2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NGẮN GỌN

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - HUẾ

  • LM MINH ANH

    MỘT CHÚA KITÔ BÊN TRONG

    “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”.

    Một giọng đàn ông rè rè gọi đến kho quân cụ của sư đoàn; ông muốn biết số lượng vũ khí và phương tiện. Người trực điện thoại nói, “Chúng tôi còn 3 xe Jeep, 4 xe tăng, 500 súng trường và một tấn đạn. Ồ, chúng tôi cũng còn hai chiếc Cadillac dành cho các tướng béo”. Im lặng, sau đó là câu trả lời, “Một cách riêng tư, bạn biết tôi là ai không?”; “Không!”. “Tôi là Đại tướng Westin”; “Tướng quân, ông biết tôi là ai không?”. “Không!”; “Hẹn gặp lại, béo!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Câu chuyện vui của anh lính trực điện thoại đưa chúng ta về một câu chuyện tương tự, nhưng nghiêm túc hơn, của trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ một câu hỏi thật khó, “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Đó là một câu hỏi khó; bởi lẽ, đó là câu hỏi của trái tim về ‘một Chúa Kitô bên trong’; vì thế, cũng chỉ trái tim mới có thể trả lời nó!

    “Các con bảo Thầy là ai?”, một câu hỏi mà mỗi người chỉ có thể trả lời bằng chính đời sống thấm nhuần cầu nguyện của mình; bởi lẽ, mỗi người phải sống nó, chiến đấu với nó, và vượt qua nó! Mỗi người phải suy nghĩ và trả lời nó từ khía cạnh này, “Chúa Kitô là ai đối với tôi?”. Câu hỏi này không xác định nhiều về Chúa Kitô, nhưng xác định ‘người’ trả lời nó! Tôi đã có những kinh nghiệm nào về Ngài, ‘một Chúa Kitô bên trong?’. Cá nhân tôi đã học được gì nơi Ngài? Bởi lẽ, lịch sử của Chúa Kitô và lịch sử của cá nhân tôi phải kết hợp với nhau để trở thành một chương duy nhất mà cả hai, ‘Ngài và tôi’, cùng chia sẻ!

    Vậy, nếu tôi không có gì nhiều để nói theo hiểu biết trực tiếp của mình về Chúa Kitô; hoặc nếu những trải nghiệm nội tâm của tôi bị lu mờ bởi vật chất và tinh thần thế tục, thì tôi phải đưa câu hỏi của Ngài lên một cấp độ tiếp theo, “Tôi là ai đối với Chúa Kitô?”. Đây cũng là một câu hỏi của trái tim! Tôi là ai đối với Ngài sẽ được quyết định phần lớn bởi việc ‘tôi là ai’ đối với Ngài trong cầu nguyện và trong đời sống. ‘Một Chúa Kitô bên trong’ chỉ được biết đến bởi những ai được Ngài mặc khải! Điều này sẽ không xảy ra theo cách tiếp cận đơn thuần bằng xương bằng thịt, cũng không chỉ diễn ra theo dòng chảy của các sự kiện phụng vụ; nhưng Chúa Kitô đó chỉ có thể có và chỉ được hiểu biết bằng một trải nghiệm cá nhân qua cầu nguyện và qua việc kết hiệp với Ngài trong từng hơi thở cuộc sống! Vì thế, hãy cầu xin cho mình những ân sủng nội tâm cần thiết, hầu chúng ta có thể trải nghiệm Ngài, trải dài bằng một đời sống cầu nguyện và bác ái; từ đó, có thể xác định ‘tôi là ai’ và đâu là tính cách của tôi được hình thành trong Ngài!

    Cách cụ thể, Giacôbê trong bài đọc hôm nay cho thấy phần nào câu trả lời cho câu hỏi kép trên, “Chúa Kitô là ai đối với tôi?”, và “Tôi là ai đối với Chúa Kitô?”. Chúa Kitô là những người nghèo, Ngài ở trong họ; và nếu tôi kịp nhận ra Ngài trong những anh chị em của tôi thì đó mới đích thực là Ngài, ‘một Chúa Kitô bên trong’. Nhưng nếu tôi không nhận ra Ngài, khi tôi còn thiên tư tây vị, thì Ngài vẫn mãi xa lạ với tôi, với việc cầu nguyện cũng như cuộc sống của tôi.

    Anh Chị em,

    “Các con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi quan trọng đó đang được Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta. “Thầy là ai đối với con?”, những người đã được gọi để nên những thợ gặt lành nghề; thế nhưng, vẫn vật vờ ươn ế? “Thầy là ai đối với con?”, những người đã theo đạo lâu năm; nhưng bị thói quen mài mòn, đã đánh mất mối tình đầu? “Thầy là ai đối với con?”, những người đang trải qua một thời kỳ khó khăn và cần vực dậy bản thân để bắt đầu lại? Đây là điều Chúa Giêsu quan tâm: trở thành ‘một Chúa Kitô bên trong’ mỗi người, trở thành trung tâm của suy nghĩ, trở thành điểm quy chiếu cho tình cảm của chúng ta. Tắt một lời, Ngài muốn là tình yêu của cuộc đời chúng ta. Không phải ý kiến của chúng ta về Ngài, Ngài không quan tâm đến các ý kiến; Ngài quan tâm tình yêu của chúng ta, cho dù Ngài có ở trong trái tim chúng ta hay không.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, chớ gì toàn bộ cuộc sống của con là một câu trả lời trọn vẹn cho tất cả những ai muốn biết Ngài, ‘một Chúa Kitô bên trong’ đang lấp đầy trái tim và ý chí của con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

 

CẢM NGHIỆM SONG LỜI CHÚA - LM MINH ANH - HUẾ

 

  • LM MINH ANH
     
     


     

     

    MỘT TRẢI NGHIỆM CÓ TÊN HỒI SINH

    “Ngài cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng”.

    Có lẽ trong toàn bộ Tân Ước, sẽ không có một hình ảnh nào đẹp hơn, trìu mến hơn về Chúa Giêsu, so với ‘bức ảnh’ tuyệt đẹp mà Marcô chụp được qua Tin Mừng hôm nay! Tác phẩm ghi lại hình ảnh một người đàn ông sáng mắt, cầm tay, dắt một người đàn ông khác, mù loà, đi ra khỏi làng. Phúc Âm không cho biết hai người phải đi bao xa, chí ít là một vài trăm mét; nhưng chắc chắn, Chúa Giêsu đã dắt anh mù đi ra xa; để ở đó, anh có thể ở một mình với Ngài.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Bức ảnh’ trìu mến đó đưa chúng ta về với hình ảnh một đứa bé mới tập đi. Ngay từ những bước đầu tiên, đứa bé gập đầu thủng thỉnh tiến về phía trước, nó bước túc tắc mà không cần bàn tay của cha hoặc mẹ giữ thăng bằng. Vậy mà với đời sống thiêng liêng thì ngược lại; như anh mù, chúng ta cần Chúa Giêsu dẫn dắt, hỗ trợ và tiếp sức. Thừa nhận sự mù loà và lầm lỗi của mình có thể là một trải nghiệm khó khăn, nhưng là một trải nghiệm vô cùng hiệu quả; vì lẽ, đó là ‘một trải nghiệm có tên hồi sinh!’.

    Thông thường, lòng kiêu ngạo sẽ cản trở, khiến chúng ta không làm được điều duyên dáng này, ‘đưa tay cho Chúa Giêsu’; thế nhưng, với đức tin, nếu làm được điều đó, Ngài sẽ thể hiện quyền năng thần linh của Ngài một cách đáng kinh ngạc! Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói, “Sự thánh thiện không nằm ở bài tập này, bài tập kia; nó bao gồm sự sắp đặt của con tim, khiến chúng ta trở nên nhỏ bé trong bàn tay của Thiên Chúa”; “Không ai có thể làm tôi sợ hãi, bởi tôi biết, tôi đang bấu vào ai, vào Đấng mà tình yêu và lòng thương xót của Ngài thì vô bờ. Tôi biết, vô số tội của tôi sẽ biến mất trong chớp mắt, như giọt nước rơi xuống một hoả lò đang gào thét!”.

    Chúa Giêsu cầm tay anh mù, dắt ra khỏi làng, một điều gì đó rất khác với thế giới hiện đại, “Tôi muốn nó, ngay bây giờ!”. Vậy mà mong muốn tức thời của chúng ta không phải lúc nào cũng có tác dụng đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa có kế hoạch riêng của Ngài; và kế hoạch của Ngài luôn là kế hoạch cho những điều tốt đẹp hơn, cả khi nó không phải là kế hoạch của chúng ta! Thị lực của người mù không được phục hồi tức thì, nhưng dần dần. Làm thế nào để một người muốn nên thánh bây giờ mà không bao giờ trở lại thung lũng của ô uế và kiêu hãnh? Vì hầu như luôn luôn, chúng ta rơi rụng một lần nữa và một lần nữa… Nên thánh luôn là một tiến trình tiến hành một cách tiệm tiến; tuy nhiên, điều đó không khiến Chúa Giêsu bối rối. Ngài biết sức mạnh của ân sủng Ngài, ân sủng phục sinh! Đơn giản, chỉ cần chúng ta đưa bàn tay cho Ngài, và tiếp tục cố gắng. Những thất bại dạy chúng ta khiêm tốn, và điều này chỉ có thể cho chúng ta có thêm ‘một trải nghiệm có tên hồi sinh’ khi chúng ta được ở bên Ngài, một mình với Ngài!

    Sự khiêm nhường, một lần nữa, được Giacôbê nói đến trong bài đọc hôm nay; đó là một người biết mình tội lỗi, xấu xa; nhưng cũng là một người biết đưa tay cho Chúa Giêsu nắm lấy, ngoan nguỳ làm theo lời Ngài, “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác; hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em!”. “Cứu độ linh hồn” có nghĩa là hồi sinh một linh hồn để nó được ở trên núi thánh của Chúa; Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ sự ao ước, “Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài?”.

    Anh Chị em,

    Hành động Chúa Giêsu dắt người mù ra khỏi làng, phục hồi thị lực cho anh, toát lên sự kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa. Ngài sẽ lấy những gì chúng ta có, dù rất ít ỏi; đôi khi, đó chỉ là một chút thiện chí ‘muốn đến, và quyết tâm đến’ với Ngài; Ngài sẽ sử dụng nó tốt nhất có thể. Ngài sẽ tận dụng để biến đổi thiện chí nhỏ bé ấy, hầu giúp chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa đến gần Ngài; và quan trọng hơn, lớn lên trong đức tin! Hãy cố gắng thực hiện ít nhất một bước nhỏ để đến với Chúa Giêsu; vì với Ngài, nhất định chúng ta sẽ tiến tới một trải nghiệm lớn hơn, ‘một trải nghiệm có tên hồi sinh!’. Ít nhất, hãy cố gắng mong muốn rằng, tôi sẽ lớn lên trong ước muốn, chỉ xin Ngài thứ tha mọi tội lỗi. Đó có thể là mức tối thiểu trần trụi, nhưng Chúa Giêsu sẽ tận dụng và với nó, Ngài sẽ làm cho một linh hồn hồi sinh!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, này con đến, trần trụi, yếu hèn; xin cầm lấy tay con, dẫn con đi bao xa tuỳ ý; miễn sao, con cảm nhận, thế nào là ‘một trải nghiệm có tên hồi sinh’ khi con được gặp Ngài!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

 

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - GM TGP SAIGON

  • TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Năm tuần 6 Thường niên năm II (Mc 8,27-33)

    Tin Mừng: Mc 8, 27-33

    27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai ?”

    28 Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”.

    29 Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”.

    30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

    31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.

    32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người.

    33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa hỏi chúng ta cũng như đã hỏi các tông đồ: “Anh em bảo Thầy là ai ?”. Mỗi người phải tự trả lời cho Chúa. Ước gì ta nói lên lời tuyên xưng chính xác như thánh Phêrô.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ở thời nào cũng có những người hiểu Chúa một cách mơ hồ, và đôi khi còn hiểu cách lệch lạc nữa. Mỗi người nói một kiểu, nhưng chẳng ai nói đúng sự thật về Chúa cả. Chỉ có mình thánh Phêrô là người đã theo Chúa, được sống với Chúa bao tháng ngày, và là người có đức tin mạnh mẽ, nên mới nói được Chúa là Đức Kitô.

    Còn con, con cũng theo Chúa bao nhiêu tháng ngày, con cũng có những kinh nghiệm sống với Chúa. Thế mà con lại biết Chúa cách sơ sài nông cạn. Con chưa xác tín Chúa là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ. Con chưa thể cảm nghiệm được chân lý ấy trong sâu thẳm của lòng con, chưa để cho chân lý ấy thấm nhuần vào toàn thể đời sống con. Hôm nay, một lần nữa Chúa hỏi con: “Còn con, con bảo Thầy là ai ?”.

    Vâng, lạy Chúa Giêsu, Chúa thật là Đức Kitô. Không những con tuyên xưng điều ấy nơi môi miệng, mà hơn nữa con tuyên xưng cả trong cuộc sống, lúc vui tươi nhàn hạ và cả những lúc vất vả khổ đau. Xin thêm đức tin cho con, để con tuyên xưng Chúa cho những người khác: cho những người chưa nhận biết Chúa, những người hiểu Chúa cách mơ hồ, những người hiểu Chúa cách sai lạc, và ngay cả những người chống đối Chúa nữa.

    Lạy Chúa, như thánh Phêrô, con vẫn chưa hiểu hết sứ mạng đau khổ của Chúa. Xin Chúa cho con được hiểu biết Chúa mỗi ngày một đầy đủ chính xác hơn. Xin Chúa giúp con thay đổi nếp suy nghĩ của con bằng những tư tưởng của Chúa, để con bước theo Chúa trên con đường khổ đau, và nhờ đó con đạt đến ơn cứu độ. Amen.

    Ghi nhớ: “Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  
    Hong Nguyen
     

    Thứ Tư tuần 6 Thường niên năm II (Mc 8,22-26)

    Tin mừng: Mc 8,22-26

    Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy.

    Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?”

    Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”.

    Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng.

    Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu chữa cho người mù được trông thấy. Tất cả mọi người môn đệ đều cần được Chúa mở con mắt tinh thần để có thể hiểu và chấp nhận đi theo Chúa trên con đường đau khổ.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật gần gũi với chúng con, Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúa ở bên chúng con và chữa trị cho chúng con. Chúa chữa lành cho người mù là Chúa đưa người ấy từ cõi tối tăm trở về cõi sáng, từ nơi đau khổ về với niềm vui. Chúa cho anh nhìn thấy chính mình và vạn vật.

    Lạy Chúa, đôi mắt của các tông đồ và của con không mù tối, nhưng linh hồn của các ngài và của con mù tối. Chúa cho chúng con biết Chúa phải chịu đau khổ để cứu độ chúng con, và Chúa dạy chúng con bước theo Chúa trên con đường đau khổ và thánh giá.

    Lạy Chúa, điều ấy đối với con thật bất ngờ và khó chấp nhận. Các tông đồ không hiểu, con cũng không hiểu. Nói đúng hơn, con không muốn hiểu. Con sợ khổ đau và thánh giá. Con luôn tìm cách tránh né và than phiền về những khổ đau con gặp. Không mấy khi con tự nguyện vác thánh giá hoặc tự ý bỏ mình, tự ý làm vài việc hy sinh. Con chưa hiểu được thánh giá và đau khổ cần thiết để cứu độ con và nhân loại. Chỉ có mình Chúa hiểu mà thôi.

    Vì vậy, lạy Chúa, xin Chúa mở mắt linh hồn con để con nhận ra đường lối kỳ diệu của Chúa, tuy khó hiểu nhưng hiệu nghiệm. Xưa Chúa đã cầm tay người mù và dẫn anh đi. Xin Chúa cũng cầm tay con mà dắt con đi. Bàn tay con nằm trong bàn tay Chúa, thật hạnh phúc biết bao. Con cảm tạ và phó thác nơi Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng”.
    KÍnh chuyển:
    Hồng