9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - NÊN THÁNH TRONG THỜI COVID

  •  
    Kim Vu chuyển

    ĐƯỜNG NÊN THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 HÔM NAY

     

     

    Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời có nhiều ý nghĩa quan trọng về phương diện thần học và đời sống đức tin, tôi chỉ chia sẻ một ánh sáng chợt đến khi suy niệm hôm nay. 

    Ngày lễ này, Giáo Hội chọn đoạn Tin Mừng Đức Maria vội vã lên đường thăm viếng và giúp đỡ, chăm sóc người chị họ Elizabeth đang mang thai lúc tuổi già (Lc 1,39-56). 

    Thật bất ngờ và ngỡ ngàng!  Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời được Giáo Hội làm nổi bật với cuộc lên đường của Mẹ Maria, một mình Mẹ không ngần ngại đường xá xa xôi gập ghềnh sỏi đá của xứ Palestine để phục vụ tha nhân, cho ta thấy con đường lên đến Trời cao chính là con đường của cuộc sống đời thường, chính là con đường mà mỗi người chúng ta hàng ngày đi đến bệnh viện, trường học, công sở, đi gặp gỡ… tùy theo nhiệm vụ và nghề nghiệp của mỗi người, khi con đường đó được dệt bằng tình yêu, bằng trái tim yêu thương, bằng hành động nhân ái, bằng tấm lòng chia sẻ và liên đới.  Như thế, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời nhắc nhớ chúng ta hướng về Trời cao, với niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng đồng thời cũng nhắc chúng ta con đường dẫn tới Trời cao chính là con đường phục vụ, sẻ chia, liên đới trong cuộc sống đời thường hiện tại.

     

    Giữa cơn đại dịch đang diễn biến khốc liệt trên quê hương Việt Nam, cách riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), hầu hết chúng ta phải đối diện với rất nhiều thử thách cho đời sống thường nhật về mọi mặt, kể cả khía cạnh đức tin.  Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, đoạn suy niệm ngắn trên lại chiếu tia sáng cho mỗi người chúng ta hôm nay, trong hoàn cảnh này,

    Chúa muốn chỉ cho ta con đường hướng về Trời cao như Mẹ Maria, hay nói cách khác, con đường NÊN THÁNH hôm nay.

     

    NHỮNG NGƯỜI TRÊN ĐƯỜNG NÊN THÁNH

     

    Các bác sĩ (BS), y tá, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch, họ đang bước vào một trận chiến thực sự, luôn có nguy cơ bị phơi nhiễm và hy sinh cả mạng sống.  Trong nhiều tháng liền, họ đã phải xa gia đình, cha mẹ, vợ /chồng, con thơ, để giành giật từng mạng sống của các bệnh nhân nguy kịch.  Chính bản thân cũng mang nhiều nỗi lo toan và nhớ thương, nhưng các thiên thần áo trắng vẫn nỗ lực đem lại hy vọng, niềm an ủi, sức khỏe và sự sống cho người bệnh.  Vâng, các vị là chứng nhân sống động của tình yêu tha nhân, huynh đệ đại đồng!  Các vị đã đặt quyền lợi bản thân dưới quyền lợi của người bệnh. 

    Các chiến sĩ áo trắng là những anh hùng thời đại.  Các vị đang trên đường NÊN THÁNH!

    Đã có các chiến sĩ áo trắng quỵ ngã, như BS Lý Văn Lượng, thuộc nhóm các bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán chết vì tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. 

    Câu thơ Anh để lại trước khi chết là lời của Thánh Phaolô:

    Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,

    Tôi đã chạy hết chặng đường,

    Tôi đã giữ vững đức tin,

    Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4, 7-8a).

     

    Các tu sĩ và các tình nguyện viên ở các bệnh viện chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, các anh chị không tránh khỏi nỗi lo lắng, sợ hãi ban đầu: mới tiêm một mũi vaccine ngày hôm trước, hôm sau đã lên đường, vaccine chưa kịp phát huy tác dụng; không có chuyên môn về y khoa lại tiếp xúc trực tiếp với F0, sự an toàn của chính mình có thể gặp nguy cơ.  Vâng, nỗi sợ thật bình thường và chính đáng!  Các anh chị vẫn sợ nhưng một tình yêu lớn đối với Thiên Chúa và tha nhân đã giúp các anh chị vượt qua nỗi sợ để lên đường dấn thân!  Nếu ai cũng sợ và lùi bước thì ai sẽ xông pha chiến trận bảo vệ quê hương, người bệnh?  Các anh chị không phải là nhân viên y tế, chỉ tham gia công tác vệ sinh phòng bệnh, thay tã, đổ bô, thay drap cho bệnh nhân, cho người bệnh ăn, và vệ sinh thân thể cho họ… công việc nhỏ nhưng với tình yêu lớn!

    Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa!  Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

     

    Các công nhân vệ sinh môi trường, hàng ngày âm thầm đẩy xe rác nặng nề, tiếp xúc với rác thải dơ bẩn và nguy hiểm, để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.  Các tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch, hay tham gia công tác hậu cần, đặc biệt những nơi phong tỏa, cách ly, nhóm tài xế thiện nguyện thành lập đội xe cấp cứu 0 đồng, chuyên chở F0 đi cách ly... khi nhận việc các anh chị quên hẳn những cảnh báo của người thân về việc mình có thể bị nhiễm bệnh.  Các anh chị đã được thúc bách bởi một Tình Yêu. 

    Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu tha nhân HƠN chính mình!  Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

     

    Biết bao người Samari nhân hậu thời đại, tại TP HCM và nhiều tỉnh thành khác, nhiều sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ những người bán vé số, lượm ve chai, xe ôm, người nghèo... bị ảnh hưởng trong thời gian cách ly xã hội.  Từ các cha xứ đi phát lương thực từ thiện, các siêu thị mini 0 đồng, các ATM gạo, nam sinh viên chở rau miễn phí từ Kontum về TP HCM, anh công an hỗ trợ sản phụ trên đường đến bệnh viện phụ sản, các chiến sĩ  gặt lúa giúp dân ở khu phong tỏa, em bé dành tiền tiết kiệm để giúp người nghèo…  Thật ấm lòng!  Thật đẹp thay tình người!  Công việc ý nghĩa trên đời là những gì ta làm để chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau, sống tình liên đới. 

    Những người Samari nhân hậu thời dịch bệnh đang trên đường NÊN THÁNH!

     

    “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm…  Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 34;37).

     

    Có lẽ hơn bao giờ hết, giữa đau thương thử thách, tình người lại được thắp sáng cả bầu trời.

     

    Hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 đang đau khổ và thậm chí đối diện với cái chết bất ngờ.  Đau khổ, cách riêng là đau khổ trong những giờ phút cuối cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Đau khổ quả thật là chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và hiệp nhất với hy tế cứu độ của Ngài trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Như thánh Phaolô nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).  Sự thật này tuy không làm vơi đi nỗi đau và sự sợ hãi, nhưng cho chúng ta sự tin tưởng, và ân sủng để mang lấy sự đau khổ thay vì để nó đè bẹp chúng ta.  Và như thế, các bệnh nhân đang trên đường NÊN THÁNH!

     

    Những ngày qua hàng ngàn người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 chết cô độc.  Karl Rahner, nhà thần học lớn thế kỷ XX đã chiêm niệm về cái chết: “bất luận sự chết có tàn bạo, có làm con người đau khổ thế nào thì cũng không thể hủy hoại tính cách độc lập và tự ý thức của con người.  Chính nhờ sức sống của đức tin mà chúng ta biết rằng: khi đối mặt với cái chết, con người có thể nhìn thấu vào những giới hạn của cái chết, và chính khi ấy chân trời mới của huyền nhiệm Thiên Chúa được khai mở, nhờ thế cuộc sống con người có được ý nghĩa tròn đầy vĩnh viễn.”  Chính thời khắc vô cùng đáng sợ của sự chết lại biến thành thời cơ quan trọng nhất để con người tiến gần Thiên Chúa hơn.

     

    Có những người Kitô hữu hấp hối đã tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trong bình an, nhưng cũng có nhiều người chưa tỉnh thức sẵn sàng.  Ắt hẳn mọi người Công giáo đều biết đến câu chuyện của người trộm lành, “Kẻ của phút thứ năm mươi lăm của giờ thứ mười một.”

     

    Ở một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống kia có bức tranh Chúa Phục Sinh.  Bức tranh mô tả cảnh Chúa Phục sinh đang giải thoát những người công chính thời Cựu Ước: Ngài giúp Ađam chỗi dậy khỏi mồ, Evà đang quỳ mọp đôi tay hướng về Đấng Cứu Độ, trong khi các ngôn sứ đang diễn hành, tay cầm biểu ngữ trên có ghi lời sấm nổi tiếng nhất của mình.  Thiên đàng còn trống vắng, chỉ một mình tên trộm lành giữa cây cối tươi tốt.  Anh ta đã không có thì giờ khoác chiếc áo cưới của những người được tuyển chọn, vẫn còn đóng cái khố của tên tử tù, nhưng giờ đây nó lại trắng tinh, tươm tất.  Anh ta là vị thánh đầu tiên của thiên đàng, là kẻ được chính Chúa Giêsu phong thánh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với ta.”  Vì sao anh ta lại được diễm phúc như thế?  Vì hắn đã tin!  Và bởi tin, hắn đã thốt lên lời cầu xin bất hủ trong giờ phút chót: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42).  Vậy đừng ai bỏ lỡ cơ hội phút cuối cùng: với lòng tin cậy, hãy nài xin lòng thương xót của Chúa. Khi ấy bạn vẫn có cơ hội NÊN THÁNH!

     

    Với gia đình có người thân qua đời vì COVID-19, không được gặp lại nhau phút lìa đời, thật đau đớn, và chỉ nhận được hũ tro cốt sau đó.  Có người đã than thở “Nước mắt người ra đi cũng xong, nhưng nước mắt người thân yêu còn sống chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.  Lệ có khô, nhưng nước mắt chảy vào trong còn mãi, ngậm ngùi nhớ thương chẳng bao giờ cạn.”  Trong đức tin, chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,4).  Đức Maria hồn xác về Trời, Kinh Tin Kinh tuyên xưng niềm tin xác chúng ta ngày sau sống lại.  Thân xác và linh hồn hiệp nhất với nhau, hiện tại thân xác người thân yêu qua đời có thành tro bụi, chúng ta sẽ gặp lại người thân, cả hồn và xác trong ngày sau hết.  Trong tin yêu phó thác, hãy kết hợp với Đức Maria dưới chân thập giá, hiệp thông với Người Con thân yêu bị các môn đệ bỏ rơi, chết trần trụi, khi ấy, chúng ta được thông phần với hy tế cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta NÊN THÁNH trong vâng phục Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu.

     

    Với các bạn trẻ thời gian cách ly xã hội, ở trong nhà nhiều hơn, nhờ đó bạn trẻ có thể học thinh lặng và thấy được giá trị của đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian để sống cho những người thân yêu trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, hay sống gần Chúa, gần thiên nhiên nhiều hơn.  Mỗi ngày bạn trẻ tham dự thánh lễ online, bàn học bạn trở thành bàn thờ!  Bạn hãy tạ ơn Chúa và tôn vinh Ngài qua những nỗ lực học tập, mong muốn góp phần xây dựng quê hương mai sau, và làm vinh danh Chúa hơn.  Khi ấy, các bạn trẻ đang trên đường NÊN THÁNH!

     

    Các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn, thất nghiệp, phải ở nhà cùng nhau 7 ngày/24 giờ.  Hãy dành cho nhau những lời an ủi, ân cần chăm sóc cho nhau: “Anh/ chị em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.  Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.  Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).  Được như thế, các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

     

    Và biết bao người nữa, mỗi người chúng ta, khi làm một việc nhỏ cho tha nhân, cho cộng đồng với tình yêu lớn thúc bách, chúng ta đang trên đường NÊN THÁNH.

     

    Xin tạ ơn Chúa!  Xin chúc tụng và ngợi khen Chúa!

    Giữa bao đau thương cuộc đời, qua Mẹ Maria, Chúa đã chỉ cho chúng con Con đường hướng về Trời cao, con đường NÊN THÁNH của mỗi người chúng con được hiện thực hóa trong từng hành vi, cử chỉ, chọn lựa yêu thương trong cuộc sống đời thường.

     

    Bs. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà

     

    --
     
    Download all attachments as a zip file
    • image002.jpg
      53.5kB
    • image001.jpg
      141.3kB
    •  
      ĐƯỜNG NÊN THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 HÔM NAY.docx
      162.4kB

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GIỚI TRẺ

Chuyện mỗi tuần – chuyện về “Những đường hướng hoạt động chính yếu” trong “Mục vụ Giới Trẻ”…

Bạn trẻ mến,

Đức Thánh Cha nói về “Những đường hướng hoạt động chính yếu”…trong Mục Vụ Giới Trẻ :

+ Ngài cho biết về “hai hướng đi chính” trong Mục Vụ Giới Trẻ : – “một là tìm kiếm, mời và kêu gọi …để hấp dẫn các bạn trẻ mới” và “hướng các bạn ấy đến với một kinh nghiệm về Chúa ; – “hai là thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn”…Như vậy là Đức Thánh Cha vạch ra cho Mục Vụ Giới Trẻ hai hướng để hoạt động : – kiếm tìm người trẻ mới; – và “thường huấn” người đã có kinh nghiệm [209]…

Về điểm thứ nhất – điểm tìm kiếm, mời và kêu gọi những bạn trẻ mới – Đức Thánh Cha bảo rằng : “Tôi tin tưởng nơi người trẻ và hiểu rằng : họ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau, biết cách để tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video, và những phương tiện truyền thông khác”…Và vì thế những người “đồng hành” với họ “chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc Âm hóa những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh”…Đức Thánh Cha cho biết là sứ điệp Tin Mừng lần đầu tiên đến với người trẻ có thể là trong một “kỳ tĩnh tâm ấn tượng”, hay đơn giản chỉ là qua “một cuộc trò chuyện trong quán barmột dịp nghỉ lễ ở trường học”, hoặc “ trong bất cứ một đường lối kỳ diệu nào đó của Thiên Chúa giúp đánh thức một kinh nghiệm đức tin sâu sắc”…Nói đến đây, người viết nhớ lại không biết bao nhiêu những cuộc gặp gỡ thật bất ngờ và vô cùng kỳ diệu của những người trẻ với Chúa… chúng ta đã có dịp chia sẻ ở những bài viết trước đây…Những cuộc gặp gỡ ấy vẫn diễn ra tửng ngày ở khắp mọi nơi khi người trẻ cùng nhau dấn thân phục vụ trong các vùng trọng điểm của dịch bệnh hay qua các hoạt động thiện nguyện trợ giúp bệnh nhân Covid – 19…Một mai đây khi an bình trở lại, chắc chắn chúng ta sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời…Và Đức Thánh Cha bảo rằng : “Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác” [210]…Người viết – qua lễ Bế Mạc Thế Vận Hội lần thứ XXXII hay Tokyo 2020 vào lúc 18g ngày 8/8 vừa qua – lại thấy lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha vang lên ngay khi đang dán mắt lên màn hình TV : với 4.599 vận động viên trẻ – sau những tranh tài căng thẳng – họ gặp nhau trong tình nghĩa “tứ hải giai huynh đệ” tuyệt vời như thế – không biết Chúa có được ai giới thiệu ở đấy không nhỉ, bởi – giữa họ – rất nhiều bạn là con cái Chúa…Người viết đã từng chứng kiến không ít bạn ghi dấu Thánh Giá trên mình trước khi vào đấu trường…

+ Và Đức Thánh Cha nhắc lại một sự cấm kỵ tuyệt đối phải quan tâm đến, đấy là hình thức thuyết giảng chiêu dụ mà khá nhiều những Đấng Bậc nghĩ rằng lúc này vẫn còn hiệu lực…Không, Đức Thánh Cha xin chúng ta chịu khó để cập nhật ước muốn của người trẻ bằng cách “trong khi tìm kiếm (người trẻ), thì đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ biểu lộ sự thân tình, ngôn ngữ tình yêu quảng đại và tương giao hiện sinh chạm đến lòng người, tác động đến cuộc sống, đánh thức những khao khát và hy vọng”…Lý do là vì “người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những người sống với họ và cho họ, và cả những ai – dù còn đầy giới hạn và yếu đuối – vẫn cố gắng sống đức tin chân thành”…Cuối cùng Ngài xin chúng ta “cố gắng để tìm cho ra những cách thức để đưa lời rao giảng tiên khởi (kerygma) vào ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay” [211]…

+ Về điểm thứ hai – thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã từng có kinh nghiệm…mà người viết gọi tắt là “thường huấn” – thì Đức Thánh Cha lưu ý một điều mà Ngài cho là quan trọng, đấy là : “sau khi được giúp đỡ để có được một kinh nghiệm đậm đà về Thiên Chúa” thì “thay vì được tạo điều kiện để gặp gỡ Chúa Giê-su – Đấng đã chạm đến trái tim họ”, người trẻ bị “lôi” đến những “khóa huấn luyện” về vấn đề đạo lý và luân lý như “về những sự dữ trong thế giới ngày nay, vê Hội Thánh, về học thuyết xã hội, về đức khiết tịnh, về kiểm soát sinh sản và những chủ đề khác”… Và ”kết quả là nhiều người trẻ chán ngán, mất đi lửa nhiệt thành gặp gỡ Đức Ki-tô và niềm vui bước theo Người”…Thế là “Nhiều người bỏ cuộc, người khác thì buồn chán và tiêu cực”…Cho nên Đức Thánh Cha xin các Đấng Bậc và những vị được tuyển chọn để “đồng hành” với Giới Trẻ là “Đừng quá lo lắng để truyền đạt thật nhiều nội dung giáo thuyết, nhưng trước hết, chúng ta hãy cố gắng đánh thức và giúp các bạn đào sâu những kinh nghiệm tuyệt vời có sức nâng đỡ đời sống Ki-tô hữu”…Và Đức Thánh Cha gợi lại một nét trong tư tưởng của Cha Romano Guardini (1885-1968) – triết gia , thần học gia và là thầy của Đức Bênêđictô XVI : “Khi chúng ta kinh nghiệm một tình yêu lớn […] thì mọi sự sẽ trở nên một biến cố liên hệ trong tình yêu đó”…Mà tình yêu lớn người trẻ kinh nghiệm được ở đây là chính Đức Giê-su Ki-tô [212]…

+ Và Đức Thánh Cha lưu ý là đương nhiên chúng ta phải “nghĩ” để có một dự án giáo dục hay chương trình thăng tiến dành cho người trẻ, nhưng dự án và chương trình ấy buộc phải bao gồm việc đào tạo giáo lý và luân lý dựa trên hai trục chính: – một là đào sâu lời rao giảng tiên khởi kerygma…vốn chứa kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô; – hai là sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục vụ [213]…

+ Đức Thánh Cha nhắc lại điều đã được Ngài nhấn mạnh trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) , rằng “ sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong Mục Vụ Giới Trẻ, Lời Rao Giảng Tiên Khởi (kerygma) nên nhường chỗ cho một sự huấn luyện được cho rằng “vững chắc” hơn” …Ngài quả quyết : “Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn và khôn ngoan hơn Lời Rao Giảng Tiên Khởi  ấy…và việc làm cho nó (Lời Rao Giảng Tiên Khởi ấy) ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta”…Và Đức Thánh Cha mời gọi công việc Mục Vụ Giới Trẻ “nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về Tình Yêu của Thiên Chúa và của Đức Giê-su Ki-tô Đang Sống”…Bằng cách nào ? Ngài đề nghị: “Bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chi sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan” [214]…

Thế nhưng, thưa bạn, bạn đã có chút ý niệm nào về Lời Rao Giảng Tiên Khởi (kerygma) mà Đức Thánh Cha nói đến trên đây chưa? Dĩ nhiên để có thể trình bày đầy đủ…thì bạn sẽ ngán đấy…nên người viết xin tóm tắt như thế này : Nội dung cốt lõi của Lời Rao Giảng Tiên Khởi là sự kiện Đức Giê-su Ki-tô – là Chúa và là bạn của chúng ta –Ngài đã vâng lời Chúa Cha xuống trần gian – Ngài đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc – và Ngài đã sống lại, lên trời, ban Thánh Thần, thiết lập Giáo Hội…và sai Giáo Hội – qua các thế hệ, trong đó có thế hệ của chúng ta hôm nay –  lên đường và rao giảng… Những trích đoạn Tin Mừng cũng như sách Tông Đồ Công Vụ Giáo Hội công bố trong Thánh Lễ Mùa Phục Sinh chính là những bài “kerygma” dành cho tất cả những ai muốn đi vào ngưỡng cửa đức tin Công Giáo…

Chính người trẻ Phaolô  là mẫu gương cho chúng ta trong việc này…Là một biệt phái nhiệt thành và – với tâm huyết của “con ngựa non”…trên đường lùng kiếm những người tin Chúa –  anh chàng đã bị quật ngã …và  kết cục là câu hỏi với Đấng Chết và Sống Lại : Con phải làm gì ? Tức tốc, tất cả vốn liếng Kinh Thánh của một biệt phái được “Ơn Hoán Cải” để trở thành hành trang rao giảng…Ngài viết cho giáo dân Côrintô : “ Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15 , 3-5)…

 + Và – thưa bạn – Đức Thánh Cha mong ước là mọi kế hoạch Mục Vụ Giới Trẻ nên có những kết hợp rõ ràng với những phương tiện và nguồn lực khác nhau với mục đích giúp cho người trẻ “triển nở trong tình huynh đệ, sống như anh em với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cộng đoàn, phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo”, bởi – nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), là “sự chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10) – và là “cách tốt nhất để thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa” – thì nó phải chiếm một vị trí chính yếu trong mọi chương trình đào tạo và thăng tiến người trẻ [ 215]…

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Video Player
 
00:00
 
24:42
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - HỌC KHIÊM NHƯỜNG NHƯ CHÚA VÀ MẸ

Học khiêm nhường với Chúa Giê-su và Mẹ Maria

(Suy niệm Tin mừng Luca (1, 39-56) trích đọc vào Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời)

 

Khiêm nhường là một nhân đức bị xem thường vì người ta cho rằng khiêm nhường là thấp kém, là yếu đuối, là bị lu mờ... Tuy nhiên, đây lại là một nhân đức cao quý của Chúa Giê-su, được Ngài trân trọng và đề cao.

 

Chúa Giê-su khiêm nhường tột bậc

Khi đề cập về Chúa Giê-su, người ta thường giới thiệu Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cao cả, là Vua hoàn vũ, là Đấng cứu độ, là Thẩm phán tối cao, là Đấng quyền năng phép tắc… Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn có một phẩm chất cao đẹp khác nhưng ít được đề cập đến, đó là Ngài là rất khiêm nhường!

Mặc dù Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền năng, đồng hàng với Chúa Cha, Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu nầy… “Nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).

Tuy nhiên, Ngài không muốn duy trì địa vị ngang hàng với Chúa Cha; trái lại, Ngài đã trút bỏ mọi vinh quang, danh dự và quyền năng; Ngài đã “hủy mình ra không!”, “mặc lấy phận nô lệ” thấp hèn![1]

 

Khi xuống thế làm người, Ngài chọn cho mình một nơi chào đời đặc biệt, đó là sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng ăn súc vật! Không ai ra đời trong nơi tồi tệ như Chúa Giê-su!

Khi khôn lớn, Ngài không chọn những nghề cao trọng khiến cho bao người kính nể, nhưng sống bằng nghề mộc tầm thường.

Ngài không thân thiết với những người quyền quý trong xã hội nhưng giao lưu thân mật với hạng người xấu xa; vì thế Ngài bị liệt vào hàng “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi.”

Khi đào tạo các môn đệ, Ngài không xem họ là học trò hạ cấp, nhưng nâng họ lên hàng bạn hữu thân tình và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho họ.

Rồi cuối cùng, Ngài lãnh lấy cái chết thê thảm, nhục nhã, đau thương nhất trên đời, đó là chết treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp…

Từ tột đỉnh vinh quang, Ngôi hai Thiên Chúa hạ mình xuống trần làm người thấp hèn tột bậc. Ngài hạ mình, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền tội cho muôn người. Không ai trên cõi đời nầy hạ mình sâu thẳm như Chúa Giê-su. Không ai trên đời khiêm nhượng như Chúa Giê-su.

Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, đặt Ngài là vua hoàn vũ, làm Chúa tể trên trời dưới đất (Philip 2, 6-11).

 

Như thế, khiêm nhường là phẩm chất cao quý của Chúa Giê-su và được Ngài trân trọng, đề cao.

Vì thế, Chúa Giê-su không kêu mời chúng ta hãy học cùng Ngài vì Ngài thông thái, vì Ngài quyền năng, vì Ngài có tài hùng biện hay làm phép lạ… nhưng Ngài kêu gọi chúng ta rằng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,28).

         

Học khiêm nhường với Mẹ Maria

Dù được Thiên Chúa đưa lên địa vị cao vời, làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Maria vẫn tự coi mình là người tôi tớ hèn mọn, sẵn sàng vâng theo lệnh Chúa truyền.  Mẹ đã thưa với sứ thần Gáp-ri-en rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

 

Lòng khiêm nhường sâu thẳm của Mẹ được diễn tả rõ nét khi Mẹ đến thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Mẹ nhìn nhận rằng sở dĩ Mẹ được Thiên Chúa toàn năng ban cho diễm phúc cao cả khôn lường, vì Mẹ là người tôi tớ hèn mọn của Chúa. Mẹ nói:

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.”

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!”

 

Vì mẹ khiêm nhường như thế nên đã được Thiên Chúa nâng cao. Thiên Chúa cho Mẹ vinh dự chưa từng được ban cho bất cứ ai khác trên địa cầu, là được đưa lên trời cả hồn và xác, đúng như lời Chúa dạy: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

 

Lạy Chúa Giê-su,

Người đời thường kiêu căng, tự phụ, coi rẻ đức khiêm nhường. Đó là đường đưa đến cõi trầm luân.

Xin cho chúng con ghi nhớ lời Chúa phán dạy qua Mẹ Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, đập tan phường lòng trí kiêu căng” để rồi chúng con luôn học theo gương khiêm nhường của Chúa và Mẹ nhân lành, nhờ đó, được hưởng phúc với Mẹ muôn đời trên thiên quốc. Amen.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

           

 Tin mừng Luca (1, 39-56)

39Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.  40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.  41Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

 47thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

 48Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

 49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn !

 50Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

 51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

 52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

 53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

 54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

 55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời."

 56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

 

 

[1] Philip 2, 6-11

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU

    Tâm Sự Chúa Giêsu Với Linh Hồn Trung Tín

    Người hạnh phúc

    “Tôi sẽ nghe tiếng Chúa phán trong thâm tâm tôi” (Ps. 84, 9).

    Hạnh phúc linh hồn nghe tiếng Chúa nói với mình, và nhận được bởi miệng Chúa những lời an ủi.

    Hạnh phúc cho tai nghe được âm thanh dịu dàng của lời Chúa, và bưng lại trước tiếng ồn ào của trần tục.

    Hạnh phúc thực cho tai chăm chú, không phải để nghe tiếng dội bên ngoài, nhưng là tiếng chân lý dạy vẽ bên trong.

    Hạnh phúc con mắt biết nhắm nghiền lại trước ngoại vật, để nhìn ngắm nội tâm.

    Hạnh phúc những ai bước vào đời sống nội tâm, và ngày ngày tu luyện, để dọn lòng hiểu thấu đáo những mầu nhiệm trên trời.

    Hạnh phúc cho ai chỉ vui chuyện về Chúa và thoát ly tất cả những bận bịu của thế trần.

    Linh hồn tôi hỡi ! Hãy lưu tâm tất cả những điều đó và hãy đóng chặt cửa giác quan lại, để nghe Thiên Chúa nói trong ngươi.

     

    Lời bạn nhắn

    Đây lời người yêu nhắn nhủ : “Ta là cứu cánh của con” (Ps. 44, 3) an bình và vui sống của con.

    Hãy xích lại gần Ta và con sẽ được an bình. Hãy bỏ tất cả những gì mau qua và hãy đi tìm những điều bất hủ.

    Đời không là dối trá thì là gì ? Nếu như Chúa Tạo Thành bỏ ta lúc đó tất cả tạo vật có ích gì cho ta ?

    Vậy muốn được hạnh phúc thật ta hãy xa lìa tất cả, hãy ăn ở cho đẹp lòng và trung tín với Đấng đã dựng nên ta.

     

    SUY NIỆM

    Chúa nói với ta bằng linh hứng bên trong và bằng tạo vật bên ngoài : “Đó là những âm điệu sống của Thiên Chúa”.

    Nhưng ta có thể không nghe tiếng Chúa hoặc chỉ nghe bằng tai, những khi linh hồn xao xuyến vì tình dục và bận bịu vì ngoại vật, nên không nghe được tiếng Chúa nói bên trong.

    Muốn nghe được tiếng Chúa nói trong lòng, ta phải chủ tâm thinh lặng và thành tâm cầu nguyện, ưa ở một mình với Chúa, tìm Chúa trong chính mình ta bằng đức tin linh động, kính cẩn, trung thành với ơn Chúa.

    Lạy Chúa, con quyết tâm nghĩ và nói ít với tạo vật, yêu thinh lặng, trí năng nhớ Chúa, lòng kiên trì mến Chúa, làm mọi việc trong Chúa và vì Chúa, để đáng nghe tiếng Chúa phán dạy trong lòng con. 

    (từ cuốn "The Imitation of Christ")
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - YÊU THƯƠNG - SỬA LỖI NHAU

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     

    Yêu thương trong cầu nguyện và sửa lỗi nhau.

    11/08 – Thứ Tư tuần 19 thường niên. – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.

    "Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em". 

     

    Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.

     

    Lời Chúa: Mt 18, 15-20: CHÚA Ở GIỮA KHI 2, 3 NGƯỜI HỢP NHAU CẦU NGUYỆN

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

    "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

    "Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

     

    Suy niệm 1: Sửa lỗi người anh em

    Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.

    Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn

    thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).

    Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,

    vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,

    thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ

    mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.

    Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.

    Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).

    Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.

    Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.

    Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.

    Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,

    nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.

    Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.

    Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.

    Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,

    thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).

    Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,

    không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,

    nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,

    thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.

    Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,

    nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:

    coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,

    kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,

    kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.

    Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,

    thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.

    Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô

    được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)

    khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).

    Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.

    Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,

    thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).

    Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,

    thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).

    Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).

    Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).

    Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng

    Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.

    Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.

    Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

     

    Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu,

    Cuộc đời chúng con

    Diễn ra quanh những chiếc bàn,

    Làm bằng những chất liệu khác nhau,

    Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.

    Nơi bàn học,

    Ngài mở trí tuệ chúng con

    Trước những chân trời mới,

    Và dạy chúng con học đạo làm người.

    Nơi bàn ăn,

    Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con

    Để chúng con có sức phục vụ tha nhân

    Nơi bàn làm việc,

    Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài

    Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.

    Nơi bàn thờ,

    Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,

    Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.

    -------------------------------