3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - THỨ BA CN5TN-C

12.02.19

THỨ BA TUẦN 5 TN

SÔNG VÀ CHIA SẺ TIN MỪNG Mc 7,1-13

THỜ PHƯỢNG CHÚA THEO CÁCH CHÚA MUỐN

“Dân này tôn kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”(Mc 7,6-7)

Suy niệm:1/ Trong một vở kịch của G. Marcel có tình huống: một người vợ dự định tặng cho chồng món quà sinh nhật là một đôi giày thật đẹp. Chẳng may anh chồng bị tai nạn phải cưa mất đôi chân.

2/ Chị vợ vẫn nhất quyết giữ ý định cũ của mình bất chấp giờ đây chồng mình không còn chân để đi giày nữa. Đôi giày thay vì là một món quà đem lại niềm vui hạnh phúc thì lại trở thành một sự xúc phạm nặng nề.

3/ Cách giữ luật theo kiểu người Pha-ri-sêu cũng thế. Thay vì thờ phượng Chúa bằng cuộc sống “công bình, nhân ái và thành tín” như Ngài mong muốn (Mt 23,23) thì họ chỉ dành cho Ngài những lời lẽ ngoài môi miệng và tuân giữ“những giới luật phàm nhân.” Như thế không phải là xúc phạm nặng nề đến Chúa hay sao?

Mời Bạn CHIA SẺ: BẠN có thực sự thờ phượng Chúa đúng như lòng Chúa mong muốn không? TÔI không thiếu những nghi lễ long trọng nhưng TÔI đã sống công bình và nhân ái chưa?

Liệu BẠN đã đồng cảm với những người khổ đau, nghèo đói? Liệu TÔI đã bênh vực, chia sẻ với những người đang chịu bất công, bị loại bỏ bên lề xã hội? Nếu chưa sống như thế, chúng ta mới chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng, chưa đúng như lòng Chúa mong muốn.

Sống Lời Chúa: Xem, xét, và làm một việc theo tinh thần Tin Mừng để chia sẻ với người đau khổ sống bên cạnh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, không viện lý do này khác để tránh né việc thực thi công bằng và nhân ái.

 gpmytho

--------------------------------------

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA- CN5TN-C

“ĐỪNG SỢ ! TỪ NAY ANH SẼ LÀ KẺ ĐÁNH LƯỚI NGƯỜI TA“

Thưa quý vị, thưa các bạn, bờ hồ Gennesaret là thuật ngữ “riêng biệt” theo thánh sử Luca, thật ra bờ hồ Gennesaret (Ghên-nê-xa-ret ) có nghĩa là “ngôi vườn đẹp”, chính là hồ Galille, hay hồ Tiberias, là hồ nước ngọt lớn nhất Nước Dothai, nằm gần Caphacnaum.

Hồ Gennesaret  (Lake of Genesaret ) là đia danh thời Tân Ứoc, thánh Luca muốn dùng từ mới đề nhắc đến thời Tân Ứơc, thời Chúa Giêsu. Vì thế, Đoạn Tin Mừng ( Lc 5 , 1- 11) hôm nay, cũng là Đoạn Tin Mừng “Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên”, Tin Mừng Nhất lãm đều ghi lại sự kiện nầy, nhưng thánh Luca có cách tường thuật “riêng biệt”, chi tiết hơn. Vì vậy, khi đọc Đoạn :” Hãy chèo ra chổ nước sâu, mà thả lưới , bắt cá”, thì chỉ có duy nhất ở (Lc 5, 4)

Nội dung Lời Chúa hôm nay ai cũng biết, nằm ở giai đoạn đầu tiên của thời kỳ Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng công khai của Người, Người gọi bốn môn đệ đầu tiên, nhưng thực ra theo thánh Luca không nhắc đến tên thánh Anre , là anh thánh Simon ( Phêrô).

Qua nghề chài lưới của các người ngư phủ miền Galillê, Chúa Giêsu đã thánh hóa họ và đặt họ trở nên những người chài “ lưới thiêng liêng”, cộng tác với Chúa để “ CỨU ĐỘ” nhân loại.

Với hình ảnh thực tế, là nghĩa đen, với kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng các ông không thể đánh cá để có cá, thì trình độ học vấn ở đâu, mà các ông có thể “ đánh lưới người ta” là Cứu độ nhân loại. Nhưng, có Chúa Giêsu, từ sự “ vâng lời” của Simon , ông đã trở thành Phêrô, để sau nầy ông sẽ trở thành Tông Đồ trưởng của “ Con Thuyền Hội Thánh”.

Chúng ta thấy, Thiên Chúa làm được mọi sự Người muốn, qua công việc đánh cá nghĩa đen, Người cho các ông một “ mẻ cá lạ lùng”. Cá tượng trưng cho nhân loại, biển hồ tương trưng cho sự sống trong bầu trời, đánh cá là “ thu phục “ nhân tâm nhân loại.

Nhân loại “ tập trung “  nơi “ nguy hiểm”, rủi ro, nơi mà họ cho là “ dễ sống”, vì thường theo số đông, “ ai sao, tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo”. Đó là tâm lý phàm nhân, Chúa Giêsu là “ Nhà Sư Phạm “ của Thiên Chúa, nhà tâm lý học kiệt xuất, Người đã hướng dẫn các ông qua mẻ lưới lạ : “ Hãy ra chổ nước sâu mà thả lưới”, thì Simon , “ vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Chúng ta thấy , điều kỳ diệu đã xảy ra.

Mục đích của Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Cứu Độ, không phải “ ngư phủ” để sinh nhai. Qua hình ảnh “ chổ nước sâu”, cho chúng ta một bằng chứng cụ thể, một triết lý cao siêu, không phải của “ tay ngư phủ” nào đó, mà là một Ngôi Vị Thiên Chúa yêu thương con người hết tình, hết sức.

Ý nghĩa vật lý “chổ nước sâu”, qua hơn hai ngàn năm, biết bao con người phân tích , nghiên cứu, đưa ra nhiều lý luận. Nhưng, ý nghĩa “ vật lý thiêng liêng”, đó là sự vâng lời của Phêrô, trong mầu nhiệm cứu độ nhân loại của Thiên Chúa ” bất chấp “ nguy hiểm rủi ro, mới đem lại kết quả của công việc tông đồ.

Ngày nay, việc đánh bắt cá có nhiều phương tiện hiện đại, có nhiều phương pháp khoa học, nhưng, ra “ chổ nước sâu, mà thả lưới” vẫn là “ phương pháp tối ưu “ , vì đó là “ Phương pháp của Thầy Giêsu”, vì không ai đánh cá gần bờ,mà bắt được nhiều cá.

Câu nói nầy, ngụ ý nhiều ý nghĩa triết lý, như : “Hữu khổ thành thân, hữu chí tất thành”. Hay là:” Có chí thì nên “. “ Có công mài sắt , có ngày nên kim”.

Ý nghĩa thứ hai của Tin Mừng hôm nay :

 Chúa Giêsu kêu gọi mọi người trở nên môn đệ của Người, nhưng những người được gọi theo sát Chúa, trở nên tông đồ theo nghĩa đen , muốn vậy cần có điều kiện  : “vâng lời không do dự”. Vì, vâng lời là đức tính của “ đức tin”, “ Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”, đó là điều kiện cần và đủ cho người tông đồ.

Qua Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy thật thú vị, qua hai lần “ đối đáp” giữa Chúa Giêsu và Simon, chúng ta thấy, Chúa Giêsu nâng đỡ ông “ tối đa” và người không bỏ rơi ông. Sự hỗ trợ của Chúa Giêsu và Phêrô cho chúng ta một “sự hy vọng “ tuyệt đối vào Chúa Giêsu.

  • Lần thứ nhất : Chúa nói :” Hãy ra chổ nước sâu mà thả lưới bắt cá” ( Lc 5, 4), ông Simon nói : “ Vâng lời thầy , con sẽ thả lưới” ( c 5)
  • Theo đó, điều kiện để đón nhận ơn Chúa là : “ Vâng lời Chúa”, muốn Lời Chúa trở nên ân sủng cho chúng ta, thì chúng ta phải thực thi Lời Chúa.
  • Lần thứ hai : Ông Simon nói : “ Lạy Chúa , xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” ( c 8) , nhưng, Chúa nói : “ Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta “ ( c 10).
  • Như vậy, sự khiêm nhường, nhận mình là kẻ hèn yếu tội lỗi là điều kiện để được Chúa ban ơn “ kêu gọi” cho mình để được bước theo Người.
  • Chúng ta thấy, khác với Cựu Ứớc, Tân Ứơc được chính Ngôi Vị Thiên Chúa kêu gọi trực tiếp, Thiê Chúa đã trở nên hữu hình là như vậy.

Qua đó, muốn Lời Chúa có hiệu quả cho đời sống người Kitô hữu, chúng ta phải cần có “ điều kiện “ đáp trả tức vâng lời “ tuyệt đối” vào Chúa và thi hành Lời của Người một cách phó thác và tin tưởng vào Người. Như vậy, khi chưa thành công, chúng ta đừng nãn lòng, nhưng hãy cầu xin Chúa đến giúp chúng ta, là khi cầu nguyện bằng Lời Chúa, lắng nghe Ý Ngài và vâng lời thực thi.

Lạy Chúa Giêsu, khi trong cuộc đời chúng con gặp sóng gió, hay đen tối mịt mù bủa vây, hay chưa thành công trong công việc sinh kế, hoặc tông đồ. Xin cho chúng con nhớ mà kêu lên : “ Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con !”, trong lúc ấy, xin cho con biết lắng nghe Ý Chúa, và đáp trả chân thành, hầu thưa lên : “ Vâng Lời Thầy, con sẽ thả lưới “ ./. Amen

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi.

10 /02/2019

P. Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - THỨ NĂM CN4TN-C

07.02.19

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Mồng Ba Tết, thánh hoá công ăn việc làm

Mt 25,14-30

BIẾT LÀM SINH LỢI NÉN BẠC CHO CHÚA

 

“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)

Suy niệm/SỐNG: 1/ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là chủ tể muôn loài muôn vật, còn chúng ta là tạo vật và tôi tớ của Ngài. Ngài là toàn năng và nhưng cũng đầy yêu thương. Ngài biết rõ khả năng của từng tôi tớ, và trao ban cho họ tùy theo năng lực.

2/ Ngài không bao giờ buộc con người phải vượt quá khả năng của mình. Ngài trao cho họ số vốn liếng đó là: đức tin, sức khỏe, tài năng, nghị lực, tiền của, công việc, và cả thời giờ và cơ hội... Dù sự trao ban có khác nhau, nhưng Chúa muốn mỗi người phải cố gắng hết mình để sinh lời tùy theo bậc sống và hoàn cảnh của riêng mình.

3/Sự hiện hữu của mỗi người và tất cả những gì mình đang có: sức khoẻ, tiền của, tài năng, thời giờ và cả cuộc sống của mỗi người đều là những “yến bạc” Chúa ban mà chúng ta phải sử dụng để làm vinh danh Chúa và nhờ đó đạt tới sự sống đời đời.

Mời Bạn CHIA SẺ: 1/ Mọi sự đều là hồng ân Chúa ban. Một khi đã nhận lãnh tất cả từ nơi Chúa thì phải biết cho đi cách quảng đại chứ đừng bo bo ích kỷ mà không dám dân thân phục vụ.

2/ Chỉ khi sẵn sàng đem những “yến bạc” Chúa trao cho để đem ra chia sẻ cho anh em thì những “yến bạc” đó mới sinh lợi được.

Sống Lời ChúaLuôn có thái độ ôn hoà nhã nhặn, vui lòng chịu “làm phiền” khi phục vụ những người mà mình có bổn phận chăm sóc.

Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng con người năm nén, kẻ hai nén, người một nén. Tất cả đều do ân ban và sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY chúng con biết làm lợi cho Chúa, cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, VÀ cho mọi người . Amen.

----------------------------------

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - THỨ SÁU CN4TN-C

5 phút Lời Chúa 

08.02.19

THỨ SÁU TUẦN 4 TN

Thánh Giô-sê-phi-na Ba-khi-ta, trinh nữ

TIN MỪNG Mc 6,14-29

ĐỪNG “CHÉM” LƯƠNG TÂM!

 

“Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!’’ (Mc 6,16)

Suy niệm: Bộ Tam Quốc Chí thuật chuyện Tào Tháo bị ảo giác trước khi chết: ông thấy oan hồn những người đã bị ông ám hại, nay hiện về đòi mạng. Dưới góc độ tâm lý học, nỗi ám ảnh như thế là hậu quả của tiếng lương tâm suốt đời bị bóp nghẹt nay vùng dậy như một tiếng kêu gào, đòi chủ thể của nó phải trả món nợ trách nhiệm về những sai trái ông đã gây ra. Gio-an Tẩy Giả chính là đại diện cho tiếng nói lương tâm.

Lời của ông là lời của công lý, nhà vua “rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.” Thế nhưng dục vọng đã khiến tiếng nói ấy bị bóp nghẹt, nhà vua “nhắm mắt đưa chân” làm điều xằng bậy và cuối cùng “tay cũng nhúng chàm” sát hại con người dám can gián ông và nói cho ông điều hay lẽ phải.

Chém đầu Gio-an là Hê-rô-đê “chém” chính lương tâm của mình. Không lạ gì một người độc ác như ông lại bị ám ảnh sâu xa bởi cái chết của Gio-an Tẩy Giả đến thế.

Mời Bạn CHIA SẺ: Chẳng có ai nội trong một sớm một chiều “chém đầu” lương tâm. Ngay từ đầu người ta cũng “thích nghe” tiếng lương tâm đấy chứ! Thế nhưng chỉ vì người ta đã “phân vân”, do dự, thoả hiệp với sự ác thay vì mau mắn quyết liệt và triệt để nghe theo lẽ phải mà người ta đi dần đến chỗ “bịt miệng”, “bỏ tù” lương tâm.

Từ đó đến chỗ “xử trảm” lương tâm nào có còn bao xa! Phần bạn, có khi nào bạn đã “chém đầu” tiếng lương tâm của mình chưa? Bạn ơi, ngày hôm nay nếu bạn nghe tiếng Chúa, bạn đừng cứng lòng, bạn nhé! (x. Tv 94).

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm đời sống để bồi dưỡng lương tâm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY CON biết đào luyện và nghe theo tiếng lương tâm trong con.

 gpmytho

------------------------------------------

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA- CN4TN-C

03.02.19

CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – C

Lc 4,21-30

LỜI CHÚA: KIM CHỈ NAM

 

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21)

Suy niệm: Đức Giê-su nói với người đồng hương Na-da-rét những điều Người tâm đắc nhất:Người đến để lo cho người khốn khổ, nghèo hèn như lời ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo. Dân chúng một mặt thì thán phục vì “những lời hay ý đẹp từ miệng Ngài nói ra”, mặt khác lại mang nặng thành kiến về Ngài là “con bác thợ mộc Giu-se” trong làng mà họ biết rõ. Trước những ý kiến trái chiều về Ngài, Chúa Giê-su cho biết không thể dựa vào cảm tính cá  nhân hay định kiến xã hội mà phải dựa vào Lời Chúa là kim chỉ nam để phân định và nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a mà các ngôn sứ đã tiên báo: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Mời Bạn: Qua bao thế hệ, Lời Chúa vẫn luôn sống động, nhưng chúng ta có lắng nghe và đón nhận Lời đang ứng nghiệm ngay hôm nay trong cuộc sống của chúng ta? Hay chúng ta như dân làng Na-da-rét xưa, thờ ơ, lãnh đạm không nhận biết Lời Chúa đang nói với mình trong đời sống hằng ngày để làm cho Lời ấy sinh hoa kết trái và lan tỏa yêu thương cho những người chung quanh. Mỗi người hãy tự hỏi lòng mình: mỗi lần nghe Lời Chúa, tôi thấy nhàm chán hay sẵn sàng mở lòng lắng nghe và đón nhận để Lời Ngài “ứng nghiệm” trong cuộc đời của chúng ta?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa hãy tự nhủ rằng: đây là Lời Chúa đích thân nói cho riêng cho chính tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa nối dài qua muôn ngàn thế hệ đến với con trong ngày hôm nay. Ước chi những khi chúng con lắng nghe Lời Chúa chúng con được tác động sâu xa và Lời trở thành kim chỉ nam cho đời sống của con. Amen.

 

 

 gpmytho

Subcategories