2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - A REFLECTION - MƠ

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG

    Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66)

    6Tin mừng: Lc 1,57-66

    57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.”

    61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.

    65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Mỗi người một cách, cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như mỗi người chúng ta, từ lúc thụ thai tới khi sinh ra và qua mọi chặng đường đời, tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa can thiệp dẫn đưa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Thánh Gioan Tẩy Giả chào đời, mọi người vui mừng ngợi khen cảm tạ Chúa. Sự sinh hạ lạ lùng làm cho mọi người nhận ra bàn tay Chúa phù hộ trẻ này. Con tin rằng cuộc đời mỗi người chúng con, dù trong một hoàn cảnh đặc biệt hay bình thường, cũng đều do bàn tay Chúa can thiệp, do Chúa chuẩn bị và dẫn đưa. Bàn tay Chúa thường nhẹ nhàng, êm ái, âm thầm, con thường không nhận biết, nhưng thực ra, con đang bước theo bàn tay Chúa mở đường. Có những lúc con muốn trốn xa Chúa, nhưng đi đâu cho thoát khỏi bàn tay yêu thương của Chúa. Lạy Chúa, con chỉ biết dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn trìu mến.

    Ngày con chào đời, cha mẹ, anh em họ hàng vui mừng vì con. Chắc chắn họ đã để tâm suy nghĩ và tự hỏi: đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây ? Họ chờ đợi con sẽ lớn lên và trở thành niềm vui, niềm hy vọng và vinh dự cho họ. Nhưng rồi, lạy Chúa, đời con đã làm cho họ đau khổ, buồn sầu và thất vọng. Bàn tay Chúa vẫn ở với con, nhưng con đã vùng vẫy trốn chạy, con xin Chúa dẫn con trở về làm lại cuộc đời.

    Hôm nay, con cầu xin Chúa đặc biệt cho các thiếu nhi bị bỏ rơi. Xin bàn tay Chúa dẫn đưa các em gặp được những tấm lòng quảng đại đầy yêu thương. Con cũng cầu xin Chúa cho nhân loại biết tôn trọng sự sống từ trong bào thai, vì các thai nhi cũng là con người do bàn tay Chúa tác tạo nên. Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.

    Ghi nhớ: “Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ BA CN4MV-C

  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45)

    Tin mừng: Lc 1,39-45

     39Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. 40Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.

    41Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

    43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Bác ái không chỉ là giúp đỡ về phương diện vật chất, bác ái còn là biết đem Chúa đến cho người khác. Và đây chính là hình thức bác ái cao cả nhất.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, đạo của Chúa vẫn được gọi là đạo bác ái. Mở Phúc Âm ra hầu như trang nào con cũng thấy Chúa đề cao đức bác ái. Đối với Chúa, cốt lõi của đạo chính là đức bác ái. Điều răn trọng nhất đối với Chúa chính là điều răn bác ái. Tội nặng nhất đối với Chúa cũng chính là tội lỗi về đức bác ái.

    Cuộc sống khó khăn, kinh tế eo hẹp nhiều lúc làm cho con ra ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ đến gia đình, ai sống chết mặc ai. Nhiều lúc con dửng dưng, thờ ơ trước những nỗi thống khổ của anh em, nỗi khổ vật chất cũng như nỗi đau tinh thần.

    Xin Chúa cho con được mặc lấy tâm tình bác ái của Mẹ Maria, cho con biết mở lòng ra với mọi người, biết chia sẻ cho người bất hạnh, biết cắt nghĩa lành cho người khác, biết tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình.

    Lạy Chúa, xin cho con biết lên đường cùng với Mẹ Maria, biết đi bước trước đến với mọi người, không nghĩ đến lợi ích riêng mình, nhưng quan tâm đến hoàn cảnh sống của anh em. Xin cho con biết ra đi với trái tim đầy yêu thương, với đôi tay luôn giang rộng và với đôi chân luôn tiến bước.

    Xin Chúa cho con biết bắt chước Mẹ Maria, cưu mang Chúa nhưng không chỉ giữ cho riêng mình, trái lại, biết trao ban, chia sẻ và giới thiệu Chúa cho mọi người. Xin cho con biết sống sạch tội và kết hợp với Chúa, để nhờ có Chúa trong lòng, mọi việc con làm sẽ đem lại hoa trái cứu độ cho người khác.

    Lạy Chúa, xin cho gia đình chúng con tâm hồn bác ái như thánh Phan-xi-cô thành Át-si-di. Amen.

    Ghi nhớ: “Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”. ( C. 43)
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG

    Ngày 22 tháng 12: Lời kinh Magnificat (Lc 1,46-56)

    Tin mừng: Lc 1,46-56

    46 Bấy giờ bà Maria nói:

    “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
    47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

    48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
    từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

    49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
    danh Người thật chí thánh chí tôn!

    50 Đời nọ tới đời kia,
    Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

    51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
    dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

    52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
    Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

    53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
    người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

    54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
    55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
    vì Người nhớ lại lòng thương xót
    dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”

    56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Đức Mẹ vui mừng dâng lời ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa vì Người đoái thương nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn của Mẹ. Chúa hạ bệ những kẻ cao ngạo và nâng cao kẻ khiêm nhường.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong phút cầu nguyện hôm nay, con muốn nối tiếp lời tạ ơn của Mẹ Maria để dâng lên Chúa lời ngợi khen cảm tạ của chính con. Nhìn vào bản thân con, đời sống con, những người thân yêu của con, con nhận thấy muôn vàn ân huệ Chúa đã tuôn đổ trên chúng con. Có những ơn con thấy được, nhưng cũng có rất nhiều ơn con không nhận ra. Dù con chưa nhận ra, nhưng con biết rằng toàn thân con, tất cả nhưng gì làm nên đời sống con, những gì con đang được hưởng, và lạy Chúa, ngay cả những gì con đang gánh chịu, tất cả đều do tình thương Chúa ban tặng cho con. Có gì con có mà không phải nhận lãnh đâu.

    Lạy Chúa, con chỉ là tạo vật hèn mọn, đôi tay bất xứng lại luôn xòe rộng để hứng đón hồng ân. Con chẳng là gì cả, nhưng Chúa vẫn đoái nhìn đến con. Chúa vẫn cho con là quan trọng và ban tặng hồng ân. Con xin Chúa cho con mang lấy tâm tình của Mẹ Maria: càng được Chúa đoái nhìn và cho là quan trọng, thì Mẹ lại càng thấy mình chẳng là gì cả.

    Phần con, con chẳng là gì, nhưng đôi khi con lại cho mình là quan trọng, con đưa mình lên cao quá, con tự mãn về mình. Con biết Chúa yêu kẻ khiêm nhường và chống lại kẻ kiêu ngạo. Xin Chúa cho con biết sống khiêm nhường để được Chúa nâng cao trong trái tim Chúa. Xin cho con sống tâm tình biết ơn để xứng đáng tiếp tục nhận lãnh tình thương của Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại”. ( C. 49)
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG - CHÚT SUY NGHĨ MÙA NOEL

  •  
    Chi Tran
     
     


    CHÚT CẢM NGHĨ MÙA NOEL 2021

     

    Những ngày cuối năm, nghe như văng vẳng đâu đây khúc nhạc “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” như vỗ về an ủi lòng người với ước mong được hưởng một cuộc sống an bình, hạnh phúc.

     

    Nhưng buồn thay mùa Noel 2021 này, phận người sao lao đao quá. Đại dịch Covid-19 như cơn lũ đã càn quét thành phố suốt 5 tháng đã làm người dân thành phố lớn nhất nước lâm vào cảnh lao đao dù chính quyền, các tổ chức tôn giáo cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã cố gắng hổ trợ. Nhiều người đã phải nằm xuống vĩnh viễn trong cô đơn mà không kịp lời trăn trối.

     

    Giãn cách xã hội hơn ba tháng khiến người Sài Gòn vốn năng động đã phải ngồi yên không được ra đường. Nhà thờ, chùa chiền, các cơ sở thờ tự phải đóng cửa, các trường học phải chuyển qua dạy và học trực tuyến. Nhiều công ty, xí nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc vì không còn khả năng chi trả lương cho công nhân. Người lao động thất nghiệp, không có thu nhập phải kéo nhau về quê lánh nạn vì không có thu nhập trả tiến nhà, điện, nước …

     

    Tại Việt Nam đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm, hơn 28 ngàn người chết, cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn. Hàng chục ngàn gia đình mất người thân, hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid-19, người cao tuổi neo đơn không có người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc ….

     

    Rồi lại đến thiên tai lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh Miền Trung làm ta nhớ đến lời cảnh báo trong Tin Mừng “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” (Lc 21, 25 – 27).

     

    Mặc dù giờ đây đỉnh dịch đã qua, nhưng những con số tử vong, ca nhiễm … mất mát thiệt hại vẫn còn ám ảnh hàng ngày chưa biết đến ngày nào chấm dứt cùng với những di chứng trầm trọng về tâm lý và tinh thần. Thế nhưng “đói thì đầu gối phải bò” nên người Sài Gòn đành phải sống chung với dịch, lại phải ra đường kiếm sống. Thành phố lại nhộn nhịp, các công ty, cửa hàng, siêu thị, đang dần khôi phục lại hoạt động dù những con coronavirus vẫn còn đang chực chờ, rình rập.

     

    Việc bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng có thể sẽ còn lặp lại nhiều lần. Thời gian kéo dài sẽ làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, không những về kinh tế mà còn cả về tinh thần trong đời sống gia đình cũng như xã hội. “Sài gòn đã đứng dậy” được nhưng bước đi vẫn còn loạng choạng và cần phải có thời gian để hồi phục. Không ai có thể biết chừng nào đại dịch mới chấm dứt!

     

    Chúng ta đang sống trong giai đoạn “bình thường mới”, sinh hoạt bình thường nhưng lại phải cảnh giác đề phòng theo hướng dẫn. Ngược lại, đề phòng nhưng vẫn phải sinh hoạt để phát triển cuộc sống. Bình thường rồi lại giãn cách, sau đó lại bình thường … Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, phải chăng Thiên Chúa đang từng bước thanh lọc và đổi mới thế giới?

     

    Hàng năm chúng ta vẫn đón mừng kỷ niệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình mặc lấy kiếp phàm nhân, để đồng hành san sẻ với những phận người đau khổ, và ban phúc lành cho toàn thể nhân loại. Chúa đến để đem bình an, nhưng bình an chỉ thực sự ở lại khi con người biết sống khiêm nhường quảng đại và thực thi công bằng bác ái.

     

    Ngày xưa, Chúa Giêsu là kẻ không nhà khi xuống trần sinh ra trong hang đá, nơi trú ẩn của đàn gia súc. Máng cỏ đơn sơ khó nghèo nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người đã muốn trở nên người nghèo khổ bất hạnh để cảm thông với những người bất hạnh trên trần gian này. Người không chỉ dạy chúng ta sống nghèo mà còn phải cảm thông, chia sẻ với những người lâm vào hoàn cảnh tai ương, kém may mắn.

     

    Xin cho ánh sáng sao mùa Noel 2021 không bị che lấp bởi những niềm vui trần tục. Xin mọi người cùng đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong THƯ MỤC VỤ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN ngày 4/10/2021 mời gọi mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi” không phân biệt tôn giáo:

     

    Mỗi em trong mỗi giáo xứ sẽ được trao cho một gia đình hay một hội viên của một đoàn thể Công giáo, để thường xuyên thăm viếng, chia sẻ và cảm thông, khích lệ và hướng dẫn. Như vậy, nhờ hơi ấm tình thương của người thân, với sự cộng tác của giáo xứ, tâm lý các em được phát triển quân bình để trở thành người tốt cho xã hội. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này.

     

    Những món quà dâng Chúa Hài Đồng trong dịp Noel năm nay sẽ mang lại niềm vui và nhất là niềm hy vọng cho những người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi cha mẹ vượt qua phần nào những khó khăn, mất mát đồng thời giúp cho họ cảm nhận được sự gần gũi sống động của tình yêu Thiên Chúa.

     

    Để rồi mỗi mùa Noel đến, những khu phố, những con đường thành phố lại rực lên màu sắc của đèn sao chớp tắt lung linh lấp lánh. Những hang đá kỉ niệm Chúa giáng sinh huyền ảo với cỏ rơm, bò lừa ấm áp. Tiếng thánh ca nhẹ nhàng, thánh thót hòa chung với tiếng chuông nhà thờ mãi vang lên réo rắt.

     

    Jos. Hoàng Mạnh Hùng