ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - ĐTC - GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN

 

  •  
    Tinh Cao
     
    Wed, Mar 17 at 6:20 PM
     
     

    ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện

     

    Bài 27: Cầu Nguyện liên hệ với Chúa Ba Ngôi - phần 2

     

    Pope Francis at his general audience address in the library of the Apostolic Palace March 17, 2021 / Vatican Media

     

    Xin chào anh chị em thân mến,

    Hôm nay chúng ta sẽ hoàn tất bài giáo lý về cầu nguyện như là một mối liên hệ với Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là với Thánh Linh.

    Tặng ân đầu tiên của hết mọi cuộc sống Kitô hữu đó là Thánh Linh. Đây không phải là một trong các thứ tặng ân, mà thật sự là Tặng Ân chính yếu. Thần Linh là tặng ân Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta. Không thể nào liên hệ với Chúa Kitô và với Chúa Cha mà lại không có Thần Linhvì Thần Linh hướng lòng chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa và kéo nó vào "vòng xoáy" yêu thương là chính cõi lòng của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ là những người khách và những kẻ lữ hành trong cuộc hành trình trên mặt đất này; chúng ta cũng là những người khách và những kẻ lữ hành của Ba Ngôi. Chúng ta giống như Abraham, vị có hôm đã được gặp gỡ Thiên Chúa, khi đón tiếp ba vị lữ khách ở lều trú của ông. Nếu chúng ta có thể thực sự kêu cầu Thiên Chúa, gọi Ngài là "Bố - Ba / Abba - Daddy", chính là do Thánh Linh ở trong chúng ta; Ngài là Đấng biến đổi chúng ta sâu xa tự bên trong, và làm cho chúng ta cảm nghiệm thấy niềm cảm xúc hân hoan được Thiên Chúa yêu thương như những người con cái thực sự của Ngài. Tất cả mọi hoạt động thiêng liêng ở bên trong chúng ta hướng về Thiên Chúa đều được thực hiện bởi Thánh Linh là tặng ân ấy. Ngài hoạt động trong chúng ta để đưa đời sống Kitô hữu hướng về Chúa Cha, với Chúa Giêsu. 

    Về khía cạnh này, Sách Giáo Lý viết: "Mỗi khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện cùng Chúa Giêsu thì chính Thánh Linh lôi kéo chúng ta đến việc cầu nguyện này bằng ân sủng trước đó của Ngài. Vì Ngài dạy chúng ta cầu nguyện bằng việc gợi nhớ đến Chúa Kitô thì chúng ta lại không thể cầu cùng Thần Linh nữa hay sao? Đó là lý do tại sao Giáo Hội mời gọi chúng ta kêu cầu cùng Thánh Linh hằng ngày, nhất là vào lúc khởi đầu và kết thúc hết mọi hoạt động quan trọng" (khoản 2670). Đó là hoạt động của Thần Linh trong chúng ta. Ngài "nhắc nhở" chúng ta về Chúa Giêsu và làm cho Người hiện diện với chúng ta - chúng ta có thể nói rằng Ngài là ký ức về Ba Ngôi của chúng ta, Ngài là ký ức của Thiên Chúa trong chúng ta - và Ngài làm cho Chúa Giêsu hiện diện, nhờ đó Người không bị biến thành một nhân vật trong quá khứ: tức là, Thần Linh làm cho Chúa Giêsu hiện thực nơi tâm thức của chúng ta. Nếu Chúa Kitô chỉ xa vời về thời gian, thì chúng ta sẽ lẻ loi cô độc và lạc mất trên thế gian này. Đúng thế, chúng ta sẽ nhớ Chúa Giêsu, có đó, xa vời nhưng chính Thần Linh đưa Người trở lại hôm nay đây, hiện tại, lúc này đây, trong tâm can của chúng ta. Thế nhưng, tất cả mọi sự trở nên sống động nơi Thần Linh, ở chỗ Kitô hữu có thể gặp gỡ Chúa Kitô ở mọi lúc và mọi nơi. Việc có thể gặp gỡ Chúa Kitô, không phải chỉ như là một nhân vật lịch sử, được mở ra. Không, Ngài lôi kéo Chúa Kitô đến với cõi lòng của chúng ta, chính Vị Thần Linh này làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Người không xa cách, Vị Thần Linh này ở với chúng ta: Chúa Giêsu vẫn dạy dỗ thành phần môn đệ của Người bằng việc biến đổi cõi lòng của họ, như Người đã làm nơi Thánh Phêrô, nơi Thánh Phaolô, nơi Thánh Maria Mai Đệ Liên, nơi tất cả các tông đồ. Thế nhưng, tại sao Chúa Giêsu lại hiện diện? Vì chính Thần Linh mang Người đến với chúng ta.

    Đó là kinh nghiệm của rất nhiều con người cầu nguyện: những con người nam nữ được Thánh Linh hình thành theo "tầm mức" của Chúa Kitô, về lòng thương xót, về việc phục vụ, về việc nguyện cầu, về giáo lý ... Đó là một ơn ban để có thể gặp gỡ dân chúng như thế này: anh chị em nhận ra rằng có một sự sống khác sinh động trong họ, cách thức họ nhìn "trổi vượt". Chúng ta có thể nghĩ đến chẳng những các vị đan sĩ và ẩn sĩ; họ cũng có thể là thành phần dân chúng bình thường, những con người đã gắn bó lâu dài với việc đối thoại cùng Thiên Chúa, đôi khi còn xẩy ra cả một tình trạng đối chọi nội tâm thanh tẩy đức tin của họ. Những chứng nhân khiêm hạ này đã tìm kiếm Thiên Chúa nơi Phúc Âm, nơi việc lãnh nhận và tôn thờ Thánh Thể, nơi gương mặt của một người anh chị em bị khốn khó, và họ bảo toàn sự hiện diện của Người như một ngọn lửa mật thiết.

    Công việc đầu tiên của Kitô hữu chính là việc giữ cho ngọn lửa được Chúa Giêsu mang xuống thế gian này cháy sáng (see Lk 12:49), và ngọn lửa này là gì? Chính là tình yêu, Tình Yêu của Thiên Chúa, là Thánh Linh. Không có ngọn lửa Thần Linh này, thì những lời tiên tri ngôn sứ của Ngài bị tắt lịm, nỗi buồn đẩy lui niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, và phục vụ trở thành nô lệ. Hình ảnh của ngọn đèn cháy sáng bên Nhà Tạm, nơi giữ Thánh Thể, hiện lên. Ngay cả khi nhà thờ không có người và màn đêm buông xuống, thậm chí khi nhà thờ đóng cửa, thì ngọn đèn này vẫn loe loét, và tiếp tục cháy sáng; không ai thấy nó, nhưng nó vẫn cháy sáng trước nhan Chúa. Đó là cách Vị Thần Linh này ở nơi tấm lòng của chúng ta, luôn hiện diện như cây đèn ấy vậy.

    Chúng ta đọc lại Sách Giáo Lý: "Thánh Linh, Đấng mà việc xức dầu của Ngài thấm nhiễm vào toàn thể hữu thể của chúng ta, là Vị Sư Phụ nội tâm của việc cầu nguyện Kitô giáo. Ngài là một thủ công viên của truyền thống sống động về cầu nguyện. Thật ra có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu cách thức cầu nguyện, nhưng chỉ có cùng một Vị Thần Linh tác động trong tất cả mọi người và với tất cả mọi người. Chính ở nơi mối hiệp thông của Thánh Linh mà lời cầu nguyện của Kitô hữu là lời cầu trong Giáo Hội" (khoản 2672). Rất thường xẩy ra chuyện chúng ta không cầu nguyện, chúng ta không cảm thấy thích cầu nguyện, hay nhiều lần chúng ta cầu nguyện như con vẹt, bằng miệng lưỡi chứ lòng của chúng ta chẳng thấy đâu khi chúng ta cầu nguyện. Đó là giây phút chúng ta cần phải xin Thần Linh: "Lạy Chúa Thánh Thần, hãy đến, xin hãy đến sưởi ấm cõi lòng của chúng con. Xin hãy đến dạy chúng con cầu nguyện, dạy chúng con nhìn lên Chúa Cha, nhìn lên Chúa Con. Xin hãy dạy con đường nẻo đức tin. Xin hãy dạy con biết yêu thương, nhất là xin hãy dạy con có được một thái độ hy vọng". Nghĩa là liên tục kêu xin cùng Thần Linh, để Ngài hiện diện trong cuộc đời của chúng ta.

    Bởi thế mà chính Thần Linh là Đấng viết lên lịch sử Giáo Hội và thế giới. Chúng ta là những cuốn sách mở ra, sẵn sàng cho ngòi bút của Ngài. Nơi mỗi một người chúng ta, Vị Thần Linh này sáng tác những hoạt động độc đáo, vì không bao giờ có chuyện Kitô hữu này lại hoàn toàn đồng nhất với Kitô hữu khác. Trong cánh đồng thánh đức bao la, Vị Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi của Tình Yêu, để cho các chứng nhân khác nhau nở ra: tất cả đều bình đẳng về giá trị, nhưng độc đáo về vẻ đẹp, được Thần Linh muốn thực hiện nơi mỗi một người được trở nên con cái Thiên Chúa bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng quên, Vị Thần Linh hiện diện, Ngài hiện diện trong chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Thần Linh, chúng ta hãy kêu cầu cùng Thần Linh - Ngài là tặng ân, là quà tặng Thiên Chua ban cho chúng ta - và thân thưa cùng Ngài rằng: "Lạy Chúa Thánh Thần, con không biết được dung nhan của Chúa - chúng ta không biết được dung nhan này - nhưng con biết rằng Chúa là sức mạnh, Chúa là ánh sáng, Chúa có thể làm cho con tiến bước, và dạy con biết cách cầu nguyện. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến". Đó là một lời nguyện cầu tuyệt vời: "Xin Chúa Thánh Thần hãy đến".

    (Sau bài giáo lý:)

    Một lần nữa, với nỗi buồn lớn lao, tôi cảm thấy khẩn thiết đề cập tới tình trạng thảm thương ở Myanmar, nơi mà nhiều người, nhất là giời trẻ, bị mất mạng sống của họ để cống hiến niềm hy vọng cho xứ sở. Tôi cũng quì xuống các đường phố ở Myanmar mà xin rằng: Hãy chấm dứt bạo lực! Tôi cũng giang cánh tay ra mà xin rằng: Xin hãy đối thoại với nhau!

     

    http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210317_udienza-generale.html

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

     

     

    --