5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

07/03/23 THỨ BA TUẦN 2 MC

Th. Pe-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta, tử đạo
Mt 23,1-12
 

NÓI VÀ LÀM

“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23,3)

Suy niệm: Ông bà ta thường nói: ‘Trăm voi không được bát nước xáo’ để chê trách những người nói thì ba hoa khoác lác còn hành động thì không có gì. Chúa Giê-su nhiều lần lên án các kinh sư và phái Pha-ri-sêu về điều này. Hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ luật, nắm rõ luật, và còn có quyền giải thích luật. Thế nhưng, họ “chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính họ, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11,46). Chúa Giê-su dạy tuân giữ những điều họ nói, vì thế giá của chính Lề Luật, mà còn vì thẩm quyền của họ, là những người “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy”. Đồng thời phải biết phân định để đừng học theo lối sống của họ.

Mời BạnMỗi người chúng ta đều cần tự vấn: Liệu có khi nào tôi cũng trở thành một kẻ nói mà không làm không? Có khi nào tôi dễ dàng đưa ra những lời khuyên đạo đức, nhưng lại không nghĩ mình phải là người đầu tiên thực hiện không? Ngạn ngữ La-tinh có câu: ‘Verba volant, scripta manent’ (tạm dịch: Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo). Là môn đệ Chúa chỉ nói suông ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà thôi là chưa đủ, mà phải thực hành ý Chúa Cha nữa, thì mới xứng đáng được vào Nước Trời (x. Mt 7,21).

Sống Lời Chúa: Khi suy niệm Lời Chúa hằng ngày, bạn luôn đề ra một quyết tâm để thực hiện theo Lời Chúa dạy, và cuối ngày bạn kiểm điểm xem mình đã thực hiện điều quyết tâm đó thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa lời nói và việc làm là một khoảng cách rất xa. Xin Chúa thêm sức để chúng con tập cho mình có thói quen nói Lời chúa và sống như lòng Chúa mong ước. Amen.

06/03/23 THỨ HAI TUẦN 2 MC

Lc 6,36-38 

HÃY NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Để được vào Nước Trời thì có tới tám con đường là Tám Mối Phúc Thật, nhưng đích điểm thì chỉ có một, đó là Thiên Chúa. Thiên Chúa thì phong phú vô biên vô cùng, nhưng trình bày cho chúng ta dung mạo của Cha Ngài thì Chúa Giê-su chỉ tô đậm có một nét: Thiên Chúa là Đấng nhân từ; và Ngài dạy chúng ta nên giống Chúa Cha ở nét ấy: “nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ”. Như thế, Chúa Giê-su cho biết chính Thiên Chúa Cha, Đấng nhân từ hay thương xót là đỉnh cao lý tưởng cho ơn gọi nên thánh của chúng ta. Một cách thực hành, “nhân từ như Chúa” cũng có nghĩa là không giữ mãi oán thù, kết án nghiệt ngã cho nhau, nhưng biết bao dung, tha thứ và sống quảng đại với nhau. Thiên Chúa “không ai thấy bao giờ” (Ga 6,46), dạy chúng ta hãy vâng nghe lời Con yêu dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), chính Ngài đã nêu gương “nhân từ như Chúa” qua cuộc sống, lời rao giảng và nhất là qua cuộc khổ nạn của Ngài.

Mời Bạn: Hiển nhiên, để “nhân từ như Chúa” theo gương Đức Ki-tô, không có cách nào khác hơn là học biết Ngài qua Kinh Thánh, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô” (thánh Giê-rô-ni-mô). Bạn đã coi việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa như phương thế không thể thiếu cho con đường nên thánh của mình hay chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn quyết tâm luôn trung thành với việc suy niệm Lời Chúa hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết lắng nghe, biết suy niệm và thực hành lời Chúa dạy trong mỗi ngày sống của chúng con. Amen.

04/03/23 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC

Mt 5,43-48 

AI LÀ “KẺ THÙ”?

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù… Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,45)

Suy niệm: “Kẻ thù” là bất cứ ai chống lại ta, và dùng bất cứ phương tiện gì, nhằm làm hại, tiêu diệt, vô hiệu hoá ta. Nói rộng ra kẻ thù là những người khác ý với ta, những người mà ta cảm thấy khó ưa, không muốn nhìn thấy mặt họ, không giết được thì xoá sổ họ khỏi tâm trí mình. Thế mà Chúa Giêsu nói với ta: Hãy yêu họ! Một mệnh lệnh không hề đơn giản! Nhưng đó lại là đặc điểm để nhận biết “con cái của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời” bởi vì chính Ngài là Con Chí Ái của Chúa Cha đã “yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân,” nghĩa là khi chúng ta còn là kẻ thù của Thiên Chúa; và cũng bởi vì khi chịu treo trên thập giá để đền tội chúng ta, Ngài đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài. Yêu kẻ thù: Một hành động thật điên rồ! Nhưng chính sự điên rồ ấy làm chúng ta nên giống Thầy chí thánh của chúng ta.

Mời Bạn: Sở dĩ chúng ta khó, thậm chí không thể yêu “kẻ thù” vì ta đứng vào thế đối lập “không đội trời chung” với họ: chúng ta nghĩ rằng phải tiêu diệt họ, dù chỉ “giết người trong mộng” thì mình mới tồn tại được. Đối lại, để yêu, hãy đặt họ vào vị trí của những người bạn, những người mà ta phải “chết đi để họ được sống và sống dồi dào” – như Thầy Giêsu đã làm.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm xem đối tượng nào đang là “kẻ thù” của bạn. Làm một việc thể hiện sự quan tâm của bạn muốn đem lại điều tốt đẹp cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên thập giá Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét. Xin cho con biết vác thập giá với Chúa để cùng Chúa tiêu diệt kẻ thù bằng cách yêu mến họ như bạn hữu. Amen.

05/03/23 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC A

Mt 17,1-9 

VINH QUANG CỦA CHÚA

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Qua sự kiện biến hình, Chúa Giê-su cho ba môn đệ thấy trước vinh quang của Ngài là để củng cố đức tin của các ông. Ngày hôm nay Chúa Giê-su tiếp tục củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của ta khi cho bánh và rượu trở thành Thịt Máu Ngài trên bàn thờ mỗi ngày. Ngài tiếp tục bày tỏ vinh quang của mình cho những ai có lòng tin. Là người nhận lãnh ánh sáng vinh quang của Chúa trong bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải phản chiếu ánh sáng vinh quang ấy cho người khác qua chính đời sống tốt đẹp của mình.

Mời Bạn: Trên bàn thờ Thập giá Chúa Giê-su đã cho đi sự sống mình để cứu độ nhân loại. Để ở với và nuôi sống nhân loại, Ngài tiếp tục cho đi chính Thân Mình Ngài mỗi ngày. Vì vậy, cả con người và cuộc sống của bạn đều là ân huệ Chúa ban. Bạn hãy nỗ lực sống thế nào để người khác nhận ra vinh quang của Ngài chiếu tỏa nơi bạn, như một cử chỉ đền đáp ân tình của Ngài.

Chia sẻ: Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi mọi người hoán cải, canh tân đời sống để đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Bạn và tôi sẽ sống thế nào để được biến đổi trong Chúa?

Sống Lời Chúa: Nỗ lực sống tốt trong mùa Chay để đẹp lòng Thiên Chúa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng đời sống chúng con là ân huệ Chúa thương ban. Chúng con xin dành trọn cuộc đời mình để tán tụng, tri ân và ngợi khen Chúa. Amen.

03/03/23 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC

Mt 5,20-26 

CÔNG CHÍNH TỪ BÊN TRONG

“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

Suy niệm: Nếu chỉ xét về số lượng việc làm bên ngoài thì khó mà “công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu” được. Sự công chính mà Chúa nói tới đây là sự công chính đích thực, phát xuất từ nội tâm, chứ không phải do việc tuân giữ các điều luật chi li bên ngoài. Đức Giê-su thường khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu vì lối sống vụ hình thức này. Động lực thúc đẩy họ giữ luật là mong được tiếng khen, và dựa vào đó để chứng tỏ mình là người công chính. Chuẩn thứ nhất của việc “sống công chính hơn” như Chúa dạy là “nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48), và giữ luật “vì chàng rể”, tức là vì chính Ngài là Đấng Ki-tô. Tiếp đến, việc giữ luật phải được nội tâm hoá từ bên trong, phải triệt tiêu lòng giận ghét, ước muốn phạm tội từ trong tư tưởng của mình (x. Mt 5,21-22.28). Đức tin và lòng mến tự trong lòng mới là động lực dẫn tới hành vi đúng đắn bên ngoài.

Mời Bạn: Việc “sống công chính hơn” là một thách đố buộc mỗi người chúng ta phải nỗ lực thường xuyên ý hướng nội tâm đến hành động bên ngoài. Sống công chính không phải một việc làm một lần là xong, mà phải là một tiến trình trung thành trong suốt cả đời sống. Như thế cũng là sống công chính đích thực.

Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét mình xem các công việc mình làm có thực sự vì yêu mến Chúa và với cả tấm lòng không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con phải ăn ở công chính. Chúng con chỉ làm được điều Chúa muốn đó  khi có ơn trợ giúp của Chúa. Xin giúp chúng con thực hành từ trong ý tưởng, nội tâm để đi đến việc làm cụ thể bên ngoài.