2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
    THỨ BA CN28TN-C
     

    NÉT THÁNH THIỆN CỦA LINH HỒN

    TIN MỪNG LUCA 11, 37-41

    “Bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Thật là ngốc!”. (CÂU 39-40)

    Trên một ngôi mộ vô danh, “Con không đủ khả năng chiến thắng, nếu điều đó có nghĩa là mất mát của người khác. Con không đủ khả năng bỏ lỡ vương miện bằng cách vấp ngã trước thập giá. Con không đủ khả năng chơi với lửa hoặc dụ rắn cắn. Con không đủ khả năng đánh mất ‘nét thánh thiện của linh hồn’ vì hơi thở thoáng qua của thế giới! Ngoài Ngài, con mù quáng! Ôi, lạy Chúa, cho con ánh sáng để con biết những thứ con không mua được!”. Con, “Ngốc”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Ngốc”, tác giả của những dòng chữ trên bia mộ kia là một con người đạo đức đến tuyệt vời, khi ông phải đấu tranh giằng co, để không thể, không thể... Và thật thú vị, chúng ta gặp lại “chàng” trong Tin Mừng hôm nay. “Thật là ngốc!”. Trời! Không thể tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là “Ngốc!”; nhưng đó là sự thật! Ngài đã gọi các biệt phái như thế. Tại sao? Vì Ngài thấy những con người này quá chú trọng vẻ bên ngoài mà bỏ qua ‘nét thánh thiện của linh hồn!’.

    Vậy mà, ngạc nhiên thay, lời quở nghiệt ngã này lại là một lời đầy yêu thương. Không thể tin được! Tại sao? Chỉ vì Chúa Giêsu muốn cứu lấy những con người vốn đã rơi vào bẫy kiêu căng; họ kiêu căng vì lề luật mà họ ra sức tuân giữ, chẳng hạn như rửa tay trước khi ăn. Phải, niềm kiêu hãnh của họ đã khiến họ bị ám ảnh bởi ‘dáng dấp công chính’ của mình. Buồn thay, dáng dấp ấy chỉ là mặt nạ che đậy “những chuyện cướp bóc, gian tà” vốn đã khiến họ hỏng hóc từ lũng sâu linh hồn. Vì lý do đó, Ngài gọi họ là “Ngốc!”. Vì yêu thương, Ngài những mong họ nhìn vào những gì đang diễn ra tận chốn thâm cung ấy hầu tẩy sạch trái tim, tẩy sạch lương tâm khỏi mọi bất chính; Ngài muốn họ trực tiếp gọi tên những gian tà đó. Và đây là cách duy nhất để họ ăn năn, cũng là cơ hội để họ tìm lại cho mình ‘nét thánh thiện của linh hồn’.

    Trước não trạng kiêu căng nệ luật này, thật bất ngờ, Phaolô cho chúng ta một lời cảnh báo đáng kinh ngạc, “coi chừng mất hết ân sủng!”. Trong thư Galata hôm nay, Phaolô viết, “Tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng!”. Nói cách khác, mất ơn nghĩa Chúa, vuột khỏi vòng tay yêu thương của Ngài. Thâm trầm biết bao lời khẩn xin của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin cho con được hưởng tình thương Chúa!”.

    Vậy mà, điều đã xảy ra ở người biệt phái cũng có thể là những xung năng nơi mỗi người chúng ta. Ước gì bạn và tôi, mỗi khi đêm về, biết rà soát lương tâm bằng cách nhìn vào linh hồn mình để thấy được những gì Thiên Chúa thấy, những gì cần điều chỉnh. Nhờ cầu nguyện và xét mình với một nội tâm trung thực, Chúa sẽ ban ơn để mỗi người có thể hoán cải. Như người Pharisêu, có thể chúng ta thường tự đánh lừa mình rằng, mọi chuyện đều tốt, lương tâm tôi yên ổn. Vậy mà, không chắc! Hãy nhìn nó dưới ánh sáng của sự thật và nhìn cuộc sống như Chúa nhìn. Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng để trở nên thánh khiết; đó không chỉ là cách để làm sạch linh hồn, nhưng còn là bước thiết yếu cho phép cuộc sống bên ngoài toả sáng với ánh rạng ngời của ân sủng một khi ‘nét thánh thiện của linh hồn’ tỏ rạng bên trong.

    Anh Chị em,

    “Thật là ngốc!”. Có thể Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người chúng ta những lời yêu thương đó. Bởi lẽ, một đôi khi, bạn và tôi đều phải đấu tranh vì đã quan tâm nhiều đến hình ảnh của công chúng dành cho mình hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về mình. Tuyệt vời thay, Chúa Giêsu mở lối, “Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí”. Cái bên trong đó là gì? Là tình yêu, lòng thương xót, những gì thuộc về Thiên Chúa. Đó là cách biến sự ngu ngốc của chúng ta thành khôn ngoan; và đó cũng là ‘nét thánh thiện của linh hồn’ mà Thiên Chúa mong đợi. Ngài là Đấng nhìn thấy động cơ của chúng ta, tính cách của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, những chấp trước của chúng ta, và mọi thứ phải che giấu trước mắt người khác. Hôm nay, bạn và tôi được mời nhìn vào tâm hồn mình dưới ánh sáng của sự thật và Thánh Thần; từ đó quyết tâm cộng tác với ân sủng. Nhờ đó, nhất định chúng ta sẽ tìm lại được ‘nét thánh thiện của linh hồn’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, chớ gì ân sủng và lòng thương xót Chúa tẩy rửa con theo những cách thức Chúa thấy con cần. May ra con tìm lại được điều đã mất, ‘nét thánh thiện của linh hồn’ con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - CN28TN-C

  •  LM MINH ANH
     
    CN28TN-C

    GỌI TÊN NHỮNG ÂN SỦNG

    TIN MỪNG LUCA 17, 11-19

    “Còn chín người kia đâu?”. (CÂU 17)

    Một bà mẹ quê ở tuổi 85, rất hiểu biết. Vào một buổi chiều, con trai bà điện thoại thăm bà. Như mọi khi, trước khi gác máy, bà không quên nói, “Cám ơn con!”. Vậy mà, ba tiếng “cám ơn con” chiều ấy cũng là lời cuối bà dành cho đứa con trai yêu. Và cho đến nay, mỗi ngày dâng lễ, đọc đến chỗ cầu cho các linh hồn, con trai bà không bao giờ quên cầu cho ba mẹ mình. Cũng công bằng thôi! Cậu ấy là Linh mục, một người luôn được mẹ dạy ‘gọi tên những ân sủng!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Gọi tên những ân sủng!’, đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thì thầm với chúng ta. Vì nhiều lúc, chúng ta nhìn mọi sự ‘chúng ta có’, những gì ‘chúng ta là’ gần như là đương nhiên. Ấy thế, trong cuộc đời, không có gì là đương nhiên cả; mọi sự là hồng ân!

    Một đôi khi, chúng ta có thể chậm chạp để ‘gọi tên những ân sủng’ đến với mình; chúng ta có thể hài lòng nhại lại với những gì mình thiếu hơn là những gì đã nhận được. Người ta thường viết trên cát những ân phúc và những xúi quẩy thì khắc vào cẩm thạch! Thật là xót xa, nhưng đó là một thực tế và cách nào đó, đây cũng là thái độ của chín người phong cùi được lành sạch vốn quá vô tình trong Tin Mừng hôm nay. Trước thái độ của họ, Chúa Giêsu tỏ vẻ ngạc nhiên, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?”.

    Chín người phong cùi được lành không đủ khả năng biểu lộ chí ít một chút biết ơn; có chăng cũng chỉ hời hợt, chiếu lệ và nông cạn không sâu quá làn da của họ. Dường như chỉ những lở loét bên ngoài nơi họ biến mất, còn bên trong, xem ra chẳng có gì thay đổi. Sau kinh nghiệm đắng cay của những năm tháng tật bệnh mà nay được lành, có lẽ họ sẽ quay về nếp cũ, thói cũ và thái độ cũ. Họ không rút ra một bài học nào từ những đớn đau quá khứ, và đây mới là điều tệ hại, nó tệ hơn cả chứng bệnh gớm ghiếc trước đó; tệ hại này có tên là “Vô ơn!”. Như tướng quân Naaman trong bài đọc thứ nhất, người Samari ngoại giáo đã quay lại để cảm ơn và tôn vinh Chúa. Không chỉ lành lặn bên ngoài, anh được hồi phục bên trong; không chỉ thân xác, nhưng cả linh hồn; không chỉ thể lý, nhưng cả lòng tin. Đọc được điều đó nơi anh, Chúa Giêsu nói, “Anh hãy đứng dậy mà về, lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”.

    Thánh Bênađô nói, “Sự vô ơn là bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và các tạo vật, là đập ngăn chặn suối nguồn với dòng sông”. Và chúng ta biết, “những lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta”; nuôi dưỡng nơi chúng ta lòng biết ơn. Vì thế, càng sống trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen, chúng ta càng được Chúa ban ơn. Và vô thần, xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn!

    Anh Chị em,

    “Còn chín người kia đâu?”. Sao họ không trở lại cám ơn Chúa? Vậy nếu quả hai tiếng cám ơn đã trở thành hiếm hoi trên môi miệng chúng ta, thì đây hẳn là một báo động đáng sợ; nó có thể là dấu hiệu của sự cạn kiệt tình Chúa, khô khốc tình người. Bởi lẽ, khi ơn nghĩa bị chối bỏ, thì sự ràng buộc và tình liên đới cũng trở nên mong manh; tình người bị coi thường, niềm tin tôn giáo chỉ còn là một cái gì bên lề vốn còn thua cả thời trang. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta biết ơn trời, biết ơn người, hãy ‘gọi tên những ân sủng!’. Giữa bao hồng ân, hành động ngợi khen và tạ ơn tuyệt vời nhất đối với chúng ta là Thánh Lễ. Trên hết, trong Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành và ân sủng Chúa ban; đặc biệt, ân phúc lớn lao từ quà tặng của Con Thiên Chúa và tất cả những gì tuôn chảy từ đó. Việc chúng ta tham gia vào hành động tạ ơn tuyệt vời này, giúp duy trì trong chúng ta khả năng nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin với một lòng biết ơn sâu sắc nhất định ngay cả trong những nghịch cảnh.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con hối tiếc về những gì người khác có mà con không có; cho con biết ‘gọi tên những ân sủng’, những gì đang dẫy đầy mà Ngài đã ban tặng!”, Amen.  

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIÊM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ HAI

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Hai tuần 28 Thường niên năm II - Cứng lòng tin (Lc 11,29-32)

    Tin mừng: Lc 11,29-32

    29Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.

    30Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.

    31Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.

    32Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Những phép lạ Chúa làm đủ để chứng tỏ Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Thế nhưng người Do thái đã không tin. Đây cũng là thảm kịch của con người ngày nay.

     Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi cho được những dấu lạ là bằng chứng về một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ đòi dấu lạ, nhưng lại không tin vào các phép lạ Chúa làm.

    Lạy Chúa, đôi lúc nghĩ về dân Do thái ngày xưa, con tức giận và thầm oán trách họ cứng lòng tin. Nhưng khi nhìn lại con, có thể con đã không tốt hơn họ bao nhiêu, mà có lẽ còn tệ hơn. Trong thế giới hôm nay, con người ngày càng đánh mất ý thức về sự thánh thiêng, và không còn nhận ra quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới. Con cũng đang quay cuồng trong đời sống vật chất, ảnh hưởng các trào lưu tục hóa, làm niềm tin của con bị lung lay tận gốc rễ. Có những lúc vì quá thất vọng, chán nản ê chề, con đã cầu mong Chúa thực hiện một phép lạ nào đó như là dấu chỉ Chúa vẫn thương con. Khi không được như ý, con lại oán trách Chúa và nghi ngờ Chúa.

    Lạy Chúa, một cách vô tình, con đã coi Chúa như là đầy tớ phải làm theo ý con muốn. Xin Chúa thương tha thứ cho sự xúc phạm của con. Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để con tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa. Xin ban cho con đôi mắt của niềm tin, để thay vì đòi Chúa làm phép lạ, con sẽ thấy được quyền năng Chúa vẫn đang hoạt động trong các biến cố, trong cuộc sống thường ngày nơi chính cuộc đời con. Amen.

    Ghi nhớ: “Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP VŨ VĂN THIÊN - CN28TN-C

  •  TGM VŨ VĂN THIÊN

    CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

    LÒNG BIẾT ƠN

    Có một thời, người ta có khuynh hướng bỏ hẳn lời cám ơn trong mối tương quan hằng ngày. Trong thời bao cấp, những nghi thức giao tế bị coi là những hủ tục và tàn dư của thời phong kiến. Người ta chủ trương cuộc sống sòng phẳng, không ai mắc nợ ai, cho nên không ai phải cám ơn ai. Hậu quả là những gương mặt khô như ngói ở những văn phòng hành chính, những cái nhìn lạnh nhạt ở nơi công cộng và những lời nói trống không trong giao tiếp với những người lớn tuổi hơn mình.

    Cuộc sống thiếu lời cám ơn sẽ trở nên khô khan, đơn điệu, giống như vườn thiếu cây xanh. Lược bỏ phép lịch sự sẽ biến cuộc sống này thành sa mạc hoang dã. Có lẽ vì đã nhận ra hậu quả đáng tiếc của quan niệm này nên gần đây, một số cơ quan mở những lớp dạy cười, dạy nói lời cám ơn và chào hỏi cho nhân viên của mình.

    Biết nói lời cám ơn nhau, con người cũng cần thể hiện lòng biết ơn đối với Thượng Đế. Đó là một trong những mục đích quan trọng của các tôn giáo. Đó cũng là nội dung của lời cầu nguyện Kitô giáo. Thông thường, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn. Ít khi chúng ta bày tỏ lòng khâm phục, tri ân và mến mộ đối với Chúa và các thánh. Chúa Giêsu hôm nay khiển trách những người cùi đã được ơn mà không biết cảm tạ Thiên Chúa. Trong mười người cùi được ơn chữa lành, duy nhất có một người quay lại tạ ơn Chúa Giêsu mà người đó lại là người ngoại. Khi ghi lại lời phàn nàn của Chúa, chắc hẳn Thánh Luca cũng nhằm phê phán những người Do Thái luôn cậy mình là dân riêng của Chúa nhưng lại không sống đúng với danh dự cao quý đó. Không những thế, họ lại coi thường những người ngoại. Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, một người ngoại lại mang một tâm hồn đạo đức và biết tạ ơn Chúa. Và như thế, người ấy không còn phải là “người ngoại” nữa, vì đã biết dâng lời tạ ơn Chúa và nhận ra quyền năng của Ngài. Ý tưởng này, chúng ta cũng thấy trong sách Các Vua quyển thứ hai, với trường hợp ông Naaman, một vị tướng của Syria. Sau khi được chữa khỏi, dù là người ngoại, ông đã trở thành một “tín hữu” vì ông tuyên xưng Thiên Chúa của người Ítraen là Thiên Chúa thật: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen”. Việc xin một khối lượng đất đủ hai con la chở được để đem về quê hương đã chứng minh niềm tin chân thành ấy.

    Nhờ biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta luôn nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc đời. Việc tạ ơn Chúa cũng giúp chúng ta nhìn cuộc sống lạc quan hơn, bởi vì vũ trụ và cuộc sống này là do Chúa tạo dựng. Ngài kêu gọi chúng ta bằng khả năng của mình, cộng tác với Ngài để tô điểm cho trần gian thêm tươi đẹp. Nếu cuộc sống trần gian còn nhiều khiếm khuyết là do con người chưa thiện chí cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Thậm chí có người còn đi ngược với chương trình sáng tạo của Chúa, phá vỡ sự hài hòa của môi trường cuộc sống và gây tai họa cho đồng loại cũng như cho thiên nhiên. Một khi sống tâm tình tạ ơn và tôn thờ Chúa, chúng ta sẽ được Chúa ban những ơn cần thiết phần hồn phần xác. Thiên Chúa như người cha yêu thương con cái. Ngài biết chúng ta cần thiết những gì. Ngài cũng biết rõ những gì đem lại ích lợi đích thực và lâu dài cho chúng ta. Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn lành, theo ý của Ngài và nhằm đến những điều tốt đẹp cho mỗi chúng ta. Cách đây vài ngày (ngày 4-10), chúng ta vừa mừng kính thánh Phanxicô thành Átsidi, cũng gọi là thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân là người yêu thiên nhiên vũ trụ, vì qua thiên nhiên, ngài khám phá ra sự hiện diện quyền năng của Chúa. Nếu những loài cỏ cây, những bông hoa vô danh nhỏ bé mà còn được Chúa trang điểm yêu thương săn sóc như thế, huống chi con người chẳng lẽ Chúa không thương. Dưới cái nhìn của vị thánh nghèo, mọi vật mọi loài đều luôn cất tiếng ca tụng Chúa, làm thành một bản giao hưởng bất tận tuyệt vời.

    Lòng biết ơn đối với Chúa không chỉ dừng lại ở ngôn từ nơi môi miệng, nhưng phải thể hiện qua việc tuân giữ giáo huấn của Người. Cũng như trong mối tương quan trong gia đình, con cái không thể chỉ biết ơn cha mẹ bằng những lời khuôn sáo, mà lòng biết ơn và yêu mến cha mẹ cần phải được chứng tỏ bằng những việc làm đích thực. Tuân giữ Lời Chúa là cách thể hiện lòng biết ơn tốt đẹp nhất. Một khi chú tâm tuân giữ Lời Chúa, chúng ta mới có khả năng thông truyền Lời Chúa cho anh chị em mình.

    Tin vào lòng thương của Chúa giúp chúng ta kiên vững trong gian nan đau khổ. Thánh Phaolô, một tù nhân vì Chúa Giêsu, đã khích lệ con thiêng liêng của mình là Timôthê. Ngài khẳng định: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa luôn trung thành.

    “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Lời cầu xin thống thiết kèm theo sự xác tín của những người cùi đã được Chúa nhận lời. Họ đã được lành bệnh sau khi đi trình diện với các tư tế theo Luật ông Môisen đã quy định. Người tín hữu khi đến với các linh mục là những tư tế của Tân Ước để thú nhận mọi tội lỗi nơi tòa giải tội cũng được Chúa tha thứ và chữa lành. Qua hành động trung gian của các linh mục, chính Chúa Giêsu chúc lành và nâng đỡ chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể trở lại hòa nhập với đời sống cộng đoàn, nhất là chúng ta được nối kết trong mối tình thân thiêng liêng với Chúa, nhờ lòng yêu mến thiết tha mà chúng ta bày tỏ với Người.

    +TGM Giuse Vũ Văn Thiên
    Kính chuyển:
    Hồng