2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CAM NGHIỆM SỐNG LC - TGM SAIGON - THỨ SÁU

  • TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48)

    Tin mừng: Lc 19,45-48

    45Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

    47Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Tâm hồn là Đền Thờ Thiên Chúa ngự, nên phải giữ gìn thật trong sáng, không bị hoen ố bởi dục vọng xấu xa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ Giêrusalem và chứng kiến cảnh hỗn độn buôn bán ồn ào. Chúa đã không để nhà Chúa biến thành sào huyệt của bọn cướp, là các tay buôn và giới lãnh đạo đương thời. Chúa quả quyết: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện”, và Chúa đuổi tất cả những kẻ buôn bán khỏi đền thờ. Việc Chúa làm cho con hiểu rằng những gì dành cho Thiên Chúa phải xứng đáng với Thiên Chúa.

    Hôm nay, Chúa đến với tâm hồn con như một ngôi đền thánh trọn vẹn đầy vẻ tôn nghiêm và thánh thiện. Con hiểu đó là điều Chúa mong muốn và chờ đợi. Nhưng lạy Chúa, con đã làm được gì trước lòng mong đợi của Chúa ? Xin ban cho con lòng yêu mến tôn thờ để con dành phần tốt nhất trong cõi lòng dâng lên Chúa. Chúa biết con hơn chính bản thân con, nhưng xin Chúa nhân từ thứ tha khi con muốn mà không làm được. Xin giúp con sửa lại cõi lòng khi con cầu nguyện tôn vinh Chúa. Xin đừng để con tính toán cầu lợi và mặc cả với Chúa trong những lời cầu xin. Và xin hâm nóng tấm linh hồn bé bỏng những khi con nguội lạnh, chán chường. Ước mong tâm hồn con được sống động và dạt dào tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

    Lạy Chúa, mỗi ngày giờ, từng phút giây đang có biết bao tâm hồn vươn cao hướng về Chúa. Con hợp lời xin chúc tụng Chúa. Nhưng cũng có bao kẻ thờ ơ, lãnh đạm hoặc bôi bác, lợi dụng với lời cầu xin. Xin Chúa thanh luyện để chúng con giữ được đền thánh phúc vinh trong tâm hồn. Con xin dâng tâm hồn con trong tay Chúa, xin thánh hoá con. Amen.

    Ghi nhớ: “Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NGẮN GỌN - MƠ NGUYỄN

  •  
    Mo Nguyen

     

    LAST SUNDAY IN ORDINARY TIME

    OUR LORD JESUS CHRIST, KING OF THE UNIVERSE – YEAR C

    A REFLECTION (Luke 23: 35-43)

    BEARING WITNESS TO THE TRUTH. With a wooden cross for a throne, at a place where thieves were crucified, the king of the Jews meted out a judgement to a common thief: ‘this day you will be with me in paradise’. This king can still be found among the criminals and outcasts of our society, in the worst parts of our cities and towns. Worshipping him in the least of our brothers and sisters, we too will experience his compassionate judgement.

     

                                     Jesus Is King (Lyric Video) - Selah [Official Video]:

     Jesus Is King (Lyric Video) - Selah [Official Video] - Bing video

                                       VMP VMC - Giêsu Vua:

                                                                   (620) VMP VMC - Giêsu Vua - YouTube

     

     

     

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ NĂM

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44)

    Tin mừng: Lc 19, 41-44

    41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.

    43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu tiên báo về về thành Gê-ru-sa-lem bị tàn phá. Đó là cuộc phán xét lịch sử nhưng cũng là báo trước cuộc phán xét cánh chung. Chúng ta hãy tỉnh thức để biết nhận ra “giờ được Thiên Chúa viếng thăm” hầu được bình an nơi Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong khi nguời Do-thái rất tự hào về sự nguy nga, tráng lệ, kiêu hùng của thành Giê-ru-sa-lem, thì Chúa lại nói đến một ngày mà công trình ấy sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Cũng vậy, con thường chỉ đánh giá sự việc và con người dựa trên những dấu hiệu bề ngoài. Đôi khi những dấu hiệu bên ngoài ấy làm con mù quáng, nên đánh giá lầm những điều kín ẩn bên trong.

    Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, người Do-thái khát khao, mong chờ một Đấng cứu tinh, nhưng khi Chúa đến giữa họ thì họ lại không chịu đón nhận. Họ đã không nhận ra Chúa, không phải vì Chúa không tỏ ra cho họ, mà là vì Chúa không đến theo kiểu họ ước mong. Và như thế, Chúa phải xót xa vì sự hững hờ của họ.

    Phần con cũng không thiếu những lúc con chỉ nhìn thấy những điều trước mắt. Con quá vui khi thành công và con cũng quá buồn trước thất bại. Con đã không biết nhìn ra những sứ điệp thiêng liêng mà Chúa gởi đến cho con qua những thành công hay thất bại đó. Xin Chúa thương xót và thứ tha cho con. Xin Chúa dạy con biết sống trọn giây phút hiện tại, luôn rút ra được những ích lợi từ mọi biến cố vui buồn trong đời. Và xin cho con luôn hiểu rằng: không bao giờ là quá trễ đối với Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết làm lại cuộc sống của mình để sẵn sàng đón chờ giờ con được Thiên Chúa viếng thăm. Amen.

    Ghi nhớ: “Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NÉN BẠC SINH LỜI - THỨ TƯ

  •  
    Chi Tran- LEYEN

     

    Nén bạc sinh lời.

    16/11 – Thứ Tư tuần 33 thường niên.

    "Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng".

     Lời Chúa: Lc 19, 11-28

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát.

    Vậy Người phán rằng: "Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: "Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về". Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: "Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi". Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu. "Người thứ nhất đến và thưa: "Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén". Nhà vua bảo: "Ðược, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành". Người thứ hai đến thưa: "Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén". Nhà vua đáp: "Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành". "Người thứ ba đến thưa: "Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo". Vua phán rằng: "Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời".

    "Vua liền bảo những người đứng đó rằng: "Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén". Họ tâu rằng: "Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi". Vua đáp: "Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta". Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.

     Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

    Suy niệm 1: Làm ăn sinh lợi

    (Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

    Khi Đức Giêsu đến gần Giêrusalem,

    nhiều người nghĩ rằng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện rồi.

    Họ cho rằng khi Ngài tiến vào thành thánh lẫm liệt như một vị vua,

    Nước ấy sẽ bừng tỏa trọn vẹn trên đoàn dân của Thiên Chúa (c. 11).

    Thật ra Nước Thiên Chúa không đến nhanh như họ nghĩ.

    Đức Giêsu còn phải chịu đau khổ, chết, rồi được phục sinh.

    Sau đó Giáo Hội còn phải chờ một thời gian dài

    trước khi Nước Thiên Chúa đến cách viên mãn qua việc Ngài trở lại.

    Thời gian của Giáo Hội là thời gian đợi chờ,

    thời gian lo làm ăn sinh lợi với những gì Chúa tặng ban.

    Đó chính là ý nghĩa của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay.

    Một nhà quý tộc kia đi xa để lãnh nhận vương quyền.

    Trước khi đi ông gọi mười người đầy tớ lại,

    và trao cho họ mỗi người một số tiền không lớn lắm, là một đồng mina.

    Ông ra lệnh: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (c. 13).

    Khi nhà quý tộc trở về trong tư cách là vua,

    ông truyền gọi các đầy tớ lại để họ báo cáo về công việc làm ăn.

    Hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lợi không ít.

    Một người được lời thêm mười đồng, người kia được thêm năm đồng.

    Cả hai được vua ban thưởng rất trọng hậu, cho cai trị các thành phố.

    Còn người thứ ba trả lại cho nhà vua đồng mina anh đã nhận.

    “Thưa Ngài, đồng mina của Ngài đây, tôi đã giữ kỹ nó trong khăn.”

    Tất cả tội của người đầy tớ này nằm ở thái độ giữ kỹ.

    Giữ kỹ thì chẳng mất gì, vẫn còn nguyên vẹn.

    Nhưng giữ kỹ lại không thể làm cho đồng tiền sinh lời.

    Hơn nữa, giữ kỹ là không vâng lời ông chủ trước khi đi: “Hãy lo làm ăn!”

    Người đầy tớ sợ ông chủ, vì ông là người nghiêm khắc (c. 21).

    Chính vì sợ làm ăn thua lỗ, sợ bị ông chủ trừng phạt

    mà anh chọn thái độ chắc ăn là giữ kỹ đồng vốn trong khăn.

    Thái độ này không được ông chủ, nay trở thành nhà vua, chấp nhận.

    “Tại sao anh không gửi tiền của tôi vào ngân hàng,

    để khi trở về, tôi mới rút được cả vốn lẫn lời chứ?” (c. 23).

    Ý của chủ là đồng tiền cần phải được đầu tư để sinh lời.

    Nỗi sợ đã làm cho anh đầy tớ mất đi sự liều lĩnh cần thiết.

    Bài Tin Mừng nhắc các Kitô hữu một điều cần.

    Giữ kỹ, giữ nguyên những gì Chúa ban vẫn chỉ là một thái độ tiêu cực.

    Kitô hữu là người tích cực sử dụng đồng vốn nhận được để sinh lời.

    Ra khỏi thái độ rụt rè, sợ hãi, để dám nghĩ, dám làm việc lớn cho Chúa,

    đó mới là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu có trách nhiệm.

    Nếu không liều lĩnh trong những dự tính và hành động,

    nhiều nén bạc Chúa ban sẽ bị bỏ quên mãi trong khăn.

    Ông chủ trong dụ ngôn thật ra không phải là người ham lời.

    Ông chỉ muốn các đầy tớ trung tín trong việc rất nhỏ (c. 17).

     

    Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu,

    xin cho con dám hành động

    theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

    Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

    vì xác tín rằng

    Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

    Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

    và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

    Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

    xin cho con dám liều theo Chúa

    mà không tính toán thiệt hơn,

    anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

    can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

    và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

    Ước gì khi dâng lên Chúa

    những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

    con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

    của người một lòng theo Chúa. Amen

     Suy niệm 2: Vinh quang, danh dự và uy quyền

    (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

    Để trả lời cho câu hỏi hiện tại về Nước Thiên Chúa, trong bối cảnh Người lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su dùng một sự kiện lịch sử. Đó là việc kế vị Hê-rô-đê Cả gây nhiều tranh cãi. Để nói lên nguyên lý nền tảng của con người trong Nước Thiên Chúa. Nguyên lý nền tảng đó là: bản thân con người và mọi sự họ có đều là của Chúa. Vì thế phải làm việc cho Chúa. Chúa sẽ đi xa một thời gian. Đó là thời gian con người sống ở đời. Rồi sau khi được phong vương Chúa sẽ trở lại. Đó là sau khi chết, phục sinh, Chúa được tôn vinh. Ngày Chúa trở lại là ngày con người chấm dứt thời gian ở trần gian. Phải tính sổ với Chúa. Để được thưởng hay bị phạt. Tuy làm việc cho Chúa. Nhưng phần thưởng cho con người rất trọng hậu. Không gì có thể so sánh được. Người bị phạt vì muốn tự do chối từ quyền của Chúa. Tưởng mình có quyền tự do sống cho riêng mình. Nhưng không phải vậy. Tách mình ra khỏi Chúa, con người chỉ chuốc án phạt vào thân.

    Bà mẹ trong sách Ma-ca-bê thấu hiểu điều đó. Nên bà khuyên nhủ các con rất chí lý: Mọi sự đều là của Chúa. Ta phải dâng lại cho Chúa tất cả. Rồi Người sẽ thưởng công trọng hậu cho những ai sống vì Người và chết vì Người. “Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (năm lẻ).

    Quả thực, đến ngày tận cùng của thế giới này, vương quốc của Thiên Chúa vẫn tồn tại. Trong đó mọi người đều được hưởng phúc lành. Được ca tụng tôn vinh Chúa muôn đời. ““Hai mươi bốn vị kỳ mục phủ phục xuống trước mặt Đấng ngự trên ngài mà thờ lạy Người, Đấng hằng sống đên muôn thuở muôn đời, rồi đặt triều thiên của mình xuống trước ngai mà nói: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền. Vì Ngài đã dựng nên muôn vật’ “(năm chẵn).

    Mọi sự khởi đầu từ Chúa. Mọi sự phải phụng sự Chúa. Mọi sự phải quy về Chúa. Rồi Chúa sẽ thưởng công bội hậu. Chúa ban thưởng chính hồng ân của Chúa. Đó là nguyên lý nền tảng. Đó là ý nghĩa cuộc đời. Đó là hạnh phúc đời đời của ta.

    Suy niệm 3: Tỉnh thức chờ Chúa

    Cộng đoàn tín hữu Thessalonica sống trong niềm thao thức việc Chúa sắp trở lại đến độ một số người trong họ không còn muốn dấn thân làm việc nữa. Thái độ lệch lạc này không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu là sống tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Cần phải có thái độ tỉnh thức được thể hiện bằng những việc làm tốt, chứ không phải một thái độ canh chừng thụ động. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Thessalonica: "Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa cho anh em được sống xứng đáng với ơn gọi, xin Ngài dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin... Còn về ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào" (2Tx 1,11; 2,1-2)

    Ðó là những lời khuyên cụ thể của thánh Phaolô cho tín hữu Thessalonica đang mong chờ lần trở lại của Chúa Giêsu, và những lời đó diễn đạt những lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: "Hãy làm lợi thêm những nén bạc được giao phó, chứ đừng đem chôn dấu nó".

    Dụ ngôn nén bạc mời gọi mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm với tư cách là người có niềm tin. Ðức tin không là nén bạc để được cất giữ, nhưng phải được đầu tư để phát triển, sinh lợi. "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết". Nếu chúng ta chỉ đóng khung cuộc sống đạo trong bốn bức tường nhà thờ, nếu chúng ta chỉ giản lược đức tin vào những biểu dương bên ngoài, nếu đức tin chỉ là một mớ những giáo điều phải tin, những điều răn phải giữ, thì quả thực chúng ta đang chôn chặt đức tin như gia nhân đã chôn nén bạc mà chủ đã trao: chúng ta có giữ đạo, nhưng chưa thực sự sống đạo.

    Cuộc đầu tư nào cũng bao hàm những bất tất, rủi ro; một đức tin sống động cũng hàm chứa nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng chúng ta tin rằng chính lúc chúng ta mất mát là lúc chúng ta được lợi lộc, chính lúc chúng ta quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi được vui sống. Ðó phải là bài trường ca trong cuộc sống của chúng ta.

    Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin chúng ta đã lãnh nhận. Xin Chúa ban thêm can đảm, để đức tin của chúng ta thực sự được đầu tư trong từng giây phút của cuộc sống, để đáng được phần thưởng Chúa ban trong ngày Ngài trở lại vinh quang.

    (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

    Suy niệm 4: Những nén bạc

    Cộng đoàn tín hữu Thexalonica sống trong niềm thao thức Chúa sắp trở lại đến độ một số người trong họ không còn muốn dấn thân làm việc bổn phận nữa. Thái độ lệch lạc này không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu về thái độ sống tỉnh thức canh chừng chờ ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Cần có một thái độ thức tỉnh canh chừng tích cực được thể hiện trong các việc làm tốt, chứ không phải một thái độ canh chừng thụ động khoanh tay ngồi yên chờ đợi. Thánh Phaolô đã trách thái độ sống lệch lạc của một số tín hữu Thexalonica trong khi chờ đợi ngày Chúa đến với những lời như sau:

    "Chúng tôi hằng cầu xin Chúa cho anh chị em được sống xứng đáng với ơn kêu gọi của anh chị em, được thực hiện đầy đủ mọi quyết định tốt lành và được can đảm hoạt động theo đức tin. Thưa anh chị em, về việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tái hiện thì tôi xin anh chị em đừng vội bối rối, đừng quá lo sợ vì một vài lời tiên tri giả mạo hay vì một câu, một bức thư, tự xưng là của chúng tôi, mà cho là ngày của Chúa đã gần tới. Vậy, thưa anh chị em, anh chị em hãy vững tâm, hãy giữ các điều anh chị em đã học biết bởi lời giảng dạy hay bởi thư từ của chúng tôi. Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và nguyện xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, nâng đỡ tâm hồn anh chị em, để anh chị em quyết chí làm mọi việc và nói mọi lời cách hoàn hảo. Thưa anh chị em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chúng tôi khuyên anh chị em hãy lánh xa những tín hữu lười biếng và không tuân giữ các điều mà anh chị em đã học biết bởi chúng tôi".

    Ðó là những lời khuyên cụ thể của thánh Phaolô tông đồ cho cộng đoàn tín hữu Thexalonica nơi thư thứ hai Thexalonica chương 1. Cộng đoàn tín hữu này đang mong chờ Chúa ngự đến lần thứ hai. Những lời đó diễn đạt một cách cụ thể lời dạy của Chúa Giêsu hãy làm lợi thêm những nén bạc Chúa ban cho, chứ đừng làm biếng chôn giấu nó như được trình bày trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay.

    Nội dung giáo lý Chúa Giêsu muốn dạy các đồ đệ của Ngài qua bài dụ ngôn trên khá rõ. Cần phải làm lợi nén bạc Chúa ban cho trong khi chờ đợi ngày Chúa ngự đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Và dù có làm lợi thêm những điều tốt đẹp mới, người đồ đệ của Chúa không nên vì đó mà tự kiêu. Chúng ta tất cả chỉ là những đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa mà thôi. Tất cả những gì chúng ta có đều đến từ lòng quảng đại của Ngài và Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài như những người con hiếu thảo.

    Lạy Chúa,

    Chúng con cảm tạ Chúa vì đã tin tưởng vào chúng con, trao ban cho chúng con những nén bạc để làm lợi thêm. Xin Chúa thương mở mắt chúng con cho chúng con nhìn thấy những thiếu sót, những sự tầm thường của mình để canh tân và dấn thân lại trên con đường phục vụ Chúa và anh chị em chung quanh.

    (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

    Suy niệm 5: Nén bạc sinh lời

    Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười yến bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc. 19, 12-13)

    Trước khi long trọng vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu lưu ý các môn đệ về thời kỳ đăng quang cuối cùng. Tiếp đến thời kỳ Giáo hội được trao phó cho các ông để chịu thử thách.

    Một lần nữa, Đức Giêsu kể một sự kiện nổi tiếng được mọi người đã biết, nó xảy ra hai năm sau ngày Người sinh ra: Đó là hành trình của quận vương A-kê-lau tới thăm Rô-ma để được chuẩn y thăng chức làm vua xứ Giu-đa. Một phái đoàn năm mươi người Do thái phản đối sự phong vương này. Và khi A-kê-lau trở về đã trả thù những người Do thái chống đối. Lần này, chính Đức Giêsu đến đương đầu với sự chống đối của người Do thái, họ không muốn nhận vương quyền của Người.

    Trong khi vắng mặt, Đức Giêsu đã trao sự nghiệp của Người cho các đầy tớ, cho Giáo hội của Người. Sản nghiệp Người trao cho các ông, chỉ là một vật rất nhỏ. Các ông phải làm cho sinh lời. Các đầy tớ của Đức Giêsu đều phải được thử thách như thế để chứng tỏ lòng trung thành và sự kiên trì trong suốt thời gian bấp bênh. Các ông có là những quản lý trung tín và khôn ngoan rao giảng Lời Thiên Chúa không?

    Khi Đức Giêsu trở về, Người kêu tính sổ, những đầy tớ không nói tới việc họ đã làm, nhưng nói về sản nghiệp được trao cho họ làm sinh lời, vì lời Người đã được rao giảng và vẫn sống động. Lời Người đã sinh hoa kết quả tùy theo sự cảm nhận và khôn khéo của các đầy tớ. Lòng trung tín trong các việc nhỏ được ghi công và được lãnh phần Nước Trời.

    Kẻ lười biếng mất hết quyền lợi

    Kẻ chỉ tìm yên thân, không làm gì. Nó chê trách chủ thu nơi không phát nên nó đem đi chôn, những người biệt phái cũng thế, họ canh giữ lề luật bắt người ta kính trọng lề luật để bảo vệ luật lệ được nguyên vẹn, làm cho lề luật khô héo ứ đọng, chết cứng, nên họ bị tước mất cả cái họ có. Sự mong đợi ngày quang lâm của Chúa kêu gọi hành động, chứ không phải bất động chờ đợi, ngập lòng sợ hãi.

    Hình phạt của vua chống lại kẻ thù cho thấy sự khủng khiếp trong ngày phán xét chống lại sự nổi loạn của Ít-ra-en và chắc hẳn nhắm tới cảnh thiêu hủy của thành Giê-ru-sa-lem mà Đức Giêsu đã loan báo nhiều lần trước khi Người chết. Nhưng hình phạt cũng áp dụng cho những người từ chối đón nhận nước Chúa. Họ tự kết án mình phải hư mất.

    RC

    Suy niệm 6: Hãy đầu tư cho tương lai

    Xem CN 23 TN C

    Cuộc sống của con người luôn phải đối diện với thực trạng: cơm, áo, gạo, tiền... Đây là những thứ cần thiết căn bản trong đời. Muốn có cuộc sống ổn định, người ta thường phải kiếm kế để sinh nhai. Có những người không có tiền thì đi làm công, người có tiền thì đầu tư cách này hay cách khác để kiếm lời...

    Vào thời Đức Giêsu, người ta cũng xử dụng đồng tiền để sinh lời, nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản trong đời sống thường nhật.

    Vì thế, Đức Giêsu đã mượn hành động này để nói đến một cuộc đầu tư khác, đó là cuộc đầu tư đức tin, đầu tư vì Nước Trời...

    Câu chuyện được khởi đi từ việc một người quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền. Thế nên, ông đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn để đầu tư. Khi trao như thế, ông chủ rất tin tưởng đầy tớ của mình, và lẽ tất nhiên, người đầy tớ không được nhận rồi sau đó đem cất giấu...

    Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta nhớ đến món quà cao quý và vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đây là gia tài hay còn gọi là vốn liếng thiêng liêng trong đời sống đức tin của chúng ta. Hồng ân đó, Thiên Chúa hẳn không hề muốn chúng ta giữ lấy cho riêng mình, nhưng được lan tỏa cho mọi người qua hình ảnh trao ngọn nến cháy sáng và mời gọi phải chiếu tỏa cho anh chị em chung quanh.

    Như vậy, lãnh nhận ơn Chúa là hồng ân, nhưng hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm. Nói cách khác, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vì thế, Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, đầu tư tích lũy những nghĩa cử yêu thương, tấm lòng bao dung, nhân từ, đại lượng..., có thế, ánh sáng ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mới được chiếu tỏa, nếu không, chẳng khác gì đèn sáng nhưng lại đặt dưới gầm giường hay trong thùng.

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng đức tin chúng con luôn được chiếu tỏa trên cuộc đời chúng con và cho cả những người chung quanh nữa. Ngõ hầu mọi người nhận biết Chúa và tin thờ Chúa. Amen.

    Ngọc Biển SSP

    Suy niệm 7: Dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa

    (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Mỗi người phải biết dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa. Người nào lười biếng ích kỷ sẽ bị xét xử.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, là người Kitô hữu, có nghĩa là con sống cho Chúa, con thuộc về Chúa. Mỗi người chúng con đều được Chúa trao cho một số vốn liếng, một số khả năng để làm lợi cho Chúa. Xin cho con nhận ra rằng những khả năng Chúa ban cho con, là để phục vụ Chúa, là để sinh lợi cho Chúa. Con không ngại những khả năng của con là nhỏ bé, là tầm thường, mà chỉ sợ rằng không biết dùng hết khả năng của con để sống cho Chúa.

    Chúa muốn dạy con rằng, cuộc sống của con chỉ có ý nghĩa khi sống cho Chúa, khi con biết miệt mài phục vụ công cuộc của Chúa. Xưa nay con còn sống cho cái tôi ích kỷ của mình, con còn quy những lợi lộc về cho con. Con đã sai lầm vì đã hướng cuộc sống về mình thay vì hướng về Chúa và tha nhân. Bởi đó con đã lười biếng, không muốn dấn thân, không muốn phục vụ. Con đã để cho những khả năng Chúa ban trở nên hao mòn uổng phí.

    Xin Chúa giúp con thay đổi đời sống. Con biết rằng sống cho Chúa sẽ không bao giờ bị thua thiệt. Chúa hứa ban phần thưởng dồi dào sau này cho những ai tận tâm sống cho Chúa.

    Không phải vì phần thưởng lớn lao Chúa hứa mà con sống cho Chúa, bởi vì như thế con vẫn còn sống cho riêng mình, cho tư lợi ích kỷ. Xin Chúa cho con biết sống vì yêu mến Chúa, vì Chúa là sự sống đời con. Amen.

    Ghi nhớ: “Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng”.

    Suy niệm 8: Quản lý ân huệ và tài năng của Chúa ban

    (Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

    Câu chuyện

    Để diễn tả nỗ lực của mỗi người qua phần thưởng Chúa sẽ ban, thánh Têrêsa Hài Đồng đã dùng một hình ảnh hết sức đơn sơ để so sánh về phần thưởng nước Trời với sự cố gắng của con người như sau: Nếu ta đặt trên bàn một số những chiếc ly lớn nhỏ khác nhau rồi đổ đầy nước vào từng ly ấy, chúng ta sẽ nhận thấy rằng tất cả mọi ly đều đầy nước, có nghĩa là không ly nào có thể chứa thêm được nữa. Nhưng không phải là không có sự khác nhau vì những ly lớn sẽ chứa được nhiều nước hơn những ly nhỏ.

    Suy niệm

    Trong Tin Mừng hôm nay có thể hiểu rộng ra là tất cả mọi người đều được trao những nén bạc, đều tận tâm tận lực làm cho sinh lời. Có người mặc cảm với số vốn ít ỏi, nên không tận lực làm lời, hình ảnh đó phác họa mặc cảm tự ti của con người. Tâm lý học có nói mặc cảm là một thứ bệnh khó trị. Nó sinh ra nhiều biến chứng tệ hại. Người mang mặc cảm luôn tự cho mình thua kém người khác, tự ti về khả năng, nên họ muốn buông xuôi chôn vùi cuộc đời mình trong sự thất vọng. Mặc cảm làm mình thu lại trong “vỏ ốc tự ti”...

    Hãy chui ra khỏi vỏ ốc của sự tự ti, phá bỏ bức tường mặc cảm yếu kém hơn người để tiến vào cuộc sống trong an vui và trách nhiệm. Chúng ta hãy tùy theo khả năng sống mà phục vụ hết mình, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (...) chứ đừng so sánh với người khác” (Gl 6,4). Làm việc tận khả, Ngài nhấn mạnh giá trị của thời giờ, con người phải biết trân trọng, vì đó là thời gian Chúa ban. Ngài kêu gọi đừng ngủ mê, nhưng phải luôn làm việc (x. 1Tx 5,1-6).

    Thiên Chúa luôn mời gọi sự cố gắng của con người, dù đó là việc bình thường nhưng tận lực trong phi thường, con người sẽ làm nên những kỳ tích cho cuộc đời mình và cho xã hội. William Barclay đã viết: “Thiên Chúa không muốn những con người phi thường làm những việc phi thường, nhưng Ngài rất muốn những con người bình thường làm những việc bình thường một cách phi thường”.

    Thật thế, trong ngày phán xét chung. Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi người, mỗi hành vi tùy theo ân huệ Người ban và người đó đã sử dụng sinh lợi cho Chúa như thế nào trong cuộc đời. Mỗi chúng ta cũng đều là một người quản lý ân huệ và tài năng của Chúa ban. Chúng ta có bổn phận phải khiêm tốn nỗ lực làm lời cho Chúa để phục vụ Chúa và anh em đồng loại.

    Ý lực sống

    “Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có…” (Lc 19,26).

    Suy niệm 9: Dụ ngôn những yến bạc

    (Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

    Trong dụ ngôn mười yến bạc, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người sử dụng những nén bạc đó như thế nào. Bởi thế, Người đã lãnh 5 nén và người đã lãnh 2 nén mà sử dụng tốt đề được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”. Cách sử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lợi. Làm cho chúng sinh lợi không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình, nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

    Dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài phải làm lợi những nén bạc Chúa ban cho trong khi chờ đợi ngày Chúa ngự đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Và dù có làm lợi thêm những điều tốt đẹp mới, người môn đệ của Chúa không nên vì đó mà tự kiêu. Chúng ta tất cả chỉ là những đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa mà thôi. Tất cả những gì chúng ta có đều đến từ lòng quảng đại của Ngài và Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài như những người con hiếu thảo.

    Dụ ngôn cho thấy có 10 người đầy tớ được ông chủ trao vốn cho như nhau, mỗi người một nén bạc, nhưng chỉ có 3 người được nhắc tới. Người thứ nhất, dù cũng lãnh một nén bạc như bất cứ ai, nhưng đã cố gắng cật lực, làm lợi từ một nén thành 10 nén, và được ông chủ thưởng cho coi 10 thành phố. Người thứ hai, từ một nén sinh lời được 5 nén, và được thưởng coi 5 thành phố khác. Còn người thứ ba, gói kỹ nén bạc đã nhận và đem cất giấu số vốn vẫn còn đó, không sinh lợi gì, anh lại còn cả gan lên án ông chủ là khắc nghiệt “đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Kết quả, anh bị thu lại số vốn và bị nghiêm phạt nặng nề (Lm. Phạm Văn Phượng).

    Dụ ngôn cũng dạy chúng ta phải biết đầu tư vào Nước trời. Vào thời Đức Giêsu, dân chúng có lẽ cũng có một khái niệm về đầu tư. Chính vì thế, để nói về những thực tại của Nước trời, Ngài đã mượn câu chuyện một người quý tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền, đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn đầu tư để sinh lợi.

    Hình ảnh số vốn được ông chủ ký thác cho các đầy tớ để đầu tư gợi lên cho chúng ta chính đức tin, mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Ơn đức tin là hồng ân quý giá nhất mà Giáo hội ký thác cho mỗi Kitô hữu. Giáo hội đã muốn nói lên tính cách vốn liếng ấy khi trao cho người chịu phép rửa tội ngọn nến, và nhắn nhủ người ấy phải giữ gìn ngọn nến ấy được mãi mãi cháy sáng.

    Tuy nhiên, cuộc đầu tư có thể gặp rủi ro. Như chúng ta biết, vốn liếng được trao ban là để đầu tư, mà nói đến đầu tư là nói đến bấp bênh nguy hiểm và rủi ro. Không ai có thể tiên liệu được hoàn toàn những gì sẽ xảy ra khi bắt tay vào công việc đầu tư. Đây có thể là một trong những hình ảnh gợi lên cho chúng ta những gì có thể xảy ra trong cuộc hành trình đức tin. Cuộc sống đức tin vốn là cuộc hành trình đầy cam go, bất trắc, rủi ro. Một cuộc sống đức tin không dấn thân chẳng khác nào nén bạc được chôn vùi, có an toàn, nhưng chỉ là thứ an toàn giả hiệu. Nói như thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Mỗi ngày một tin vui).

    Ở thời nào, nơi nào cũng có hai hạng người: lười biếng và siêng năng. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, có người luôn lo tu tâm sửa tính, nhưng cũng có người ù lì hoang phí, sống buông thả theo bản năng, không làm lợi ích gì cho mình cho người. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về các nén bạc, để giúp các môn đệ biết cách sử dụng nén bạc cuộc đời mình. Mỗi người đều được Thiên Chúa trao cho những nén bạc cuộc đời. Điều quan trọng không phải là ta sinh lợi được nhiều hay ít, nhưng là cách thế ta sử dụng cuộc đời mình thế nào. Khi Chúa đến, chúng ta sẽ trình diện tất cả những gì mình cố gắng sinh lợi và đáng hưởng hạnh phúc bên Chúa (5 phút Lời Chúa).

    Truyện: Một niềm tin vững vàng

    Một người lo lắng chạy tới chạy lui kêu cứu. Một hành khách đi ngang qua phòng, thấy cậu thiếu niên con viên thuyền trưởng vẫn còn đang say ngủ, không biết gì. Người khách vội lay em dậy và cho biết tàu đang lâm nguy, sắp chìm, em phải lo tìm phao cấp cứu.

    Em bé dụi mắt hỏi lại ngay:

    - Thế ai đang lái tàu vậy hả bác?

    Người hành khách trả lời:

    - Cha của cháu.

    Nghe thấy thế, em lại tiếp tục nằm xuống, ngủ tiếp một cách bình thản. Người này lấy làm lạ hỏi:

    - Tại sao trong khi mọi người đang lo lắng, riêng cháu lại có thể bình an mà ngủ được chứ, cháu không sợ sao?

    Em hãnh diện trả lời:

    - Hễ cha cháu mà còn lái tàu, thì chắc chắn con tàu sẽ an toàn, cháu đã trải qua nhiều phen như thế này rồi, ba cháu dư sức để lo liệu, bác yên tâm đi.

    Lạy Chúa lòng tin của chúng con còn non yếu, xin thêm đức tin cho chúng con.

    Suy niệm 10: Sử dụng ơn ban của Thiên Chúa

    (Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

    A. Hạt giống...

    Trong đoạn này, một số chi tiết thánh Luca so sánh Chúa Giêsu với Vua Hêrôđê Akêlao (xin Rôma phong vương, nhưng dân do thái không thích, giết những người không muốn ông làm vua) với ngụ ý vua Giêsu trổi vượt Hêrôđê. Có lẽ ta không cần chú ý đến chúng.

    Đáng chú ý là dụ ngôn các yến bạc:

    - Các yến bạc tượng trưng cho những ơn ban của Chúa.

    - Mt 25,15 viết rằng ông chủ giao cho các đầy tớ người thì 5 yến, người thì 2, người thì 1 (ngụ ý Chúa ban ơn không đồng đều).

    Luca viết ông vua giao cho mỗi đầy tớ một yến bạc: Luca muốn lưu ý hai điều:

    a/ công việc Chúa giao cho con người rất là nhỏ so với phần thưởng Ngài ban cho ta;

    b/ Chúa không chú  ý tới số lượng ơn ban, mà chú ý tới cố gắng của mỗi người.

    - Khi khen thưởng, ông vua nói “Vì anh đã trung thành”. Đây là điều thứ ba Chúa lưu ý nơi mỗi người.

    Tóm lại, dụ ngôn nói về ơn ban của Thiên Chúa và cách xử dụng ơn ban đó:

    - Ai cũng nhận được ơn ban của Chúa.

    - Số lượng ơn ban ta đã nhận không quan trọng bằng cố gắng và lòng trung thành của ta khi xử dụng những ơn ban đó.

    - Kẻ trung thành và cố gắng xử dụng ơn ban sẽ được thưởng rất hậu.

    B.... nẩy mầm.

    1. Đừng nghĩ đơn giản rằng ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ và những điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người.

    Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng nói “Tất cả là hồng ân”. Như thế, ơn Chúa còn là:

    a/ thời giờ;

    b/ môi trường ta đang sống;

    c/ những người ta sống chung;

    d/ bệnh tật;

    e/ đau khổ v.v....

    2. Chúa Giêsu giảng dụ ngôn này liền sau chuyện ông Dakêu. Như thế Dakêu là gương mẫu cách xử dụng những nén bạc Chúa ban: ông đã xử dụng tốt tài sản của mình và đã tận dụng cơ hội Chúa Giêsu đi ngang qua nơi ông ở.

    3. “Ai đã có (có ơn Chúa và biết xử dụng tốt) sẽ được cho thêm. Ai không có (có ơn Chúa nhưng không xử dụng tốt thì cũng kể như không có) thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”. Tôi phải tự hỏi mình: Tôi đang “có” những gì? Tôi xử dụng chúng thế nào? Chúa sẽ “lấy đi” hay “cho thêm”?

    4. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng nhà bác học Steinmetz một hôm nọ vẫn được Đại tướng Electric mời đến để sửa chữa một cỗ máy của ông bị hỏng. Tất cả các kỹ sư của Đại tướng đều đã bó tay không sửa được. Steinmetz quan sát cỗ máy rất kỹ, sau đó rút trong túi ra một viên phấn, ghi một dấu thập ở một bộ phận cỗ máy rồi bảo các kỹ sư tháo máy ra để sửa chỗ đó. Mọi người đều hết sức ngạc nhiên khi thấy máy bị hư ở chính chỗ nhà bác học đã đánh dấu. Sau khi máy được sửa xong, Đại tướng gởi đến nhà bác học một ngân phiếu lớn. Nhưng Steinmetz chỉ nhận một đồng, kém theo bản chiết tính tiền công như sau: công đánh dấu chỗ máy hư 1 xu; công tìm chỗ hư để đánh dấu 99 xu! (Clifron Fadiman).

    5. “Hãy làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến” (Lc 19,13b)

    Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán rằng

    “Kẻ nào dìu dắt con trẻ trong đường khôn ngoan đích thực

    thì đời đời sẽ được sáng láng như sao trên trời”.

    Để khuyến khích con chu toàn bổn phận hơn,

    Chúa lại phán “Ai làm ơn lành cho chúng là làm ơn lành cho chính Ta”.

    Điều này khiến con phải nhìn lại trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giáo dục.

    Lạy Chúa, xin giúp con

    biết sống nghiêm nghị mà không nghiêm khắc

    biết sống nhu mì mà không nhu nhược

    biết sống khoan dung mà không dung túng

    để nhờ đó con trẻ được thêm ngoan, thêm vui mà khai lòng mở trí ra

    Sau hết, xin Chúa ban cho con:

    khi đang truyền đạt trí thức trần gian cho chúng,

    thì cũng không quên đào luyện trí thức về Nước Trời vĩnh cửu,

    để ở đời này thầy trò chúng con trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

    Ước gì bao nhiêu học trò Chúa giao phó cho con,

    thì ở đời sau con sẽ được trao lại cho Ngài

    bấy nhiêu Đấng Thánh trên thiên đàng. Amen. (Thánh Anphongxô).

    Suy niệm 11: Sử dụng nén bạc Chúa ban

    (Lm Giuse Đinh Tất Quý)

    1. Đừng đơn giản nghĩ rằng, ơn Chúa ban chỉ là những tài năng, sức khoẻ và những điều kiện xem ra thuận lợi theo cái nhìn của con người. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nói “Tất cả là hồng ân”. Như thế, ơn Chúa còn là:

    a/ thời giờ;

    b/ môi trường ta đang sống;

    c/ những người ta sống chung;

    d/ bệnh tật;

    e/ đau khổ v.v....

    Chúa Giêsu giảng dụ ngôn này liền sau chuyện ông Giakêu. Khi làm thế, Chúa muốn cho ta hiểu: Giakêu là gương mẫu về cách sử dụng những nén bạc Chúa ban: ông đã sử dụng thật tốt, thật hiệu quả tài sản của ông theo ý Chúa.

    Cuộc sống của Thánh Antôn ẩn tu có nhiều giai thoại và đây là giai thoại lý thú về cuộc đời của ngài.

    Một hôm, thánh nhân nghe tin có một người thợ giầy tiến bộ hơn Ngài về đường nhân đức. Lòng khao khát muốn tiến triển trên đàng nhân đức đã thúc đẩy ngài quyết chí đi tìm cho được người thợ giầy kia, để học hỏi cách tu đức của người này.

    Sau những ngày vất vả tìm kiếm, ngài đã gặp được người thợ đó. Thoạt nhìn thấy công việc của người thợ giầy, thánh nhân hơi nản lòng, vì thấy sinh hoạt duy nhất của người này là đóng giầy. Nhưng để cho bõ công đi tìm kiếm, thánh nhân đã trao đổi với người thợ giầy kia về lối sống tu đức.

    Thánh nhân hỏi người thợ giầy về chương trình sống hằng ngày của ông ta. Người này cho biết, một ngày của ông được chia ra làm 3 phần:

    - 8 giờ cho công việc của người thợ giầy.

    - 8 giờ cho việc cầu nguyện.

    - 8 giờ cho việc ăn uống nghỉ ngơi.

    Sau khi nghe người thợ giầy nói, thánh nhân vẫn nản lòng vì chính ngài, ngài cũng đã dành không phải là 8 giờ cho việc cầu nguyện mà ngài đã dành hết cả ngày cho việc này.

    Tuy nhiên, thánh nhân vẫn kiên nhẫn với ý định phải tìm hiểu thêm. Thế là ngài hỏi người thợ giầy về cách sử dụng tiền bạc của ông ta. Người này cho biết: 1/3 dành cho ông, 1/3 dành cho Giáo Hội và 1/3 dành cho người nghèo.

    Sau khi được biết cách sử dụng tiền bạc của người thợ giầy, thánh nhân thấy rằng, người thợ giầy chưa thể hơn ngài được. Vì ngài dành không phải là 1/3 mà là dành tất cả của cải của ngài cho người nghèo cơ mà.

    Tra vấn mãi, cuối cùng, thánh nhân mới thấy người thợ giầy nói đến nỗi thống khổ của ông, đó là ông phải sống trong một thành phố sa đọa. Việc này đã làm cho ông mất ăn, mất ngủ. Ông cho biết nhiều lần ông đã xin Chúa sớm giam ông trong hỏa ngục, vì như thế còn hơn là bắt ông cứ phải sống mà luôn nhìn thấy bao nhiêu người trong thành phố này sống trong cảnh sa đọa, dẫn tới trầm luân.

    Nghe đến đây, thánh nhân mới chợt nhận ra rằng, đó là điều mà Ngài còn thua kém người thợ giầy. Ngài thấy rằng, ngài chưa có được sự thao thức về những nỗi khổ đau của những người xung quanh như người thợ giầy; trái lại, ngài lại đi tìm cho mình một cuộc sống an phận với nếp sống ẩn tu.

    Thì ra, sự thao thức về những nỗi thống khổ của người khác cũng là cách chúng ta sử dụng thời giờ Chúa ban như những yến bạc để sinh lời cho Chuá. Và đây cũng chính là mức hoàn thiện mà thánh Antôn cảm thấy mình còn thua người thợ giầy.

    2. “Hãy làm ăn sinh lợi cho đến khi tôi đến” (Lc 19,13b)

    Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc là vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”.

    Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.

    Đây là lời cầu nguyện của Thánh Anphongsô:

    Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán: “Ai dìu dắt con trẻ trong đường khôn ngoan đích thực thì đời đời sẽ được sáng láng như sao trên trời”.

    Lạy Chúa, xin giúp con

    biết sống nghiêm nghị mà không nghiêm khắc

    biết sống nhu mì mà không nhu nhược

    biết sống khoan dung mà không dung túng

    để nhờ đó con trẻ được thêm ngoan, thêm vui mà khai lòng mở trí ra

    Sau hết, xin Chúa ban cho con: khi đang truyền đạt trí thức trần gian cho chúng, thì cũng không quên đào luyện trí thức về Nước Trời vĩnh cửu, để ở đời này thầy trò chúng con trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

    Ước gì hôm nay bao nhiêu học trò Chúa giao phó cho con, thì mai sau con trao lại cho Ngài bấy nhiêu đấng thánh trên Thiên Đàng. Amen.

    gplongxuyen. 

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THƯ TƯ

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28)

    Tin mừng: Lc 19,11-28

    11 Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12 Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13 Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” 14 Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

    15 “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16 Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ 17 Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ 18 Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ 19 Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

    20 Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ 22 Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng ? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ 24 Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ 25 Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ 26 -‘Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.’

    27 “Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’“

    28 Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Mỗi người phải biết dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa. Người nào lười biếng ích kỷ sẽ bị xét xử.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, là người Kitô hữu, có nghĩa là con sống cho Chúa, con thuộc về Chúa. Mỗi người chúng con đều được Chúa trao cho một số vốn liếng, một số khả năng để làm lợi cho Chúa. Xin cho con nhận ra rằng những khả năng Chúa ban cho con, là để phục vụ Chúa, là để sinh lợi cho Chúa. Con không ngại những khả năng của con là nhỏ bé, là tầm thường, mà chỉ sợ rằng không biết dùng hết khả năng của con để sống cho Chúa.

    Chúa muốn dạy con rằng, cuộc sống của con chỉ có ý nghĩa khi sống cho Chúa, khi con biết miệt mài phục vụ công cuộc của Chúa. Xưa nay con còn sống cho cái tôi ích kỷ của mình, con còn quy những lợi lộc về cho con. Con đã sai lầm vì đã hướng cuộc sống về mình thay vì hướng về Chúa và tha nhân. Bởi đó con đã lười biếng, không muốn dấn thân, không muốn phục vụ. Con đã để cho những khả năng Chúa ban trở nên hao mòn uổng phí.

    Xin Chúa giúp con thay đổi đời sống. Con biết rằng sống cho Chúa sẽ không bao giờ bị thua thiệt. Chúa hứa ban phần thưởng dồi dào sau này cho những ai tận tâm sống cho Chúa.

    Không phải vì phần thưởng lớn lao Chúa hứa mà con sống cho Chúa, bởi vì như thế con vẫn còn sống cho riêng mình, cho tư lợi ích kỷ. Xin Chúa cho con biết sống vì yêu mến Chúa, vì Chúa là sự sống đời con. Amen.

    Ghi nhớ: “Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng”.
    Kính chuyển:
    Hồng