21. Các Bài Độc Giả Gửi Tới

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - SAU TUỔI 70 ?

  •  
    Long Nguyen

    Kinh chuyen !

    Sự thay đổi sau tuổi 70

    Một bạn vừa sinh nhật 70 có hỏi tôi: "khi bác 70, trong suy nghĩ bác có thay đổi gì không?"

    Tôi trả lời: có chứ, thay đổi chủ yếu ở 12 điều dưới đây:

    1. Trước đây tôi yêu bố mẹ, anh em, bà xã, con cái, bạn bè, giờ tôi bắt đầu yêu chính mình.

    2. Tôi đã hiểu ra mình không phải Thượng đế, mình không thể gánh nổi cả thế gian.

    3. Không mặc cả với những người bán rau bán cá nữa, trả thêm cho họ ít tiền không làm tôi nghèo túng, biết đâu số tiền đó lại góp phần nhỏ bé trong học phí của con cái của họ.

    4. Tôi không chờ lấy tiền thối lại khi đi taxi, tiền boa đó biết đâu đổi lại được một nụ cười, dù sao anh ta cũng sống vất vả hơn mình mà.

    5. Tôi không nói với các cụ rằng “câu chuyện này đã nghe nhiều lần rồi, biết rồi, nói mãi.” Hãy để các cụ thoải mái ôn lại kỷ niệm xưa và cảm thấy hạnh phúc.

    6. Tôi thôi không bắt lỗi khi người khác sai, bởi vì mình không có trách nhiệm làm cho họ trở nên hoàn hảo.

    7. Tôi luôn miệng khen tặng người khác, khiến người ta vui mình cũng được vui lây.

    8. Tôi không bận tâm những vết bẩn trên áo quần, dù sao nhân cách vẫn quan trọng hơn vẻ bên ngoài.

    9. Ngày càng xa lánh những kẻ xem thường mình, bởi có hay không có họ, giá trị thực của tôi cũng chẳng thay đổi.

    10. Không vì bảo vệ quan điểm của mình mà đánh mất tình bạn, hãy để mọi người cùng vui hơn là thoả mãn một mình.

    11. Tôi sẽ xem mỗi ngày là ngày cuối cùng của đời mình, trước sau gì ngày ấy cũng sẽ đến.

    12. Tôi luôn làm những gì mình yêu thích để tận hưởng cuộc sống, đó chính là trách nhiệm lớn nhất giành cho chính mình.


    Lược dịch: Thomas (bài do bạn Bá Trẩn giới thiệu)

     

    width= Sans virus.www.avg.com

     

    --

     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - LEO NUI

 

 

N G Ư Ờ I Y Ê U M À U T R Ắ N G
Bạn tôi yêu màu trắng nên những vật dụng bạn dùng, áo quần bạn mặc thường là màu trắng. Những ngày mùa Xuân, bạn tôi mặc bộ quần áo bằng lụa trắng, ngồi ngoài vườn, dưới gốc cây mơ cổ thụ nở đầy hoa trắng, trông bạn tôi và cảnh vật đẹp như một bức tranh.
Có nhiều người khác cũng yêu thích màu trắng như bạn tôi. Có người yêu màu trắng, vì đó là màu áo của y khoa, của những con người nhân ái cúi xuống vết thương đau đớn của đồng loại, cố gắng với thiện tâm của mình, làm giảm đi cơn đau và làm khô đi những dòng nước mắt. Có người yêu màu trắng qua hình ảnh những nữ tu áo trắng, dịu dàng, thánh thiện, những nữ tu "bước giữa đời mà mắt ngắm trăng sao." (*) Rất nhiều người khác yêu màu trắng vì yêu kỷ niệm, vì ôm ấp mãi trong trái tim mình hình ảnh của tuổi thơ áo trắng tung bay, ngày ngày cắp sách đến trường. Và người ta có hàng trăm lý do khác nhau để yêu thích màu trắng.
Phần tôi, tôi yêu màu trắng vì đó là màu bụi phấn. Vì yêu, tôi miệt mài trong đêm để soạn bài, chấm bài. Vì yêu, tôi đem chữ nghĩa, văn chương vào lớp học, làm cho lóng lánh lời vàng ý ngọc của những bài thơ, đoạn văn mượt mà, hoa mỹ.
Màu trắng mang nhiều ý nghĩa đẹp và dễ thương.
Trước hết, màu trắng là màu của trinh bạch. Tấm giấy trắng chưa một vết mực là hình ảnh của một tâm hồn tuổi thơ còn trong trắng. Ngày em bé được bế đến nhà thờ chịu phép Rửa Tội, em thường được cha mẹ mặc cho bộ quần áo trắng; và vị linh mục, người ban phép Rửa Tội cũng khoác lên người em một tấm khăn trắng, tượng trưng chiếc áo trắng tâm hồn của em. Tặng một cành hoa trắng, người ta muốn nói với người nhận hoa rằng "tôi dành cho người một tình cảm trong sạch." Thực là đẹp, nếu suốt cuộc đời, người ta giữ được vẻ trinh trắng của chiếc áo tâm hồn ngày chịu phép Rửa Tội; và cũng thật dễ thương nếu tình cảm người ta dành cho nhau mãi mãi trong sạch như cành hoa trắng mộng.
Màu trắng còn là màu của bác ái, màu của một tình yêu mênh mông, không biên giới nào ngăn cản được. Người sống với tình bác ái, trái tim không chất chứa bất cứ một điều gì đen tối. Trái tim đó "không ghen tị, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không tìm tư lợi, không giận dữ, không mưu mô gian ác, không vui khi thấy sự bất công..." (I Corinto 13:4-6.) Trái tim ấy thơm ngát tình người và tình trời.
Màu trắng là màu của bình an, hoà chứ không chiến. Lá cờ trắng kéo lên trong trận chiến mang ý nghĩa một sự cầu hoà, không muốn chiến tranh gây hấn nữa. Từ đó, người ta cũng có thể suy ra rằng màu trắng còn là màu của khiêm nhường. Khiêm nhường để nhìn nhận giới hạn của mình, vì thế mà không muốn tranh hơn tranh thắng.
Màu trắng, hơn nữa, là màu của sự hoà hợp và chấp nhận. Trong nghệ thuật hội hoạ, màu trắng hoà hợp được với tất cả các màu khác. Nói khác đi, nó chấp nhận bất cứ màu nào đứng cạnh nó, không từ chối một màu nào. Bạn tôi nói rằng: mặc một bộ quần áo trắng, ta có thể cài bất cứ chiếc nơ màu nào, đi bất cứ đôi giày màu nào. Tôi tự nghĩ: nếu bất cứ người nào yêu thích màu trắng đều học được tính hoà hợp và chấp nhận người khác, như màu trắng hoà hợp và chấp nhận được mọi màu sắc, thì người ấy đẹp đẽ và dễ thương biết ngần nào.
Thật ra, không phải tự nhiên mà màu trắng có thể hoà hợp và chấp nhận được mọi màu. Tự bản chất, màu trắng là tổng hợp của những màu khác. Quay tròn một chiếc đĩa giấy, trên đó vẽ bảy múi màu chính: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, người ta sẽ thấy những màu đó biến mất, chúng hoà lại với nhau, trở thành màu trắng. Như thế, tận trong bản chất, màu trắng đã chứa đựng các màu khác. Tôi nghĩ, người sẵn sàng hoà hợp và chấp nhận người khác cũng như thế: không phải họ chỉ cố gắng cho có vẻ bên ngoài, nhưng trong tận cùng tâm hồn, họ phải chứa đựng hình ảnh của tất cả mọi người, lòng họ đủ quảng đại để bao dung tất cả mọi người.
Tuy nhiên, màu trắng cũng có khuyết điểm: nó dễ bị ảnh hưởng của những màu khác. Giặt một mớ quần áo lẫn lộn, khi lấy ra, những chiếc áo trắng có thể đã bị loang lổ vì màu sắc của những chiếc áo khác phai qua. Người có "tâm hồn màu trắng" có lẽ cũng phải cẩn thận khi sinh hoạt, chung đụng với những người khác, kẻo sẽ chịu ảnh hưởng không tốt của tha nhân.
Tôi dừng sự suy tư về màu trắng của mình ở ý nghĩ: màu trắng, một màu tưởng như không là gì, lại là màu thắng được tất cả các màu khác, dung chứa được tất cả các màu khác. Điều ấy nhắc nhở tôi rằng: sống hiền lành, khiêm nhường, chân thật, bác ái, hoà hợp, chấp nhận người khác... không phải là lối sống ủy mị, khiếp nhược, nhưng thực ra là cách sống hào hùng, cách sống đưa tới sự lôi cuốn và chinh phục.
Bởi thế, mỗi khi nhìn ngắm một bông hoa trắng, tôi lại nhớ đến bạn tôi, người yêu màu trắng. Bạn tôi, thể xác trông mảnh mai yếu đuối nhưng lại có một tấm lòng rộng mở, một ý chí kiên cường và một lòng bác ái vô biên. Tôi cầu mong tôi cũng như tất cả những ai yêu màu trắng học được những bài học quý giá của màu trắng ấy.
(*) Ý tưởng của Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch
Hình ảnh: mượn trên internet
 ------------------------------------------------------
 
 
 
 
 

 

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - TS DUYỆT

  •  
    DM Tran
     

    PROP 1: DỰ LUẬT CHO PHÉP GIẾT THAI NHI

    Trần Mỹ Duyệt

     

     

     

    Ngày 8 tháng 11, 2022 tới là ngày bầu cử toàn quốc. Người dân California sẽ phải chọn lựa “chấp thuận” hay “không chấp thuận” Dự Luật 1 (Prop 1). Đây là Dự Luật với chủ đích Phá Thai. Nếu phần đông cử tri chọn “yes” (chấp thuận), Dự Luật này sẽ thành luật, đồng nghĩa với việc phá thai hợp pháp tại California. Những Dự Luật tương tự cũng được cử tri quyết định tại các tiểu bang Kansas, Kentucky, Montana, và Vermont.

     

    Quyền được phá thai toàn thời gian mang thai, ngay cả khi bào thai đã được chín tháng, mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều kiện hay giới hạn nào. Một cách đơn giản là nếu người mang thai không muốn tiếp tục nữa, và không muốn đứa trẻ được sinh ra thì có thể phá bỏ đi bất cứ lúc nào mà không ai có quyền ngăn cấm. Nếu hành động này được bảo đảm bởi luật pháp, thì nó không đơn thuần chỉ ảnh hưởng đến tiểu bang California, Kansas, Kentucky, Montana, hoặc Vermont. Cái quan trọng là số những tiểu bang còn lại sau này trong những lần bầu phiếu kế tiếp. Và đặc biệt hơn, vì Hoa Kỳ là một quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới nên tầm ảnh hưởng của nó rất lớn đối với các quốc gia khác, trong đó có các quốc gia kém mở mang. Chúng ta nghĩ gì về quyết định phá thai bừa bãi, man rợ, và phi nhân tính này khi nó lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới. Liệu sẽ có bao nhiêu thai nhi, bao nhiêu trẻ thơ không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời?! 

     

    Thống kê năm 2020 của the Guttmacher Institute tường trình đã có 930.160 ca phá thai. Trung bình 14,4 ca đối với 1.000 phụ nữ tuổi từ 15-44 tuổi, và 20,6 ca trên 100 trường hợp mang thai đã chấm dứt bằng phá thai hoặc sinh con. [1]

     

    Đó là những trường hợp phá thai giới hạn của thai kỳ, được công bố, nhưng nếu việc phá thai trở thành vô giới hạn, tức là phá thai cho đến lúc người mẹ chuẩn bị sanh thì con số này sẽ nhiều đến cỡ nào? Điểm nghịch lý ở đây là người phụ nữ thường dùng lý do sức khỏe để phá thai, nhưng họ có biết rằng phá thai trong những điều kiện khi thai nhi đã lớn, đã trở thành một em bé thì sự nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ như thế nào? Có bao nhiêu trường hợp phá thai như vậy mà mạng sống người mẹ bị đe dọa hoặc bị chết?  

     

    SỨC KHỎE TÂM LÝ VÀ TÌNH CẢM SAU KHI PHÁ THAI

     

    Sức khỏe thể lý cũng như sức khỏe tâm lý và tâm thần của người phụ nữ đều phải được quan tâm như nhau. Theo phản ứng của những người chống đối, thì phá thai dẫn đến những căng thẳng tình cảm, những cảm giác tiêu cực, hoặc những hội chứng về sức khỏe tâm thần.  

     

    Đối với những người ủng hộ, thì những cảm giác của phụ nữ sau khi phá thai có nhiều ý kiến. Dựa theo một số đã được công bố trên Perspectives thì không có những ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe tâm thần sau này. Tuy nhiên, một số kết quả cũng được tìm thấy trong cuộc khảo cứu này:

     

    Bốn tháng sau khi phá thai, bốn trên 10 phụ nữ với tư cách là người tham dự cuộc khảo cứu năm 1975 đã có những cảm nghĩ tiêu cực về phá thai. Những người này đã tỏ ra bất đồng ý kiến với số đông thường xuyên có “những tính cách nói lên sự chối bỏ những cảm giác hoặc một hình ảnh tiêu cực.”  Họ cũng cho biết có ít các cuộc liên lạc hoặc sự nâng đỡ từ bạn bè, người thân hơn những phụ nữ cảm giác về việc sinh nở.  

    Trong giới trẻ tham gia cuộc khảo cứu gồm những em đã thử thai trong năm 1985-1986, kết quả là những em đã bỏ thai không có những dấu hiệu về tâm lý hơn trong hai năm sau đó so với những em đã mang thai hoặc không mang thai. Trên thực tế, các em đã kinh nghiệm ít về những thay đổi tâm lý tiêu cực hơn những em khác. 

    Một tuần sau khi phá thai, các phụ nữ tham dự cuộc khảo cứu từ năm 2008 đến 2010 “cảm thấy hối hận, buồn và tức giận về việc mang thai hơn là về việc phá thai, và cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn về việc phá thai hơn là việc mang thai.” Cũng như vậy, phản ứng tiêu cực về việc mang thai gia tăng đối với những phụ nữ hoạch định có thai và gặp những khó khăn trong quyết định phá thai. 

    Tại Hòa Lan, những phụ nữ tham dự cuộc khảo cứu ngay sau khi phá thai từ năm 2010-2011 cho biết, trong vòng 3 năm không thấy có liên quan đến việc phá thai và các vấn đề liên hệ - quyết định trước khó khăn hoặc không xuôi thuận, lịch sử của nhiều lần phá thai, và nêu lên số lần phá thai - và những triệu chứng tâm thần sau này. Nhưng có những vấn nạn mật thiết và tạo nên lịch sử những triệu chứng liên quan đến tâm thần sau đó. [2]  

    CHỌN LỰA VÀ TỰ QUYẾT

     

    Theo những kết quả của các cuộc khảo cứu trên, ít nhiều vẫn có những khó khăn, phản ứng tiêu cực và ảnh hưởng tâm thần sau khi phá thai. Ngoài những hậu quả do sự chọn lựa cá nhân, nhưng việc giết bỏ thai nhi còn ảnh hưởng nhiều đến xã hội. Đại khái là ai đó cứ việc ăn chơi thoải mái, khi có bầu chỉ cần một cú điện thoại, hoặc đến một văn phòng phá thai nào đó, ít phút sau vui vẻ ra về và tiếp tục ăn chơi tiếp. Ngoài ra, nếu có bà con, cháu chắt ở những tiểu bang cấm phá thai thì cứ việc mời qua California chơi và sau đó ra về thoải mái. Vì “Tiểu bang sẽ không từ chối hoặc cản trở quyền tự do sinh nở của một cá nhân trong những quyết định rất riêng tư của họ, bao gồm quyền căn bản để chọn lựa phá thai, và quyền căn bản để chọn hay từ chối ngừa thai.” [3]

     

    Ngày 25 tháng Tám, 2022, trong Thư Gửi Các Tín Hữu của Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone,* Tổng Giáo Phận San Francisco đã viết: “Như quý ông bà và anh chị em biết, chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất nghiêm trọng trong lịch sử của California: các cử tri đi bầu vào tháng Mười Một sắp đến sẽ được hỏi về sự chấp thuận hay không chấp thuận một dự luật “quyền” phá thai trong mọi thời gian mang thai, ngay cả khi bào thai đã được chín tháng, không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều kiện hay giới hạn nào, để trở thành luật của hiến pháp tiểu bang. Đây đúng là một điều nhiễu loạn do bầu khí chính trị của tiểu bang khơi lên dưới hình thức Dự Luật số 1 trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng Mười Một sắp tới.” Lá thư tiếp tục viết:

     

    “Hội Đồng Giám Mục California nhất quyết đánh bại Dự Luật số 1 này, và xin mọi tín hữu Công Giáo trong tiểu bang hãy nhận thức được dự luật nguy hiểm này, và khuyến
    khích bạn bè thân hữu chống lại dự luật này, và hợp nhất bỏ phiếu “No on Prop 1 Campaign” cùng với lời cầu nguyện, ăn chay hãm mình và đóng góp tài chánh hỗ trợ cho cuộc vận động.” [4]

     

    Ý THỨC TỘI LỖI

     

    Thế giới hôm nay, dưới ảnh hưởng của “nền văn minh sự chết” (St. Gioan Phaolô II) con người đi tìm cho mình một lối sống ngoài tất cả những gì quan phòng tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng. Để được những gì mà con người muốn tìm, muốn hưởng, nó không ngần ngại quay lưng và phủ nhận lề luật mà Ngài đã truyền dạy: “Ngươi không được giết người.” (Exodus 20:13, Deuteronomy 5:17) Nhưng còn hơn một hành động giết người, ngày nay người ta giết chính con mình bằng hành động tự do lựa chọn.

     

    Theo dõi diễn trình nhằm tiến tới việc phá thai, chúng ta nhận thấy đây không còn là một hành động đơn thuần do trí óc con người sáng tạo. Nó được hiểu là một chiến thuật thâm độc, nguy hiểm, và tàn ác của Satan nhằm phá vỡ hạnh phúc con người, hạnh phúc gia đình, và hạnh phúc nhân loại. Đầu tiên là phá thai vì sức khỏe người mẹ. Phá thai ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Người ta lý luận bào thai lúc này chưa thành hình. Sức khỏe của người mẹ cần được bảo vệ.  

     

    Tiếp đến là phá thai vì người mẹ bị cưỡng hiếp, vì có thai ngoài ý muốn, vì kinh tế bất ổn. Thí dụ, người cha của bào thai có thể là một kẻ tội phạm mang nhiều bệnh tật thể xác cũng như tâm thần. Rằng mang thai trong những trường hợp như vậy sẽ tạo một hậu chấn tâm lý ảnh hưởng cả người mẹ và bào thai.  

     

    Sau cùng là phá thai vì đây là quyền lựa chọn của nữ giới. “Thân xác của tôi”, và “Chọn lựa của tôi.” Người phụ nữ trong trường hợp này có quyền giữ hay bỏ một bào thai. 

     

    Nhưng hành động phá thai không thể tiến xa hơn nếu thiếu sự cộng tác của một số các nhà tâm lý, xã hội học và triết học, của giới truyền thông, chính trị, y sỹ, và lãnh đạo tôn giáo tả khuynh. Dự Luật 1 của California rõ ràng đang ở trong tình trạng chính trị hóa, phục vụ cho lợi ích chính trị, và đảng phái. Phụ nữ nếu có chỉ là bị lợi dụng, chỉ là nạn nhân của những trò lừa đảo xã hội. Cuối cùng phần thiệt vẫn là họ.

     

    Một dự luật cho phép phá thai toàn phần, không cần dựa trên bất cứ một nguyên nhân nào, hoặc bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ, miễn là người phụ nữ muốn loại bỏ một bào thai là bỏ và không ai có quyền ngăn cản. Đây là một sự hấp dẫn tâm lý mà sức tiềm ẩn của nó khó lòng cưỡng bỏ, đặc biệt, khi con người không còn đặt nặng giá trị luân lý, đạo đức, giá trị nhân phẩm, và giá trị mạng sống của một con người như thế nào! Thật là tàn ác, và thật là ghê sợ! Và cũng thật là giả dối, là chối bỏ sự thật. Người ta cứu một con ngựa, con chó, con mèo bị rơi xuống hố. Nhưng người ta không gớm tay, không xót thương giết chết một em nhỏ trong bụng mẹ. Một quyết định, một chọn lựa quá độc ác, vô tâm, và vô nhân đạo!     

     

    Vì “Đánh mất đi ý thức tội lỗi” (Piô XII), nhân loại ngày nay coi việc phá thai, giết hại thai nhi như một hành động tự do, thuộc về cá nhân con người, và con người có quyền quyết định. Họ bất chấp lời cảnh cáo của Thượng Đế: “Giơ chân mà đạp mũi nhọn thì khốn cho các ngươi”. (cv 9:5) Những kẻ cố tình dấn sâu vào tội ác giết hại thai nhi, sống ngược lại với tiếng nói lương tâm, và phủ nhận quyền sáng tạo của Thượng Đế chắc chắn sẽ phải lãnh chịu hậu quả của việc giơ chân đạp mũi nhọn của mình!

     

     

    _________

     

    Tham khảo:

     

    1. Abortion statistics in the United States - Wikipedia

    https://en.wikipedia.org › wiki › Abortion_statistics_in_th...

     

    2.https://www.guttmacher.org › perspectives50 › emotion...

    Emotional and Mental Health After Abortion

     

    3. (California State Legislature, "SCA 10," accessed June 9, 2022)

     

    4.https://cacatholic.org/prop1

    and: https://sfarchdiocese.org/noonprop1/.

     

    * Archbishop Cordileone serves as Chairman of the United States Conference of Catholic Bishops (USCCB) Committee on Laity, Marriage, Family Life and Youth and so is also a member of the Administrative Committee of the USCCB, and he is a member of the USCCB Committee for Canonical Affairs and Church Governance as well.

     

     
     
     
     
     
     
     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - PHUNG PHUNG - ĐI TÌM PHỐ ĐẠO TÂY NGUYÊN

  •  
    phung phung

    ĐI TÌM “PHỐ ĐẠO TÂY NGUYÊN

                   F.X Vũ Sinh Hiên

    Kể từ sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất liền một dải, người Kinh từ khắp nơi lên Tây Nguyên Trung phần lập nghiệp, đặc biệt là khu vực gần Ban Mê Thuột- Đaklak. Hàng loạt xứ đạo từ miền Trung được thành lập gần Ban Mê Thuột khiến người người đã “thuổng” một câu kinh trong Thánh lễ Công Giáo mà truyền miệng nhau : “Trời đất đầy Vinh”. Đi từ Nam lên Bắc theo quốc lộ 14, rời Đaklak lên Gia Lai, đến Kontum là gặp con sông Đakbla từ Bắc chảy xuống rồi ngoằn ngoèo ôm trọn bình nguyên Kontum. Địa thế này đã được vị Giám mục Đàng Trong, Đức Cha Cuenot Thể nhìn rõ, mặc dù cả đời Giám mục Đàng Trong của ngài chỉ sống dưới hầm ở Bình Định nhưng tầm nhìn của ngài đã phóng lên Tây Nguyên. “Anh cứ xẻ rừng mà đi, khi gặp con sông lớn, anh dựng lều ở đó và rao giảng Tin Mừng”, lệnh của vị Giám mục cho thầy Sáu Do năm 1848. Vì vậy, khi qua cầu Đakbla là chúng tôi vào địa phận Kontum rồi đấy. Thành phố Kontum hôm nay được phát triển dọc theo quốc lộ 14 lên hướng Bắc thành đại lộ Phan Đình Phùng, trục chính của thành phố, các cửa hiệu cung cấp mọi thứ cho sinh hoạt đều ở đại lộ này.

    Nhưng khi vừa qua cầu Đakbla, rẽ tay phải vào đường Nguyễn Huệ, bắt đầu phố đạo Tây Nguyên rồi đấy. Từ thế kỷ 19, các giáo dân : ông cả Ninh, ông cả Quới đã dẫn các thừa sai lên Tây Nguyên qua ngả Quảng Trị, Phú Yên nhưng không thành. Tây Nguyên và vùng đồng bằng Trung phần được coi như hai lãnh thổ, mặc dù trong một quốc gia. Người Kinh không thể vào các buôn làng Baham, Bơlu, Kolphar, Kol Kelang, Kol Kesam mà phải dừng lại ở những cửa khẩu để trao đổi hàng hóa với người dân tộc. Đức Giám mục cẩn thận căn dặn phải tránh gặp các già làng khó tính như ông Baham, ông Lập, ông Bliu và nhất là ông Khiem ở Kolpha được triều đình tin cẩn trao quyền quản trị Tây Nguyên và được người Tây Nguyên gọi là “Bok” (bố). Ông sẵn sàng chặn bắt những đoàn người Kinh xâm nhập vào Tây Nguyên và trao cho triều đình. Đó là số phận của nhiều đoàn thừa sai đi trước thầy Sáu Nguyễn Do.

    Lạ lùng thay, tình cờ gặp Bok Khiem trên đường xâm nhập Tây Nguyên, Bok mềm nhũn và lịch sự, kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do, nhận các thừa sai Combes (cha Bê) và Fontaine (cha Khâm) là bố. Được sự đỡ đần của hung thần Tây Nguyên, thầy Sáu Do lập nghiệp ngay gần con sông, chỗ có tên là Gò Mít, Trại Lý nay là Tân Hương nằm trên đường Nguyễn Huệ. Chung quanh Tân Hương, Giáo hội Chúa phát triển, tòa Giám mục, nhà thờ gỗ chính tòa, trường Cuénot, trường Lê Hữu Từ, nối liền những cơ sở này là đường Bok Do, Bok Khiem và hàng loạt xứ đạo. Giáo phận Kontum được thành lập năm 1933 theo sắc chỉ của Đức Thánh Cha Pio XI và tỉnh Kontum được thành lập năm 1913, khi mà đại lộ Phan Đình Phùng mới chỉ là một con đường mòn. Phố Đạo Tây Nguyên được hình thành mà công đầu là của những người giáo dân can trường, của những người Việt Nam bình dị. Phố Đạo Tây Nguyên đã như một dấu ấn đóng lên Tây Nguyên, dựng lều giữa anh em nhiều sắc tộc khác nhau, níu anh em lại trong cộng đồng Việt để cùng chia sẻ một giang sơn gấm vóc. Cái xương sống của Đông Á này với trăm ngàn đường thượng đạo len lỏi giữa núi rừng, có thể dẫn lên Hoa Nam, vào Gia Định và từng bị nhiều ánh mắt để ý, nhòm ngó, thèm thuồng.Từ thế kỷ 12, 13 vương quốc Chàm đã từng đặt chân lên đây, rải rác ở Ayunpa còn những ngọn tháp như chúng ta thường gặp ở miền Trung. Rồi thực dân Anh sau khi chiếm đóng Ấn Độ, Miến Điện đã thôn tính Thái Lan tràn sang Hạ Lào về tận Bản Đôn, cũng muốn chiếm cao nguyên này để lên Hoa Nam.Với thực dân Pháp thì ý đồ thôn tính Tây Nguyên càng lộ liễu hơn mà cố gắng cuối cùng đầy tuyệt vọng là việc thành lập Hoàng Triều Cương Thổ với dụ số 16 của Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 21/5/1951 “Ấn định một quy chế đặc biệt cho dân cư khác dòng giống Việt Nam, sinh sống tại các miền và tỉnh gọi là Hoàng Triều Cương Thổ miền Nam”. Chỉ 4 năm sau, ngày 11/3/1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành dụ số 21 “Sát nhập các vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam thuộc Hoàng Triều Cương Thổ vào lãnh thổ quốc gia Việt Nam và đặt hoàn toàn thuộc quyền quản trị của chính phủ quốc gia”. Mặc cho những tranh chấp của thế lực chính trị ở Tây Nguyên, đã có một cộng đồng Kinh Thượng chan hòa, chấp nhận nhau là anh em trong cùng một gia đình, không ai có thể ép uổng hoặc mê hoặc được để tách rời họ xa nhau. Công đầu này phải là của thầy Sáu Do, của quý ông cả Ninh, cả Quới, của những cư dân khố rách áo ôm từ Quảng Ngãi, Bình Định theo thầy Sáu lên đây, của những thừa sai Pháp Việt bất chấp gian khổ. Kính thưa quý vị, hậu sinh chúng con mang ơn quý vị nhiều lắm.

    Và chúng con quyết tâm giữ vững Phố Đạo này như một chứng tích. Hôm nay có thể có những cơ sở, tên đường đã bị đổi thay, chiếm dụng nhưng lịch sử còn đó. Tiện đây chúng tôi muốn nhắc lại lập trường của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh về các cơ sở tôn giáo bị tịch thu từ sau năm 1975. Được chia làm 3 loại :

    1. Các cơ sở tôn giáo vốn trước đây được dùng trong việc thờ phượng và huấn luyện các chức sắc, chính quyền phải trả lại cho các tôn giáo.

    2. Các cơ sở vốn trước đây được dùng để phục vụ cộng đồng như trường học, nhà thương, chính quyền trưng dụng và phải phục vụ cho lợi ích của dân.

    3. Các cơ sở vốn trước đây các tôn giáo dùng để kinh tài giúp cho sinh hoạt của các tôn giáo, chính quyền cứ giữ lại nhưng phải dùng để phục vụ cho lợi ích của dân.

            Điều cốt lõi là những cơ sở của Phố Đạo chỉ nên được tôn tạo mà không cần phải dẹp bỏ để thay thế bằng những khối bê tông, cho dù là hoành tráng đến mấy đi nữa. Tôn tạo là điều đã được áp dụng cho nhà thờ gỗ ở Kontum.

            Rất mong giáo phận Kontum làm đẹp mãi cho Phố Đạo Tây Nguyên.

                                                                                 F.X Vũ Sinh Hiên

     

     



     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - OSV CATHOLIC BOOKSTORE