3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    11/07/22 THỨ HAI TUẦN 15 TN
    Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ
    Mt 10,34-11,1

     
    ĐẶT CHÚA HÀNG ĐẦU
     
    “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” (Mt 10,37)
     

    Suy niệm/SỐNG: Gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Đó là nơi họ được nuôi nấng và dạy dỗ với lòng yêu thương.

      Đó là nơi họ nhận lãnh nguồn động viên, khích lệ và lời cầu nguyện để bước đi trên đường đời.

      Tuy nhiên, Chúa muốn những kẻ theo Chúa phải đặt tình yêu dành cho Chúa ưu tiên hơn tình yêu dành cho gia đình. Kỳ thực, khi mối bận tâm dành cho gia đình ở vị trí thứ yếu so với việc làm môn đệ Chúa, thì người ta mới biết cách yêu thương gia đình mình. Ai thực sự yêu mến Chúa, người ấy mới thực sự yêu thương gia đình, như C.S. Lewis diễn tả:

      “Tình yêu dành cho Chúa Giê-su phải đứng hàng đầu, nhờ đó bạn càng yêu thương hơn nữa những người mà bạn quí nhất”.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Khi đặt Chúa Giê-su ở vị trí số một, thì người ta sẽ đặt gia đình ruột thịt của mình vào trong một gia đình rộng lớn hơn

    – đó là gia đình đức tin của những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Như vậy, cha mẹ, con cái là đàn chiên của Chúa; và bạn được mời gọi nâng đỡ thân quyến mình để họ cũng trở nên những môn đệ của Người.

     

    Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi dành thời gian xét lại lựa chọn căn bản của đời mình để một lần nữa đặt Chúa Giê-su lên trên gia đình máu mủ.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con tháo gỡ những ràng buộc thái quá với gia đình vốn dĩ xích chân con bấy lâu nay. Nhờ đó, con được tự do để tận hiến đời mình cho Chúa và để thực sự yêu thương người thân cận như ý Chúa muốn. Amen.

     gplongxuyen

     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - CN15TN-C

  •  LM MINH ANH -HUẾ
     
     
    CHÚA NHẬT XV Thường Niên, Năm C  -  Đnl 30, 10-14  -  Cl 1, 15-20  -  Lc 10, 25-3
     

    PHÍA BÊN NÀY CÕI VĨNH HẰNG

    “Hãy đi và làm như vậy!”.

    Đến St. Louis, MO, bạn có thể thăm “Gấu Cười”, một tiệm bánh nổi tiếng của bà McAllister, cựu tuyên uý nhà tù. Điều đáng nói là, ai muốn xin việc, phải có hồ sơ “đã bị tù!”. Bởi lẽ, khi còn là tuyên uý, McAllister đã hiểu được một ước nguyện chung hết sức lạ lùng của tù nhân; họ không muốn ra tù, vì biết sẽ không kiếm được việc làm! Vì thế, không cần biết họ là ai, đã làm gì, bà chỉ cần họ hướng đến một tương lai hy vọng. Bà không nhận lương, phần thưởng của bà là các nhân viên tìm lại được cuộc đời. Bà mở rộng vòng tay để nhiều người có một cơ hội thứ hai!

    Kính thưa Anh Chị em,

    McAllister đã “đi” và “làm” như lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, “Hãy đi và làm như vậy!” khi Ngài trả lời cho một người thông luật hỏi Ngài, “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Câu trả lời sau cùng của Chúa Giêsu đưa chúng ta về với một sự thật; đó là, chất lượng cuộc sống vĩnh cửu của tôi tương ứng với chất lượng tình yêu của tôi, thể hiện qua những việc tốt lành tôi làm ‘ở đây, bây giờ’, ‘phía bên này cõi vĩnh hằng!’.

    Linh hồn là thiêng liêng, khao khát của nó là vô biên! Và dẫu biết điều kiện để có hạnh phúc vô biên là kính mến Chúa, yêu thương người, nhưng nhà thông luật vẫn muốn mặc cả với Chúa Giêsu về nan đề giới răn thứ hai, “Ai là người thân của tôi?”. Để trả lời ông, Ngài kể dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu; và kết luận, “Hãy đi và làm như vậy!”. Như thế, với Ngài, cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu từ công lao của mỗi người ngay hôm nay; và chất lượng cuộc sống vĩnh cửu sẽ tương ứng với chất lượng yêu thương của việc họ làm ‘phía bên này cõi vĩnh hằng!’.

    Như việc yêu Chúa và thương người không thể tách rời nhau; hạnh phúc vĩnh cửu mai ngày và bác ái hiện tại của mỗi người cũng không thể tách rời nhau, vì “Đức tin không việc làm là đức tin chết!”. Với mệnh lệnh gọn ghẽ, “Hãy đi và làm như vậy!”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, bằng cách yêu thương như người Samaritanô yêu thương, chúng ta, dù đang ở thế gian, vẫn đang trên đường dẫn đến thiên đàng mai ngày, một cuộc sống không bao giờ kết thúc; đó là một cuộc sống đáng khao khát, đáng trải nghiệm và tất nhiên, đáng sở hữu!

    Trong cuộc sống, Thiên Chúa thường đặt chúng ta vào những tình huống thách thức; Ngài biết chúng ta khao khát sự sống vĩnh cửu, nhưng cũng biết, đường dẫn đến sự sống đó là đường của tình yêu thanh tẩy, kéo dài, đòi hỏi cả con người và cuộc sống. Vì thế, Ngài mời chúng ta dõi bước theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã đi. Thư Côlôssê hôm nay viết, “Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất”. Như vậy, rõ ràng, đường Ngài đi là đường thập giá; mỗi thập giá nhắc nhở chúng ta về tình yêu tự hiến ở ‘phía bên này cõi vĩnh hằng’ vốn là lối dẫn đến sự sống đời đời. Ngài là Lời, Đấng ban Lời; sách Đệ Nhị Luật hôm nay nói, “Lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.   

    Anh Chị em,

    “Hãy đi và làm như vậy!”; một mệnh lệnh, hai động từ! “Đi và làm”, buộc chúng ta suy nghĩ! “Đi!”, đi đâu? Đi về Nhà Cha, một con đường chông gai, nhiều cạm bẫy và thách đố, nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đích thực; con đường thanh tẩy, kéo dài, đòi hỏi cả ý chí, niềm tin và cả cuộc sống. Không chỉ “đi”, chúng ta còn phải “làm”, làm gì? Làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn, bất kể đấng bậc, bất kể chức vụ, bất kể hậu quả ra sao! Chất lượng tình yêu trong trái tim khi làm điều Chúa muốn quan trọng hơn cả! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên một Samaritanô, giúp anh chị em mình “hướng tới một tương lai hy vọng”; giúp họ “tìm lại cuộc đời”; “mở rộng vòng tay để họ có một cơ hội thứ hai!”. Hãy để trái tim nóng bỏng yêu thương của bạn hiện diện trên đôi tay, trên ánh mắt, trên nụ cười… bao lâu còn kịp, khi chúng ta còn ở ‘phía bên này cõi vĩnh hằng’ mà mắt và lòng luôn hướng về cõi vĩnh cửu! Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin dạy con biết chuẩn bị cho mình phần phúc mai ngày khi còn ở ‘phía bên này cõi vĩnh hằng’; cho con biết cúi xuống phục vụ Chúa, Đấng đang ở trong anh chị em con!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐBĐM - CN15TN-B

LUẬT SAMARITANÔ

(Chúa Nhật XV TN C)

Câu chuyện kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên trường y đang học năm cuối chương trình y khoa một lần kia chứng kiến một người đứng tuổi mập mạp đang trong cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần phải có một tiểu phẩu nhỏ nơi cổ nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân kịp thời trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo tiếng lương tâm mà làm tiểu phẩu trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm tiểu phẩu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện làm xôn xao dư luận, trở thành đề tại “hot” và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà trường cũng như bị liên lụy trách nhiệm đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra một luật để bào chữa đó là luật Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên được tòa tuyên vô tội.

Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại”(Rm 13,10). Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con. Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả”(Tb 4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này đến tận cùng với chiều kích tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong Luật đã viết những gì thì vị thông luật đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới luật yêu tha nhân như chính mình.

Cựu Ước ghi rõ là phải yêu người thân cận như chính mình. Thế thì ai là người thân cận của chúng ta? Hạn từ người thân cận dường như giả thiết một sự giới hạn nào đó cả về mối tương quan cũng như điều kiện hoàn cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế đến là là mối tương quan màu da quốc tịch… Và chắc chắn kẻ thù không hề có trong phạm trù người thân cận. Chúng ta nhận ra điều này khi họ được dạy rằng “hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).

Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân cận đến tất cả mọi người, không trừ ai. Người lại còn khẳng định tính tất yếu và vô điều kiện của giới luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật của nghi lễ tế tự như trường hợp vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng, khôn ngoan cần có như trường hợp của vị trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể, khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự hỏi tôi là người thân cận của những ai. Chúng ta phải trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần đến lòng xót thương, ngay ở đây và lúc này.

Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời kinh “mười bốn mối thương người”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta….Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không choTa ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã không cho mặc…”(Mt 25,31-46).

“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là người thân cận của ai đây? Không phải ở đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này, lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót, sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên, chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 

n

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 15 Thường Niên C

Video Player
 
00:00
 
33:50
 
 
 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - CN15TN-C

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    10/07/22 CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – C


    TIN MỪNG Lc 10,25-37

     
    NHÂN HẬU LÀ BIẾT THƯƠNG XÓT
     
    “Ai là người thân cận với người với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?… Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” (Lc 10,36-37)
     

    Suy niệm/SỐNG: Trong bối cảnh người Do Thái và cư dân miền Sa-ma-ri đang coi nhau như thù địch, dù họ có chung một tổ phụ, Chúa Giê-su đưa ra câu chuyện một người Sa-ma-ri để làm mẫu gương về lòng nhân hậu.

       Trong khi những bậc chức sắc của đạo Do Thái nhắm mắt làm ngơ trước người bị cướp trấn lột, và bị đánh đập nằm bên đường “dở sống dở chết” thì một người Sa-ma-ri đi ngang qua, gạt bỏ mọi định kiến, chỉ thấy trước mắt mình đây là một người anh em đáng thương, đang cần được giúp đỡ.

       Bất chấp nguy hiểm, ông dừng lại, và ngay lập tức, ông có những hành động cụ thể để sơ cứu, và còn gửi nạn nhân ở lại nơi quán trọ để tiếp tục chăm sóc.

     

    Mời Bạn CHIA SẺĐể trả lời cho câu hỏi của người thông luật: ai là người thân cận mà ta phải yêu thương, Chúa Giê-su kể câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu với lời kết: “Hãy đi và làm như vậy.”

      Nhân hậu là biết xót thương không chỉ bằng lời lẽ mà bằng việc làm cụ thể. Một chút lắng lòng xem ta có dám trả giá khi chọn lựa làm điều tốt?

      Có dám tháo dỡ mọi rào cản của tự ái, sự thù hận để yêu thương và giúp đỡ anh chị em?

      Có dám gánh cịu những phiền toái, hệ luỵ, thậm chí những thiệt thòi khi dấn thân phục vụ tha nhân?

     

    Sống Lời Chúa: Chuyên cần “làm việc thiện, không sờn lòng nản chí” (x. 2Tx 3,13), đặc biệt, đối với người mình không mấy thiện cảm.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa luôn dùng mọi cách dạy chúng con sống yêu thương để trở thành chứng nhân của lòng thương xót Chúa ở giữa thế gian. Amen.

     gplongxuyen

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ BẢY

  •  
    Chi Tran

     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    09/07/22 THỨ BẢY TUẦN 14 TN
    Th. Zao Rong, linh mục và các bạn tử đạo


    TIN MỪNG Mt 10, 24-33

     
    TRÒ KHÔNG HƠN THẦY
     
    Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” (Mt 10,29-30)

    Suy niệm/SỐNG: Khi sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đồng thời cũng cảnh báo về khó khăn mà họ phải đương đầu. Bởi môn đệ không thể hơn thầy.

     

    Nếu Đức Giê-su, Thầy của họ, mà còn bị người ta xử tệ, xuyên tạc là bị quỷ ám, là Bê-en-dê-bun, huống chi là môn đệ. Vì thế, khi tiên báo như vậy, Chúa Giê-su muốn các Tông đồ xác định trước lập trường để dấn thân. Và phải biết mình đi trong tình trạng khẩn nguy như “chiên con đi giữa bầy sói” (Mt 10,16).

      Nhưng trong mọi thử thách ấy, người môn đệ luôn được Thầy bảo đảm cho rằng: không bao giờ họ bị diệt vong, và không ai cướp được họ khỏi tay Chúa Ki-tô – vị Mục tử nhân lành (x. Ga 10,28). 

      Thậm chí là tóc trên đầu của họ cũng được Chúa Cha gìn giữ. Vậy nên, điều Chúa Ki-tô muốn là người môn đệ hãy an tâm ra đi và đừng sợ hãi.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Chúa Giê-su biết trước những khó khăn mà người môn đệ phải đối diện khi ra đi rao giảng Tin Mừng;

       Cũng như chính Ngài, thập giá là giải pháp duy nhất để thực hiện chương trình cứu độ Chúa Cha giao phó, và đó cũng là con đường dẫn Ngài về với Chúa Cha. Và môn đệ không thể hơn thầy.

       Vậy, bạn có xác định được lối đi của mình khi chọn theo Chúa Ki-tô chưa?

     

    Sống Lời Chúa: Hãy sẵn sàng với những khó khăn của ngày hôm nay, bởi ngày nào có cái khổ của ngày đó.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, con tin rằng Chúa không bỏ con mồ côi. Xin cho con dám sống điều con tin. Amen.

     gplongxuyen

     
     

Subcategories