7. Đời Sống Mới Trong Thần Khí

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - LỄ CAC THÁNH

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     


    LỄ CÁC THÁNH VÀ CÁC ĐẲNG: 
    HÀNH TRÌNH VỀ PHÍA BÊN KIA
    Fleur Dorrell
     
    Đừng khóc, tôi sẽ hữu ích cho anh em sau khi chết và tôi sẽ giúp anh em hiệu quả hơn là khi tôi sống (Thánh Đaminh nói với các anh em khi hấp hối).

     

    Kinh Thánh dành sự thánh thiện cho Thiên Chúa, Giavê được gọi là Đấng Thánh. Đây là sự thánh thiện cực kỳ, một điều gì đó khác lạ mà đứng trước nó thì con người chỉ có tôn kính và sợ hãi như trong Stk 15,12; 28,10-19; Xh 3,1-6; I Sm 6,13-21 và 2 Sm 6,1-10. Nhưng Thiên Chúa thông ban sự thánh thiện của Ngài cho dân Israel như ta đọc thấy trong Is 12,6; 29,19-23; 30,11-15; 31,1-3. Họ trở thành dấu hiệu cho các dân tộc, trong đời sống hằng ngày, trong đời sống đức tin và phụng tự. Họ tỏ bày một cách sống khác cho các dân tộc quanh mình như được đề cập đến trong Lv 19,1-37[1]; 21,1-2 và Kh 4,1-11.
     
    Để thực hiện sự thánh thiện mà Thiên Chúa kêu mời này, trước hết dân Chúa chọn không chỉ có những phương tiện theo lề luật và thực hành là thanh tẩy bên ngoài. Họ phải thấy được nhu cầu hoán cải nội tâm nhiều hơn nữa, tìm kiếm sự thanh tẩy tâm hồn cho phép họ có được sự thân mật gần hơn với sự thánh thiện, và vì vậy, đó là đời sống của Thiên Chúa như được mô tả trong Is 6,1-7; Tv 14; Ed 36,17-32 và 1 Pr 1,14-18. Họ hy vọng sự thánh thiện được Thiên Chúa thông truyền trực tiếp. Niềm hy vọng này được thực hiện trong Đức Kitô, Đấng tỏa ra sự thánh thiện và thánh tính của Thiên Chúa ngự trên Ngài như ta thấy trong Ga 3,1-15, 1 Cr 3,16-17; Gl 5,16-25 và Rm 8,9-14. Và Đức Giêsu đến để thánh hóa tất cả nhân loại.
     
    Như là “Đức Chúa”, Đức Giêsu Kitô thông truyền thánh tính và sự thánh thiện của Ngài cho Giáo Hội qua giáo huấn của Ngài và các bí tích. Đây là những phương tiện của cuộc sống thần nhân (divine-human life) của Ngài để chữa lành và giao hòa, được tiếp tục trong thế giới qua Giáo Hội. Chúng ta thấy điều này trong Mt 13,24-30; 25,2; Cl 1,22 và 2 Cr 1,12. Giáo huấn này mạnh mẽ trong cộng đoàn Kitô giáo sơ thời của thế kỷ I đến nỗi họ tự gọi mình là “Các Thánh” như được nói đến trong 2 Cr 11,12; Rm 15, 26-31 và Ep 3,5-8; 4,12; và họ gọi Giáo Hội là “sự hiệp thông của các thánh”. Tước hiệu này, chúng ta vẫn sử dụng trong Kinh Tin Kính, đã có nguồn gốc trong cử hành Thánh Thể, nơi mà những người thánh thiện, Các Thánh, tham dự vào “những sự thánh” (Holy things). Như vậy, sự thánh thiện của Kitô hữu được xem như thông phần vào đời sống được chia sẻ của Thiên Chúa hiện diện trong các hành vi của Giáo Hội, trên hết là trong các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.

     

    Khi ta được rửa tội, tên một vị thánh được gán cho chúng ta để ta hành động như vị thánh bổn mạng của mình (hoặc ta có thể chọn một vị thánh nào đó nếu là người trưởng thành được rửa tội). Khi nhận bí tích Thêm sức, một lần nữa ta chọn tên một vị thánh để trở thành gương mẫu và nguồn cảm hứng trong đời sống đức tin lâu dài của chúng ta. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, chúng ta đồng hành cùng các thánh. Vì thế, thực hành đạo đức của người Công giáo là cầu xin sự can thiệp của các anh chị em đã qua đời trong Đức Kitô – các thánh – đã có từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, và được chia sẻ bởi người Công giáo, Chính thống giáo Đông phương, các Kitô hữu Đông phương khác, và một vài giáo hội Anh giáo. Ngày lễ Các Thánh Nam Nữ được xác định vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Hiện Xuống (ngày này vẫn còn được giữ trong Giáo Hội Đông phương). Trong Giáo hội Tây phương, nó được chuyển vào ngày 13 tháng 5 để phù hợp với ngày lễ cung hiến điện Pantheon ở Rôma làm Vương cung thánh đường Sta Maria ad Martyres vào năm 609 Công nguyên.
     
    Đức giáo hoàng Grêgôriô IV đã chuyển lễ này vào ngày 1 tháng 11 khi ngài cung hiến một nhà nguyện trong Đền thờ Thánh Phêrô cho “Các Thánh” và mở rộng ngày lễ đến với những người tuyên xưng đức tin và các vị tử đạo. Tháng 11 là tháng sau mùa gặt nên có nhiều nguồn cung cấp lương thực hơn cho những đám đông đến tham dự, vì thế tháng này có nhiều ý nghĩa hơn để khuyến khích lòng đạo đức này trong suốt tháng. Ngày lễ Các Thánh đem lại cho người thờ phượng nhiều cơ hội hơn để đền bù những thiếu sót trong việc tôn kính các thánh trong năm; và vì đã có quá nhiều vị thánh nên dường như thật hợp lý khi tôn vinh tất cả cùng nhau và trong cùng một ngày.
     
    Như Kinh Thánh cho biết, những người đã ở trên trời biết đến lời cầu xin của những người còn trên mặt đất. Ta thấy điều này trong Khải Huyền 5,8 khi Gioan mô tả rằng các thánh trên trời dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa dưới hình dạng “những bát vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh”. Nếu các thánh trên trời dâng lời cầu xin của chúng ta lên Thiên Chúa thì họ phải biết những lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta tin vào việc tôn vinh và cử hành sự hiệp thông các thánh trên trời vào ngày đặc biệt này vì họ được kết hợp với Đức Kitô, và sự hiện diện của họ trên trời cho phép toàn thể Giáo hội trên mặt đất này theo gương sự thánh thiện của họ.

     

    Tôi muốn trải qua thiên đàng khi làm việc lành trên trái đất này (Thánh Têrêsa Lisieux)
    Như sự hiệp thông và tình bằng hữu Kitô giáo trong những người hành hương của chúng ta mang chúng ta đến gần hơn với Đức Kitô, thì sự hiệp thông của chúng ta với các thánh liên kết chúng ta với Đức Kitô bây giờ và mãi mãi. Vì thế, chúng ta có thể và nên cầu xin họ can thiệp cho chúng ta và cho thế giới.
     
    Đừng khóc, tôi sẽ hữu ích cho anh em sau khi chết và tôi sẽ giúp anh em hiệu quả hơn là khi tôi sống (Thánh Đaminh nói với các anh em khi hấp hối).

    Tuy nhiên, sự thánh thiện không phải là kết quả hay phần thưởng của nỗ lực hay sự anh dũng của con người mà đúng hơn là ân sủng của tình yêu Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của tâm hồn của người trước sáng kiến của Thiên Chúa. Dante, nhà thơ vĩ đại của Ý thời Trung cổ, đã hiểu đúng điều này khi ông cơ cấu nhãn quan tuyệt vời của mình về hỏa ngục, luyện ngục, và thiên đàng quanh một tình yêu bền vững. Thoạt đầu, tình yêu thuộc về nhân loại, của một người nam dành cho một người nữ, của Dante dành cho Beatrice. Nhưng khi tìm kiếm sự sâu thẳm của tình yêu đó, ông mở ra với nguồn gốc của mọi tình yêu, và cuối cùng thấy mình bị thu hút vào chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi cử hành lễ Các Thánh, Giáo hội cử hành chính ơn gọi của mình là mở ra trong tâm trí và tâm hồn với tình yêu hòa giải của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Và từ trong tình yêu đó giúp sức và nâng đỡ những ai cần đến nó trong quyền năng của Thánh Thần, Đấng khiến cho mọi sự thánh thiện đều có thể.

     

    Kinh Chiều ngày lễ Các Thánh được tiếp nối ngay bằng lễ Các Đẳng[2] Linh Hồn – nghĩa là những người được cầu cho tiếp theo sau những người được cầu đến - được cử hành vào ngày 2 tháng 11. Được cử hành sau một ngày, lễ này có đích nhắm khác. Đây là ngày cầu nguyện cho tất cả những ai đã qua đời và ra đi trước chúng ta nhưng tình trạng của họ không rõ ràng như “Các Thánh” của chúng ta. Trong cuộc sống, ta hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, chúng ta yêu và được yêu hơn, thuận tiện hơn trong mọi hoàn cảnh, hạnh phúc hơn và khỏe hơn. Nhưng luôn có đó một nhận thức nền tảng rằng thời gian bị hạn chế, không chóng thì chầy chúng ta sẽ chết. Ta biết điều này nhưng không cần phải giữ nó trong tim cho đến khi có những hoàn cảnh đặc biệt buộc ta phải nhớ đến nó. Như vậy, lễ Các linh hồn dành cho tất cả những ai đã chết và chưa đạt được thiên đàng. Đây là ngày quan trọng đến nỗi Giáo hội Công giáo ban ân xá khi viếng nhà thờ trong ngày này. Ân xá là cách mạnh mẽ để biểu lộ tình yêu của chúng ta dành cho một người bạn và thành viên gia đình vừa mới qua đời.
     
    Giáo hội Công giáo dạy rằng sự thanh tẩy các linh hồn trong luyện ngục có thể được trợ giúp bằng lời cầu của các tín hữu trên mặt đất. Giáo huấn này cũng dựa trên thực hành cầu nguyện và bác ái dành cho kẻ chết được nói đến trong 2 Maccabê 12,42–46. Ở phương Tây có nhiều bằng chứng về tập quán cầu cho kẻ chết được ghi trên các văn bia trong hầm mộ (catacombs) với lời cầu nguyện liên lỉ cho sự bình an của các linh hồn người qua đời và trong các phụng vụ sơ thời chứa đựng nhiều kinh tưởng niệm cho người qua đời.  Tertullianô, Cyprianô và các giáo phụ phương Tây sơ thời khác cũng đã chứng kiến việc thực hành đều đặn các lời cầu nguyện cho người chết trong số các Kitô hữu sơ thời. Nền tảng cơ bản cho ngày lễ này là giáo lý cho rằng các linh hồn, sau khi bỏ lại thân xác trên mặt đất, đã không được sạch tội hay chưa hoàn toàn đền những tội lỗi trong quá khứ, họ chưa sẵn sàng để gặp Chúa. Những linh hồn này đi vào trong một trạng thái gọi là Luyện ngục (Purgatory). Các tín hữu trên trần gian được khuyến khích giúp đỡ họ trên hành trình từ Luyện ngục lên Thiên đàng bằng cách dâng lời cầu nguyện, bố thí và tham dự thánh lễ dành cho họ trong ngày này.
     
    Vì thế, trong đức tin, chúng ta theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng đối diện sự chết với cùng sự quảng đại khi Ngài đối diện với sự sống, và lời hứa trong sự phục sinh của Ngài khẳng định niềm hy vọng sâu thẳm của chúng ta rằng sự sống không mất đi. Kinh Thánh nói với chúng ta về một nơi được chuẩn bị cho chúng ta ngay từ khi bắt đầu thời gian, xem Tv 26; Is 25,6-9; Kh 21,1-7. Chúng ta được dẫn tới niềm hy vọng về một hành trình tiếp tục đi vào sự sống và vào tình yêu Thiên Chúa. Nhưng cái chết là một thực tại có thật của dự phóng trần thế của chúng ta. Nó khiến cho ta và những người khác nhìn lại toàn bộ cuộc sống mình và thấy ta như thế nào, ta được kết quả gì và những gợn sóng nào vẫn còn đi qua thời gian và không gian khi ảnh hưởng đến người khác.
     
    Nhưng bên kia cái chết chúng ta đi vào sự hiện diện thân mật của Đấng Tạo Dựng đầy yêu thương và có lẽ lần đầu tiên ý thức được sự thẳm sâu của của tình yêu đã đưa chúng ta đến hiện hữu và giúp đỡ ta trong cuộc sống. Và ta thấy được bản tính câu trả lời của chúng ta. Ai trong chúng ta có thể tin chắc là mình sẽ đi đến cuộc hội ngộ đó, đã hoàn thành, đã chín muồi trong đức tin và đức ái, hòa giải hoàn toàn và mở ra sự sống với Thiên Chúa và các thánh? Có bao nhiêu người trong chúng ta nghi ngờ rằng mình có thể tìm thấy mình trước một tình yêu như thế và hổ thẹn về tất cả những gì trong cuộc sống chúng ta, những tư tưởng, những hành vi, thói quen, những điều không phải là của Đức Kitô? Tại thời khắc đó, chúng ta sẽ bị phán xét bởi chính chúng ta cũng như bởi Thiên Chúa của sự sống. Tất cả được hiến dâng cho chúng ta nhưng nào ta có sẵn sàng và mở ra để đón nhận tất cả đâu?
     
     
    Chính vì thời khắc khủng hoảng sâu sắc này mà có ngày lễ Các đẳng linh hồn. Lời cầu của chúng ta và của các thánh đi trước chúng ta bao bọc và hỗ trợ những người đang cần mở ra các lãnh vực trong tâm trí và tâm hồn họ đã bị đóng lại vì tính vị kỷ và tội lỗi, để họ có thể tiến vào sự sống được hứa và chuẩn bị từ thuở đời đời. Như trên mặt đất này chúng ta bao bọc và trợ giúp những người chúng ta yêu mến đang bị đe dọa bởi bóng tối bệnh tật, thất vọng và cô đơn, lời cầu nguyện của chúng ta cũng đồng hành và làm cho những ai đi trước chúng ta mở ra với lòng thương xót Chúa và sự tha thứ được trao ban nhưng không. Tất cả chúng ta đều có khả năng từ chối hoàn toàn với tình yêu và lòng thương xót nhưng ngày lễ này nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ đối diện với thời khắc thử thách đó mà không được đồng hành hay không được trợ giúp.
     
     
    Một thành phần đặc biệt trong phụng vụ của thời gian này là bài ca “Dies Irae”, nghĩa là “Ngày thịnh nộ”. Đây là bài thánh ca bằng tiếng Latinh mô tả Ngày phán xét, tiếng kèn cuối cùng triệu vời các linh hồn đến trước ngai Thiên Chúa, nơi người được cứu sẽ được giải thoát và người không được cứu sẽ bị ném vào lửa đời đời. Bài thánh ca nổi tiếng được sử dụng làm ca tiếp liên trong Thánh lễ Công giáo Rôma cầu cho người qua đời, dựa vào sách Xôphônia 1,14-18 ở cuối Cựu Ước.

    Ngày vĩ đại của ĐỨC CHÚA
    Đã gần rồi, ngày của ĐỨC CHÚA, ngày vĩ đại,
    đã gần rồi, ngày ấy đến thật mau.
    Trong ngày của ĐỨC CHÚA
    sẽ vọng lên những tiếng kêu thê thảm,
    ngay bậc anh hùng cũng phải kêu cứu

    Ngày đó là ngày thịnh nộ, ngày khốn quẫn và gian truân,
    ngày huỷ diệt và tàn phá, ngày tối tăm và mịt mù,
    ngày âm u và ảm đạm,

    ngày vang tiếng tù và với tiếng hét xung phong
    tấn công vào các thành kiên cố
    và các tháp cao ở góc tường thành.

    Dân cư sẽ bị Ta vây hãm, chúng sẽ bước đi như những kẻ mù
    vì đã đắc tội với ĐỨC CHÚA.
    Máu chúng sẽ đổ ra chan hoà, và thịt chúng rữa ra như rác rưởi.

    Dù bạc hay vàng cũng không cứu nổi chúng:
    trong ngày ĐỨC CHÚA nổi lôi đình,
    lúc cơn ghen của Người bừng lên như lửa;
    bấy giờ toàn cõi đất sẽ bị thiêu rụi.
    Quả thật, Người sắp thi hành án diệt vong
    để trừng phạt dân cư toàn cõi đất, điều ấy thật kinh hoàng.

     
    "Ngày thịnh nộ” (Dies Irae) là đề tài sáng tác của nhiều nhà soạn nhạc như Berlioz, Lizst, Mozart, Verdi, Stravinsky, Saint-Saëns và Mussorgsky. “Dies Irae” trong hình thức nguyên thủy của nó cũng được tìm thấy trên màn ảnh, từ The Lion King đến The Shining, từ The Lord of the Rings, Star Wars – Episode IV, A New Hope đến It’s a Wonderful Life. Nó cũng nổi bật trong nhạc phim Mad Max, Django Unchained, Black Mirror  The Simpsons.

     

    Để hiểu rõ nhất về hành trình chúng ta về phía bên kia, ta nên quay về với “Thần khúc” (Divine Comedy) của Dante, vẫn còn ngự trị trên tất cả các tác phẩm khác. Không có bộ văn chương nào khác có thể sánh với nhãn quan phổ quát của ông. Ông ôm cả trời đất trong chi tiết thơ ca, sự vĩnh cửu và thời gian với tiền thức đáng kinh ngạc. Ông tỏ bày các mầu nhiệm Thiên Chúa và các biến cố nhân loại qua nhiều nhân vật có thể nhận biết được, các thánh và những tội nhân; ông dẫn đưa tới giáo lý và giáo huấn thánh từ ánh sáng của tư tưởng suy lý, hoa trái của kinh nghiệm cá nhân và sự khôn ngoan tập thể của lịch sử. “Thần khúc” có tính thực tiễn, khai minh và biến đổi. Nó không chỉ là thơ ca gợi hứng cái đẹp hay luân lý nhưng làm biến đổi tận căn tâm hồn con người. Dante dẫn đưa chúng ta từ hỗn độn đến khôn ngoan, từ tội lỗi đến thánh thiện, từ nghèo nàn đến niềm vui, và từ thực tại kinh khủng của hỏa ngục đến thị kiến hạnh phúc của Thiên đàng nơi các thánh chờ đợi chúng ta trong vinh quang.
     

     

    [1] Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. … Các ngươi không được hớt tóc vòng quanh đầu, không được xén râu. Các ngươi không được rạch mình mà để tang một người chết, không được xăm mình. Ta là ĐỨC CHÚA. Đừng xúc phạm đến con gái ngươi, nghĩa là bắt nó làm điếm, kẻo đất cũng làm điếm và tràn ngập tội ác tày trời.
     
    [2] Các đẳng linh hồn hay gọi tắt là các đẳng. Các (各): tất cả, hết thảy; Đẳng (等): thứ bậc, gồm thượng đẳng (bực trên nhất), trung đẳng (bực giữa) và hạ đẳng (bực thấp nhất). Các đẳng là các thứ bậc. Thuật từ “các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục (thuộc thành phần Hội thánh Thanh luyện) phân biệt với “Các Thánh Nam Nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội thánh Vinh quang). Xem mục từ “Các đẳng linh hồn”, trong Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2021, tr. 33-38.
     

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - THÁNH PHANXIO HAM MÊ TIN MỪNG

  •  
    Chi Tran

     
     
     


     
    THÁNH PHANXICÔ ĐAM MÊ TIN MỪNG
     
    Phanxicô được thúc đẩy làm các điều "lạ thường" như thế, bởi vì Chúa đã chọn ngài giữ một vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Ngài được tách ra khỏi mạng lưới các cơ cấu xã hội Thời kỳ đen tối, để lại đưa Tin mừng Đức Giêsu làm nền tảng cho đức tin của Kitô hữu, và như thế là để xây lại Giáo hội và thế giới.
    Thánh Phanxicô có niềm đam mê Tin mừng, một đam mê đã thiêu đốt cả con người của ngài và nhờ đó tung ra nhiều ánh lửa để xua tan bóng tối của thời đại ngài. Các ánh lửa ấy đều có tên gọi. Mỗi ánh lửa được lấy từ Tin mừng. Mỗi ánh lửa thắp sáng ít nhất một phần nhỏ của bóng tối. Cộng chung lại, các ánh lửa ấy tạo ra một sức sáng lớn, đủ xua tan mọi phần của bóng tối mãi mãi.
    MỘT DUNG MẠO MỚI CHO CHÚA
    Chúa đối với Phanxicô không phải như một nhà độc tài gây khiếp đảm, buộc phải nghe lời nếu không sẽ bị ném xuống hoả ngục. Không phải như vậy. Chúa đối với ngài là một Người rất gần gũi, một người Cha lý tưởng ban cho con cái nam nữ món quà sự sống quý giá, một nhân cách không giống với tạo vật khác, các tài năng để sống và phát triển trong thế giới này, và sự tự do để sử dụng hoặc lạm dụng các tài năng ấy.
    Giống như một người cha người mẹ lý tưởng, Chúa luôn sẵn sàng để giúp uốn nắn các điểm gồ ghề, khuyên nhủ trong các chọn lựa khó khăn, an ủi và ban thêm sức mạnh khi các sự việc trở nên xấu đi.
    Không lạ gì khi thánh Phanxicô thường trích dẫn câu Kinh thánh sau đây với lòng tín thác hoàn toàn: "Hãy phó thác cho Chúa và Người sẽ lo toan cho ngươi".
    NHÂN TÍNH CỦA ĐỨC KITÔ
    Không thể nghi ngờ gì về tình thương của thánh Phanxicô đối với Đức Giêsu Kitô. Đây không thể là Đức Giêsu của nhiều bức hoạ cuối thời Trung cổ -- Vị thẩm phán của ngày phán xét chung. Nhưng đây chính là Đức Giêsu thành Bêlem, là một con người thật sự, bởi vì Ngài đồng hoá với mỗi con người; là Đức Giêsu của Bữa Tiệc ly, Đấng tự hiến làm của ăn cho nhân loại đang đói khát phần thiêng liêng; là Đức Giêsu của Đồi Canvê, Ngài đã chết như của lễ hiến dâng để cho mọi người có thể trỗi dậy từ bóng tối của tội lỗi tập thể và tội lỗi cá nhân.
    Trong nhân tính của Đức Giêsu, thánh Phanxicô tìm thấy mối dây nối kết với Thiên Chúa của vũ trụ càn khôn. Ngài đã tìm thấy rằng Chúa là Chúa và là Anh em của mọi người chúng ta.
    CON ĐƯỜNG TIN MỪNG
    Phanxicô quá vui mừng trước khám phá này đến nỗi ngài thấy không có sự gì đáp trả cho cân xứng bằng sự hoán cải toàn diện, sự hoán cải này giống như một câu chuyện tình hơn là sự từ bỏ dứt khoát đời sống cũ của mình.
    Lúc ấy, các lời của Đức Giêsu trong Tin mừng tuôn ra ngoài như một lực sống nóng cháy. Đây là niềm cậy trông. Đây là sự sống. Đây là sự giải thoát khỏi mọi quyền lực tối tăm. Đây là vận mạng của cả loài người, và của toàn tạo vật.
    Không lạ gì khi Phanxicô kêu lớn tiếng trước niềm vui quá mới mẻ này: "Đây là điều tôi mong mỏi! Đây là điều tôi kiếm tìm! Đây là điều tôi ước ao với trọn tâm trí và linh hồn tôi".
    TRỞ NÊN NHƯ ĐỨC KITÔ
    Các ước ao ấy dần dần được thực hiện trong cuộc đời thánh Phanxicô. Chẳng hạn lễ Giáng Sinh không chỉ là một biến cố lịch sử. Đức Giêsu không chỉ giáng sinh một lần vào thời xưa, nhưng còn trong thời nay và sau này nữa. Bất cứ ai đón nhận sự sống Tin mừng sẽ đón nhận một đòi hỏi từ Thiên Chúa: Đem Đức Giêsu vào cuộc sống người ấy trong thế giới này.
    Với cách nhìn táo bạo như vậy, Phanxicô viết: "Chúng ta là mẹ khi chúng ta mang Chúa trong tâm hồn và thân xác ta, qua một tình yêu và một lương tâm chân thành và tinh tuyền; chúng ta sinh ra Ngài qua cách làm việc thánh thiện, vốn sẽ toả sáng trước người khác như một gương tốt".
    TÌNH HUYNH ĐỆ
    Trong ánh sáng này, có lẽ câu nói gây xúc động nhất trong Di chúc của Phanxicô là câu ngài dùng để mô tả việc qui tụ các anh em đầu tiên: "Và sau đó, Chúa đã ban cho tôi một số anh em..."
    Vào thời ngài, việc phân biệt tầng lớp đã trở nên chặt chẽ. Trong đời tu, các thầy trợ sĩ và nữ tu trợ tá chỉ có quy chế hạng hai. Trong nhân dân, có chủ và tớ, quí tộc và nông dân, người giàu và người nghèo. Sự nghi ngờ và không tin tưởng là chuyện bình thường giữa bạn bè với nhau.
    Khi "các anh em" đến với Phanxicô, ngài không nhìn vào các dòng khổ tu, nhưng nhìn vào Tin mừng như niềm cảm hứng cho lối sống mới của anh em. Mọi anh em đều bình đẳng, đều được yêu thương, đều được trợ giúp để khẳng định mình, và đều được mến chuộng.
    Nhà viết tiểu sử đầu tiên của Phanxicô, cũng là một nhân chứng, đã mô tả cộng đoàn đầu tiên của ngài như sau: "Khi anh em cùng đến bất cứ nơi nào, hoặc gặp ai trên đường, anh em đều tỏ tình thương thiêng liêng và lòng quyến luyến. Những cái ôm thanh sạch, cảm tình dễ mến, nụ hôn thánh thiện, cuộc nói chuyện vui vẻ, nụ cười đơn sơ, cái nhìn vui tươi...sự đồng ý về mục tiêu, vâng lời sẵn sàng, bàn tay trợ giúp không mệt mỏi, tất cả những điều này đều có nơi anh em".
    MỌI TẠO VẬT ĐỀU LÀ ANH EM
    Từ tình anh em như vậy, thánh Phanxicô lấy thêm một bước nhảy liều mạng. Trái với những người khác, ngài không giới hạn "tình anh em" vào con người hoặc giới tu sĩ. Tin mừng vang vọng lớn tiếng về việc này.
    Ngài sớm lập Dòng nhì dành cho phụ nữ, gọi là Dòng Clara Nghèo. Sau đó, ngài lập ra Dòng ba, gọi là Dòng Phan sinh Tại thế, dành cho các người nam nữ sống Tin mừng theo cách riêng của họ giữa thế gian.
    Việc giải thích của ngài về tình huynh đệ theo Tin mừng dẫn ngài đến một mầu nhiệm cao hơn: tình huynh đệ đối với tất cả tạo vật. Nếu các người nam và người nữ là anh chị em với Đức Kitô, Đấng là trưởng tử giữa mọi tạo vật, thì mọi động vật, chim chóc, mặt trời, mặt trăng, gió, lửa, nước, cũng là anh chị em với loài người, vì tất cả đều do Thiên Chúa tạo thành.
    Ngài nói với "các chị chim", với "anh sói", và chúng cũng nói chuyện với ngài. Điều này cho thấy dường như Chúa đã tái lập tình trạng ngây thơ vô tội thuở ban đầu, mà ông Adam và bà Eva đã đánh mất. Phanxicô hoàn toàn đi vào mầu nhiệm này, khi ngài sáng tác và hát một trong các bài thơ độc đáo nhất trong lịch sử tôn giáo, đó là Bài ca các Tạo vật. Sự kính trọng của ngài đối với tạo vật vẫn còn gây kinh ngạc cho đến ngày nay, đến nỗi ngài đã được đặt làm Bổn mạng của Môi sinh/Môi trường.
    NGHĨA HÈN MỌN
    Thánh Phanxicô đã chọn gọi các đồng bạn của ngài là "Anh em hèn mọn". Từ "hèn mọn" chứa một ý nghĩa mà ngày nay chúng ta thường dùng khi nói về các nhóm thiểu số -- tức người nghèo, không quyền lực và không có tiếng nói có trọng lượng. Đối với Phanxicô, hèn mọn có nghĩa là từ bỏ ước muốn quyền lực, danh vọng và quy chế cao trọng. Hèn mọn là muốn trở nên như các anawim của Kinh thánh -- tức người nghèo của Chúa, người không được trợ giúp, người không được bảo vệ, người mà Đức Kitô nói là các người được chúc phúc, vì Nước trời là của họ.
    Hèn mọn là một quyết định để phục vụ chứ không phải được phục vụ, một ước muốn sẵn sàng giúp đỡ, nối kết, chia sẻ, đau với người đau, vui với người vui, một quyết định để vượt qua một xu hướng xấu nhất nơi mỗi người -- đó là ước muốn có quyền lực và chỉ huy ngươi khác.
    NGHÈO KHÓ
    Tài sản, tiền bạc, của cải riêng, và tham muốn ngày càng có thêm vật chất -- đó là những cái mà thánh Phanxicô xem là cản trở cho tình huynh đệ và sự kết hiệp với Chúa. Những người có cuộc sống bị thống trị bởi tiền bạc và những gì tiền bạc có thể mua được, là những người quan tâm đến vật chất hơn là quan tâm đến người khác -- đây là một sự huỷ hoại khủng khiếp cho chương trình của Chúa.
    Con người quan trọng hơn tài sản và con người quan trọng hơn mọi vật. Đức nghèo của Phanxicô nhằm chứng minh chính xác rằng ngài chọn nghèo hèn cá nhân, chọn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, người bị bỏ rơi của xã hội.
    CẦU NGUYỆN
    Việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chiêm niệm, là quá quan trọng đối với Phanxicô đến nỗi ngài bị cám dỗ mạnh mẽ là nên từ bỏ sứ mạng làm tông đồ cho thế giới, và rút lui vào cuộc sống ẩn tu.
    Sứ vụ của ngài, như Chúa đã nói với ngài, là một hướng khác. Nhưng dù Phanxicô sống bất cứ nơi đâu -- trong hang động, nơi chợ búa, trên núi cao hay trong nhà của Đức hồng y, với anh em hay đang lao động hoặc ở một mình - ngài luôn sống tâm tình cầu nguyện: khi thì chiêm niệm, khi thì cầu nguyện tự phát, khi thì chung với anh em, khi thì vừa lao động vừa cầu nguyện.
    HOÀ BÌNH
    Các nỗ lực can trường của Phanxicô về xây dựng hoà bình đã đi vào huyền thoại: trong tranh chấp giữa người giàu và người nghèo ở Átxidi, giữa Kitô hữu và người Hồi giáo trong thời Thập tự chinh, giữa người quí tộc và nông nô trong các vấn đề đăng ký quân dịch. Điều quan trọng đáng lưu ý là thánh Phanxicô đã được chấp nhận làm người kiến tạo hoà bình, bởi vì chính bản thân ngài là con người hoà bình thực sự.
    Ngài nói với các anh em: "Khi anh em rao truyền hoà bình bằng môi miệng, anh em phải có hoà bình chan hoà trong lòng mình trước. Có như vậy, không ai có thể tức giận hoặc nhục mạ anh em, khi anh em rao truyền. Và mọi người sẽ được đánh động bởi sự hoà bình, thiện chí và tình thương, vốn là kết quả của sự tự chế tinh thần của anh em".
    KÍNH TRỌNG GIÁO HỘI
    Ngoại trừ các lĩnh vực tín lý và luân lý, trong Giáo hội luôn có sự yếu đuối và cả sự sai lầm của con người. Sự yếu đuối của một số thành phần trong Giáo hội thời thánh Phanxicô là lớn lao đến nỗi Giáo hội khó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ở giữa nhân loại.
    Thời ấy, người ta sợ hãi Giáo hội vì quyền bính chính trị của Giáo hội. Nhiều giáo sĩ sống một đời đầy bê bối và nhiều gương xấu gây vấp phạm.
    Chính lúc đó Chúa gọi thánh Phanxicô "Hãy đi xây dựng lại nhà Cha, Giáo hội của Cha mà con thấy đang ngã sụp".
    Dưới lớp bụi bẩn mà Giáo hội đã tích tụ trong "Thời kỳ đen tối", thánh Phanxicô tìm thấy ngọn lửa sáng chói, sự nồng ấm vô tận của Tin mừng, vốn được thông chuyển từ Chúa Giêsu đến thánh Phêrô, và từ thánh Phêrô đến các đấng kế vị Ngài cho đến Đức giáo hoàng hiện nay. Ngài luôn nghĩ rằng Giáo hội, mặc dù đôi lúc bất toàn, là người bảo vệ con đường Tin mừng của Chúa Giêsu.
    Do đó, ngài bắt đầu rủ từng lớp bụi, để xây lại Giáo hội, lắp hòn đá này đến hòn đá khác, cải hoá người này đến ngươi khác, bằng sự cải cách chứ không bằng nổi loạn. Ngài đã thành công trong khi nhiều người đã thất bại, bởi vì ngài tiếp cận Giáo hội không bằng sự tức giận, nóng nảy, nhưng bằng tình thương và kính trọng Giáo hội.
    SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ
    Thánh Phanxicô nhìn chung quanh mình. Hầu như toàn bộ châu Âu đã tin vào Đức Kitô, mặc dầu nhiều người chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa. Thế giới Hồi giáo sống tách biệt; miền Viễn Đông chưa nghe nói về Chúa. Công tác truyền giáo -- một thách đố Chúa Kitô giao cho các Tông đồ để rao giảng Tin mừng cho mọi dân nước -- dường như không phát triển được bao nhiêu.
    Do đó, thánh Phanxicô làm cho các anh em của ngài trở thành các tông đồ mới, và ngài sai cứ hai người một nhóm, như Chúa đã làm, để rao giảng Tin mừng mới được tái khám phá cho phần đất còn lại của châu Âu, châu Phi Hồi giáo và Trung Đông, miền Viễn Đông và các vùng đất chưa được phát hiện.
    Nhờ sự sốt sắng như vậy, Phanxicô đã trở nên nhà truyền giáo nước ngoài đầu tiên của thời đại mới.
    THÁCH ĐỐ CỦA THÁNH PHANXICÔ
    Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Phanxicô, nhưng buồn thay, nhiều điều kiện và vấn đề tương tự ở thời ngài vẫn còn xuất hiện trong thời đại chúng ta ngày nay.
    Hàng triệu lời đề nghị được đưa ra để tìm cách giải quyết các vấn đề ấy, cách thay đổi các điều kiện và cách lay động sự ù lì và chai cứng để đạt đến giải pháp mới.
    Phanxicô biết rằng nhiều người không còn được các niềm tin hấp dẫn như một người đang tin vào Chúa, ngài mong họ trở nên người biết quan tâm đến người khác, người biết yêu thương, người sống hoà bình và tin tưởng phó thác.
    Mỗi người cần trở nên một con người như Đức Giêsu trong thời đại Ngài hoặc như thánh Phanxicô trong thời đại ngài. Một con người như vô số người sống Tin mừng mà chúng ta gọi là các thánh. Một con người như các linh mục, tu sĩ nam nữ, các tín hữu tại thế của Đức Giêsu, họ đang cố gắng trở nên các chứng nhân cho Chúa. Đối với các anh chị em trong đại gia đình của Phanxicô, từ thời nọ đến thời kia, ngài nói rõ với họ: Hãy trở nên con người đặc biệt. Anh chị em cần phải là sách Tin mừng để cho nhiều người khác đọc được.
    Roy M. Gasnick, O.F.M.
    (Nguyễn Trọng Đa dịch)
     
     
     
     
     
     

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHÍ - HĐ GÍAM MỤC VN

 

  •  
    VP LD
    Thu, Oct 6 at 8:18 PM
     
     

     

    HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

    Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa

    VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

    Anh chị em thân mến,

    1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.

    2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt NamMặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo hội Công giáo.

    3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.

    4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:

    Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;

    Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

    Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.

    5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:

    a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.

    b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.

    c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

    d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.

    Anh chị em thân mến,

    6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.

    7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.

    8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.

    Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.

    Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội
    Ngày 07 tháng 10 năm 2022

     

    (đã ấn ký)

    + Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
    Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
     

    (đã ký)

    + Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
    Tổng Thư ký

     

    https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-nam-2022-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-hoi-hiep-hanh-46586

     

     

     

     

    HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

    ĐẠI HỘI LẦN THỨ XV 

    BIÊN BẢN 

    Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XV từ thứ Hai, ngày 03/10/2022 đến thứ Sáu, ngày 07/10/2022 tại Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, với sự hiện diện đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.

    Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón Đức Tổng giám mục Marek ZalewskiĐại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục vui mừng chuyển lời thăm hỏi và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô tới cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, giải thích về Tông hiến “Praedicate Evangelium” (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam.

    Hội đồng Giám mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Tổng giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tới thăm và trao đổi kinh nghiệm mục vụ.

    Trong dịp Đại hội lần này, Hội đồng Giám mục:

    I. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đoàn dân Chúa về định hướng mục vụ ba năm (2023-2025);

    II. Phê chuẩn bản dịch toàn bộ Kinh Thánh Tân ước của Ủy ban Kinh Thánh;

    III. Chấp thuận cho thử nghiệm đề án Thư viện điện tử của Ủy ban Văn hóa và thông tin giáo sĩ của dự án số hóa dữ liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam;

    IV. Tiếp tục trao đổi về Tiến trình phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu;

    V. Lắng nghe Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trình bày về Hội nghị thường niên của các Đại chủng viện;

    VI. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2025.

    Ban Thường vụ gồm có:

    Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng

    Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên

    Tổng thư ký: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

    Phó Tổng thư ký: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn

    Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm có:

    1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin

    Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân

    2/ Ủy ban Kinh Thánh

    Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản

    3/ Ủy ban Phụng tự

    Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn

    4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh

    Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

    5/ Ủy ban Thánh nhạc

    Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị

    6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng

    Chủ tịch: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến

    7/  Ủy ban Giáo sĩ  -  Chủng sinh

    Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang

    8/ Ủy ban Tu sĩ

    Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

    9/ Ủy ban Giáo dân

    Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản

    10/ Ủy ban Truyền thông xã hội

    Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước

    11/ Ủy ban Giáo dục Công giáo

    Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai

    12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi

    Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên

    13/ Ủy ban Văn hóa

    Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân

    14/ Ủy ban Công lý - Hòa bình

    Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường

    15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình

    Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

    16/ Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas

    Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu

    17/ Ủy ban Mục vụ Di dân

    Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

    18/ Văn phòng Mục vụ Đối thoại Đại kết và Liên tôn: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri

    19/ Hội Thừa sai Việt Nam: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long.

    Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2023 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vinh, từ ngày 17 đến 21/4/2023.

    Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Hà Nội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi và khánh thành Tòa Tổng giám mục vào sáng thứ Sáu, ngày 07/10/2022.

    Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 07/10/2022

    Tổng thư ký
    Hội đồng Giám mục Việt Nam

     

    (đã ấn ký)

    + Phêrô Nguyễn Văn Khảm
    Giám mục giáo phận Mỹ Tho
     

    https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bien-ban-dai-hoi-lan-thu-xv-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-46585

     

    --

 

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG THẦN KHI - ĐTC VỚI CAC BÀI GIÁO LÝ

 

  •  
    Tinh Cao
    Thu, Sep 1 at 6:01 AM
     
     
    Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
     
    Ngày Thứ Tư hằng tuần đã trở thành ngày diễn ra biến cố triều kiến chung (general audience)
    tức là buổi triều kiến của chính vị chủ chiên của Giáo hội giành cho chung cộng đồng Dân Chúa,
    không phải chỉ ở riêng Roma hay Ý quốc, mà còn cho cả dân Chúa hành hương từ khắp nơi trên thế giới về viếng thăm giáo đô Vatican.
     
    Theo lịch sử thì sự kiện triều kiến chung này đã được khởi xướng từ thời ĐTC Piô XII năm 1939.
    Tuy nhiên, chỉ cho tới thời ĐTC Gioan Phaolô I 33 ngày 8-9/1978 mới về chủ đề giáo lý, với 4 bài đầu tiên của ngài về 3 thần đức tin cậy mến.
    ĐTC Gioan Phaolô II đã tiếp tục sử dụng buổi triều kiến chung này để dạy giáo lý cho cộng đồng dân Chúa... 
     
    Các chủ đề về giáo lý đã được ĐTC Gioan Phaolô II và ĐTC Biến Đức XVI thường liên quan đến các đề tài tín lý, tu đức và luân lý.
    Đến thời ĐTC Phanxicô lại khác, không phải vì ngài không còn gì để hướng dẫn cộng đồng dân Chúa về giáo lý nữa, bởi các vị tiền nhiệm đã nói hết rồi.
    Trái lại, vị giáo hoàng chuyên về mục vụ Phanxicô đầy óc sáng tạo đã có những đề tài nhân bản và xã hội rất khẩn trương và hợp thời hơn bao giờ hết.
     
    Điển hình nhất là 3 loạt bài giáo lý sau đây:
    1- Từ 5/8 đến 30/9/2020, loạt 9 bài giáo lý về đề tài chữa lành xã hội thời đại dịch toàn cầu;
    2- Từ 23/2 đến 24/8/2022, loạt 18 bài giáo lý về tuổi già, vì ngài thấy tuổi già đang bị văn hóa vứt bỏ của thế giới duy lợi hiện nay càng ngày càng tẩy chay;
    3- Từ 31/8/2022 đến ..., loạt ... bài giáo lý về vấn đề phân định, vì ngài thấy thế giới ngày nay càng ngày càng trở nên giả dối - fake, về đủ mọi phương diện...
     
    Trong bài giáo lý về đề tài Phân định đầu tiên ngày 31/8/2022, ngài đã dẫn nhập tổng quan về vấn đề Phân định như thế này: 
    "Bởi thế, kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm, ý chí là một số yếu tố không thể thiếu của sự phân định
    Trong hành trình các bài giáo lý này, chúng ta sẽ thấy những điều khác, cũng quan trọng không kém".  
     
    Vì là những con chiên thì nghe tiếng chủ chiên, với lòng tri ân cảm tạ LTXC đã tiếp tục hiện diện và dẫn dắt đàn chiên của Ngài qua ĐTC Phanxicô hiện nay,
    chúng ta cùng nhau lắng nghe tiếng của ngài trong bài giáo lý đầu tiên về đề tài phân định quan thiết hiện nay, ở những cái link tùy nghi sau đây:

    Tiếp kiến chung: Bắt đầu loạt bài giáo lý về "Phân định" (nếu chỉ muốn đọc)

    DTCPhanxico.GiaoLyVePhanDinh-Bai1.mp3  (nếu chỉ muốn nghe, bao gồm cả phần chia sẻ phụ họa)

    bé tĩnh

     

     

    --