5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

THỨ BA 25/07/23 – TUẦN 16 TN 

 Mt 20,20-2

Thánh Gia-cô-bê, tông đồ

SỐNG KHÁC ĐI!

“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân … Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,25-26)

Suy niệm: “Trao tất cả quyền lực cho số đông, họ sẽ đàn áp số ít. Trao tất cả quyền lực cho số ít, họ sẽ đàn áp số đông” (Alexander Hamilton). Câu nói trên đây cách nào đó phản ảnh một sự thật chua chát: kẻ nắm quyền lực luôn muốn đàn áp người khác. Đức Giê-su muốn các môn đệ sống khác đi, không được bước theo lối mòn đó. Sống “khác đi” không phải là lập dị, ngạo nghễ… nhưng là ngược lại với tinh thần thế gian. Thế gian “dùng uy mà thống trị dân,” còn môn đệ lại “làm người phục vụ anh em.” Sống cung cách phục vụ giúp người nắm quyền thoát khỏi khuynh hướng đàn áp, thống trị, chiếm đoạt; cũng như ý thức rằng quyền bính được trao nhằm thực thi sứ vụ cho đi bản thân mình để mưu ích cho người khác.

Mời BạnĐức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã gọi lối phục vụ khiêm hạ mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ là thứ “lạc hậu lành mạnh.” Dầu “lạc hậu” so với thế gian, nhưng kiểu sống ấy mang lại giá trị siêu nhiên cho người môn đệ. Đức Giê-su đã trở nên Đấng tiên phong hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, khác hẳn các nhà lãnh đạo độc tài chỉ biết đòi hỏi người khác, vun vén cho bản thân mình. Mời bạn tập sống cung cách phục vụ như Đức Giê-su đã sống, làm gương cho bạn.

Sống Lời Chúa: Đọc nhiều lần trong ngày câu Lời Chúa: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.

Cầu nguyệnLạy Cha, xin cho con có cái nhìn mới về quyền lực, để trở nên người phục vụ trong khiêm hạ như Con Một Cha đã nêu gương cho con. Amen.

 

THỨ HAI 24/07/23 – TUẦN 16 TN 

Mt 12,38-42

Thánh Sa-be-li-ô Ma-lúp, linh mục

CÁM DỖ “DẤU LẠ”

“Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.” (Mt 12,38-39)

Suy niệm: Trong mọi thời đại, con người vốn tính hiếu kỳ, vẫn luôn sính những điều mới lạ. Ngày xưa các kinh sư và Pha-ri-sêu đòi Chúa Giê-su làm dấu lạ. Ngày nay, dưới nhãn hiệu “hiện đại”, “đổi mới”, nhân loại đòi Thiên Chúa và Hội Thánh làm dấu lạ. Câu trả lời của Chúa Giê-su vẫn là, và phải là câu trả lời của Hội Thánh: đối với “thế hệ gian ác và ngoại tình”, sẽ chỉ có một dấu lạ duy nhất, dấu lạ Giô-na. Đó là dấu lạ của hạt lúa phải thối đi, chết đi để có thể trổ sinh, tăng trưởng.

Mời Bạn: Não trạng thực dụng của nền văn minh tiêu thụ ngày nay len lỏi vào mọi lãnh vực của cuộc sống, không loại trừ cả lãnh vực thánh thiêng. Cám dỗ “dấu lạ” mê hoặc tâm hồn nhiều người, cả giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân. Hơn lúc nào hết, để đối lại với nền “văn minh sự chết” này, cần có một cái nhìn đức tin trước những cám dỗ “dấu lạ”. Thay vì những hoạt động “phi thường” những trình diễn “ngoạn mục” để thoả mãn tính hiếu kỳ, người ki-tô hữu biết sống “dấu lạ Gio-na” là hoàn thành những cái “bình thường”, thậm chí “tầm thường” nhỏ nhoi, nhưng bằng một cách “phi thường”.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm đau thương về hậu quả của việc “có mới nới cũ” không? Kinh nghiệm về việc âm thầm chu toàn nhiệm vụ từng ngày không?

Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận hằng ngày của bạn trong tinh thần khiêm tốn, vui tươi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám dỗ “dấu lạ” thật hấp dẫn đối với chúng con. Xin giúp chúng con lướt thắng nó bằng cuộc sống hy sinh quên mình để phục vụ.

 

THỨ BẢY 22/07/23 – TUẦN 15 TN 

 Ga 20,1-2,11-18

Thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na

CHỨNG NHÂN CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH CHO MỌI NGƯỜI

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa,” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 11,18)

Suy niệm: Người người phụ nữ đầu tiên được Chúa tỏ mình ra sau khi sống lại là Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà được vinh dự đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các tông đồ, bà xứng danh là ‘Tông đồ của các Tông đồ’. Ta tin chắc rằng gặp ai bà cũng loan truyền rằng Chúa đã thực sự sống lại, đã hiện ra với bà,  truyền lệnh cho bà loan báo tin vui trọng đại này. Bà là chứng nhân, nhà truyền giáo đầu tiên loan Tin Mừng phục sinh của Đấng Cứu Thế. Bà trở nên mẫu gương, mẫu mực cho việc loan báo Tin Mừng: ra đi – loan báo – kể lại “Tôi đã thấy Chúa.” Chứng từ mạnh mẽ, có sức thu hút hay không tùy thuộc phần lớn nơi giá trị của sứ điệp cũng như sự nhiệt tình, xác tín của người được sai đi. Là người được sai đi, bạn hãy chiêm ngắm thật kỹ mẫu gương tông đồ nơi Bà Ma-ri-a Mác-đa-la.

Mời Bạn: Là môn đệ của Đấng Phục sinh qua phép Thánh tẩy và Thêm sức, bạn được trao nhiệm vụ làm chứng cho Chúa nơi môi trường bạn sinh sống, làm việc. Bạn có nhiệt thành, can đảm, dấn thân để nói về Chúa, làm chứng cho Ngài cho những anh chị em chưa biết hoặc muốn biết về Ngài hay chưa?

Sống Lời Chúa: Làm chứng là nói và làm những điều hay lẽ phải hợp với đạo lý con người, thực thi các việc đạo đức Chúa dạy. Điều này đòi hỏi bạn không sợ dư luận, cũng chẳng e dè, ngại ngùng trước đám đông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì tình mến, lòng nhiệt thành của Thánh nữ Ma-ri-a Mác-đa-la mãi là gương sáng, động lực truyền giáo cho mọi Ki-tô hữu chúng con. Amen.

 

CHÚA NHẬT 23/07/23 – TUẦN 16 TN – A

 Mt 13,24-43

KIÊN NHẪN-HY VỌNG-THƯƠNG XÓT

“Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,29)

Suy niệmĐức Giê-su dùng phương pháp tương phản để cho thấy hai đường lối khác biệt. Ông chủ: gieo giống tốt, ban ngày, công khai, quan tâm chăm sóc; kẻ thù (Satan): gieo cỏ lùng, ban đêm, lén lút, bỏ mặc. Cỏ lùng khi lớn lên giống như lúa, nếu nhổ đi sẽ ảnh hưởng tới cây lúa, cũng như có thể nhổ nhầm cây lúa. Ruộng là thế gian, trong “ruộng thế gian” này, người Ki-tô hữu là giống tốt được gieo vào, được mong mỏi đơm bông kết hạt; thế nhưng, họ vẫn có “nguy cơ” trở thành “cỏ lùng” khi để tâm hồn nên xấu xa tội lỗi. Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã gieo giống tốt vào ruộng thế gian, thậm chí “gieo” cả Con Một mình, là hạt lúa mì chịu mục nát, chết đi, sống lại, để sản sinh bao hạt lúa khác.

Mời bạnTa thường loại bỏ những người bất đồng quan điểm, không tương hợp với mình; hoặc do cho rằng họ “tội lỗi” hơn ta, nơi họ không có gì đáng tôn trọng. Bạn hãy ngắm nhìn Người gieo giống: kiên nhẫn, khoan dung, thương xót, chờ đợi, luôn hy vọng “cỏ lùng” sẽ có ngày hoán cải, trở thành lúa tốt. Không phải chờ đợi một hai năm, nhưng đến mùa gặt, ngày cuối đời. Bạn hãy suy ngắm, thực hành mẫu gương Người gieo giống ấy. Bạn biết không, ngày cánh chung Thiên Chúa sẽ xét xử bạn dựa trên việc bạn đã sống lòng thương xót với anh chị em mình chưa?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người đang sống xa lìa Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con hoán cải. Xin cho con kiên nhẫn, hy vọng, thương xót với anh chị em và với chính mình.

 

THỨ SÁU 21/07/23 – TUẦN 15 TN  

Mt 12,1-8

Thánh Lô-ren-xô Brin-đi-xi, linh mục

Ý NGHĨA NGÀY CHÚA NHẬT

“Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Mt 12,8)

Suy niệm: Người Pha-ri-sêu giữ lề luật cách câu nệ, cứng nhắc đến mức đánh mất ý nghĩa thiêng liêng đích thực của việc giữ ngày sa-bát. Chúa Giê-su thể hiện Ngài là Thiên Chúa là “chủ ngày sa-bát” qua việc Ngài phục hồi ý nghĩa giá trị việc nghỉ lễ là thánh hoá thời gian để tôn vinh Thiên Chúa Đấng tạo thành và nhất là chính Ngài là Đấng cứu chuộc qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Ngày sa-bát được chuyển dời sang ngày thứ nhất trong tuần, ngày Ngài sống lại, Ngày Của Chúa, ngày Chúa Nhật.

Mời Bạn: Hiện nay tỷ lệ người Công giáo Việt Nam dự lễ Chúa nhật khá cao, một điều đáng mừng, rất khích lệ. Theo tinh thần của Đấng “làm chủ ngày sa-bát”, chúng ta ‘giữ ngày Chúa Nhật’ không chỉ như tuân thủ một điều luật buộc mà còn vì tin thờ, yêu mến Đấng cho chúng ta được sống lại với Ngài. Như người con thảo hiếu, chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng tạo thành và cứu chuộc ta nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Việc nghỉ ngày Chúa Nhật đã phổ biến thành điều khoản theo luật lao động, nhưng tiếc thay, ngày này đang dần mất đi ý nghĩa là ngày được thánh hoá để thờ phượng Chúa mà chỉ còn là ngày để giải trí vui chơi… Xu hướng này là một thách đố không hề nhỏ cho chúng ta. Ngay bây giờ, bạn xác tín ý nghĩa thánh hóa Chúa nhật, cũng như dạy cho con em biết làm chủ Chúa nhật theo tinh thần đức tin.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy quyết tâm luôn tham dự thánh lễ Chúa nhật, không chỉ vì đó là điều luật buộc, nhưng trước hết, vì lòng yêu mến, kính sợ Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vượt thắng tính ươn lười, để sống nghiêm chỉnh điều răn Chúa dạy: “Thứ ba giữ ngày Chúa nhật.” Amen.