TỰ TÁNH
Hầu hết chúng sanh đều có căn lành tánh thiện. Nhưng do vô minh huân tập che khuất tự tánh lành, lại theo tà vọng lôi cuốn, hiệp với Ác Nghiệp: Tham lam, Sân nộ, Mê si mà che khuất đi Bổn Lai Diện Mục của mình.
Sách Thánh Đạo ghi trong Tam Tự,
Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh.
Thiếu giáo dục thiếu thêm đức hạnh,
Ta quyết lòng nhắc lại tánh xưa.
(Giác Mê Tâm Kệ, Quyển tư)
TỰ TÁNH: Bổn tánh, Thể tánh, bản chất của người, của vật, hoặc của mình. Muôn sự, muôn vật, tức là các pháp, đều là như huyển, như hoá, do sự giả hiệp, do nhơn duyên mà thành, cho nên người ta nói các pháp đều không có tự tánh.
Các pháp vốn có cái tánh chẳng biến đổi, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng có chẳng không, cái tánh chơn thật ấy chính là cái tự tánh, cái chơn như vậy.
Về tự tánh, ta có thể phân làm ba món:
1. Y tha khởi tự tánh: Nương với cái khác mà phát hiện ra. Như hữu hình nương với vô hình, sống nương với chết, hoặc nương với nhơn duyên hòa hiệp mà thành. Vốn không thiệt có, chẳng qua là phát hiện ra như huyễn, như hóa vậy thôi.
2. Thiên kế chấp tự tánh: Không rõ các pháp vì nương nhau, vì nhơn duyên hòa hiệp mà thành, người ta thấy bày ra, liền chấp cho là có thật.
3. Viên thành thật tự tánh: Thật ra thì các pháp có cái tự tánh tròn đầy, không thay đổi, không hạn lượng, không giả dối, thoát ra ngoài hai cái tự tánh trên, ấy là cái chơn tánh vậy.
Ví như người đau mắt, Trông ra hư không, thấy những hoa đốm. Vì đau mắt nên có hiện tượng như thế. Ấy là Y tha khởi tự tánh. Nhưng người đau mắt chẳng dè là mình đau mắt, nên nhận ra cái hiện tượng ấy là thật, bèn phân biệt ra nào là hoa đốm đỏ, hoa đốm xanh, hoa đốm vàng v.v. Ấy là thiên kế chấp tự tánh. Tới chừng có ai chỉ ra cho mình biết rằng sự thấy ấy chẳng thật, chỉ là nương theo bịnh mà có thôi, chớ nào có những tướng hoa đốm đỏ, xanh,vàng. Ấy là viên thành thật tự tánh.
Người ta thường nói : Tự tánh Di Đà bổn cụ,
Duy tâm Tịnh độ hiện thành.
Nghĩa là: Di Đà tự tánh mình vốn đủ.
Tịnh độ duy tâm mình hiện thành.
Tức là, bực chơn tu dưỡng cho cái tánh mình được chơn thật như tánh Phật Di Đà, thì tâm mình hiện thành cảnh Tịnh độ vậy.
Pháp Bảo Đàn Kinh : Thế nhơn chung nhựt khẩu niệm Bát nhã, bất thức tự tánh Bát nhã, du như thuyết thực , bất bão. (Người đời cả ngày miệng niệm câu Bát nhã (như Ma ha Bát nhã Ba la mật), mà chẳng biết Bát nhã là cái bổn tánh của mình, cũng như nói “ăn” mà không no, vì nói ăn mà không ăn thì làm sao mà no ?).
Tự tánh mê tức thị chúnh sanh,
Tự tánh giác tức thị Phật.
(Tánh mình mê thì mình là chúng sanh,
Tánh mình tỉnh thì mình là Phật) .
(Trích trong Phật Học Từ Điển)
Thấy Đạo lý chớ nào thấy tánh,
Cón ẩn nơi tim óc xác phàm.
(Giác Mê Tam Kệ)
Khó tìm cho gặp chủ nhơn ông,
Còn ẩn ánh nơi vòng sanh chúng.
Ai mê tâm nghe qua không phủng,
Rán suy tầm đặng mở tánh linh.
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều Kinh,
Thì cũng thấy Bổn lai Diện mục.
(Sa Đéc)
TÁNH (Tính) 1. Chủng tử, cái nhơn cội rễ, như : Tánh căn (căn tánh) , tánh đức (đức tánh.
2. Thể, như: Tánh mạng, tự tánh, tánh thể.
3. Cái nguyên lý chẳng dời đổi, chẳng tiêu mất, như : Thiện tánh, tánh hạnh, Phật tánh.
4. Tánh chất riêng của từng loại. Như : Kiên tánh: Tánh dày dặn, tánh của đất. Thấp tánh : tánh của nước. Nhiệt tánh : Tánh nóng, tánh của lửa. Động tánh : tánh chuyển động , tánh của gió.
TÁNH GIÁC. Cái tánh tỉnh giác, cái tự tánh giác ngộ. Cái chơn như, cái Phật tánh của mình chẳng do cái thể khác giác ngộ. Mà tự tánh mình giác ngộ lấy mình.
Tánh ngay thẳng ta không dời đổi,
Dầu tan xương nát thịt chẳng màng.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Vua Thái Tông hai lần nói đến việc “mượn đến phương pháp niệm Phật” cho ta thấy vua xem niệm Phật cũng là một phương tiện thiền định, bởi niệm Phật là gạn lọc tâm ý, diệt trừ ác nghiệp, phá trừ những chướng ngại tâm lý để làm hiển lộ bản tính mà cũng là Phật tính.
Bài Thơ của Tuệ Trung về Tịnh Độ cũng cho biết ông xem đức Phật A Di Đà là tự tâm của mỗi người, là pháp thân có mặt khắp nơi như ánh trăng có mặt trên mọi sóng của Đại dương vào một đêm thu lạnh:
Di Đà vốn thực pháp thân ta,
Nam, Bắc, Đông,Tây khắp chói lòa.
Trăng Thu ngự giữa trời cao rộng,
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.
(Tâm nội Di Đà tử mạ khu,
Đông, Tây, Nam, Bắc pháp thân chu.
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt,
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu ).
Trích (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận)
Đường đạo lý chớ nên chán nản,
Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm.
Phật Tây Phương thiệt quá xa xăm,
Phải tìm kiếm ở trong não trí.
(Kệ Dân quyển 2)
Xưa Huệ Năng vì cầu Đạo phải giã gạo. Nhưng vì thân ốm không đạp nổi cho chày cất lên, Ngài phải cột thêm đá cho nặng mới giã được gạo. Chính việc làm vì Đạo quên mình của Ngài, Khiến cho người sau mổi khi đọc đến đều cảm động và chính Ngũ Tổ thầm khen “Vì Pháp mà quên mình đến thế ư ?”. Tổ hỏi :Gạo trắng chưa ? Huệ Năng thưa : Gạo trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng. Tổ mới lấy gậy gõ vào cối 3 cái rồi đi. Ngài hội được ý Tổ, đến khi trống canh ba liền lén vào Thất. Tổ lấy áo Cà Sa giăng chung quanh không cho người thấy. Rồi nói Kinh KIM CANG, đến câu “Ưng vô sở tru nhi sanh kỳ tâm”, ngay nơi lời nói đó Ngài liền đại ngộ thấy tất cả muôn Pháp chẳng lìa tự tánh, mới thưa Tổ rằng;
“Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn Pháp”.
Bồ đề bổn tự tánh,
Khởi tâm tức thị vọng,
Tịnh tâm tại vọng trung,
Đản chánh vô Tam chướng.
Bồ đề là tự giác, cái giác đó ở đâu ? Vốn là tự tánh của mình. Cái giác vốn không phải cái gì xa, mà ngay nơi tự tánh của chúng ta, cho nên kiến tánh là thấy Bồ đề, là giác. Khởi tâm tức là vọng. Như vậy tự tánh hằng tri hằng giác là Bồ đề, vừa dấy niệm lên đó là vọng. Tâm tịnh ở trong vọng. Nếu vọng thì bị ba Chướng.
Ba chướng là gì ? Ba chướng là Nghiệp chướng, Phiền não chướng, Báo chướng. Nghiệp chướng là những thói quen, việc làm của mình. Thí dụ như chúng ta hút thuốc, ngày nào không có thuốc thì ngáp tới ngáp lui đó là Nghiệp chướng, uống rượu cũng vậy, ngày nào thiếu nó thì sanh Chướng, nó làm phiền mình. Đó là Nghiệp nhỏ, Nghiệp lớn cũng vậy. Phiền não Chướng tức Tham, Sân , Si . Báo Chướng tức là thân bịnh hoạn, muốn tu, muốn làm lành, làm công đức, nhưng cứ bịnh mãi nên không tu được. Đa số người tu hiện nay bị ba Chướng đó làm khổ sở làm trở ngại, có người bị Nghiệp Chướng thói quen dẫn chạy hoài, dừng không nổi; có người bị Phiền não Chướng, mỗi lần nghe người nói thế nầy, thế kia…Là nổi Sân lên; có người không có hai Chướng trên nhưng thân cứ đau mãi. Nay muốn hết ba Chướng đó thì phải làm sao ? Phải ngay trong vọng đó mà Tâm mình thanh tịnh thì ba Chướng hết, tâm thanh tịnh hiện thì ba Chướng dứt. Vì sống với tâm thanh tịnh thì không có Báo chướng, cũng không có Nghiệp chướng, cũng không có Phiền não chướng.
“Tăng Trí Thông, quê ở An Phong thuộc Thọ Châu, ban đầu xem Kinh Lăng Già đến hơn ngàn lần mà không hiểu được Ba thân, Tứ trí. Đến lễ Tổ cầu giải nghĩa nầy. Tổ bảo ba thân là Thanh tịnh pháp thân là tánh của ông, Viên mãn báo thân là trí của ông, Thiên bá ức hóa thân là hạnh của ông vậy ”. Tổ dạy; “ Thanh tịnh pháp thân tức là tự tánh thanh tịnh của mình , Viên mãn báo thân tức là trí tuệ bất sanh bất diệt của mình, Thiên bá ức hóa thân tức là những hạnh lành của mình . Nếu lìa bốn tánh riêng nói ba thân tức gọi có thân mà không có trí, nếu ngộ được ba thân không có tự tánh tức là rõ ba trí Bồ đề”. Hãy lắng nghe tôi nói Kệ :
“Tự tánh cụ Tam thân,
Phát minh thành Tứ trí,
Bất ly kiến văn duyên,
Siêu nhiên đăng Phật địa.
Ngô kim vị nhữ thuyết,
Đế tín vĩnh vô mê,
Mạc học trì cầu giả,
Chung nhật thuyết Bồ đề.”
Tự tánh đầy đủ Ba thân, phát minh ra thành Tứ trí. Chẳng lìa duyên thấy nghe hiện tại nầy, siêu nhiên bước lên quả vị Phật. Nay tôi vì ông mà nói, tin chắc chắn hằng không mê lầm, chớ học người tìm cầu bên ngoài, trọn ngày nói Ba thân Tứ trí, mà không biết Ba thân Tứ trí là gì. Đến đây Tổ chỉ thẳng Ba thân Tứ trí có đủ nợi mình.
Trích (Pháp Bảo Đàn Kinh)
Tâm sáng suốt như đài Nguyệt kiến,
Tánh trong như nước bích mùa xuân.
Nếu không tu chừng khổ cũng ưng,
Đừng có trách sao không chỉ bảo.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra là một tín đồ chân thành của Đạo Phật được. Tại sao vậy ?
Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng : “các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người “ mà trái lại, Ngài dạy rằng : “các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh cùa mình”. Thiệt hành theo Giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy.
Trích (Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Trương Văn Thạo (Tìm hiểu)