5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

12/03/23 Chúa Nhật tuần 3 MC – A

Ga 4,5-42 

gặp gỡ đức ki-tô, biến đổi cuộc đời mình

“Đấng Mê-si-a chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,14)

Suy niệm: Chúa Giê-su khéo léo dẫn người phụ nữ Sa-ma-ri đi từ cơn khát tự nhiên đến cơn khát siêu nhiên, từ nước uống thường đến nước hằng sống. Ngài biến đổi chị từ chỗ đang là người cho nước thành người đi xin nước. Sau cùng, chị nhận ra Chúa là Đấng Mê-si-a, và chị tin vào Ngài. Câu chuyện Tin Mừng cho thấy Chúa luôn tỏ mình với những ai thành tâm đi tìm Chúa: “Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Một việc tưởng như tầm thường như xin một ngụm nước lại trở thành cơ hội cho người ta tìm và gặp Chúa, Đấng Cứu Độ.

Mời Bạn: Trong cuộc sống chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để gặp Chúa và được biến đổi. Chúa đến trong những phút giây thoáng qua, qua những biến cố nhỏ bé tầm thường của đời bạn. Một sự quan tâm nho nhỏ đến tha nhân, một lời nói tử tế, một cử chỉ thân ái với những người đang sống quanh bạn, tất cả đều có thể trở thành cơ hội để bạn gặp gỡ Chúa và để Ngài biến đổi bạn. Ý thức như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, chứ không vô nghĩa.

Chia sẻ với nhau về một lần “chợt nhận” ra Chúa đi qua đời bạn, đã “chụp” lấy bạn, đã biến đổi bạn, như Sao-lô trên đường Đa-mát, như Gia-kêu trên cây sung, như Lê-vi bên bàn thu thuế…

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi “tỉnh thức” để nhận ra Chúa đang tỏ mình cho tôi qua những người và sự việc xảy đến với tôi hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con luôn biết quan tâm đến tha nhân và yêu thương họ, để qua họ con gặp được Chúa và để Chúa biến đổi đời con.

11/03/23 THỨ BẢY TUẦN 1 MC

Lc 15,1-3.11-32 

tấm lòng người cha nhân lành

“Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15,25)

Suy niệm: “Tôi là một đứa con hoang đàng thời hiện đại.” Đó là định nghĩa của Cha P.X. Trần An, dòng Biển Đức, về chính mình. Thật vậy, từ một người nghiện cờ bạc, ma túy, rượu chè và tù tội, ngài đã hoán cải và hơn nữa, trở thành tông đồ cho những con người muốn từ bỏ đường tội lỗi để sống xứng đáng với phẩm giá con người. Người con hoang đàng trong bài dụ ngôn chỉ muốn được về nhà cha để làm một đầy tớ. Thế nhưng, người cha đã phục hồi tước vị người con cao quý cho anh. Chiếc áo dài tượng trưng cho sự tôn trọng; chiếc nhẫn tiêu biểu cho quyền bính; đôi giày là dấu chỉ tư thế người con -nô lệ không được mang giày. Thật ra, anh luôn là con, luôn có một chỗ cao trọng trong trái tim cha.

Mời Bạn: Người cha tha thứ cho con, ông không la mắng, cũng chẳng trách móc. Ông như quên đi tất cả quá khứ của con. Yêu thương luôn bao gồm tha thứ (forgive) và quên (forget). Vì thế, khi nào bạn vẫn đêm ngày ghi khắc lầm lỗi của một người thân quen, là dấu chắc chắn bạn chưa thật sự tha thứ!

Sống Lời Chúa: Nhìn lên mẫu gương của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, để biết tha thứ lầm lỗi của một người xúc phạm đến mình, và tập quên, không nghĩ đến sự xúc phạm của họ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con cũng như người con hoang đàng khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con. Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Ước gì mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân. Amen.

(Rabbouni)

09/03/23 THỨ NĂM TUẦN 2 MC

Th. Phan-xi-ca Rô-ma-na, nữ tu
Lc 16,19-31
 

LẤP ĐẦY VỰC THẲM

Con ơi, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16,26)

Suy niệm: Điểm đáng lưu ý trong dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô không phải sự khác biệt mà là điểm tương đồng trong thân phận của hai người: đó là cả hai người cuối cùng đều chết; và tiếp đến nếu những thức ăn thừa mứa rớt xuống từ bàn ăn của ông nhà giàu không thể đến được tay La-da-rô thì ngược lại một giọt nước mát từ ngón tay La-da-rô đang ngồi trong lòng Áp-ra-ham cũng không thể nhỏ xuống đầu lưỡi của ông nhà giàu trong âm phủ. Trong xã hội văn minh hiện đại vẫn tồn tại thứ vực thẳm ngăn cách ấy nhưng lớn hơn nhiều: bờ bên này vực thẳm là những người ăn một tô súp giá 100 đô với những thìa muỗng mạ vàng, bờ bên kia là những người bới móc trong các núi rác tìm kiếm những mảnh thức ăn thừa. Nếu như ngay trong thế giới này không san lấp được vực thẳm ấy, thì nó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong thế giới bên kia với số phận đôi bên bị đảo ngược; lúc ấy “bên ni muốn qua bên nớ” cũng không thể được nữa.

Mời Bạn: Dù bạn chưa phải là tỷ phú, bạn cũng có thể vô tình hay hữu ý đào ra những hố ngăn cách kiểu đó giữa bạn với tha nhân do lối sống hưởng thụ ích kỷ của mình. Bạn hãy san lấp những hố ngăn cách đó bằng một lối sống biết chia sẻ với tha nhân vì theo lời thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, “người giàu không phải là người sở hữu nhiều của cải mà là người có khả năng cho đi.”

Sống Lời Chúa: Trích một phần thu nhập của mình để dành vào việc chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng chia sẻ để con trở nên giống Đức Giê-su, Con Chí Ái Chúa hơn.

10/03/23 THỨ SÁU TUẦN 2 MC

Mt 21,33-43.45-46 

SINH HOA LỢI CHO NƯỚC CHÚA

“Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)

Suy niệm: Ngôn sứ I-sai-a đã ví dân Do Thái, dân riêng của Chúa, như một vườn nho quý giá được Ngài yêu thương chăm sóc một cách thật đặc biệt. Tiếc thay, vườn nho ấy bị tàn phá tan hoang, cây nho quý bị thoái hoá trở thành nho dại (x. Is 5,1-7; Tv 79,13-14). Hôm nay, Chúa Giê-su kể lại bài ca vườn nho ấy bằng một dụ ngôn và Ngài cho biết thảm trạng ấy là do bàn tay của các tá điền, chẳng những làm cho vườn nho hoang tàn mà còn dã tâm chiếm đoạt cả vườn nho nữa. Ông chủ vườn nho đã ra quyết định tối hậu đối với bọn tá điền hung ác, ám chỉ những người lãnh đạo Do Thái đương thời, đồng thời cũng là thông điệp cho mỗi người chúng ta trong thời đại này: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta là một cành nho, đồng thời là tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa là Hội thánh. Chúng ta được mời gọi nên thánh và được sai đi để “sinh lợi cho Nước Thiên Chúa”. Hãy là những sứ giả đem Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô đến những người mà bạn gặp gỡ trong cuộc sống hôm nay.

Sống Lời Chúa: Là công dân Nước Trời, bạn tận tâm phục vụ những người mà bạn có bổn phận phải chăm sóc với ý hướng “sinh lợi cho Nước Thiên Chúa”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cám ơn Chúa cho chúng con được là con dân Nước Chúa, và chúng con có bổn phận làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Xin ban thêm niềm tin và lòng yêu mến Chúa trong tâm hồn chúng con để suy nghĩ, cử chỉ, hành động của chúng con nên khí cụ kiến tạo Nước Chúa!

08/03/23 THỨ TƯ TUẦN 2 MC

Thánh Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ
Mt 20,17-28
 

QUYỀN BÍNH CỐT ĐỂ PHỤC VỤ

“Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,26)

Suy niệm“Quyền lực dẫn đến tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Quyền lực được tạo ra với chủ đích mang lại thiện ích chung cho con người. Nhưng bản chất của quyền lực lại là thứ gây nghiện, khi dùng “quá liều” trở thành thuốc độc giết chết nhân cách con người với những hậu họa khôn lường: nhẹ thì áp đặt, thống trị, nặng đưa đến phá hủy, giết chết. Chúa Giê-su khuyên các môn đệ tránh chuyện tranh giành quyền lực, càng không nên theo kiểu thế gian là lấy quyền để “hành”, để “trị” người khác, nhưng để phục vụ, thậm chí đến mức hy sinh cả mạng sống mình (x. Mt 20,28). Lời khuyên ấy giúp ta hiểu rằng quyền bính trong lãnh đạo là lối hành xử, là năng lực để xây dựng, phát triển chứ không phải là để đè bẹp, hạ bệ kẻ khác.

Mời BạnBàn tay của quyền lực thường đi đôi với hủy diệt, bàn tay của tình yêu luôn đầy sáng tạo” (Sri Chinmoy). Hành xử kiểu chuyên chế, thống trị và đè bẹp là dạng thức quen thuộc của những nhà độc tài. Ở đó không có chỗ cho sự phát triển nhân cách nhưng trái lại, hủy diệt. ‘Dùng quyền để phục vụ’ vừa thỏa sức sáng tạo, vừa mang lại giá trị tích cực cho ta; đồng thời đó là cách Chúa Giê-su mời bạn sống trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài giá trị nhân văn, đời sống ấy còn mang lại cho bạn những giá trị thiêng liêng cao quí phù hợp với Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Bạn chu toàn phận sự của mình hằng ngày cách vui tươi.

Cầu nguyệnLạy Chúa từ nhânxin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Amen.

(Kinh Hòa Bình)