2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM TRẦN NGÀ

SUY NIỆM LỄ TRO

“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, mai sau người sẽ trở về với bụi tro”

– Cách đây trăm năm, mỗi người chúng ta là gì?

– Khi đó, chúng ta chỉ là hư không. Một cọng cỏ lúc bấy giờ còn có ích cho đời hơn chúng ta, vì những cọng cỏ có thể nuôi được con cừu con dê, còn chúng ta, chưa thể mang lại lợi ích gì cho ai.

Bấy giờ, gạch đá còn có ích lợi hơn chúng ta, vì gạch đá có thể được dùng để xây dựng nhà ở, cầu cống và bao nhiêu công trình hữu ích khác, còn chúng ta lúc đó chỉ là hư không!

Bấy giờ bùn đất hữu dụng hơn chúng ta, bởi bùn đất còn có thể làm cho những bụi lúa mọc lên, trong khi vào lúc đó, chúng ta chỉ là hư không, chẳng có tác dụng, chẳng có lợi ích gì.

 

Thế rồi, do tình thương lạ lùng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và cho chúng ta bước vào cuộc đời, để chúng ta trở thành con người cao cả trổi vượt hơn hết muôn loài muôn vật. Thiên Chúa đã phú ban cho chúng ta tài năng, trí tuệ và nhiều ơn huệ tuyệt vời… khiến chúng ta trở thành thụ tạo siêu đẳng.

Chúng ta trở nên siêu đẳng không do tài năng, sức lực, trí tuệ… của mình mà là do tình thương và ân huệ của Chúa.

Thế nhưng, con người chúng ta hôm nay với thân xác nầy, trí tuệ nầy, tài năng nầy… mai đây sẽ trở về bụi tro, như lời thánh vịnh 102 sau đây:

“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong,

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (TV. 102, 6)

Rồi mai đây, bảy chục năm hay may lắm là trăm năm sau, chẳng ai còn biết đến chúng ta đang hiện diện nơi đây, bởi vì lúc bấy giờ chúng ta chỉ còn là những hạt bụi bị vùi dưới mộ sâu, như lời nhà thơ Nguyễn Gia Thiều:

“Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!”

Nếu Chúa không cứu chuộc chúng ta, thì mai đây, chúng ta cũng sẽ trở về cát bụi như lời nhắc nhở trong nghi thức bỏ tro hôm nay: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, mai đây người sẽ trở về với bụi tro.”

Nghi thức rắc tro được cử hành hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ đến thân phận bụi tro của mình, để không tự kiêu tự đắc, vì ý thức rằng tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở thành người khiêm tốn và luôn biết tạ ơn Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và ban tất cả cho chúng ta.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

n

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 8 Thường Niên C

Video Player
 
00:00
 
19:52
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH
     


     

     

    HOA TRÁI THIÊNG LIÊNG CỦA MỘT ĐỜI SỐNG THÁNH KHIẾT

    “Cây tốt không sinh trái xấu!”.

    Richard Baxter viết, “Một lời nói kiêu hãnh, gắt gỏng, mang vẻ lãnh chúa; một tranh cãi không cần thiết; một hành động thèm muốn… có thể ‘cắt cổ’ nhiều bài giảng, và làm ‘nổ tung’ kết quả của tất cả những gì bạn đã và đang làm! Nó không trổ sinh một trái trăng tốt lành nào, vốn là ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời cảnh tỉnh của Richard Baxter thật phù hợp với Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, khi chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy là những “cây tốt” trổ sinh trái tốt; trái tốt trong lời nói, trái tốt trong việc làm. Ngài ước mong chúng ta có được những ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ được cắm rễ trong Ngài.

    Bài đọc Huấn Ca nói, “Xem trái thì biết cây thế nào, nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người thể ấy”. Mỗi người hãy đào tạo cho mình một tâm hồn tốt, một trái tim tốt, để có thể nói những lời tốt! Chúa Giêsu dạy, “Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện”. Lời tốt chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng tốt, “sẽ xây dựng và sinh ơn ích cho người nghe”; như thế, ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ cũng chỉ xuất phát từ một trái tim thánh!

    Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta tiếp tục trổ sinh trái tốt trong những việc làm, “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng. Hãy biết rằng, công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa”. Công việc tốt lành của chúng ta có tác dụng siêu nhiên, là góp phần thánh hoá các linh hồn và làm vinh danh Chúa, Đấng đáng được ngợi khen và tán tạ, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, thiện hảo thay việc ngợi khen Ngài!”.      

    Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Cây tốt không sinh trái xấu!”; tích cực hơn, ngược lại, “Cây tốt, sinh trái tốt!”. Đây phải là mục tiêu của đời sống Kitô hữu! Khi nói “Cây tốt, sinh trái tốt”, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’; đó là một đời sống đâm rễ sâu trong Ngài, một đời sống luôn tiến đến việc nên thánh. Đây là một nguyên tắc tâm linh quan trọng! Ai trong chúng ta cũng muốn sống tốt, muốn tạo ra một sự khác biệt trong thế giới và trong cuộc sống người khác vì những điều tốt đẹp. Nhưng điều này sẽ được thực hiện thế nào? Câu trả lời là, không cần quá quan trọng, chỉ cần chúng ta thường xuyên chọn làm những việc tốt; đúng hơn, ở mức độ căn bản, chúng ta chọn nên thánh bằng việc nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày; và bằng cách ấy, chúng ta trở thành những “cây tốt”.

    Muốn sinh trái tốt, tạo ra một sự khác biệt thánh thiện và tích cực, chúng ta chỉ cần ghi khắc một điều, ‘Tôi làm tốt mọi sự để nên thánh!”. Áp dụng hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra, mỗi người hãy xem mình như một “cây tốt” được trồng trong đất tốt; rễ đâm sâu và toả rộng; thân được nuôi dưỡng và đắm mình trong ánh nắng mặt trời, để rồi, nhìn thấy bản thân ngày càng phát triển và thăng hoa. Đây là một cuộc sống của ân sủng và kết quả là, trái tốt sẽ tự động trổ ra; đó là ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ nhuần thấm ân sủng!

    Anh Chị em,

    “Cây tốt, sinh trái tốt!”. Không có cây nào trên trần gian này tốt bằng cây mang tên “Giêsu”. “Cây Giêsu” cắm rễ sâu trong Thiên Chúa Ba Ngôi và toả rộng khắp cõi địa cầu. Hạnh phúc cho chúng ta khi được là cành của Ngài để có thể vươn xa tới những chân trời thế giới! Chính Chúa Giêsu đã nói, “Thầy là cây nho, các con là cành”; cành chỉ sinh hoa trái khi gắn liền với thân cây, và cành cũng chỉ sinh trái tốt khi chấp nhận ánh nắng của Lời sưởi ấm cũng như biết chịu khó để Lời cắt tỉa. Được như thế, ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ sẽ sum suê, chín mọng, hứa hẹn một mùa bội thu ngay hôm nay, trên dương thế; và mai ngày, trên thiên đàng.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con luôn trở nên một cây tốt, được ân sủng nuôi dưỡng, dám chịu cắt tỉa; hầu có thể trổ sinh ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ cho anh em con”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH

 

  • LM MINH ANH
     


     

    TỰ NHIÊN VÀ LÀNH MẠNH

    “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”.

    Robert Fulghum viết, “Hầu hết những gì tôi thực sự cần biết về cách sống, điều phải làm và làm như thế nào, tôi đã học được ở trường mẫu giáo. Trí tuệ không nằm trên đỉnh núi của các trường cao học, mà ở trong mấy hộp cát ở trường mẫu giáo. ‘Tự nhiên và lành mạnh’ biết bao!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Tự nhiên và lành mạnh’ cũng là những gì Lời Chúa hôm nay nói đến. Thật thú vị, Chúa Giêsu dùng trẻ em để dạy người lớn! Ngài chỉ ra cách chấp nhận Nước Thiên Chúa như trẻ em chấp nhận; không dè giữ, ngờ vực hay do dự, nhưng cởi mở, vui tươi và đơn sơ. Hơn nữa, Tin Mừng còn tiết lộ một sự thật tinh tế khác, đó là sự cần thiết của một tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh!’.

    Thế giới chúng ta đang sống ngày càng có xu hướng đồi trụy và ham muốn sai lầm của con người. Từ “Chiếm hữu và thống trị” được nhắc đến nhiều trong hai ngày qua, khi Nga đem quân tiến vào Ukraine. Sự thèm muốn nhục dục có xu hướng thống trị nền văn hoá của chúng ta theo cách gần như bình thường, khi con người coi người khác là đối tượng của ham muốn. Điều này nhan nhản trên các trang mạng và các ‘shows’ quảng cáo. Tội lỗi do dục vọng tràn lan, ảnh hưởng đến con người tới mức ràng buộc nó, đến nỗi nạn nhân không thể thoát ra. Kết quả đáng buồn là, có vẻ như con người ngày nay đã mất đi những tình cảm trong sáng và hồn nhiên đối với tha nhân, nhất là với người khác phái. Trong một nền văn hoá bị ‘tình dục hoá’ quá mức như thế, chúng ta có thể dễ dàng bắt đầu nhìn mọi thứ qua lăng kính vọng tưởng và vọng động. Kết quả là, sự hiểu biết về một tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh’ nơi con người bị đánh mất!

    Chúa Giêsu nói, “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy”; Marcô viết tiếp, “Rồi Ngài ôm chúng, đặt tay, chúc lành cho chúng”. Như vậy, Tin Mừng đã tiết lộ một tình cảm thánh thiện, ‘tự nhiên và lành mạnh’ mà Chúa Giêsu đã dành cho những trẻ này cũng như cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, không chỉ trẻ em mới đến với Ngài; một người phụ nữ ngoại tình đã ‘bám lấy’ chân Ngài; một phụ nữ khét tiếng khác, “lấy nước mắt tưới ướt chân, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm đổ lên”; và Gioan tông đồ, người đã “tựa đầu vào lòng” Ngài trong Bữa Tiệc Ly.

    Tình cảm của con người phải được ‘thanh tẩy và cứu chuộc’ theo cách nó được dâng hiến cho người khác mà không một động cơ ích kỷ nào có thể len vào; và dĩ nhiên, không có những ham muốn tình dục rối loạn! Một khi điều này được thực hiện, như Chúa Giêsu đã làm, thì cái ôm của cha mẹ đối với con cái, của một người bạn với một người bạn, vợ hoặc chồng với người phối ngẫu của mình… sẽ trở thành một biểu hiện thánh thiện, ‘tự nhiên và lành mạnh’ của một tình yêu trong sáng trong trái tim Chúa Kitô. Để có được một tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh’, thánh Giacôbê hôm nay nhắc nhở chúng ta phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, cho mình và cho mọi người; cầu nguyện kiên trì như Êlia. Chỉ có cầu nguyện mới có thể không dè giữ, ngờ vực hay do dự, nhưng cởi mở, vui tươi và đơn sơ trước mặt Chúa như trẻ nhỏ trước mặt cha mẹ, đúng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay toả trước thánh nhan!”.

    Anh Chị em,

    Hôm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến toà Đại Sứ Nga tại Vatican; nghĩa cử này được xem là một diễn biến chưa từng có về mặt ngoại giao. Dẫu báo chí có thể đoán già đoán non hoặc cắt nghĩa nội dung cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha cách này cách khác; nhưng chúng ta có thể tin chắc, với tình cảm ‘tự nhiên và lành mạnh’ của một người cha, một vị lãnh đạo tinh thần của thế giới, thay mặt Chúa Kitô, ngài đến để cầu xin hoà bình cho Ukraine. Cũng thế, chúng ta hãy nghĩ đến những gì mỗi người chúng ta có thể làm để đem lại sự trong sáng và hồn nhiên cho môi trường của mình, một môi trường vốn đã bão hoà với một nền văn hoá quá nhiều tạp chất gây ra sự nhầm lẫn về cách nhìn nhận tha nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện để trở nên những sứ giả tiếp tục tặng ban một tấm lòng trong sạch; qua đó, chính Chúa Giêsu sẽ mời nhiều người đến với Ngài qua lòng nhân ái và tình cảm ‘thánh khiết’ của chúng ta.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi cám dỗ hưởng thụ, lây nhiễm từ một nền văn hoá thế tục; thay vào đó, cho con thể hiện một tình yêu vị tha ‘tự nhiên và lành mạnh’ như Chúa”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

 

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  • TGM NGUYỄN NĂNG
     
     

    Thứ Hai tuần 8 Thường niên năm II - Khôn ngoan đích thực (Mc 10,17-27)

    Tin mừng: Mc 10, 17-27

    17 Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

    18 Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”

    20Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

    21 Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

    22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. 23 Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”

    24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”

    26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”

    27 Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Muốn được cứu độ, cần phải có ơn Chúa. Nếu chỉ cậy dựa vào sức tự nhiên và tiền của, ắt không thể được cứu rỗi. Chúa quả quyết: “Không có Ta, các con chẳng làm gì được”.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay cho con thấy, vào Nước Trời là một việc khó. Cái khó ấy chính là lòng tham sân si. Người giàu cũng như kẻ nghèo, nam cũng như nữ, ai cũng có thể mắc vào cái khó này. Người giàu thì cứ muốn giữ của mãi, người nghèo thì cứ muốn mơ ước mãi, ít ai có tấm lòng từ bỏ.

    Lạy Chúa, con nhớ lại hình ảnh vẽ một người đang hấp hối chết dữ. Kẻ lâm chung được thiên thần và các thánh bay đến bên cạnh tấp nập khuyên lơn van xin. Nhưng ông ta cứ quay mặt nhìn vào bị tiền. Giây phút cuối cùng ấy, thiên thần bản mệnh của ông phải che mặt khóc. Ông ta đã quá gắn bó với tiền của.

    Chúa đòi hỏi mỗi người chúng con một cách. Chúa ban cho mỗi người một phương tiện để sống. Xin cho con luôn nhớ rằng sự đời này chóng qua. Quê hương thật của con là Nước Trời. Quê hương thật của con sẽ trường tồn mãi mãi. Và để con được vào quê hương này, xin cho con biết sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Thánh Ý Chúa. Ngày con sinh ra, con trần truồng, không một đồng bạc dính thân. Trong cả cuộc sống, Chúa trao cho con hành trang tiền của và các tài sản. Nhưng ngày con giã từ trần thế, Chúa gọi con về với cả thân xác linh hồn con, mọi sự đời này được để lại cho trần gian, con sẽ ra đi tay không.

    Lạy Chúa, còn ngày nào sống trên đời, xin Chúa cho con luôn sống trong tinh thần từ bỏ. Xin đừng để con vì của cải mà mất quê Trời. Chỉ có Chúa là gia nghiệp muôn đời của con. Amen.

    Ghi nhớ: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NGẮN GỌN - CN8TN-C