9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

  •  
    Chi Tran

    Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm B
     
    1/ NIỀM AN ỦI THẦM LẶNG

    Thật an ủi biết bao khi biết rằng một người có vị thế và tầm quan trọng như ông Phêrô trong Giáo hội sơ khai lại có thái độ đáng trách đến như vậy. Ông là người bàn rùn chăng? Không hẳn, ông là người yêu mến Chúa chân thành: ông không muốn Chúa đi vào con đường đau khổ. Nhưng chính ông lại là người cản lối kế hoạch của Thiên Chúa. Điều chúng ta cần nhớ là ông Phêrô chỉ là một con người, và ngay cả người hoàn hảo nhất cũng mắc sai lầm (errare human est). Ông Henry Ford, vua xe hơi đã làm thay đổi thế giới như thế nào. Ông đã thay đổi cách thức mọi thứ được lắp ráp, được tiếp thị và cách chúng ta đi lại. Nhưng bạn có biết ông đã quên cài số lùi cho chiếc xe đầu tiên do ông sáng chế không? Không chỉ vậy, ông còn không làm một cái cửa đủ rộng để lái xe ra khỏi căn nhà ông mới xây. Nếu đến Greenfield Village, người ta vẫn còn thấy nơi ông khoét một cái lỗ lớn trên tường để đẩy xe mỗi khi đi ra ngoài.

     

    2/ VÁC THÁNH GIÁ HẰNG NGÀY

    Chúng ta mang thánh giá để nhắc nhở chúng ta phải nhận trách nhiệm một phần về thập giá mà Chúa Giêsu đã chịu. Họa sĩ Rembrandt vẽ tác phẩm nổi tiếng về cảnh Chúa chịu đóng đinh, có tên là “Ba cây thánh giá”, hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris. Tuy nhiên họa phẩm này có một điều rất khác thường. Trong số những khuôn mặt đám đông nhốn nháo dưới cây thánh giá, ông đã vẽ chính mình vào đó. Đó là cách ông muốn nói rằng ông không thể vô tư nhìn cuộc đóng đinh như một khách bàng quan, nhưng đã thực sự tham gia vào biến cố khủng khiếp đó. Thật vô cùng đáng tiếc, có nhiều người không bao giờ nhìn nhận điều này.

    * Có thể chúng ta cũng cần học thái độ của Rembrandt. Tôi phải xác định sự kiện Chúa đóng đinh bao gồm chính mình trong đó. Nó không chỉ đơn giản là câu chuyện về Chúa; đó là vấn đề của chính chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu thách thức chúng ta vác thập giá bước theo Người.

     

    3/ VĂN HÀO SHAKESPEARE VÀ CHÚA GIÊSU

    Nhà viết tiểu luận người Anh thế kỷ 19, Charles Lamb, người đã có công đưa kịch tác gia W. Shakespeare trở lại sự nổi tiếng trên ánh đèn sân khấu. Charles Lamb đã từng tham gia vào một cuộc thảo luận về câu hỏi ai là thiên tài văn học vĩ đại nhất mọi thời đại. Hai cái tên cuối cùng xuất hiện: William Shakespeare và Chúa Giêsu thành Nazareth. Lamb kết thúc cuộc tranh luận khi nói: “Tôi sẽ cho bạn biết sự khác biệt giữa hai người này. Nếu Shakespeare bước vào căn phòng này ngay bây giờ, tất cả chúng ta sẽ đứng dậy chào đón ông ta, nhưng nếu Chúa Giêsu bước vào, tất cả chúng ta sẽ quỳ xuống và tôn thờ Người”. – Có sự khác biệt nền tảng giữa bậc vĩ nhân xuất thân từ Nazareth và tất cả những danh nhân khác mà bạn có thể nghĩ đến. Chúa Giêsu là Thiên Chúa; còn tất cả những người khác, bất kể họ là gì, làm gì, chỉ là những kẻ khờ khạo bước lên sân khấu trong một thời gian ngắn rồi biến mất.

    * Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu thực sự là ai, và cho trình bày những điều kiện để chúng ta có thể trở thành môn đệ của Người.

     

    4/ SỐNG DẤN THÂN

    Theo nghiên cứu do viện Gallup thực hiện, 12% người Mỹ “sống tinh thần dấn thân mạnh mẽ”. Họ là những người thực sự hiểu rõ lời Chúa Giêsu nói: “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình và theo Tôi”. Gallup xác quyết rằng các thành viên của nhóm này là “một loại hạt giống khác biệt với phần còn lại của dân số theo ít nhất bốn cách này: 1. Họ sống hạnh phúc hơn. 2. Gia đình của họ mạnh mẽ hơn. 3. Họ khoan dung hơn với những người thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau. 4. Họ có tinh thần cộng đồng.” – Họ tham gia vào việc phục vụ người khác. Chính việc chấp nhận vác thánh giá đã thực sự tạo ra khác biệt đó.

     

    5/ VÁC THÁNH GIÁ

    Trên những ngọn đồi trập trùng ở phía bắc New Jersey có một ngôi nhà thờ nhỏ, ở đó một cây thánh giá lớn bằng đá được gắn liền với một bức tường bên trong. Lúc ấy có xảy ra câu chuyện: một người giàu có của giáo xứ không thích đặt cây thánh giá ở đó và nói rằng nó thật chướng mắt. Ông đề nghị ủng hộ cho nhà thờ một khoản tiền lớn để lấy cây thánh giá ra khỏi bức tường và thay thế bằng một cửa sổ kính màu mà ông cho là đẹp mắt. Nhưng khi ông trình bày ý tưởng của mình với hội đồng giáo xứ, họ nói với ông: “Chúng tôi không thể làm những gì ông yêu cầu. Kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà thờ đã đặt cây thánh giá tại đó; nó mang lại độ vững cho toàn bộ cấu trúc công trình. Nếu lấy cây thánh giá đi, nó sẽ phá hủy ngôi nhà thờ.”

    * Đấng là Kiến trúc sư của ơn cứu chuộc chúng ta đã thiết kế Giáo hội phải mang thánh giá. Thập giá đem lại sức mạnh cho Giáo hội. Nếu lấy thánh giá đi chúng ta không còn Giáo hội nữa.

     

    6/ NGHỊCH LÍ CỦA TIN MỪNG

    Câu chuyện thật hi hữu: mười một người bị treo lơ lửng trên một sợi dây cáp dưới một chiếc trực thăng trong một nỗ lực giải cứu. Có mười người người đàn ông và một phụ nữ. Bất ngờ viên phi công đưa ra mệnh lệnh: một người trong số này phải buông tay; nếu không mọi người sẽ chết hết. Người phụ nữ lên tiếng ngay, nói rằng cả cuộc đời của bà đã là hy sinh – vì con cái, vì chồng và cha mẹ – và bây giờ bà sẵn sàng hy sinh lần cuối cùng bằng cách buông tay. Cùng với lời tuyên bố đó là tiếng hoan hô vang dội của mười người đàn ông! Điểm nhấn của câu chuyện vẫn là lòng hi sinh quên mình của phụ nữ (nhất là phụ nữ Việt Nam!) Nhưng đặt trong bối cạnh phụng vụ hôm nay câu chuyện này đánh thức niềm tin của chúng ta vào sức mạnh của Tin Mừng, bởi vì nó cũng chứa đầy những điều bất ngờ, đảo ngược, nghịch lý và những đường lối kín ẩn mà bề ngoài dường như không có ý nghĩa. Bình thường làm sao chúng ta có thể chấp nhận nghích lí: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35). Nhưng nếu chúng ta thực sự mở lòng đón nhận Lời Hằng Sống thì chúng ta sẽ được cứu độ.

     

    7/ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

    Thánh Gioan Thánh Giá, trong những năm cuối cùng cuộc đời ngắn ngủi của ngài, đã xin Chúa cho ba ân huệ: không chết với tư cách là bề trên của bất kỳ tu viện Cát Minh nào; chết ở một nơi mà không ai biết đến; và chết sau khi đã chịu nhiều đau khổ. Những lời cầu xin này đã được Chúa đón nhận. Trong những năm cuối đời – ngài qua đời ở tuổi 49 – ngài đã bị các bề trên tước bỏ mọi chức vụ, và một số người thậm chí còn định trục xuất ngài ra khỏi Dòng mà chính ngài đã giúp cải cách. Tiếp theo ngài được gửi đến một ngôi nhà mà không ai biết ngài, nơi mà bề trên không ưa ngài, đã cho ngài ở một căn phòng tồi tệ nhất trong tu viện, và phàn nàn một cách cay đắng về chi phí tốn kém cộng đoàn phải chịu do sức khỏe suy yếu của ngài. Cuối cùng, sự đau khổ của thánh nhân càng trở nên gay gắt hơn khi cả chân và lưng của ngài đều bị lở loét. Khi nhận thấy cái chết đang cận kề, Gioan, thay vì tìm kiếm sự chăm sóc y tế, đã ngỏ lời với bề trên, cầu xin sự tha thứ vì tất cả những phiền toái và chi phí mà ngài đã gây ra cho anh em. Vị bề trên đã vô cùng xúc động, cũng xin Gioan tha thứ tất cả và rời khỏi phòng trong nước mắt chan hòa. Cha bề trên này sau đó đã được ơn biến đổi, đến nỗi sau này ngài được an nghỉ một cách tốt lành thánh thiện. Cũng trong đêm đó, Gioan đã không còn cảm thấy đau đớn hay vật vã nữa, ngài đã sốt sắng dâng phó linh hồn cho Đấng Tạo Hóa của mình và ra đi êm ái. – Tất cả những điều này không trả lời ngay cho câu hỏi: “Tại sao Chúa để cho có đau khổ?” Có lẽ chúng ta có thể bắt đầu thấy ý nghĩa của nó hiện ra nếu chúng ta đóng khung câu hỏi theo cách khác. “Liệu thánh Gioan Thánh Giá, đấng mà  gương sáng của ngài đã làm biến đổi đời sống biết bao người trong hơn 400 năm qua kể từ khi ngài qua đời, liệu ảnh  hưởng đó có xảy ra không nếu thánh giá chưa bao giờ đi vào cuộc đời ngài?” Câu trả lời chắc chắn là không, bởi vì đau khổ là một điều gì đó thiêng liêng; nó có sức tập họp tất cả những người muốn nên giống Chúa Kitô, Đấng đã chọn thánh giá để cứu chuộc thế giới.

     

    8/ ĐIỀU ƯỚC CỦA VUA CHARLEMAGNE

    Vua Charlemagne sống từ năm 742 đến năm 814 sau Công nguyên. Ông đã chinh phục phần lớn Tây Âu, bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, một phần của Ý, Đức, Áo và Tây Ban Nha. Quân đội của Charlemagne đi đến bất cứ đâu, họ đều truyền bá đường lối giáo dục và luân lí Kitô giáo. Nền cai trị của ông đã thống nhất và ổn định phần lớn châu Âu, khiến ông trở thành một trong những nhà cai trị quyền lực nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mặc dù với uy quyền lớn lao như vậy Charlemagne đã sắp xếp trước cho cái chết của mình. Ông truyền lệnh rằng trước khi niêm ấn quan tài, xác ông phải được đặt ở chỗ công khai, mà trên tay có một câu Lời Chúa trong bài đọc hôm nay: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?”

     

    9/ BẰNG CHỨNG KHOA HỌC VỀ LINH HỒN

    Một số người có thể đã biết câu chuyện về Đạt Văn. Đạt Văn là một người đàn ông sống cô độc. Cuộc đời của ông bị bủa vây bởi nghèo đói và thiếu thốn. Ông sống phần lớn cuộc đời của mình ở một thị trấn khai thác đồng ở vùng núi hiểm trở Bắc Sơn. Nhưng câu chuyện về Đạt Văn lại có một chút rắc rối. Ngày 2-1-1946, ông lấy giấy viết di chúc. Một thời gian sau chẳng ai nghe nói gì về ông nữa. Tuy nhiên nhà chức trách lại phải chịu trách nhiệm giải quyết di chúc của ông. Mười sáu năm sau khi ông mất, người ta phát hiện ra rằng ông đã để lại hai trăm ngàn đôla cho một “nghiên cứu khoa học chứng minh linh hồn người ta sẽ rời bỏ thân xác khi chết”.

    * Chúng ta thấy linh hồn ở chính nơi chúng ta xây dựng tình yêu thương, hy vọng, bình an, niềm vui và những cảm xúc tích cực khác. Chúng ta không thể ghi lại những cảm xúc này trong phong thí nghiệm, tuy nhiên chúng ta vẫn biết nó tồn tại.

     

    10/ TRÀ DƯ TỬ HẬU

    Hoàng đế Napoléon Bonaparte chiêu đãi một số tướng lĩnh của ông trong một bữa tối. Buổi dạ tiệc thật hoành tráng, thật tuyệt vời; thức ăn gồm sơn hào hải vị và rượu vang được bày biện rất phong phú. Napoléon và những vị khách của ông uống rượu cognac và hút xì gà. Rồi trà dư tửu hậu: thực khách ngà ngà bắt đầu hăng hái tranh cãi về Chúa Giêsu. Napoléon chăm chú lắng nghe nhưng ông không nói gì. Hầu hết các vị khách cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một người đàn ông bình thường. Tuy nhiên hoàng đế của họ phát biểu: “Này các quý ông, các bạn đã sai hết rồi. Đàn ông thì tôi biết tất. Chúa Giêsu còn hơn cả một con người! Ngài là một vị Thiên Chúa”

    * Đức tin của chúng ta không phải là vấn đề biết về Chúa Giêsu. Đó là một hành trình khám phá để biết Người. Napoléon là một trong những người trực giác biết rằng Chúa Giêsu hơn cả một con người.

     

    11/ KHÔNG BỎ CHÚA

    Có hai du khách đang trên đường, thì một con gấu đột nhiên xuất hiện. Cả hai đều chạy nhanh hết sức có thể. Một người lao đến một cái cây bên đường, trèo lên và nấp vào cành của nó. Người kia không thể leo lên và ẩn nấp, vì vậy, anh ta đã ném mình xuống đất và giả vờ như đã chết. Con gấu đến và đánh hơi thấy người đàn ông đang nằm trên mặt đất. Người đàn ông giữ lặng yên hoàn toàn và nín thở vì biết rằng loài gấu không chạm vào xác chết. Con gấu cho là anh đã chết nên bỏ đi. Khi nhìn thấy bờ biển trong xanh cuốn hút, người du khách trốn trên cây vội tuột xuống và hỏi người bạn đồng hành của mình: “Con gấu đã nói gì với bạn khi nó ghé sát miệng vào tai bạn?” Người bạn đồng hành trả lời: “Nó bảo tôi đừng bao giờ đi du lịch nữa với một người bỏ rơi bạn mình ngay từ cái nhìn nguy hiểm đầu tiên!

     

    Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - 5 CACH GIÚP NGƯỜI ĐAU KHỔ

  •  
    Chi Tran



    5 CÁCH ĐỂ GIÚP ĐỠ MỘT NGƯỜI BẠN ĐANG ĐAU KHỔ

     

    Những cử chỉ đơn giản này rất có hiệu quả để giúp đỡ một người nào đó đang đau buồn.

     
    Hai năm trước, tôi bị sảy thai muộn. Sự mất mát này làm tôi suy sụp và trong một thời gian dài, tôi đã không biết làm thế nào để thoát khỏi tình trạng ấy. Thế giới và mọi thứ trong đó thật là khác biệt. Cuộc sống của tôi bị đảo lộn trong khi phần còn lại của thế giới vẫn tiếp tục như bình thường.

     

    Khi ai đó hỏi tôi rằng họ có thể làm gì để giúp tôi, tôi chỉ biết lắc đầu. Không gì có thể mang con gái tôi trở lại. Không gì có thể khắc phục điều này hoặc làm cho tôi cảm thấy tốt hơn. Tôi không thể yêu cầu sự giúp đỡ vì tôi không biết bắt đầu từ đâu. Nỗi đau đã làm cho mọi người khó gần gũi với tôi. Nó làm cho mọi người cảm thấy không thoải mái.

     

    Nhiều người muốn giúp đỡ nhưng không biết phải nói gì và họ sợ sẽ làm hay nói điều gì đó sai. Sự băn khoăn lo lắng của chúng ta thường bị che giấu hoặc bị gạt đi vì chúng ta không biết cách nào để giúp đỡ người khác. Chúng ta chỉ có thể nói một cách mơ hồ, “Hãy cho tôi biết nếu bạn cần bất cứ điều gì”, với mong ước rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nhưng không biết phải làm gì.

     

    Dưới đây là năm điều mà tôi thấy thực sự hữu ích vào một trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời tôi.

     

    1. Nhấc điện thoại lên

     

    Khi một người bạn đang đau khổ, hãy gọi điện thoại cho họ và lắng nghe. Nếu họ không có gì để nói, hãy cho họ biết rằng bạn yêu họ. Hãy nói ra những điều hiển nhiên. Những gì họ đang trải qua thì rất khó khăn. Hãy cho họ biết rằng đó là chuyện bình thường khi họ cảm thấy không ổn và bạn sẽ cùng ở với họ vào cả những lúc vui cũng như lúc buồn. Hãy đảm bảo với họ rằng bạn sẽ sớm gọi lại và bạn nhớ thực hiện điều đó.

     

    Đừng đưa ra lời khuyên về cách vượt qua nỗi đau hoặc nói những lời sáo rỗng. Không có một tiến trình nào cho nỗi đau cả. Đừng nói rằng bạn biết những gì họ đang trải qua. Ngay cả khi bạn đã trải qua một điều gì đó tương tự, trải nghiệm của cả hai đều là duy nhất và không hề giống nhau, như chính bản thân các bạn vậy. Tránh đưa ra những lời khuyên kiểu như là “một giải pháp áp dụng chung cho tất cả mọi người”.

     

    2. Chuẩn nhận cảm xúc của họ

     

    Cảm xúc của họ có thể tệ hại và không thoải mái. Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm để hỗ trợ bạn mình là chấp nhận cảm xúc của họ mà không phán xét. Hãy cho họ biết rằng bất cứ điều gì họ đang cảm thấy đều ổn. Đừng hỏi tại sao họ cảm thấy như thế. Nếu đó là một ngày hân hoan, hãy vui mừng với họ. Nếu đó là một ngày tồi tệ, hãy là một người bạn tâm giao để họ trút bầu tâm sự hoặc một bờ vai để họ tựa vào.

     

    3. Đừng hỏi, hãy đề nghị

     

    Bạn có thể đem cho bạn mình một bữa tối? Bạn có thể trông trẻ, giúp việc nhà hay chạy việc vặt? Nếu bạn có ít thời gian, hãy đem một giỏ đồ ăn đầy món nướng, thiệp và rượu vang. Cho dù sự đóng góp có nhỏ như thế nào đi nữa, nó vẫn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với người nhận nó. Hãy cho họ biết những gì bạn có thể làm và khi nào bạn có thể làm điều đó. Nếu họ thật sự không cần sự giúp đỡ, họ sẽ nói với bạn.

     

    4. Giúp họ xao lãng

     

    Họ có thể không muốn nói về nỗi lòng của họ. Họ có thể không muốn khóc hay la hét hoặc trút giận. Đôi khi, điều tốt nhất mà bạn có thể làm là đem đến một khung cảnh mới hay một sự chuyển hướng. Đưa cho họ một cuốn sách hay bộ phim tuyệt hay. Tặng cho họ thẻ quà tặng của cửa hàng họ yêu thích và đề nghị đưa họ ra ngoài mua sắm. Đi ra ngoài ăn tối, xem một bộ phim, hoặc đi đến một bảo tàng. Dẫn họ đi xem một vở kịch hoặc opera. Tìm hiểu những gì họ thích làm và tạo điều kiện cho họ làm điều đó.

     

    5. Duy trì sự liên lạc

     

    Có lẽ điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm cho một người bạn đang cần sự giúp đỡ là giữ liên lạc. Ta rất dễ bị cuốn vào công việc rồi sau đó quên mất, vì bận rộn với lịch trình dày đặc của riêng mình. Khi bạn lên kế hoạch, hãy nhớ bao gồm cả kế hoạch dành cho người bạn đó. Thỉnh thoảng, hãy đem bữa tối cho họ. Nhắn tin, email hoặc gọi điện thoại. Đem đến một món quà hoặc ghé qua uống cà phê và trò chuyện với họ. Làm một cái gì nho nhỏ để họ biết rằng bạn đang nghĩ về họ.

     

    Ngoài ra…

     

    Nếu bạn nhìn thấy họ nơi công cộng, hãy chào đón họ cách nồng ấm. Nếu bạn không biết nói gì trong khoảnh khắc đó, chỉ cần ôm họ. Hễ đã là người, thì có nghĩa là, tất cả chúng ta sẽ có lúc phải nếm trải nỗi đau. Khi đó, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho nhau là đem đến sự kết nối, tình yêu và chuẩn nhận. Bạn không cần phải làm gì nhiều, chỉ cần một chút thôi cũng là đủ rồi.

     

    Sarah Surette (Aleteia) / Thảo Uyên chuyển ngữ

     (tgpsaigon.net 18.02.2020)

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU

  •  
    Chi Tran

     
     
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU 
    ĐỪNG NẢN LÒNG KHI LỠ LẦM

    Hãy vững tin

    - Con ơi ! Nhẫn nhục và khiêm tốn trước gian lao, đẹp lòng Cha hơn những an ủi và sốt sắng lúc được may mắn.

    Sao con buồn vì một lời trách nhẹ ? Dầu nó có nặng nề mấy, con cũng không được tủi lòng kia mà !

    Nhưng con hãy để nó qua đi. Thử thách thế có gì là mới lạ. Với con chắc không phải là lần đầu mà. Nếu con sống lâu hơn, chắc cũng chưa phải là lần cuối cùng.

    Không gặp đau khổ, thấy con can đảm khá lắm. Con còn biết khuyên người khác, còn biết nói để khích lệ họ.

    Thế mà vừa chớm đau khổ, con đã mất cả sáng suốt, cả nghị lực.

    Con hãy coi đó mà chân nhận cái yếu hèn của con : thường con đã cảm thấy cả trong những trường hợp không đâu !

    Cho dù những đau khổ ấy và ngàn vạn cái tương tự có xảy đến cũng cốt là mưu phần rỗi cho con thôi.

    Bài học nhẫn nhục

    Con hãy khôn ngoan đề phòng mọi đau khổ; thảng hoặc nó xảy đến, con đừng thất đảm và đừng xao xuyến !

    Không chịu được cho vui vẻ, ít nhất cũng hãy chịu cho nhẫn nhục.

    Giả sử gặp lời nói mất lòng làm con tức tối, con hãy tự chế ngự lời nói, đừng để miệng thốt ra lời nào quá đáng, sinh gương xấu cho người yếu đuối.

    Sớm, muộn cơn tức sẽ nguôi đi và ơn Cha sẽ trở lại, làm tiêu tan đau khổ cho lòng con.

    Lời Chúa : “Cha hằng sẵn sàng cứu giúp và an ủi con hơn mọi lúc miễn con biết tín nhiệm ở Cha và sốt sắng kêu cầu Cha".

    Con hãy bình tĩnh và chuẩn bị để chịu đựng hơn nữa.

    Dầu con phải cơ cực luôn hay thử thách gắt gao, cái đó không phải uổng công đâu.

    Con là người chứ đâu phải Thiên Chúa, con là nhục thể chứ đâu phải thiên thần !

    Nếu thế con đòi đứng mãi trên đỉnh cao nhân đức thế nào được ! Thiên thần trên trời và thủy tổ trong địa đường cũng chả vững được thế đâu !

    Chính Cha sẽ nâng đỡ và cứu vớt những người sầu khổ. Và những ai tự nhận mình hèn yếu sẽ được Cha nâng lên cao cho nhập hàng thần thánh.

    Chúc tụng Chúa

    - Lạy Chúa ! Con ngợi khen lời Chúa, “lời êm dịu cho miệng con hơn sáp ong, hơn mật lọc” (Ps.18,11; 118. 183).

    Con biết làm gì trong lúc ưu phiền, đau khổ, nếu Chúa không nói để phấn khích con !

    Con sẽ chịu bất cứ sự gì và bao nhiêu lần cũng được, miễn là cuối cùng con tới được cửa phần rỗi.

    Xin cho con được chết lành và được may mắn khi lìa khỏi thế.

    Đừng quên con, lạy Chúa ! Xin dẫn con đi đường thẳng để vào nước Chúa. Amen.

    SUY NIỆM

    Nhẫn nại với người khác đã là khó; nhẫn nại với chính mình, còn khó hơn nhiều. Nhưng đây lại là điểm then chốt của xả kỷ.

    Khó chịu khi thấy mình lầm lỗi, đó là một triệu chứng kiêu ngạo hơn là thống hối.

    Người khiêm nhượng thực, biết mình yếu đuối, không bao giờ lấy làm lạ khi lầm lỗi. Họ chỉ phàn nàn thống hối, xin Chúa thứ tha, thế rồi vẫn bình tĩnh, can đảm chiến đấu.

    Dĩ nhiên, lầm lỗi như vậy bao giờ cũng là một khuyết điểm, nhưng khó chịu như thế lại là khuyết điểm lớn hơn. Nó bắt nguồn từ tính kiêu ngạo, tự ái và thiếu tin tưởng ở Chúa.

    Lạy Chúa là nguồn gốc mọi bình an thánh thiện! Chúa đã quá rõ con hèn yếu chừng nào ! Nhưng nếu Chúa không thương giúp, con sẽ hèn yếu thêm và điêu tàn. Xin Chúa giúp con thắng lướt được tính tự ái nơi con và bắt nó hoàn toàn tùy phục Chúa.

    Nguyên tác: THOMAS A KEMPIS  
    Linh mục LÊ BÁ TƯ
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - MẸ CHỐNG THEO ĐẠO VÌ CON DÂU ĐẠO

  •  
    Chi Tran

    MẸ CHỒNG QUYẾT ĐỊNH GIA NHẬP ĐẠO VÌ CON DÂU CÔNG GIÁO

    Theo lẽ tự nhiên thông thường, thì đa số các cô dâu Công giáo lấy chồng ngoại Đạo hoặc tân tòng sẽ dần dần nhạt Đạo và thậm chí mất Đạo theo thời gian do hoàn cảnh. Số cô dâu Công giáo mà sốt sắng giữ Đạo thì chỉ là thiểu số và đếm trên đầu ngón tay.

    Nhưng có một cô dâu Công giáo không những sống Đạo tốt, giúp chồng giữ Đạo tốt, mà cô ấy còn thuyết phục được cả mẹ chồng của mình theo Đạo.

    Đó là cô con dâu có tên là Maria Thanh Sang quê gốc Giáo xứ Hà Dương- Giáo phận Bùi Chu, hiện cư ngụ tại Giáo họ Trữ Khê- Giáo xứ Lãm Hà- Giáo phận Hải Phòng.

    Chị Maria Thanh Sang lấy chồng là người Tân tòng. Ban đầu, có lẽ anh chồng quê gốc Hải Dương của chị theo Đạo chỉ vì muốn làm hài lòng vợ và gia đình nhà vợ.

    Nhưng do được học hỏi Giáo lý kỹ càng, do thành tâm thiện chí, hơn nữa được sống gần những xứ Đạo có cha xứ và bà con Giáo dân tốt lành gương sáng, nên đức tin vào Chúa của anh ngày càng lớn mạnh.

    Không những thế, chồng chị hiện nay đang là một cánh tay đắc lực của quý cha trong các công việc chung.

    Mẹ chồng chị là một người ngoại Đạo. Bà càng ngày càng thấy cô con dâu Thanh Sang của mình hiền hậu, thật thà, chất phác, chăm cầu nguyện, nhiệt thành, yêu thương, khiêm tốn, vui tươi, niềm nở, ân cần và chăm chỉ đi Lễ.

     

    Chính những đức tính rất tốt lành của cô con dâu đã cho làm bà tò mò tìm hiểu về Đạo Công giáo và đã hoàn toàn thuyết phục bà theo Đạo của cô con dâu.

    Bà đã nhận được sự tận tình chỉ bảo của quý cha quý thầy, được học hỏi về Kinh nguyện Giáo lý và đã chính thức gia nhập Đạo vào ngày 13.09.2019 vừa qua.

    Vậy là chị Thanh Sang tuy lấy chồng Tân tòng, chị không những sống Đạo tốt, giúp chồng giữ Đạo tốt, mà chị ấy còn thuyết phục cả mẹ chồng của mình theo Đạo.

    Vậy là chị đã làm cho sổ con cái Giáo hội thêm một cái tên mới.

    Bí quyết thành công của chị là thành tâm thiện chí, liên lỷ cầu nguyện và tín thác tuyệt đối và Lòng thương xót của Chúa.

    Chị thường cầu nguyện với Chúa vào lúc 3h chiều. Ngày nào chồng chị ở nhà, chị lại mời chồng cùng đọc Kinh với mình.

    Khi được hỏi về bí quyết thành công, chị chỉ khiêm tốn nói là do ơn Chúa ban, kèm một chút lo lắng và xin để Thiên Chúa hành động.

    Thật là đáng ngưỡng mộ và khâm phục!

    Đây là tấm gương chói sáng cho các cô Dâu lấy chồng ngoại Đạo và thậm chí cả trong Đạo.

    Chúng ta cùng cầu cho chị Thanh Sang, mẹ chồng chị, gia đình chị và tất cả chúng ta ngày càng thấm nhuần Đạo yêu thương tha thứ của Đức Giêsu, rồi chúng ta hãy đem tinh thần yêu thương đó lan tỏa trong xã hội Việt Nam hôm nay. Amen.

    conggiaovn. com
     
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THÚ NHẬN MÌNH HÈN YẾU

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU 
    THÚ NHẬN MÌNH HÈN YẾU
     
    \Con người hèn yếu

    “Con sẽ xưng thú tội bất chính của con” (Ps. 31, 5), lạy Chúa, con sẽ thú với Chúa tình trạng yếu hèn của con.

    Thường những cái không đâu cũng làm được cho con nản lòng và xu buồn.

    Con quyết tâm hành động can đảm, nhưng vừa bị cám dỗ nhẹ con đã đâm ra tủi buồn.

    Có khi vì một việc nhỏ mọn mà con phải bị cám dỗ nặng nề.

    Và giữa lúc con yên trí rằng con vững và không cảm thấy nguy hiểm, thì chính lúc ấy con thấy sẽ như ngã vì một hơi thở.

    Ta ngã một cách quá dễ

    Lạy Chúa ! Chúa biết con thấp hèn và yếu đuối, Chúa thấy rõ đấy !

    Chúa hãy thương con và “đưa con ra khỏi vũng bùn nhơ để con khỏi sa chìm” (Ps. 68, 15) và đừng để con tuyệt vọng.

    Cái thường làm cho con lúng túng và xấu hổ trước nhan Chúa, chính là vì con yếu đuối và dễ sa ngã không chống nổi với tình dục.

    Dầu con chưa đến nỗi ưng thuận, như nó vẫn cứ theo dõi làm con khổ tâm và nản lòng quá ! Và sống mà ngày nào cũng phải kháng chiến như vậy con chịu sao được !

    Điều làm cho con cảm thấy mình yếu hèn hơn nữa, là những hình ảnh dâm ô nhập vào óc con bao giờ cũng dễ hơn đuổi chúng ra.

    Hỡi vua Israel quyền năng thế lực, Đấng bênh đỡ những linh hồn tín trung ! Xin Chúa thương nhìn những vất vả và khổ não của tôi tớ Chúa và hãy giúp đỡ con trong mọi trường hợp.

    Chúa hãy cho con sức mạnh trên trời, để con khỏi ngã thua con người cũ. Cái thân xác khốn nạn này vẫn chưa chịu khuất phục tinh thần, và bao lâu còn sống cái sống khổ này, con còn phải chiến đấu với nó mãi.

    Trời ! Cái sống này là chi mà lúc nào cũng chất đầy những phiền sầu, những đau khổ, mà chỗ nào cũng đầy những cạm bẫy những địch thù ?

    Đau khổ thử thách này chưa hết, đau khổ, thử thách khác đã bám sát. Chưa xong trận trước, trận sau đã tiếp diễn không ai dè.

    Đừng sống theo đời, kẻo bị đời khinh

    Đã thế còn ai quí gì cái đời sống đầy ưu tư, họa hoạn và đau khổ này !

    Còn gọi là sống thế nào được, cái đời sống sản xuất ra bao tai ương, bao chết chóc này !

    Thế nhưng có người vẫn mê nó, và nhiều người vẫn tìm khoái lạc trong nó !

    Người ta thường trách đời là huyền hoặc, là phù ảo, thế nhưng người ta vẫn chưa dễ bỏ nó, vì người ta vẫn còn bị những ước muốn giác quan chi phối !

    Nhưng nếu có thú quyến rũ ta yêu đời, thì ngàn vạn thứ giục ta khinh đời.

    “Nhục dục, thị dục và tính tự cao tự phụ” (I Ga.2,16), quyến rũ ta dan díu với đời, nhưng những đau phiền, những khổ não, hậu quả tất nhiên của tà dục xưa, lại làm ta gớm ghét và nhàm chán nó.

    Nhưng, đáng buồn, hấp lực xấu xa đã xâm chiếm tâm hồn sùng bái thế tục : “Họ sung sướng được sống theo giác quan” (Job. 30, 7), vì họ chưa biết, cũng chưa nếm được những êm dịu của Chúa và những lạc thú thần thượng của nhân đức.

    Trái lại những ai đã hoàn toàn chán ghét thế tục và cố gắng sống cho Chúa dưới một kỷ luật thánh thiện, những người đó hiểu tỏ sự êm dịu Chúa hứa cho những ai có tinh thần tự thoát, và thấy rõ đời lầm lạc, thảm hại và phù ảo chừng nào !

    SUY NIỆM

    Cảm thấy mình yếu hèn không đủ, còn phải tự hạ, tự khinh, hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa và than khóc vì lầm lỗi mình, chỗi dậy ngay sau khi ngã và cương quyết sửa lại những sơ suất.

    Thù địch ta hằng rảo quanh, tìm cách hãm hại và đánh quị ta, nên ta phải xin ơn Chúa hộ phù và chạy đến nép dưới cánh tay uy quyền Chúa.

    Lạy Chúa ! Xin đến cứu con để con khỏi bị tiêu diệt. Xin dắt đưa thuyền con tới bến bình an. Lạy Chúa là sức mạnh của con, xin hãy mau đến cứu giúp con.

     Nguyên tác: THOMAS A KEMPIS  
    Linh mục LÊ BÁ TƯ