5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

THỨ BẢY 15/07/23 – TUẦN 14 TN  

Mt 10,24-33

Thánh Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT

ĐỪNG THOẢ HIỆP VÌ SỢ

Đức Giê-su nói với các tông đồ rằng: “Không một con (chim sẻ) nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em… Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10,29-31)

Suy niệm: Sợ là một phản ứng tâm lý bình thường nơi con người. Ai cũng có cái để sợ. Ngay cả Chúa Giê-su, trong vườn Cây Dầu, Ngài cũng đã sợ đến độ đổ mồ hôi máu. Thế nhưng dù sợ, Ngài không chùn bước, không thối lui, Ngài vẫn hiên ngang bước vào cuộc khổ nạn và chấp nhận cái chết để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Vì hơn ai hết, Ngài hiểu rõ về Cha: là Đấng thấu suốt mọi chân tơ kẽ tóc; và là Đấng an bài mọi sự, dù đó chỉ là mạng sống con chim sẻ. Ngài đến trần gian là chỉ để làm chứng về Cha. Và những kẻ theo Ngài, cũng mang cùng một sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

Mời Bạn: Vì danh Chúa Ki-tô, người môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét; nhưng Ngài trấn an những kẻ theo Ngài là “đừng sợ”, vì Ngài đã thắng thế gian (Ga 16,33). Thắng, không có nghĩa là đè bẹp thế gian, mà là không chấp nhận làm theo những đòi hỏi của nó, cho dù bị đe dọa, bị khủng bố, hay bị giết chết; mà trái lại, còn biến đổi và thánh hoá nó. Chúa cho biết quy luật để vào Nước Trời là: “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất” (Mc 10,39). Bạn xét xem bạn đang sợ điều gì, và có phải vì sợ mà bạn thoả hiệp với thế gian mà lỡ mất hạnh phúc Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm cuộc sống để sớm nhận ra mình đang thoả hiệp với thế gian như thế nào và để chấn chỉnh lại đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, là một con người, Chúa cũng sợ hãi, nhưng Chúa không thỏa hiệp để giữ lấy mạng sống. Xin ban thêm niềm tin, để con dám liều thân để chọn sống theo ý Chúa. Amen.

 

THỨ SÁU 14/07/23 – TUẦN 14 TN

Mt 10,16-23

Thánh Ca-mi-lô Len-li, linh mục

ỨNG PHÓ NHỜ THẦN KHÍ

“Không phải anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10,20)

Suy niệm: Khi xảy ra thiên tai, người dân được kêu gọi tận dụng những phương tiện tại chỗ để ứng phó hầu hạn chế thiệt hại, trong khi chờ đợi các nguồn cứu trợ từ xa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su báo trước thân phận của các môn đệ sẽ phải đương đầu với nhiều gian nan nguy hiểm: sống giữa thế gian họ như “chiên giữa bầy sói”, họ sẽ bị bắt, bị nộp, bị đánh đập, ghét bỏ, giết chết… Chúa Giê-su dạy trong cơn bách hại, không được lo lắng, sợ sệt nhưng luôn tin tưởng vào nguồn trợ lực siêu nhiên là Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, thật vậy, không phải chính anh em nói mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Trong cơn nguy khốn, tưởng chừng vắng bóng Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Thánh Thần hiện diện kề bên để giúp ta ứng phó.

Mời Bạn: Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đấng Bảo trợ là Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giê-su đã hứa. Ngài đến gìn giữ, hướng dẫn, thánh hoá và canh tân Hội Thánh. Ngài cũng hoạt động nơi mỗi người chúng ta như chân phước Elena Guerra nói: “Mỗi tín hữu có thể nói: Chúa Ki-tô hứa ban Thánh Thần của Người cho tôi, thật vậy cho tôi cách riêng. Vì vậy, bao lâu tôi mong ước Chúa Thánh Thần, tôi sẽ nhận được Người. Người sẽ đến với tôi. Người sẽ ban Người cho tôi. Người sẽ ở lại với tôi.”

Sống Lời Chúa: Dừng lại giây lát trước khi làm bất cứ việc gì để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Xin biến đổi và thánh hoá con trong tình yêu và sức mạnh diệu kỳ của Chúa để con sống cho vinh quang Thiên Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ 12/07/23 – TUẦN 14 TN

                                         

 Mt 10,1-7

TẤT CẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh Phan-xi-cô trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ít-ra-en” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?

Chia sẻ: Kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.

Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít,” xin hãy sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.

 

THỨ NĂM 13/07/23 – TUẦN 14 TN 

                                   

 Mt 10,6-15

Thánh Hen-ri-cô

TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy các ông cũng phải noi theo gương mình: cho đi vô điều kiện vì tình yêu tha nhân. Từ giờ phút này, các ông phải sắp xếp lại lối suy nghĩ, hành động của mình, phải từ bỏ cách nói, cách làm quen thuộc để có thể quên mình cho đại cuộc. Sắp xếp lại là cách diễn dịch công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” mà hiện nay Giáo Hội đang đề cập đến rất nhiều. Sắp xếp bao hàm sự phân loại: cái gì nên giữ, cái gì nên bỏ dựa trên những giá trị của Tin Mừng. Các ông phải rao giảng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỷ cách vô cầu, hay cho không như chính mình đã được cho không. Đó chính là tình yêu, là khởi điểm cho một tình yêu sâu xa và tận căn nơi các sứ giả Tin Mừng.

Mời Bạn: Là linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân… bạn đã cho không thế nào? Cho không là không nhắm đến một ‘hòn chì ném lại’ nào, dù là tình cảm, tiền bạc, đồ vật hay một mối tương quan nào từ người được thụ hưởng. Ai cũng có một cái gì đó tốt đẹp để cho không, bạn cũng vậy thôi!

Sống Lời Chúa: Động lực thúc đẩy các môn đệ ra đi theo lệnh truyền của Chúa Giêsu không gì hơn là lòng thương xót của Ngài. “Ngài chạnh lòng thương” họ như chiên bơ vơ không người chăm sóc. Động cơ thúc đẩy chúng ta đem tình cho không biếu không người anh chị em cũng không ngoài quĩ đạo ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đáng mến, Chúa ban cho chúng con ơn huệ tuyệt vời là được nhận biết và yêu mến Chúa. Xin giúp chúng con biết “cho đi mà không cần tính toán,” bởi vì chúng con luôn ý thức mình không có gì mà đã chẳng lãnh nhận từ Chúa. Amen.

 

THỨ BA 11/07/23 – TUẦN 14 TN

                                         

 Mt 9,32-38

Thánh Bê-nê-đi-tô, viện phụ

NỖI LÒNG MỤC TỬ

Đức Giê-su thấy đám đông, người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9,36)

Suy niệm: E rằng có nhiều thiếu sót nơi người mẹ trong câu nói “con khóc mẹ mới cho bú”. Người mẹ trong thời gian nuôi con thơ cần phải chăm sóc con không chỉ như một vú nuôi, nghĩa là với mức cần thiết, mà còn hơn mức cần thiết, vì là người mẹ. Nhìn con, bà liền nhạy bén nhận biết nhu cầu của con theo linh tính của người mẹ,  không chờ đợi con kêu gào. Phải chăng lúc con kêu khóc cũng là lúc người mẹ thấy mình thiếu sót bổn phận? Đức Giê-su khi nhìn đám đông, Ngài bén nhạy nhận ra nhu cầu của đoàn dân: nhu cầu lương thực, nhu cầu chữa bệnh, nhu cầu tái hội nhập cộng đồng, v.v. Hơn thế nữa, Ngài thấy cả nhu cầu mà chính họ không thấy, đó là nhu cầu được chăn dắt, được hướng dẫn, một nhu cầu cần thiết hơn mọi nhu cầu khác.

Mời Bạn: Bạn là ai vậy? Có thể là người phụ trách một cộng đoàn, một nhóm, một số người hay chỉ là một thành viên nhỏ bé, vô danh. Dù vậy, có bao giờ bạn ý thức mình có trách nhiệm phải quan tâm để ý tới nhu cầu của từng người trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn không? Nhất là nhu cầu được hướng dẫn theo chân lý? Hãy nhớ rằng Chúa đang dùng con mắt và trái tim của bạn để nhìn thấy từng người sống quanh bạn.

Chia sẻ: Tại sao ta không thấy nhu cầu của người trong nhà, trong nhóm, dù ta thường xuyên giáp mặt họ hằng ngày?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tìm hiểu nhu cầu người bên cạnh và giúp họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mắt con trở nên mù lòa vì trái tim con cằn cỗi, không thấy được nhu cầu của anh chị em con. Xin tạo cho con trái tim nhạy cảm để biết xót thương người bên cạnh.