5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

CHÚA NHẬT 23/07/23 – TUẦN 16 TN – A

 Mt 13,24-43

KIÊN NHẪN-HY VỌNG-THƯƠNG XÓT

“Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,29)

Suy niệmĐức Giê-su dùng phương pháp tương phản để cho thấy hai đường lối khác biệt. Ông chủ: gieo giống tốt, ban ngày, công khai, quan tâm chăm sóc; kẻ thù (Satan): gieo cỏ lùng, ban đêm, lén lút, bỏ mặc. Cỏ lùng khi lớn lên giống như lúa, nếu nhổ đi sẽ ảnh hưởng tới cây lúa, cũng như có thể nhổ nhầm cây lúa. Ruộng là thế gian, trong “ruộng thế gian” này, người Ki-tô hữu là giống tốt được gieo vào, được mong mỏi đơm bông kết hạt; thế nhưng, họ vẫn có “nguy cơ” trở thành “cỏ lùng” khi để tâm hồn nên xấu xa tội lỗi. Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã gieo giống tốt vào ruộng thế gian, thậm chí “gieo” cả Con Một mình, là hạt lúa mì chịu mục nát, chết đi, sống lại, để sản sinh bao hạt lúa khác.

Mời bạnTa thường loại bỏ những người bất đồng quan điểm, không tương hợp với mình; hoặc do cho rằng họ “tội lỗi” hơn ta, nơi họ không có gì đáng tôn trọng. Bạn hãy ngắm nhìn Người gieo giống: kiên nhẫn, khoan dung, thương xót, chờ đợi, luôn hy vọng “cỏ lùng” sẽ có ngày hoán cải, trở thành lúa tốt. Không phải chờ đợi một hai năm, nhưng đến mùa gặt, ngày cuối đời. Bạn hãy suy ngắm, thực hành mẫu gương Người gieo giống ấy. Bạn biết không, ngày cánh chung Thiên Chúa sẽ xét xử bạn dựa trên việc bạn đã sống lòng thương xót với anh chị em mình chưa?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người đang sống xa lìa Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con hoán cải. Xin cho con kiên nhẫn, hy vọng, thương xót với anh chị em và với chính mình.

 

THỨ BẢY 22/07/23 – TUẦN 15 TN 

 Ga 20,1-2,11-18

Thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na

CHỨNG NHÂN CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH CHO MỌI NGƯỜI

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa,” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 11,18)

Suy niệm: Người người phụ nữ đầu tiên được Chúa tỏ mình ra sau khi sống lại là Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà được vinh dự đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các tông đồ, bà xứng danh là ‘Tông đồ của các Tông đồ’. Ta tin chắc rằng gặp ai bà cũng loan truyền rằng Chúa đã thực sự sống lại, đã hiện ra với bà,  truyền lệnh cho bà loan báo tin vui trọng đại này. Bà là chứng nhân, nhà truyền giáo đầu tiên loan Tin Mừng phục sinh của Đấng Cứu Thế. Bà trở nên mẫu gương, mẫu mực cho việc loan báo Tin Mừng: ra đi – loan báo – kể lại “Tôi đã thấy Chúa.” Chứng từ mạnh mẽ, có sức thu hút hay không tùy thuộc phần lớn nơi giá trị của sứ điệp cũng như sự nhiệt tình, xác tín của người được sai đi. Là người được sai đi, bạn hãy chiêm ngắm thật kỹ mẫu gương tông đồ nơi Bà Ma-ri-a Mác-đa-la.

Mời Bạn: Là môn đệ của Đấng Phục sinh qua phép Thánh tẩy và Thêm sức, bạn được trao nhiệm vụ làm chứng cho Chúa nơi môi trường bạn sinh sống, làm việc. Bạn có nhiệt thành, can đảm, dấn thân để nói về Chúa, làm chứng cho Ngài cho những anh chị em chưa biết hoặc muốn biết về Ngài hay chưa?

Sống Lời Chúa: Làm chứng là nói và làm những điều hay lẽ phải hợp với đạo lý con người, thực thi các việc đạo đức Chúa dạy. Điều này đòi hỏi bạn không sợ dư luận, cũng chẳng e dè, ngại ngùng trước đám đông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì tình mến, lòng nhiệt thành của Thánh nữ Ma-ri-a Mác-đa-la mãi là gương sáng, động lực truyền giáo cho mọi Ki-tô hữu chúng con. Amen.

 

THỨ NĂM 20/07/23 – TUẦN 15 TN 

  Mt 11,28-30

Thánh A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo

HỌC VỚI GIÊ-SU

Chúa Giê-su nói : “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Chúa Giê-su giảng dạy thật hùng biện hấp dẫn, nhưng Ngài không dạy chúng ta phải bắt chước Ngài ở điểm này. Cũng thế, Chúa thực hiện rất nhiều phép lạ, nhưng không phải ai cũng được Ngài ban cho quyền năng đặc biệt này. Điều duy nhất Ngài yêu cầu chúng ta hãy học nơi Ngài đó là đức hiền lành và khiêm nhường. Thật kỳ diệu, con người gặp gỡ Thiên Chúa ở chính điểm Ngài hạ mình xuống thấp nhất. Từ điểm thấp nhất này của Thiên Chúa mà Ngài được tôn vinh và cũng từ điểm này con người cũng được nâng lên cao nhất vì trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Mầu nhiệm thập giá, phương thế Chúa dùng để cứu chuộc chúng ta, chính là nơi thể hiện rõ hơn cả đức hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Nếu muốn học hiền lành và khiêm nhường như Đức Ki-tô, thì hãy học nơi thập giá của Ngài.

Mời Bạn: Nếu như Chúa là Thiên Chúa mà còn chọn hiền lành và khiêm nhường là cách tốt nhất để cứu chuộc thì chúng ta sao lại không chọn hiền lành và khiêm nhường là cách tốt nhất để phục vụ? Mời bạn chiêm ngắm Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhường qua các trình thuật của Tin Mừng, đặc biệt về cuộc Thương Khó của Ngài.

Sống Lời Chúa: Chọn một hành động của Chúa Giê-su thể hiện sự hiền lành khiêm nhường đánh động tâm hồn bạn nhất – chẳng hạn việc Chúa rửa chân cho các tông đồ – để ghi nhớ, suy gẫm và tập sống như Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường, xin dạy dỗ con, cho con học biết sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Amen.

 

THỨ SÁU 21/07/23 – TUẦN 15 TN  

Mt 12,1-8

Thánh Lô-ren-xô Brin-đi-xi, linh mục

Ý NGHĨA NGÀY CHÚA NHẬT

“Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Mt 12,8)

Suy niệm: Người Pha-ri-sêu giữ lề luật cách câu nệ, cứng nhắc đến mức đánh mất ý nghĩa thiêng liêng đích thực của việc giữ ngày sa-bát. Chúa Giê-su thể hiện Ngài là Thiên Chúa là “chủ ngày sa-bát” qua việc Ngài phục hồi ý nghĩa giá trị việc nghỉ lễ là thánh hoá thời gian để tôn vinh Thiên Chúa Đấng tạo thành và nhất là chính Ngài là Đấng cứu chuộc qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Ngày sa-bát được chuyển dời sang ngày thứ nhất trong tuần, ngày Ngài sống lại, Ngày Của Chúa, ngày Chúa Nhật.

Mời Bạn: Hiện nay tỷ lệ người Công giáo Việt Nam dự lễ Chúa nhật khá cao, một điều đáng mừng, rất khích lệ. Theo tinh thần của Đấng “làm chủ ngày sa-bát”, chúng ta ‘giữ ngày Chúa Nhật’ không chỉ như tuân thủ một điều luật buộc mà còn vì tin thờ, yêu mến Đấng cho chúng ta được sống lại với Ngài. Như người con thảo hiếu, chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng tạo thành và cứu chuộc ta nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Việc nghỉ ngày Chúa Nhật đã phổ biến thành điều khoản theo luật lao động, nhưng tiếc thay, ngày này đang dần mất đi ý nghĩa là ngày được thánh hoá để thờ phượng Chúa mà chỉ còn là ngày để giải trí vui chơi… Xu hướng này là một thách đố không hề nhỏ cho chúng ta. Ngay bây giờ, bạn xác tín ý nghĩa thánh hóa Chúa nhật, cũng như dạy cho con em biết làm chủ Chúa nhật theo tinh thần đức tin.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy quyết tâm luôn tham dự thánh lễ Chúa nhật, không chỉ vì đó là điều luật buộc, nhưng trước hết, vì lòng yêu mến, kính sợ Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vượt thắng tính ươn lười, để sống nghiêm chỉnh điều răn Chúa dạy: “Thứ ba giữ ngày Chúa nhật.” Amen.

 

THỨ TƯ 19/07/23 – TUẦN 15 TN

 Mc 11,25-27

MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”  (Mt 11,25)

Suy niệm: Có thực sự là Thiên Chúa giấu mầu nhiệm Nước Trời cho bậc khôn ngoan thông thái và chỉ mạc khải cho người bé mọn hay không? Thiên Chúa cứu độ hết mọi người kia mà!!?? Phải chăng bậc khôn ngoan thông thái, những người thông minh, giỏi giang, có chỉ số IQ hơn người, họ không được phép biết mầu nhiệm Nước Trời, họ không cần được cứu độ hay sao? Khi đặt người “bậc khôn ngoan thông thái” đối lập với “những người bé mọn”, Chúa Giê-su muốn ám chỉ tới những người có địa vị, tiếng nói trong xã hội, trí tuệ đầy ắp kiến thức, thông thạo lề luật, nhưng lại không có tinh thần trẻ thơ, nghèo khó. Họ tự mãn, không cần ai và cũng chẳng cần Chúa. Vì thế, nếu họ có được Chúa mặc khải thì “họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu” (Mc 4,12; Is 6,10).

Mời Bạn: Để được mặc khải mầu nhiệm Nước Trời và nhờ đó lĩnh nhận ơn cứu độ, bạn hãy trở nên ngýời bé mọn, nghĩa là ngýời có tinh thần trẻ thõ, tinh thần nghèo khó. Họ chỉ có một niềm trông cậy duy nhất là Thiên Chúa. Họ sẵn sàng một tấm lòng không, nhờ đó có thể chất đầy Lời Chúa và đón nhận ơn cứu độ.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình phân định để loại bỏ ý riêng, tự mãn và để trở nên bé mọn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con một tâm hồn biết buông bỏ mọi sự để Lời của Chúa thấm đẫm và chứa đầy trong trái tim con, hầu con nhận ra ý Chúa muốn nói với con qua từng biến cố xảy đến với con hôm nay. Amen.