Những phương thế cứu giúp các Linh Hồn luyện ngục - 3. Ăn Chay, Hãm Mình, Bác Ái

Article Index

ĂN CHAY, HÃM MÌNH, BÁC ÁI THỨ THA
CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Trong con người chúng ta có một cuộc tranh giành như Thánh Phaolô viết cho dân thành Rôma rằng: “Sự lành tôi muốn, tôi không làm, sự dữ tôi không muốn tôi lại làm… Tôi thấy một luật khác nơi tôi cự lại luật lý trí, buộc tôi lại trong luật tội lỗi. Ai cứu tôi khỏi cái xác chết này?” (Rm 7,19-24).

Nơi khác ngài viết cho dân thành Corintô: “Trong trường đua mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải nhất, anh chị em hãy chạy để đoạt giải. Và đã là tay đua thì phải kiêng cữ đủ điều. Họ chạy để chiếm lấy triều thiên hư nát, còn chúng ta chạy để chiếm triều thiên không hư nát. Phần tôi, không phải tôi chạy vờ vịt, tôi đấm, không phải là đấm không khí, trái lại tôi nhắm vào xác tôi mà đấm, kẻo sau khi giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại ra chăng” (1 Cr 10,24-27).

Ðó là lý do tại sao cần ăn chay hãm mình để chiến đấu và chiến thắng ba thù: Xác thịt, thế gian, ma quỉ. Xưa, chính Chúa Giêsu đã ăn chay hãm mình để dạy chúng ta noi theo gương Người.

Việc ăn chay hãm mình, ngoài hiệu quả lập công đền tội, còn sinh ích cứu rỗi các linh hồn Luyện ngục rất nhiều:

* Thánh Tôma Aquinô nói: “Ðền tội cho người đã chết thì đẹp lòng Chúa hơn đền tội cho người còn sống bởi người đã chết ở trong tình trạng khẩn thiết hơn, họ không còn tự giúp mình được như người còn sống” (Supplem. Q. 71 art. 5).

* Chân phúc Cecilia dòng nữ Ðaminh quen hãm mình khi khát nước để tôn kính sự khát của Chúa Giêsu trên Thánh giá và để giải khát cho các linh hồn Luyện ngục. Sau khi qua đời, bà hiện về với các nữ tu cùng dòng, nói rằng: “Ngay sau khi tôi vào Luyện ngục, Chúa cho Thiên thần mang đến một thùng nước, đổ xuống giập tắt ngọn lửa thiêu đốt tôi và cấp tốc đưa tôi về Thiên đàng mát mẻ đời đời.”

* Vua Sanxiô bị chết bởi thuốc độc, hoàng hậu đêm ngày cầu nguyện cho linh hồn vua. Thứ Bảy bà chỉ ăn bánh mì uống nước lã để tôn kính Ðức Mẹ, có ý cầu cho vua. Vua được hiện về cám ơn hoàng hậu về việc hãm mình ấy, và xin hoàng hậu cứ tiếp tục. Sau 40 ngày, hoàng hậu thấy vua hiện về rực rỡ ánh sáng Thiên đàng, chào tạm biệt hoàng hậu, nói rằng: “Bây giờ tôi được giải thoát khỏi cực hình. Tôi mắc nợ bà, nguyện xin Chúa chúc lành cho bà đến muôn đời”.

ăn chay cầu cho các linh hồn là một điều tốt, nhưng làm việc bác ái còn tốt hơn nữa. Chúa đã phán qua tiên tri Isaia rằng: “ăn chay thế này, chẳng làm ta hài lòng hơn sao: Hãy cởi trói tù nhân, cất gánh nặng cho người bị áp bức, tháo xiềng xích và thả chúng đi ra, bẻ gẫy ách quàng đầu quàng cổ chúng” (Is 80,6).

* Thánh Augustinô nói: “Nào có ích gì khi ta kiêng rượu mà lại bị đầu độc bởi nóng nảy giận hờn! Nào có hay gì khi ta kiêng thịt mà lại như con thú hoang làm hại danh giá tiếng tốt người lân cận!”

* Thánh Phanxicô Salesiô thuật truyện sau: Tại thành Padua, nơi người theo học khi còn là sinh viên, thành này có một tục lệ đáng chê: Những chàng thanh niên đeo gươm giáo ban đêm chạy ngoài đường phố nếu gặp ai thì hỏi lớn tiếng: Ai đi đâu đó? Người được hỏi bắt buộc phải trả lời, nếu không sẽ bị đốt, bị thương hay bị chết. Một đêm kia, có một sinh viên không trả lời, chàng ta bị đánh vỡ đầu và chết ngay. Kẻ gây ra án mạng này rất sợ hãi, tìm trốn ẩn trong nhà một quả phụ tốt lành y đã biết, mà con bà lại là nạn nhân đã qua đời. Chàng thú tội với nước mắt chan hòa rằng mình đã gây tử thương cho một người mà chàng không biết là ai, xin bà cho chàng ẩn núp trong nhà bà. Ðộng lòng thương, và không ngờ rằng kẻ giết con mình đang đứng trước mặt mình, bà bằng lòng cho hắn ẩn náu một nơi an toàn nhất trong nhà mà cảnh sát không dễ tìm ra được. Nửa giờ sau, có nhiều tiếng đập cửa, người ta đem xác nạn nhân đặt trước mặt bà. Trời ơi, đây chính là con tôi, và kẻ giết con tôi đang ẩn náu trong nhà tôi. Người Mẹ đau khổ như vỡ tim ra, bà gào thét rồi vội chạy vào chỗ kẻ sát nhân ẩn náu, gào to: Mày là thằng khốn nạn, con tao đã làm gì mày mà mày giết nó?! Thủ phạm bấy giờ mới nhận ra rằng mình đã làm chết người bạn, chàng vò đầu bứt tóc khổ sở, qùi xuống chân bà Mẹ xin ơn tha thứ và bào chữa cho mình, trao mình cho tòa án để chàng chịu mọi hình phạt đáng tội.. Bà Mẹ người con quá cố sực nhớ mình là người Công giáo, nhớ gương Chúa đã tha thứ cho kẻ làm khốn mình, bà quyết tâm noi gương Chúa, làm một việc bác ái anh hùng: dù đau khổ cực độ, bà đã tha cho kẻ giết con bà và bênh đỡ hắn trước mặt tòa án. Sự tha thứ này rất đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa đã cho phép con bà từ Luyện ngục được hiện về sáng láng nói với bà rằng: ” Mẹ yêu dấu, Chúa đã tỏ lòng thương xót con, bởi Mẹ đã tỏ lòng thương tha thứ cho nạn nhân, bởi sự tha thứ quảng đại này rất đẹp lòng Chúa, con đã được Chúa tha thứ khỏi Luyện ngục, nếu Mẹ không tha thứ như vậy, con sẽ còn phải giam phạt ở đó nhiều năm trong những đau đớn cực hình dữ dội”.

* Thánh Bênêđictô đã kể truyện dài sau đây, truyện được in năm 1881: Vào khoảng năm 1786, khi cuộc cách mạng tại Pháp bùng nổ. Vua Luy thứ 16 và Hoàng hậu Antoinet bị dân chúng lật xuống khỏi ngai vàng. Nước Pháp đầy dãy cảnh đầu rơi máu chảy bởi các cuộc xử tử bắn giết kinh hãi. Sau khi nhà vua bị lật đổ, bá tước Giaxintô thành Floren cùng với 900 bạn đồng đội cũng bị dồn vào tù, chờ án xử.

Một hôm gần cửa sổ phòng giam, bá tước trẻ ngạc nhiên thấy một thiếu nữ trẻ đẹp đứng ngoài nhìn vào phòng ông. Thì ra đó là Hermania, người em sinh đôi với ông. Ông vội kêu lên:

– Hermania, sao em dám đến chỗ nguy hiểm này ? Em không biết bọn cách mạng đang thù nhà vua và những ai theo nhà vua sao? Em phải cẩn thận chứ.

– Thưa anh em biết, nhưng hôm nay là ngày sinh nhật của anh em ta, em không thể không đến thăm anh. Hôm nay cả hai chúng ta được 19 tuổi và đây là lần thứ nhất chúng ta không mừng sinh nhật với nhau. Em không thể yên tâm nếu không thấy anh khỏe mạnh và bình an.

– Em thấy anh vẫn khỏe mà. Chắc em vẫn nhớ, khi má còn sống, má nói anh em ta giống nhau từ tình cảm tới ý nghĩ. Bởi thế hôm nay anh cũng rất buồn sầu như em vậy. Nhưng bây giờ em phải vui lên kẻo anh cũng buồn lây.

– Họ có xử tử tế với anh không?

– Anh có tất cả những gì anh cần, trừ ra không có tự do thôi. Anh xấu hổ bởi được xử như thế này, trong khi các bạn đồng đội bị xử tệ…Này, nghe như có người đang tới, thôi em đi đi, mong có ngày chúng ta mừng sinh nhật lớn hơn.

Thiếu nữ rời cửa sổ, bước vội qua sân, lẻn ra đường cái sau bức tường.

Giaxintô ngồi chờ, cánh cửa mở, viên sĩ quan cách mạng bước vào lễ độ chào tù nhân, cho chàng biết theo lệnh cấp trên, mời chàng đi dự tiệc chiều nay mừng sinh nhật của chàng. Chàng nhận lời. Ăn uống xong, một nhóm quân cách mạng tiến vào bắt chàng đi. Chàng ngồi bình tĩnh phân trần:

– Bởi tôi trung thành với nhà vua, nên tôi bị xử như các bạn đồng đội, tôi không phàn nàn, nhưng xin cho tôi xin ít phút để sửa soạn trước khi chết.

Lời xin của chàng bị từ chối. Chàng khảng khái quay lại nói:

– Ðược, tôi sẵn sàng đi.

Chàng bị dẫn ra bãi xử.

Thình lình cô Hermania em chàng, từ đâu vụt chạy đến ôm lấy chàng khóc lóc thảm thiết. Người cai bắn hô: “Bắn!” Nhưng Hermania kêu lên:

– Nếu bắn anh tôi thì bắn cả tôi đi!

Một sĩ quan đến lôi cô ra. Bốn viên đạn đã kết thúc đời anh cô. Khóc ngất, cô qùi xuống bất động.

Mười lăm năm sau, Hermania được 34 tuổi. Tâm hồn đắng cay chai cứng bởi cái chết phũ phàng của anh. Cô không chấp nhận gì nữa, kể cả đạo giáo. Cô từ chối tất cả thú vui, giải trí ở đời. Cô sống đơn độc. Hận đời đen bạc, ác ôn.

Hôm ấy, đứng cạnh cửa sổ lâu đài nhìn ra đường cái, cô thấy Linh mục xứ đang đi trên đường về phía nhà cô. Cô chạy xuống chào ngài lễ độ:

– Thưa cha, hôm nay là ngày 3 tháng 8, ngày kỷ niệm anh con bị bắn chết tàn bạo.

Linh mục xứ muốn hướng cô về niêm tin tôn giáo, ngài đọc câu Kinh Thánh:
– Phúc cho ai khóc lóc, bởi sẽ được an ủi.

– Thưa cha, đây không phải là lần thứ nhất cha nói câu đó. Cha nói vậy là cha không hiểu đau khổ của con. Con biết Phúc âm. Cha muốn con cầu nguyện, nhưng nếu con cầu nguyện, con phải tha cho kẻ thù như Chúa dạy, nhưng con không thể, không thể tha cho chúng, những đứa đã giết anh con. Con không trả thù chúng được nữa, bởi hầu hết chúng đã chết và ra trước tòa Chúa, nhưng con vẫn muốn trả thù. Cha bảo con đến dự lễ, nhưng con dự sao được khi lòng con đầy tức giận

– Bởi phần rỗi linh hồn con, cha xin con bỏ những tư tưởng ấy đi. Nhớ rằng trên Thánh giá, Chúa đã tha cho kẻ giết Ngài.

– Nhưng Chúa là Chúa Trời, còn con là kẻ có tội.
– Con nhớ rằng Chúa Kitô là gương, và các thánh phải noi theo.
– Con không phải là thánh.

– Ðúng vậy, con là kẻ khổ sở, là phụ nữ rất đau khổ, nhưng chính con thích nghĩ rằng con can đảm, con trung tín. Phần Chúa là Chúa ta, bởi Ngài là Chúa, Ngài có quyền và muốn ban ơn cho ta giữ lề luật Ngài. Ngài đòi chúng ta tha cho kẻ thù như Ngài đã tha. Ngài sẽ ban ơn cho ta, nếu ta không chống lại ơn Ngài.

– Có thể như vậy. Con chưa bao giờ nghĩ như thế.

– Cha sợ trường hợp con rất khó, nhưng đừng thất vọng. Cha khuyên con nên cầu nguyện với các linh hồn Luyện ngục. Cha thường được các ngài giúp đỡ khi không còn hy vọng theo kiểu người đời thường nói. Nếu anh con ở trong số các linh hồn Luyện ngục, cha cầu xin anh con được phép làm mềm lòng con, bởi con rất yêu anh con.

– Anh con đã chết 15 năm nay làm sao còn ở trong Luyện ngục?

– Ðó là câu hỏi rất khó, cha không thể trả lời chắc chắn. Nhưng chúng ta biết chắc, Chúa thương xót vô cùng, nhất là thương những ai đau khổ, những ai bị cư xử bất nhân. Bá tước Giaxintô đã chết không kịp chuẩn bị ra trước Tòa Chúa, có thể phải đền bù bởi những tội thời niên thiếu.

Hermania đêm nay cũng như đêm các năm trước, từ khi anh bà chết, bà thức suốt đêm kỷ niệm sinh nhật của bà. Người đầy tớ đem lên chiếc đèn và đóng cửa lại rồi xuống nhà dưới. Hermania ngồi trên ghế bành, mắt lim dim hồi tưởng những năm xưa, nhất là đêm trăng người ta xử bắn anh bà. Anh bà đứng dựa vào tường, đầu ngả về một bên, có tiếng hô, một phát nổ… Nhưng kià ai vậy? Ai đang đứng trước mặt bà đây!? Bà mở to đôi mắt. Bà nghe rõ tiếng đồng hồ tích tắc trên tường, nhưng trước mặt bà có ai đứng đó. Lạy Chúa, có thật ai đứng đó không? Ðúng rồi! Chính anh, như hồi 19 tuổi, nhưng sao coi mắt anh buồn, thê thảm. Ðặt hai tay lên ngực để bình tĩnh hơn, bà hỏi:

– Có phải anh Giaxintô đây không? Anh về đây làm gì?

– Chính anh đây, anh về phàn nàn bởi người ta xử tàn ác với anh.

– Em biết, anh chết làm lòng em đau đớn vô ngần. Máu anh đòi em phải trả thù. Em phải làm sao bây giờ?

– Anh không phàn nàn về cái chết, đối với sự sống đời đời thì sự sống trên trần gian chỉ như một hạt cát trên bờ biển. Chết là bước qua bậc thềm để vào lâu đài nhà Vua Cả. Ðiều anh buồn là đứa em anh rất yêu dấu đã quên anh.

– Em quên anh?! Thử hỏi có ngày nào em không nhớ tới anh, có đêm nào em không mơ anh bị chết khổ sở. Em đã bởi anh mà bỏ hết cả tuổi hoa, bỏ hết thú vui cuộc đời, lòng em đâu còn vui khi vắng anh.

– Nước mắt và sự thất vọng của em chẳng giúp gì cho anh cả. Anh cần em cầu nguyện để đền tội cho anh. Anh ở trong Luyện ngục đền những tội chưa đền trong những năm cuối đời. Nhất là anh phải khổ bởi chết vội không kịp tha cho kẻ xử tử anh. Anh không nhớ tới gương của Chúa Kitô và của Thánh Têphanô. Anh không nhớ chúng ta phải yêu kẻ thù. Anh phải chịu khổ gấp đôi, bởi anh đã không tha và bởi em muốn trả thù cho anh. Sau thời gian dài em không tha cho họ, em cũng không cầu nguyện cho anh. 15 năm rồi, anh chờ đợi uổng công, không được một lời cầu nào trên cõi sống. Xác anh không được Giáo hội làm phép. Không Linh mục nào dâng lễ cho anh. Anh thấy vô số linh hồn lên Thiên đàng nhờ lời cầu nguyện và rước lễ cầu cho họ, còn anh phải rớt lại sau. Vào lúc cuối cùng, bước vào ngưỡng cửa đời đời, anh tự nhủ, “lời cầu của em tôi sẽ theo tôi trên nấm mộ”, nhưng chỉ đêm nay anh mới được một kinh Vực sâu. Anh được phép về đây nài xin em giúp đỡ, xin em thương giúp anh được bớt phần phạt. Hãy yêu thương kẻ thù. Ôi loài hay chết trên đời không thể hiểu được những cực hình linh hồn đã thấy Chúa một chút rồi lại phải xa cách Ngài.”

Nghe những lời đó, Hermania vội qùi phập xuống:
– Xin anh tha lỗi cho em, em thật tàn nhẫn với anh.

Bà khóc nức nở, tay ôm mặt. Khi ngẩng đầu lên, anh bà đã biến đi từ hồi nào. Thức trắng đêm ấy, bà cầu nguyện thiết tha như để bù lại những năm qua mà bà đã bỏ.

Bình minh sáng tỏ. Chuông nhà thờ kêu gọi giáo dân dự lễ 5 giờ sáng. Chỗi dậy, bà vội vã tới nhà thờ. Những người nhà quê ngạc nhiên thấy một bà sang trọng qùi giữa họ, lần đầu tiên trong nhiều năm nay. Lời cầu trước hết là cho những kẻ đã giết anh bà.

Sau lễ, bà xin gặp cha xứ kể lại đầu đuôi.
– Tạ ơn Chúa. Có phải bà đọc kinh Vực sâu cho anh bà không?
– Dạ phải, và anh con nói đó là kinh đầu tiên anh con được hưởng.

Sau ít ngày, Hermania đã xưng tội, rước lễ. Từ đó bà hiến thân làm việc bác ái. Bà không giàu của, nhưng những người nghèo được bà giúp đỡ luôn cảm thấy hài lòng, bởi bà cư xử như bạn bè thân thiết. Không có tiền cho, thì bà giúp công. Chẳng bao lâu người ta coi bà như “Bà hảo tâm”. Ai cảm ơn thì bà chỉ nói: “Xin cầu cho anh tôi, đừng cảm ơn tôi”.

25 năm sau, cũng ngày 3 tháng 8, bà Hermania qua đời tốt lành sau khi lãnh các Bí tích cuối cùng. Bà bình tĩnh chờ đợi. Cuối cùng bà reo lên:

– Tôi thấy anh Giaxintô, anh đến với hương thơm trên trời và đưa tôi về với Chua. Anh thật hạnh phúc. Tôi với anh sẽ liên kết với nhau. Bà đã êm ái ra đi về nơi an nghỉ (Charity p. 323-332).

Ăn chay hãm mình tháo gỡ xiềng xích trói buộc linh hồn ta bởi sự kiêu căng, hà tiện, mê xác thịt, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, biếng nhác việc thờ phượng Chúa đã được tóm trong bảy mối tội đầu.

Chúng ta hãy nghe lời Ðức Mẹ hiện ra với 3 em nhỏ tại Fatima kêu gọi ăn năn đền tội tôn vinh Chúa, cầu các linh hồn, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn, những linh hồn tội lỗi cần ăn năn trở lại, những linh hồn Luyện ngục cần được cứu ra khỏi lò lửa nóng nảy hãi hùng. Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu rõi các linh hồn.