ĐTC Phanxicô - Giảng Lễ Hiển Linh và Huấn Từ Truyền Tin Lễ Hiển Linh
Trong đời sống Kitô hữu, có kiến thức vẫn chưa đủ, trừ khi chúng ta thoát ly bản thân mình,
trừ phi chúng ta gặp gỡ người khác và biết tôn thờ, bằng không chúng ta không thể nào nhận biết Thiên Chúa.
Thần học và tác hiệu về mục vụ chẳng có nghĩa là bao, hay chẳng có nghĩa lý gì, trừ phi chúng ta biết quì gối xuống
Một khi chúng ta tôn thờ, chúng ta mới nhận ra rằng đức tin không phải là một bộ tín lý tốt đẹp,
mà là mối liên hệ với một Ngôi Vị sống động, Đấng chúng ta được kêu gọi để kính mến.
Chính trong việc gặp gỡ trực diện Chúa Giêsu mà chúng ta mới có thể thấy Người như Người là.
Hành động tôn thờ nghĩa là khám phá ra rằng, để cầu nguyện thì chỉ cần thân thưa rằng:
"Lạy Chúa tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!",
và để cho tình yêu êm ái dịu dàng của Ngài thấm nhập vào bản thân chúng ta.
Hành động tôn thờ nghĩa là đến cùng Chúa Giêsu mà không cần đến bản liệt kê các ý nguyện cầu,
mà chỉ cần một yêu cầu duy nhất đó là được ở lại với Người.
Trong bài Phúc Âm (Mathêu 2:1-12), chúng ta đã nghe thấy rằng các Vị Đạo Sĩ mở đầu bằng việc nói lên lý do tại sao họ đã đến: "Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở phương Đông nên chúng tôi đến để tôn thờ Người" (câu 2). Việc tôn thờ và cùng đích và là đích điểm của hành trình họ thực hiện. Thật vậy, khi họ đến Belem, "họ đã thấy Con Trẻ và Đức Maria Mẹ của Người, và họ đã phục xuống thờ lạy Người" (câu 11). Một khi chúng ta đánh mất đi cảm quan thờ phượng là chúng ta bị lạc hướng trong đời sống Kitô hữu của mình, một cuộc hành trình tiến đến cùng Chúa, chứ không phải đến cùng bản thân chúng ta. Bài Phúc Âm này cảnh giác chúng ta về cái nguy cơ ấy, vì cùng với các Vị Đạo Sĩ bài Phúc Âm đồng thời cho thấy những con người khác không thể nào thực hiện được việc thờ phượng.
Trước hết là Vua Herode, con người đã sử dụng chữ thờ phượng nhưng chỉ là để đánh lừa mà thôi. Ông ta đã yêu cầu các Vị Đạo Sĩ hãy nói cho ông ta biết họ thấy con trẻ này ở đâu, "để trẫm cũng đến mà tôn thờ Người" (câu 8). Thật ra Heroda đã chỉ tôn thờ bản thân mình thôi; đó là lý do tại sao ông ta đã muốn bản thân loại trừ con trẻ này bằng một câu nói gian dối. Điều này dạy cho chúng ta những gì đây? Đó là khi chúng ta không tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta tiến đến chỗ tôn thờ bản thân mình. Đời sống Kitô hữu cũng thế, khi nó không thờ phượng Chúa, nó có thể trở thành một cách thức quỉ quyệt trong việc định thân chúng ta cùng với các khả năng của chúng ta: các Kitô hữu không biết cách thức tôn thờ là những người không biết cầu nguyện ra sao bằng việc tôn thờ. Đó là một nguy cơ trầm trọng, ở chỗ chúng ta sử dụng Thiên Chúa hơn là phụng sự Ngài. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã lẫn lộn những thiện ích của Phúc Âm với của riêng chúng ta? Biết bao nhiêu lần chúng ta đã khoác dáng vẻ đạo đức cho những sự chúng ta thấy tiện lợi? Biết bao nhiêu lần chúng ta đã lẫn lộn quyền năng của Thiên Chúa là để phục vụ người khác, với quyền lực của trần gian là để phục vụ bản thân chúng ta!
Ngoài Herode ra, còn những người khác trong Phúc Âm bất khả thờ phượng: họ là những vị trưởng tế và ký lục. Họ nói cho Herode rất chính xác nơi Đấng Thiên Sai hạ sinh là ở Belem xứ Giuda (câu 5). Họ biết các lời tiên tri và có thể trích lại chính xác những lời ấy. Họ biết đi tới đâu - họ là các đại thần học gia, các bậc đại trí thức! - thế nhưng họ lại không đến đó. Cả ở đây nữa, chúng ta rút ra được một bài học. Trong đời sống Kitô hữu, có kiến thức vẫn chưa đủ, trừ khi chúng ta thoát ly bản thân mình, trừ phi chúng ta gặp gỡ người khác và biết tôn thờ, bằng không chúng ta không thể nào nhận biết Thiên Chúa. Thần học và tác hiệu về mục vụ chẳng có nghĩa là bao, hay chẳng có nghĩa lý gì, trừ phi chúng ta biết quì gối xuống; trừ phi chúng ta biết quì gối xuống như các Vị Đạo Sĩ, những nhân vật chẳng những biết hoạch định cuộc hành trình, mà còn có thể lên đường và phục xuống tôn thờ nữa. Một khi chúng ta tôn thờ, chúng ta mới nhận ra rằng đức tin không phải là một bộ tín lý tốt đẹp, mà là mối liên hệ với một Ngôi Vị sống động, Đấng chúng ta được kêu gọi để kính mến. Chính trong việc gặp gỡ trực diện Chúa Giêsu mà chúng ta mới có thể thấy Người như Người là. Nhờ việc thờ phượng mà chúng ta khám phá ra rằng đời sống của Kitô hữu là một câu chuyện tình với Thiên Chúa, một chuyện tình mà những gì chính yếu đáng kể không phải là các ý nghĩ tốt đẹp của chúng ta mà là khả năng của chúng ta làm cho Ngài trở thành tâm điểm cho đời sống của chúng ta, như những người yêu đối xử với những tình nhân được họ yêu thương. Đó là những gì Giáo Hội cần phải trở nên, một kẻ tôn thờ yêu mến Chúa Giêsu là phu quân của mình.
Ở vào lúc chúng ta bắt đầu một Năm Mới, chớ gì chúng ta tái nhận thức được rằng đức tin cần phải biết tôn thờ. Nếu chúng ta biết quì xuống trước Chúa Giêsu, chúng ta mới thắng vượt được khuynh hướng theo đường lối riêng của mình. Vì hành động tôn thờ bao gồm cả việc xuất hành cho khỏi cái hình thức nô lệ cả thể nhất, đó là thứ nô lệ cho bản thân mình. Hành động tôn thờ nghĩa là lấy Chúa là tâm điểm của mình, chứ không phải bản thân chúng ta. Nghĩa là đặt các sự vật vào đúng chỗ của chúng, và giành cho Thiên Chúa chỗ nhất. Hành động tôn thờ nghĩa là coi dự án của Thiên Chúa quan trọng hơn thời gian riêng tư của chúng ta, hơn các thứ quyền hạn của chúng ta và hơn các thứ nơi chốn của chúng ta. Đó là chấp nhận giáo huấn của Thánh Kinh: "Các ngươi phải tôn thờ Chúa là Thiên Chúa của các ngươi" (Mathêu 4:10). Thiên Chúa của các ngươi: hành động thờ phượng nghĩa là nhận ra rằng anh chị em và Thiên Chúa cùng thuộc về nhau. Nghĩa là được tự do và thân tình nói với Ngài. Nghĩa là dâng đời sống của chúng ta cho Ngài và để Ngài đi vào cuộc sống. Nghĩa là để cho ơn an ủi của Ngài tuôn đổ xuống trái đất. Hành động tôn thờ nghĩa là khám phá ra rằng, để cầu nguyện thì chỉ cần thân thưa rằng: "Lạy Chúa tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!", và để cho tình yêu êm ái dịu dàng của Ngài thấm nhập vào bản thân chúng ta.
Hành động tôn thờ nghĩa là đến cùng Chúa Giêsu mà không cần đến bản liệt kê các ý nguyện cầu, mà chỉ cần một yêu cầu duy nhất đó là được ở lại với Người. Hành động tôn thờ là ở chỗ khám phá ra rằng niềm vui và bình an được gia tăng bằng việc chúc tụng và tạ ơn. Khi thờ phượng là chúng ta để cho Chúa Giêsu chữa lành và thay đổi chúng ta. Bằng hành động thờ phượng chúng ta làm cho nó khả dĩ để Chúa biến đổi chúng ta bằng tình yêu thương của Người, để cho Người thắp sáng lên giữa cái tăm tối của chúng ta, để Người ban cho chúng ta sức mạnh khi yếu hèn và lòng can đảm giữa các cơn thử thách. Hành động tôn thờ tức là tập trung vào những gì thiết yếu, ở chỗ tự mình loại trừ đi những gì là vô ích và nghiện ngập, làm tê liệt cõi lòng và hỗn loạn trí khôn. Nơi việc tôn thờ chúng ta học biết loại trừ đi những gì không được tôn thờ, như thần tiền bạc, thần hưởng thụ, thần khoái lạc, thần thành đạt, thần bản thân. Hành động tôn thờ nghĩa là hạ thấp xuống trước Đấng Tối Cao và khám phá thấy trước nhan của Ngài rằng cái cao cả của đời sống này không phải ở chỗ sở hữu mà là yêu thương. Hành động tôn thờ nghĩa là nhận biết rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em trước mầu nhiệm của một tình yêu nối liền hết mọi khoảng cách: đó là việc gặp gỡ sự thiện hảo tận nguồn; là tìm thấy nơi vị Thiên Chúa của sự cần kề gần gũi lòng can đảm đến gần người khác. Hành động tôn thờ nghĩa là biết thinh lặng trước sự hiện diện của Lời thần linh, và biết sử dụng những lời nói không gây tổn thương mà là an ủi.
Tôn thờ là một tác động của tình yêu thay đổi đời sống của chúng ta. Đó là thực hiện những gì các Vị Đạo Sĩ đã làm. Đó là mang vàng đến cho Chúa và nói với Người rằng không gì quí trọng hơn Người. Đó là hiến dâng Người nhũ hương cùng thưa với Người rằng chỉ ở trong mối hiệp nhất với Người thì đời sống của chúng ta mới có thể vươn lên trời cao. Đó là kính tặng Người mộc dược, dầu thơm cho những gì là bầm dập và thương tích, và hứa với Người rằng chúng ta sẽ trợ giúp những anh chị em tha nhân ở ngoài lề xã hội và khổ đau, thành phần được chính Người hiện diện. Chúng ta thường biết cầu nguyện ra sao - chúng ta xin Chúa, chúng ta cảm tạ Người - thế nhưng Giáo Hội cần phải tiến hơn nữa trong việc nguyện cầu thờ phượng của mình; chúng ta cần phải tăng triển trong việc thờ phượng. Đó là những gì khôn ngoan chúng ta cần phải học biết từng ngày. Việc cầu nguyện bằng việc tôn thờ: việc cầu nguyện của sự tôn thờ.
Anh chị em thân mến, hôm nay mỗi một người chúng ta có thể đặt vấn đề: "Tôi có phải là một Kitô hữu tôn thờ hay chăng?" Nhiều Kitô hữu cầu nguyện nhưng họ lại không tôn thờ. Chúng ta hãy tự vấn mình xem: Chúng ta có tìm giờ để tôn thờ trong chương trình sống hằng ngày của chúng ta, và chúng ta có giành chỗ cho việc tôn thờ trong cộng đoàn của chúng ta chăng? Với tư cách là Giáo Hội, tùy chúng ta áp dụng thực hành những lời chúng ta đã cầu nguyện trong bài Thánh Vịnh hôm nay: "Lạy Chúa, tất cả các dân nước trên trái đất sẽ thờ lạy Chúa". Trong việc thờ phượng, cả chúng ta nữa sẽ khám phá, như các Vị Đạo Sĩ, ý nghĩa cho cuộc hành trình của chúng ta. Và như các Vị Đạo Sĩ, chúng ta cũng sẽ cảm thấy được "niềm vui cả thể" (Mathêu 2:10).
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200106_omelia-epifania.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
HUẤN TỪ TRUYỀN TIN LỄ HIỂN LINH NGÀY 6-1-2020
Cảm nghiệm về Thiên Chúa không ngăn chặn chúng ta, mà là giải thoát chúng ta;
nó không giam nhốt chúng ta mà là thúc chúng ta lên đường trở lại, trả chúng ta về cho những nơi chốn bình thường của đời sống chúng ta.
Những nơi chốn này đang và sẽ như cũ, thế nhưng, chúng ta, sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, không còn là những con người trước kia nữa.
Các thứ ngẫu tượng ràng buộc chúng ta với chúng, làm cho chúng ta thành bày tôi của ngẫu tượng, và chúng ta thuộc về sở hữu của chúng.
Vị Thiên Chúa chân thật không bao giờ giữ chúng ta lại hay để cho Ngài bị chúng ta kềm giữ:
Ngài mở đường cho những gì là mới mẻ và tự do, vì Ngài là Cha, Đấng luôn ở với chúng ta để làm cho chúng ta tăng trưởng.
Xin cháo anh chị em thân mến,
Chúng ta cử hành lễ trọng Hiển Linh, tưởng nhớ đến các Vị Đạo Sĩ đã từ phương Đông đến Belem, dõi theo ngôi sao, để đến kính viếng Đấng Thiên Sai mới sinh. Ở cuối câu truyện của bài Phúc Âm này, các Vị Đạo Sĩ được ghi nhận rằng "đã được cảnh báo trong giấc mơ là đừng trở lại với Herode, hãy về lại xứ sở của mình bằng một con đường khác" (câu 12).
Những con người khôn ngoan này, đến từ những miền xa xăm, sau cuộc hành trình lâu la, đã gặp được Đấng họ muốn biết, sau khi đã tìm kiếm Ngài một thời gian dài, chắc chắn cũng gặp phải cả những khó khăn và thăng trầm nữa. Và cuối cùng thì họ đã tới được đích nhắm của mình, họ phục xuống trước Con Trẻ, thờ lạy Người, dâng lên cho Người các tặng vật quí báu của họ. Sau đó lên đường trở về ngay đất nước của họ. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ đó với Con Trẻ đã làm họ thay đổi.
Cuộc gặp gỡ này không giữ các Vị Đạo Sĩ lại, trái lại, nó thấm vào họ một lực đẩy mới để trở về xứ sở của họ, để thuật lại những gì họ đã thấy và niềm vui họ cảm nhận. Ở đây cho thấy việc tỏ bày theo kiểu cách của Thiên Chúa, cho thấy cách thức Ngài tỏ mình ra trong giòng lịch sử. Cảm nghiệm về Thiên Chúa không ngăn chặn chúng ta, mà là giải thoát chúng ta; nó không giam nhốt chúng ta mà là thúc chúng ta lên đường trở lại, trả chúng ta về cho những nơi chốn bình thường của đời sống chúng ta. Những nơi chốn này đang và sẽ như cũ, thế nhưng, chúng ta, sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, không còn là những con người trước kia nữa. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta. Thánh ký Mathêu nhấn mạnh rằng các Vị Đạo Sĩ đã trở về "bằng lối khác" (câu 12). Họ đã được dẫn đến chỗ thay đổi hướng đi bởi lời cảnh báo của thiên thần, nhờ đó không rơi vào tay Herode cùng với các mưu đồ về quyền lực của ông ta.
Hết mọi cảm nghiệm về việc gặp gỡ Chúa Giêsu đều dẫn chúng ta đến chỗ sử dụng những con đường khác, vì từ Người mới có một quyền lực tốt đẹp để chữa lành tâm can và tách ly chúng ta khỏi sự dữ.
Giữa tính chất tiếp tục và mới mẻ có một động năng khôn ngoan, đó là người ta trở về "với xứ sở của mình", nhưng "bằng đường khác". Điều này cho thấy rằng chúng ta cần phải thay đổi, cần phải biến đổi lối sống của chúng ta, ngay cả trong môi trường sống bình thường, cần phải thay đổi các tiêu chuẩn phán đoán thực tại chung quanh chúng ta. Đây là cái khác nhau giữa Vị Thiên Chúa chân thật và những thứ ngẫu tượng xảo trá, như tiền bạc, quyền lực, thành đạt...; giữa Thiên Chúa và những ai hứa hẹn cống hiến cho anh chị em những thứ ngẫu tượng ấy, như các ảo thuật gia, các tay thày bói, các tên phù thủy. Cái khác nhau đó là các thứ ngẫu tượng ràng buộc chúng ta với chúng, làm cho chúng ta thành bày tôi của ngẫu tượng, và chúng ta thuộc về sở hữu của chúng. Vị Thiên Chúa chân thật không bao giờ giữ chúng ta lại hay để cho Ngài bị chúng ta kềm giữ: Ngài mở đường cho những gì là mới mẻ và tự do, vì Ngài là Cha, Đấng luôn ở với chúng ta để làm cho chúng ta tăng trưởng. Nếu anh chị em gặp Chúa Giêsu, nếu anh chị em được gặp gỡ thiêng liêng với Chúa Giêsu thì hãy nhớ rằng: anh chị em bao giờ cũng cần phải trở về cùng một nơi chốn, nhưng bằng con đường khác, với kiểu cách khác. Thật vậy, chính Thánh Linh là Đấng Chúa Giêsu ban cho chúng ta là Đấng thay đổi tâm can của chúng ta.
Chúng ta hãy xin Thánh Trinh Nữ để chúng ta có thể trở nên chứng nhân của Chúa Kitô ở nơi chúng ta ở, bằng một đời sống mới, được tình yêu của Người biến đổi.
http://w2.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200106.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu