12. Ngày Trở Về Nhà Cha

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - QUA ĐỜI

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     

    QUA ĐỜI
     
    Có nhiều tiếng để chỉ cái chết của một người; nhưng động từ “QUA ĐỜI” có một ý nghĩa đặc biệt đối với những người có niềm tin vào cuộc sống đời sau, tin con người khác các con vật khác, vì con người vừa có phần xác, vừa có phần linh hồn.
    Đối với loài vật, chết là hết không còn gì nữa; nhưng đối với con người, chết chỉ là qua cuộc đời này để sang một cuộc đời khác.
    Trong tiếng Anh cũng thường dùng từ “Pass Away” và trong Kinh Tiền Tụng về Lễ Cầu Hồn cho những người đã qua đời, có câu “Nơi Chúa Kitô, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu tỏa trên chúng tôi, để những ai buồn sầu về số phận chắc chắn phải chết, cũng được an ủi, vì Chúa đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau này. Đối với các tín hữu của Chúa, sự sống thay đổi, chứ không mất đi, và khi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chổ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.”
    Trong sách Kinh Thánh Cựu Ước, có câu “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với những người không hiểu biết, thì hình như các Ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta là đi vào chỗ tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an…Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các Ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏa ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau… (Sách Khôn Ngoan 3: 1-9). Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói;
    “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống…” (Phúc Âm Gioan 11: 25…)
    Sự sống lại trong nước Chúa của chúng ta sau cái chết là nhờ vào cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Lên Trời vinh hiển của Chúa Kitô. Trong Thánh Lễ an táng, trước khi rước quan tài người quá cố lên gần Cung Thánh, có nghi thức làm phép xác ở cuối nhà thờ, vị chủ tế rẩy nước thánh trên quan tài và đọc : “Xin Chúa làm phép thi thể của…. Với nước thánh nhắc nhở Bí Tích Rửa Tội, như Thánh Phaolô viết: tất cả chúng ta đã được rửa tội trong Chúa Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người… Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hiệp nhất với Người trong sự sống lại giống như vậy.” Các Bài Đọc Sách Thánh trong ba Lễ ngày lễ các linh hồn đều lưu ý chúng ta về chủ điểm: “Sự sống thay đổi chứ không mất đi” nhờ vào cuộc Tử Nạn, sự Sống Lại và Lên Trời vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô.
    Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chính là lúc chúng ta cũng chết đi với tội lỗi và sống lại với Chúa Kitô trong cuộc sống mới, một cuộc sống không còn nô lệ với tội lỗi, với đam mê xác thịt, nhưng được sống trong tự do của con cái Thiên Chúa.
    Vậy trong tháng 11 là tháng cuối cùng của Niên Lịch Phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta đặc biệt nhớ đến các vị đã qua đời. Trong đó, có những vị đã được nên Thánh và chúng ta kính chung vào ngày 1/11 hằng năm (Tất cả các vị đã được lên Nước Chúa đều là Thánh, dù mỗi ngày trong suốt năm phụng vụ của Giáo Hội đều có lễ kính một vị thánh đặc biệt nào đó để chúng ta có dịp suy ngẫm về cuộc sống tuyệt vời của các Ngài nơi trần gian, mà tạ ơn Chúa cho các Ngài, và noi theo đời sống hy sinh, bác ái, thánh thiện của các Ngài, nhất là cái chết anh hùng của các Thánh Tử Đạo - Như các Thánh Tử Đạo Việt Nam cha ông của chúng ta).
    Còn có những vị đã qua đời mà chưa được lên Nước Chúa, vì chưa được thanh luyện xứng đáng, chưa đền bù xứng đáng những lỗi phạm về phép công bằng, và phải thanh luyện nơi luyện tội, thì Giáo Hội cầu nguyện chung vào ngày 2/11 và khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhiều cho các vị trong suốt tháng Linh Hồn; dù chúng ta vẫn cầu nguyện hằng ngày cho các linh hồn, và trong mỗi Thánh lễ đều có phần kinh đọc cầu cho các Linh Hồn trong các Kinh nguyện Thánh Thể.
    Việc dâng lễ Kinh các Thánh và cầu cho các Linh Hồn nơi luyện tội là thuộc mầu nhiệm liên kết giữa Giáo Hội trên Thiên Quốc (Giáo Hội Chiến Thắng), Giáo Hội nơi Luyện Tội (Giáo Hội đau khổ) và Giáo Hội Trần Thế (Giáo Hội chiến đấu).
    Vậy sự chết dù là điều chắc chắn xẩy ra cho mọi người chúng ta và thường xẩy ra lúc chúng ta không ngờ. Dẫu vậy, chúng ta không bi quan, sợ hãi, nhưng đặt tin tưởng nơi Chúa Phục Sinh. Miễn là chúng ta hãy luôn sống sẵn sàng: thánh hóa bản thân, tôn thờ Chúa và hết lòng phục vụ Chúa qua những người nghèo khó, bịnh tật, những người cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngày phán xét, Chúa sẽ phân xử chúng ta theo những việc bác ái, yêu thương mà chúng ta đã làm trong suốt cuộc đời chúng ta: “ Khi Cha đói, các con đã cho Cha ăn; khi Cha khát, các con đã cho Cha uống; khi Cha mình trần, các con đã cho Cha áo mặc…” (Matthêu 25:31-46).
    Lm. Anphong Trần Đức Phương
    Không có mô tả ảnh.
     
     
     
       

    Tổng hội Mân Côi CN Việt Nam - Tổng Đoàn Hiệp Sĩ Mân Côi - QUA ĐỜI Có n...

    QUA ĐỜI Có nhiều tiếng để chỉ cái chết của một người; nhưng động từ “QUA ĐỜI” có một ý nghĩa đặc biệt đối với n...

     
     
     
    77
     
    1 lượt chia sẻ
     
    Chia sẻ
     
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     


     
    ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT
    (DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA VÀ CÔNG ĐỒNG VATICAN 2)
     
    “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21)
    Chết là cuộc sống này chấm hết, và mọi cái ta sở hữu cũng chấm dứt. Không ai chết hai lần và cũng không ai chết thay ai, mỗi người đều phải chết cho cái chết của riêng mình, chẳng ai tránh khỏi định mệnh đó: “Hodie mihi, cras tibi” - Nay người, mai ta. Thật là điều “cay đắng đối với ai đang an hưởng tài sản của mình, đối với người không phải âu lo, người thành công trong hết mọi việc, người còn khỏe mạnh để hưởng thú vui” (Hc 41,1).
    Công Đồng Vat. II đã nói lên như sau: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng của lòng mình, con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người” (GS 18).
    1/ Ý nghĩa về sự chết trong Kitô giáo
    Đứng trước cái chết, thấy mình mất hết, mất cả đời mình, nên dễ có một cái nhìn sầu thảm, sinh ra thất vọng chán chường (x. Sm 12, 23). Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa cái nhìn ấy, nhất là khi nhận biết thân phận mình cũng như vạn vật nằm trong vòng chuyển hóa, hết đời con sâu thì chào đời cánh bướm. Chết chỉ là một cách thuận theo lẽ Trời (Thuận Thiên giả tồn). J.L.Mc Creery cũng đã xác tín: “Chẳng có gì mất cả! Những vì sao lặn xuống để rồi mọc lên sáng hơn ở bờ bên kia”.
    Hơn nữa, dưới cái nhìn đức tin, chết là một viễn tượng đáng khát vọng, là “một mối lợi” cho những người sống lầm than cơ cực vì lẽ ngay chính, vì lòng ngay thật, vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân (x. Pl 1, 21).
    Chết là hậu quả của tội lỗi, bởi vì mọi người đã phạm tội (x. Rm 5, 12-21). Để cứu chúng ta khỏi quyền lực Thần chết, trước tiên Đức Kitô đã đến để nhận lấy cho mình số phận tử vong của chúng ta. Ngài nếm cái chết dưới mọi khía cạnh: thất bại, bị đe dọa (x. Mc 3,6), bị coi như tử tù (x. Mt 22, 66), bị dân từ chối (x. Mt 27,25), và cảm thấy Cha cũng bỏ rơi mình (x. Mt 5,34). Ngài lo sợ nhưng tình nguyện chết như một sứ mệnh (x. Ga 10,11.17-18), và biết Cha có quyền giải thoát mình khỏi chết (x. Lc 24,22; Ga 12,27).
    Để giải thoát con người khỏi cái chết muôn đời, Đức Kitô đã chết “vì chúng ta” (1 Tx 5,10), “cho tội chúng ta” (1Cr 15, 3) để làm hy tế xá tội (x. Dt 9). Nhờ cái chết của Ngài, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa (x. Rm 5,10), hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời (x. Dt 9, 15). Ngài đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển (x. 1Cr 15, 4), nên quyền lực của Thần chết từ đó đã bị vô hiệu hóa (x. Rm 6, 9).
    Qua việc phục sinh, Đức Kitô đã trở nên thủ lãnh của một nhân loại mới (x. 1Cr 15, 45), vì đã mang tất cả chúng ta vào cái chết và sự phục sinh của Ngài. Từ đó, tương quan của con người với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô sẽ luôn chiếu soi “những người ngồi trong bóng sự chết” (Lc 1,79). Vì vậy, Chết là sự sống thay đổi chứ không mất đi. Từ đó mà thánh Phaolô gọi chết là nhà dưới đất này bị đổ nát (x. 2Cr 5,1) để về ở cùng Chúa (x. Pl 1, 23). Thư gửi Do Thái gọi chết là vào nơi an nghỉ của Chúa (x. 4,10-11).
    Tuy nhiên, thần chết vẫn còn là một quyền lực đáng sợ (x. 1Cr 3, 32), liên hệ với Satan (x. Ga 8, 84; 1Cr 5, 5) hoạt động suốt đời con người, và ngày sau sẽ nắm giữ một đế quốc tối tăm ở âm phủ (x. Mt 16,18; Rm 10,7; Kh 1,18). Vì vậy Chúa Giêsu dạy ta phải luôn tỉnh thức, luôn chuẩn bị chết, vì giây lát ấy sẽ quyết định số phận đời đời của ta (x. Lc 12,20).
    Tuy nhiên, việc chết đi để được phục sinh phải là một thực tại hiện hữu cho mỗi cá nhân, vì không ai có thể bước vào cõi sống mà không chết đi cho chính mình từng ngày trong cái chết của Đức Kitô, để được sống lại như Ngài (x. 2Tm 2,11).
    2/ Những bài học sâu xa từ sự chết
    - Nhận thức về cái chết
    Nếu ta coi hiện hữu là sở hữu, thì cái chết thật đáng sợ và tuyệt vọng, vì nó lấy đi khỏi ta mọi sự. Sự tước đoạt đó đúng là một sự huỷ diệt. Suy cho cùng, tội tầy đình luôn luôn là tội chiếm hữu bản ngã và chiếm hữu thế gian với bất cứ giá nào. Sự chiếm hữu đó ngăn cản con người và loại trừ nó khỏi cuộc sống vốn là một quà tặng. Đây là cái chết thứ hai. Nhưng đối với người đã từ bỏ thái độ chiếm hữu đối với của cải và với chính mình, thì sự chết xảy đến hoàn toàn khác. Nó không còn là kẻ thù và cũng không còn là sự hủy diệt nữa. Nó xuất hiện như một bước quyết định trong hành trình tiến đến hiện hữu. Sự chết là hành động tột cùng của sự từ bỏ chính mình để hướng tới sự huy hoàng của hữu thể và sự sống.
    Đứng trước cái chết, thánh Phanxicô Assisis dạy ta: “Đừng giữ gì cho mình, để Đấng đã phó dâng tất cả vì anh em có thể đón nhận con người toàn vẹn của anh em”. Theo gương Chúa Giêsu, thánh Phanxicô biến sự chết thành một biểu hiện của tình yêu trọn vẹn và một sự tin tưởng tuyệt đối. Đó là lý do ngài ca ngợi cái chết, vì dưới cái nhìn về nó, ngài thấy mọi thứ đều sáng rực. Ánh sáng này là bí mật tối hậu của cuộc đời. Đó là ánh sáng của Agape: một sự hiệp thông vĩnh viễn với Đức Kitô
    - Tỉnh thức trước sự chết
    Chúa Giêsu nói nhiều về việc sống tỉnh thức, nghĩa là trong tâm thế sẵn sàng, “vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44; Mt 25,13). Không ai biết được giờ phút đó, “Vì, như chớp lóe ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy” (Mt 24, 27). Chúa Giêsu cho ta biết phải sống tỉnh thức như thế nào qua các dụ ngôn: Quản gia trung tín (x. Mt 24, 45-51); Mười cô trinh nữ (x. Mt 25,1-13); Cuộc phán xét chung (x. 25, 31-46), v.v.
    Ai cũng muốn lo cho được sống no thỏa và dư giả, nên không ngừng chiếm hữu, nhưng Chúa Giêsu cảnh giác: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Ngài còn cảnh cáo: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất”, đồng thời Ngài cũng đưa ra một phương cách hữu hiệu “còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ bảo toàn được mạng sống” (Lc 17, 33).
    Nhạc sĩ Văn Cao có những vần thơ nói về vấn đề sống-chết nghe như âm hưởng của Lời Chúa vừa nói trên: “Giữa sự sống và sự chết, tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết”.
    Sự sống là cái gì quý giá nhất trong cuộc đời, đáng cho ta nâng niu, bảo toàn. Thế nhưng đừng cố níu lấy sự sống tạm bợ này, vì ta chỉ chết cái chết của hình hài thể lý chứ không phải cái chết của tâm hồn linh thiêng bất tử. Chính thái độ tham sống sợ chết đến độ bấn loạn tâm thần mới làm ta chết cách não nề, khốn đốn và u ám nhất.
    Tolstoy đã cho thấy cái tâm lý tham sinh uý tử của con người qua một truyện ngắn nổi tiếng: “Cái chết của Ivan Ilych”. Tolstoy thương cho nhân vật chính của ông, một kẻ chịu nhiều đau khổ mà không nhận ra sự thật, vẫn bám víu vào những hy vọng mong manh trên đời, vẫn còn mơ tưởng hoặc tiếc nuối vu vơ. Phải chăng những kẻ chỉ lo sống theo tiêu chuẩn xã hội, hay chỉ lo chạy theo sự thành công bề ngoài, thì cuối cùng không còn khả năng tỉnh thức trước sự chết?
    Hơn nữa, đừng quên rằng, sự chết nấp dưới vỏ bọc sự sống, có sức hấp dẫn ghê gớm. Chẳng hạn sự chết của rượu chè say sưa, của phim ảnh đồi trụy, của sự buông thả vô luân, của đời sống gian tà, của thú vui nhục dục, của lợi lộc vinh hoa, v.v. Người ta cứ tưởng thế là mình đang sống mạnh mẽ và sống dồi dào, nhưng thực ra là đang chết và chết dần mòn. Đức Gioan Phaolô II đã gọi đích danh những điều đó là “nền văn minh sự chết”.
    Trái lại, để có được sống thật, thì phải dám chấp nhận chết: chết cho những thói hư tật xấu, chết cho một lối sống tiêu cực, chết cho những ham muốn riêng tư, chết cho những mong mỏi được người đời ca tụng, ngay cả mong ước được danh thơm tiếng tốt. Chính nơi cái chết hằng ngày đã bắt đầu chiếu sáng một đời sống khác, một đời sống mới, chính thực và bất tử.
    Nhưng tiếc thay, những cơn mê đời dễ làm con người mê muội và dìm mình trong sự chết, nên thánh Phaolô đã căn dặn: “Chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, 6). Thánh Phêrô cũng cho thấy phải tỉnh thức để chiến đấu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, ��.
    Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng viết như sau: “Nếu bạn có một sự tỉnh thức hoàn hảo về sự chết thì bạn sẽ nỗ lực tự tháo gỡ mình ra khỏi các đối tượng trói buộc bằng cách vất bỏ những thứ sở hữu và coi mọi sự thành công thế tục như không có bất kỳ bản chất hay ý nghĩa nào. Đức Milarepa cho thấy chẳng sớm thì muộn bạn phải bỏ lại mọi sự sau lưng, thì tại sao không từ bỏ nó ngay bây giờ? Tỉnh thức về sự chết cho ta khám phá ra ý nghĩa cuộc đời, và cảm thấy hoan hỉ khi giờ chết tới gần mà không chút hối tiếc. Nếu ta cứ tránh né nỗi sợ chết thì khi chết, chúng ta sẽ bị trói chặt bởi nỗi sân hận”.
    Tuy nhiên, sống tỉnh thức là điều không dễ, tự sức ta không thể được. Chúa Giêsu cho thấy tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện, “Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41). Sống thân thiết với Chúa là cách sống tỉnh thức tốt nhất. Chính Chúa đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
    - Hãy sống trọn vẹn
    Leo Buscaglia, một chuyên viên dạy về tình yêu và cuộc sống, chia sẻ tâm trạng của ông về sự chết như sau:
    “Chúng ta phải bắt tay làm hòa với sự chết để chọn lấy sự sống, vì sự chết là một người bạn thân thiết với chúng ta. Nó cho biết những gì chúng ta không thể giữ lại được mãi cho mình. Và nếu bạn muốn sống, thì nên sống trọn vẹn ngay từ bây giờ...
    Nếu bạn đã sống mọi khoảnh khắc mà Chúa ban cho bạn, thì bạn sẽ không than van khóc lóc khi cái chết đến... Những người đã chết một cách hạnh phúc là những người từng nỗ lực để sống.
    Sự chết là một thách đố. Nó nhắc nhở chúng ta đừng bỏ phí thời giờ. Nó chỉ cho chúng ta phải lớn lên và phải trở nên như thế nào. Nó dạy cho chúng ta biết yêu thương nhau, và phải biết dâng hiến chính mình ngay từ bây giờ...
    Dầu chúng ta không hiểu gì về sự chết, nhưng điều đó cũng chẳng cần thiết gì. Điều thiết yếu là phải sống bức thông điệp mà sự chết nhắn gởi cho chúng ta”.
    Bronnie Ware là một nữ y tá người Australia, đã nhiều năm làm việc ở khu chăm sóc, chuyên chăm lo cho những bệnh nhân trong 12 tuần cuối đời họ. Ware đã ghi lại những điều mà những người sắp chết thường hối tiếc nhất. Cô đã nêu ra tất cả những gì quan sát được vào một cuốn sách có tên “5 điều hối tiếc nhất của những người đang hấp hối”, đó là:
    - Tôi ước gì mình đủ dũng cảm để sống một cuộc sống thật với bản thân, chứ không phải cuộc sống theo người ta mong muốn.
    - Tôi ước gì mình đừng quá lo làm việc như vậy.
    - Tôi ước có đủ dũng cảm để bày tỏ cảm xúc.
    - Tôi ước luôn giữ quan hệ thân hữu với bạn bè.
    - Tôi ước gì biết để bản thân được hạnh phúc hơn.
    Có những hối tiếc vì sớm nhận ra nên còn thời gian bù lấp được, nhưng có những hối tiếc quá muộn màng vì thấy mình đã đứng trước cái chết. Chung qui cũng vì đã không sống trọn vẹn: sống thật tình, sống hết mình. Chết là chấm hết, mọi sự sẽ qua đi tất cả, chỉ có tình yêu là ở lại. Nhưng nếu từ xưa đến nay tình yêu đã trống vắng, thì cái chết sẽ hoang vắng biết chừng nào...
    - Ý thức mình sẽ chết
    Chuyện kể rằng, vị đan tu tên là Mésique, khi hấp hối sắp chết, ông đã thều thào nói những lời cuối cùng với các anh em như sau: “Tôi chỉ khuyên anh em một bài học mà tôi đã cảm nghiệm và rút ra được sau 12 năm thinh lặng để sám hối trong căn phòng kín này là: ai luôn ý thức mình sẽ chết thì sẽ không còn cố tình phạm tội nữa”.
    Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu để sống thật đẹp đời mình. Cha Charles de Foucault khuyên ta: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”.
    Blanchecotte đã đưa ra một câu châm ngôn rất hữu ích cho đời sống mỗi người chúng ta: “Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử”.
    - “Suy nghĩ như mình sắp chết”: giúp chúng ta dễ xóa bỏ những tham, sân, si; dễ buông bỏ những danh, lợi, thú; dễ từ bỏ những vương vấn và thái độ bám níu vào cuộc đời tạm bợ này.
    - “Hành động như mình bất tử”: coi như mình chẳng bao giờ chết, vì mọi hành động đều có giá trị vĩnh cửu. Điều quan trọng không phải là suy nghĩ nhiều, mà làm thế nào để yêu mến nhiều.
    Ta cần phải khẳng định về chính mình như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21). Lợi là vì Chúa Kitô chính là sự sống mới của ta; lợi là vì cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử nhờ Đức Kitô (x. 1Cr 15,53).
    Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi. Đừng bao giờ đặt vấn đề để qui hướng về bản thân mình như Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. (Không biết 300 năm về sau, thiên hạ ai người khóc Tố Như). Thánh Vịnh 103,15-16 trả lời cho Nguyễn Du rằng: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.
    Cho dù bao nhiêu năm sau, người đời có nhớ ta, có khóc ta, thì ở dưới tuyền đài ta được gì? Người đời có khen ta, mà Chúa không thưởng ta thì có nghĩa gì? Được lời lãi cả thế gian mà mất sự sống mình thì ích gì? Thật là ảo vọng khi chỉ biết hy vọng vào người đời và những gì mình làm nên để tô vẽ cho bản thân mình. Bởi vậy không lạ gì khi thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi coi mọi sự là rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, ��.
    Trong lá thư gởi cho một người bạn đề ngày 04.04.1786, nhạc sĩ Mozart tâm sự: “Hình ảnh sự Chết chẳng còn gì đáng khiếp sợ đối với tôi, ngược lại, đó lại là một niềm thanh thản rất an ủi cho tôi. Và tôi cảm ơn Thiên Chúa của tôi, Ngài đã cho tôi cái diễm phúc có được cơ hội để học biết và nhìn nhận sự Chết như là chìa khóa mở cửa hạnh phúc cho chúng ta”.
    - Sống đức tin
    Không có một đức tin sâu xa, thì cái chết quả là điều rất đáng lo sợ, vì không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu, về đâu? Do đó, nhiều người không muốn nghe hoặc không muốn nói đến sự chết. Còn chúng ta, chúng ta tin rằng: “Trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, những kẻ chết sẽ trỗi dậy không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15, 52).
    Nhưng phẩm chất của sự biến đổi ấy là gì? Thánh Phaolô nói rõ: đó là “cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,53). Nhưng những ai được hưởng ơn biến đổi sau này thì ngay bây giờ họ cần chết đi cho tội lỗi để được nên người công chính. “Hạnh phúc thay và thánh thiện dường nào kẻ được dự phần vào cuộc phục sinh thứ nhất này!” (Kh 20, 6a). Cuối cùng, nhờ ơn phục sinh thân xác, người công chính sẽ đạt tới mức thập toàn, nghĩa là được vinh quang trọn vẹn và vĩnh cửu, vì “Cái chết thứ hai không có quyền gì trên họ” (Kh 20, 6b).
    Chính đức tin (qua phép Rửa và đời sống thánh thiện) đã đem lại cho ta sự sống mới ở đời này, nghĩa là được tham dự vào cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Tuy nhiên, ta còn phải tin trong sự chờ mong từ cơn đau quằn quại để sinh hạ chính mình, cũng như toàn thể tạo vật đang rên siết để chờ ngày cứu độ (x. Rm 8, 22).
    Có biết bao đau khổ trong đời, nhưng chẳng đáng là gì so với vinh quang Chúa sẽ dành cho ta trong cõi vĩnh hằng (x. Rm 8,18), và đau khổ cũng là một cách thanh luyện rất cần để góp phần khai sinh sự sống mới.
    Với bản năng sinh tồn, người ta thường yêu sự sống và ghét sự chết, nhưng sự chết xảy ra trong từng giây phút để làm cho sự sống có mặt. Cái chết thể lý là chuyện đương nhiên, chẳng có gì đáng sợ, vì “Nó không phải là tiếng nói cuối cùng, bởi chúng ta được dựng nên cho sự sống” (Zundel). Điều đáng sợ là cái chết tinh thần: chết phẩm chất làm người, chết tình thương mến, chết niềm tin yêu hy vọng mà Đức Kitô đã mang lại cho ta. Đó mới là cái chết thực sự, chết mãi trong bóng tối cô độc và trong bóng đêm vô tận. Bằng tất cả lòng tin, ta nương tựa vào sự soi sáng và sức mạnh của Thánh Linh để chống lại sức bành trướng của sự chết đang ngự trị trong thế giới dưới nhiều hình thức tai ác,và đang len lỏi trong ta dưới nhiều quan niệm lầm lạc và lối sống lệch lạc.
    Kết luận
    Khi sinh ra, con người đã là một bản thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được khắc sâu vào bản thể con người khi được tạo dựng, nên tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất. Hơn nữa, nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Ngài thì sẽ không chết bao giờ (x. Ga 11, 26).
    Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính hủy diệt, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Tin vào Đức Kitô thì chẳng hề sợ chết, vì ngày Chúa đến với chúng ta không phải là ngày kinh hoàng, nhưng là ngày cứu độ. Là người Kitô hữu, chúng ta “chết cho Chúa” như đã sống cho Chúa (x. Rm 14,7). Nhờ cái chết, chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (x. Kh 2,10).
    Từ nỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc:
    “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh 14,13).
    Trong niềm vui mừng khôn tả đó, thánh Têrêsa hài đồng đã xác quyết trong giờ hấp hối: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”, đó là sự sống vinh phúc muôn đời trong chính Thiên Chúa Hằng Sống.
    Lm. Thái Nguyên
     
    Chia sẻ
     
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA -

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     


    GẪM SUY VỀ CÁI CHẾT
     
    Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại.
    “Có làm mưa làm gió, rồi cũng nằm đó mà thôi…” Một ông lão chợt thốt lên những lời như thế khi chứng kiến cảnh đưa tang của một người đã từng có khả năng “làm mưa làm gió”. Một câu nói rất đỗi bình thường, nhưng hàm chứa cả một chân lý, một sự “ngộ ra” căn bản và nền tảng nhất của kiếp nhân gian này. Ai cũng biết là mình sẽ chết vào một ngày nào đó, ai cũng có một ý thức rất rõ ràng là “có một thời sinh ra, có một thời chết đi”, nhưng để có thể cảm được cái vô thường của cuộc đời qua hai chữ “nằm đó”, người ta phải đánh đổi rất nhiều điều.
    Cái chết là dấu chấm hết cho một sự hiện hữu. Nó không là cái gì cả, chỉ đơn giản là việc vật đó, cái đó, con đó, người đó… không còn mang trong mình sự sống nữa thôi. Nếu được chọn, người ta sẽ chọn sống. Nếu như phải chết, chẳng qua chỉ là vì không còn chọn lựa nào khác, hoặc người ta chọn chết vì một giá trị thiêng liêng nào đó cao quý hơn. Nhưng dù là với lý do gì, động lực gì, cái chết cũng đưa người ta về với sự khởi đầu, một tình trạng ngang bằng nhau cho tất cả: cát bụi.
    Chết đi rồi thì chẳng còn gì để bàn cãi nữa. Nhưng cái chết của người khác lại là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống. Nó đặt cho người ta câu hỏi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình, về những nỗ lực phấn đấu, về cung cách hành xử, về những gì mà người ta đang cố nắm giữ trong tay. Nó cũng đặt người ta vào mối bận tâm về các tương quan, những cảm xúc. Cái chết là một biến cố làm ta cảm nghiệm cách rõ ràng nhất về tính đơn nhất của mình. Chẳng ai có thể chết thay ta, chết dùm ta, hay đối diện cái chết với cùng một tâm trạng giống như ta. Người ta có thể chia vui sẻ buồn với ta, nhưng cái chết của ta thì chỉ một mình ta đảm nhận lấy.
    Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì. Người thân của tôi sẽ buồn vì mất tôi, không còn được gặp mặt và chuyện trò với tôi, nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì được hơn. Giả như có ai đó cùng chết với tôi, thì họ cũng mang lấy cái chết của họ, còn tôi chết cái chết của tôi, mỗi người tự gánh lấy phần của riêng mình.
    Cái chết có thể là một “sự yên nghỉ” dành cho những ai đã lăn lộn trên hành trình dương gian này suốt một thời gian dài. Cái chết cũng có thể bị coi là một sự “quả báo” dành cho những ai đã làm không ít điều xấu xa. Nó cũng được nhìn đến như một “về nguồn” dưới nhãn quan của một cuộc trở về với nơi từ đó mình được sinh ra. Đôi khi, nó là một “sự giải thoát” khi cuộc sống này có quá nhiều nỗi chán ngán đến thê lương, buộc người ta phải tìm cho mình một cái kết. Với người lạc quan, cái chết là cửa ngõ để dẫn vào một sự hiện hữu khác, không giống như kiểu hiện hữu mà ta đang trải nghiệm: chết là cánh cửa đi vào chốn vô hình – sự bất diệt.
    Tháng 11 thường gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc.
    Trong tháng này, thời tiết cũng thay đổi nhiều, lá bắt đầu chuyển màu rồi rụng xuống, trở về với cội đất lạnh lùng. Cảnh sắc đất trời như cũng cố khơi gợi lên một nỗi niềm nào đó. Cái “qua đi” của thời gian làm ta thấy khó chịu. Có một xung năng nào đó trong lòng mình muốn kháng cự lại điều này. Ta muốn mình còn mãi, chứ không thích bị lãng quên. Ta cảm thấy khó có thể chấp nhận định luật sinh-diệt của đất trời. Nhưng dẫu sao, con người dù quyền phép cỡ nào cũng không thể chiến thắng được nó. Biết dừng lại, chấp nhận và vui lòng đón lấy quy luật này, con người mới có thể bình an và không còn sợ hãi.
    Tháng 11 mời gọi con người đi vào trong một cuộc thay da đổi thịt. Nơi đó, họ thấy được chân tướng của hiện sinh, rằng mọi cái rồi sẽ qua đi, rằng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, ngoại trừ Đấng là nền tảng cho mọi hiện hữu trên đời. Tháng 11 ảm đạm là thế, nhưng không đưa người ta vào một cõi thê lương u uất. Tháng 11 cho ta khoảng lặng để trầm mặc về cái kết của cuộc đời và phô bày ra trước mắt nhân gian hệ quả của tất cả những chọn lựa của họ.
     
    Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại. Mỗi cái chết là một sự tuôn trào của sự sống. Hạt giống được chôn vùi chính là để có một cây mới vươn lên. Có một sự sống viên mãn đang đợi ta phía trước.
    Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
     
     
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - TUẦN CỬU NHẬT - CHA VƯƠNG

  •  
    phung phung
     
    Thu, Nov 10 at 10:05 AM
    THÁNG CAC LINH HỒN
     
     

    NGÀY THỨ CHÍN trong tuần cửu nhật

    Mến chào một ngày mới! Nào ta hãy đồng dâng lời tạ ơn đến Thiên Chúa cao cả vì Ngài đã gìn giữ bạn cho đến ngày hôm nay. Bạn thân mến, đối với người Công giáo, giáo huấn về luyện ngục thật là một niềm hy vọng và an ủi vì biết rằng bất cứ ai đạt đến giai đoạn thanh luyện cuối cùng này chỉ có thể “đi lên” chứ không “đi xuống”.

    Tuy nhiên, Giáo Hội dạy rằng những người còn sống có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục. Bởi vì khi chết rồi con người không thể làm gì cho chính mình được nữa. Khi còn sống, bạn có thể làm được việc gì thì làm để giúp họ, vì tình yêu của người còn sống vẫn hoạt động vươn tới cả đời sau, chẳng hạn như ăn chay, cầu nguyện, làm các việc lành, nhất là dâng thánh lễ để xin ơn cho họ. Thánh Gioan kim khẩu có nói:

    “Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ.” Vậy hôm nay bên cạnh cầu nguyện cho linh hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho các linh hồn đang thanh luyện trong luyện ngục mà không có ai cầu nguyện cho họ, xin cho họ sớm được hưởng nhan Thánh Chúa. 

     Xin chân thành cảm ơn bạn rất nhiều vì những việc bạn đã và đang làm cho phần rỗi của các linh hồn nhé.

     

    Cha Vương

     Thứ 5: 10/11/2022

    NGÀY THỨ CHÍN trong tuần cửu nhật:

    HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

     “Tôi nuối tiếc cho thời gian đã mất. Tôi không bao giờ nghĩ rằng thời gian trên trái đất thật là quý giá chóng qua, và không thể đền bù được. Nếu tôi biết truớc thì lúc này đây tôi mới thấy thời giờ đáng quý biết là bao! 

    Thời giờ được ban cho tôi toàn quyền sử dụng trong tình yêu Thiên Chúa, cho sự thánh hóa của tôi, cho sự cảm hóa tha nhân. Tôi đã dùng thời giờ để gây tội lỗi, để hưởng thụ, để làm việc. Những thứ này bây giờ làm cho tôi phải nuối tiếc trong cay đắng. Ôi thời gian đã mất, không còn hy vọng gì lấy lại.

     

     Hỡi các bạn còn sống trên trái đất hãy thay mặt chúng tôi mà thánh hiến cho Trái Tim Cực thánh Chúa Giêsu một chút thời giờ mà Chúa ban cho bạn cách dồi dào và miễn phí để xin ân huệ cho chúng tôi. Chúng tôi xin cảm tạ các bạn trước!”

     

     BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: “Những nỗi thống khổ của các linh hồn dưới luyện ngục rất lớn cho nên một ngày ở đó cũng như ngàn năm đối với họ.” (Thánh Vincent Ferrier)

     

     LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thiện, vì Máu Thánh Cực châu báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trong vườn cây dầu để cứu các linh hồn mồ côi trong luyện tội, con nài xin Chúa, xin hãy đưa các linh hồn vào nơi Vinh Quang để danh Chúa được tôn sùng và ngợi khen cho đến muôn đời.

     

     Lạy Trái Tim dịu ngọt Chúa Giêsu, xin ban ơn cho chúng con để chúng con yêu mến Chúa ngày một hơn. (đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)  

     

    From: Đỗ Dzũng