HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THƯ HAI CN2TN-C
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Thứ Hai CN2TN-C
HỌC HỎI - CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 5, 1-10
"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4.
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).
Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Ðáp.
2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.
3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Ðáp.
4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". - Ðáp.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2, 18-22
"Tân lang còn ở với họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai đầu Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, vẫn tiếp tục chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh. Ở chỗ nào?
Bài Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên hậu Giáng Sinh Chu Kỳ Phụng Vụ Năm C hôm qua về tiệc cưới Cana, một biến cố cần phải có để mở màn cho việc Chúa Kitô tỏ mình ra cho các môn đệ tiên khởi của Người, nhờ đó đã làm cho các vị tin vào Người.
Bài Phúc Âm hôm nay, để trả lời cho vấn nạn được "môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay" đặt ra "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?", Chúa Giêsu đã tự ví mình và tự nhận mình là "tân lang", và cho biết lý do các môn đệ của Người được Người ví như là thành phần "các khách dự tiệc cưới", không ăn chay như thành phần đặt vấn đề với Người đó là vì "tân lang còn ở với họ".
Thật vậy, sở dĩ "các môn đồ Ngài lại không ăn chay?" bởi vì Người "còn ở với họ", tức là Người còn đang cần thời gian để tiếp tục và từ từ tỏ mình ra cho họ để họ có thể hân hoan vui sướng nhận biết Người mỗi ngày một hơn, và càng nhận biết Người họ càng kính phục Người và yêu mến Người, nhờ đó họ mới có thể trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người, đúng như ý nguyện và mục đích Người tuyển chọn họ làm nhóm 12 của Người.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các môn đệ của Người không phải chay tịnh, một thứ chay tịnh nếu có và nếu cần lại hoàn toàn không phải như thành phần "môn đồ của Gioan và các người biệt phái" đã làm, mà là một thứ chay tịnh không còn được ở với Người nữa, không còn được thấy Người tận mắt, nghe Người tận tai và động chạm đến Người tận tay (xem 1Gioan 1:1), trái lại các vị chỉ giao tiếp với Người hoàn toàn bằng đức tin thuần túy trong tăm tối của giác quan và cảm thức, nghĩa là "ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay", ở chỗ "Các con sẽ than khóc trong khi thế gian vui mừng" (Gioan 16:20).
Thế nhưng, việc chay tịnh hay cách chay tịnh của các môn đệ Chúa Giêsu này không phải là những gì hủy hoại mà là những gì thăng hoa, thăng tiến, hoan hỉ: "Nếu các con yêu mến Thày thì các con phải vui mừng vì Thày về cùng Cha vì Cha là Đấng cao trọng hơn Thày" (Gioan 14:28). Bởi vì, nhờ Thày về cùng Cha là Đấng cao trọng hơn Thày với tư cách Ngài là Đấng đã sai Thày như thế mà các vị, cho dù không còn thấy và ở với Người nữa, mới càng nhờ thế có thể đạt đến chỗ thần hiệp nên một với Người: "Thày ở đâu các con cũng được ở đó" (Gioan 14:3).
Như thế, trong chính sự vắng bóng của mình, khuất dạng của mình, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" lại càng tỏ mình ra hơn bao giờ hết, lại càng hiển linh hơn hết... trước con mắt thuần túy đức tin siêu nhiên của các môn đệ Người.
Đó là lý do phần còn lại của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mới nói thêm những lời quan trọng và thiết yếu cho việc sống đạo sau đây: "Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
Cái "mới" và "cũ" được Chúa Giêsu đề cập tới trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến vấn đề chay tịnh đây là gì, nếu không phải cái "mới" đây là đức tin (của Tân Ước) và cái "cũ" đây là nghi thức hay hình thức hoặc lễ vật bề ngoài (của Cựu Ước), và vì thế, "rượu mới" và "bầu da mới" đây chính là "tinh thần và chân lý" được Chúa Giêsu nói đến trong trường hợp Người trao đổi với người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp về thực tại "Thiên Chúa là Thần Linh nên những ai tôn thờ Thiên Chúa đích thực thì cũng phải tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).
Nếu "áo cũ" bị rách đây ám chỉ luật Moisen hay Luật Cũ, chẳng hạn "mắt đền mắt răng đền răng" (Mathêu 5:38) hay "yêu đồng hương và ghét kẻ thù" (Mathêu 5:43), là những gì Chúa Kitô đến không phải để phá hủy hay xé nát, mà là để làm cho nên trọn (xem Mathêu 5:17) thì "vải mới" đây là chính "giới răn mới" Người ban cho các tông đồ và chung Giáo Hội trong Bữa Vượt Qua. Và nếu "bầu da cũ" ám chỉ tinh thần duy luật và thái độ giả hình và tư duy tự mãn, như nơi thành phần luật sĩ và biệt phái, thì "rượu mới" đây ám chỉ Thánh Linh chỉ thích hợp với "bầu da mới" đây là tinh thần bé nhỏ, bác ái yêu thương nhân hậu.
Nếu bài Phúc Âm cho Chúa Nhật II Thường Niên theo Thánh Gioan, cho cả 3 chu kỳ Phụng vụ A-B-C, và Bài Phúc Âm Năm C là bài chính, bởi 2 bài Phúc Âm cho Năm A và B đều hướng về bài Phúc Âm Năm C là bài Phúc Âm Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ đầu tiên của Người ở tiệc cưới Cana, trong đó, vị quản tiệc đã trách "tân lang" không tiếp "rượu ngon hơn trước" mà để dành cho đến khi khách ngà ngà mới tiếp, một thứ "rượu ngon hơn trước" ám chỉ hoa trái cứu chuộc của Chúa Kitô là Thánh Linh chỉ xuất hiện vào "thời sau hết" (Do Thái 1:1), vào thời cánh chung, chứ không phải từ ban đầu, từ khi con người mới được tạo dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27).
Thế rồi, hình như không hẹn mà họ, bài Phúc Âm cho Thứ Bảy trước Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã cho thấy niềm vui của ngài được nên trọn khi ngài chỉ là "người phù rể của tân lang (the groom's best man)" được nghe thấy tiếng của tân lang là Chúa Kitô. Và Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần 2 Thường Niên lại xuất hiện hình ảnh một "tân lang" trong câu Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả.
Nếu chung Cựu Ước và riêng vai trò của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là phù rể của "tân lang" Giêsu thì Giáo Hội tân ước nói chung qua các tông đồ là hiền thê của Người, được xuất phát "như máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người" (Gioan 19:34), và được hiệp thông cuộc khổ nạn và tử giá của Người, chẳng những khi cử hành phụng vụ Thánh Thể mà còn bằng máu chứng đức tin nữa trong suốt giòng lịch sử của nhân loại, cho đến khi Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
-----------------------------------