- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Giang-sinh ‒ Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu là những người nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi
Lễ Giáng Sinh
(25-12-2020)
► Video: https://youtu.be/nKioiUXNq3s
ĐỌC LỜI CHÚA
- Is 9,1-3.5-6:(3) Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, ngọn roi hà hiếp họ, Ngài đều bẻ gãy. (4) Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị Ngài đem thiêu, làm mồi cho lửa.
- Tt 2,11-14:(14) Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
Đức Giêsu ra đời.
Những người chăn chiên đến viếng thăm
(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».
Câu hỏi gợi ý:
- Tại sao Thiên Chúa lại để hoàn cảnh lịch sử gây khó khăn đau khổ cho Giuse và Maria, là những người đang cộng tác vào công việc quan trọng của Ngài? Ngài có thật sự thương các vị ấy không? Sao Ngài lại làm như vậy?2. Tại sao Con Thiên Chúa vô cùng giàu sang lại sinh ra trong cảnh cơ cực, nghèo nàn và nhục nhã đến như vậy? Muốn người mình yêu thương được hạnh phúc nhưng ta không chấp nhận đau khổ cho họ thì có được không?3. Tại sao thiên sứ lại báo tin cho các mục đồng mà chẳng hề báo tin cho các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái? Thiên Chúa hành động ngược đời quá chăng?4. Đối tượng cần được quan tâm phục vụ nhất của những người theo Chúa, những người loan báo Tin Mừng là hạng người nào? Thực tế thế nào?
Suy tư gợi ý:
Sự việc xảy ra trong lịch sử không vượt ra ngoài sự an bài của Thiên Chúa
Việc Đức Giêsu sinh ra ứng nghiệm những lời tiên báo trước đó về Đấng Cứu Thế: Ngài là con người chứ không phải thiên thần (x. St 3,15; Dt 2,16), là người Do Thái, con cháu Abraham, chứ không phải dân tộc khác (St 12,1-3; Ds 24,17), thuộc dòng tộc Giuđa (St 49,10), là con cháu Đavít (2Sm 7,1-17), sinh tại Bêlem (Mk 5,2) bởi một người nữ đồng trinh (Is 7,14).
Sự việc hoàng đế Augúttô ra lệnh kiểm tra dân số khiến Giuse và Maria phải rời Nadarét ở miền Bắc để vào Bêlem, quê hương của Giuse ở miền Nam, để khai tên tuổi xem ra là ý muốn của vị hoàng đế này. Điều này khiến gia đình vừa thành lập của Giuse và Maria phải điêu đứng khổ sở, và Đức Giêsu cũng phải chịu cực theo từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhưng sự việc này không nằm ngoài sự xếp đặt của Thiên Chúa. Ngài là chủ tể của lịch sử, là Đấng điều khiển lịch sử. Nhờ đó, lời tiên tri nói Ngài sẽ sinh ra tại Bêlem mới ứng nghiệm. Ta nên nhận ra thánh ý và cách thế hành động của Ngài qua những biến cố lịch sử.
Qua sự việc trên, ta nhận ra rằng có những sự việc trong đời ta và trong lịch sử có vẻ hết sức phi lý dưới con mắt loài người, nhưng chúng không bao giờ vượt khỏi quyền năng và sự an bài khôn ngoan kỳ diệu của Thiên Chúa. Cũng qua sự việc này, ta thấy cách Thiên Chúa huấn luyện những người mà Ngài đặc biệt yêu thương như thế nào. Gia đình Ngài yêu thương nhất mà còn phải trải qua biết bao thử thách, đau khổ và nhục nhã như thế để được thánh hóa, để góp phần vào công việc cứu chuộc của Thiên Chúa, lẽ nào chúng ta muốn nên hoàn thiện, muốn góp phần vào việc của Ngài lại không phải trải qua đau khổ?
2. Tại sao Đức Giêsu sinh ra nghèo hèn, nhục nhã như thế?
Điều đáng chúng ta suy nghĩ là Ngôi Hai Thiên Chúa giàu sang vinh hiển vô cùng lại hạ sinh làm người trong một hoàn cảnh nghèo khổ, cơ cực nhất trần gian. Ngài đã giáng sinh trong một chuồng súc vật hôi hám, lấy máng ăn dơ bẩn của chúng làm nôi để nằm. Tự đặt mình trong hoàn cảnh của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy nhục nhã lắm! Ngài chấp nhận như thế chỉ vì yêu thương con người, vì muốn nâng con người lên và muốn họ được hạnh phúc.
Thánh Phaolô viết: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9). Thật vậy, muốn tha nhân hạnh phúc mà mình lại không muốn hy sinh, không chấp nhận ít nhiều đau khổ vì họ, thì đó là một ước muốn không tưởng! Muốn nâng người khác lên mà lại cứ muốn trèo lên đầu lên cổ họ là một ước muốn phi lý! Người thật sự theo Chúa không thể hành động ngược lại với phương cách mà Ngài đã dùng. Nếu không theo cách của Ngài, ta chỉ là một kẻ theo Chúa giả hiệu mà thôi.
3. Tại sao các mục đồng lại được loan báo đầu tiên?
Tại sao tin mừng về việc Đức Giêsu sinh ra lại được loan báo trước tiên cho các mục đồng chứ không phải là các thượng tế, giới chức sắc và kinh sư trong tôn giáo? Đúng ra giới lãnh đạo Do Thái giáo phải được loan báo tin này trước nhất mới phải chứ? Thiên Chúa không hành động như thế. Các mục đồng tượng trưng cho giai cấp thấp hèn nhất, bị bỏ rơi nhất trong xã hội và tôn giáo. Điều này cho thấy trước rằng sứ mạng của Đức Giêsu là đến vì những người nghèo khổ, bị áp bức, những kẻ thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội…
Tin Mừng Ngài đem đến là thứ tin mừng giải phóng, chỉ những ai đang bị áp bức, bị giam hãm trong đau khổ, tội lỗi, mới cần được giải phóng. Vì thế, nó phải được loan báo đặc biệt ưu tiên và trước tiên cho những hạng người này. Cũng như Đức Giêsu, các ngôn sứ đích thực đều ưu tiên phục vụ, tranh đấu, lên tiếng bênh vực những người nghèo hèn, bé mọn hoặc tội lỗi. Hành động như thế thường gây bất lợi cho giới cầm quyền trong xã hội cũng như tôn giáo, vì thế các ngôn sứ thường bị họ căm ghét, mạ lị và bách hại (x. Lc 6,23).
Chỉ có các ngôn sứ giả mới ưu tiên phục vụ những kẻ giàu sang, quyền thế, nhờ vậy mà họ được giới này ca tụng và ưu đãi (x. Lc 6,26). Họ chỉ muốn phục vụ cho cơ cấu hay tập thể đang đem lại địa vị, sự ưu đãi và quyền lợi cho họ. Phục vụ Thiên Chúa hay phục vụ tha nhân nhiều khi chỉ là chiêu bài họ dùng để được quần chúng ủng hộ mà thôi. Họ chỉ quan tâm phục vụ và củng cố những cơ cấu đem lại lợi ích trần tục cho họ, chứ không thật sự quan tâm phục vụ Thiên Chúa hay những người cùng khổ. Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả khác nhau ở điểm này, mặc dù bên ngoài họ không mấy khác nhau.
Tuy nhiên phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả rất dễ, chỉ cần nhìn vào việc làm hay cách hành xử của họ là nhận ra ngay. Đức Giêsu nói: «Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18). Những ai chỉ ưu đãi hoặc coi trọng những người giàu sang quyền thế, đồng thời coi thường hay bạc đãi những người nghèo hèn khốn khổ, chắc chắn không thể là một ngôn sứ đích thực.
Ngôn sứ thật thì hành động như Đức Giêsu: luôn luôn dành thì giờ và năng lực của mình ưu tiên cho những người bé mọn, hèn kém, đau khổ. Tâm tư Ngài lúc nào cũng hướng đến hạng người này, luôn tìm cách nâng đỡ, bênh vực họ. Dấu hiệu để nhận ra Ngài có phải là Đấng Cứu Thế hay không, được chính Ngài xác nhận: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,5-6). Ngài thường tự đồng hóa mình với người nghèo hèn đau khổ, đến nỗi ai làm gì cho những người này là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,40.45).
Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải yêu thương người nghèo như một điều kiện tiên quyết phải có để theo Ngài và để có sự sống đời đời: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,16.21; x. Mc 10,17.21). Các ngôn sứ đích thực xưa nay đều có tinh thần ấy. Trong thời đại chúng ta, vẫn luôn có những con người như Martin Luther King (Mỹ da đen), ĐGM Oscar Romero (Salvador), LM Jerzy Popieluszko (Ba Lan)… Các vị này đã coi việc bênh vực người nghèo, người bị áp bức quan trọng hơn cả sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống mình. Họ chính là gương mẫu của những người theo Chúa đích thực.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu đã sinh ra nghèo hèn, đã sống như người nghèo, đã chịu biết bao đau khổ, đã bị bách hại áp bức. Ngài đã yêu thương người nghèo khổ, tội lỗi, đã ưu tiên dành thì giờ và sức lực để phục vụ họ. Con là một Kitô hữu, một người muốn theo Ngài. Xin giúp con nhận thức được rằng, theo Đức Giêsu không phải chỉ là lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức hay bất kỳ bí tích nào khác. Không phải chỉ là vào một hội đoàn, một dòng tu hay chủng viện. Cũng không phải chỉ là làm một giáo dân, linh mục hay tu sĩ, v.v… Mà là sống theo tinh thần của Ngài, tức tinh thần từ bỏ mình, quên mình, để xả thân cho anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, nghèo hèn, thấp cổ bé miệng. Chính Đức Giêsu là gương mẫu cho con về tinh thần này, suốt từ khi sinh ra nghèo hèn đến khi chết thê thảm trên thập giá. Xin giúp con bắt chước Ngài, sống đúng tinh thần của Ngài.
Nguyễn Chính Kết
Posted by Nguyen Chinh Ket at 4:53 PM
Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest
No comments:
Post a Comment
Newer Post Older Post Home
Subscribe to: Post Comments (Atom)
Chia sẻ
http://1234chiase.blogspot.com
Blog Archive
Chia sẻ
1234chiase.blogspot.com
Simple theme. Powered by Blogger.