5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

14/03/23 THỨ BA TUẦN 3 MC

Mt 18,21-35 

THIÊN CHÚA ĐAU LÒNG

Tên đầy tớ sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. (Mt 18,26-27)

Suy niệm: Mùa Chay nhắc nhở chúng ta suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, không chỉ nhớ đến những đau đớn, nhưng cả thái độ khoan dung của Ngài, đặc biệt việc Ngài quảng đại tha thứ cho những kẻ hành hạ và giết mình bất công. Qua Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra chân dung của một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Tên đầy tớ trong dụ ngôn chỉ vừa sấp mình xuống xin hoãn nợ, thì ông chủ đã đau lòng trước tình cảnh đó, đến nỗi không cần y mở miệng van xin, ông đã tha luôn món nợ cho y. Thiên Chúa -chính là ông chủ đó- luôn động lòng thương chúng ta -là con nợ- như thế đó! Vì Ngài đã thương và tha nợ cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta cũng biết động lòng tha thứ cho nhau.

Mời Bạn: Thế giới chiến tranh, xã hội đầy bạo lực, gia đình xáo trộn, vợ chồng ly dị vì con người thiếu lòng khoan dung khi cư xử với nhau. Thế nhưng, tha thứ cho nhau là điều chẳng dễ dàng chút nào! Chỉ khi nào chúng ta cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi bạn và tôi không tha thứ, chỉ khi bạn và tôi nhận ra Thiên Chúa quá yêu, luôn tha thứ cho chúng ta, có lẽ lúc đó, chúng ta mới can đảm tha thứ cho nhau.

Sống Lời Chúa: Xin ơn hiểu được Thiên Chúa đau lòng khi tôi không sống tha thứ cho nhau. Đồng thời, xin Chúa nâng đỡ để thực hiện nghĩa cử hòa giải với một người xúc phạm đến mình trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chưa mở miệng xin, thì Chúa đã tha cho con món nợ tày đình. Xin giúp con cũng biết tha thứ cho nhau. Amen.

13/03/23 THỨ HAI TUẦN 3 MC

Lc 4,24-30 

QUÊ HƯƠNG, CHÙM KHẾ NGỌT

“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)

Suy niệm: Làm một hàng xóm láng giềng tốt với nhau đã khó, làm ngôn sứ tại quê hương mình thì càng khó được chấp nhận hơn. Chúa Giê-su cũng không nằm ngoài quy luật đó. Không những không chấp nhận, những người đồng hương với Chúa còn tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng Chúa Giê-su vẫn không ngừng rao giảng, và Ngài đã rao giảng cho đến chết và rao giảng bằng chính cái chết và phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta được  mời gọi sống và làm chứng đức tin ngay tại quê hương xóm làng và cho chính họ hàng gia đình của mình. Thật không dễ chút nào. Nhưng sự khó khăn không cho phép chúng ta im hơi lặng tiếng. Mỗi người theo cách của mình, đều có thể làm chứng cho niềm tin. Nếu chúng ta cảm nhận được rằng “quê hương là chùm khế ngọt”, thì chúng ta vẫn phải thao thức làm một cái gì đó tốt đẹp cho đồng bào mình. Nếu bạn vững tin và biết cưu mang những điều tốt đẹp, bạn đã làm cho Tin Mừng được loan báo cho trên quê hương mà bạn thương mến.

Chia sẻ: Bạn đã sống thế nào với hàng xóm láng giềng, nhất là với anh em lương dân đồng hương với bạn? Bạn yêu thương họ hết mình chưa?

Sống Lời Chúa: Chọn một gia đình lương dân sống gần bạn để cầu nguyện cho họ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù không được những người đồng hương tiếp nhận, nhưng Chúa vẫn tiếp nhận mọi người và muốn cứu độ mọi người. Xin cho con trái tim của Chúa, để con luôn cảm nhận “quê hương là chùm khế ngọt” và loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng bào của con.

11/03/23 THỨ BẢY TUẦN 1 MC

Lc 15,1-3.11-32 

tấm lòng người cha nhân lành

“Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15,25)

Suy niệm: “Tôi là một đứa con hoang đàng thời hiện đại.” Đó là định nghĩa của Cha P.X. Trần An, dòng Biển Đức, về chính mình. Thật vậy, từ một người nghiện cờ bạc, ma túy, rượu chè và tù tội, ngài đã hoán cải và hơn nữa, trở thành tông đồ cho những con người muốn từ bỏ đường tội lỗi để sống xứng đáng với phẩm giá con người. Người con hoang đàng trong bài dụ ngôn chỉ muốn được về nhà cha để làm một đầy tớ. Thế nhưng, người cha đã phục hồi tước vị người con cao quý cho anh. Chiếc áo dài tượng trưng cho sự tôn trọng; chiếc nhẫn tiêu biểu cho quyền bính; đôi giày là dấu chỉ tư thế người con -nô lệ không được mang giày. Thật ra, anh luôn là con, luôn có một chỗ cao trọng trong trái tim cha.

Mời Bạn: Người cha tha thứ cho con, ông không la mắng, cũng chẳng trách móc. Ông như quên đi tất cả quá khứ của con. Yêu thương luôn bao gồm tha thứ (forgive) và quên (forget). Vì thế, khi nào bạn vẫn đêm ngày ghi khắc lầm lỗi của một người thân quen, là dấu chắc chắn bạn chưa thật sự tha thứ!

Sống Lời Chúa: Nhìn lên mẫu gương của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, để biết tha thứ lầm lỗi của một người xúc phạm đến mình, và tập quên, không nghĩ đến sự xúc phạm của họ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con cũng như người con hoang đàng khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con. Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Ước gì mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân. Amen.

(Rabbouni)

12/03/23 Chúa Nhật tuần 3 MC – A

Ga 4,5-42 

gặp gỡ đức ki-tô, biến đổi cuộc đời mình

“Đấng Mê-si-a chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,14)

Suy niệm: Chúa Giê-su khéo léo dẫn người phụ nữ Sa-ma-ri đi từ cơn khát tự nhiên đến cơn khát siêu nhiên, từ nước uống thường đến nước hằng sống. Ngài biến đổi chị từ chỗ đang là người cho nước thành người đi xin nước. Sau cùng, chị nhận ra Chúa là Đấng Mê-si-a, và chị tin vào Ngài. Câu chuyện Tin Mừng cho thấy Chúa luôn tỏ mình với những ai thành tâm đi tìm Chúa: “Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Một việc tưởng như tầm thường như xin một ngụm nước lại trở thành cơ hội cho người ta tìm và gặp Chúa, Đấng Cứu Độ.

Mời Bạn: Trong cuộc sống chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để gặp Chúa và được biến đổi. Chúa đến trong những phút giây thoáng qua, qua những biến cố nhỏ bé tầm thường của đời bạn. Một sự quan tâm nho nhỏ đến tha nhân, một lời nói tử tế, một cử chỉ thân ái với những người đang sống quanh bạn, tất cả đều có thể trở thành cơ hội để bạn gặp gỡ Chúa và để Ngài biến đổi bạn. Ý thức như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, chứ không vô nghĩa.

Chia sẻ với nhau về một lần “chợt nhận” ra Chúa đi qua đời bạn, đã “chụp” lấy bạn, đã biến đổi bạn, như Sao-lô trên đường Đa-mát, như Gia-kêu trên cây sung, như Lê-vi bên bàn thu thuế…

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi “tỉnh thức” để nhận ra Chúa đang tỏ mình cho tôi qua những người và sự việc xảy đến với tôi hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con luôn biết quan tâm đến tha nhân và yêu thương họ, để qua họ con gặp được Chúa và để Chúa biến đổi đời con.

10/03/23 THỨ SÁU TUẦN 2 MC

Mt 21,33-43.45-46 

SINH HOA LỢI CHO NƯỚC CHÚA

“Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)

Suy niệm: Ngôn sứ I-sai-a đã ví dân Do Thái, dân riêng của Chúa, như một vườn nho quý giá được Ngài yêu thương chăm sóc một cách thật đặc biệt. Tiếc thay, vườn nho ấy bị tàn phá tan hoang, cây nho quý bị thoái hoá trở thành nho dại (x. Is 5,1-7; Tv 79,13-14). Hôm nay, Chúa Giê-su kể lại bài ca vườn nho ấy bằng một dụ ngôn và Ngài cho biết thảm trạng ấy là do bàn tay của các tá điền, chẳng những làm cho vườn nho hoang tàn mà còn dã tâm chiếm đoạt cả vườn nho nữa. Ông chủ vườn nho đã ra quyết định tối hậu đối với bọn tá điền hung ác, ám chỉ những người lãnh đạo Do Thái đương thời, đồng thời cũng là thông điệp cho mỗi người chúng ta trong thời đại này: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta là một cành nho, đồng thời là tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa là Hội thánh. Chúng ta được mời gọi nên thánh và được sai đi để “sinh lợi cho Nước Thiên Chúa”. Hãy là những sứ giả đem Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô đến những người mà bạn gặp gỡ trong cuộc sống hôm nay.

Sống Lời Chúa: Là công dân Nước Trời, bạn tận tâm phục vụ những người mà bạn có bổn phận phải chăm sóc với ý hướng “sinh lợi cho Nước Thiên Chúa”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cám ơn Chúa cho chúng con được là con dân Nước Chúa, và chúng con có bổn phận làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Xin ban thêm niềm tin và lòng yêu mến Chúa trong tâm hồn chúng con để suy nghĩ, cử chỉ, hành động của chúng con nên khí cụ kiến tạo Nước Chúa!