5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

02/03/23 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC

Mt 7,7-12 

ĐI BƯỚC TRƯỚC

“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12)

Suy niệm: Từ xưa, Khổng tử đã dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Có vẻ Chúa Giê-su cũng dạy một điều tương tự, nhưng thực ra Ngài muốn chúng ta đi bước trước trong cách đối xử với tha nhân một cách tích cực và hướng thượng: – tích cực vì điều gì mình muốn người khác làm cho mình, thì mình hãy làm cho người khác trước đã; – hướng thượng vì những gì chúng ta “làm cho một trong những người anh em bé mọn” được Chúa coi là “làm cho chính Chúa” (x. Mt 25,41), và hơn nữa Chúa đã hứa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38). Thật vậy, ai quảng đại với tha nhân thì Chúa càng quảng đại với người ấy gấp bội phần.

Mời BạnĐi bước trước trong việc sống quảng đại với tha nhân, bạn không sợ phải thiệt thòi; bởi vì con người bất toàn mà còn biết “cho con cái mình những của tốt lành”, thì huống chi Thiên Chúa là Đấng tốt lành và quảng đại vô cùng “lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Vậy bạn còn sợ gì mà không vững tin vào Chúa, luôn sống quảng đại, nghĩ tới lợi ích cho họ trước khi tìm kiếm lợi ích cho mình!

Sống Lời Chúa: Tâm niệm và thực thi câu Lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ có thể nhận lãnh những ơn con xin khi con cộng tác với Chúa và quảng đại với anh chị em xung quanh. Xin cho con đi bước trước trong yêu thương phục vụ mọi người như Chúa đã nêu gương cho con. Amen.

01/03/23 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC

Lc 11,29-32 

“DẤU LẠ” GIÊ-SU

Chúa Giê-su nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na.” (Lc 11,29)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã làm biết bao dấu lạ trước mặt người Do Thái, thế mà Ngài “không cho họ dấu lạ nào” vì dấu lạ là chính Ngài: mọi phép lạ Ngài làm đều nhằm tỏ ra Ngài là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, mà “dấu lạ Gio-na” là hình tượng báo trước Ngài sẽ chịu tử nạn, chịu chôn táng trong mộ nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh để hoàn thành công trình cứu độ nhân loại. Mặt khác, người Do Thái dù đã chứng kiến bao việc lạ lùng khiến họ kinh ngạc vì “chưa thấy vậy bao giờ” (x. Mc 2,12), thế nhưng giờ đây, họ vẫn đòi “một dấu lạ từ trời” (Lc 11,16). Chỉ khi họ nhận ra mọi dấu lạ đều dẫn đến “dấu lạ Gio-na” nghĩa là tin nhận Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, chịu chết và sau ba ngày sống lại”, thì mới được cứu độ và được sống muôn đời.

Bạn thân mến, phải chăng chúng ta thường không nhận biết những dấu lạ Chúa đang thực hiện trong cuộc sống của chúng ta? Phải chăng vì chúng ta đòi Ngài làm những “dấu lạ từ trời” nhưng là để đáp ứng những “nhu cầu dưới đất” này, theo ý riêng của chúng ta. Thực ra, Ngài vẫn hiện diện và chăm sóc chúng ta bằng vô vàn hồng ân. Để nhận ra những “dấu lạ” đó, mời bạn đáp ứng điều kiện Chúa đề ra: “từ bỏ mình, và vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23).

Sống Lời Chúa: Trong giờ cầu nguyện hằng ngày, bạn ôn lại những việc xảy ra trong cuộc sống để nhận ra ơn lành của Chúa ban và bạn dâng lời cảm tạ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra những gì con có, kể cả sự hiện hữu của con, đều là hồng ân Chúa ban, và cho con biết dâng lên Chúa tất cả cuộc đời con như một lời tạ ơn Chúa. Amen.

THỨ HAI 27/02/23 – TUẦN 1 MC

Mt 25,31-46

BẮT ĐẦU TỪ ĐIỀU NHỎ BÉ CHO NGƯỜI NHỎ BÉ

“Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là không làm cho chính ta vậy.” (Mt 25,45)

Suy niệm: Ba việc đạo đức chính yếu trong Mùa Chay là ăn chay, cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo khó. Người nghèo khó được Chúa Giê-su quan tâm, yêu thương cách đặc biệt, đến độ Ngài tự đồng hóa mình với chính họ: làm phúc cho họ là làm phúc cho Ngài, lơ là không làm điều lành cho họ là tránh né làm điều lành cho Ngài. Điều phúc, việc lành ta làm không phải là điều gì cao xa, tầm cỡ vĩ mô, nhưng là những gì rất cụ thể, nhỏ bé trong đời thường: cho ăn, uống, tặng quần áo, cho chỗ trọ, thăm viếng, thăm nuôi với người đói, khát, mình trần, đau yếu, tù tội. Ngài muốn dạy ta những nghĩa cử yêu thương nhỏ bé với những con người bé nhỏ trong xã hội, những người không có gì để đền đáp lại. Đó là giá trị của hành vi “thi ân bất cầu báo” mà Mùa Chay đề cao.

Mời Bạn: Có thể bạn đã nhiều lần thấy người khác hay chính mình thực hiện các nghĩa cử bác ái này, đặc biệt trong cơn đại dịch vừa qua. Hẳn bạn cũng đã đau lòng khi biết nhiều kẻ lợi dụng trẻ em, người nghèo khổ, kẻ không còn gì để mất… để làm giàu bất chính trên xương máu của họ, những anh chị em “bé nhỏ” của Chúa. Thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, bạn hãy  thắp lên ngọn lửa yêu thương cụ thể cho họ.

Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ và hành động theo Lời Chúa hôm nay để luôn được xếp là chiên ở bên phải Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ghi khắc Lời Chúa dạy hôm nay. Xin đổi lòng những người quá ham lợi lộc vật chất mà đánh mất lòng nhân ái, nghĩa đồng bào trong xã hội chúng con.

THỨ BA 28/02/23 – TUẦN 1 MC

Mt 6,7-15

GỌI THIÊN CHÚA LÀ CHA

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời… xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” (Mt 6,9.12)

Suy niệmKhởi đầu Mùa Chay, Giáo hội mời gọi con cái mình đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa cũng như với nhau bằng cầu nguyện. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, kiểu mẫu cho việc cầu nguyện. Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, cũng là Cha của chúng ta. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta được đắm mình trong tình phụ tử, cũng như mở rộng mối tương quan huynh đệ với mọi người, vì hết thảy đều là con cái của Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con.” Hơn nữa, ta còn là anh em với nhau, bởi được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giê-su Ki-tô là “Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo.” Như thế, lời kinh Lạy Cha là lời kinh của người môn đệ Chúa Ki-tô: với Cha là con thảo, với nhau là anh em. “Anh Cả Giê-su” dạy “yêu đến cùng” bằng lời tha thứ trên thập giá, nên chúng ta được mời gọi áp dụng lời kinh Lạy Cha vào cuộc sống mình, để không còn giữ bất kỳ sự oán giận nào từ trong sâu thẳm trái tim, và thanh thản cùng với mọi người cất lên lời kinh “Lạy Cha chúng con…

Mời bạnNhững tổn thương mà các con kinh nghiệm có thể cám dỗ các con rút lui khỏi người khác, quay lại nơi chính mình và nuôi dưỡng những cảm xúc oán giận, nhưng đừng bao giờ ngừng lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi tha thứ” (CV 165). Mời bạn chia sẻ về một kinh nghiệm tha thứ mà bạn đã thực hiện hay đã nhận được. Theo bạn, sự tha thứ có phải là một ân ban, hay đó chỉ là ‘nghĩa vụ’ làm dịu lương tâm?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho người đang mắc lỗi với bạn.

Cầu nguyện với kinh Lạy Cha.

CHÚA NHẬT 26/02/23 – TUẦN 1 MC – A

Mt 4,1-11

VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN!

Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ. (Mc 1,13)

Suy niệm: Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật việc Chúa Giê-su bị Satan cám dỗ trong hoang địa lúc khởi đầu rao giảng để đối chiếu với việc ông bà nguyên tổ bị cám dỗ trong vườn địa đàng thuở hoang sơ. Khác một điều, bà E-và đã thất bại, còn Chúa Giê-su thì đã chiến thắng. “Vạn sự khởi đầu nan” với thất bại của ông bà nguyên tổ. Khi Chúa Giê-su đến để thiết lập một khởi đầu mới, tình hình còn tồi tệ hơn vì “sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Thế nhưng, trong thân phận con người Chúa Giê-su đã chiến thắng “tên cám dỗ”. Đó là tấm gương để chúng ta soi mà sống trọn mùa Chay với lòng tin tưởng và với quyết tâm chiến thắng tội lỗi.

Mời Bạn: Khi chúng ta ăn chay, hãm mình, cầu nguyện… thì ma quỉ cũng gia tăng cám dỗ chúng ta đi ngược lại bằng những lời hứa hẹn đường mật nhưng thực chất đều là những cái bánh vẽ không hơn không kém. Bạn hãy nhớ lại những kinh nghiệm bại trận vì nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ xem nó đem lại gì cho cuộc sống của bạn. Trống rỗng? Day dứt? Hụt hẫng? Hối hận?…

Chia sẻ: Đâu là những “chiến thuật” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa? Và đối với bạn, ma quỷ dùng chiến thuật nào?

Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này khi gặp cám dỗ: “Con chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của con!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chiến đấu chống lại những khuynh hướng xấu trong con nhân mùa Chay này. Và trong Chúa, con tin tưởng mình cũng sẽ chiến thắng, như Chúa đã thành công vì Chúa luôn làm theo ý của Chúa Cha. Amen.