9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - KÍNH THÁNH SIMON VÀ GIUDA

  •  
    'kimquytu
     
     
    Ðang nói về đá, em xin gởi bà con bài về đá -Tảng đá góc tường. Actually, hôm nay 28/10, là lễ kính 2 thánh Simon và Giuđa. Simon và Giuđa được gọi là hai viên đá âm thầm của Giáo hội. Simon đây là Simon Nhiệt thành (chứ không phải là Simon Phêrô) và Giuđa là Giuda Tađêô  (chứ không phải Giuđa Bán Chúa),
     
     Simon nổi bật về lòng gắn bó với căn tính Do Thái của ông, và vì thế, gắn bó với Thiên Chúa, dân của Chúa và Lề Luật. Giuđa Tađêô là anh em họ với Giêsu, được Gioan nhắc đến qua một câu hỏi trong bữa Tiệc Ly với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy sẽ chỉ tỏ mình ra cho chúng tôi mà không tỏ mình ra cho thế gian?” 
    Sau cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu, được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thầy, Simon và  Giuđa đã ra đi loan báo Tin Mừng tại những xứ xa xôi và tại xứ sở Ba Tư, vì sự ghen ghét của các thế lực thù địch mà các ông đã chịu tử vì đạo để làm chứng cho Chúa Kitô, như mọi tông đồ khác.  Trừ Giuđa Bán Chúa, các tông đồ của Chúa Giêsu chắc ai cũng là đá, như Chúa Giêsu là đá - bị người thợ xây loại bỏ - đã trở nên tảng đá góc tường. 
    *******
     
    Tảng đá góc tường 

    TIN MỪNG Mc. 12:1-11

    Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.” Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!
     

    Suy niệm/SỐNG VÀ CHIA SẺ: 

    Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ 

    Dụ ngôn những tá điền sát nhân kể về những tá điền được chủ nhà cho canh tác vườn nho của mình, để đến kỳ thu hoạch họ sẽ giao lại cho ông hoa lợi. Đây là một vườn nho được chủ nhân chăm chút. Ông đã trồng, làm hàng rào, khoét bồn đạp nho và xây dựng các tháp canh. Thật không may, khi chủ sai các người hầu của mình đến thu hoa lợi, các tá điền không những không trả tiền mà còn tra tấn và giết họ. Nhóm người hầu thứ hai ông chủ nhà sai đến cũng chịu chung số phận. Nhưng ông chủ vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền. Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ. Đứa con thừa kế cũng bị họ ám hại và giết đi. 
    Đức Giêsu chính là Người Con ấy, người con của Ông Chủ vườn nho là Thiên Chúa. Đức Giêsu báo trước cái chết sắp xảy ra cho mình bởi những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái chống đối Ngài đương thời. Cái chết của Đức Giêsu là một phần trong chuỗi cái chết của các nhà tiên tri, là những người hầu đã được Thiên Chúa sai đến với Do Thái trong quá trình lịch sử. Tuy nhiên, cái chết của chính Chúa Con đặc biệt cao cả vì cái chết đó không phải là hết. Đó là cánh cửa mở ra một trang lịch sử mới, không chỉ là lịch sử của dân tộc Israel, mà còn của cả nhân loại. 
    Chính Đức Giêsu, trong dụ ngôn trên, đã nhận những lời thánh vịnh 118:22 là nói về Ngài: “Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá góc tường. Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Máccô đã đặt câu trích dẫn thánh vịnh này vào miệng những người đi theo tung hô Đấng Mêsia khi Ngài khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Giáo Hội sơ khai thích dùng câu trích dẫn thánh vịnh 118: 22 để nói về việc Đức Giêsu bị loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7). Việc Đức Giêsu trích dẫn câu này cho thấy rằng mặc dù có vẻ trái ngược, nhưng Thiên Chúa đã luôn biết trước những người từ chối những ngôn sứ Ngài sai đến, biết trước những kẻ sẽ giết Con Một của Ngài, nên ngay cả Hòn Ðá bị từ chối sẽ trở thành "viên đá góc" cũng là nằm trong kế hoạch của Ngài. Hòn Ðá bị loại bỏ là việc làm độc ác của con người, còn trở nên viên đá góc là việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa. 
    Thời Đức Giêsu, tảng đá góc tường có tầm quan trọng quyết định trong xây dựng: nền móng, cấu trúc của ngôi nhà phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Khi đã cố định được viên đá góc, phần còn lại của ngôi nhà phải căn cứ vào góc độ và kích thước của viên đá góc này. Hơn nữa, nếu viên đá góc này bị lấy đi, toàn bộ ngôi nhà sẽ sụp đổ. Trong Kinh Thánh, các nhà tiên tri báo trước về Đấng Mêsia đã nói về Ngài như là Tảng Đá Góc Tường. Sách ngôn sứ Isaia đã viết: “Bởi thế, ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán như sau: “Này đây Ta sẽ đặt ở Xi-on một phiến đá, phiến đá hoa cương, phiến đá góc vô giá làm nền móng vững bền, ai tin tưởng sẽ không hề nao núng” (Is 28,16). 
    Như viên đá bị loại bỏ lại trở nên đá tảng, thì Con Một yêu dấu của Chúa Cha, như đá tảng góc tường, sẽ nâng đỡ toàn bộ tạo vật. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ - Tảng đá đó là Đức Giêsu, đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm viên đá góc, kết nối những người dân ngoại với người Do Thái (cùng tin vào Đức  Giêsu). Chính nhờ Đức Giêsu mà hai bức tường này được gắn kết với nhau, do đó đảm bảo sự vững chắc của chúng. Lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội lỗi của con người. Chính tội lỗi của con người là cái nguyên nhân để lòng thương xót của Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu trước mắt chúng ta. 

    Cái nhìn của Chúa khác cái nhìn của loài người. Khả năng của Chúa cũng tuyệt vời hơn khả năng loài người. Viên đá mà “những người thợ xây” - tức loài người chúng ta - coi là đồ bỏ đi, thì Thiên Chúa có thể biến thành tảng đá góc tường. Thí dụ viên đá Phêrô đã 3 lấn chối Chúa, viên đá Phaolô trên đường Đamát, viên đá Augustinô, hai viên đá âm thầm của Giáo hội, Simon và Giuđa…v.v. 

    Lạy Chúa Giêsu:

    Qua chương trình của Chúa. Xin phục hồi và cải hóa trái tim chúng con, để chúng con có cuộc sống mới trong ơn Cứu Độ của Chúa. Xin cho chúng con biết sống đạo làm người theo gương Chúa, biết dùng những hồng ân của Chúa ban mà đem hoa trái về cho Chúa, biết đem Tin Mừng của Chúa làm ánh sáng chiếu cho mọi người. 

     
    THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA, TÔNG ĐỒ

    lễ kính

    Ca nhập lễ

    Đây là những vị thánh

    Chúa đã lấy tình thương chân thành mà tuyển chọn

    và đã cho các ngài được vinh quang muôn thuở.

     

    Lời nguyện nhập lễ

              Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời các thánh tông đồ rao giảng để cho chúng con được nhận biết danh Chúa. Xin nhận lời hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa cầu nguyện mà cho Hội Thánh được phát triển không ngừng khắp nơi trên trần thế . Chúng con cầu xin ...

    ----------------------------------------

     

     

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GIA ĐÌNH TÔI THỜI COVID

  •  
    Chi Tran

     

    GIA ĐÌNH TÔI VÀ THÁNH LỄ ONLINE THỜI COVID

     

    Dẫu ngày nào chúng tôi cũng dự lễ, cũng nguyện cầu nhưng vẫn mãi âu lo, có lẽ vì đức tin không đủ lớn.

     

    Đầu tháng Mười, khi đọc được thông báo của Tòa Tổng Giám Mục  về việc các nhà thờ có thể dâng Thánh lễ hằng ngày dù có những hạn chế nhất định, tôi đã reo lên mừng rỡ. Vậy là tôi có thể trở lại nhà thờ, chốn thân thương để được viếng Chúa, gặp Cha, sẽ được gặp lại  nhiều gương mặt thân quen sau những  tháng ngày giãn cách, sẽ được cùng cộng đoàn tham dự Thánh lễ trực tiếp thay vì trực tuyến.

     

    Năm ngoái, ngày 26/3/2020, lần đầu tiên có thông báo nhà thờ sẽ không có lễ vì dịch cúm Covid bùng phát, dẫu không quá bất ngờ, vậy mà lần đầu tiên xem lễ qua màn hình tivi tôi đã bất ngờ bật khóc. Nước mắt ràn rụa, không kềm được tiếng nức nở và có hơi xấu hổ trước mặt chồng con, nhưng lúc ấy tôi thực sự như đứa con đi hoang trở về đã khóc với cha mình, người cha nhân hậu.

    Suốt Thánh lễ, tôi tiếc nhớ những ngày tháng cũ, tự trách mình lười biếng sao trước kia không đến với Chúa mỗi ngày, hầu như tôi chỉ tham dự Thánh lễ chúa nhật và những ngày lễ buộc cho xong bổn phận mà thôi. Tôi ứa nước mắt nghĩ đến các linh mục đang một mình dâng lễ trong  phòng thánh hay trong nhà thờ thênh thang vắng bóng giáo dân, chắc là các ngài buồn lắm. Cùng cảm giác đó tôi tham dự Thánh lễ online Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm 2020 nơi quảng trường Vatican rộng lớn, nhìn bóng Đức Thánh Cha liêu xiêu đổ dài theo ánh nến mà lòng đau theo tiếng kinh buồn.

     

    Rồi thì cũng quen dần, tôi bỗng nhận ra những điều tích cực khi tham dự Thánh lễ online trong mùa dịch và tìm được ý Chúa qua những điều nho nhỏ.

     

    Nếu trước đây tôi chỉ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần thì bây giờ cùng với chồng tôi, tôi cũng dự lễ mỗi ngày, thậm chí có ngày hai lễ, tôi “gặp” được nhiều Cha, nghe được nhiều bài giảng đầy ơn ích, ngoài mỗi sáng dự lễ trực tuyến thường xuyên của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tôi còn được tham dự thánh lễ của các giáo phận khác.

     

    Điều hạnh phúc nhất của gia đình tôi vào mỗi chiều thứ bảy là cả nhà cùng tụ tập nơi phòng sinh hoạt  nhỏ của gia đình để cùng tham dự Thánh lễ online. Chúng tôi cùng đọc kinh đầu lễ, cùng  xét mình, cùng nghe chung bài giảng, cùng chúc bình an cho nhau...  Mỗi khi chúc bình an, cả nhà chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong niềm vui cảm tạ Chúa đã ban cho gia đình được bình an trong cơn đại dịch. Những lúc ấy mọi muộn phiền lo âu giận hờn tan biến, chúng tôi lại càng gắn bó yêu thương nhau hơn không chỉ vì tình cảm gia đình mà còn vì tình yêu thương trong Chúa.

     

    Đợt dịch đầu tiên, đợt 2, rồi đợt 3, đợt 4, cũng như mọi người, gia đình chúng tôi ngày ngày sống trong hoang mang. Nỗi  sợ hãi càng cao theo tin tức mỗi ngày có thêm bao nhiêu người nhiễm bệnh, khi biết tin những người hàng xóm, những người thân quen qua đời... Dẫu ngày nào chúng tôi cũng dự lễ, cũng nguyện cầu nhưng vẫn mãi âu lo, có lẽ vì đức tin không đủ lớn.

     

    Cuối tháng Tám, những ngày được gọi là đỉnh dịch, gia đình tôi có đến 3 người nhiễm Covid và phải đi điều trị ở một bệnh viện tư. Không có triệu chứng nặng, vợ chồng tôi vẫn có thể tham dự Thánh lễ online mỗi sáng qua chiếc iphone dựng tạm trên chiếc tủ đựng dụng cụ PCCC nơi hành lang bệnh viện. Vừa xem lễ, vừa dõi mắt trông chừng đứa con dâu đang vật vã ho sốt bên trong, vừa nghĩ đến lũ con cháu F1 đang cách ly ở nhà, ứa nước mắt tiếc nhớ  những Thánh lễ online đông đủ tại nhà mà bây giờ chỉ còn là nỗi khát khao.

     

    Tạ ơn Chúa! gia đình chúng tôi cuối cùng đã được bình an và sum họp đầy đủ bên nhau. Cùng với niềm vui được trở lại nhà thờ dự lễ trực tiếp thì Thánh lễ online vẫn đang được duy trì cũng sẽ là niềm vui không thể thiếu trong gia đình nhỏ bé của chúng tôi.

     

    Têrêsa Nguyễn Cẩm (TGPSG)
    (Ánh sáng Gia đình thời Covid)

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GƯƠNG CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU

    GIẢI BÀY VỚI CHÚA NHƯNG NHU CẦU VÀ XIN NGÀI BAN ƠN

            Chúa biết và có thể chữa ta

                -Ôi Chúa Giê-su chí nhân chí ái! Giờ đây con khát khao rước Chúa sốt sắng, Chúa biết con yếu đuối. Chúa biết cả những nhu cầu khẩn thiết của con. Chúa biết con bị chìm ngụp trong vực sâu thẳm của tội ác và thói hư, Chúa biết con phải đau khổ, xao xuyến và nhơ nhớp đến độ nào!

            Con đến với Chúa để tìm thuốc điều trị. Con kêu nài Chúa để được Chúa xoa dịu và an ủi.

            Con thân thưa cùng Đấng đã biết tỏ mọi cái, nhìn thấu đáy lòng, và là người duy nhất để an ủi và hộ đỡ con đắc lực.

            Chúa biết con cần những thứ gì và thiếu nhân đức chừng nào!

            Tin tưởng và cầu xin Chúa

                Nay con thiếu thốn, con đứng trước nhan Chúa với hai bàn tay trắng để nhờ lượng từ bi Chúa ban ơn.

            Con đói lả: xin Chúa bổ sức lại. Con giá lạnh: xin Chúa sưởi nóng trong lửa mến Chúa. Con đui mù: xin Chúa đến và soi sáng con trong ánh sáng Chúa.

            Xin Chúa làm cho mọi của trần tục trở nên đắng đót cho con, và mọi thống khổ, ngược đãi nên dịp cho con luyện đức nhẫn nhục. Xin cho con khinh chê và quên lãng mọi của thế trần.

            Xin hướng tâm hồn con lên trời với Chúa, và đừng để con lưu lạc trên mặt đất này.

            Hy vọng từ nay cho đến muôn đời, con chỉ lấy một Chúa làm êm dịu. Vì duy mình Chúa là của ăn và của uống cho con, là tình ái và vui sướng của con, là hạnh phúc và mọi may lành của con.

            Ước chi sự hiện diện của Chúa trong con sẽ sưởi nóng thiêu hóa và hoán cải con trong Chúa, để nhờ ơn tận hiệp và sức cảm thông của tình yêu mãnh liệt, con cũng có một tinh thần như Chúa!

            Xin đừng để con phải xa lìa Chúa mà chưa được ăn no uống thỏa, nhưng hãy xử khoan hồng với con như bao lần Chúa đã đặc cách xử các Thánh.

            Giả như con có biến thành cục lửa đỏ trong Chúa, và óc tự ái trong con có bị thủ tiêu, cái đó không có gì là lạ. Ví Chúa chính là lửa nóng không bao giờ tắt, và là ái tình luyện lọc, soi sáng tâm hồn.

                                              SUY NIỆM

            Sau khi rước lễ, không phải cứ lý luận cao, nói cho nhiều mà được việc. Thói dài lời ở đây cũng đáng ghét và còn đáng ghét hơn trong đời sống thể chất. Chúa còn thấu hiểu về ta hơn ta tự hiểu về mình.

              Lúc đó ta chỉ nói vừa đủ để thân thưa với Chúa như Bạn với Bạn, trình bày với Chúa những nhu cầu của ta và cả những người thân yêu: nghĩa là chỉ nói đủ để kích thích lòng tin tưởng và yêu mến Chúa. Thế rồi phải để giờ cho Chúa nói và làm trong ta. Chính lúc đó Ngài sẽ dạy ta,  sẽ làm trong ta những cái Ngài xét là cần, ích cho ta và sáng danh Ngài.

              Lạy Chúa! Con không cần nói, Chúa cũng quá rõ tình trạng linh hồn con. Xin Chúa hãy nói, làm trong con như Chúa quen nói và làm cho các bạn thiết Chúa.
    Nguyên tác: THOMAS A KEMPIS  
    Linh mục LÊ BÁ TƯ  
     
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - TGM NGÔ QUANG KIỆT

  •  
    Chi Tran

     
     
    Truyền giáo theo gương Mẹ Têrêsa 
    - TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
     

    Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong Mẹ Têrêxa lên bậc Chân Phúc mà ta quen gọi là Á thánh cũng là ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo. Và Đức Thánh Cha khuyên nhủ chúng ta hãy truyền giáo theo gương Mẹ Têrêxa. Vậy Mẹ Têrêxa là ai và Mẹ đã truyền giáo như thế nào?

    1- CUỘC ĐỜI

    Mẹ Têrêxa sinh tại nước Anbani cũ. Mẹ đã xin gia nhập dòng Đức Mẹ Loretto và được sai đi Ấn độ để phục vụ nguơì nghèo. Khi đến Ấn độ, Mẹ được chứng kiến cả một đại dương mênh mông những người nghèo đói. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi nằm la liệt ngoài đường. Những người già cả bệnh tật nằm chờ chết bên những đống rác, và khi chết, bị vất vào đống rác như một con thú vật. Xúc động trước cảnh nghèo khổ. Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo. Việc đầu tiên là mở những trung tâm đón tiếp, đưa những người hấp hối ngoài đường về, săn sóc để họ được chết như một con người. Rồi mở cửa nhà cô nhi nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi. Rồi mở bệnh viện chăm sóc chữa trị những người nghèo khổ. Rồi mở trường cho trẻ em nghèo đến học. Công việc càng ngày càng phát triển. Số người theo giúp Mẹ càng ngày càng đông. Chẳng bao lâu, một dòng mới được thành hình với tên Nữ tử Thừa sai Bác ái. Ngoài 3 lời khấn như những nữ tu khác, còn có lời khấn phục vụ người nghèo. Mẹ được thế giới biết tiếng. Cả thế giới gọi Mẹ là Mẹ Têrêxa. Khi Mẹ qua đời, 80 nhà lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến nghiêng mình kính cẩn trước thi hài của Mẹ. Nước Ấn độ có đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, thế mà đã nghi thức quốc táng cho Mẹ,đã bắn hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về thiên đàng.

    2- TRUYỀN GIÁO

    Mẹ Têrêxa đã truyền giáo cách nào mà thành công như thế? Thưa, Mẹ đã dùng 4 phương cách sau:

    Phương cách thứ nhất: cầu nguyện. Có nhiều người tưởng Mẹ Têrêxa là con người hoạt động. Không phải thế. Trước hết Mẹ là con người cầu nguyện. Những giờ cầu nguyện triền miên phát xuất từ nỗi niềm khao khát Chúa. Cầu nguyện đã đưa Mẹ đến phục vụ người nghèo. Rồi việc phục vụ người nghèo đã đưa Mẹ trở về với kinh nguyện. Dòng chảy cầu nguyện liên lỷ không bao giờ ngừng. Có thể nói cuộc đời Mẹ là cuộc đời chiêm niẹm trong hoạt động.

    Phương cách thứ hai: thấm nhuần Lời Chúa. Mẹ tha thiết yêu mến Lời Chúa. Lời Chúa thấm vào tận mạch máu thớ thịt, để Mẹ suy nghĩ, nói năng và hành động theo Lời Chúa. Mẹ thường nói: Lời Chúa phải ở trên đầu ngón tay ta. Theo Mẹ 5 từ ngữ quan trọng khắc ghi tên 5 đầu ngón tay của Mẹ là: You did it for me. Đó là 5 từ tóm tắt 25 chương Tin Mừng theo thánh Mátthêu: “Mỗi lần các con làm những việc này cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, đó là các con làm cho Thày”.

    Phương cách thứ ba: yêu mến người nghèo. Nơi Mẹ, yêu mến người nghèo không phải là cảm tính nhất thời. Yêu mến người nghèo thực sự phát xuất từ một đức tin sâu xa. Tin thật Thiên Chúa đang ở trong nhưng người nghèo. Vì yêu mến người nghèo Mẹ đã tự nguyện sống nghèo. Mẹ sống trong một căn phòng đơn sơ, chỉ có một chiếc giường, một bàn nhỏ, một ngọn đèn và một chậu nước.

    Phương cách thứ tư: phục vụ bằng tình yêu. Vì tin Chúa đang ngự trong người nghèo, nên phục vụ người nghèo chính là phục vụ Chúa. Vì thế, phục vụ người nghèo là một bổn phận phải thực hiện trong khiêm nhường. Phải phục vụ một cách kính cẩn. Phải phục vụ bằng tình yêu.

    Giữa thế kỷ 20 tôn trọng vật chất, quay lưng lại với đời sống tâm linh, Mẹ Têrêxa đã trở nên một nhân chứng sống động của thế giới thần linh. Giữa nước Ấn độ xa lạ với Kitô giáo, Mẹ Têrêxa đã trình bày được khuôn mặt dễ thương dễ mến của Chúa, làm cho mọi người yêu mến đạo Cháu. Mẹ xứng danh là nhà truyền giáo của thế kỷ 20. Giữa những bế tắc Mẹ đã khai thông một lối đi. Lối đi vào thẳng trái tim con người. Trong bóng tối dày đặc, Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn. Ngọn đèn đó chiếu lên ánh sáng niềm tin. Giữa trần gian lạnh lẽo, Mẹ đã đốt lên ánh lửa yêu mến. Ánh lửa đó sưởi ấm tình người.

    Năm 2004 sắp tới được Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn làm Năm Truyền Giáo. Chúng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, biết tha thiết cầu nguyện, biết yêu mến Lời Chúa, nhất là biết yêu mến người nghèo và biết phục vụ bằng tình yêu. Để mỗi người Công giáo thực sự là một ngọn đèn chiếu toả ánh sáng của Chúa. Để mỗi người Công giáo là một niềm vui cho những người chung quanh.

    Lạy Chân Phúc Têrêxa, xin cầu cho chúng con. Amen.

    GỢI Ý CHIA SẺ

    1- Mẹ Têrêxa đã truyền giáo bằng những phương cách nào?

    2- Trong hoàn cảnh của bạn, bạn có thể thực hiện phương cách nào trong 4 phương cách của Mẹ Têrêxa để truyền giáo?

    3- Qua cuộc đời Mẹ Têrêxa, bạn thấy ngày nay còn có thể truyền giáo được không?

     

    ------------------------------------------

ĐÀO TẠO MỌN ĐỆ - GIÁO LÝ VIÊN RAO GIẢNG TIN MỪNG

Giáo lý viên John Ngwa Zar Dee, và 50 năm rao giảng Tin Mừng ở biên giới Myanmar

Trong 50 năm qua, ông John Ngwa Zar Dee rao giảng Tin Mừng ở biên giới Myanmar. Ông là giáo lý viên đầu tiên thuộc bộ lạc Lisu bản địa trong giáo phận Myitkyina, và là nhà truyền giáo đầu tiên ở Zang Yaw, một vùng hẻo lánh và khó tiếp cận, nay thuộc địa phận của giáo xứ Putao.

Khi ông John Ngwa Zar Dee đến khu vực Zang Yaw, giữa những người bản địa thuộc nhóm dân tộc Lisu và Rawang, ở phía bắc Myanmar, và bắt đầu nói về hồng ân cứu độ của Chúa Giêsu, ông được người dân ở đây coi như người xa lạ. Ông nói với những người chưa bao giờ nghe đến danh Đức Kitô và bắt đầu đọc Tin Mừng cho họ. Trẻ em, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, người già, dừng lại để lắng nghe, tò mò và thích thú. Ngày qua ngày, sứ điệp về lòng thương xót, bình an và ơn cứu độ đã chạm đến tâm hồn những người nghe. Và dân làng đã xin trở thành môn đệ Chúa Giêsu và được lãnh Bí tích Rửa tội.

Vào thời điểm đó, John Ngwa Zar Dee còn đang ở tuổi đôi mươi. Và để đến được khu vực chưa được khám phá này, từ thị trấn gần nhất của bang Kachin, ông phải đi bộ 15 ngày. Cuộc hành hương dọc theo những con đường gồ ghề và sỏi đá được đánh dấu bằng việc đọc kinh Mân Côi. Giáo lý viên năm nay (2021) đã 72 tuổi bày tỏ: “Đức Maria đi bên cạnh tôi”. Ông nói thêm: “Sau 50 năm rao giảng Tin Mừng tôi vẫn muốn tiếp tục tinh thần mang Chúa đến tận cùng trái đất”.

Ông John Ngwa Zar Dee là giáo lý viên đầu tiên thuộc bộ lạc Lisu bản địa trong giáo phận Myitkyina, và là nhà truyền giáo đầu tiên ở Zang Yaw, một vùng hẻo lánh và khó tiếp cận, nay thuộc địa phận của giáo xứ Putao. Ông giải thích rằng, ông thực sự muốn đến vùng đất này “để trao kho báu của Vương quốc Thiên Chúa cho dân tộc của tôi”.

Hiện nay, linh mục coi sóc giáo xứ Putao hầu như không thể đến được khu vực đó, có khi cả năm không đến được một lần. Mặc dù đường xá xa xôi, khó khăn, ông John, nhất là khi còn trẻ, đã thường xuyên đến thăm dân các làng đó để “gieo hạt giống Tin Mừng, bẻ bánh Lời Chúa, cử hành Bí tích Rửa tội, loan báo ơn cứu độ cho mọi người”. Ông khẳng định rằng những dân tộc này, trong sự đơn sơ họ “là con Thiên Chúa, gần gũi với trái tim của Chúa Kitô, Đấng yêu thương những người nghèo, những người bé mọn, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội”. Nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo và gương sống của ông, hầu như tất cả cư dân trong vùng đều theo Công giáo.

Ông John nhớ lại từ năm 1969 đến năm 1970, cùng với những người trẻ khác, ông đã tham dự khoá học đào tạo giáo lý viên do các nhà truyền giáo Thánh Colombano thuộc Giáo phận Myitkyina điều hành: “Đó là một hành trình gian nan và khó khăn, nhưng tôi biết ơn những người truyền giáo đã đồng hành với sự trưởng thành và đào tạo đức tin thời tuổi trẻ của tôi”.

Trong thời gian đó, ông John khám phá ra ơn gọi và thừa tác vụ giáo lý viên, và ông đã dành trọn thời gian cho sứ vụ này. Đó là một sự phục vụ mang lại niềm vui lớn, nhưng không thiếu khó khăn. Hiện nay, tình hình bất ổn xã hội và chính trị ở Myanmar và cơn ác mộng của đại dịch đè nặng như đá tảng. Ông chia sẻ: “Trong khi nỗ lực, tôi có một niềm xác tín đơn giản: Tôi biết và tin rằng Chúa ở cùng tôi và tôi hướng về Người. Chúa là nơi nương tựa của tôi”. Ông  John kể, trong thời kỳ khó khăn bạo lực lan rộng ở Myanmar, hoạt động mục vụ và truyền giáo vẫn tiếp tục và rất quý giá vì nó mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những người đau khổ.

Ông nói: “Tôi thường nói với chính mình những lời của ông Gióp: Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ thì chúng ta lại không đón nhận sao? Chúa không bỏ rơi dân Người. Chúa ban cho tôi sức mạnh. Tôi không làm việc vì những lời khen ngợi của người đời nhưng vì Nước Chúa. Đôi khi người đời từ chối bạn, nhưng đối với Chúa thì không, Người luôn thành tín, luôn yêu thương và tha thứ”.

Đối với các tín hữu thuộc sắc tộc Lisu và Rawang, giáo lý viên John là một điểm tham chiếu vững chắc. Trong hoạt động dạy giáo lý liên tục nhiều năm, ông không bao giờ muốn phần thưởng nào từ họ. Về điều này ông nói: “Đối với tôi, phần thưởng ở nơi Chúa Giêsu. Cho đến nay, một ngôi nhà tôi cũng không có. Căn nhà tôi đang ở không phải của tôi, nhưng tôi không bận tâm vì Chúa đang ở với tôi”.

Đối với người trẻ, chứng tá của ông rất quý giá. Theo gương ông, các tình nguyện viên đi đến các làng xa xôi để thực hiện các hoạt động giáo dục sức khỏe, giáo dục và mục vụ cho các em nhỏ. Họ được gọi là zetaman, hay “những nhà truyền giáo nhỏ”, những khuôn mặt đặc trưng của Giáo hội Công giáo Myanmar. Những tình nguyện viên trẻ này đến những ngôi làng bị cô lập, ở những khu vực khó tiếp cận, những vùng nông thôn và miền núi và ở lại đó. Trong vài ngày, họ chia sẻ cuộc sống với cộng đồng, dành thời gian cho trẻ em, hiện diện bằng tình thương, tình bạn và sự chia sẻ đơn giản của cuộc sống. Nếu được hỏi, họ sẽ chia sẻ đời sống đức tin nhờ cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc đời họ. Các nhà truyền giáo nhỏ có mặt ở tất cả các giáo phận của Myanmar, phục vụ những người yếu đuối và bị bỏ rơi. Nhờ những người như giáo lý viên John Ngwa Zar Dee, các Giáo hội kêu gọi những người trẻ dành ít nhất ba năm để phục vụ giáo phận, để được sai đi như những nhà truyền giáo trẻ trong những hoàn cảnh khó khăn. Như thế, họ đang thực hiện một công việc cao quý là loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, làm cho mọi người cảm nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 30 Thường Niên B

Video Player
 
00:00
 
19:13
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục