CẢM NGHIỆM SỐNG LC - CHÚA KITO VUA - LM NGUYÊNHONGGIAO
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
Suy niệm Lễ Chúa Kitô Vua – C
Lời Chúa: 2Sm 5, 1-3; Cl. 1, 12-20; Lc. 23, 35-43
Đức Giêsu Vua Tình Yêu
(Suy niệm của Lm Nguyễn Hồng Giáo)
Năm phụng vụ kết thúc với lễ Đức Kitô Vua vũ trụ. Nhưng Chúa Kitô làm vua như thế nào? Vương quốc Người ở đâu?
Trong suốt cuộc đời của Người, Chúa Giêsu chưa hề một lần ngồi trên ngai vàng. Người không hề làm vua một quốc gia hay một mảnh đất nào, dù là như một ông vua lưu vong. Có một lần đám đông dân chúng phấn khởi vì Người đã làm phép lạ cho họ ăn uống no nê, đã muốn tôn Người làm vua nhưng Người đã trốn khỏi họ.
Cũng có lần người ta gọi Người là vua dân Do Thái nhưng là để nhạo báng Người. Lúc đó Người chỉ là một tên tử tội. Bọn quân lính đặt Người ngồi lên ghế, khoác cho Người chiếc cẩm bào là tấm áo choàng đỏ, đặt lên đầu Người một vòng gai như vương miện và bắt cầm cây sậy làm phủ việt, rồi họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (x. Mt 27, 27-29)
Trước lời vặn hỏi của quan tổng trấn Philatô, Đức Giêsu đã nhận mình là vua, nhưng để tránh mọi ngộ nhận, Người tuyên bố:
“Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. ” (Ga 18, 36).
Nhưng trong sách Tin Mừng của thánh Matthêu và thánh Maccô, tước hiệu “vua dân Do Thái” chính là một lý do người ta trưng ra để kết án Chúa Giêsu.
Cuộc đời trần thế của Đức Giêsu đã chấm dứt trên thập giá. Bài Tin Mừng Lc 23, 35-43 trong ngày lễ năm C giới thiệu Chúa Kitô Vua của chúng ta đang bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp.
Các đối thủ của Người muốn nói gì qua cách hành xử này thì đã quá rõ. “Hắn ta xưng mình là vua, nhưng vua cái nỗi gì, chỉ là một tên bịp bợm không hơn không kém, chỉ đáng chết như một tên gian phi mà thôi. “
Chọn đoạn Tin Mừng này mà đọc trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, thật cũng lạ thường. Nhưng chính cái lạ thường đó lại giúp ta hiểu đúng, hiểu rõ hơn Chúa Giêsu làm vua như thế nào và Nước của Người là gì?
Trên thập giá, chính Chúa đã phong thánh cho một trong hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Người. Anh ta đã làm gì mà được phong thánh mau lẹ vậy? Anh thật lòng nhận mình đã lầm đường lạc lối và nhìn nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa, là Chúa cứu chuộc. Anh tin vào ơn cứu rỗi do Người mang đến. Anh phó mình cho Đức Kitô Vua Tình Thương: “Lạy Ngài, khi vào Nước Ngài, xin nhớ đến tôi!” Và Đức Giêsu đã nhận lời cầu xin của anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. ” Làm thánh đơn giản thật! Tên cướp sám hối đã tuyên xưng Đức Giêsu có một Nước, một Vương Quốc. Đức Giêsu xác nhận điều đó là đúng và tuyên bố Người có quyền đưa anh ta vào vương quốc của mình.
Vậy Vương Quốc của Chúa Giêsu là vương quốc tình yêu, quyền hành của Người cũng là quyền hành của tình yêu, dùng để cứu độ con người.
Làm vua tình yêu như thế, tất nhiên Chúa Giêsu đã không ngồi trên ngai vàng, đã không có dinh thự lâu đài, không có ngân hàng hay kho báu, không có quân đội chinh nam dẹp bắc…, Người không tìm kiếm thế lực, không thống trị ai, cũng như không có tôi tớ ra vào phục dịch… nhưng trái lại đã hạ mình làm tôi tớ phục vụ mọi người và hy sinh tính mạng vì hạnh phúc nọi người.
Chúa Giêsu làm vua và thống trị bằng một cuộc đời hy sinh từ bỏ, và bằng cái chết đẫm máu trên thập giá. Chính từ cái chết đó đã phát sinh sự sống. Người đã thực hiện điều Người không ngừng dạy bảo:
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Và Người cũng đòi hỏi các môn đệ mình:
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả thực, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt16, 25)
Phục sinh sẽ là tột đỉnh cuộc đời Chúa Giêsu và là sự thành tựu của công trình cứu thế Người thực hiện. Tuy nhiên đường dẫn tới phục sinh không phải là một đại lộ thênh thang mà là con đường thập giá cam go. Người tiến tới vinh quang theo con đường tự hiến, liều mấy mạng sống mình vì tình yêu. Phục sinh là cùng đích, còn thập giá là con đường dẫn tới đích. Nhưng linh hồn của thập giá là tình yêu. Thiếu tình yêu, thập giá (tức là đau khổ, hy sinh và cái chết) sẽ trở nên không những là nặng nề mà còn vô nghĩavà vô lý.
Chúa Giêsu đã thiết lập vương quốc của mình bằng một cái chết-vì-tình-yêu. Sống chính là chết vì tình yêu, và thống trị là hạ mình phục vụ cho đến chết vì sự sống của kẻ khác.
Phải chăng lý tưởng sống đó hoàn toàn đi ngược với nền văn minh hiện đại?Kính chuyển:Hồng