngài đến để củng cố lòng tin yếu kém của họ. Ngài chiều ý cả Tô-ma, cho phép ông đụng chạm đến dấu đinh và vết thương cạnh sườn để phá tan sự sợ hãi, hoài nghi của ông. Lòng thương xót của Chúa không muốn bất cứ ai, dù chỉ một người, bị loại khỏi cộng đoàn những người tin để được cứu độ. Chính lòng thương xót đó đã giúp Tô-ma được biến đổi hoàn toàn, và ông đã tuyên xưng thật mạnh mẽ: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi.”

Mời Bạn: Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chứng tích tình yêu của bạn đi! M. Gandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế. Thật vậy để làm chứng cho lòng thương xót Chúa Giê-su Phục Sinh, chúng ta chỉ cần thực hiện giới răn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Sống Lời Chúa: Đem lời chúc bình an trong thánh lễ thành việc làm đem bình an đến cho những người bạn gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh! Xin xua tan bón đêm sợ hãi trong tâm hồn chúng con và ban cho chúng con bình an của Chúa. “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới!”

17/04/23 THỨ HAI TUẦN 2 PS

Ga 3,1-8 

DIỄM PHÚC ĐƯỢC TÁI SINH LÀM CON CÁI CHÚA

Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 1,5)

Suy niệm: Một cảnh tượng gây tò mò: một cụ già và là bậc vị vọng trong dân, đó là ông Ni-cô-đê-mô, đang đêm như thể là lén lút, đến gặp Đức Giê-su, bàn luận với Ngài “về những chuyện trên trời” (Ga 3,12). Và còn lạ lùng hơn, khi cụ già ấy được kêu mời “phải tái sinh” để có thể “nhìn thấy Nước Thiên Chúa”. Chuyện lạ lùng đó là việc “sinh lại bởi ơn trên”, nghĩa là sinh lại “bởi nước và Thần Khí”, điều mà bấy giờ ông Ni-cô-đê-mô chưa hiểu nhưng chúng ta đã hiểu đó là tái sinh trong bí tích Rửa Tội để trở thành con cái Thiên Chúa và gia nhập vào Gia đình Hội Thánh.

Mời Bạn: Bạn và tôi thật diễm phúc vì được mang một danh phận cao quý là con cái Thiên Chúa nhờ lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Vậy mỗi người nhận biết ơn riêng Chúa ban để sống như người con hiếu thảo của Chúa, đó là cuộc sống trong Chúa Giê-su Ki-tô, như thánh Phao-lô tông đồ nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Dâng một lời cầu nguyện cho một người thân, một người bạn chưa có cơ hội được nhận biết Chúa và bạn hãy làm chứng tá cho Chúa qua cách sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra niềm hạnh phúc vinh dự cao quý được làm con cái Chúa để con luôn cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu Ki-tô hữu, và cũng xin Chúa giúp sức cho con để qua đời sống của con, mọi người nhận ra hiệu quả của Thần Khí và ngợi ca Danh Chúa. Amen.

15/04/23 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS

Mc 16,9-15 

ĐI RA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã truyền mệnh lệnh tối hậu cho các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Thế nên, loan báo Tin Mừng là căn tính của mọi Ki-tô hữu. Không thực hiện sứ mạng đó, người Ki-tô hữu không còn là Ki-tô hữu nữa. Sứ mạng này có độ lan rộng đến “tứ phương thiên hạ” và có đối tượng mở rộng đến “mọi loài thọ tạo”. Vì thế, để loan báo Tin Mừng, trước hết, người môn đệ phải dám ra khỏi chính mình. Nếu không ra khỏi chính mình, ra khỏi vùng an toàn của mình, người môn đệ sẽ không thể đến với người khác để loan báo Tin Mừng cho họ. Khi đó, người môn đệ sẽ chỉ trú mình trong cái vỏ ốc của mình, vốn sẽ cầm giữ và ngăn cản mình đến với người khác. Ra khỏi mình để đến với người khác. Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” ĐTC Phan-xi-cô mời gọi: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”.

Mời Bạn: Không cần phải đi du lịch vòng quanh thế giới mới là đi ra. Loan Tin Mừng trong thời hiện đại này là đến với mọi người mà bạn gặp gỡ ngay hôm nay, là đem Tin Mừng vào mọi lãnh vực văn hoá, xã hội mà bạn tiếp cận, là chăm sóc môi trường đang bị lạm dụng trái với ý muốn của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi làm vệ sinh thu dọn rác thải trong khu vực tôi đang sinh sống như một hành vi loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống lại, xin phục sinh tâm hồn con và cho con biết đi ra để đem niềm vui Phục sinh đến cho mọi người. Amen.