9. Đào Tạo Môn Đệ

ĐÀOTẠO MÔN ĐỆ - TÂN GIÁM MỤC THÁI BÌNH

 
 
 

 

Tiểu sử Giám mục tân cử của Giáo phận Thái Bình - Linh mục Đaminh Đặng Văn Cầu
- Sinh ngày 17/7/1962 tại giáo xứ Lương Đống, xã Đông Giang (nay là xã Hà Giang), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thuộc giáo phận Thái Bình
- 1971 – 1982: Tu học tại Tiểu Chủng viện Mỹ Đức
- 1982 – 1989: Giúp việc tại Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 1989 – 1995: Học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
- Ngày 9/3/1996: Được truyền chức linh mục tại giáo phận Thái Bình
- 1996 – 2000: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 2000 – 2005: Du học tại Institut Catholique de Paris, nước Pháp; tốt nghiệp học vị Cao học Mục vụ Huấn giáo
- 2006 – 2009: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 2009 – 2014: Chánh xứ giáo xứ Văn Lăng, giáo phận Thái Bình
- 2014 – 2017: Đại diện Giám mục miền Hưng Yên kiêm Hạt trưởng giáo hạt Đông Hưng Yên, Chánh xứ giáo xứ Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, giáo phận Thái Bình
- Từ năm 2017 đến nay: Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình
 
 
 --------------------------------------------------
 
 
 

 

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THÁNH SIMON VÀ GIU-ĐÊ - CHA VƯƠNG

  •  
    phung phung
     

     Hai thánh Simon và Giu-đê

    Hôm nay Giáo hội mừng kính trọng thể 2 thánh Simon và Giu-đê, uớc mong bạn là một người dũng cảm với một quả tim nhiệt thành trong mọi lãnh vực. Mừng quan thầy đến những ai chọn các ngài làm bổn mạng nhé.

    Cha Vương

    Thứ 6: 28/10/2022

    THÁNH SIMON được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là “người Nhiệt Thành” (Zealot).

    Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo, đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước, có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã – là người đang đô hộ – được coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. Chắc chắn rằng, một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái “cộng tác với địch”. Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã, và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.

    THÁNH GIU-ĐÊ (Jude) là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðồ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô), có nghĩa là "người dũng cảm". 

    Sau ngày phục sinh Ta-đê-ô hỏi Chúa Giêsu: “Vì sao Thầy tỏ cho chúng tôi và không cho thế gian?" Và Chúa trả lời cho ông rằng Ngài tỏ mình qua những ai yêu mến Ngài. Ngoài ra, ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ. Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot).

    Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là “Giu-đê”. Tương truyền sau đó cho biết người giảng đạo ở xứ Mesopotamia và đã chết vì đạo tại đó. Thánh tích của người hiện ở đền thờ Thánh Phêrô - Rome, Rheims và Toulouse nước Pháp. Người ta tôn kính Thánh Giu-đê như quan thầy "những hoàn cảnh thất vọng".

    Trong kinh kính người có câu: "Lạy thánh tông đồ Giuđa Taddeo được cầu khẩn như vị trạng sư của những hoàn cảnh đau thương, gần như thất vọng, xin nghe lời những kẻ đang gặp khó khăn..."

            Có tương truyền khác cho rằng người chịu tử đạo cùng lúc với thánh Simon Tông Đồ tại Persia (Ba Tư). Cả hai cùng được mừng lễ kính chung trong một ngày. Hôm nay mời bạn hãy xin Chúa ban cho hai ơn:

    (1) Ơn “nhiệt thành” để rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh,

    (2) Ơn “dũng cảm” để minh chứng cho đức tin của mình trong một thế giới đang bị sa đọa.

    From: Đỗ Dzũng

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - THÁNH ANTON CLARET

  •  
    phung phung
     

    Thánh Antôn Claret (1807-1870)

    Tạ ơn Chúa đã cho bạn thức dậy để tận hưởng những kỳ công của Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Claret (1807-1870). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

    Cha Vương

    Thứ 2: 24/10/2022

    Người cha tinh thần của Cuba là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.

        Thánh Antôn Claret sinh ngày 23 tháng 12 năm 1807 ở làng Sallent, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai. 

        Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Thánh Tâm Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.

        Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bởi việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng -- phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.

        Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì -- làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.

        Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.

        Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, "Ðây thực sự là vị thánh." Ngài mất ngày 24 tháng 10 năm 1870 tại tu viện dòng Xitô ở Fontfroide, Narbonne, nước Pháp  lúc 63 tuổi.

        Đức Giáo Hoàng Pius XI đã ghi tên ngài vào sổ Các Đấng Đáng Kính ngày 06 tháng 1 năm 1926. Tám năm sau, ngài được tôn phong Chân Phước ngày 25 tháng 2 năm 1934. Và Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Chân Phước Antony Mary Claret lên bậc hiển thánh ngày 07 tháng 5 năm 1950.

        Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Ngài là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng. Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta. (Nguồn: Người Tín Hữu Online)

    Châm ngôn và chương trình đời sống thánh Antôn Maria Claret là: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Mời bạn tập sống tinh thần của thánh nhân nhé.

    From: Đỗ Dzũng

     

ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - TS DUYỆT - TRUYỀN GIÁO

  •  

    “HÃY ĐI KHẮP THẾ GIỚI VÀ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN.”

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

     

    “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.” (Mk 16:15). Và,

     

    “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt. 28:19)

     

    Ai đi và đi đâu? Khi nghe hai lời truyền dạy trên của Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ ai sẽ là người được trao sứ mạng ra đi và rao giảng Tin Mừng? Phần đông, theo quan niệm xưa vẫn cho rằng, đó là những lời Chúa nói với các tông đồ, môn đệ của Ngài. Họ là các giám mục, linh mục, tu sỹ nam nữ. Nhưng ít ai nghĩ rằng những lời này Chúa cũng nói với tất cả mọi người, mọi tín hữu là những người tin vào Ngài, được sinh ra trong ân sủng.

       Trong ngày lĩnh Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được chia sẻ với Chúa Kitô trong cùng một Thánh Thần ba thiên chức: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả.

     

    Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo đã qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ bài giảng của Phó Tế Vũ Anh đã chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa Thánh Linh hôm đó. Và điều khiến tôi suy nghĩ là câu chuyện về một em bé:

     

    Em sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con thuộc một xứ đạo tại miền châu thổ sông Hồng Hà. Bố mẹ tuy nghèo nhưng không quên dạy dỗ con cái một cách chu đáo về phần đạo đức. Một trong những thói quen của gia đình là mỗi tối trước khi đi ngủ, cả nhà đều quây quần trước bàn thờ Đức Mẹ đọc một kinh Lạy Cha, hai Kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, sau đó mỗi người dâng một lời nguyện ngắn. Bà mẹ cũng luôn nhắc nhở các con rằng: “Dù đi đâu, làm gì, nhất là những lúc gặp khó khăn thì phải luôn chạy đến với Chúa và Đức Mẹ.”

     

    Gia đình em vẫn luôn luôn trung thành với thói quen cầu nguyện này, và chính người mẹ cũng không bao giờ nghĩ rằng những lời mình nói với các con lại có một ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tâm linh, cũng như thể chất của các con bà như vậy. Cho đến một hôm, đứa bé nhất của bà bị một căn bệnh hiểm nghèo đòi phải qua một cuộc giải phẫu mới hy vọng cứu sống. Gia đình đã cố gắng chạy chữa và lo cho em được lên Hà Nội để chữa trị.

     

    Trước khi gây mê cho em bé, vị bác sỹ cầm tay em và nói: “Bác sẽ làm cho con ngủ đây, khi tỉnh dậy con sẽ thấy mình khỏe lại.” Vừa khi nghe đến chữ “ngủ”, em vội ngồi dậy và nói với vị bác sỹ: “Trước khi đi ngủ, cháu phải cầu nguyện trước đã. Xin bác sỹ chờ cháu cầu nguyện xong đã.” Rồi em đọc một Kinh Lạy Cha, hai Kinh Kính Mừng, một Kinh Sáng Danh và dâng một lời nguyện như mẹ em đã dạy mà em vẫn thường làm mỗi tối trước khi đi ngủ…

     

    Sáng hôm sau, khi tỉnh lại, em thấy mọi người trong nhà thương có cả vị bác sỹ hôm qua đang vây quanh giường em. Em định nói lời cám ơn, nhưng vị bác sỹ đó đã cầm tay em và nói: “Bác phải cám ơn con, vì con đã làm cho bác một việc hết sức trọng đại.” Rồi ông kể câu chuyện về đời mình cho cả gia đình nghe. Ông vốn là đảng viên trung kiên, và vì sự nghiệp, danh vọng, ông đã bỏ đạo 38 năm tuy trong lòng rất hối hận. Tối qua ông đã mất ngủ vì thái độ và lời cầu có tính cách tuyên xưng đức tin của em bé bệnh nhân này, nên sáng nay trước khi đến bệnh viện, ông đã đến nhà thờ xưng tội và tham dự thánh lễ. Và ông kết luận: Dù bây giờ tôi có bị đuổi khỏi đảng, tước bỏ mọi chức vụ, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận…

     

    Phó tế Anh sau đó đã dựa theo ý nghĩa của ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, nêu lên một câu hỏi mang tính cách thực hành: “Vậy trong câu truyện này, ai là nhà truyền giáo? Ai đã đưa một đảng viên Cộng Sản về lại Giáo Hội, về với Đức Tin Công Giáo?”

     

    Dĩ nhiên không có hình ảnh của một hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, phó tế hay bất cứ một tu sỹ nào trong câu chuyện vừa kể trên. Nhưng ai cũng biết rằng, nhà truyền giáo trong câu truyện này chính là em bé và cũng là một bệnh nhân rất dễ thương. Phép lạ đã xảy ra không phải trên tòa giảng, không phải bằng những cuộc rước sách linh đình, những buổi diễn nguyện được dàn dựng công phu, hoặc những buổi hội thảo, chia sẻ và học hỏi giáo lý. Nó đã xảy ra bằng với tấm lòng và sự thành thật đơn sơ của một em bé ngay trên giường bệnh của bệnh viện. Và sau em là bóng dáng một nhà truyền giáo khác với tâm hồn đạo hạnh, bình dân, và khiêm tốn là mẹ em. Bà đã huấn luyện được một vị tông đồ, một nhà truyền giáo.

     

    Câu truyện trên cũng nhắc tôi nhớ đến một “gia đình” truyền giáo. Một gia đình không có ai là giám mục, linh mục truyền giáo, nhưng lại có những con người với trái tim truyền giáo.    

     

    Ngày 18 tháng 10, 2015, Chúa Nhật Truyền Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong cha mẹ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Louis Martin (1823-1894) và Marie Zelie Guerin Martin (1831-1877) lên hàng hiển thánh. Họ là cặp vợ chồng đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội được tuyên thánh cùng nhau trong cùng một ngày.

     

    Cả hai đã kết hôn năm 1858, có 9 người con, bốn trong số đó đã qua đời ở tuổi nhỏ, còn lại 5 người con gái tất cả đều dâng mình cho Chúa: 4 trong dòng Kín Carmelô ở Lisieux gồm Marie, Pauline, Céline, Thérèse (Têrêsa), và một trong dòng Mẹ Thăm Viếng là Léonie.  

     

    19 năm trong đời sống hôn nhân, hai đấng đã không làm gì nổi trội hơn là tham dự các thánh lễ hàng ngày, cầu nguyện, ăn chay, giữ ngày Chúa Nhật, và thăm viếng những người già cả, bệnh tật, nghèo đói, và hoàn tất những công việc nhỏ mọn, tầm thường mà ai cũng có thể làm được trong vài trò làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, và chị em với nhau. Là người mẹ trong gia đình, Thánh Marie Zelie Guerin Martin đã ảnh hưởng trên các con cái mình. Kết quả là Têrêsa đã trở thành một đại thánh, một tiến sỹ Hội Thánh, là bổn mạng các xứ truyền giáo. Sau khi nghiên cứu các tài liệu về thánh Thérèse, nhiều nhà thần học và sử học đều tìm thấy ảnh hưởng và tinh thần truyền giáo của Pauline đã thôi thúc Thérèse. Ngoài ra, các nữ tu còn lại của gia đình này đều được mọi người tôn kính và cầu xin mỗi khi thăm viếng đan viện Carmelô tại Lisieux. Riêng Léonie, ngày 2 tháng 7, 2015 hồ sơ phong thánh cấp giáo phận đã được mở, chị được nâng lên hàng “Tôi Tớ Chúa.”   

     

    Những trường hợp trên, những con người trên là một dấu chỉ cho thấy việc truyền giáo và sứ mạng truyền giáo, đặc biệt ở vào thời đại hôm nay, không còn là một đặc ân hay đặc quyền của giới tu hành. Truyền giáo và sứ mạng truyền giáo thuộc về mọi Kitô hữu, những người đã đón nhận phép Thánh Tẩy, với sứ mạng “tiên tri”.  

     

    Vậy khi chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nói về việc rao giảng Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm như lời Ngài truyền cho các môn đệ trước khi về trời: “Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.” (Mk 16:15) Và: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19), thì đừng nghĩ rằng công việc ấy thuộc về các vị tu hành, các nhà truyền giáo, để rồi sống dửng dưng như người không tin tưởng. Thánh Gioan Phaolô II khi còn trên ngôi Giáo Hoàng, qua Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (CHRISTIFIDELES LAICI) đã cảnh cáo thái độ tiêu cực, ươn lười của các tín hữu không quan tâm đến cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội như sau:   

     

    “Những hoàn cảnh đổi mới trong Giáo Hội cũng như của thế giới, trong thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa hôm nay đòi hỏi một cách đặc biệt hoạt động của người tín hữu giáo dân. Nếu trước đây ai làm ngơ là điều không thể chấp nhận được, thì hiện giờ đều ấy lại càng đáng khiển trách hơn. Không ai được phép ở không, không làm gì.” (A new state of affairs today both in the Church and in social, economic, political and cultural life, calls with a particular urgency for the action of the lay faithful. If lack of commitment is always unacceptable, the present time renders it even more so. It is not permissible for anyone to remain idle.) [1]

     

    (Khánh Nhật truyền giáo, 23 tháng 10 năm 2022)

     

     

     

    ____________

     

    [1]  (No.3, CHRISTIFIDELES LAICI, APOSTOLIC EXHORTATION.  Pope John Paul II)

     


     

     

       

     

     

DAO TẠO MÔN ĐỆ - GH GIOAN PHAOLO 2

  •  
    Chi Tran -LEYEN

    MỪNG LỄ THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (22/10)
    Ngài là vị thánh đã có nhiều đóng cho nhân loại những năm cuối thế kỷ 20 và là vị giáo hoàng có rất nhiều cái "đầu tiên" và "duy nhất":
    ▪ Ðến thăm 104 quốc gia, nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới: đi qua 700,000 dặm, nghĩa là 28 lần đường vòng quanh Trái Ðất, hay 3 lần đến Mặt Trăng.
    ▪ Là vị giáo hoàng đầu tiên: đến Anh Quốc, thăm ngôi đền Hồi Giáo ở Syria, thuyết giảng trong buổi lễ tại một nhà thờ Tin Lành ở Áo năm 1983, bước vào đại hội đường Do Thái tại Roma năm 1986, thăm Rumania năm 1999 (cuộc viếng thăm đầu tiên của một giáo hoàng Vatican tại một nước Chính Thống Giáo Ðông Phương kể từ thời kỳ ly giáo 1,000 năm trước), thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Vatican và Israel.
    ▪ Ðức Ðạt Lai Lạt Ma 8 lần gặp ngài, nhiều hơn với bất cứ nhà lãnh đạo nào khác.
    ▪ Sáng lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
    ▪ Thoát chết trong vụ mưu sát năm 1981 như một phép lạ của Đức Mẹ Fatima; đến thăm và nói lời tha thứ với kẻ ám sát mình.
    ▪ Chính thức lên tiếng xin lỗi về những sai lầm của Giáo Hội trong quá khứ.
    ▪ Hơn 3 triệu người xếp hàng để được đi ngang viếng chào linh cữu của Ngài, quàn tại Thánh Ðường St. Peter cho đến ngày tang lễ 8 Tháng Tư, 2005.
    ▪ Và còn nhiều cái "đầu tiên" & "duy nhất" khác nữa...
    Vì thế, Đức Gioan-Phaolô II được coi là "Giáo Hoàng của những kỷ lục": kỷ lục đi xa, kỷ lục phong thánh, kỷ lục gặp gỡ, kỷ lục diễn văn... Ngài nổi tiếng ngay từ đầu triều giáo hoàng với lời kêu gọi mang lại nhiều niềm vui và bình an cho mọi người; đó là hai chữ ngắn gọn: "Đừng sợ!"
    Một trong những dấu ấn quan trọng nhất trong những đóng góp của ngài là góp phần giật sập chế độ Cộng sản ở Đông Âu, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại.
    Xin thánh Gioan Phaolô II cầu cho chúng con và đất nước chúng con.
    【Cha Nam Phong】