Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 2. Sao Lại Buồn
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Hỡi linh hồn đau khổ, hỡi Bạn thân ái, Kinh thánh có lời rằng: “Ớ linh hồn tôi, sao mày buồn sầu cùng bối rối? Mày hãy trông cậy vào Chúa… ”(4)
Lời Thánh vịnh ấy, tôi cũng có thể dùng để nói với Bạn. Hỡi Bạn, sao Bạn buồn phiền bối rối? Sao lúc nào trên mặt Bạn cũng điềm những nét nhăn nheo, sao trên môi Bạn không lúc nào thấy nở một nụ cười? Sao đêm nào Bạn cũng khóc than? Sao Bạn chỉ muốn chết để thoát nợ đời? Sao Bạn nhìn thế giới như chốn tử địa? Sao Bạn không say sưa nhìn ngắm những ánh sáng tưng bừng của buổi sớm, nhất là những buổi rạng đông lộng lẫy của mùa xuân? Sao Bạn không khoan khoái khi đứng trước một cảnh trăng sao dầy đặc của mùa hạ? Sao Bạn không hưởng hết cái khí vị êm đềm ở nụ cười hồn nhiên của đứa trẻ? Sao Bạn không nhìn sâu vào đôi mắt trong suốt của đứa bé thơ, để nhận cho hết những cái đáng yêu đáng quí của một tâm hồn trong sạch?
Rồi những buổi mặt trời nhô trên mặt bể, rồi những lúc trăng lặn bên kia những lớp sóng bạc, rồi những đám lân tinh tung toé mỗi lúc mặt bể bị lay động… rồi những cử chỉ ân ái của người mẹ săn sóc đứa con nằm trên giường… rồi những cái chết anh dũng của người lính đã chết trên trận địa, để gìn giữ đất nước…
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, lúc mới 14 tuổi, cũng đã biết ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên và nâng lòng tới Đấng Cao Cả.
Sau đây là một trang rất êm đềm, đầy thi vị trích trong Truyện Một Linh hồn chính Người đã chép:
“Trước khi tới đích cuộc đi viếng, là La Mã, chúng con đã vượt qua nước Thụy Sĩ, có nhiều núi cao, ngọn tuyết trắng xóa, hòa lẫn với mây trời: có những thác nước đổ xuống trắng như màn bạc, có những thung lũng sâu hoắm, chi chít những cây cổ thụ, những bụi phượng vĩ to lớn, với những chòm hoa đỏ hồng.
Mẹ thân mến, cái phong cảnh thiên nhiên hữu tình đẹp đẽ, do một bàn tay bí mật tạo tác, khiến lòng con được ích lợi muôn phần. Nó nâng rước hồn con lên tới Tòa Đấng Tạo hóa, đã chẳng ngại ném xuống cõi tục, một mai sẽ đi vào hư vô, những công trình vĩ đại bao la ấy.
Thỉnh thoảng chúng con được lên đỉnh núi cao chót vót: đứng đấy nhìn xuống chân, thấy những vực sâu hoắm, không biết đâu là tận cùng, con có cảm giác như chúng muốn nuốt trửng chúng con. Xa xa hơn, chúng con lại đi qua một làng coi cũng xinh xinh với những nhà gỗ, với ngọn tháp thơ mộng cao quá tầm mắt, như đang đùa giỡn với những đám mây nhạt. Chỗ kia là chiếc hồ rộng, nước trong như lọc, mặt lặng như phản, pha lẫn màu xanh biếc với ánh nắng nhạt của ác vàng đang lặn.
Con biết tả sao cái cảm giác mê man trước cảnh hùng vĩ, đầy thi vị ấy? Con liên tưởng đến những cảnh vô cùng ngoạn mục trên nơi hằng sống… ”.
Rồi cái cảnh hiện tại đem lòng thiếu nữ tưởng đến đoạn đời tương lai:
“Khi ấy cũng như bây giờ, con cũng đã hiểu thế nào là cuộc đời đi tu: đi tu là phải sống trong khuôn phép nhiệm nhặt, sống với hy sinh hằng ngày, sống với trăm nghìn thứ kềm hãm trong âm thầm, trong kín đáo. Con đã biết, vì thế người ta có thể quên mục đích cao thượng của ơn kêu gọi dễ như không. Nên con đã răn mình rằng: Sau này được đi tu trong Nhà Kín, gặp bước gian nan hay bị những cám dỗ ám ảnh rằng: mình chỉ được xem có một quãng trời hẹp, lúc ấy tôi sẽ nhớ lại ngày hôm nay, tôi đã được đứng giữa cảnh thiên nhiên uy hùng lộng lẫy, với muôn cảnh ngoạn mục, để thêm can đảm mà tu thân tích đức. Nghĩ đến uy quyền toàn năng của Chúa, tôi chẳng còn thèm gì đến những lợi nhỏ nhen của tôi, tôi sẽ quyết chí yêu một mình Chúa, tôi sẽ không để lòng dính bén các loài thụ sinh rơm rác nữa, vì giờ đây, tôi đã được thoáng thấy những cái Chúa dành để cho những ai tận tình mến Chúa”.
Trong ngày lĩnh nhận bí tích Rửa tội, vị đại diện Chúa khuyên Bạn phải làm tôi Chúa trong sự vui vẻ. Là vì trong ngày ấy Chúa đổ ơn Thánh hóa đầy tràn linh hồn Bạn. Nhờ ơn Chúa Thánh hóa Bạn đã chiếm được chính hạnh phúc đích thực của Thiên đàng, ấy là chính Chúa. Linh hồn Bạn đã biến thành thiên đàng, vì có Chúa ngự trong ấy. Như thế, thì lẽ gì Bạn không vui? Cả trong khi bị đau đớn, bị bách hại, bị vu khống, già, chết, chân lý ấy cũng đủ yên ủi Bạn, và tiêm thuốc bổ vào người Bạn, vì ngay cho Bạn có thiếu hết mọi mùi hạnh phúc ở đời, Bạn mà còn giữ được ơn Thánh hóa, bạn vẫn còn vui được.
Bởi vậy, Thánh Phaolô đã kêu lên: “Tôi đầy tràn vui thú giữa những tai vạ của tôi”. (5)
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trong lúc máu chảy tràn ra ngoài miệng cũng than thở: “Tôi thấy máu sôi lên trong cổ tôi, tôi tưởng tôi sắp chết và tim tôi vui mừng đến bị vỡ tan ra”.
Thánh Phanxicô khó khăn nói: “Sự buồn sầu chỉ xứng cho ma quỷ và các thủ hạ của nó; còn chúng ta, hãy vui mừng trong Chúa”.
Thánh Bênêdictô Láp (Labre), giữa lúc bị lũ trẻ chế nhạo, vì mặt mũi gầy còm, áo mặc rách tã, Người đã kêu lên: “Ước gì các em hiểu được hạnh phúc của tôi”.
Những lời như những lời ấy tôi không thuật lại hết được.
Nhưng tôi cũng xin thuật lại một truyện. Một hôm Bá tước Stolberg (Xi-tô-bê) gặp một cụ già đang khóc bên cạnh đường. Bá tước dừng lại, và hỏi cụ già sao khóc. Cụ già chỉ cho Bá tước xem đống gạch vụn của ngôi nhà cụ vừa bị thần hỏa thiêu. “Bây giờ tôi chỉ có một mình. Trước đây tôi cũng có gia đình. Nhưng giờ không còn sống một ai”. Bá tước thở dài: “Cụ già khốn nạn quá… ” rồi lấy tiền làm phúc cho cụ. Bỗng nhiên, như lấy lại được sức mạnh của Đức Tin, cụ đứng lên, nhìn thẳng vào mặt Bá tước, và nói: “Không, tôi không phải người khốn nạn. Mẹ tôi đã dạy tôi rằng: trên đời chỉ có một cái khốn nạn, ấy là tội trọng. Nhờ ơn Chúa, đời tôi chưa khi nào tôi dám phạm tội trọng. Tôi không phải người khốn nạn”. Không khác gì cụ già nói: Giữa những tai bay vạ gió này, tôi vẫn sung sướng, vì ơn Thánh hóa vẫn ở trong lòng tôi.
Bạn, hết những cái vui cái đẹp ấy, những cái có sức làm thỏa mãn lòng Bạn hoặc làm cạn những nguồn đau khổ của lòng Bạn ấy, cũng như những tấm gương anh hùng ấy, chính Chúa đã tạo nên, và đã tặng cho Bạn. Chúa có tiếc gì với Bạn đâu. Sao Bạn không nhìn nhận những lạc thú tự nhiên, hoặc siêu nhiên đầy yên ủi ấy. Bạn cứ mặt ủ mày chau, Bạn không muốn hưởng những thú vui trong sạch, Chúa đã dành riêng cho Bạn; những thú vui ấy, là con đường đưa Bạn đến niềm vui thật trên trời, miễn Bạn biết dùng cho nên.
Bạn hãy trông cậy vào Chúa. Chúa sinh ra Bạn không phải để làm khổ cho Bạn, Chúa sinh ra Bạn, để mai sau thưởng Bạn một cuộc đời sung sướng bất tuyệt, vô cùng vô tận… Và ngay lúc còn sống ở đời, Chúa cũng không bắt Bạn chịu khó quá sức Bạn.
Tôi xin nói lại, Kinh Thánh đã chép: “Anh em hãy làm tôi Chúa trong sự vui vẻ”. (6) Thánh Phaolô cũng viết thư cho giáo hữu thành Philiphê: “Anh em hãy vui mừng. Thầy nói lại, Anh em hãy vui mừng”. (7) Trong khi dâng lễ, biết bao lần chúng ta đã hát lời: “Gaudeamus omnes in Domino: Chúng ta hãy vui mừng trong Chúa”. Cả mùa Phục Sinh, trong khi dâng lễ, đọc kinh, Bạn thấy vang dội những tiếng Alleluia, chúng ta hãy vui mừng, hãy ca tụng Chúa.
Chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương cho ta. Ngày Chúa Giáng Sinh, dù Chúa ra đời để chịu đau khổ chuộc tội ta, mà các Thiên thần cũng phán với các trẻ mục đồng: “Này ta đưa tin mừng cho các em” chứ không phải đưa tin buồn. Rồi các Đấng hát ca khải hoàn: “Gloria in allissismis Deo… Trên trời mừng Chúa hiển vinh”.
Trong khi còn sống, Chúa đã không nhiều lần dự các cuộc vui như tiệc cưới là gì?
Chúa đã muốn Bạn vui, Giáo Hội đã muốn Bạn vui, sao Bạn lại muốn làm trái lời Chúa, đi ngược với huấn lệnh của Giáo Hội?
Không, tôi hiểu Bạn lắm. Sở dĩ Bạn buồn phiền là vì Bạn chưa hiểu sự đau khổ, Bạn chưa biết dùng những phương thế giúp Bạn hưởng những thú vui trong sạch thanh cao, thú vui cả trong lúc đau khổ, thú vui vì được đau khổ.
Vậy thì như tôi đã nói ở trang trên, mấy trang này viết riêng cho Bạn, cốt giúp Bạn hiểu thêm ý nghĩa sự đau khổ. Hiểu thêm, để Bạn chịu khó cho nhẫn nại, chịu cho có công nghiệp trước mặt Chúa; hiểu thêm, để lúc nào Bạn cũng tươi cười, cái tươi cười của con cái Chúa, vui cười sung sướng để người khác cùng vui sướng lây.
Là vì, như người ta nói: “một vị thánh hay buồn, là một vị thánh đáng buồn”.
Tôi mong Bạn sẽ hiểu những điều tôi viết ra đây, và Bạn hãy vừa đọc vừa cầu nguyện để Chúa giúp Bạn hiểu xa hơn cả những điều tôi muốn viết, mà không viết được.
Chúc Bạn được như lòng tôi và lòng Bạn mong ước.
Lm. Nguyễn Văn Tuyên - DCCT
(4) Tv 41,6
(5) II Cor. 7,4
(6) Tv. 99,2
(7) Phil. 4,4