2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  • TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Ngày 25/03: Lễ Truyền Tin (Lc 1,26-38)

    Tin mừng: Lc 1, 26-38

    26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

    28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

    29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

    30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.

    32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.

    33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

    34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

    35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

    36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

    38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Nhờ lời ưng thuận của Đức Maria, Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng người Mẹ đồng trinh. Thiên Chúa là Đấng khởi xướng mọi hoạt động cứu độ, nhưng Ngài cần sự hợp tác của con người.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa là Con của Chúa Cha, Chúa đã nhập thể, đã trở thành người trong lòng Đức Mẹ đồng trinh. Với tâm hồn thánh thiện đầy ân sủng và thân xác tinh tuyền, Mẹ đã được Chúa chọn làm cung thánh để từ đó Chúa đi vào lịch sử loài người. Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Chúa trong thân xác. Tâm hồn Mẹ tràn đầy Chúa nên thân xác Mẹ cũng được Chúa cư ngụ, để rồi Mẹ ban tặng Chúa cho chúng con. Mẹ đã khiêm tốn ưng thuận để Chúa đi vào cuộc đời Mẹ và làm chủ cuộc đời Mẹ, nhờ vậy Chúa đã đi qua cuộc đời Mẹ để đến với chúng con.

    Lạy Chúa, hôm nay, Chúa đang muốn đi qua cuộc đời con để đến với thế giới, Chúa cũng đang muốn hiến mình cho con, để qua con, Chúa hiến mình cho nhân loại hôm nay. Xin Chúa giúp con biết khiêm tốn đón nhận Chúa và ưng thuận Lời Chúa mời gọi. Con không thể đem Chúa đến cho anh em nếu con chẳng có Chúa trong lòng. Hằng ngày, nhờ thánh lễ, Chúa lại muốn nhập thể trong con. Xin cho con biết đón nhận Chúa vào cuộc đời mình. Nhờ đức tin và tình yêu mến, nhờ tâm hồn trong sạch và khao khát Chúa, con sẽ được cưu mang Chúa trong tâm hồn. Nhờ việc rước lễ, con sẽ được cưu mang Chúa trong cả thân xác nữa. Xin Chúa ở với con luôn mãi. Con xin dâng hiến đời con cho Chúa, để Chúa dùng con như khí cụ của tình thương cứu độ của Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Năm tuần 3 mùa Chay - Ngụy biện (Lc 11,14-23)

    Tin mừng: Lc 11,14-23

    14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.”

    16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.

    18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được ?...bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.

    19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.

    21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.

    22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

    23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Để nhận ra triều đại của Thiên Chúa, phải thành tâm và có ý ngay lành. Hãy nhìn nhau bằng đôi mắt của Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã trở thành nạn nhân của lòng đố kỵ. Trước phép lạ trừ quỷ câm, Chúa được dân chúng ngưỡng mộ. Nhưng khi thấy Chúa thành công, một số người tỏ ra bực tức ghen tị. Sự ghen tị làm lòng người ra hẹp hòi, trí óc ra mù quáng và họ giải thích cách ngu xuẩn: “Ông ấy dựa vào quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ”.

    Ngày hôm nay, nhân loại chúng con đang thoái hóa về tinh thần vì không biết nhìn nhau bằng tinh thần của Chúa. Tình thân ái nơi loài người đang đổ vỡ vì chúng con nhìn nhau bằng cặp mắt của Xa-tan, con mắt ích kỷ tị hiềm.

    Xin Chúa dạy con biết cảm thông với anh chị em con: biết vui với người vui và nhất là biết buồn với người buồn. Xin đừng để con vui khi thấy anh chị em khổ, đừng để con mừng khi thấy anh chị em khốn khó. Đừng để con khó chịu khi thấy anh chị em thành công. Ngược lại, xin Chúa dạy con biết coi nỗi khổ của anh chị em là nỗi khổ của chính mình để con mau mắn giúp đỡ gỡ khó cho họ.

    Lạy Chúa, xin dạy con biết nhìn nhau bằng ánh mắt của Chúa: luôn tôn trọng người khác, không khinh thị bất cứ ai, kể cả những người tội lỗi. Cái nhìn của Chúa đã biến đổi ông Giakêu thành người thực thi công bình bác ái. Cái nhìn của Chúa biến đổi Thánh Matthêu thành tông đồ cho Chúa. Cái nhìn của Chúa cũng biến đổi Thánh Phêrô từ kẻ chối Chúa thành người nâng đỡ đức tin cho anh em. Xin dạy con lối nhìn của Chúa để con biết nâng dậy những anh em vì hoàn cảnh đã đi xa đường lối Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON


  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Hai tuần 3 mùa Chay - "Ngôn sứ không được đón tiếp tại quê hương".(Lc 4,24-30)

    Tin mừng: Lc 4, 24-30

    (Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình.

    Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà góa ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi.

    Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

    Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu đã gặp chống đối ngay tại quê hương, nơi những người thân không chấp nhận đường lối và cách thức Chúa thể hiện sứ mạng cứu độ. Chúng ta đừng bao giờ khước từ hoặc chống lại Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ người nào có đức tin mới hiểu được đường lối của Chúa. Và chỉ kẻ nào có lòng yêu mến mới đón nhận được tình thương của Chúa. Chúa ơi, chắc chắn Chúa rất đau lòng khi đứng trước thái độ của người đồng hương. Họ không đón nhận, không nghe những lời Chúa giảng dạy, không muốn sự có mặt của Chúa. Họ đã đuổi Chúa ra khỏi hội đường, ra khỏi thành, nhẫn tâm đưa Chúa lên triền núi để xô xuống vực thẳm.

    Lạy Chúa, con thấy hình ảnh đó vẫn diễn ra hằng ngày trong bối cảnh thế giới hôm nay, trong tầng lớp Kitô hữu là những người thân thuộc của Chúa. Chúa đang bị từ chối nơi biết bao người nghèo hèn, nơi những kẻ bị bỏ rơi, nơi những quốc gia đang bị kỳ thị chủng tộc, phân biệt giàu nghèo, hận thù dai dẳng.

    Chính con cũng bao lần từ chối Chúa khi con từ chối giúp đỡ anh em. Con đã đẩy Chúa ra khỏi tâm hồn khi con ngụp lặn trong đam mê tội lỗi, khi con không chịu hồi tâm, không chịu ăn năn sám hối để trở về với Chúa. Con cũng đã không đón nhận Chúa khi con không chấp nhận Ý Chúa mà chỉ muốn Chúa đáp ứng lời con cầu nguyện theo ý con.

    Lạy Chúa, xin tha thứ những lỗi lầm của con và xin cho con luôn mở rộng tâm hồn để đón tiếp Chúa. Xin ban cho con một trái tim yêu thương biết đón nhận Chúa nơi anh em, để trong từng giây từng phút của ngày sống, trong từng công việc dù nhỏ bé, mọn hèn, con đều có Chúa hiện diện bên con. Amen.

    Ghi nhớ: “Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THƯ TƯ

  •  
    TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Tư tuần 3 mùa Chay (Mt 5,17-19)

    Tin mừng: Mt 5,17-19

    17 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.

    18 Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.

    19 Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Thánh Ý Thiên Chúa là điều quan trọng, không gì nhỏ bé tầm thường. Chúa Giêsu đến chính là để được thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa và các lời Thiên Chúa hứa trong Cựu ước. Ta cũng cần coi trọng và tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đôi lúc con có cảm tưởng Chúa thường phản ứng chống lại lề luật. Chúa phê bình việc giải thích và cách giữ luật của người biệt phái. Chúa lên án lối sống hình thức của họ. Nhưng càng nhìn ngắm Chúa và suy gẫm Phúc âm, con càng thấy rõ Chúa không chống đối lề luật, không bãi bỏ lề luật, mà Chúa đến để chu toàn lề luật và làm cho lề luật được kiện toàn, vì luật của Môi-sê cũng chính là luật của Thiên Chúa. Chúa phục tùng luật Môi-sê vì Chúa muốn phục tùng Ý Chúa Cha.

    Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương Chúa mà tôn trọng luật Thiên Chúa và luật Giáo Hội. Qua lề luật, xin cho con biết nhận ra ý Chúa muốn con làm gì. Đời sống của Chúa là cuộc đời thánh thiện vì Chúa luôn chu toàn ý muốn của Chúa Cha. Xin Chúa cũng giúp con nên thánh bằng cách hy sinh ý riêng để tuân theo Ý Chúa, trung thành vâng giữ luật Chúa.

    Lạy Chúa, vì xu hướng tự nhiên, con vẫn thích phá bỏ lề luật để sống tự do buông thả. Nhưng trong đức tin, con cảm tạ Chúa đã ban lề luật cho con, vì nếu không có lề luật như những tấm bảng chỉ đường, chắc chắn con sẽ lạc hướng và rơi xuống vực sâu. Xin Chúa thương gìn giữ con.

    Con cũng xin Chúa giúp con biết tín nhiệm vào Chúa đang dẫn dắt Hội Thánh, để con khiêm tốn vâng theo sự chỉ dạy của Hội Thánh. Có những điều con không hiểu, có những điều con thấy lỗi thời, bảo thủ, khe khắt, nhưng xin Chúa giúp con biết đón nhận trong đức tin, ngay cả trong những điều nhỏ bé nhất. Và xin Chúa giúp tất cả chúng con động viên nhắc bảo nhau trung thành với luật Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC -LM MINH ANH - CN3MC-C


  • LM MINH ANH

     
     

    KHÔNG CHẤP NHẬN MỘT SỰ TỒN TẠI VÔ SINH

        CẢM NGHIỆM SỐNG LC - CN3MC-C

    “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới, ông sẽ chặt nó đi!”.(LUCA 13, 8-9)

    Người La Mã, đôi khi, buộc tù nhân phải đối mặt với một xác chết, và chịu đựng nó cho đến khi mùi thối tử thi huỷ hoại cuộc sống của người tù. Virgil mô tả, “Người sống và kẻ chết đối mặt nhau, tay trong tay… cho đến nghẹt thở vì thối tha, khi tay họ bị trói buộc; những kẻ khốn khổ kéo dài cuộc sống lê thê và chết! Không có Chúa Kitô, chúng ta bị cùm vào xác chết, tội lỗi! Chỉ ăn năn mới giải thoát chúng ta, vì sự sống và cái chết không thể cùng tồn tại vô thời hạn! Cuộc sống lúc bấy giờ không chỉ là ‘một sự tồn tại vô sinh’ nhưng còn là ‘một cái chết chậm!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy, Thiên Chúa chẳng những không chấp nhận cái chết, mà Ngài vẫn ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’ nơi con cái Ngài! Ngài là Đấng xót thương, từ bi, luôn muốn con cái Ngài hoán cải, để nó thực sự tự do và trổ sinh hoa trái!

    Bài đọc Xuất Hành nói đến một cuộc thần hiện, khi Thiên Chúa tỏ mình cho Môisen. Ngài cho Môisen biết, tiếng ta thán của dân đã thấu đến tai Ngài, Ngài sai ông ra trước Pharaô để giải thoát dân khỏi kiếp nô lệ, Ngài ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’ của Israel nơi đất khách quê người. Bởi lẽ, Ngài là Đấng giữ lời hứa, từ bi, rất mực khoan nhân như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót!”. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng ngăn ngừa chúng ta, “hãy ý tứ kẻo ngã”, nghĩa là hãy sống một cuộc sống sinh hoa kết trái.

    Với bài Tin Mừng, cây vả không sinh trái mà ông chủ trong dụ ngôn muốn chặt đi, tượng trưng cho một sự tồn tại vô sinh, không có khả năng cho đi, không có khả năng làm điều thiện! Người làm vườn đứng ra can thiệp, xin ông chủ cho thêm một năm nữa, tượng trưng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’, cũng là Đấng luôn cho con người một cơ hội thứ hai, để mỗi người có đủ thời gian hoán cải. Tất cả chúng ta cần thay đổi, tiến lên một bước. Sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Thiên Chúa đồng hành với chúng ta, bất chấp sự cằn cỗi đang có ở đó. Hãy nhớ, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, Ngài làm tất cả những gì có thể để chúng ta tiến bộ trên con đường hướng tới điều tốt. Việc xin hoãn lại của người làm vườn với kỳ vọng cây vả sẽ sinh trái, cho thấy tính cấp thiết của việc thay đổi!

    Nếu tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cây vả được trồng giữa một vườn nho; nói cách khác, nó được ưu tiên! Đó là hình ảnh linh hồn mỗi người chúng ta. Đất mà chúng ta được trồng xuống là ‘đất xót thương’ của Thiên Chúa. Đây là đất giàu nhất, tốt nhất để có thể sản sinh những hoa trái vốn được mong đợi. Ngài ban cho chúng ta ánh nắng, sương đêm và hơi ấm cần thiết cho sự trưởng thành; bên cạnh đó, Ngài cắt tỉa chăm bón chúng ta bằng ân sủng của Thánh Thần. Vì thế, hãy trở nên mạnh mẽ và tự tin để can đảm ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh!’.

    Anh Chị em,

    Thiên Chúa là Cha, Đấng từ bi nhân hậu! Ngài không thể ngồi yên khi nghe tiếng kêu van của con cái Israel đang sống kiếp nô lệ nơi đất khách quê người; cũng thế, Ngài không ngồi yên khi biết chúng ta, con cái của Ngài đang làm nô lệ cho tội lỗi. Sự nô lệ khiến con tim chúng ta héo hắt và không còn khả năng sinh trái; nói cách khác, chúng ta tồn tại mà vô sinh! “Xin để cho nó một năm nay nữa”; Thiên Chúa là Cha, Đấng từ bi nhân hậu, Ngài kiên nhẫn biết bao và yêu thương chúng ta dường nào, với hy vọng chúng ta sẽ sinh trái. Mỗi ngày, Ngài “cắt tỉa” chúng ta bằng Lời; “bón” chúng ta bằng chính Thịt Máu Chúa Giêsu; “sưởi” chúng ta bằng lửa của Thánh Thần; và “tưới” chúng ta bằng ân sủng của Ngài. Cứ thế, Ngài chờ đợi và tiếp tục chăm bón; bởi lẽ, Ngài ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’ từ linh hồn mỗi người.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con sẽ ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’; để được vậy, xin giúp con cắm rễ thật sâu vào ‘đất xót thương’ của Chúa; giúp con chấp nhận để Chúa cắt tỉa mỗi ngày!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

    --