SUY NIỆM/CẢM NGHIỆM SỐNG PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C (10/4/2022)
TIN MỪNG LUCA 23, 1-49
---ooOoo---
THIÊN CHÚA BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GÍA
"Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người”
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu cho Tuần Thánh và dẫn tới Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Chúa Nhật Lễ Lá mừng biến cố Chúa Giêsu vào thánh thánh Yêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia mà Israel mong đợi. Nhưng điều nổi bật nhất trong Phụng vụ Lới Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá là Bài Thương Khó của Chúa Giêsu được Luca tường thuật. Trong cuộc khổ nạn Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa mang hình ảnh, dáng dấp và thân phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ mà ngôn sứ I-sai-a đã miêu tả từng chi tiết từ mấy trăm năm về trước.
Chúng ta hãy đọc và suy niệm bài Thương Khó trong Phúc âm Luca và nếu có thời gian chúng ta nên đọc thêm bài của lm Nguyễn Công Đoan SJ để hiểu thêm về CÁI CHẾT THẬP GIÁ của Chúa Giêsu Kitô.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 23,1-49 (bài ngắn):
Khi ấy, tất cả công nghị đứng dậy và giải Người đến Philatô.
Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: "Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua".Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng: "Ta không thấy người này có tội gì".Nhưng họ cố nài rằng: "Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây". Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.
Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ: "Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi". Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên: "Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi".Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói: "Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!" Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng: "Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi". Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.
Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Đám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:"Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: 'Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con!'. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: 'Hãy đổ xuống đè chúng tôi!', và nói với các gò nổng rằng: 'Hãy che lấp chúng tôi đi!'. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?" Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:"Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: S."Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người này là vua dân Do-thái". Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Đối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp:"Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:"Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha". Nói đoạn, Người trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng: "Ông này quả thật là người công chính". Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.
Đứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến.
III. Phía Sau Cây ThẬp Giá
Lm. Nguyễn Công Ðoan, S.J.
Bạn có biết tại sao khi nghe hai chữ "thập giá" chúng ta không thấy sởn gai ốc, và có khi còn dửng dưng nữa, trong khi các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà, và ông Phêrô run rẩy can ngăn Chúa đừng đi tới đó? Có lẽ vì chúng ta chỉ thấy những cây thánh giá bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ quí nhẵn bóng hay bằng xi-măng tô đá rửa, đá mài, nên hình ảnh mà hai chữ thập giá gợi lên trong ta không có gì đáng sợ. Còn các môn đệ thì trái lại chưa bao giờ thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc... và hai chữ này không chỉ gợi lên một cây khổ giá trần trụi, mà gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng.
Chính vì thế mà các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.
Nhưng Chúa Giêsu không phải là ông thầy dễ dãi hay nhu nhược. Chúa vẫn nói thẳng và Chúa đòi ai muốn theo Chúa phải nhìn thẳng vào thập giá và chấp nhận nó: "Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy".
Ông Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa thì Ngài lại bắt đầu nói đến thập giá. Thập giá xuất hiện ở đây như "mặt sau của tấm huân chương". Nhưng sau đó Chúa lại đưa ba môn đệ thân tín lên núi, và cho các ông thấy vinh quang chói lòa của Ngài và sự có mặt làm chứng của Môsê và Êlia: một vị đã được Chúa dùng để công bố giao ước Sinai, vị kia thì được Chúa trao nhiệm vụ tái lập giao ước Sinai.
Theo thánh Luca thì Chúa Giêsu đàm đạo với hai vị này về cuộc xuất hành Ngài phải hoàn thành tại Giêrusalem. Như vậy thì ta có thể đảo lại: sau khi chỉ cho các môn đệ thấy cây thập giá làm các ông run sợ, Chúa Giêsu lật cho các ông thấy đàng sau cây thập giá có gì. Sau này trên đường Emmaus, Chúa sẽ quở trách hai người môn đệ thất vọng bỏ đi, vì các ông chỉ thấy mặt trước mà không thấy mặt sau của cây thập giá: "Chẳng phải là Ðức Kitô phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang của Ngài sao?"
Nếu ôm lấy cây thập giá và thỏa mãn với nó thì đúng là một kẻ điên khùng hoặc bệnh hoạn. Không, Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta trở nên điên khùng, bệnh hoạn. Chúa đã nhận lấy thập giá như đường tới vinh quang. Ðàng sau thập giá là vinh quang mà chỉ có đức tin mới cho ta thấy được. Chúa không gọi chúng ta vác thập giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ có đi theo Chúa ta mới tới được vinh quang ở sau cây thập giá.
Trong cuộc sống, có những lúc êm đềm thanh thản, có những ngày tưng bừng hoa lá, nhưng cũng lắm khi bạn cảm thấy tất cả nỗi ê chề của cây thập giá sù sì và những lời độc địa chát chúa của khách qua đường; bạn cảm thấy nỗi cô đơn của kẻ bị treo lơ lửng giửa trời và đất; bạn khát khô cổ muốn có một lời an ủi, một chút cảm thông, nhưng quanh bạn chỉ có thờ ơ và thinh lặng, hoặc tệ hơn nữa chỉ có phỉ báng và xua đuổi. Những lúc ấy bạn mới cảm thấy tất cả sự rùng rợn của cây thập giá. Có khi bạn cảm thấy chán nản muốn buông xuôi tất cả. Bạn cảm thấy như Chúa Giêsu đã cảm thấy và phải kêu lên: "Lạy Chúa, nhân sao Chúa bỏ con..."
Những lúc ấy bạn phải vận dụng hết sức mạnh của lòng tin, hết ánh sáng đức tin, để thấy được đàng sau cây thập giá. Bạn hãy nhìn thẳng vào Ðấng đang vác thập giá đi đàng trước bạn, chớ rời mắt xa Ngài.
Nhưng bạn đừng chờ tới lúc đó mới nhìn vào Ngài. Bạn phải giữ tầm nhìn luôn hướng về Ngài trong mọi nơi mọi lúc, mọi việc. Bạn hãy làm tất cả với Ngài, vì Ngài, và trong Ngài.
Nếu bạn biết sống với Ngài trong niềm vui,
bạn cũng biết sống với Ngài trong nỗi buồn.
Nếu bạn biết sống trong Ngài khi hạnh phúc,
bạn cũng biết sống trong Ngài lúc khổ đau.
Nếu bạn biết sống với Ngài trong ngày hội,
bạn cũng biết sống với Ngài giữa cô đơn.
Ðiều tôi muốn nhắc bạn ngàn lần là bạn đừng mang thập giá một mình. Bạn sẽ không bước nổi đâu, và nếu bạn có đem tất cả sự kiêu hãnh của con cái Ađam mà lết đi được thì cũng chẳng ích lợi gì, cây thập giá của bạn chỉ là cây gỗ chết thôi. Bởi vì cây thập giá chỉ trở nên xanh tươi và đầy hoa trái khi nó mang Con Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống mà thôi:
"Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài..." (2 Tim 2,11)
Nhưng tôi cũng nhắc bạn rằng thường khi thập giá đè nặng lên vai thì chúng ta cũng tối tăm mắt mũi, hầu như chẳng còn nhớ ra điều gì, chẳng nhớ đến ai nữa. Cái khó nhất là ở đó. Chính lúc ta cần nhớ đến Chúa nhất thì hầu như ta không nhớ nổi. Chính lúc ta cần cảm nhận sự hiện diện của Chúa nhất, thì lại là lúc Chúa như ở xa ngàn trùng và lẩn trốn trong bóng đêm dày đặc. Ðó là khi mà cuộc đời bạn trở nên phong phú nhất, như hạt giống khi được vùi xuống đất. Lúc ấy bạn hãy giữ lòng mình hướng về ánh sáng của thảo mộc, và khi mầm lách được vỏ hạt giống thì nó xé qua màn đêm của lòng đất để vươn lên ánh sáng, hứng lấy màu xanh và sức sống. (Còn hạt giống nào nằm khơi khơi trên mặt đất thì có nẩy mầm cũng héo khô)
Sàigòn ngày 9 tháng 4 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội [dẫn nhập và sưu tầm]