Những phương thế cứu giúp các Linh Hồn luyện ngục
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Article Index
LỜI ĐẦU
Công đồng Lyon năm 1274 và Công đồng Florence năm 1439 tuyên ngôn rằng:
“Ðể làm giảm bớt các hình phạt các linh hồn khốn khó phải chịu trong Luyện ngục: Lời cầu nguyện, việc làm phúc bố thí, và các việc lành khác mà các giáo dân quen làm như Giáo hội dạy, nhất là Thánh Lễ Misa, có thể giảm bớt hình khổ cho các linh hồn Luyện ngục.” (D. 464, 693).
Chúng ta nên dâng việc lành phúc đức như đọc kinh, lần hạt Mân côi, ăn chay, hãm mình, bố thí, nhường Ân xá, nhất là dự lễ và xin lễ cho các linh hồn trong Luyện ngục. Làm như thế ta thực hiện mầu nhiệm Các thánh Thông công, liên kết đó là giáo lý rất an ủi người sống cũng như người đã qua đời.
Mầu nhiệm Các Thánh Thông công dạy ta rằng “Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời, đã được lên Thiên đàng hay còn trong Luyện ngục, đều liên lạc mật thiết với nhau.”
Các tín hữu còn sống liên lạc với các Thánh trên trời bằng cách tôn kính cầu xin các Thánh, đối lại các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Chúa, xin cho các tín hữu những ơn cần thiết làm trọn thánh ý Chúa trong bậc mình khi còn sống ở trần gian.
Các tín hữu còn sống liên lạc với các linh hồn Luyện ngục bằng cách dâng các lời nguyện, việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn, đổi lại các linh hồn cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Chúa, xin cho các tín hữu những ơn cần thiết phần hồn phần xác.
Các tín hữu còn sống thông công liên lạc với nhau qua lời cầu nguyện, gương lành. Ðời sống thánh thiện của mọi người đều có ảnh hưởng đến người khác.
Chúa Kitô đã kết hợp các tín hữu thành một thân thể mầu nhiệm, đó là lý do giải nghĩa mầu nhiệm các Thánh thông công như đã trình bày trên.
Muốn cho các việc chúng ta làm sinh ơn ích cứu rõi các linh hồn, theo ý kiến Thánh Tôma Aquinô cần 3 điều sau:
1. Phải có ý nhường công phúc việc lành mình làm cho linh hồn nào đó, hoặc cho các linh hồn mồ côi. Nếu không có ý nhường thì công phúc việc lành vẫn thuộc về người làm.
2. Phải làm việc có tính cách đền tội, bởi tuy là việc lành nhưng sinh công hiệu khác nhau: công hiệu kinh Mân côi khác công hiệu lễ Misa. Và còn tùy người làm cách sốt sắng thánh thiện hay khô khan ơ hờ.
3. Phải làm khi có ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sạch tội trọng. Không kể những việc lành nguyên tự phát sinh công hiệu như Thánh lễ Misa, dù người dự hay xin lễ không có ơn nghĩa Chúa, Thánh lễ vẫn sinh công hiệu cho các linh hồn.
* Truyện kể rằng, một người cha đang khi hấp hối dặn đứa con trai nhớ đến và năng cầu nguyện cho cha sau khi cha qua đời. Người con hiếu thảo vâng lời ngay, chàng siêng năng cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cầu cho linh hồn cha.
Sau 33 năm người cha nói trên hiện về với con, quanh mình phủ đầy lửa, cay đắng phàn nàn:
– Tại sao con quên cha lâu năm như vậy, không cầu nguyện cứu giúp cha.
Người con hết sức ngạc nhiên không hiểu câu nói của cha, chàng liền hỏi:
– Những lời cầu nguyện, việc lành, bố thí của con không giúp ích gì cho cha sao?
Người cha trả lời:
– Không con ơi, các việc lành phúc đức con làm không sinh ích gì cho con và cho cha, bởi con làm khi con mắc tội trọng. Con xưng tội, nhưng không có lòng ăn năn chừa tội thật. Chúa nhân từ cho phép cha hiện về với con để làm ích cho cha con ta.
Từ đó, người con thật lòng ăn năn chừa tội và chẳng bao lâu sau đã cứu được linh hồn cha khỏi Luyện ngục lên Thiên đàng rực rỡ vô ngần (Charity p. 526).
Lm. Mark, CMC.