2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh - Niềm vui không ai lấy mất được (Ga 16,20-23)

    Tin mừng: Ga 16,20-23

    20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

    21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.

    22Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.

    23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Để được hạnh phúc có con thơ, người mẹ phải trải qua những giây phút đau đớn lúc sinh nở. Người Kitô hữu cũng phải can đảm chấp nhận cùng chịu đau khổ với Chúa, mới hy vọng có niềm vui được chia sẻ sự sống lại với Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những niềm vui lớn lao của ngày mùa, sau khi chúng con đã trải qua những tháng ngày gian khổ trên nương đồng. Chúa đã ban cho chúng con được hưởng bao thành quả sau những ngày vất vả học hành. Vâng, đó là những kinh nghiệm quý giá giúp con hiểu về mầu nhiệm đau khổ. Con tin rằng những đau khổ, hy sinh, cố gắng trên con đường theo Chúa, là dấu hiệu loan báo niềm vui tràn đầy và hạnh phúc đời đời mà Chúa đã dành sẵn cho những môn đệ tín trung.

    Xin cho con xác tín rằng: “sau cơn mưa trời lại sáng”, và cơn mưa giông gió ấy sẽ giúp cho bầu trời trong lành hơn, giúp cho đất đai mầu mỡ hơn và giúp cho vạn vật tươi tốt hơn. Chính cuộc đời của Chúa Giêsu Con Chúa, đã là một bằng chứng cụ thể. Ngài đã chấp nhận mọi nỗi đau đớn, tụi nhục, gian khổ, nhưng sau cùng Ngài đã phục sinh vinh hiển, đồng thời Ngài cũng phục sinh toàn thể nhân loại chúng con nữa.

    Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh của Chúa để con kiên tâm bền chí mà vững bước qua gian lao thử thách theo Chúa đến cùng. Xin giúp con nhận ra giá trị đích thực của những hy sinh từ bỏ, để con biết mau mắn đón nhận đau khổ trong cuộc sống. Xin đừng để con sống buông xuôi, trái lại xin cho con biết lội ngược dòng để đến cùng Chúa là nguồn suối hạnh phúc đích thực. Amen.

    Ghi nhớ: “Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH - HUẾ
     
     
    Thứ Năm tuần VI Phục Sinh  -  Cv 18, 1-8 - Ga 16, 16-20
     

    MỘT NIỀM VUI MIÊN VIỄN TRƯỜNG TỒN

    “Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui!”.

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Niềm vui ‘không sống’ khi liên tục cười; không phải vậy! Niềm vui không phải là ‘vui’; cũng không phải vậy! Niềm vui Kitô là sự bình an, một bình an được nuôi bằng nhựa sống từ gốc rễ con cái Thiên Chúa; một bình an của con tim mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Đây là niềm vui đích thực của Kitô hữu, ‘một niềm vui miên viễn trường tồn!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết, họ sẽ phải buồn sầu; tuy nhiên thật an ủi, Ngài bảo đảm với họ, “Nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui!”. Đây là niềm vui bên trong của Chúa Thánh Thần, ‘một niềm vui miên viễn trường tồn!’. Tại sao?

    ‘Một niềm vui miên viễn trường tồn’ vì lẽ, nó được bảo đảm bởi chính Thiên Chúa! Đó là niềm vui của một người thuộc trọn về Chúa; phó thác tuyệt đối vào Ngài trong mọi hoàn cảnh. Một bảo đảm khác là, niềm vui này luôn được tìm kiếm và cầu xin; nó được tìm kiếm trong tất cả những gì Chúa muốn; và Chúa Thánh Thần sẵn sàng chỉ cho chúng ta cách thức tìm kiếm và bảo tồn nó! Chúa Giêsu là người đã sở hữu niềm vui này, vì Ngài thuộc trọn về Chúa Cha; của ăn Ngài là làm theo ý Cha; cũng như Ngài luôn luôn ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần!

    Như Ngài, Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc trọn về Chúa Cha! Ngài không hứa, cuộc sống của chúng ta sẽ không có khó khăn và đau đớn; cũng không nói, mọi sự sẽ dễ dàng. Thay vào đó, Ngài đã nêu gương cho chúng ta! Ngài đã đau khổ, bị ngược đãi, và cuối cùng bị giết chết. Thế nhưng, quyền năng của Chúa Cha đã phục sinh Ngài, rước Ngài lên trời, ngự trong cung lòng Cha và biến tất cả những tang thương trước đó thành phương tiện cứu rỗi thế giới. Cũng thế, bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phó mình hoàn toàn cho Chúa Cha; thực hành mọi điều Chúa Cha muốn. Nhờ đó, như Chúa Giêsu, đau buồn của chúng ta cũng có khả năng trở thành phương tiện ân sủng cho nhiều người. Và như thế, nếu phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, thì với đức tin và niềm hy vọng, cuối cùng, không gì có thể khiến chúng ta thất vọng và mọi sự sẽ được sử dụng cho vinh hiển Chúa; và chắc chắn, niềm vui lớn lao sẽ ùa về!

    Noi gương Chúa Giêsu, Phaolô đã đón nhận tất cả trong tin yêu phó thác. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy một Phaolô vui tươi giữa những thất bại và thành công. Gặp chống đối, Phaolô nói, “Từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại!”. Còn về thành công? Phaolô đã rất thành công với sự trở lại của vợ chồng Aquila - Priscilla, những cộng sự viên tuyệt vời về sau; ngoài ra, còn có sự trở lại của gia đình Crispô, trưởng hội đường, và nhiều người Côrintô khác. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân!”.

    Anh Chị em,

    “Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui!”. Suy gẫm lời này, chúng ta biết, Chúa Giêsu không chỉ nói những điều đó với các môn đệ, mà còn với chúng ta. Đừng khó chịu hoặc phải sốc khi cuộc sống chúng ta gặp những khó khăn; đừng tuyệt vọng khi đau khổ được đặt trước mặt bạn. Hãy phó thác mọi sự cho Chúa, để Ngài biến nó thành niềm vui như Ngài đã hứa! Niềm vui Kitô là hơi thở của chúng ta; lòng không vui, chúng ta không phải là Kitô hữu tốt. Niềm vui là cách chúng ta thể hiện chính mình và niềm tin của mình. Đây không phải là thứ bạn mua hoặc có thể ‘hô biến’ phù phép mà có. Không! Nó là hoa trái của Chúa Thánh Thần; điều làm con tim chúng ta nhảy mừng là Chúa Thánh Thần! Nó là ‘một niềm vui miên viễn trường tồn’. Bạn cứ sống cho thật thanh khiết, giữ lòng sạch tội, tâm hồn bạn luôn là cung thánh Chúa Thánh Thần ngự, thì không bao giờ bạn phải lo lắng niềm vui này bị đánh mất!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con đặt mọi hy vọng, hân hoan, đau buồn, khó khăn và phiền muộn của con vào tay Chúa. Xin biến chúng nên công cụ cho vinh quang Chúa và phần phúc cho các linh hồn!”, Amen

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng



     
     
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  • TGM NGUYỄN NĂNG
     
     

    Thứ Năm tuần 6 Phục sinh - Ý nghĩa của thời gian (Ga 16,16-20)

    Tin mừng: Ga 16, 16-20

    16 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

    17Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” và “Thầy đến cùng Chúa Cha” ?”

    18Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì!”

    19 Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’.

    20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu đã trở thành ý nghĩa cho thời gian. Thời gian có Ngài hiện diện là thời gian của niềm vui. Vì vậy, thời gian của người tín hữu sẽ trở thành u buồn nếu vắng bóng Người.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con được dệt thành từ bao nhiêu biến cố. Mỗi sự việc xảy ra tạo nên những tâm trạng khác nhau. Có lúc con cảm thấy thật dễ chịu sung sướng vì cuộc đời hợp ý con. Nhưng rất nhiều khi con chán nản, thời gian sao nặng nề căng thẳng quá.

    Tuy nhiên, lạy Chúa Giêsu, khi con sống trong tình yêu Chúa, thì thời gian con sống trở thành nhẹ nhàng hạnh phúc. Vì lúc ấy con sống trong tình mến Chúa, và lòng yêu mến ấy sẽ hóa giải tất cả. Bất cứ lúc nào Chúa cũng vẫn hiện diện trong cuộc đời con, nhưng nhiều lúc con đã khước từ lời mời gọi yêu thương của Chúa để đi theo những mời mọc của ma quỷ và thế gian. Lúc đó, cuộc sống của con vắng bóng Chúa và mất đi niềm vui hạnh phúc. Cuộc đời trở nên vô nghĩa.

    Ngày xưa, Chúa đã trở thành niềm vui và sự nâng đỡ ủi an cho các môn đệ. Vì thế, khi vắng bóng Chúa, các ông đã buông xuôi thất vọng. Hôm nay, Chúa đã phục sinh và vẫn hiện diện trong cuộc đời con, giúp con biết luôn tìm sống theo thánh ý của Chúa, như một niềm vui tràn đầy trong tâm hồn. Và mặc dù bề ngoài con thiếu thốn hoặc mất mát tất cả, nhưng tâm hồn con vẫn có Chúa hiện diện, thì con tin rằng con vẫn còn tất cả, cuộc đời vẫn reo vui phấn khởi và tràn đầy ý nghĩa. Amen.

    Ghi nhớ: “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC -YOUTUBE - VIẾT BÙI - CHÚA LÊN TRỜI -

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - THỨ TƯ

  • CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA
     
    Thứ Tư tuần VI Phục Sinh - Cv 17, 15. 22 - 18,1 . Ga 16, 12-15 - Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
     

    CHƯA SẴN SÀNG ĐỂ CHẤP NHẬN MỘT THỰC TẾ, MỘT SỰ THẬT

    “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con; nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi!”.

    Aiden Wilson Tozer nói, “Sự thật không được sử dụng sẽ trở nên vô dụng như một cơ bắp không được sử dụng. Một gram ứng dụng có giá trị bằng một kilogam trừu tượng! Trong cuộc sống, nhiều người ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật’ về cuộc đời, về Thiên Chúa và về con người. Kết quả, họ sống trên mây!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Dẫu không nói đến những người “sống trên mây”, nhưng thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến các tông đồ, những con người ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật!’. Chúa Giêsu cho biết, họ còn phải đợi “Thần Khí Sự Thật”. Nhưng sự thật đó là gì? Thực tế đó là gì?

    Trước hết, đó là thập giá của Chúa Giêsu. Phải, các tông đồ chưa được chuẩn bị đủ để có thể chấp nhận thập giá của Thầy; vì chỉ một vài giờ ngắn ngủi sau khi Ngài nói những lời này, tất cả họ sẽ bỏ Thầy mà chạy! Thứ hai, thực tế đó còn là một mối quan hệ, phải chăng mối quan hệ của họ với Thầy mình còn quá hời hợt! Thứ ba, thực tế đó còn là một trạng thái tâm hồn; phải chăng trong họ, những vướng bận thế tục đang giăng mắc! Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, chúng ta thấy việc nên thánh, nên giống Chúa Giêsu, còn quá xa vời. Phải chăng, chúng ta ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật!’. Chúng ta có thể biện minh cho bản thân hoặc sự thờ ơ của mình bằng bất kỳ lời an ủi tâm lý nào; và có thể tự thuyết phục mình rằng, tôi không hoàn toàn tệ như vậy. Nhưng có lẽ tôi đã ‘diễn xuất’ một cách xuất sắc rằng, tôi làm mọi sự một cách chu tất; nhưng thực ra, với rất ít niềm tin và sự chân thành!

    Kitô hữu được mời gọi sống trong sự thật, sự thật Thiên Chúa quá yêu thương tôi, Ngài cứu chuộc tôi; sự thật đó còn là tội lỗi của tôi, tôi phải đề phòng một tinh thần giả dối! Đừng quên, một điều giả dối nhỏ nhất trong cuộc sống vẫn có thể huỷ diệt toàn bộ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự thật được coi là ‘điều cấm kỵ’; nó cần được ‘đóng gói’ cho ‘hấp dẫn’ hơn! Tuy nhiên, không nỗ lực giả dối nào, cuối cùng, có thể thắng thế, cũng không một bóng tối nào có thể ngăn cản chùm tia sáng nhỏ nhất! Chúa Thánh Thần đang nói cho thế giới rằng, sự thật chỉ đến từ Chúa Kitô; chỉ Ngài mới có khả năng mang lại bình an và niềm vui thực sự cho con người, khi mọi ảo tưởng, ảo giác đều phải rơi rụng!

    Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy một thực tế tương tự nơi những người “kính thần vô danh” thành Athêna. Họ thờ những vị thần mà họ không biết. Khi Phaolô nói cho họ sự thật, họ lại chế giễu và bỏ đi. Họ ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật’. Sự thật đó là Chúa Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến; Đấng Cứu Độ thế giới, đã chết và sống lại để làm chứng cho sự thật. Sự thật đó là Thiên Chúa yêu thương thế gian, ai tin vào Con Ngài thì được cứu độ; sự thật đó là “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

    Anh Chị em,

    “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con; nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi!”. Nếu chưa thực sự mở cửa trái tim cho quyền năng và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng ta không có sức hiểu nổi Chúa Giêsu; và có thể biết chắc rằng, chúng ta ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật’ về Ngài, cũng như về chính con người mình. Chúng ta không thể hiểu những gì Chúa muốn cho mình; và Ngài không thể biến đổi chúng ta một điều gì. Một suy nghĩ đáng sợ, là khi Chúa Thánh Thần chưa ‘hoàn toàn nhập vai’ một ai đó, người ấy sẽ bị bỏ lại trong bóng tối. Và, buồn hơn, người ấy thậm chí sẽ không nhận ra mình đang ở trong bóng tối! Lời Chúa mời gọi tôi tự hỏi, phải chăng, tôi đã làm bao việc chỉ để được khen ngợi? Tôi có đủ khả năng đứng vững với niềm tin khi đối mặt với sự hiểu lầm, chế giễu của thế gian?

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Vì chỉ có Chúa mới có thể hoán cải trái tim con, hầu con có thể sống trong sự thật, một điều cả Chúa, cả người luôn mong ước!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng