9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - BBT CGVN

 

  •  
    BBT CGVN
    Sun, Jan 16 at 1:49 AM
     
     


    Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới

    Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity  

    (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)

    www.conggiaovietnam.net       This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

    Chuyên mục:

    “Huế - Saigòn - Hànội”

     

    Đầy tớ chứ không phải ông chủ của LỜI CHÚA

     

    Ban Biên Tập Công Giáo Việt Nam

     

     

     

    Kính mời theo dõi video tại đây:

    https://bit.ly/3qG1Nhv

     

    Kính thưa Quý Độc Giả.

     

    Nhân vì chúng tôi có nhận được bài viết của ông Nguyễn Chính Kết được phổ biến rộng rãi qua email: Giải Ảo Cuộc Sống This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., mang tựa đề, “Vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam”. Bài viết được rào đón kỹ càng để chứng tỏ là khách quan, nhưng nội dung có những nhầm lẫn đáng tiếc, thậm chí có thể bị hiểu theo nghĩa rất xấu; và từ đó nhiều người có thể sẽ hiểu sai Lời Chúa một cách hết sức nguy hiểm; vì thế BBT CGVN có ít dòng xin chia sẻ với mọi người, hầu giảm thiểu tác hại xấu.

    Ông Kết đã chạm ngưỡng “thất thập” rất đáng quý, ông còn may mắn suốt thời gian dài là cựu chủng sinh Saigon và Giáo Hoàng Học Viện PIO X, bạn của ông hiện có nhiều vị đang là Giám Mục đương nhiệm; nhiều Linh Mục, Tu Sĩ đã từng là học trò của ông; Nhưng chỉ vì quan điểm chính trị mà ông đã làm một việc để phỉ báng Thiên Chúa và công khai chống lại Giáo Hội: ông dùng Lời Chúa để làm phương tiện phục vụ cho suy nghĩ chủ quan cá nhân của mình, ông mượn Lời Chúa để tự đưa ra “tiêu chuẩn” đánh giá các Giám Mục, Linh Mục Việt Nam để lôi kéo dư luận đi theo chiều hướng của mình. Ông cũng không là ngoại lệ bằng cách dùng internet để làm võ đài, đấu trường, phân hóa nội tình các Giáo Phận tại Việt Nam.

     

     

     

    Thiên Chúa là Tình Yêu từ đời đời cho đến muôn đời, Ngài không bao giờ là Tư Bản hay Cộng Sản; Cộng Hòa hay Dân Chủ; Ngài là Ông Chủ theo nghĩa tuyệt đối và nắm vận mệnh của tất cả; đừng đòi hỏi người khác phải suy nghĩ và hành động như mình; cũng đừng “nặn” ra một Thiên Chúa theo trí tưởng tượng thô thiển của mình để dạy dỗ người khác những điều không đến từ Thiên Chúa. Cốt lõi là mỗi người phải nhận ra được Ý Chúa để thực thi cho trọn vẹn; muốn vậy, tiên vàn phải phân định được Ý Chúa và ý riêng của mình hoặc ý của người khác.

    Mục đích tốt, phương tiện xấu thì cũng khó đạt kết quả tốt nhất; nhưng khi mục đích đã xấu thì phương tiện càng tốt, kết quả càng xấu. Chúng ta đều chỉ là những đầy tớ bất xứng của Lời Chúa: Không ai được phép đóng vai ông chủ của Lời Chúa; tất cả đều là đầy tớ, phải quỳ gối xuống mà đọc Lời Chúa. Lời Chúa là để xét mình chứ không phải để xét người. Càng xét mình, càng thấy mình tội lỗi. Đấy mới là cái cần “Giải Ảo Cuộc Sống” thiết thực và cấp bách nhất cho nhân loại mọi thời.

     

     

     

    Có một chi tiết rất chắc chắn và tối quan trọng nhưng lại ít được chú ý: Chúa Giêsu không để lại cuốn sách nào cả, nhưng Ngài đã “để lại” Mười Hai Tông Đồ. Việc rao giảng thuở ban đầu là do chính các Tông Đồ thực hành bằng những chứng từ rất sống động của mỗi người về Chúa, và chính các Tông Đồ đã chủ động chịu trách nhiệm soạn thảo các bản văn Thánh Kinh. Cho nên đừng ai làm điều ngược lại là lấy Thánh Kinh ra để dạy dỗ các Giám Mục, những người kế vị các Tông Đồ.

    Thánh Kinh là Lời Chúa do Giáo Hội gìn giữ, loan truyền, và sống trong hàng ngàn năm qua. Vì thế, chúng ta chỉ nên nghe theo Huấn Quyền chính thức (Magisterium) của Giáo Hội Công Giáo về việc giải thích Thánh Kinh, để giữ cho Đức Tin luôn được toàn vẹn cho đến tận thế. Điều này được minh định trong bức thư mang tên vị Giáo Hoàng Tiên Khởi: "Không một ai được quyền tùy ý diễn giải một lời ngôn sứ nào trong Thánh Kinh” (2Pr 1, 20).

    Vì thế khi dùng Thánh Kinh để phê phán, lên án Giám Mục Giáo Phận là một hành động công khai chống lại chính Thiên Chúa, tác giả của Thánh Kinh.

     

     

     

    BBT CGVN đã có nhiều chia sẻ tuy đã cũ nhưng vẫn có giá trị sử dụng lâu dài: Vài ba gợi ý rất đơn sơ dưới đây, đủ để giúp mọi người dễ dàng và nhanh chóng nhận ra một sự việc có phải là do tác động của Chúa Thánh Thần hay không. 

    1. Thiên Chúa chỉ can thiệp vào những công việc mà mục đích sau cùng phải có ích lợi cho Linh hồn người ta. Thí dụ, nếu Chúa chữa cho ai đó khỏi bệnh phần xác, thì việc khỏi bệnh chỉ là trung gian, là dấu chỉ để người đó dễ dàng nhận ra Chúa và đi theo Ngài. Ma quỉ cũng có thể làm những việc lạ lùng, nhưng nó không bao giờ quan tâm tới việc giúp ích cho Linh hồn người ta. 

    2. Trước và sau khi nhận được Ơn Chúa, người đó đã trở nên tốt hơn hay xấu đi? Người nhận được Ơn Chúa sẽ luôn trở nên tốt hơn; ngược lại, nếu sau khi gặp "sự lạ" mà một người trở nên xấu đi (kiêu căng, tự phụ, bê tha, gây chia rẽ…), thì đó là dấu chỉ chắc chắn không phải do Chúa. 

    3. Thiên Chúa không bao giờ chống lại Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội mà Ngài đã trao cho các Giám Mục đương nhiệm chăm sóc, trong sự hiệp thông chặt chẽ với Giám Mục Rôma là Đức Giáo Hoàng. 

     

     

     

    Ngoài ra, chúng ta còn có một nhắc nhở rất quan trọng: “Linh Mục là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám Mục. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, Linh Mục là hiện thân của Giám Mục mà các Ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám Mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy”.  (Lumen Gentium số 28). (Lumen Gentium là một Văn kiện nền tảng của Thánh Công Đồng Chung Vatican II, tên đầy đủ là: “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium”, chữ Lumen Gentium là tiếng La Tinh có nghĩa là “Ánh Sáng Muôn Dân”).

    "Các tín hữu phải liên kết với Giám Mục, như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy, tất cả mọi sự đều hòa hợp và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa" (Lumen Gentium số 27). 

    Giám Mục đương nhiệm là Đầu của Giáo Phận, với thẩm quyền: giáo huấn, thánh hóa, cai quản, nên tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe, cộng tác và vâng phục các ngài, như Thánh Công Ðồng đã dạy rằng: “Chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ làm Mục Tử Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến” (Lumen Gentium số 20). 

    Sắc lệnh về Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục số 7 viết: “Phần các Linh Mục, với ý thức về Thánh Chức sung mãn đã được trao ban cho các Giám Mục, hãy tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao. Vì thế các Linh Mục luôn gắn kết với Giám Mục của mình trong tình yêu thương và thái độ vâng phục chân thành”. Sau đó Sắc lệnh còn ghi chú ở phần footnote: “Các Linh Mục không được làm gì mà không hỏi ý kiến Giám Mục, vì chính Giám Mục là người mà Chúa đã ủy thác Dân Chúa và là người phải trả lẽ về những Linh Hồn được các Linh Mục coi sóc”. (Constitutionem Apostolorum VIII, 47,39).

     

     

     

    Nhân đây, để cống hiến cho Quý Độc Giả như một món quà quý báu, BBT CGVN xin được sơ lược lại một bài Thánh Kinh do chúng tôi vừa có dịp may mắn ghi chép lại được, đây là những suy tư rất hữu ích và tối cần thiết cho mọi người trong mọi thời đại. Chủ đề của bài là: “Những bài học lớn được rút ra từ Sách Các Vua”:

    I. HỘI THÁNH CẦN NƯƠNG TỰA VÀO CHÚA

    I.1. Israel, Dân Chúa trong Cựu Ước:

    Thay vì đặt niềm cậy trông nơi Thiên Chúa của giao ước, đã không ít lần, các vua cũng như dân Chúa lại cậy dựa vào những sức mạnh khác: quân lực và vũ khí, các thế lực ngoại bang, các ngẫu thần... Kết quả là Israel mất miền đất Chúa ban, Đền thờ bị tiêu hủy, người lãnh đạo bị bắt. Mọi sự tiêu tan.

    I.2. Bài học cho Dân Chúa ngày nay:

    Giáo Hội là Dân Thiên Chúa: “Chúa Kitô triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để họ làm nên Dân mới của Thiên Chúa... một dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc đã được Thiên Chúa thu phục, trước kia không phải là một dân, nay là dân của Thiên Chúa” (lPr 2, 9-10).

    Cũng như dân Israel trong Cựu Ước, sức mạnh của dân này không ở nơi đâu khác mà là nơi Thiên Chúa. Vì thế, khi nào Giáo Hội tìm kiếm sức mạnh bằng cách dựa vào quyền lực thế gian hay của cải vật chất, thì mọi sự rồi sẽ tiêu tan. Lịch sử còn để lại những bằng chứng cụ thể cho bài học này. Nếu thực sự cậy trông vào Chúa thì điều quan trọng là trong mọi hoàn cảnh, Dân Chúa phải cầu nguyện, lắng nghe và sống Lời Chúa. Đây là bài học không những cho Hội Thánh nói chung mà còn cho mỗi người Kitô hữu là thành viên trong Hội Thánh.

    II. MỐI NGUY HIỂM CỦA QUYỀN LỰC, CỦA CẢI VÀ SẮC DỤC

    II.1. Những điển hình trong sách Các Vua:

    Vua Đavít là một minh quân đẹp lòng Thiên Chúa và được dân kính trọng, nhưng chỉ vì chiều theo tính xác thịt mà đổ vỡ mọi việc. Từ tội sắc dục dẫn đến những tội ác khác như gian dối, giết người... và hình phạt nhà vua phải chịu thật nặng nề. Vua Salômon cũng đã khởi đầu triều đại của mình hết sức tốt đẹp, với lòng khiêm tốn chân thành, nhờ đó được ơn khôn ngoan lạ thường. Nhưng dần dần, vua rơi vào tình trạng sa đọa vì quyền lực, sắc dục, của cải. Cuối đời ông, đánh dấu bước đi xuống của cả dòng dõi Đavít (1V 11-13).

    II.2. Bài học cho mỗi Kitô hữu:

    Lịch sử làm chứng rằng, không phải những cuộc bách hại tôn giáo đã hủy diệt Đạo mà chính là những vũng lầy êm ái như ham muốn tiền bạc, xác thịt, quyền lực. Biết là vũng lầy nhưng lại quá êm ái, vì thế người môn đệ Chúa Giêsu vẫn bị rơi vào. Lời cảnh giác của Chúa Giêsu luôn mới mẻ: “Anh em hãy tỉnh thức cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26, 41). Thánh Phêrô cũng nhấn mạnh: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, kẻ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy vững lòng tin mà chống cự nó” (lPr 5, 8). Nếu lỡ sa ngã, thì gương sám hối của vua Đavít cần được ghi nhớ: Hãy sám hối thật lòng (TV 50).

    III. Vai trò tiên tri của Kitô hữu giáo dân:

    Khi chịu Phép Rửa, mọi Kitô hữu đều được chia sẻ chức năng tiên tri (ngôn sứ) của Chúa Kitô. Người Kitô hữu thể hiện chức năng này khi họ nối kết việc tuyên xưng đức tin và đời sống làm một. Như thế, họ loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói... và việc loan báo đó có hiệu quả đặc biệt trong bối cảnh ngày nay (Lumen Gentium số 35). Gia đình chính là môi trường hoạt động và là trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các lãnh vực của đời sống con người và dần dần, biến đổi các lãnh vực ấy theo những chuẩn mực của Phúc Âm (Lumen Gentium số 35). Người giáo dân còn có sứ mạng cao cả nữa là loan truyền Tin Mừng của Chúa cho toàn thế giới. Vì vậy, họ cần tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mặc khải và tha thiết xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình (Lumen Gentium số 35).

     

     

     

    Riêng về Chủ Thuyết và Con Người Vô Thần, HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY - GAUDIUM ET SPES số 19 đã viết: “Quả thực, những người cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và tránh né những vấn đề tôn giáo vì không nghe theo tiếng nói của lương tâm, chắc chắn đã có lỗi; tuy nhiên, chính các tín hữu thường cũng có một phần trách nhiệm về vấn đề này. Thật vậy, Chủ Nghĩa Vô Thần nói chung không phải nảy sinh do một nguyên nhân duy nhất, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới phản ứng phê phán chống lại các tôn giáo, và đặc biệt ở một vài nơi, phê phán chính Kitô giáo. Vì thế, có thể các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh Chủ Thuyết Vô Thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là tỏ bày bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo”.

    Xin chân thành cảm ơn và xin thương cầu nguyện cho nhau.

    BBT CGVN

    --------------------------------------------

     

     

     


 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GIÃI BÀY VỚI CHÚA


  •  
    Chi Tran chuyển
     
     
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU

    GIẢI BÀY VỚI CHÚA NHƯNG NHU CẦU VÀ XIN NGÀI BAN ƠN

     
    Chúa biết và có thể chữa ta

                -Ôi Chúa Giê-su chí nhân chí ái! Giờ đây con khát khao rước Chúa sốt sắng, Chúa biết con yếu đuối. Chúa biết cả những nhu cầu khẩn thiết của con. Chúa biết con bị chìm ngụp trong vực sâu thẳm của tội ác và thói hư, Chúa biết con phải đau khổ, xao xuyến và nhơ nhớp đến độ nào!

            Con đến với Chúa để tìm thuốc điều trị. Con kêu nài Chúa để được Chúa xoa dịu và an ủi.

            Con thân thưa cùng Đấng đã biết tỏ mọi cái, nhìn thấu đáy lòng, và là người duy nhất để an ủi và hộ đỡ con đắc lực.

            Chúa biết con cần những thứ gì và thiếu nhân đức chừng nào!

            Tin tưởng và cầu xin Chúa

                Nay con thiếu thốn, con đứng trước nhan Chúa với hai bàn tay trắng để nhờ lượng từ bi Chúa ban ơn.

            Con đói lả: xin Chúa bổ sức lại. Con giá lạnh: xin Chúa sưởi nóng trong lửa mến Chúa. Con đui mù: xin Chúa đến và soi sáng con trong ánh sáng Chúa.

            Xin Chúa làm cho mọi của trần tục trở nên đắng đót cho con, và mọi thống khổ, ngược đãi nên dịp cho con luyện đức nhẫn nhục. Xin cho con khinh chê và quên lãng mọi của thế trần.

            Xin hướng tâm hồn con lên trời với Chúa, và đừng để con lưu lạc trên mặt đất này.

            Hy vọng từ nay cho đến muôn đời, con chỉ lấy một Chúa làm êm dịu. Vì duy mình Chúa là của ăn và của uống cho con, là tình ái và vui sướng của con, là hạnh phúc và mọi may lành của con.

            Ước chi sự hiện diện của Chúa trong con sẽ sưởi nóng thiêu hóa và hoán cải con trong Chúa, để nhờ ơn tận hiệp và sức cảm thông của tình yêu mãnh liệt, con cũng có một tinh thần như Chúa!

            Xin đừng để con phải xa lìa Chúa mà chưa được ăn no uống thỏa, nhưng hãy xử khoan hồng với con như bao lần Chúa đã đặc cách xử các Thánh.

            Giả như con có biến thành cục lửa đỏ trong Chúa, và óc tự ái trong con có bị thủ tiêu, cái đó không có gì là lạ. Ví Chúa chính là lửa nóng không bao giờ tắt, và là ái tình luyện lọc, soi sáng tâm hồn.

                                              SUY NIỆM

            Sau khi rước lễ, không phải cứ lý luận cao, nói cho nhiều mà được việc. Thói dài lời ở đây cũng đáng ghét và còn đáng ghét hơn trong đời sống thể chất. Chúa còn thấu hiểu về ta hơn ta tự hiểu về mình.

              Lúc đó ta chỉ nói vừa đủ để thân thưa với Chúa như Bạn với Bạn, trình bày với Chúa những nhu cầu của ta và cả những người thân yêu: nghĩa là chỉ nói đủ để kích thích lòng tin tưởng và yêu mến Chúa. Thế rồi phải để giờ cho Chúa nói và làm trong ta. Chính lúc đó Ngài sẽ dạy ta,  sẽ làm trong ta những cái Ngài xét là cần, ích cho ta và sáng danh Ngài.

              Lạy Chúa! Con không cần nói, Chúa cũng quá rõ tình trạng linh hồn con. Xin Chúa hãy nói, làm trong con như Chúa quen nói và làm cho các bạn thiết Chúa.
    Nguyên tác: THOMAS A KEMPIS  
    Linh mục LÊ BÁ TƯ  
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CHA VƯƠNG

  •  
    phung phung chuyển

    https://keditim.net/?p=105978

    Con người phải đối xử với loài vật và các vật khác thế nào?

    Tạ ơn Chúa đã ban cho con thêm một ngày mới để biết yêu thương nhau và những gì Chúa đã tạo dựng nên. Một ngày bình an và khoẻ mạnh nhé.

    Cha Vương

    Thư 4: 12/01/2022

    GIÁO LÝ: Con người phải đối xử với loài vật và các vật khác thế nào? Con người cần tôn vinh Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Người, và cư xử với chúng cách ân cần và có trách nhiệm. Con người, con vật, và cây cỏ, có cùng một Đấng Tạo hóa, Người đã dựng nên mọi loài bởi Tình yêu Người. Vì vậy, yêu thương các loài vật là tình cảm rất thâm sâu của con người. (YouCat, số 57)

    SUY NIỆM: Con người được phép dùng cây cỏ và loài vật để nuôi sống mình. Tuy nhiên không được phép hành hạ và ngược đãi chúng. Khai thác trái đất một cách mù quáng là đối nghịch với phẩm giá của thụ tạo. (YouCat, số 57 t.t)

    LẮNG NGHE: Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1:26)

    CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Cha hằng có đời, vì yêu thương Cha đã tạo dựng muôn loài muôn vật từ hư không. Cha cũng đã ban cho loài người được hưởng tất cả những gì Cha đã dựng lên. Xin cho con biết tích cực cộng tác vào công trình sáng tạo của Cha để hoàn tất công trình sáng tạo của Cha cách hiệu quả hơn.

    THỰC HÀNH: Quyết tâm bảo vệ môi trường sống cho sạch sẽ bằng cách không xả rác bừa bãi nơi chỗ ở và nơi công cộng.

    From: Đỗ Dzũng

     

     

     

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - LM MINH ANH - HUẾ

  •  
    Hong Nguyen chuyển
     
     

    KHÔNG CẦN AI BIẾT ĐẾN

    “Ngài phải ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ”.

    John Bacon, một điêu khắc gia nổi tiếng, để lại lời này trên bia mộ mình, “Là một nghệ sĩ, những gì đối với tôi, xem ra có một tầm quan trọng nào đó khi còn sống, thì từ khi biết Chúa Kitô, chúng không là gì nữa; điều duy nhất quan trọng của tôi bây giờ là Ngài. Tôi ‘không cần ai biết đến’ nữa!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Không chỉ John Bacon, nhưng cả Thiên Chúa cũng vậy! Sẽ khá ngạc nhiên khi Lời Chúa hôm nay cho thấy, một đôi khi, Thiên Chúa xem ra cũng ‘không cần ai biết đến!’. Thời Cựu Ước, với Hòm Bia giữa đoàn quân, Israel vẫn bị Philitinh đánh bại; thời Tân Ước, Chúa Giêsu không muốn ai biết, sau khi chữa lành một người phong. Anh này loan tin, khiến “Ngài phải ở lại ngoài thành”.

    Bài đọc Samuel kể chuyện “Quân Philitinh kéo đến gây chiến, Israel phải xuất quân chống lại”. Dân Chúa đóng trại gần nơi được gọi là “Tảng Đá Phù Hộ”; ấy thế, chẳng thấy Chúa phù hộ chút nào, họ thua liểng xiểng! Tưởng có Hòm Bia, tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, họ sẽ chiến thắng; ngờ đâu sự thật bẽ bàng, Hòm Bia bị chiếm, Israel bị đánh một trận tơi bời. Rõ ràng, Thiên Chúa muốn cho dân hiểu, Ngài không phải là ông Bụt; chẳng ai sử dụng được Ngài. Ngài không cần nổi tiếng, ‘không cần ai biết đến’ cho đến khi dân biết khiêm tốn kêu lên, “Lạy Chúa, xin thương tình cứu chuộc chúng con!” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.

    Tin Mừng tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người cùi; lập tức, Ngài bảo anh, đừng nói với ai. Có lẽ, Ngài nhận ra sự mơ hồ phấn chấn nơi dân chúng trước quyền năng của Ngài; Ngài có thể bị áp lực buộc phải thi hành sứ vụ theo cách không phù hợp với ý muốn của Chúa Cha. Thế nhưng, trong sự phấn khích, người này đã nói với mọi người. Kết quả, danh tiếng Ngài lan rộng, mọi người lùng sục Ngài, đến nỗi Ngài phải ở lại ngoài thành. Như vậy, Chúa Giêsu tiếp tục trải nghiệm sự cô lập của người phung; cho người khác sự sống, Ngài chấp nhận bị loại trừ!

    Một sự thật thú vị ở đây là, thay vì tận dụng sự nổi tiếng tức thời của mình, Chúa Giêsu chấp nhận đi đến những nơi hoang vắng. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ! Thật lạ, vậy mà người ta vẫn tìm đến với Ngài ở ‘những nơi khó đến’ này. Và xem ra, Chúa Giêsu lại thích có mặt ở những nơi đó để chờ đợi những kẻ tìm kiếm Ngài; bởi lẽ, cuộc đời của Ngài chỉ nhằm thúc đẩy một sự hoán cải đích thực của các linh hồn, chứ không phải sự rộn ràng hoặc nổi tiếng. Ngài không quan tâm dư luận thế gian, Ngài chỉ quan tâm đến việc thay đổi các con tim; Ngài ‘không cần ai biết đến!’. Vì vậy, bằng cách rút vào những nơi hoang vắng, Ngài có thể để Cha trên trời mang đến cho Ngài những con người biết cởi mở tâm hồn để được hoán cải thực sự.

    Điều này cũng đúng với chúng ta. ‘Chúa Giêsu đại chúng’ không phải lúc nào cũng là ‘Chúa Giêsu thực!’. Nói cách khác, thông điệp Tin Mừng đích thực thường không phải là thông điệp mà nền văn hoá đại chúng sẽ hứng thú; Chúa Giêsu và sứ điệp Phúc Âm tinh tuyền của Ngài không phải lúc nào cũng xuất hiện trên các mặt báo. Đúng hơn, nếu muốn tìm thấy Ngài, chúng ta phải luôn tìm Ngài ở những nơi khuất tịch và vắng lặng, ‘những nơi khó đến’; ở đó, Ngài đang đợi chúng ta.

    Anh Chị em,

    “Từ khi biết Chúa Kitô, chúng không là gì nữa; điều duy nhất quan trọng của tôi bây giờ là Ngài. Tôi ‘không cần ai biết đến’ nữa!”. Phải chăng tư tưởng của John Bacon đã thấm nhuần tinh thần của thánh Phaolô, “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác!”. Cảm nghiệm được Thiên Chúa tốt lành, mọi sự cao sang đời này chỉ là phân bón. Cũng thế, một khi Chúa Giêsu biết được Chúa Cha là Đấng thế nào, Ngài chỉ biết say sưa cảm mến. Như thế, chẳng những Chúa Giêsu thích có mặt ở những nơi hoang vắng để chờ đợi kẻ kiếm tìm Ngài, nhưng ở đó, Ngài còn gặp được Chúa Cha, Nguồn Sống của mọi mầm sống.

    Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn cho mình một nơi vắng vẻ giữa đời thường, đó là trái tim của mình; nơi đó, Chúa Giêsu là trên hết, trước hết, và là tất cả. Đó là vườn thượng uyển, nơi trái tim chúng ta hoàn toàn dành cho Thiên Chúa.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa ‘không cần ai biết đến’, nhưng Chúa cần con biết Chúa, biết thật rõ! Vì nhờ đó, may ra, con biết con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng