9. Đào Tạo Môn Đệ

DAO TAO MON DE - LUA CHIN DAY DONG

  •  
    Tinh Cao
     
     
    Thứ Ba CN14TN-B

     

     

    Bài Ðọc I: (Năm I) St 32, 22-32

    "Tên ông sẽ được gọi là Israel, vì ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa".

    Trích sách Sáng Thế.

    Trong những ngày ấy, Giacóp chỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái, và mười một người con đi sang qua khe suối Giabốc. Sau khi dẫn họ và đem tất cả của cải qua bên kia suối, ông ở lại một mình, và đây, có một người vật lộn với ông cho đến sáng. Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại. Người ấy nói với ông rằng: "Hãy buông ta ra, vì đã hừng đông rồi". Ông trả lời: "Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông chúc lành cho tôi". Vậy người ấy hỏi: "Ông tên gì?" Ông trả lời: "Tôi tên là Giacóp". Người ấy lại nói: "Tên ông sẽ không còn gọi là Giacóp nữa, nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người". Giacóp hỏi người ấy: "Xin ông cho tôi biết ông tên gì?" Người ấy đáp: "Tại sao ông lại hỏi tên ta?" Bấy giờ người ấy chúc lành cho Giacóp chính nơi ấy. Giacóp đặt tên cho nơi ấy là Phanuel, và bảo rằng: "Tôi đã thấy Chúa nhãn tiền mà mạng sống tôi vẫn an toàn".

    Khi ông đã ra khỏi Phanuel, thì mặt trời liền mọc lên, nhưng ông đi khập khễnh một chân. Vì lẽ đó, con cái Israel không ăn gân đùi cho đến ngày nay, vì gân đùi Giacóp bị khô bại: bởi thiên thần đã đá vào gân đùi ông, nên ông bị bại.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 16, 1. 2-3. 6-7. 8b và15

    Ðáp: Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan (c. 15a).

    Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con; xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe con thốt ra từ cặp môi chân thành! - Ðáp.

    2) Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. - Ðáp.

    3) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con; lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. - Ðáp.

    4) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.

     

    Alleluia: Ga 10, 27

    Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta". - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Mt 9, 32-38

    "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

    Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".

    Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

    Ðó là lời Chúa.

     

     

    My Reflections...: Reflection for July 9, Tuesday: Fourteenth Week in  Ordinary Time; Matthew 9:32-38

     

     

    Một con người dám đấu với Thiên Chúa và "có sức mạnh chống lại Thiên Chúa"

     

     

    Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên hôm nay bao gồm 2 sự kiện khác nhau: trước hết về việc Chúa Giêsu trừ quỉ, và sau đó về tình trạng chiên cần chủ chiên.

     

    Về việc Chúa Giêsu trừ quỉ, Thánh ký Mathêu thuật lại ở phần trên của bài Phúc Âm hôm nay thế này: "Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: 'Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel'. Nhưng các người biệt phái nói rằng: 'Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ'".

     

    Về tình trạng chiên cần chủ chiên, Thánh ký Mathêu thuật lại ở phần dưới của bài Phúc Âm hôm nay như sau: "Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: 'Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa'".

     

    Ý tưởng chính yếu của bài Phúc Âm hôm nay đó là câu Thánh ký Mathêu ghi nhận về Chúa Giêsu rằng: "Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn". 

     

    Đúng thế, tất cả những gì Thiên Chúa làm cho con người đều do bởi tình thương của Ngài trước thân phận tháp hèn và khốn khổ của con người, thành phần không thể tự cứu được mình mà chỉ hoàn toàn trông chờ vào Ngài, Đấng quả thực đã sai Con của Ngài đến với loài người, cũng chỉ vì thương con người, và Con của Ngài trở thành hiện thân sống động của tình thương Ngài đối với chung nhân loại và riêng thành phần nạn nhân của "mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền" hay bị quỉ ám về thể lý, như "người câm bị quỷ ám" trong bài Phúc Âm hôm nay, nhất là thành phần đáng thương tiêu biểu của nhân loại ngay trước mắt Người bấy giờ không được ai giúp đỡ và phục vụ

     

    Bởi thế, trong dự án thần linh của mình, Người cần tuyển mộ thêm một số cộng sự viên đắc lực với Người trong sứ vụ cứu độ bất khả thiếu của Người. Đó là lý do Người "liền bảo với các môn đệ" là thành phần được Người gọi theo Người, chứ không bảo chung dân chúng, rằng: '"Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

     

    "Lúa chín đầy đồng" đây nghĩa là gì, nếu không phải là thành phần dân chúng đáng thương cần được cứu vớt, họ là thành phần bình dân chất phác thường cởi mở và dễ tin tưởng vào Chúa cùng chấp nhận Lời Chúa hơn thành phần luật sĩ và biệt phái vốn hay tự phụ kiêu căng nên khó tin, khó chấp nhận những gì không hợp với họ hay họ có thành kiến, ngay cả khi họ thấy Người trừ quỉ câm trong bài Phúc Âm hôm nay mà họ vẫn cho rằng "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ'". 

     

    Và cũng vì thế mới xẩy ra tình trạng "thợ gặt thì ít", nghĩa là những người lãnh đạo tinh thần cho dân chúng thì nhiều đấy nhưng về phẩm thì vẫn quá ít ỏi và hiếm hoi, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả (xem Gioan 10:8 - "tất cả những kẻ đến trước Tôi đều là trộm cướp)" vừa bất xứng về tinh thần và uy tín vừa bất khả về cung cách và hiệu quả, đến không phải là để phục vụ như Người mà chỉ lo hưởng thụ ở chỗ tìm cầu những gì là danh dự và uy quyền mà thôi (xem Mathêu 20:28 và đoạn 23). 

     

    Do đó, cần phải "xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa", nghĩa là sai những con người sống tinh thần của Chúa Kitô và như Chúa Kitô đến mới có thể đáp ứng nhu cầu cùng lòng mong đợi của dân chúng, nhờ đó hoàn thành dự án cứu độ thần linh vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa. 

     

    "Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn" là những gì chứng tỏ cho thấy dù con người hèn yếu nhưng vẫn thắng được cõi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, đến độ đã khiến cho Thiên Chúa phải cúi mình xuống phục vụ họ. 

     

    Chẳng khác gì tổ phụ Giacóp trong bài đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, tuy là một con người yếu kém hơn "một người vật lộn với ông cho đến sáng" nhưng kể như vị tổ phụ này đã thắng trận đấu: "Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại". Chính chỗ "gân khô bại" bị "thiên thần đã đá vào gân đùi ôngấy, khiến "ông đi khập khễnh một chân" như thế cũng là và chính là dấu chứng tỏ "ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúađúng như tên gọi "Israel" mới được vị ấy đặt cho ông cuối trận đấu.

     

    Một con người dám đấu với Thiên Chúa và "có sức mạnh chống lại Thiên Chúa" như thế phải là một con người công chính, như tổ phụ Giacóp, cho dù là yếu hèn về mọi phương diện, như thành phần dân chúng trong bài Phúc Âm, nhưng càng vì thế họ lại càng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, nhờ đó Thiên Chúa toàn năng có thể tỏ mình ra cho họ và qua họ, khiến họ trở thành quyền năng và vô đch như Thiên Chúa. Bài Đáp ca hôm nay đã bày tỏ tâm tình của một con người công chính đối với Thiên Chúa như sau:

     

    1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con; xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe con thốt ra từ cặp môi chân thành! 

     

    2) Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. 

     

    3) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con; lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Đấng giải thoát khỏi bọn đối phương những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. 

     

    4) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. 

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

    TN.XIVL-3.mp3 

     

     

    Thánh Maria Goretti đồng trinh tử đạo
    ngày 6/7


    About St. Maria Goretti - Patron Saint Article

    Thánh Maria Goretti, đồng trinh tử đạo

     

     ThanhMariaGoretti.mp3 

     

    https://youtu.be/QvpHtzV1iWs  

      

     

    --

DOI SONG TAM LINH - LAM DAU THANH GIA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    Làm Dấu Thánh Giá

    Có bao giờ bạn nghì rằng : tại sao mình lại làm dấu? Làm dấu trước mọi công việc. Làm dấu trước và sau khi ăn. Làm dấu khi sợ hãi, khi gặp gian nan. Nghĩa là làm dấu không đơn thuần là biểu lộ niềm tin Công Giáo mà còn là xin thêm sức mạnh từ Thiên Chúa. Làm dấu còn biểu lộ niềm tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa có thể che chở hồn xác chúng ta.

    Đó là điều mà nhạc sĩ Lê Đức Hùng đã diễn tã qua lời bài hát “Làm Dấu” mà ca sĩ Phan Đình Tùng từng hát.

    Bài hát được khởi đầu bằng lời xác quyết: “Con đặt lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa con từng yêu. Đưa tay sang trái- phải vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn Thánh thiêng hồng phúc đời con....

    Và rồi bài hát mời gọi chúng ta hãy làm dấu để xin ơn Chúa. Vì phải có ơn Chúa chúng ta mới làm mọi việc êm trôi. “Giữa hiểm nguy khốn khó, con làm dấu xin ơn bình an. Trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường. Chúa ơi ở bên con nhé!”

    Như vậy làm dấu là để thêm ơn Chúa. Làm dấu để xin ơn trợ lực, giúp sức từ Thiên Chúa. Làm dấu như dây sạc nối đời ta với Thiên Chúa. Điện thoại ta dùng hằng ngày cần phải kết nối với nguồn điện để duy trì hoạt động. Cuộc đời con người cũng cần kết nối với nguồn năng lượng ân sủng của Chúa để được sống hạnh phúc và sung mãn hơn.

    Chúa Giê-su khi chỉ thị cho các môn đệ ra đi làm phép rửa nhân danh Chúa thì Ngài cũng hứa sẽ ở cùng các ông để tăng thêm sức mạnh cho các ông. "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần... Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28:19-20)

    Khi các môn đệ nhân danh Chúa Ba Ngôi thì các ông còn làm được những chuyện phi thường hơn nữa : "Nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỉ, nói được các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe"(Mc 16: 17-18).

    Như vậy khi làm dấu thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi thì con người nhận lãnh nguồn sung mãn của Người. Con người như được tiếp sức từ sức mạnh của Thiên Chúa để có thể làm được nhiều điều phi thường. Thực vậy, có những điều tưởng chừng như bế tắc cùng đường, nhưng khi làm dấu thánh giá kêu cầu Chúa Ba Ngôi thì bế tắc đó lại được khai thông. Có những khi tôi sợ hãi, tôi làm dấu và thưa với Chúa : Chúa ơi, con sợ qúa, xin giúp con. Và quả thực tôi lại tìm được bình an. Có những khi gặp khó khăn trong công việc, tôi làm dấu và thưa với Chúa : Chúa ơi, con bất lực, xin giúp con, và dường như mỗi lần như thế tôi lại tìm được sức mạnh của Chúa để vượt qua.

    Cuộc sống luôn đong đầy những khó khăn của cơm áo gạo tiền, của tuổi già bệnh tật, của tai ương hoạn nạn bất ngờ đưa đến. Cuộc sống vốn dĩ đầy những nổi trôi như muốn dìm chúng ta trong bể khổ trần gian. Có đôi lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì những gì đang diễn ra trong cuộc đời. Có đôi lúc chúng ta cảm thấy chán nản vì những chuyện ngoài ý muốn vẫn đến với chúng ta. Đó là lúc mà Chúa bảo với chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, vì « Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế »

    Ước gì chúng ta có đủ niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa để có thể phó thác cho Chúa. Ước gì khi làm dấu nhân danh Chúa Ba Ngôi chúng ta cũng nhận lãnh được sức mạnh, ân sủng và tình thương của Chúa để vượt qua những khó nguy trong cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng ta luôn nhớ đến Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời để tạ ơn và cầu xin sức mạnh của Chúa bảo vệ cuộc đời chúng ta. Amen

    Lm. Tạ Duy Tuyền
     
     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - TÌNH YÊU MUỐN TA LÀM GÌ??

  •  
    Chi Tran

     
     
    Ảnh cùng dòng
     

    TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?

     

    Tình yêu muốn chúng ta làm gì lúc này? Đây là câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho mình vào những lúc cuộc sống bị chấn động.

     

    Vài năm trước, một đồng nghiệp của tôi bị thất vọng nặng nề đến phải sụp đổ. Tính khí và bản năng của cô thiên về giận dữ, cô đóng sập hàng loạt cánh cửa với đời và trốn vào chốn nội tâm. Tuy vậy, khi tâm hồn bị tổn thương, cô đặt cho mình một câu hỏi, tình yêu đang muốn gì nơi tôi? Để trả lời cho câu hỏi này, cô nhận ra, dù bản năng của cô hướng về chiều ngược lại, nhưng tình yêu lại muốn cô tránh xa cay đắng và lánh đời, muốn cô mở rộng tấm lòng với một mức độ hơn cả từ xưa đến bây giờ.

     

    Tình yêu muốn chúng ta làm gì lúc này? Đây là câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho mình vào những lúc cuộc sống bị chấn động (vì tổn thương nhưng cũng vì phúc lành) đến mức độ chúng ta không còn muốn phản ứng một cách tốt lành và yêu thương nữa, vì mọi thứ trong lòng chúng ta chỉ muốn khép mình và lánh đời.

     

    Chính vì thế…

    -Khi tôi trải qua cuộc ly hôn cay đắng, khi tôi thấy trái tim mình chai đá và ngày càng hận người tôi từng tin tưởng, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi tôi mất đi một người thân yêu vì tự tử, không phải chỉ là chết mà còn chết theo một cách khiến mọi ký ức về người đó bị phủ lên một màu khác hẳn, khiến tình yêu thương của tôi biến thành giận dữ, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi một đồng nghiệp sỉ nhục tôi tại một cuộc họp lớn, một lời vu khống khiến tôi giận sôi lên vì cảm thấy bất công, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi con cái tôi bác bỏ đức tin và các giá trị của tôi, muốn nói toạc ra rằng tôi ngây thơ và không theo kịp thế giới, rằng tôi chỉ là kẻ dễ thương thân trách phận và dễ dàng rút lại tình yêu thương và ủng hộ của mình, lúc đó, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi tôi bị chẩn đoán là sức khỏe của tôi sẽ thay đổi hoàn toàn, và toàn bộ cơ thể cũng như tinh thần tôi muốn đắm chìm trong giận dữ và sầu thảm, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi giáo hội đã cho tôi đức tin, giáo hội tôi sống trọn trong đó, bị phát giác là bất công, là kẻ gây tội lỗi, khi tôi thấy các lỗi lầm của nó và tự nhủ làm sao mình có thể ở lại trong một  giáo hội với biết bao biến tướng như vậy, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi tôi bị phụ tình, bị người tôi tin tưởng lừa dối, khi tôi muốn chìm vào cay đắng và không bao giờ tin tưởng ai nữa, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi chính tôi phản bội sự tin tưởng của người ta, khi tôi phạm tội vì phút yếu lòng, khi tôi muốn ghét bỏ chính mình hoặc muốn biện minh hay chối bỏ sự yếu đuối của tôi, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi cuộc bầu cử ở đất nước tôi đem lại một lãnh đạo mà nhân cách và chính sách đi ngược lại mọi điều tôi ủng hộ, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi thế giới nhỏ nơi tôi lớn lên bắt đầu nhường chỗ cho một thế giới đa tôn giáo, đa chủng tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ khiến tôi thấy mình bị tụt hậu, khi sự hoang tưởng và thủ thế khiến tôi tuyệt vọng bám vào những gì của thời xa xưa ấy, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi tôi sống với một người thân chẳng ra gì và tôi chỉ muốn tránh mặt người đó để sống cho yên thân, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi tôi phải đương đầu hàng ngày với người ghét tôi và lòng tôi chỉ muốn mắt đền mắt răng đền răng, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Tuy nhiên, không chỉ những điều tiêu cực mới khiến chúng ta phiền lòng, dẫn đưa chúng ta đến thù hận và lánh đời, khiến chúng rơi vào tình thế buộc phải phản ứng theo một cách mới; cả ân sủng lớn lao cũng có thể gây ra như vậy.

     

    Chính vì thế…

    – Khi cuối cùng tôi cũng được thăng chức, được lương cao và có tiếng nói quyết định đồng thời có cám dỗ muốn vênh vang và ra vẻ làm bề trên với những người chung quanh tôi, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi tôi được chọn đứng ra phát biểu thay mặt cả niên khóa và đứng trên bục tận hưởng sự ngưỡng mộ của đám đông (thậm chí nhận thức được sự ghen tị từ các bạn học), biết bao cám dỗ sẽ vồ lấy tôi, hầu hết chúng đều không lành mạnh, câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    – Khi ai đó đem lại cho tôi tình yêu, lòng biết ơn, sự công nhận, và lòng tôi cảm thấy muốn tôn mình lên, thì câu hỏi đặt ra cho tôi là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    Chúng ta không thể bảo vệ mình trước những cảm xúc bộc phát vồ lấy chúng ta, cả khi chuyện tốt hay xấu, và hầu hết những cảm giác này cám dỗ chúng ta rời xa tình yêu. Vậy nên, mỗi khi buồn thảm hay vênh vang cám dỗ chúng ta xa khỏi những gì là tốt đẹp và cao thượng nhất, thì câu hỏi đặt ra là, tình yêu muốn tôi làm gì lúc này?

     

    Ronald Rolheiser,

    J.B. Thái Hòa dịch

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THÁNH PHERO VA PHAOLO

  •  
    Tinh Cao
     
     

    Ngày 29 tháng 6
    THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ

    St. Peter and St. Paul Holding Up the Church — Graber | Found

     

    Phụng Vụ Giờ Kinh

     

    lễ trọng

    Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô không giống nhau về tính khí, cũng không giống nhau về phạm vi hoạt động. Hoàn cảnh các vị gặp Chúa đã tạo nên nét đặc biệt cho sứ vụ tông đồ của mỗi vị. Rồi tài ba của thánh Phao-lô quả là có một không hai trong Ki-tô giáo. Nhưng hai vị liên kết với nhau nhờ lòng tin sâu xa và lòng yêu mến nhiệt thành đối với Đức Ki-tô. Các vị đã đổ máu mình để làm chứng cho Chúa Ki-tô, tại Rô-ma : có lẽ thánh Phê-rô năm 64 và thánh Phao-lô năm 67.

    Thánh thi giờ kinh sách

    Cuộc thương khó của hai thủ lãnh
    Đã làm nên ngày thánh huy hoàng,
    Phê-rô thắng trận vẻ vang,
    Phao-lô chỉ cách bạn vàng ít lâu.

    Cùng dòng máu anh hào tử tiết,
    Kết giao thành bạn thiết nghìn thu,
    Niềm tin vào Đức Ki-tô
    Kiện toàn cuộc sống phượng thờ Chúa Cha.

    Phê-rô thật chính là anh cả,
    Nhưng Phao-lô cũng chả thua chi,
    Bình vàng Chúa chọn ai bì,
    Niềm tin son sắt kém gì hiền huynh.

    Cây giá ngược chẳng kinh chẳng sợ,
    Si-mon làm rạng rỡ Thánh Danh,
    Nhớ câu Thầy nhắn nhủ mình,
    Thân treo thập giá đóng đinh như Thầy.

    Lòng sùng bái từ đây vươn mạnh,
    Cả Rô-ma thành kính dâng lên,
    Máu ai thắm đỏ tinh tuyền,
    Máu Phê-rô đã thấm nền thánh đô.

    Ai ngờ thiên hạ nô nức tới,
    Người bốn phương trẩy hội nơi này.
    Kinh thành vạn quốc là đây,
    Ngai toà của Đấng làm thầy muôn dân.

    Nguyện xin Chúa khoan nhân từ ái
    Khấng nghe lời con cái nài van,
    Ban cho hưởng phúc thiên đàng
    Cùng hai thánh cả hát vang muôn đời.


    Bài đọc 2

    Các ngài được thấy thể hiện điều các ngài đã rao giảng

     

    Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục.

    Cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ diễm phúc là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã làm cho ngày hôm nay trở thành ngày thánh đối với chúng ta. Các thánh chúng ta nói tới hôm nay không phải là những vị tử đạo vô danh nào đó. Thật ra, tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Một khi các ngài đã đi theo đường công chính vì tuyên xưng và chết cho chân lý, thì giờ đây các vị tử đạo này được thấy thể hiện điều các ngài đã rao giảng.

    Thánh Phê-rô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này : Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô. Quả vậy, vì trước đó chính ông Phê-rô đã nói : Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nên Đức Ki-tô đáp lại : Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng đức tin mà anh tuyên xưng. Đối lại điều anh vừa nói : Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Tên anh quả là Phê-rô. Phê-rô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phê-rô. Ki-tô hữu lấy từ danh Ki-tô thế nào, thì Phê-rô cũng lấy từ “tảng đá” như vậy.

    Như anh em đã biết, trước khi chịu thương khó, Chúa Giê-su đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phê-rô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói : Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này. Do đó, địa vị nổi bật của Phê-rô được đề cao, vì chính ông tiêu biểu cho đặc tính phổ quát và duy nhất của Hội Thánh, khi Chúa nói với ông : Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá mà Thầy đã trao cho tất cả. Vì chưng, để anh em biết Hội Thánh đã lãnh nhận chìa khoá Nước Trời thế nào, thì hãy nghe điều Chúa nói với tất cả các Tông Đồ ở một đoạn khác : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Rồi Người tiếp : Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

    Sau khi phục sinh, Chúa cũng đã trao đoàn chiên của Người cho chính ông Phê-rô chăn dắt. Trong số các môn đệ, không phải chỉ mình ông xứng đáng chăn dắt đoàn chiên của Chúa ; nhưng khi Chúa nói với một người, là Chúa dạy phải giữ sự duy nhất ; dạy ông Phê-rô trước tiên, vì ông là người thứ nhất trong các môn đệ. Thưa thánh Phê-rô, xin ngài đừng buồn ; xin hãy đáp lời Chúa một lần, đáp lần thứ hai nữa, rồi lần thứ ba. Ước chi lời tuyên xưng vì yêu mến thắng thế ba lần, bù lại lòng quá tự tin đã thất bại ba lần vì sợ hãi. Ngài đã ba lần cột trói, thì cũng phải ba lần tháo cởi. Ngài đã cột trói vì sợ hãi, thì hãy tháo cởi vì yêu mến. Thế mà Chúa vẫn trao đoàn chiên của Người cho ông Phê-rô một lần, hai lần, rồi đến ba lần.

    Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ. Nhưng hai vị xưa kia chỉ là một ; dù các ngài chịu tử hình những ngày khác nhau, các ngài cũng chỉ là một. Thánh Phê-rô đi trước, rồi thánh Phao-lô theo sau. Đối với chúng ta, ngày lễ chúng ta cử hành hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ. Chúng ta hãy quý chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của các ngài, quý chuộng những lời các ngài tuyên xưng, những điều các ngài rao giảng.

    Thánh thi giờ kinh chiều I và II

    Nguồn Ánh Sáng thiên thu soi vạn kỷ,
    Khai mở ngày muôn tia nắng điểm tô,
    Ngày tôn vinh hai thủ lãnh Tông Đồ,
    Bao tội lỗi phàm nhân được tha thứ.

    Đấng mở cửa Nước Trời lên thập tự,
    Vị Tông Đồ dân ngoại phải đầu rơi !
    Thẩm phán trần gian, ánh sáng soi đời,
    Nay vinh hiển khải hoàn vào thiên quốc.

    Rô-ma hỡi, ngươi quả là diễm phúc
    Nhuốm máu hồng hai chiến sĩ hùng oai,
    Nhờ anh linh, nhờ công đức các ngài,
    Ngươi trổi vượt mọi kỳ quan thế giới.

    Quỳ dâng Chúa Ba Ngôi bài ca ngợi,
    Đấng quang vinh và hạnh phúc trường tồn,
    Nắm chủ quyền trên vũ trụ càn khôn
    Từ muôn thuở tới muôn đời muôn kiếp. 

    Lời cầu 

    Đức Ki-tô đã xây dựng Giáo Hội trên nền tảng các thánh Tông Đồ và ngôn sứ. Vậy ta hãy tin tưởng nguyện cầu :

    Xin Chúa thương ở cùng Giáo Hội.

    Chúa đã gọi ông Si-mon Phê-rô đi lưới người như lưới cá, - xin sai nhiều sứ giả đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

    Xin Chúa thương ở cùng Giáo Hội.

    Chúa đã truyền cho sóng yên biển lặng để con thuyền các môn đệ khỏi chìm, - xin gìn giữ con thuyền Giáo Hội khỏi phong ba bão táp, và ban thêm sức mạnh cho người kế vị thánh Phê-rô.

    Xin Chúa thương ở cùng Giáo Hội.

    Chúa là Mục Tử nhân lành, sau khi phục sinh, đã cho đoàn chiên quy tụ lại và giao cho thánh Phê-rô chăm sóc giữ gìn, - xin liên kết mọi tín hữu đang tản mác khắp nơi thành một đoàn chiên duy nhất.

    Xin Chúa thương ở cùng Giáo Hội.

    Chúa đã cử thánh Phao-lô đem Tin Mừng cho dân ngoại, - xin cho hết mọi người được phúc nghe lời Chúa.

    Xin Chúa thương ở cùng Giáo Hội.

    Chúa đã giao chìa khoá Nước Trời cho Giáo Hội, - xin thương đón nhận những ai khi còn sống đã cậy trông vào lượng từ bi của Chúa.

    Xin Chúa thương ở cùng Giáo Hội.

    Lời nguyện 

    Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Chính nhờ các ngài mà Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, thì xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy. Chúng con cầu xin

     

    ------------------------------------------------

     

    --

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - GƯƠNG CHÚA GIESU

  •  CHI TRAN

     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

     
    GƯƠNG CHÚA GIÊSU

    Kiểm Điểm Và Tiết Chế Ước Muốn Của Lòng

    Ước muốn phải hợp ý Chúa

    * Tiếng Chúa: Con ơi ! Con còn phải học nhiều những việc mà đến giờ con vẫn chưa biết.

    - Những gì vậy, lạy Chúa !

    - Con phải bắt những ước muốn của con lệ thuộc hẳn ý muốn Cha, và con đừng tự ái quá, mà phải thành tâm theo ý Cha.

    Những ước muốn của con thường làm cho con nóng nảy và hăng hái; nhưng con nên coi xem duyên cớ nào đã xui giục con: vinh danh Cha hay tư lợi của con ?

    Nếu như con chỉ chú trọng đến Cha thì dù Cha định đoạt cách nào con cũng vẫn được thỏa mãn. Nhưng nếu con muốn đích và ích riêng, thì đó là điều làm chậm bước tiến và thêm nặng lòng cho con đấy.

    Điều chế cả những ước muốn tốt

    Vậy con hãy dè dặt đừng quá dựa vào ước muốn riêng khi chưa lĩnh ý Cha, để sau khỏi hối hận và chán ghét cả chính điều mà trước con đã ưng ý và tìm tòi như là điều thiện.

    Không phải bất cứ cảm xúc nào xem ra tốt là đáng theo ngay, cũng như không phải bất cứ cảm xúc nào coi là đối lập là đáng bài trừ ngay.

    Đôi khi cũng nên dè dặt trong cả những cử chỉ đạo đức thánh thiện, những ước muốn tốt, để khỏi vì hấp tấp mà chia trí, vì sốt sắng trái mùa mà nêu gương xấu cho người khác, bị công kích mà xao xuyến và chán nản.

    Xác thịt phải tùy thuộc lý trí

    Đôi khi cần phải dùng sức mạnh và can đảm cự tuyệt những ước muốn của giác quan, mà không cần xem nó có bằng lòng hay không, và phải cố gắng bắt nó tùy phục tinh thần mặc dầu nó không muốn.

    Và đừng bao giờ ngừng tay sửa trị và điều chỉnh nó, cho đến khi thấy nó sẵn sàng tùng phục luôn, bằng lòng chịu thua thiệt, vui mừng trong những cái đớn hèn và không kêu ca khi gặp điều trái ý.

    SUY NIỆM

    Phải điều chỉnh ước muốn theo ý Chúa, bằng ơn Chúa và hướng nó về điều đẹp lòng Chúa.

    Thực tình thống hối là phương pháp điều chế mãnh lực của ước muốn, dùng cường lực của nó để chống lại nó, kết hợp nó vào ước muốn duy nhất : đẹp lòng Chúa.

    Tinh thần tự thoát, nhiệm vụ tất yếu của người Công giáo, hệ tại điều chế những ước muốn lố lăng, siêu nhiên hóa ước muốn trung lập rồi từ ước muốn đi đến quyết định và thực hành : đó là căn bản đời sống Công giáo.

    Lạy Chúa ! Dưới hỏa ngục đầy những ước muốn suông với những câu “Tôi muốn được rỗi”. Nếu con chỉ muốn mà không làm, con cũng sẽ phải sa xuống đó. Xin cho con bỏ hẳn những ước muốn suông và biết thực hành theo ơn Chúa.

    (từ cuốn "The Imitation of Christ")