2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  • TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Ba tuần 6 Thường niên năm II (Mc 8,14-21)

    Tin mừng: Mc 8, 14-21

    14 Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” 16 Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.

    17 Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh em ngu muội thế!

    18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao: 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.”

    20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh ?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư ?” Đức Giê-su chữa người mù ở Bết-xai-đa.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Các dấu lạ Chúa làm cho thấy Chúa hằng quan tâm và đủ quyền năng thực hiện cho ta những ơn lành hồn xác. Điều Chúa mong đợi nơi ta là hiểu đúng và đón nhận sứ mạng của Chúa, đừng để mình bị ảnh hưởng xấu của những kẻ cứng lòng và gian ác.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tuyển chọn và tách con khỏi thế gian để con trở thành dân riêng của Chúa. Chúa muốn con dù vẫn sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.

    Thế mà lạy Chúa, con lại rập theo lối sống trần gian. Con đang chịu ảnh hưởng của thứ men xấu. Nếp sống thực dụng, nặng về tiền bạc và vật chất, nếp sống hưởng thụ và ích kỷ, những chất men ấy đang thấm dần nơi người Kitô hữu. Con còn đang chịu ảnh hưởng tác hại của men dâm ô qua sách báo phim ảnh xấu. Con cũng thấy có cả men Pha-ri-siêu và men Hêrôđê của thời đại mới. Đó là sự cứng lòng, thù nghịch, dửng dưng, lãnh đạm với chuyện tôn giáo.

    Lạy Chúa, Chúa muốn con là men tốt trong rá bột trần gian. Đáng lẽ con phải biến đổi thế giới nên tốt đẹp và thánh thiện hơn, nhưng con lại để cho men xấu của thế gian ảnh hưởng trên con. Cái xấu như nắm men đang từng ngày thấm dần vào đời sống con, nó kín đáo âm thầm lặng lẽ nhưng lại rất mãnh liệt và làm biến chất đời sống người Kitô hữu.

    Con xin Chúa cho tất cả mọi người Kitô hữu ý thức lại sứ mạng của mình. Xin Lời Chúa và Thánh Thể Chúa gìn giữ con khỏi men xấu và giúp con sống thánh thiện giữa đời. Xin Chúa ở lại với con và sống trong con. Con sẽ luôn nhớ lời cảnh giác và báo động của Chúa. Xin cho con luôn biết tỉnh thức. Amen.

    Ghi nhớ: “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINHANH - HUẾ

  • LM MINHANH -HUẾ

     

    ĐỈNH CAO TOÀN THIỆN

    “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!”.

    Năm 1924, sau thất bại thám hiểm Everest, nhiều người chết. Phát biểu tại một cuộc họp, một người đã mô tả cuộc phiêu lưu xấu số. Sau đó, quay sang một bức ảnh khổng lồ đỉnh Everest, anh kêu lên, “Everest! Chúng tôi đã cố chinh phục bạn một lần, nhưng bạn đã áp đảo chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng lần hai; một lần nữa, bạn đã quá sức chúng tôi. Nhưng, Everest, bạn hãy biết rằng, chúng tôi sẽ chinh phục bạn, vì bạn không thể lớn hơn nữa; còn chúng tôi, có thể!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Chúng tôi, có thể!”. Đó cũng là những gì Chúa muốn chúng ta khẳng định với ‘đỉnh cao toàn thiện’ như vận động viên kia! Thật thú vị, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói lên một sự thật, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để trở nên tầm thường; Ngài mời chúng ta đạt đến đỉnh cao qua việc sống các Mối Phúc. Phúc cho ai nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị thù ghét vì Ngài!

    Đó đúng là những gì thế gian ghê sợ; và chúng ta đừng quên, Thiên Chúa cũng gớm ghiếc! Thế nhưng, lạ lùng thay, chính khi sống những nghịch lý Tin Mừng đó, những tầm cao đó, tâm hồn người môn đệ Chúa Giêsu lại tìm được cho mình một phần thưởng lớn lao nhất, chính Thiên Chúa, “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

    Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất cũng đồng tình, “Khốn cho ai tin tưởng người đời; phúc thay người tin tưởng nơi Chúa!”, Đấng mà vì Ngài, họ dám trở nên nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị thù ghét. Vậy tại sao được gọi là phúc? Được gọi là phúc, vì lẽ, Thiên Chúa, Đấng liên tục lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, dẫn chúng ta đi trên con đường Giêsu, đường cứu độ. Trên đó, Ngài thanh luyện chúng ta; đồng thời, củng cố, đổ đầy niềm tin, tình yêu và hy vọng; Ngài đưa chúng ta đến một mức độ thánh thiện ngày càng tăng. Vì thế, đừng bao giờ an phận với một cuộc sống tầm thường; thay vào đó, chúng ta quyết tâm đạt tới ‘đỉnh cao toàn thiện’, để Thiên Chúa trở thành trung tâm của tất cả, không chỉ đời này nhưng cả đời sau! Thánh Phaolô thật chí lý qua xác tín trong thư Côrintô hôm nay, “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô ở đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ”.

    Trong cuốn “Bí Mật của Đời Sống Nội Tâm”, “Secrets of the Interior Life”, Đức Cha Luis María Martínez viết, “Với ánh sáng của Thiên Chúa, linh hồn tiến bộ vững chắc khi nhìn thấy sự khốn cùng của mình. Chúng ta luôn có thể chìm sâu hơn trong đau khổ; nhưng theo mức độ mà chúng ta đi xuống, chúng ta sẽ đi lên; vì như vậy, đến gần Thiên Chúa hơn. Người ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa rõ hơn từ bên dưới; qua đó, thưởng thức những vuốt ve của Ngài cách ngọt ngào hơn, cảm nghiệm sâu sắc hơn sự quyến rũ từ sự hiện diện thiêng liêng của Ngài”.

    Trong Tin Mừng hôm nay, khi ngước mắt nhìn đám đông, ánh mắt Chúa Giêsu xuyên thấu những pháo đài bên trong họ, trái tim, nơi diễn ra trận chiến mỗi ngày giữa sự giằng co ‘tôi thuộc về Chúa hay thuộc về thế gian’. Trái tim được tạo ra cho tình yêu, nhưng bên trong, một cuộc chiến đã bùng phát giữa tình yêu Thiên Chúa hay tình yêu các tạo vật, mà thực sự là yêu bản thân. Ở đó, trận chiến giành lấy ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa phải được phát động không ngừng; bởi lẽ, sự sống và sự vĩnh cửu là “của dành, của để”. Như vậy, không ai có thể đạt tới ‘đỉnh cao toàn thiện’ mà không từ bỏ những gì họ sở hữu, khi tâm hồn chưa được giải phóng khỏi chúng. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ không chiếm hữu hoàn toàn trái tim chúng ta cho đến khi mọi thứ khác đã bị loại bỏ. Chừng nào cội rễ của những tình cảm ngổn ngang sau cùng còn đó, những gì không bị triệt tiêu… tình yêu của Thiên Chúa vẫn không thể toàn trị!

    Anh Chị em,

    “Chúng tôi, có thể!”. Chúng ta có thực sự khát khao một đời sống thánh thiện không; hay chúng ta chỉ bằng lòng với việc trở thành một Kitô hữu vốn chỉ cần không phải gây ô nhục, cũng không cần ngợi khen? Nghĩa là chúng ta tin Chúa, biết quý trọng người khác, nhưng cũng không cần phải nhấn mạnh quá mức. Như thế, hoặc là thánh thiện hoặc là tầm thường! Và nếu chấp nhận một lối sống cầm chừng với những gì tối thiểu, chúng ta không bao giờ đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’ như Thiên Chúa kỳ vọng!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con can đảm loại bỏ tận gốc những chấp trước, khiến con không thể đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’, tức là trở nên một vị thánh mà Chúa mời gọi con trở thành!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM NGUYỄN MINH HÙNG

TIN NƠI CHÚA MỚI LÀ PHÚC THẬT

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Khác Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Phúc cho AI có TINH THẦN nghèo khó, phúc cho AI hiền lành, phúc cho AI khóc lóc…”, thánh Luca cho biết Chúa nói một cách trực tiếp: “Phúc cho CÁC NGƯƠI là những người nghèo, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ BÂY GIỜ ĐANG khóc…”.

Đối với thánh Mathêu, một cái “AI” nào đó, nghe xa xôi, chung chung. Hơn nữa: “AI có TINH THẦN”: một cái “AI” trong TINH THẦN, chứ không phải “các ngươi” trong đời thường, như thánh Luca đã nói thật cụ thể.

Dĩ nhiên mỗi cách viết của mỗi thánh sử đều có mục đích, ý hướng, ý nghĩa riêng, khó mà so sánh. Nhưng nếu nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” thì dễ hiểu hơn.

Tinh thần nghèo khó thì người rất giàu vẫn có thể có. Giàu nhưng họ sống thanh bần, không lệ thuộc của cải vật chất, đề cao đức bác ái và cho đi một cách dễ dàng… Vì đó là tinh thần mà! Tinh thần nghèo khó không có nghĩa là thiếu thốn cái ăn, cái mặc nhưng là sống siêu thoát.

Còn trong Tin Mừng thánh Luca, Chúa lại nói một cách trực tiếp: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, tức là phúc cho bạn và tôi là những người, chính lúc này, đang nghèo, đang đói, đang khóc… Nghèo thật sự, đói thật sự, khóc thật sự, chứ không có tinh thần gì ở đây hết! Nghèo lắm, đói lắm, đau khổ lắm, chứ không phải xa xôi, ở tận đâu đâu.

Vậy ta phải giải thích cách nào?

Chính Chúa Kitô là câu trả lời hoàn hảo. Bởi Chúa nghèo đến nỗi, con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng chính Chúa thì không có chỗ gối đầu. Chúa không có chỗ sinh ra, phải mượn chuồng lừa làm nhà, mượn máng lừa làm nôi. Chúa chết không có mảnh vải che thân, phơi thây giữa trời giữa đất…

Chúa còn nghèo về phương diện sự sống. Loài người tước đoạt đến nỗi trong vườn Giêtsêmani, Chúa hấp hối trong cơn túa mồ hôi nặng như những giọt máu. Chúa bị ngược đãi, bị chống đối, bị thù ghét, bị lột sạch danh dự và nhân phẩm, bị giết chết đau đớn, ê chề…

Vẫn chưa hết, trên thập giá tang thương, Chúa cô đơn cùng cực. Nỗi cô đơn tưởng như ngay cả Chúa Cha, chỗ dựa duy nhất của mình, cũng đã bỏ mặc. Chính miệng Chúa thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con”.

Sự nghèo khó của Chúa Kitô đi đến cùng của lòng vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục cho đến nỗi không còn gì thuộc về mình, chỉ còn thánh ý Thiên Chúa như sức mạnh cuối cùng giữa lúc lực cạn, và gục đầu phó dâng linh hồn.

Cuộc đời của Chúa Kitô rực sáng niềm tin tưởng vào thánh ý Chúa Cha. Nhờ tin, Chúa vui nhận mọi thử thách. Nhờ tin, Chúa bằng lòng đón nhận thân phận của một con người bị vùi dập, bị bạc đãi đến cùng.

Bạn thân mến, nếu Chúa Kitô trung thành với thánh ý Chúa Cha đến hết đời của mình, thì chúng ta cũng phải như thế. Vinh quang bao giờ cũng có giá của nó. Vinh quang mãi mãi đứng phía sau thập giá.

Nghĩ như thế, tôi thấy trong lời chúc: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, có một tâm huyết dành cho chúng ta lớn lắm: Hãy tin vào Thiên Chúa. vì chỉ có những ai dù đói nghèo, dù khổ sở đến đâu, nhưng vẫn vững một lòng tin, mới là người có phúc.

Có ai không muốn mình hạnh phúc! Chúa Kitô cũng vậy. Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta phải nghèo, phải đói, phải khóc lóc. Nhưng Ngài muốn ta đi trên con đường mà Ngài đã đi. Đó là con đường của đức tin: Tin vào Thiên Chúa, Cha của Ngài và Cha của chúng ta.

Nghèo đói, thiếu thốn, than khóc… là những đau khổ. Nhưng trong đau khổ, hãy cứ tin. Đức tin sẽ giúp lắng bớt nỗi đau. Đức tin cho ta yên lòng vì biết Chúa nhìn thấy nỗi khổ sở, sự chịu đựng của ta. Đức tin thêm ơn sức mạnh để ta đủ nghị lực vượt thử thách. Nhờ đức tin, tâm hồn sẽ bình an và ấm áp.

Hiểu như thế, ta sẽ thấy đau khổ chính là phương tiện tuyệt vời chắp cánh cho đức tin bay cao và bay xa. Chỉ hiểu như thế thôi, đủ thấy nỗi khốn cùng chính là mối phúc. Vì nói cho cùng, ta phải nói: “Phúc cho kẻ đã tin. Và Phúc lớn cho kẻ trong đói nghèo, trong nước mắt, vẫn tin”.

Nếu Chúa đã từng cho biết: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, thì hôm nay, sống trong cuộc đời này, ta phải nói rằng, phúc cả thể cho những ai đi trong tăm tối, nhưng vẫn cảm nhận Thiên Chúa là Tình yêu.

Phúc cho người tin như thế, sẽ đúng như lời tiên tri Isaia đã nói trong bài đọc I: “Phúc cho người tin tưởng vào Chúa, Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

n

 
00:00
 
00:00
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 6 Thường Niên C

Video Player
 
00:00
 
00:00
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

SỐNG

  • TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Hai tuần 6 Thường niên năm II (Mc 8,11-13)

    Tin mừng: Mc 8, 11-13

    11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.

    12 Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.”

    13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Để được Chúa Giêsu làm phép lạ, cần phải có lòng tin.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những người Pha-ri-siêu đòi hỏi Chúa một dấu lạ từ trời nhưng Chúa đã thở dài não ruột và Chúa bỏ họ mà đi.

    Con nhìn thấy họ có thái độ thử thách Chúa. Họ không khác ma quỷ thử thách Chúa nơi hoang địa. Họ còn giống những người ở Na-da-rét thách thức Chúa làm phép lạ như đã xảy ra ở Ca-phác-na-um. Họ thử thách Chúa như những thượng tế và luật sĩ thách thức Chúa xuống khỏi thập giá để cứu lấy mình.

    Những thái độ trịnh thượng dù ở thời đại nào và dù ở đâu đi nữa cũng đều là những thái độ bất tín và tự cao. Con biết Chúa không thích những thái độ đó. Vậy mà, lạy Chúa, con dễ tự cao tự đại. Con cũng dễ thử thách Chúa lắm. Những khi cầu nguyện, con hay đặt điều kiện cho Chúa. Con thường đòi hỏi Chúa phải ban theo ý con. Rất hiếm khi con cầu nguyện như người con thảo khiêm cung phó thác…

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa đầy lòng từ bi và thương xót, xin Chúa cho con biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện. Để sống trên đời này, cần phải tin nhau, huống nữa là sống đời làm con Chúa. Xin cho con hoàn toàn tin Chúa. Con muốn tin vào Chúa để có thể nói chuyện với Chúa và thực sự gắn bó với Chúa. Khi ấy Chúa chẳng còn tiếc gì với con. Có gì buồn cho bằng con thử thách Chúa để Chúa phải bỏ con mà đi ?

    Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con. Xin cho con mỗi ngày càng yêu mến Chúa hơn. Xin cho con biết trọn vẹn tin yêu phó thác nơi Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ ?”
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ BẢY

  • TGM NGUYỄN NĂNG
     
     

    Thứ Bảy tuần 5 Thường niên năm II (Mc 1,1-10)

    Tin mừng: Mc 8, 1-10

    1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Chúa Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: 2 ”Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!

    3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến”. 4 Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?”

    5 Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc”. 6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra.

    Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. 8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!

    9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10 Lập tức, Chúa Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, vì Ngài chạnh lòng thương xót họ. Người Kitô hữu cũng có trách nhiệm cộng tác với Chúa Giêsu để nuôi sống nhân loại.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, con dâng lời cảm tạ Chúa đã nuôi con mỗi ngày. Cơm gạo con ăn hàng ngày là ơn Chúa ban. Không những Chúa nuôi con phần xác mà Chúa còn dưỡng nuôi tâm hồn con bằng bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể.

    Lạy Chúa, ngày xưa đứng trước đám đông dân chúng mệt lử, vì đói khát, các môn đệ biết rằng phải cứu giúp họ. Thế nhưng các ngài không có khả năng, không đủ phương tiện. Hôm nay, Chúa cũng sai con đến với người khác với hai bàn tay trắng. Con biết mình rất hạn chế khả năng và hạn hẹp lòng quảng đại. Tuy nhiên, với tất cả cố gắng và thiện chí, con đóng góp một mẩu bánh nhỏ. Phần còn lại, con tin Chúa sẽ lo liệu. Con chỉ có một mẩu bánh nhỏ như một lời chia sẻ ủi an, như một việc thiện giúp đỡ người khác, như một đồng bạc chia sẻ cho kẻ túng thiếu, như một lời kinh cầu cho những kẻ đau khổ… Một mẩu bánh ấy, con hiến dâng với cả tấm lòng và con tin Chúa sẽ thực hiện phép lạ làm no thỏa những đói khát của lòng người.

    Lạy Chúa, con vui sướng được cộng tác với Chúa nuôi sống nhân loại. Những gì con đang có đều do Chúa thương ban. Con không muốn giữ riêng cho mình, nhưng muốn quảng đại trao tặng người khác. Xin Chúa ban cho con quả tim biết động lòng thương xót trước những thiếu thốn của anh chị em con. Lạy Chúa, của cải lương thực trần gian không thiếu, nhưng chúng con thiếu sự phân phối công bằng và thiếu lòng quảng đại xót thương. Xin Chúa làm cho nhân loại chúng con biết sống quảng đại, biết trao tặng, biết hiến dâng, biết để dành lại cho người khác phần của họ. Amen.

    Ghi nhớ: “Họ ăn no nê”.
    Kính chuyển
    Hồng