12. Ngày Trở Về Nhà Cha

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA -

  •  
    Chi Tran

     
     
     

    SỐNG VÀ CHẾT

     

    Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Có những chuyến đi, về vội vã. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. 

     

    Cuộc sống mong manh của con người cứ đều đều trôi theo tháng ngày, ít ai đề ý. Chỉ khi đứng trước nấm mồ của người thân hoặc khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của sự chết, người ta mới có những giây phút lắng lòng để suy tư về nó.

     

    Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
    hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
    Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
    tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
    một cơn gió thoảng là xong,
    chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

    (TV 103,14-16)

     

    Ngày nay con người vẫn “bó tay”, không thắng nổi cái chết dù có trong tay sức mạnh vạn năng của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Quan quyền binh tướng, giàu sang nghèo hèn … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng - có khác chăng chỉ là những lễ nghi hoặc nấm mồ đơn sơ hay hoành tráng.

     

    Nói như các triết gia bi quan, khi sinh ra là bắt đầu một tiến trình hướng về sự chết. Theo dòng thời gian, con người dần lớn lên với những buồn vui, sướng khổ của kiếp nhân sinh. Khi còn trẻ, sung sức người ta ít khi để ý đến những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Về già, con người cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu của sự chết đang đến.

     

    Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống. Theo quy luật tự nhiên mỗi người đều sinh ra, sống và tất cả đều ra đi âm thầm để chờ đợi hưởng nhan Chúa một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu khi cầu nguyện cùng Chúa Cha đã không xin cho con người khỏi chết nhưng xin “Những kẻ cha ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”. Ước nguyện của Chúa là muốn ở với con người theo nghĩa siêu nhiên là đảm bảo được đón nhận trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

     

    Vì tình thương, Chúa luôn gởi đến cho chúng ta nhiều dấu hiệu báo trước cái chết. Những cái chết của người thân, một chứng bệnh xuất hiện, những sợi tóc bạc, mắt mờ chân mỏi, xương cốt rã rời, … tất cả đều là những dấu hiệu. Vì thế chúng ta đừng làm ngơ trước những dấu hiệu tình thương ấy. Hãy đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

     

    Khi được sống trong một xã hội văn minh, vật chất sung túc đầy đủ, không phải lo chiến tranh, loạn lạc…. Người ta sẽ thoải mái, yên tâm giữ đạo thờ phượng Chúa. Nhưng mặt trái của nó là lối sống tự do, hưởng thụ đâm ra trụy lạc, tự mãn, coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. 

     

    Ngược lại, nếu phải sống trong một môi trường bất ổn, nghèo đói. Người ta cảm thấy mạng sống mình mong manh, của cải vật chất thiếu thốn không thỏa mãn được nhu cầu sống. Khi đó người ta dễ chạy đến cầu xin với Chúa. Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, nghèo khổ, túng quẫn. Người ta thường dễ trách móc “ông Trời”, xa lìa đạo giáo và tiêu cực hơn là tự tìm đến cái chết để giải thoát.

     

    Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Có những chuyến đi, về vội vã. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. Nhưng có một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đơn hành không trở lại và ta không thể mang theo những của cải vật chất đã gắn bó và gom góp suốt cả đời.

     

    Một chuyến đi du lịch đôi ba ngày, vài tuần, vài tháng … đã khiến ta phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Còn chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời mình, ta đã chuẩn bị được những gì? Đã sắp xếp được bao nhiêu hành trang cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này?

     

    Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống mới - sự sống trường sinh bất tử được Thiên Chúa tái tạo. "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,34-36)

     

    Vậy khi sống ở cõi tạm đời này không nên để mình bị cuốn hút vào những trào lưu của xã hội. Đừng quá chú tâm vào những việc thế gian để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện trần tục... Những nhân sinh quan này làm cho lòng con người ra nặng nề, chai đá và quên đi điểm cuối của cuộc lữ hành đời mình.

     

    Sống và chết là hai kỳ công do Thiên Chúa an bài. Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Hãy cầu nguyện liên lỉ để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài. Bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng theo tiếng Chúa gọi, dù bất thình lình, đột ngột. Hãy vững lòng trông cậy và phó thác cho Chúa cuộc sống và cái chết đời này để được sự sống đời sau bất diệt.

     

    Đứng trước những nấm mồ của kẻ chết hôm nay, ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, luôn ưu tiên đặt Chúa lên trên hết mọi sự trong việc chu toàn bổn phận làm người. Xin tình thương Chúa luôn che chở và giúp chúng ta biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong cuộc đời. Amen.

     

    Jos. Hoàng Mạnh Hùng

     

     

     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - RA ĐI LÀ TRỞ VỀ

RA ĐI CŨNG LÀ TRỞ VỀ

Đối với những ai không tin có sự sống đời sau thì cái chết là thảm hoạ khủng khiếp nhất trên đời, vì khi chết đến, nó sẽ cướp đi tất cả, không những là tất cả tài sản, của cải tiền bạc, công danh sự nghiệp của một đời người, mà còn cướp luôn mạng sống của họ.

Tuy nhiên, đối với các Ki-tô hữu, cái chết không còn bi đát hãi hùng, không phải là một mất mát, nhưng là một sự trở về: chết là về nhà Cha.

Xin mượn câu chuyện sau đây để minh họa cho chân lý nầy :

Năm người con đưa tiễn người mẹ yêu quý xuống tàu vượt biển đến một bến bờ xa cách vạn dặm nằm bên kia bờ đại dương bát ngát.

Tàu rời bến, họ vẫy tay tiễn biệt mẹ mà lòng tê tái buồn đau. Họ đứng lặng trên bờ, đăm đăm nhìn con tàu rẽ sóng đưa mẹ ra khơi cho đến khi con tàu chỉ còn là một đốm trắng li ti và mất hút ở cuối chân trời. Mắt mỗi người đều ngấn lệ vì mẹ đã đi xa, tưởng như không bao giờ trở lại.

Mấy ngày sau đó, ở bờ bên kia của đại dương, ông bà ngoại, cậu, dì và nhiều người thân yêu đang tụ tập trên bến chờ đón mẹ về. Và khi thấy thấp thoáng từ xa con tàu buồm trắng mà họ tin là có mẹ trên đó, thì họ cảm thấy tâm hồn nao nức mừng vui. Đến khi mẹ vừa ra khỏi tàu, thì ông bà ngoại, cậu dì chạy ra ôm choàng lấy mẹ, mọi người rất vui mừng hân hoan vì đã chờ đợi mẹ rất lâu mà mãi tới hôm nay mới có ngày sum họp.

Thế là việc ra đi của mẹ ở bờ bên nầy lại là sự trở về của mẹ ở bờ bên kia. Sự vĩnh biệt đau thương bên nầy được tiếp nối với cuộc đoàn tụ hân hoan hạnh phúc ở bờ bến khác.

Chúa Giê-su dạy ta biết sự chết như là con tàu buồm trắng trong câu chuyện trên đây, đưa người ta rời khỏi bến nầy để đưa họ sang bờ bến khác, giúp con người từ giã thế giới tạm bợ đời nầy để bước vào thế giới vĩnh cửu, để được đoàn tụ với Thiên Chúa, với ông bà tổ tiên và thân nhân đã lìa đời trên thiên quốc.

Chính vì thế, qua trích đoạn Lời Chúa trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su an ủi những ai còn ở bờ bên nầy, nghĩa là những người còn sống trên dương gian rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

Như thế, ngày chết mà người ta gọi là ngày đại hoạ, ngày kinh hoàng, thì đối với người tin Chúa, đó lại là ngày đoàn tụ sum vầy. Ngày đó, chúng ta sẽ được “đồng hưởng sự sống đời cùng với Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa; Thánh Giu-se bạn trăm năm Đức Trinh nữ; các Thánh Tông đồ và toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại[1]”, nếu hôm nay ta sống theo Lời Chúa dạy.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đi trước để dọn chỗ cho đoàn con và mai đây Chúa sẽ trở lại để đưa đoàn con về với Chúa.

Xin cho anh chị em tín hữu đã ly trần nhưng còn đang được thanh luyện, sớm thoát khỏi chốn luyện hình để đến nơi Chúa đã dọn sẵn cho họ trên thiên quốc và được đồng hưởng hạnh phúc cùng với ba ngôi Thiên Chúa và triều thần thánh đến muôn đời. Amen.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Tin mừng: Gioan 14, 1-4

1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14,1)

 

[1] Kinh nguyện Thánh Thể II

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 31 Thường Niên B

Video Player
 
00:00
 
35:54
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - VÔ THƯỚNG - PHÙ VÂN!!!

  •  
    phung phung
     
    Fri, Oct 29 at 5:00 PM
     
     
    Bài này RẤT CẦN VÀ ĐÁNG bỏ thì giờ ra đọc NHÉ!.
    Phụng
     

    https://nguyentrungtay.webs.com/phuvan.html

    □ Nguyễn Trung Tây
    Phù Vân & Vô Thường
                                       
    Phù vân!
    Phù vân! Đại phù vân!
    Vô thường!
    Vô thường! Đại vô thường!





     

     

    Tháng Mười Một, tháng của mùa thu và của chớm đông. Lá vàng và tuyết trắng nhắc nhở những người còn đang đi trên mặt đất về những người đã nằm xuống trở về với cát bụi.

    Tháng Mười Một, tháng của các linh hồn thổi gió lạnh buốt nhắc nhở nhân sinh về cuộc sống phù du vô thường. Phù du vô thường nhắc nhở người Kitô hữu câu chuyện nổi tiếng của ông Job trong dòng lịch sử Cựu Ước, một câu chuyện có lẽ vẫn còn làm nhiều người lắc đầu ngán ngẩm cho cuộc sống nhân sinh.

    Từ một người giàu có, nhà cao cửa rộng, thóc lúa đầy kho, ruộng đồng thẳng cánh, con đàn cháu đống, gia nhân rộn ràng, nhưng chỉ qua một đêm, tự nhiên ông Job thức dậy nhận ra tay mình tay trắng, đúng như ông bà mình đã từng nói,

    Bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay.

    Đúng như thế, theo như tác giả Sách Ông Job, vào một buổi sáng không dự liệu, không tiên đoán, không ai ngờ, tin dữ liên tiếp đập trống khua chiêng gõ cửa nhà người giàu có khét tiếng của phương Đông. Ông phú hộ Job mở hai cánh cửa ra chỉ để ngỡ ngàng nhận được bao nhiêu hung tin.

    Dư thừa như lá vàng héo khô mùa thu, như tuyết trắng bay bay mùa đông, hung tin thay phiên nhau mở miệng hét to, gào lớn, báo tin bẩy người con trai, ba người con gái, và tất cả gia nhân cũng như gia súc của người giàu có giờ này đã hoàn toàn tan biến thành tro bụi.

    Hung tin mở máy phóng thanh ồn ào thông báo cho ông Job biết trộm cướp, lửa trời, và cuồng phong nắm tay nhau ném đá giật sập nhà cửa ruộng nương và giết chết hết tất cả đầy tớ cùng mười người con thân yêu của ông Job.

    Chỉ trong vòng một khoảng thời gian rất ngắn, tất cả vật chất sung mãn tràn đầy trong nhà một người giàu có bỗng dưng trở nên trống vắng thiếu thốn trắng tay, đúng như Sách Giảng Viên đã từng nói,

    Phù vân nối tiếp phù vân.
    Tất cả chỉ là phù vân
     (Giảng Viên 1:2).

    Phù vân là hơi nước tụ họp gặp mặt nhau trên bầu trời. Từ những dòng sông ngòi cong mình uốn khúc và ngũ đại dương bao la xanh đậm, hơi nước nho nhỏ bốc cao lơ lửng ngập ngừng.

    Hơi nước của sông gặp gỡ hơi nước của biển. Cả hai cộng lại hóa ra tơ trời. Ngàn vạn sợi tơ của trời đan kết lụa là dệt ra mây trắng lững lờ trôi nổi bồng bềnh. Mây trời nối tiếp mây trời, lang thang nối tiếp lang thang.

    Mặt trời bình minh phương Đông vươn cao ném tung xuống cõi trần gian hơi nóng. Hơi nóng tỏa nhiệt đốt cháy mây trời, tẩy xóa phù vân. Phù vân biến thành vô thường. Vô thường tiếp nối phù vân. Phù vân nối tiếp vô thường chầm chậm loãng tan biến mất.

    Có đó rồi mất đó. Mất đó rồi lại hiện ra. Hiện ra rồi lại biến mất, y như hơi nước, y như tơ trời, y như phù vân, y như vô thường, y như cuộc sống nhân sinh thoáng hiện thoáng mất.

    Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!

    Những chú khủng long T-Rex của 65 triệu năm về trước đang cúi đầu gầm gừ nhai xé thịt tươi đỏ máu của đồng loại cũng đâu ngờ thiên tai đang rớt xuống trên đầu. Chỉ trong thoáng chốc, vẩn thạch từ không gian đâm sầm vào mặt quả địa cầu xanh lơ. Lửa đỏ từ trời rớt xuống. Cát bụi trở về cát bụi. Trời và đất khoác lên mầu áo tối đen. Tối đen thổi tắt ánh sáng mặt trời. Tối đen buông màn giăng mắc che phủ địa cầu. Khủng long T-Rex biến mất nhường chỗ cho con người thấp nhỏ đứng lên trên hai bàn chân. Giờ này khủng long và những chú T-Rex chỉ còn lại xương khô hóa thạch sừng sững vươn cao đe dọa trong Viện Bảo Tàng. Những chú khủng long to lớn, sức mạnh đập xuống tan đá vụn sỏi tưởng chừng như là trường tồn vĩnh cửu rồi cũng biến dạng hóa thành cát bụi. Khi vẩn thạch của vũ trụ ghé vào viếng thăm, triệu triệu ngôi mộ lăng tẩm của khủng long ngổn ngang gò đống trải rộng thênh thang khắp mặt địa cầu.

    Gần đây nhất, sóng thần nhiệt đới Tsunami hùa nhau đập phá tả tơi nhà cửa, lâu đài, làng mạc, và bãi biển của mười hai quốc gia thuộc vùng Nam Á. Bởi cuồng phong Tsunami, người dân Nam Á biến thành những ông Job của thiên niên kỷ thứ ba. Sóng thần 2004 ầm ầm gào thét mở miệng há to phóng tới, những ông Job của thiên niên kỷ thứ ba bồng bế vợ con bỏ của chạy lấy người.

    Cuộc sống nguyên thủy đã là phù phiếm. Bản chất của nhân sinh là hoang đường. Tất cả mọi người đều đã được sinh ra trong tro bụi. Và rồi, một ngày nào đó, chúng ta nhắm mắt lại trở về với bụi tro.

    Khi nằm xuống, không ai trong chúng ta mang theo được bất cứ một thứ gì về bên kia thế giới, ngoại trừ đôi tay trắng.

    Tài sản bao nhiêu năm ký cóp chắt chiu để dành, vàng bạc hột xoàn kim cương một hộp, con cái sanh ra đầy nhà, nhà cửa chung cư chập chùng xếp lớp của bao nhiêu năm trả góp, tính toán chi li từng đồng, hà tiện dành dụm từng xu, nhịn miệng bóp bụng từng tô phở rồi cũng chẳng mang theo được.

    Khi quay về với cát bụi, chúng ta biến tan vào trong hư vô tịch mịch y như phù vân trên trời. Khi chúng ta nằm xuống, tay trắng lại hoàn trắng tay. Tất cả đều trở nên vô thường, có đó rồi mất đó, đúng như con trai của Vua Đavít đã từng nói,

    Mọi chuyện đều có lúc, Mọi việc đều có thời.
    Một thời để sinh ra và một thời để chết đi
    (Giảng Viên 3:1-2).

    Ngày xưa có một ông phú hộ rất thành công trên thương trường. Ông làm ăn ngày càng phát đạt, lúa thóc đầy kho, nhiều tiền nhiều của. Một hôm hứng chí với những thành quả mình đã đạt được, người nhà giàu mở miệng nói,

    — Bây giờ phải làm chi đây để mà hưởng thụ, ăn chơi sung sướng? Thôi, thì mình sẽ làm như thế này. Việc đầu tiên là sẽ phá những kho thóc cũ đi, xây dựng những kho thóc mới, lớn hơn, đẹp hơn, huy hoàng hơn. Và rồi ta sẽ nói, “Hồn ta ơi, hãy vui lên, hãy hưởng thụ”.

    Nhưng Trời Cao nói với ông phú hộ,

    — Ngốc ơi là ngốc! Đêm nay ta sẽ lấy mạng của nhà ngươi đi, thì nhà ngươi làm được cái chi với tất cả những tài sản thóc lúa trong vựa?

    Câu chuyện vừa rồi không phải là câu chuyện cổ học tinh hoa, nhưng là câu chuyện của Tin Mừng trong Luca 12:13-21, ý muốn diễn giải và trình bày tính chất phù vân và vô thường của cuộc sống.

    Cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng đã từng than thở về nét phù vân và vô thường của cuộc đời qua câu truyện của tố nga Đạm Tiên, một người con gái đẹp, khi còn sống, người người tấp nập ghé nhà thăm viếng nâng niu đóa quốc sắc thiên hương.

    Nhưng rồi, cuối cùng cành hoa vàng ngọc cũng nằm xuống. Ngàn vàng một đóa hoa quỳnh bị vùi dập bên đường, trở thành nấm mộ hoang cỏ dại, để rồi đúng ngày

    Thanh Minh trong tiết tháng ba,
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,

    Hai nàng Kiều cùng đi qua. Thấy ngôi mộ bỏ hoang trống vắng,

    Sè sè nắm đất bên đường,
    Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh,

    Thúy Kiều mới hỏi em trai là Vương Quan,

    Rằng: “Sao trong tiết Thanh Minh,
    Mà đây hương khói vắng tanh thế này?

    Ý Thúy Kiều muốn nói hôm nay là ngày tảo mộ mà tại sao ngôi mộ này lại hương khói lạnh tanh không nhang không khói y như một ngôi mộ hoang?

    Vương Quan mới nói với nàng Kiều là người này hồi xưa đẹp nổi tiếng, nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc, quay đầu liếc nhìn một cái thành quách nghiêng ngả, quay đầu liếc nhìn thêm một lần nữa, quốc gia suy tàn. Nhưng rất tiếc, người hoa chết sớm.

    Bởi không thân nhân, không thân thích, không họ hàng, cho nên thân xác của hoa lý hoa quỳnh bị chôn vùi nông cạn bên vệ đường. Để rồi tới ngày hôm nay, ngày của tảo mộ, hội của đạp cỏ xanh, không ai nhìn ngó, không ai thương tiếc cắm cho một cây nhang để linh hồn ở dưới cõi tuyền đài bớt tẻ lạnh.

    Lắng nghe câu chuyện của người con gái năm xưa, Thúy Kiều đầm đìa những hạt lệ, than ngắn thở dài, “Ôi! Cuộc sống sao quá là phù vân và vô thường”.

    Đó là nói chuyện của hồi xưa. Còn chuyện bây giờ, câu chuyện của thiên niên kỷ thứ ba. Hoa Kỳ là một quốc gia giầu có, một cường quốc dẫn đầu trên thế giới gần như về mọi mặt, kinh tế, thể thao, phim ảnh, và ca nhạc.

    Nói về kinh tế, nhiều người trên thế giới vẫn mơ ước một ngày sẽ tới, một ngày người ta được đặt chân lên vùng đất hứa Hoa Kỳ, một ngày người ta cúi xuống nhặt vàng bạc ngọc ngà và đô la xanh xanh trên những con đường phố của Hiệp Chủng Quốc.

    Nói tới thể thao, không ai có thể quên được trong kỳ Thế Vận Hội vừa qua tại Hy Lạp, Hoa Kỳ mang về gần hết những huy chương vàng và huy chương bạc của Thế Vận Hội 2004. Nói về ca nhạc, ai trên thế giới mà lại không biết đến Michael Jackson, Madona, hoặc mới đây Britney Spears và siêu nhạc Rap Eminem.

    Nói về điện ảnh, ai lại không biết những bộ phim và siêu sao nổi tiếng của Holywood, thủ đô điện ảnh của Hoa Kỳ và của cả thế giới. Để đạt được tới địa vị độc tôn trên thế giới ngày hôm nay, người Hoa Kỳ ai ai cũng phải làm việc không ngừng nghỉ.

    Không ai trên vùng đất hứa có thể thoát khỏi bàn tay sắt bọc nhung êm của vòng quay làm việc tại thiên đàng hạ giới Hiệp Chủng Quốc. Chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hiệp Chủng Quốc, gia đình Việt Nam sống trên vùng đất mới cũng bị cuốn hút vào trong guồng máy khổng lồ của siêu cường.

    Cứ sáng sáng chúng ta mở mắt ra, đề máy xe, chạy vào trong những siêu xa lộ. Chúng ta chạy riết, chạy riết, mà vẫn không biết khi nào sẽ phải tách ra khỏi dòng xe cộ ngược xuôi. Vợ chồng Việt Nam, khi mới đặt chân trên vùng đất mới, ai cũng cần phải có một cái nhà. Để đạt được căn nhà mơ ước, bố mẹ làm ngày 8 tiếng.

    Hết 8 tiếng chúng ta làm thêm 2 tiếng. 2 tiếng cộng lại hóa ra 4 tiếng. 4 tiếng cộng lại hóa ra 8 tiếng của ngày thứ Bẩy cuối tuần. Thứ Bẩy đóng lại mở ra Chúa Nhật, lại thêm 8 tiếng. Sau nhà là TV. Sau TV là bộ ghế sa-lông bằng da. Nhà có rồi, mình cũng cần một cái xe hơi đắt tiền nằm trong nhà để xe chứ.

    Cứ thế, cuộc sống cuốn hút chúng ta xoáy sâu cuộn tròn vào trong cơn lốc, quên mất đi cuộc sống này thật là phù vân và vô thường.

    Bởi những cám dỗ của vật chất, chúng ta cứ như những người mất trí nhớ.

    Sáng sớm chúng ta mở máy xe lên xa lộ, đạp ga chạy không ngừng nghỉ, chạy tới, chạy miết, chạy quên luôn cái ngã rẽ xa lộ mà mình phải lái ra, cái ngã rẽ đó dẫn chúng ta về lại căn nhà thân thương của mình, nơi đó có cha có mẹ, có vợ có chồng, có con đang ngồi mong chờ ngóng đợi.

    Bởi những xa lộ không có ngõ ra, thiên niên kỷ thứ ba lại ngập tràn bóng dáng của những thiếu phụ Nam Xương. Đêm đêm bóng dáng của bà Vũ thị Thiết lại chập chờn thoáng ẩn thoáng hiện trên vách tường. Bởi những xa lộ không có ngõ ra, tiếng than thở của thiếu niên Trương Đản trên vùng đất mới vẫn còn vang vọng đâu đây,

    — Bố đâu rồi? Mẹ đâu rồi? Con không cần tiền và quần áo đẹp. Con cần bố. Con cần mẹ.

    Bạn thân,

    Cuộc sống này nguyên thủy đã là phù phiếm, đã là phù vân, đã là vô thường. Nhưng tạ ơn Chúa và tạ ơn cho niềm tin, chỉ có trong Thiên Chúa, con người mới sống trường sinh, sống vĩnh viễn, sống tràn đầy, và sống sung mãn.

    Tháng Mười Một trong niên lịch phụng vụ nhắc nhở bạn và tôi về những linh hồn Kitô hữu đã nằm xuống; những linh hồn của ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cháu, và họ hàng; những linh hồn không bao giờ tan mất bởi họ nằm xuống trong niềm tin vào Thiên Chúa.

    Vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên của nhân loại, Đức Kitô Phục Sinh đã sống lại, Đức Kitô đã chiến thắng tử thần và lẽ vô thường của cõi nhân sinh. Bởi vì Ngài sống lại trong vinh hiển, Đức Giêsu Phục Sinh đã thay đổi lại thân phận phù vân của con người.

    Bởi niềm tin vào Đức Kitô, linh hồn của những người tín hữu đã nằm xuống sẽ không bao giờ tan biến vào trong cõi hư vô như phù vân. Và cũng bởi niềm tin, bạn và tôi cũng không sống một đời sống vô thường, bởi vì chúng ta có một niềm tin sắt son vào một Đức Kitô Phục Sinh.  

    □ Lời Nguyện

    Lạy Chúa, cuộc sống này vô thường và phù vân. Nhưng tạ ơn Chúa đã ban cho con niềm tin vào Chúa.

    Và bởi niềm tin vào Chúa, tháng Mười Một của các linh hồn, của lá thu vàng và tuyết đông trắng, của phù vân và vô thường không làm con thất vọng và muộn phiền; nhưng càng thêm tin tưởng vào bàn tay quyền năng, nhân diện từ bi, và tình yêu khoan dung của một Thiên Chúa chậm bất bình, tràn đầy vị tha.  

    □ Nguyễn Trung Tây

     

     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA -

  •  
    Chi Tran

     
     
     

    THÁNG CÁC LINH HỒN: TƯƠNG TÁC VỚI ÔNG BÀ TỔ TIÊN

     

    Người Việt Nam chúng ta có truyền thống nhớ về tổ tiên rất tốt đẹp. Riêng với người Công giáo, truyền thống này lại được thể hiện cách đặc biệt trong Tháng Mười Một, tháng Giáo Hội hướng về việc cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

     

    Nhưng nhiều người hiện nay, nhất là người trẻ, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý, có thể đặt câu hỏi: tại sao tôi phải làm vậy? Liệu có ích gì khi phải thực hành một truyền thống nào đó? Vì thế, thiết tưởng việc suy tư về ý nghĩa và giá trị của hành vi kính nhớ tổ tiên là điều cần thiết. Ở đây, tôi chỉ giới hạn phần suy tư này vào một khía cạnh, với câu hỏi sau: liệu chúng ta có thể tương tác với tổ tiên đã qua đời của mình hay không?

    Tại sao lại đặt ra câu hỏi đó? Vì tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta có thể nhìn ra được khả thể rằng ông bà tổ tiên vẫn có vai trò và sự hiện diện theo nghĩa nào đó trong đời sống của mình, và chúng ta vẫn có thể có sự ‘tương tác’ với sự hiện diện đó trong những khía cạnh nhất định, thì việc kính nhớ ông bà tổ tiên sẽ mang tính chất sống động và cụ thể, thay vì chỉ là một hành vi vô thức theo tập tục hoặc truyền thống văn hoá đạo đức mơ hồ nào đó.

     

    Để hình dung ra những mức độ và khía cạnh hiện diện của ông bà tổ tiên, điều kiện trước hết là chúng ta phải mở rộng tầm nhìn về cuộc đời mình, để thấy được tính toàn thể vốn có của nó. Lối sống thời hiện đại dường như đang thu hẹp tầm nhìn và ý thức của chúng ta về chính mình. Não trạng chung của xã hội hiện nay khiến chúng ta ‘đóng khung’ đời người trên căn bản của ‘thành công – thất bại’; và điều này lại lấy ‘tiền bạc – danh tiếng’ làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt theo các yếu tố: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Từ đó, đời sống con người chỉ còn được nhìn đến ở vài khía cạnh: hưởng thụ - quyền lực – sức khoẻ - và tuổi thọ. Nếu cuộc đời được hạch toán theo kiểu một ‘bản thu-chi’, nó quả là tẻ nhạt, nghèo nàn! Trong khi đó, cuộc sống tự nó lớn lao hơn nhiều so với cái khung nhỏ hẹp đó. Vì thế, nhiều người mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời.

     

    Khi tự thu bé tầm nhìn về cuộc đời, chúng ta đang quên lãng hoặc đánh mất bao nhiêu khía cạnh quan trọng khác, như khía cạnh mở ra trong tương quan với người khác, khía cạnh liên hệ gần gũi với quá khứ, với văn hoá và lịch sử. Cũng vậy, chúng ta cũng đánh mất khả năng ngạc nhiên và nhạy bén trước những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, hay niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Tuy nhiên, con người đâu phải chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần nữa! Vì thế, chúng ta cần định hình tầm nhìn về đời sống con người trong tính toàn thể lớn lao của nó, với bao khía cạnh phong phú khác ngoài tiền bạc – danh vọng – quyền lực; và trong tầm nhìn đó, ta thấy rõ sự hiện diện rất cụ thể của ông bà tổ tiên trong đời sống của mình.

     

    Trước hết, con người có lịch sử của mình. Lịch sử đó không phải chỉ là những gì đã qua, mà còn là những gì đang hiện diện nơi chính chúng ta. Ngay đến cơ thể vật lý của mỗi người cũng bao hàm sự hiện diện đó. Thật vậy, như dân gian vẫn nói, chúng ta không từ ‘lỗ nẻ’ mà có, nhưng được trao ban và tiếp nối cuộc sống thể lý từ tổ tiên mình. Vì thế, một cách rất cụ thể, có thể nói tổ tiên đang hiện diện ngay cả nơi thân thể của ta. Hơn nữa, tính cách và lối sống của ta cũng một phần được hình thành từ cội nguồn tiên tổ, với những đặc nét về văn hoá, phong tục, tôn giáo, vv., mà họ đã truyền lại cho ta.

     

    Xét một cách sâu xa hơn, ông bà tổ tiên cũng hiện diện nơi những yếu tố định hình nên ý thức nhân bản lẫn ý thức tôn giáo của mỗi cá nhân. Thật vậy, nơi tầng ý thức của ta, thậm chí cả tầng vô thức, luôn có tiếng gọi nhắc nhở về thân phận ắt tử của đời người, và sự nhắc nhở đó gắn chặt với mối liên hệ với tổ tiên của mình. Chúng ta ‘biết’ mình sẽ không tồn tại mãi trên cuộc đời này, vì ta ý thức được rằng mọi người đi trước, nhất là các bậc tổ tiên, đều đã trải qua sự thật đó. Sự nhắc nhở này mang tầm mức quan trọng thiết yếu với con người, vì, nói theo kiểu triết gia Heidegger, chúng ta chỉ thực sự sống tư cách con người khi đảm nhận ý thức về sự ắt tử của mình. Đối diện với tính ắt tử giúp ta hiểu rõ sự ngắn ngủi của kiếp người, khiến ta biết trân trọng cuộc đời và sống chân thật với chính mình hơn. Quan trọng hơn, nó khiến ta truy vấn về ý nghĩa và cùng đích cuộc sống này, và hướng hy vọng về một đời sống mai sau, nơi ta có khả năng hiệp thông trở lại với tổ tiên mình. Vì thế, có thể nói ông bà tổ tiên hiện diện nơi ý thức hiện sinh của ta về cuộc sống.

     

    Sự hiện diện của ông bà tổ tiên cũng không chỉ giới hạn trong đời sống cá nhân, mà còn trong đời sống cộng đồng xã hội nữa. Chết không có nghĩa là bị cắt đứt hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội. Thực tế, người chết đã trở thành một phần của lịch sử, của văn hoá và của bao khía cạnh khác trong một dân tộc; và do đó, họ cũng là một phần của hiện tại, và cần được nhìn đến như là một thành viên của xã hội đang sống.

     

    Tóm lại, chúng ta có thể tương tác thật sự với tổ tiên của mình một cách rất sống động và cụ thể, đơn giản vì họ thực sự hiện diện cách năng động trong nhiều khía cạnh của đời sống chúng ta. Điều kiện cần là chúng ta phải tái ý thức về sự hiện diện đó, để thấy được sự thật rằng mình có sự liên hệ và gắn kết gần gũi với họ.

     

    Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, và trong các tôn giáo nói chung, chúng ta có nhiều cách thức thực hiện việc tương tác với ông bà tổ tiên của mình. Ví dụ, chúng ta có các tập tục quen thuộc như làm giỗ, niệm hương, viếng mộ, cúng bái, dâng lễ cầu siêu, lễ Vu Lan, vv.

     

    Với Ki-tô hữu, ngoài những khía cạnh văn hoá và truyền thống, việc kính nhớ tổ tiên còn được chú trọng ở những hình thức thiêng liêng, như dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, vv. Hơn nữa, sự tương tác này được diễn đạt một cách sinh động qua tín điều về sự hiệp thông giữa ba thành phần của Giáo hội hoàn vũ: Giáo Hội lữ hành của những người trên trần gian, Giáo Hội khải hoàn của các thánh trên thiên quốc, và cộng đoàn của những người đang chịu thanh luyện. Vì thế, như Công Đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.” Ở chiều ngược lại, “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa […] các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha.” Có thể nói, mức tương tác đó đạt đỉnh cao ở trong phụng vụ, nhất là Thánh Lễ. Phụng vụ Thánh lễ là một thực tại thánh thiêng, là biến cố mở ra một không gian gặp gỡ đặc biệt giữa con người và Thiên Chúa, trong đó diễn ra sự hiệp thông của cộng đoàn hoàn vũ từ cả ‘ba thế giới’ nói trên. Vì thế, Thánh Lễ là không gian nơi ta có thể thực sự gặp gỡ và hiệp thông với ông bà tổ tiên của mình cách sống động, hay, nói như Đức Thánh Cha Benedictô XVI, là nơi thế giới của sự hữu hạn được tham dự vào thế giới của vĩnh cửu.

     

    Sự tương tác nói trên có thể được diễn tả cách đặc biệt và đậm nét trong Tháng Mười Một, vốn là thời gian được Giáo hội dành riêng để kính nhớ các linh hồn ông bà tổ tiên. Trong tháng này, ngoài những hình thức tương tác kể trên, chúng ta cũng được mời gọi canh tân đời sống đạo đức và thực hiện các việc bác ái phúc đức, để lời nguyện của chúng ta dành cho ông bà tổ tiên được đẹp lòng Thiên Chúa. Thiết tưởng, đó là một cách thức báo hiếu rất cụ thể, và cũng là hình thức để làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú và trọn vẹn.

     
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN

  •  

    NGHĨA TỬ NGHĨA TẬN

    Trong sách Hạt Giống Tâm Hồn có câu chuyện như sau:

    Một ông lão được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê do bị trụy tim và sau khi cấp cứu, ông ta chỉ tỉnh lại phần nào. Ông tỏ ý muốn gặp cậu con trai duy nhất là một người lính hải quân đang công tác ở một nơi xa.

    Mọi người đã cố gắng liên lạc để thỏa mãn ước nguyện sau cùng của ông lão. Và rồi khi cậu con trai trở về và kịp đến bệnh viện, cô y tá đã phải gọi nhiều lần ông lão mới khó nhọc mở mắt ra. Ông loáng thoáng nhìn thấy bóng dáng một thanh niên đang đứng cạnh giường mình.

    Ông lão đưa tay cầm lấy tay chàng trai. Những ngón tay rắn rỏi của anh lính siết nhẹ bàn tay mềm rũ không còn chút sinh khí ấy. Cô y tá mang đến một chiếc ghế cho anh lính ngồi với cha của mình.

    Suốt đêm, anh lẳng lặng ngồi trong căn phòng ánh sáng tù mù, nắm tay ông lão và nói những lời động viên. Ông lão hấp hối nằm yên, không nói gì nhưng tay ông vẫn không rời bàn tay chàng trai. Mặc những tiếng rì rì của bình oxy, tiếng rên rỉ của các bệnh nhân khác và tiếng bước chân của các y tá trực đêm ra vào văn phòng, anh lính vẫn ngồi ngay ngắn bên ông lão.

    Gần sáng, ông trút hơi thở cuối cùng. Người lính cẩn thận đặt bàn tay lạnh lẽo của ông lên giường và bước ra ngoài tìm cô y tá. Anh ngồi đợi trong lúc chuyển thi hài ông lão xuống nhà xác và làm những thủ tục cần thiết. Khi quay lại, cô y tá ngỏ lời chia buồn với anh. Lúc này người lính cho biết ông cụ không phải là cha của anh. Anh lính chậm rãi giải thích:

    -Tôi biết có sự nhầm lẫn từ người cấp giấy phép cho tôi về nhà. Tôi nghĩ có lẽ con trai cụ và tôi trùng tên, trùng quê quán và có số quân giống nhau, do đó người ta mới nhầm như vậy. Ông cụ rất muốn gặp con trai mình mà anh ấy lại không có mặt ở đây. Khi đến bên cụ, tôi nhận ra là cụ đã yếu đến mức không thể phân biệt tôi với con trai của cụ nữa. Biết là ông rất cần có con trai ở bên cạnh nên tôi quyết định ở lại.

    Quý vị và các bạn thân mến!

    Cha ông ta có câu: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, có nghĩa đối với người chết là có nghĩa đến tận cùng.” Đứng trước một người sắp chết, người ta luôn có những ứng xử tốt đẹp, đầy tình yêu thương để người sắp từ giã cõi tạm được ra đi trong an bình, thanh thản

    Đại dịch Covid đã cướp đi sinh mạng của biết bao con người trên toàn thế giới cũng như tại quê hương Việt Nam. Ngoài nỗi đau mất mát, điều khiến những người còn lại trong gia đình xót xa đau đớn đó là người thân của họ phải từ giã cõi đời trong cô đơn, không một lời tiễn biệt, không một ánh mắt yêu thương sau cùng của bạn bè, con cháu. Trong hoàn cảnh bi thương như thế thì sự hiện diện của các bác sĩ, các tình nguyện viên, đặc biệt là các nữ tu, tu sĩ đã dấn thân phục vụ các bệnh nhân Covid là hết sức quý giá.

    Dù không phải là một nhân viên y tế nhưng chắc chắn điều các vị nữ tu, tu sĩ hay thiện nguyện viên này có thể mang lại cho các bệnh nhân đó là sự chăm sóc ân cần trong thời gian chữa trị, đồng thời họ cũng mang lại nguồn an ủi vô biên, giúp các bệnh nhân phải từ giã cõi đời được ra đi trong bình an. Tình yêu thương là phương thuốc nhiệm mầu cho tất cả chúng ta, cho cả người cho lẫn người nhận.

    Tin rằng những giây phút kề cận để các bệnh nhân không cô đơn trong lúc lâm chung sẽ để lại trong lòng các thiện nguyện viên, các y bác sĩ những cảm nhận sâu sắc cho cuộc sống của mình. Đó là những khoảnh khắc mà họ đã sống thực sự vì đã làm được một điều gì đó hết lòng bằng tình yêu của mình.

    Mẹ Têrêsa có nói: “ Hãy là hiện thân cho lòng nhân ái của Thượng Đế bằng cách thể hiện trên nét mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng nhiệt của mình. Đừng để người nào đến với bạn rồi ra đi mà lòng không cảm thấy lòng vui tươi và hạnh phúc hơn”. Việc hiện diện chăm sóc hay tiễn biệt những bệnh nhân Covid bớt cô đơn trong những giây phút cuối đời và được ra đi trong nhẹ nhàng, thanh thản rõ ràng không có gì quá to tát, quá vĩ đại nhưng nó thể hiện một lòng nhân ái sâu sắc.

    Những cái nhìn đồng cảm, một nụ cười yêu thương, những lời nói động viên chia sẻ là những hình ảnh rất đẹp, rất cảm động của tình người và đó chính là sức mạnh giúp các bệnh nhân Covid chấp nhận sự đau đớn của bệnh tật và trải qua cái chết trong một tâm trạng bình an và hạnh phúc.

    Lạy Chúa, xin cho những bệnh nhân Covid sắp qua đời tìm được sự bình an và yêu thương trong hoàn cảnh chia tay quá khắc nghiệt và khốn khổ. Họ có thể chết trong cô đơn nhưng xin cho họ được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ và ngày sau được vui hưởng hạnh phúc chốn Thiên Đàng. Amen.

    Bình Minh

    -------------------------------------