Thứ Năm CN4TN-A
BỮA TIỆC Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II): 1 V 2, 1-4. 10-12
"Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Gần ngày băng hà, Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: "Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: "Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel".
Vậy vua Ðavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài (c. 12b).
Hoặc đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở". - Ðáp.
2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. - Ðáp.
4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.- Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 7-13
"Người bắt đầu sai các ông đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Ðó là lời Chúa.
CÙNG THAM DỰ TIỆC Lời Chúa
Đức Kitô sai đi
Hôm nay, Thứ Năm trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong Bài Phúc Âm hôm nay, bài đọc chính yếu cho phần phụng vụ Lời Chúa mỗi ngày.
Ở chỗ, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", trong sự kiện Người "gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi", "Người (đã) ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế", và quả thực cái "quyền trên các thần ô uế" này nơi các tông đồ được Người sai đi như thế đã thực sự có tác dụng: "Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân".
Thế nhưng, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này không phải chỉ được tỏ hiện ở thành quả gặt hái được bởi các tông đồ, mà nhất là ở những gì các tông đồ thực hiện theo lời Người căn dặn các vị nữa, bằng không, cho dù các vị có quyền năng trừ quỉ đấy, quyền năng ấy cũng không có tác dụng gì hay chẳng tác dụng là bao nhiêu từ các vị, như sau này đã có lần các vị đã không trừ được quỉ (xem Marco 9:18,28-29), nếu các vị không sống theo tinh thần được Người chỉ bảo cặn kẽ kỹ càng trong Bài Phúc Âm hôm nay trước khi các vị lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo của các vị:
"Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: 'Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ'".
Trong lời hướng dẫn sai đi này, các tông đồ thừa sai truyền giáo của Người cần phải tối thiểu có một tinh thần tin tưởng vào Đấng đã sai các vị, ở chỗ siêu thoát hơn là trần tục và phó mặc hơn là cân đo.
Trước hết là tinh thần tin tưởng ở chỗ siêu thoát hơn là trần tục: "đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo".
Truyền giáo là một công cuộc thần linh, ở chỗ truyền đạt thần linh để có thể hiệp thông thần linh, bởi thế nó không thể nào lệ thuộc vào phương tiện, cho dù là cần thiết, thậm chí cả những gì cần thiết mà có thiếu cũng vẫn có thể truyền giáo, vẫn càng đạt hiệu năng hơn, bởi tác nhân chính yếu của công cuộc và sứ vụ truyền giáo là Thánh Thần, Đấng hoàn thành mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha, và theo mẫu gương của Chúa Kitô là Đấng "cáo có hang, chim có tổ Con Người không có chỗ dựa đầu" (Mathêu 8:20; Luca 9:58).
Truyền giáo thực sự là việc rao giảng và loan truyền tin mừng cứu độ cho nhân loại, cụ thể nhất ở nơi các vị thừa sai dấn thân truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới, từ thời các tông đồ trở đi, dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, theo lệnh truyền khẩn trương bất khả châm chước của Chúa Kitô Phục Sinh (xem Mathêu 28:19-20; Marco 16:16); và cũng chính vì sứ mệnh truyền giáo gắn liền với bản chất của Giáo Hội này (xem Sắc Lệnh Truyền Giáo, 2), Giáo Hội mới đã được lãnh nhận "Thánh Thần là Đấng ban sự sống" từ Cha do Chúa Kitô sai xuống với Giáo Hội từ Ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Tông Vụ 1:8).
Bởi thế, kinh nghiệm hoạt động tông đồ cho thấy có thời chúng ta làm được những gì chúng ta yêu thích, những gì mong muốn, những gì chúng ta có thừa khả năng, những gì chúng ta đã mang lại dồi dào thành quả thiêng liêng cho nhiều người, và chính bản thân chúng ta cũng đã từng được nhiều người biết đến cùng cảm phục, khi chúng ta dấn thân phục vụ hăng say, với tư cách tham gia hay đóng vai trò thực hiện những việc tông đồ giáo dân của mình, trong các giáo xứ, cộng đoàn, hội đoàn, phong trào v.v.
Thế nhưng, kinh nghiệm sống đạo cũng cho thấy không phải là không có trường hợp người tông đồ ấy lại bị người phối ngẫu của mình ngăn cản, hay bị lòng ganh tị cạnh tranh của những ai đồng hành tông đồ với mình và của mình tẩy chay loại trừ, hoặc bị liệt giường không thể làm gì được nữa v.v., chúng ta hãy yên tâm vui lòng tuân theo Thánh ý Chúa, vì chính lúc chúng ta không làm được những gì chỉ là phương tiện hơn là cùng đích truyền giáo ấy nữa lại chính là lúc chúng ta trở thành đắc lực nhất, bởi bấy giờ Thiên Chúa làm trong chúng ta qua niềm tin và sức chịu đựng của chúng ta.
Chúa Kitô cũng chỉ hoàn tất mọi sự của Người như Đấng đã sai Người mong muốn trên trần gian này một cách trọn vẹn và tối hậu không phải trong thời gian Người còn có thể đi đây đi đó rao giảng tin mừng, làm phép lạ, chữa lành và trừ quỉ, mà vào chính lúc Người kể như không còn nhúc nhích gì được nữa, trên thập tự giá ở Sọ Trường Canvê.
Sau nữa là tinh thần tin tưởng ở chỗ phó mặc hơn là cân đo: "Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Bởi vì, theo tự nhiên, con người, bao gồm cả thành phần thừa sai truyền giáo, thường lưu ý đến thành quả gặt hái được từ những gì mình làm và căn cứ vào đó để định lượng mức độ thành công hay thất bại của mình, của công việc mình làm, chứ không hay ít khi hoàn toàn chú trọng đến yếu tố chính yếu là ý muốn tối hậu của Thiên Chúa.
Điển hình nhất là chính Chúa Giêsu Kitô, Người chỉ làm sao chu toàn ý của Đấng đã sai Người mà thôi, nghĩa là việc thành công hay thất bại của Người là ở chỗ Người có hoàn thành đúng như ý muốn của Đấng đã sai Người hay chăng, chứ không phải ở chỗ cứu được tất cả mọi linh hồn hay chăng, hay có bao nhiêu kẻ đã tin vào Người, bằng không thì Người đã hoàn toàn thảm bại trong công cuộc cứu chuộc loài người khi Người bị chết trên thập tự giá ở Đồi Canvê.
Thành phần không tin Người, "không chấp nhận Người" (Gioan 1:11) thì Người không cần phải bận tâm phán xét họ, cho bằng chính họ đã tự luận tội họ rồi: "Ai không tin đã bị phán xử rồi, vì họ không tin vào danh Người Con duy nhất của Thiên Chúa" (Gioan 3:18). Bởi vậy, hãy cứ để Thiên Chúa xét xử những ai chúng ta thấy gian ác, tội lỗi, cứng lòng, băng hoại v.v., kể cả những ai phạm đến chúng ta, đừng xét đoán họ, đừng nguyền rủa họ, đừng khinh thường họ, nhất là đừng trả đũa những ai phạm đến chúng ta, chúng ta mới thật sự là giống Chúa Kitô và mới có thể làm chứng nhân truyền đạt Người cho tha nhân một cách hiệu năng.
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy một vua cha "truyền giáo" cho vua con, người sẽ lên kế vị mình, và nội dung của sứ điệp "truyền giáo" từ vua cha cho vua con không phải là những gì của vua cha mà là những gì chính Thiên Chúa đã truyền dạy vua cha và đồng thời cũng là những kinh nghiệm sống đạo của vua cha với tư cách làm vua, hơn là kinh nghiệm làm vua về chính trị và quản trị chỉ là những kinh nghiệm về phương tiện bề ngoài:
"Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: 'Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel'".
Phải, để cai trị dân của Chúa thì, trước hết và trên hết mọi sự, các vị vua cần phải gắn bó với Thiên Chúa, bằng cách tuân hành ý muốn của Ngài hơn là của mình, nghĩa là các vị không được trở thành cùng đích của mình, trái lại các vị cần phải trở thành dụng cụ trong tay Ngài, thành phương tiện thuận lợi cho Ngài sử dụng tùy nghi, nhờ đó Thiên Chúa có thể hiện thực những gì Ngài muốn nơi họ, những gì sẽ được hoàn toàn ứng nghiệm trong lịch sử cho chung cộng đồng của họ.
Đúng vậy, câu cuối cùng của Bài Đọc 1 hôm nay cho biết rằng: "Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền", đúng như lời Chúa đã hứa với vua cha Đavít là những gì cũng đã được chính vua cha truyền lại cho vua con Solomon trước khi chết: "Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel'".
Bài Đáp Ca hôm nay nói về Vua Đavít liên quan đến niềm tin tưởng và lòng gắn bó của vua đối với Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn vua và ở cùng vua, chẳng những ở cùng vua trong triều đại của vua vào thời ấy của dân Do Thái, mà còn bền vững đến muôn đời qua giòng dõi của vua là Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng mà vua "đã chúc tụng trước mặt toàn thể cộng đồng" như sau:
1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở".
2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa.
3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.
4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.IV-5.mp3
Ngày 06: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo (+1597)
Phaolô Miki là một tu sĩ Nhật Bản rất hăng say với công việc truyền giáo. Ngài sinh vào thế kỷ XVI, giữa cơn bách hại khá gắt gao.
Ngày 05/02/1597, trên một chuyến tàu, Miki và 25 bạn đồng đội bị bắt và bị treo lên những cây thập tự đối diện với bờ biển. Tuy bị treo nhưng Miki và các bạn vẫn luôn vui tươi và không ngừng giảng đạo và khuyên răn những người đến xem. Ngài kêu gọi họ ăn năn trở lại. Ngài tha thứ cho những kẻ sỉ vả và kết án ngài. Quá tức giận, họ đã đâm ngài cùng các bạn.
Phaolô Miki và các bạn được diễm phúc tử đạo. Các ngài đã bị đóng đinh, vì thế các ngài cũng được tôn vinh cùng với Ðức Kitô.
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to
.
.