5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

19/03/23 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – A

Ga 9,1-41 

ĐỨC TIN CHÂN THÀNH SỐNG ĐỘNG

Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (Ga 9,37-38)

Suy niệm: Người ta có những thái độ khác nhau trước sự kiện anh mù bẩm sinh được Chúa Giê-su chữa lành. Nhiều người cho rằng anh ta mù là vì tội của anh hoặc chí ít là của cha mẹ anh. Những người vốn quen biết anh hỏi han anh vài câu cho thoả tính hiếu kỳ, rồi thôi. Còn người Pha-ri-sêu thì miệt thị anh “sinh ra tội lỗi ngập đầu” mà dám ‘dạy khôn’ họ; họ còn lập luận rằng Chúa Giê-su vi phạm luật ngày sa-bát nên mặc định là tội lỗi, không thể là “người của Thiên Chúa” được. Ngay cả cha mẹ anh, vì sợ liên luỵ, đã tránh né nói lên sự thật về vị ân nhân đã chữa cho con mình sáng mắt. Còn anh, dù đơn độc, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng niềm xác tín bằng những câu trả lời đơn sơ mà gãy gọn: Chính tôi đây, ông ấy thoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi nhìn thấy. Nhận được ơn sáng mắt, anh đi từ chỗ không biết Chúa đến chỗ coi Ngài là vị ngôn sứ và cuối cùng anh gặp được Chúa và thưa với Ngài: “Tôi tin.”

Mời Bạn: Giữa trào lưu tục hoá lãng quên Thiên Chúa tràn lan trong xã hội, vẫn có biết bao nhiêu tâm hồn sống niềm tin vào Ngài cách sống động, mạnh mẽ: những nhóm cầu nguyện, hội bác ái, cộng đồng giáo hội cơ bản, mang đến niềm hy vọng vô bờ về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Còn bạn, bạn sống đức tin Ki-tô hữu cách mệt mỏi, chán chường hay năng động, phấn khởi?

Sống Lời Chúa: Siêng năng suy niệm Lời Chúa để Lời Ngài soi sáng đời bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhận ra Chúa và những ơn lành Chúa ban cho con. Xin mở miệng con để con cao rao những lời ngợi khen Chúa và tán dương bao kỳ công Chúa làm. Amen.

17/03/23 THỨ SÁU TUẦN 3 MC

Th. Pa-tri-xi-ô, giám mục
Mc 12,28b-34
 

GIỚI RĂN ‘HAI TRONG MỘT’

“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28b)

Suy niệm: Câu hỏi của vị kinh sư về “điều răn đứng đầu” là một câu hỏi thực tế và hợp lý. Giữa một ‘rừng’ lề luật như luật Mô-sê, thật cần thiết phải nắm được đâu là điều răn chủ chốt mà tất cả các điều răn khác phải qui chiếu về. Chúa Giê-su cho biết “sợi chỉ đỏ” xâu chuỗi mọi giới răn được rút từ sách Đệ Nhị Luật, cuốn cuối cùng trong bộ Ngũ Thư, bộ luật Torah của người Do Thái, đó chính là giới răn “mến Chúa và yêu người”“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”, và “yêu tha nhân như chính mình” (x. Dnl 6,4-5). Chúa Giê-su cho biết không có sự đối kháng loại trừ của giới răn ‘hai trong một’ này bởi vì “điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất” (x. Mt 22,39).

Mời Bạn nhìn lên Thánh giá Chúa Ki-tô để cảm nghiệm Chúa Giê-su đã ‘tổng hợp’ cách kỳ diệu giới răn ‘hai trong một’ này như thế nào. Chiều dọc cây thánh giá nói lên mối tương quan đối với Thiên Chúa: Ngài đã hiến thân chịu chết để thể hiện tình yêu vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. Pl 2,6-8). Còn chiều ngang thể hiện tình yêu của Đấng đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Chúa Giê-su mời gọi bạn vác thập giá mình đi theo Ngài để bạn nối kết hai chiều cây thập giá của bạn trong một giới răn độc nhất là “mến Chúa yêu Người” này.

Sống Lời Chúa: Dâng một lời cầu nguyện và làm một cử chỉ bày tỏ sự thân thiện với một người mà bạn cảm thấy khó thương nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn cho con liên lỉ thực hành giới răn yêu thương Chúa dạy trong đời sống thường ngày nhất là với những anh chị em mà con cảm thấy khó thương nhất. Amen.

15/03/23 THỨ TƯ TUẦN 3 MC

Mt 5,17-19 

TÌNH YÊU LÀ NỀN TẢNG CỦA LUẬT

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: Bất cứ tổ chức xã hội nào, dù nhỏ bé đi nữa, cũng có luật lệ là những quy tắc ứng xử chung cho mọi người trong tổ chức. Đạo Do Thái thời Chúa Giê-su tuân thủ theo bộ luật Mô-sê, với những quy định đến mức hết sức tỉ mỉ. Chúa Giê-su tuyên bố Ngài không có ý bãi bỏ bộ luật đó mà Ngài “đến để kiện toàn” nó. Phúc âm theo thánh Mát-thêu cho biết con đường để kiện toàn đó là Tám Mối Phúc được ghi lại từ đầu chương 5. Và cốt lõi của sự kiện toàn lề luật nằm ở chính giới răn mới của Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là… anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Mời Bạn: Nhiều người, kể cả các ki-tô hữu, nghĩ rằng theo đạo thì phải giữ quá nhiều luật lệ, tự do của mình bị gò bó, sự phát triển bản thân bị hạn chế. Và từ đó, họ cho rằng: theo đạo là một gánh nặng, thay vì mang lại niềm vui. Nhưng bạn có biết: Đạo Chúa là đạo yêu thương, luật Chúa là luật yêu thương không? Khi yêu thì phải tự do, và nếu có ràng buộc thì người ta cũng tự nguyện chấp nhận sự ràng buộc đó, nếu có đau khổ, thì người ta cũng yêu cả đau khổ đó. Do đó, tuân giữ luật Chúa phải là tuân giữ với tình yêu. Chỉ khi thiếu tình yêu, luật mới trở nên khô cứng, nặng nề.

Sống Lời Chúa: Giữ chay một ngày thứ Sáu với ý hướng yêu mến Chúa và để chia sẻ với một người gặp cảnh khó khăn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tạ ơn Chúa vì yêu thương đã hiến thân chịu chết để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con hiểu rằng: mọi sự sẽ vô nghĩa nếu không có tình yêu. Và cho chúng con biết đáp lại tình yêu Chúa bằng việc yêu thương nhau như Chúa đã yêu chúng con.

16/03/23 THỨ NĂM TUẦN 3 MC

Lc 11,14-23 

NƯỚC THIÊN CHÚA Ở GIỮA TA

“Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Mt 11,20)

Suy niệm: Bảo vệ hay vệ sĩ là nghề mới phát triển trong những năm gần đây. Để là bảo vệ hay vệ sĩ, người ta phải có ngoại hình khỏe mạnh. Thế nhưng, nhiều lúc họ phải chịu thúc thủ trước những người mạnh hơn, võ trang đầy đủ hơn. Đức Giê-su đã dùng một hình ảnh tương tự để nói lên sự chiến thắng trổi vượt của Ngài trước Xa-tan. Ngài là người “mạnh hơn” nên thắng được Xa-tan và tước đi vũ khí của hắn, đem lại ơn giải phóng toàn diện cho con người. Như vậy, Nước Thiên Chúa ngự trị ở giữa chúng ta khi ta được giải phóng ra khỏi “cái tôi” chật hẹp ích kỷ của lòng mình, khi ta an bình sống theo tinh thần Tám Mối Phúc thật, khi tâm trí ta cùng âu lo và hy vọng với nỗi đau và niềm vui của người lân cận…

Mời Bạn: Bạn hài lòng khi thấy nhà thờ đông đúc, các nghi lễ đông người, giờ đọc kinh đông đảo. Tuy nhiên, điều đó chưa bảo đảm cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở giữa bạn. Cộng đoàn của bạn còn cần phải tiêu diệt mọi hình thức sự dữ và đau khổ nơi con người, trong môi trường sống của bạn. Đó mới là sự bảo đảm chắc chắn.

Chia sẻ: Nước Xa-tan hay Nước Thiên Chúa ngự trị trong xã hội của bạn? Làm gì để Nước Thiên Chúa hiển trị?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi sẽ cộng tác với Chúa, đẩy lùi nước Xa-tan ra khỏi tâm hồn, gia đình mình qua việc bỏ đi một thói hư tật xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã giải phóng và đưa chúng con vào Vương Quốc của Chúa. Xin cho chúng con cộng tác với Chúa trong việc đẩy lùi mọi bóng tối, sự dữ ra khỏi tâm hồn và gia đình chúng con.

14/03/23 THỨ BA TUẦN 3 MC

Mt 18,21-35 

THIÊN CHÚA ĐAU LÒNG

Tên đầy tớ sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. (Mt 18,26-27)

Suy niệm: Mùa Chay nhắc nhở chúng ta suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, không chỉ nhớ đến những đau đớn, nhưng cả thái độ khoan dung của Ngài, đặc biệt việc Ngài quảng đại tha thứ cho những kẻ hành hạ và giết mình bất công. Qua Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra chân dung của một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Tên đầy tớ trong dụ ngôn chỉ vừa sấp mình xuống xin hoãn nợ, thì ông chủ đã đau lòng trước tình cảnh đó, đến nỗi không cần y mở miệng van xin, ông đã tha luôn món nợ cho y. Thiên Chúa -chính là ông chủ đó- luôn động lòng thương chúng ta -là con nợ- như thế đó! Vì Ngài đã thương và tha nợ cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta cũng biết động lòng tha thứ cho nhau.

Mời Bạn: Thế giới chiến tranh, xã hội đầy bạo lực, gia đình xáo trộn, vợ chồng ly dị vì con người thiếu lòng khoan dung khi cư xử với nhau. Thế nhưng, tha thứ cho nhau là điều chẳng dễ dàng chút nào! Chỉ khi nào chúng ta cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi bạn và tôi không tha thứ, chỉ khi bạn và tôi nhận ra Thiên Chúa quá yêu, luôn tha thứ cho chúng ta, có lẽ lúc đó, chúng ta mới can đảm tha thứ cho nhau.

Sống Lời Chúa: Xin ơn hiểu được Thiên Chúa đau lòng khi tôi không sống tha thứ cho nhau. Đồng thời, xin Chúa nâng đỡ để thực hiện nghĩa cử hòa giải với một người xúc phạm đến mình trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chưa mở miệng xin, thì Chúa đã tha cho con món nợ tày đình. Xin giúp con cũng biết tha thứ cho nhau. Amen.