ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - GIÁO LÝ VỀ SACH TÔNG ĐỒ CV

ĐTC Phanxicô

 

 Giáo Lý về Sách Tông Vụ - Bài 2

 

Tông Đồ Đoàn được tái cấu trúc

 

Thứ Tư ngày 5/6/2019

 

 

"Cơ cấu 12 Vị đã được tái cấu trúc,

dấu hiệu cho thấy mối hiệp thông thắng vượt những gì là chia rẽ, những gì là cô lập, những gì là tâm thức muốn độc chiếm vị trí riêng tư,

dấu hiệu cho thấy mối hiệp thông là chứng từ đầu tiên Nhóm Các Vị Tông Đồ cần phải cống hiến".

 

 

"Việc tái cấu trúc của Tông Đồ Đoàn cho thấy,

nơi DNA (Di Truyền Thể) của cộng đồng Kitô hữu có mối hiệp nhất bên ngoài bản thân mình,

những gì giúp cho con người không sợ những gì là đa dạng,

không gắn bó mình với các sự vật và tặng ân mà trở thành các vị tử đạo,

thành những chứng nhân rạng ngời của Thiên Chúa sống động và hoạt động trong giòng lịch sử loài người".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta đã bắt đầu loạt bài giáo lý dõi theo một "cuộc hành trình": cuộc hành trình của Phúc Âm, được thuật lại trong Sách Tông Vụ, vì Sách Tông Vụ này thật sự làm cho người ta thấy được hành trình của Phúc Âm, thấy được Phúc Âm đi xa hơn, rộng hơn, sâu hơn... Tất cả đều bắt đầu từ cuộc Phục Sinh của Chúa KitôThật vậy, cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô không phải là một biến cố trong các biến cố, mà là một nguồn sự sống mới. Các vị môn đệ biết thế, và - tuân theo lệnh truyền của Chúa Giêsu - các vị đã liên kết, đồng lòng và kiên trì cầu nguyện. Các vị ở gần bên Đức Maria, một Người Mẹ, và các vị dọn mình nhận lãnh quyền lực của Thiên Chúa, không phải một cách thụ động mà là củng cố mối hiệp thông nơi các vị.

Cộng đồng tiên khởi ấy được làm nên bởi hơn kém 120 anh chị em: một con số chất chứa nơi nó con số 12, biểu hiệu cho dân Israel, vì nó tiêu biểu cho 12 chi họ, và cũng tiêu biểu cho Giáo Hội, nơi 12 vị Tông Đồ được Chúa Kitô tuyển chọn. Tuy nhiên, bấy giờ, sau các biến cố Khổ Nạn đau thương, thành phần Tông Đồ của Chúa không còn là 12 mà là 11. Một người trong các vị là Giuđa không còn nữa: vị này đã tự tử, bị nghiền nát bởi hối hận.

Vị này trước khi tự tách mình khỏi mối hiệp thông với Chúa và với những vị khác, đã bắt đầu làm theo ý riêng của mình, cô lập hóa bản thân mình, chạy theo tiền bạc đến độ dụng cụ hóa người nghèo, đến độ lạc mất chân trời của những gì là nhưng không và hiến thân, để cho vi khuẩn kiêu hãnh chi phối tâm trì mình, biến mình từ "bạn hữu" (Mathêu 26:50) thành thù địch, và "dẫn những kẻ đến bắt giải Chúa Giêsu đi" (Tông Vụ 1:16). Giuđa đã nhận được hồng ân cao cả thuộc về nhóm thân tình của Chúa Giêsu, và tham phần vào thừa tác vụ của Người, thế nhưng, vào một lúc nào đó, vị này đã muốn tự cứu mạng sống mình nên đã đánh mất nó (xem Luca 9:24). Vị này đã thôi không thuộc về Chúa Giêsu bằng tấm lòng của mình, và đem mình ra khỏi mối hiệp thông với Người và với những ai thuộc về Người. Vị này đã thôi không còn là môn đệ, và đặt mình lên trên cả Sư Phụ của mình. Vị này đã bán Người, và bằng "phần thưởng từ việc gian ác của mình", đã tậu mua một thửa ruộng, không sinh hoa trái nhưng thấm máu của vị ấy (xem Tông Vụ 1:18-19).

Nếu tông đồ Giuđa chuộng sự chết hơn sự sống (xem Đệ Nhị Luật 30:19; Sirach 15:17), và theo gương của thành phần gian ác sống theo đường lối tối tăm và hủy diệt (xem Proverbs 4:19; Psalm 1:6), thì trái lại, 11 Vị đã chọn sự sống và phúc lành, nhận lãnh trách nhiệm làm cho sự sống và phúc lành này tuôn trào trong giòng lịch sử, từ đời nọ đến đời kia, từ dân Do Thái tới Giáo Hội.

Thánh ký Luca cho chúng ta thấy rằng trước việc buông bỏ của một trong 12 Vị, một sự cố gây tổn thương đến thân mình của cộng đồng này, cần phải trao cho người khác công việc của vị ấy. Vậy thì ai là người sẽ đảm nhận thay đây? Tông đồ Phêrô đã nêu lên điều kiện đó là phần tử mới này cần phải là một môn đệ của Chúa Giêsu ngay từ ban đầu, tức là từ khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa ở sống Jordan, cho đến cuối cùng là biến cố Thăng Thiên về Trời của Người (xem Tông Vụ 1:21-22). Cần phải tái cấu trúc Nhóm 12. Vào lúc bấy giờ, việc thực hiện ấy được bắt đầu bằng nhận thức của cộng đồng, một việc cần phải nhìn thực tại bằng ánh mắt của Thiên Chúa, theo quan điểm của hiệp nhất và hiệp thông.

Có hai vị được tuyển ra, đó là Giuse Barsabbas và Matthias. Sau đó tất cả cộng đồng đã cầu nguyện như thế này: "Lạy Chúa là Ðấng thấu suốt lòng dạ mọi người, xin tỏ ra: trong hai người này, ai là kẻ Chúa chọn... để kế chỗ Yuđa đã sa đọa bỏ trống" (Tông Vụ 1:24-25). Và qua việc bỏ thăm, Chúa đã cho thấy là môn đệ Matthias, vị đã được ghi danh với 11 Vị. Như thế, cơ cấu 12 Vị đã được tái cấu trúc, dấu hiệu cho thấy mối hiệp thông thắng vượt những gì là chia rẽ, những gì là cô lập, những gì là tâm thức muốn độc chiếm vị trí riêng tư, dấu hiệu cho thấy mối hiệp thông là chứng từ đầu tiên Nhóm Các Vị Tông Đồ cần phải cống hiến. Chúa Giêsu đã nói với các vị rằng: "Cứ dấu này mà tất cả mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày, đó là các con yêu thương nhau" (Gioan 13:35).

Trong Sách Tông Vụ, Nhóm 12 cho thấy kiểu cách của Chúa. Các vị là những chứng nhân uy tín về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô, và các vị không bộc lộ cho thế giới thấy sự trọn hảo tự phong của mình, mà là nhờ ân sủng của mối hiệp nhất mà các vị làm cho Đấng Khác nhập vào, Đấng bấy giờ đang sống đường lối mới giữa dân của Ngài. Đấng đó là ai vậy? Đó là Chúa Giêsu. Các vị Tông Đồ đã muốn sống dưới quyền chủ tể của Đấng Phục Sinh trong mối hiệp nhất giữa anh em với nhau, một mối hiệp nhất trở thành môi trường duy nhất khả dĩ cho việc đích thực hiến thân mình.

Chúng ta cũng cần tái nhận thức vẻ đẹp của việc làm chứng cho Đấng Phục Sinh, vượt lên trên những thái độ qui kỷ, loại bỏ việc khư khư giữ lấy các tặng ân của Thiên Chúa, và không chiều theo những gì là tầm thường. Việc tái cấu trúc của Tông Đồ Đoàn cho thấy nơi DNA (Di Truyền Thể) của cộng đồng Kitô hữu có mối hiệp nhất bên ngoài bản thân mình, những gì giúp cho con người không sợ những gì là đa dạng, không gắn bó mình với các sự vật và tặng ân mà trở thành các vị tử đạo, thành những chứng nhân rạng ngời của Thiên Chúa sống động và hoạt động trong giòng lịch sử loài người.

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-the-acts-of-the-apostles-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu