21. Các Bài Độc Giả Gửi Tới

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - QUÝ VÂN

  •  
    Vicky Vu
     

    Hãy hết lòng tin cậy Đức Gia Vê, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá cẩn nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo con.” (Châm ngôn 3:5-6)
     

    CÂU HỎITôi đang học cấp ba, và chúng tôi đang định viết một bài luận văn về những gì chúng tôi muốn làm trong 20 năm tới. Tôi giờ không có một ý tưởng gì cả. Làm sao tôi có thể biết được tôi sẽ ở đâu và làm gì trong 20 năm tới?

    TRẢ LỜI: Ở một chừng mực nào đó thì bạn đã đúng; chúng ta có thể đoán được tương lai của mình, nhưng chỉ Chúa mới biết điều gì sẽ thực sự xảy ra. 

    Như Kinh Thánh chép: “Vì người chẳng biết điều chi xảy đến; ai có thể nói trước được các việc sẽ xảy ra làm sao?” (Truyền đạo 8:7)

    Nhưng để tôi thử thách bạn hãy làm thật nghiêm túc bài giáo viên đã giao, và dùng nó như một cơ hội để nghĩ thật kĩ về cuộc đời bạn và nơi bạn hướng đến. Bạn thấy đấy, giáo viên bạn muốn bạn viết: “bạn muốn làm gì sau này” ? 

    Tuy nhiên, tôi không biết bạn trả lời điều này như thế nào – nhưng câu trả lời cho câu trả hỏi quan trọng nhất bạn nên đưa ra sẽ là trong 20 năm tới bạn muốn làm mọi thứ mà Đức Chúa trời muốn bạn làm. Bạn thấy đấy, bạn không tình cờ ở đây. Chúa đặt bạn ở đây là có lý do, và niềm vui cuộc đời tuyệt vời nhất đến từ việc tìm ra kế hoạch của Ngài trên cuộc đời của chúng ta.

    Bạn có thể bắt đầu cuộc hành trình của bạn ngày hôm nay bằng cách quay trở về với Chúa Giê-xu và mời Ngài vào cuộc đời của bạn. Đó là bước khởi đầu quan trọng nhất bạn sẽ thực hiện. 

    Sau đó bạn hãy xin Ngài giúp đỡ bạn tìm ra được những khả năng và những món quà mà Ngài ban tặng cho bạn, và hướng dẫn tương lai của bạn. Xin Chúa nắm tay bạn mỗi bước đường đời Amen.

    ----------------------------------------------------
     


     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - RỬA CHÂN CHO NHAU

  •  
    DM Tran
    Wed, Apr 13 at 12:33 PM
     
     

    RỬA CHÂN CHO NHAU

    Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Trong phụng vụ của Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức gây được nhiều ấn tượng, đó là việc chủ tế khiêm tốn rửa chân cho một số người. Hành động này phản ảnh việc chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã rửa chân cho 12 môn đệ của Ngài. Ý nghĩa việc làm này của Chúa đã được chính Ngài giải thích: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gioan 13: 15)

     

    Bắt chước và làm như vậy. Đây là một hành động không chỉ mang tính cách biểu tượng, nhưng là một lệnh truyền. Chúa muốn các môn đệ của mình “phải rửa chân cho nhau” (13: 14). Tại sao? Vì đó là dấu chỉ của tình huynh đệ, của tình yêu thương, của người môn đệ Chúa: “Người ta sẽ cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy.” (Gioan 13:35)

     

    Nhưng hành động rửa chân cho anh chị em mình có dễ dàng và nhẹ nhàng không? Làm sao tôi có thể rửa chân cho anh chị em tôi?

     

    Nếu hiểu lệnh truyền này theo một nghĩa đen, chắc chắn chúng ta sẽ có ít cơ hội, hoặc không có cơ hội để rửa chân cho người khác. Như vậy, chúng ta chỉ có thể hiểu ý nghĩa lệnh truyền này theo nghĩa “bác ái”, nghĩa “người môn đệ của Chúa”. Và chỉ trong ý nghĩa này chúng ta mới biết mình phải làm gì để giữ được lệnh truyền của Thầy.

     

    Rửa chân thể lý cho nhau thông thường chúng ta ít khi thực hiện, ngoại trừ cha mẹ rửa chân, tay cho con cái, vợ chồng rửa cho nhau khi yếu đau, con cái rửa cho cha mẹ trong lúc già yếu, hoặc các y tá, y công giúp chăm sóc các bệnh nhân. Nhưng rửa chân tinh thần, rửa chân tâm lý là việc chúng ta phải làm thường xuyên cho nhau. Nó mang ý nghĩa của sự nhịn nhục, chấp nhận và tha thứ, những việc làm thể hiện tình yêu, đức bác ái.  

     

    Thánh Gioan nói: “Nếu anh em ta là người ta thấy mà không thương yêu, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (1 Gioan 4:20) Ngài kết luận, trong những trường hợp ấy nếu nói mình yêu mến Thiên Chúa là nói dối. Nói không thật với lòng mình.

     

    Yêu nhau mà không chấp nhận nhau, không chịu đựng và tha thứ cho nhau thì không phải là yêu. Tình yêu mà ta dành cho người lúc nào cũng làm mình vui, đem lại cho mình hạnh phúc thì tình yêu đó chỉ là một cách đáp trả những điều tốt đẹp mà người ấy đã làm cho mình. Trong những trường hợp như thế nếu không đáp lại bằng tấm lòng tử tế, biết ơn thì có nghĩa là vô ơn, là lợi dụng, là ích kỷ. Nhưng nếu có ai đó làm cho mình phải khó chịu, phải thiệt thòi, và đôi khi phải đau khổ mà mình vẫn chấp nhận để thông cảm, tha thứ, và yêu thương thì những lúc đó tình yêu của ta mới chứng tỏ là tình yêu thật. Theo Thánh Tôma Aquinas, tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh, và hy sinh là mức độ cao nhất để do lường tình yêu. Ngài đưa ra nhận xét này vì theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã ra một mẫu mực đo lường tình yêu, đó là: “Không ai có tình yêu lớn hơn người thí mạng vì bạn hữu mình.” (Gioan 15:13) Chúa nói và Chúa làm. Không chỉ rửa chân cho các môn đệ, Ngài còn chết cho các ông và cho chúng ta nữa. Và đó là tình yêu đích thực, tình yêu lớn lao.

     

    Trong phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, có hai lần Chúa “truyền” cho các môn đệ phải làm điều Chúa muốn. Lần đầu Ngài truyền cho các ông “làm việc này mà nhớ đến Ta.” (Luca 22:19, và lần thứ hai “hãy rửa chân cho nhau.” (Gioan 13:14) Điều truyền trước Ngài nói đến Bí Tích Thánh Thể, điều truyền sau, Ngài nói về Đức Ái. Thật sự nếu không thương nhau, không đón nhận, chịu đựng và tha thứ cho nhau như Chúa đã làm, chúng ta sẽ không có được cặp mắt đức tin để nhìn thấy Ngài qua Bí Tích Thánh Thể.

     

    Do đó, việc tế lễ, tham dự thánh lễ, và rước Thánh Thể hàng ngày mà thiếu đức ái thì cũng như một việc làm bôi bác, hình thức, đôi khi nhàm chán. Nhưng ngược lại, nó sẽ là niềm vui của chúng ta khi đến với Chúa qua hy lễ và được đón rước Chúa mỗi ngày khi ra về mà trong lòng mang hình ảnh yêu thương.

     

    Ôi nhiệm mầu Tình yêu Chúa nuôi con suốt đời. Ôi! Nhiệm mầu Tình yêu Chúa ru con tháng ngày.

     

    - Những lỗi lầm ngày tháng cũ tim con u buồn thống hối. Những bước đường mờ ám đó nay con xin nguyện chia phôi. Và, ngày ngày tháng tháng con cầu kinh. Và, chiều chiều sáng sáng con nguyện xin.

     

    - Cất bước tìm về với Chúa con đi trong miền nắng ấm. Áo mới tuyệt vời Chúa khoác cho con vui tiệc hiến tế, và ngày ngày với Chúa con cùng đi. Và, từng chiều có Chúa con ngại chi.

    (Ôi nhiệm mầu. Xuân Tưởng)

     

    Chúa lập Bí Tích Thánh Thể và ban bố giới luật yêu thương. Giới luật tình yêu mà Chúa tự ra cho chính mình và cho các môn đệ. Ngài tự hiến, tự ẩn thân trong Thánh Thể để ở với con cái loài người. Không ai có tình yêu lớn hơn Chúa. Chúa còn dạy chúng ta là hãy rửa chân cho nhau, và yêu thương nhau như Chúa đã yêu, đã thương, đã rửa chân và đã chết cho chúng ta.

     

    Chúa hiện thân trong Thánh Thể. Ngài truyền cho chúng ta “nhớ đến Ngài".

     

    Chúa rửa chân cho các môn đệ. Ngài dạy chúng ta phải “rửa chân cho nhau”.

     

    Thánh Thể và rửa chân cho nhau, cả hai liên quan đến mầu nhiệm “tình yêu”. Tình yêu hy hiến và tình yêu phục vụ. Do đó, mỗi khi nhớ đến Ngài là phải nhớ đến tấm gương hy sinh và thi hành rửa chân cho nhau. Tình yêu không hy sinh, không hành động là tình yêu giả dối.

     

    __________

     

    *Bài viết được hiệu đính 10 April 2022.

     

     

     

     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - NHÌN LẠI MÙA CHAY

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     
     


    NHÌN LẠI MÙA CHAY -

    CỚ SAO TÔI KHIẾN ĐỜI MÌNH NÊN BẬN RỘN? 

     

    Khi nhìn vào lịch trình sống của mình vào đầu tuần hay đầu tháng, tôi có thấy bất kỳ khoảng trống nào để cầu nguyện và nhìn lại ngày sống không? 

     

    Tôi vẫn luôn bận rộn, và tôi luôn xin lỗi vì điều ấy. Sau nhiều năm trong vai trò một người vợ và một người mẹ, cuộc sống của tôi đã đầy ắp: hạnh phúc và chút gì đó đảo điên. Giờ, tôi nghỉ hưu, cuộc sống của tôi vẫn đầy ắp và hạnh phúc, nhưng vẫn chất chứa những đảo điên và bận rộn.

    Khi tôi cố để dành thời gian để nhìn lại trong suốt Mùa Chay này, cũng là dịp tốt lành để nhìn lại: tại sao (why) khó khăn lắm tôi mới có được chút thời gian để cầu nguyện chậm rãi như thế này. Phải chăng tôi đã quá bận rộn để “làm điều gì đó trong Mùa Chay”? Trong những tuần Chay thánh này, chúng ta có thể nhìn lại và cầu nguyện với lịch trình sống của chính mình, và nhìn vào những khuôn mẫu mà chúng ta đã dại dột khuôn theo, gồm cả những thói quen ngăn trở chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa.

     

    Thánh I-nha-xi-ô đã viết rằng mỗi người chúng ta được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa và nhờ làm những điều ấy mà chúng ta trở nên chính chúng ta hơn và hạnh phúc hơn. Từ nhận định trên cho thấy mỗi điều xảy đến trong cuộc sống chúng ta hoặc sẽ giúp chúng ta ngợi khen, tôn kính và phụng sự, hoặc sẽ lôi chúng ta đi xa khỏi thân tình với Đấng Tạo Hóa.

     

    Lịch trình sống của chúng ta thích ứng thế nào với nhận định trên? Thánh I-nha-xi-ô đề nghị việc hồi tâm ngày sống trong tâm tình cầu nguyện cách thường xuyên, chú ý lúc nào và ở đâu mà chúng ta đã đến gần Thiên Chúa hơn hết, và lúc nào ta rời xa Thiên Chúa trong ngày sống của mình. Dù cuộc xét mình thường xuyên về ngày sống có thể thực hành tương tự nhau, nhưng việc tạo ra khoảng trống để nhìn lại ngày sống cách thường xuyên và sâu xa hơn lại đang rửa sạch tâm và trí chúng ta khỏi sợ hãi và căng thẳng.

     

    Nài xin ân sủng để làm nhiều điều trong bình an, can đảm và tin tưởng hơn, là một hành trình thực tế của Mùa Chay. Điều đó đặt tôi gần với Chúa Giê-su hơn. Điều đó chuẩn bị tôi để cử hành mầu nhiệm tử nạn và phục sinh nơi chính con người tôi. Sự thanh lọc trong Mùa Chay trở nên một sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi và đau khổ. Tôi có thể vẫn không có nhiều thời gian thư thái, nhưng tôi sẽ thư thái để làm việc cách dũng cảm hơn và bớt đi việc mất sức cũng như bớt căng thẳng hơn.

     

    Khi nhìn vào lịch trình sống của mình vào đầu tuần hay đầu tháng, tôi có thấy bất kỳ khoảng trống nào để cầu nguyện và nhìn lại ngày sống không? Mới đó, tôi đã lấp lịch trình của mình với một dự án cộng đồng chú trọng về chủng tộc ở Hoa Kỳ. Đó là một điều tốt, phải vậy chứ? Dĩ nhiên rồi! Đó là một điều tốt.

     

    Khi Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn

    Tuy nhiên, nếu tôi cầu nguyện với lịch trình sống của tôi và nài xin Thiên Chúa mở lòng tôi ra, có thể tôi thấy một tia sáng lờ mờ để từ đó tôi có thể “thắp sáng” nhờ việc làm này. Vâng, đây là một việc mạo hiểm nhưng có thể một thúc đẩy nhỏ để tôi thích nghe người khác nói cho tôi hay rằng tôi có thể đóng góp thế nào vào công cuộc này. Đó là một điều tốt để có thể là một phần quan trọng của công cuộc ấy, nhưng có bao nhiêu khoảng trống mà tôi đã mở ra trong lịch trình sống – hay trong đời sống của tôi – để thinh lặng và lắng nghe?

     

    Ta khát và ngươi đã cho Ta uống

    Phục vụ ở một giáo xứ hay những dự án cộng đồng là điều tuyệt vời. Nhưng nó có cho chúng ta thời gian để chăm sóc cho những ai cần tới sự quan tâm của chúng ta một chút hay không? Chúng ta làm được bao nhiêu công việc ở giáo xứ chỉ vì chúng ta được kể là đóng góp biết bao nhiêu việc vô giá cho giáo xứ? Đó có thực sự là điều cần nhất hay không?

     

    Ta lang thang và ngươi đã tiếp rước

    Chúng ta có chọn để làm những điều mà chúng ta cảm thấy mưu ích cho chính mình và vừa vặn với vùng an toàn của chính mình hay không? Chúng ta có từ khước những cuộc mạo hiểm vốn cần thiết mà ở đó cách liều lĩnh chúng ta có thể bị xóa đi hay không?

     

    Ta bệnh tật và ngươi đã chăm sóc cho Ta

    Vì là những con người nên mỗi người chúng ta có những thúc đẩy hỗn tạp về nhiều điều nơi chính mình. Góp phần vào một dự án tuyệt vời là điều tốt. Lắng nghe những điều tuyệt vời ta đã làm khiến ta xúc động, nhưng có thể gây nghiện, bên cạnh hiệu quả, nó còn đi xa hơn những điều như thế. Thánh I-nha-xi-ô biết rằng tâm hồn con người thật tốt và ý hướng tốt nhất của chúng ta có thể bị pha tạp. Thánh nhân đề nghị rằng khi chúng ta không chắc chắn về những thúc đầy thực tại nào đó nơi mình, chúng ta cầu nguyện xin ơn khao khát (desire) để làm những việc nhằm kiện toàn kế hoạch theo cách thức làm tăng trưởng tình yêu và phụng sự Thiên Chúa.

     

    Khi tôi nhìn qua lịch trình sống của tôi trong những ngày đầu tuần, tôi phải tự vấn chính mình trước tình yêu mà tôi dành cho Thiên Chúa. Điều bận rộn nào có thể kéo tôi đến gần Thiên Chúa? Tôi phải thừa nhận rằng không có câu trả lời rõ ràng thay cho ý tưởng tôi muốn câu trả lời là gì.

     

    Khi ngồi trong thinh lặng, mở tâm hồn mình và nài xin Chúa Giê-su ban cho chúng ta lòng khao khát để mọi cuộc hẹn, mọi trách nhiệm, mọi cam kết là nhằn làm vinh danh Chúa hơn – chứ không làm vinh danh chúng ta. Trong mùa Chay, điểm này có thể gắn với sự khiêm tốn và thái độ hướng tới yêu mến và hiểu biết về những gì mà Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta. Và chúng ta có thể vọng lại tiếng nói của thánh Gio-an Tẩy Giả khi chúng ta cầu nguyện trong niềm tin và lòng yêu mến Chúa Giê-su rằng:

    Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.

     

    Nguồn bài viết:

    https://onlineministries.creighton.edu/CollaborativeMinistry/Lent/Busyness-in-Lent-Waldron.html

    Tác giả: Maureen McCann Waldron

    Chuyển ngữ: Little Stream

     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - TĨNH CAO - UKRAINE NGÀY 47

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - ÔNG KYRENE VAC ĐỠ THÁNH GIÁ

  •  
    Kim Vu

     

    NÓI CHUYỆN VỚI SIMON KYRÊNÊ: NGƯỜI VÁC ĐỠ THÁNH GIÁ CHÚA

     

    Trên đường từ Jerusalem trở về quê nhà Galilê, bước đi trên con đường mòn ngang qua làng quê xứ Kyrênê, tôi tình cờ gặp lại Simon khi anh đi ra đồng làm việc.

     

    Tôi thán phục lòng can đảm của Simon, anh không biết Giêsu, chưa một lần gặp gỡ Giêsu, chỉ nghe người ta nói về Giêsu, vậy mà anh không một chút sợ hãi, anh chạy lại vác đỡ thập giá cho thầy Giêsu của tôi, anh đi bên Giêsu, giúp Giêsu vác thập giá bước đi đến đỉnh đồi Golgotha (Ga.23:26).

    Tôi chạy lại hỏi thăm anh, cầm tay anh tôi nói:

     

    • Simon, anh có khoẻ không?  Cám ơn anh đã vác đỡ thập giá cho thầy Giêsu của tôi.  Sao anh can đảm thế?  Anh không sợ hãi tí nào sao?

     

    • Tôi sợ hãi nhiều lắm chứ.  Hôm ấy tôi tình cờ đi làm về ngang qua đó, lính nhìn thấy tôi, chúng bắt tôi vác đỡ thập giá cho Giêsu thì tôi vác, can đảm gì đâu anh!  Không nghe lời chúng, chúng đánh chết chứ giỡn chơi sao!  Nhưng có một điều tôi phải nói với anh:

     

    “Khi vác đỡ thập giá cho Giêsu, tôi đi bên cạnh Ngài, Ngài ở bên cạnh tôi, Ngài nhìn tôi, tôi nhìn Ngài, bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt ấy đã cảm hóa lòng tôi, cái nhìn ấy đã biến đổi đời tôi…  Tôi không còn sợ hãi như trước nữa.  Tôi nhận ra rằng: “Vác đỡ thập giá cho Giêsu là niềm vui, là vinh dự và là hãnh diện cho cuộc đời mình…  Vì tôi được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

     

    Simon Kyrênê ơi!  Cám ơn anh về cuộc gặp gỡ thân thương hôm nay.  Cám ơn tâm tình chia sẻ của anh đã nói với tôi, đã làm tôi phải suy đi nghĩ lại về mối liên hệ của tôi với Giêsu, về mối tình của tôi với Ngài.

     

    *******************************

    Bạn thân mến!  Tâm tình chia sẻ của Simon Kyrênê đã đánh động lòng tôi.  Lời nói của Simon cứ vang vọng trong tôi luôn mãi:

     

    1)- “Ở bên cạnh Giêsu, Ngài đã cảm hóa lòng tôi, Ngài đã biến đổi đời tôi.  Đó là tâm tình của Simon với Giêsu.  Còn tâm tình của tôi với Ngài thì ra sao?

    Giêsu ơi!  Phải chăng được cảm hóa và biến đổi là dấu chỉ Ngài hiện diện bên con?  Vậy mỗi khi con không được biến đổi để yêu thương nhiều hơn, con không được cảm hóa để tha thứ nhiều hơn…  Thì đó cũng là dấu chỉ con không có Ngài ở ngay bên, con không có Ngài hiện diện trong lòng con.

    Nếu con không được Ngài cảm hóa và biến đổi, thì cho dù con có tham dự thánh lễ hằng ngày, con có rước lễ thường xuyên, Giêsu và con vẫn nghìn trùng xa cách.  Con và Giêsu vẫn là hai thế giới cách xa và riêng biệt.

     

    Thật nguy hiểm biết bao nếu con không nhận biết mình đang sống xa Ngài.  Thật buồn biết mấy nếu con không nhận ra con người thật, khuôn mặt thật của chính mình.  Những đẩy đưa cám dỗ và khen tặng, những tự cao và tự mãn nổi lên trong lòng, những hình thức rộn ràng bề ngoài…  Tất cả đã làm con lầm tưởng rằng con đang có Giêsu, con đang có Ngài ngay bên, nhưng thật sự là con đang xa Ngài.  Lòng con không có chỗ trống để Ngài đến cư ngụ.  Tim con khép lại, không chấp nhận, không để cho Ngài đi vào để cảm hóa và biến đổi.

     

    2)- “Vác đỡ thập giá cho Giêsu là niềm vui, là vinh dự và hãnh diện.  Simon tâm sự như vậy đó.  Vác thập giá của chính mình đã khó khăn vất vả.  Vác thập giá cho người không quen không biết, như Simon vác đỡ cho Giêsu, thì lại càng vất vả khó khăn hơn.  Làm sao lại coi đó là niềm vui, nìềm vinh dự được?  Phải chăng chỉ có tình yêu mới giúp tôi coi đó là niềm vui: Tình Yêu càng lớn thì niềm vui càng nhiều…. Và phải chăng lòng tôn kính đặt để nơi người quyền cao chức trọng, mới giúp tôi coi đó là niềm vinh dự hãnh diện: Niềm tôn kính càng cao thì niềm vinh dự hãnh diện càng lớn.

     

    Giêsu ơi!  Tình yêu nào con dành cho Ngài hôm nay?  Lòng tôn kính nào con đặt vào Giêsu trong lúc này?  Vì Giêsu, thập giá nào con chấp nhận để vác trên vai con hôm nay?

     

    Phải chăng những chê trách hiểu lầm, những ghen ghét đố kỵ con gặp phải trong đời sống phục vụ…  Đó chính là thập giá mà Ngài mời gọi con ôm lấy và vác đi?

     

    Phải chăng những khó khăn vất vả trong cuộc sống, những bệnh tật yếu đau, những đam mê yếu đuối con người mà con đang chiến đấu để vượt qua…  Cũng chính là thập giá mà Ngài mời gọi con vác đi trên đường đời?

     

    3)- “Vác đỡ thập giá cho Giêsu là được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.”  Đó là lời tâm tình chia sẻ của Simon Kyrêné.  Giêsu đến trong thế gian để thực thi “công trình cứu chuộc” của Thiên Chúa.  Ngài đến để mang tình yêu thương tha thứ cho muôn người.  Ngài đến để cứu chuộc nhân trần, để chết thay cho người mình yêu, để mang người mình yêu trở về với Nguồn Cội, trở về với Đấng Yêu Thương Ngàn Đời.

     

    Giêsu ơi!  Mỗi khi con sống yêu thương tha thứ hôm nay, cũng là lúc con làm vơi bớt những đau thương tủi nhục của Ngài trên đường thánh giá năm xưa.  Phải chăng đó cũng là lúc con được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa?

     

    Mỗi khi con mang được người thân quen bạn bè về với Giêsu, mỗi khi con giúp họ đi vào trong tình thân mật với Ngài, cũng là lúc con lau khô những giọt máu đào Ngài đã đổ ra trên thập giá năm xưa.  Phải chăng đó cũng chính là lúc con được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa?

     

    Giêsu ơi, giống như Simon Kyrênê năm xưa….  Xin cảm hóa và biến đổi lòng con, để con luôn có Ngài ngay bên, vì Ngài là hạnh phúc và là cùng đích của đời con.  Amen!

     

    Linh Xuân Thôn

     

    --