3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC -LM MINH ANH - THỨ TƯ

  •  SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
    LM MINH ANH
     
     
     
    Thứ Tư, Tuần XVI Thường Niên, Năm Chẵn
    -  Gr 1, 1. 4-10  -  Mt 13, 1-9

     

    ĐẤT TRŨNG

    Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!.

    Một thần học gia nói, “Chúa ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, Ngài không muốn bạn tìm Ngài ở mọi nơi mà chỉ trong Lời. Hãy tiếp cận nó và bạn sẽ gặp được Ngài ở khắp mọi nơi! Bằng không, bạn cám dỗ Thiên Chúa để thiết lập việc thờ ngẫu tượng. Hãy tìm Ngài trong Lời! Nhưng tâm hồn bạn phải thật khiêm tốn, nó là mảnh đất giàu, màu mỡ; đất giàu thường là vùng ‘đất trũng!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Tâm hồn bạn phải thật khiêm tốn; đất giàu thường là vùng ‘đất trũng!’”. Lời khuyên thiết thực của nhà thần học kia được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Để Lời Chúa có thể đâm chồi, tâm hồn chúng ta phải là một vùng trũng! ‘Đất trũng’, nơi nguồn nước tụ lại, ắp đầy phù sa; cũng thế, với một tâm hồn trũng, con người trống rỗng sẵn sàng mở ra cho ân sủng. Được như thế, Lời Chúa sẽ có cơ may lớn lên, sinh hoa kết quả, “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi!”.

    “Đôi tai” Chúa Giêsu nói đến ở đây mang nhiều ý nghĩa hơn đôi tai thể lý! Ngài đang nói về đời sống nội tâm; qua đó, chúng ta nghe, hiểu, chấp nhận và chọn thánh ý Ngài. Chúa Giêsu ban Lời cho chúng ta bằng nhiều cách; nhưng liệu chúng ta có lắng nghe và sẵn sàng để Lời Ngài thấm nhuần không! Chỉ khi chăm chú vào Lời, chúng ta mới có thể nắm bắt được ý muốn của Thiên Chúa, “Đấng ở khắp mọi nơi”. Thật không dễ để tâm hồn là một mảnh đất giàu; đất khô, gai gốc, nhiều đá và cứng cỏi… sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng để nuôi dưỡng một tâm hồn giàu có thực sự, đất ở đó cần rất nhiều chăm sóc. Vậy làm thế nào để điều này được thực hiện?

    Một trong những điều quan trọng bậc nhất để có một mảnh đất giàu cho tâm hồn, là chúng ta phải tìm kiếm sự khiêm tốn. Khiêm tốn, cuối cùng, là nhìn thấy sự thật chúng ta là ai, một tội nhân! Và đặc biệt, thấy được sự cấp thiết của ân sủng Chúa! Tâm hồn khiêm tốn thừa nhận rằng, sẽ bất lực nếu không có ân sủng; đất nội tâm sẽ khô cằn nếu không có phù sa. Thế mà như phù sa chỉ đọng lại vùng ‘đất trũng’; ân sủng cũng chỉ lưu lại nơi tâm hồn khiêm tốn! Từ đó, hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn hạ mình, chúng ta lệ thuộc tuyệt đối vào Chúa. Chỉ khi đó, ân sủng mới có thể thấm vào cuộc sống chúng ta; và qua chúng ta, chảy tràn cho người khác.

    Bài đọc Cựu Ước hôm nay cho thấy tiến trình của dòng chảy đó nơi Giêrêmia, một đại ngôn sứ. Chúa phán, “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Và tôi thưa, “A, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu biết ăn nói, vì con còn con nít”. Tâm hồn Giêrêmia quả là một vùng ‘đất trũng!’. Từ con người khiêm hạ đó, Thiên Chúa sẽ nói, sẽ làm những việc cả thể cho dân Ngài. Và Giêrêmia đã mềm mỏng thưa lên, “Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ.

    Anh Chị em,

    “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!. Ai nghe và sống Lời Chúa bằng Đức Mẹ, một vùng ‘đất trũng’ tuyệt vời trong muôn một! Mẹ không chỉ đón nhận Lời, nhưng còn cưu mang Đấng là Ngôi Lời! Không chỉ sinh “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”; Mẹ còn sinh hạ Con Thiên Chúa, Chủ Tể muôn vật, muôn loài! Cũng thế, bạn và tôi phải là những ‘đất trũng’; trong đó, Thiên Chúa không chỉ gieo Lời, nhưng còn gieo chính sự sống thần linh của Ngài. Hãy có trách nhiệm trên cuộc đời mình, sao cho sự sống của Thiên Chúa lớn mạnh và sinh hoa trái; hãy để ân sủng vun đắp! Phần chúng ta, ra sức cày xới và chăm bón, hầu Lời có thể sinh “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”. Hãy trở nên vùng ‘đất trũng’; ở đó, ân sủng Chúa thường thích đọng lại!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để cái tôi và kiêu căng chiếm hết chỗ trong tâm hồn con, khiến ân sủng Chúa trôi đi, và hạt Lời chỉ làm mồi cho lũ sẻ. Cho tim con trở nên đất giàu, sẵn sàng cho đồng lúa Vương Quốc vàng rộ hôm nay và mai ngày!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN17TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY 

    CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C (28/07/2019)

    THIÊN CHÚA KHOAN DUNG VỚI LOÀI NGƯỜI TỘI LỖI

     

    [St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, điều nổi bật nhất là con người không ngừng lỗi phạm đến Thiên Chúa và Thiên Chúa không ngừng thứ tha cho con người.

    Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta có thể nói: cũng nhờ sự lỗi phạm ấy mà con người biết rõ hơn về Thiên Chúa và về chính bản thân mình: con ngườu thì hết sức mỏng giòn và Thiên Chúa thì thật khoan dung, gần gũi, rộng lượng và luôn thứ tha. Ước gì kinh nghiệm tâm linh này giúp mỗi người sống khiêm nhường, tin cậy phó thác hơn vào Thiên Chúa.

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (St 18,20-32): "Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận" Trong những ngày ấy, Chúa phán: "Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ".

    Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu". Chúa phán cùng Abraham rằng: "Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành". Abraham thưa lại: "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành". Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: "Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?" Chúa phán: "Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành". Abraham thưa: "Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt". Abraham nói: "Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát". Abraham thưa: "Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?" Chúa phán: "Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá"

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 2,12-14): "Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi" Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.

    Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 11,1-13): "Các ngươi hãy xin thì sẽ được" Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông:

    "Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".

    Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

    "Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

    "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người"

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

    3.1.1 Bài đọc 1 (St 18,20-32) là tường thuật về một cuộc “điều đình” rất sống động của tổ phụ Abraham với Thiên Chúa để cứu thành Sôđôma và Gômôra tội lỗi. Tác giả Thánh Kinh Híp-ri trình bày cuộc điều đình giống một cuộc “mặc cả” giữa hai đối tác làm ăn. Thật ra đó là một cuộc đối thoại thân mật giữa Abraham và Thiên Chúa.

    Trong đoạn Sách St 18,1-10a chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng rất dễ thương và gần gũi đến nỗi Thiên Chúa chấp nhận cho Abraham “mặc cả” với Người khi kiên trì tìm hết mọi cách để cứu vớt những con người và thành phố tội lỗi. Thiên Chúa cư xử như vậy vì thật lòng Thiên Chúa chẳng muốn một tội nhân nào phải hư mất! 

     

    3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 2,12-14) là những lời của Thánh Phao-lô giúp chúng ta nắm bắt lý do tại sao chúng ta có thể tin tưởng một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa: đó là những ân ban mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta: ơn được cùng chết và cùng sống lại với Chúa Ki-tô, ơn được thứ tha mọi tội lội và thiếu sót.

    Trong đoạn thư gửi tín hữu Cl 2,12-14 chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là  Đấng ban ơn và thứ tha. Ơn được cùng sống và cùng chết với Chúa Ki-tô, ơn được thứ tha mọi lỗi lầm, sa ngã. 

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 11,1-13) là tường thuật của thánh Lu-ca về việc Đức Giê-su dậy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và về sự tin tưởng, kiên trì và nhẫn nại trong cầu nguyện.

    Về kinh Lạy Cha, Tin Mừng Lu-ca nêu lên hai điều cầu xin liên quan tới Thiên Chúa và ba điều khác liên quan tới con người. Hai điều cầu xin liên quan tới Thiên Chúa là: “Danh Thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” Ba điều cầu xin liên quan tới con người là: “Ngày nào có lương thực ngày ấy, được tha tội và không sa chước cám dỗ".

    Về sự tin tưởng và kiên trì trong cầu nguyện thì Đức Giê-su vừa giảng giải vừa đưa ra thí dụ cụ thể để thuyết phục người nghe xác tín hơn vào Lời Chúa, tin tưởng hơn vào lòng quảng đại của Thiên Chúa.

    Trong Bài Phúc Âm Lc 11,1-13 chúng ta khám phá ra Đức Giê-su là Thày Dạy về Cầu Nguyện. Theo giáo huấn và gương sáng của Người thì chúng ta phải quan tâm trước hết đến những gì có liên quan tới Thiên Chúa, rồi sau mới quan tâm tới những nhu cầu (phần hồn/phần xác) của chúng ta. Thế mới là cách sống của người con thảo hiếu đối với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Chúng ta tin tưởng, phó thác và kiên trì trong cầu nguyện, vì Đức Giê-su đã khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong lời này: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã sai Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để Người dậy dỗ chúng ta biết cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa.   

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Lời Chúa hôm nay mời tôi nhìn lại đời sống cầu nguyện của tôi:

    - Tôi có biết cầu xin cho “Danh Thánh Cha vinh hiển, Triều Đại cha mau đến” và tôi có biết xin Chúa ơn tha tội, ơn không sa chước cám dỗ hay tôi chỉ biết xin những điều cần thiềt cho đời sống vật chất của mình mà thôi không?

    - Tôi có tin tưởng, phó thác và kiên trì trong cầu nguyện không?

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Tiếng kêu trách Sôđôma và Gômôra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa thứ tha cho loài người hôm nay không ngừng phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa và làm mất phẩm giá của mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Ông Áp-ra-ham nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?» Chúa đáp: «Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đô-ma» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-ci-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết sống đẹp lòng Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng cho nhân loai tội lội ăn năn trở lại!

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.3 «Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân nam nữ, già trẻ biết tin tưởng vào Lời Chúa mà kiên trì, nhẫn nại trong cầu nguyện.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.4 «Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi Ki-tô hữu Việt Nam biết cầu nguyện theo sự dậy bảo của Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 20 tháng 07 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.               

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  
    Hong Nguyen
     
     
    Thứ Bảy, Tuần XV Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  Mk 2, 1-5  -  Mt 12, 14-21
     

    CUỘC CHỮA LÀNH THẦM LẶNG

    “Nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu. Biết vậy, Ngài lánh khỏi nơi đó!”.

    Addison Alexander nói, “Sẽ đến một thời điểm, không ai biết lúc nào! Sẽ có một nơi, không ai biết ở đâu! Nó đánh dấu số phận vinh quang hay tuyệt vọng của mỗi người! Và sẽ có một ranh giới ẩn khuất giữa sự kiên nhẫn của Chúa và cơn thịnh nộ của Ngài. Nhưng với những ai tin vào một Đấng đời đời yêu thương, thì tất cả cuộc sống chỉ là một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Tất cả cuộc sống chỉ là một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’”. Ý tưởng của A. Alexander được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu cho thấy cách ứng xử tuyệt vời của Ngài. Biết người ta đang tìm giết mình, “Ngài lánh khỏi nơi đó!”. Lánh khỏi nơi đó, không vì sợ; cũng không vì chưa chuẩn bị đủ để đối đầu; nhưng vì lòng người chưa sẵn sàng để đón nhận sứ điệp cứu độ. Lánh khỏi nơi đó, nhưng Ngài vẫn tiếp tục chữa lành họ, một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’. Lánh khỏi nơi đó, Chúa Giêsu đi đâu? Có thể Ngài ra ngồi đâu đó, đùa vui với lũ sẻ trời!

    Trước ác tâm của giới biệt phái, Chúa Giêsu không báng bổ họ, cũng không kích động một cuộc đối đầu không cần thiết. Mỗi khi thách thức ai, Ngài muốn dẫn người đó đến một suy gẫm sâu sắc hơn về bản thân họ và cuối cùng, là sự hoán cải. Đây không phải là lúc để thu hút các biệt phái về mặt trí tuệ, vì đầu óc họ hẹp hòi và lòng họ đầy ganh tị; và điều này đã khiến trái tim họ đóng lại và họ không muốn lắng nghe. Vì thế, Chúa Giêsu lánh đi để chờ đợi! Đó cũng là một giai đoạn trong tiến trình chữa lành các linh hồn, một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’.

    Cả chúng ta, đôi khi chúng ta thấy mình có những bất đồng, thậm chí với những người thân. Một khi những cảm xúc này dấy lên, rõ ràng là vì một hoặc cả hai bên chưa sẵn sàng cho sự thật… thì điều cần làm là lánh đi, rút khỏi hoàn cảnh và đợi cho đến thời điểm trái tim chúng ta rộng mở hơn để lắng nghe; cũng như chờ đợi người anh em, chị em không còn đóng kín cánh cửa trái tim họ. Và điều này thật cần thiết trong chuỗi tiến trình chữa lành!

    Bài đọc Mikha hôm nay cũng không nằm ngoài ý định một ‘cuộc chữa lành thầm lặng’ của Thiên Chúa dành cho dân Ngài; đúng hơn, cho những người giàu. Ngôn sứ Mikha lên tiếng cảnh báo người quyền thế làm giàu trên người nghèo. Này rồi đây, kẻ thù sẽ tàn phá tất cả và những gì họ đã cướp bóc của người nghèo lại sẽ rơi vào tay ngoại bang, “Vì đó sẽ là thời tai hoạ”, cũng là thời mà “Chúa không quên những người nghèo khổ” như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo!

    Trở lại với bài Tin Mừng, một chi tiết quan trọng cần lưu ý, “Dân chúng đi theo Chúa Giêsu đông đảo và Ngài chữa lành hết!”. Đừng nghĩ rằng, tất cả các cuộc chữa lành ấy đều là vật lý! Không chỉ thế, Ngài chữa trị linh hồn và tinh thần nữa! Đó là những ai bị vùi dập bởi cuộc sống, thử thách và tội lỗi Ngài vẫn tiếp tục chữa lành ngày nay. Ngài là thầy thuốc vĩ đại, sẵn sàng cứu chữa mọi người, dù đó là một cuộc chữa lành công khai hay một ‘cuộc chữa lành thầm lặng’.

    Anh Chị em,

    “Ngài lánh khỏi nơi đó!”. Chúa Giêsu, Đấng mà gió lẫn biển phải tuân lệnh và ma quỷ cũng phải cúi đầu; thế mà trước con người, đôi khi, Ngài phải lánh đi. Ngài nhân hậu, nhẫn nhịn, và hiền lành như Isaia loan báo, “Ngài không cãi vã, không to tiếng; cây lau bị giập, không đành bẻ gãy; ngọn đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi!”. Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cư xử của con cái Thiên Chúa; giáo huấn Ngài đòi chúng ta vượt quá tự ái, chấp nhận thua thiệt vì lợi ích tha nhân… và đôi khi, phải trả giá bằng sỉ nhục và cả cái chết. Ngài đã trả giá đến chết trên thập giá, để không chỉ trở nên Đấng chữa lành mà còn là Đấng Cứu Độ Thế Giới. Thế nhưng, đây là cách ứng xử cao thượng của người môn đệ Chúa Giêsu, một cách ứng xử mang tính cứu độ! Hãy nghĩ đến các ‘cuộc chữa lành thầm lặng’ này để dám hy sinh thực sự cho những ai cần được xót thương!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa kiên nhẫn với con hơn ai hết! Xin cho con một đôi khi, cũng biết ‘rời đi nơi khác’ để chờ đợi người anh em trong ‘cuộc chữa lành thầm lặng’ mà con dành cho họ!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  • Chi Tran
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    20/07/22 THỨ TƯ TUẦN 16 TN
    Th. A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo
    TIN MỪNG Mt 13,1-9

    HÀO PHÓNG VÀ KIÊN NHẪN
    “Hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13,8-9)
     
    Suy niệm/SỐNG: 1/ Hạt giống là Lời Thiên Chúa, mà Ngài là người gieo giống lại hào phóng gieo chúng vào vệ đường, nơi đá sỏi, bụi gai, chứ không chỉ nhắm vào vùng đất màu mỡ mà thôi!
    2/ Một công việc thật nhiều rủi ro, nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, Ngài không coi đó là việc phung phí, vô nghĩa, vô ích. Có những hạt giống đức tin phải nằm chờ 10, 20, 30 năm sau mới nẩy mầm sinh trái…
    Kinh nghiệm truyền giáo cho chúng ta biết được điều này.

    Mời Bạn CHIA SẺ: 1/ Làm việc gì chúng ta cũng muốn “thu vào tối đa, chi ra tối thiểu”, mà lại phải có kết quả ngay.

    2/ Thế mà việc gì cũng có thời gian của nó: một vụ lúa chí ít cũng mất ba tháng; mùa lúa đức tin cũng thế: hôm nay bạn gieo hạt, nhưng mùa thu hoạch có khi lại là đời cháu nội, cháu ngoại của bạn.

    3/ Hào phóng và kiên nhẫn là nét đẹp mà bạn có thể thấy nơi Chúa Giê-su, nhà truyền giáo vĩ đại.

    4/ Việc của bạn và tôi hôm nay là làm cho hạt giống đức tin nơi mình trổ sinh thật nhiều bông hạt, để vừa bù vào những hạt chết ngạt nơi bụi gai, vệ đường… vừa kích thích cho những mầm hạt mới nhú có cơ may sinh trưởng (TĐ Phát triển các dân tộc).

    Sống Lời Chúa: Quan sát khu vực bạn sống có ai lơ là, bỏ đạo, lương dân có thiện chí… bạn tìm cách tiếp cận đưa họ về với Chúa và Hội Thánh (hy sinh, cầu nguyện, làm gương sáng, nói về Chúa…).

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần lắng nghe lời Chúa và hăng hái rao truyền để làm cho người khác nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ.

    gplongxuyen 

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     


    16/07/22 thứ bảy tuần 15 tn
    Đức Mẹ núi Cát Minh


    TIN MỪNG Mt 12,14-21

     
    “Chúa đẹp quá, Giê-su ơi!”
     

    “Đây là người Tôi Tớ Ta đã tuyển chọn, đây là người  Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.” (Mt 12,18)

     
    Suy niệm/SỐNG: “Bạn đẹp quá, Giê-su ơi!” Nhạc sĩ Lê Đức Hùng, trong một bài ca của mình, đã ngưỡng mộ thốt lên như thế khi chiêm ngưỡng Đức Giê-su. Quả thật Đức Giê-su là Người Tôi Trung “luôn đẹp lòng Chúa và được Ngài yêu mến, Chúa hài lòng về Người” (x. Is 42,1-4) mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo.
      Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan, chính Chúa Cha xác nhận điều đó cùng với Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài.
      Chúa Giê-su thật đẹp vì Ngài ‘chạnh lòng thương’ chữa lành người bại tay trước những cặp mắt căm tức của những người Pha-ri-sêu.
      Đức Ki-tô sẵn sàng đối chất với người Do thái về việc đó và rồi Ngài đã chiến thắng tội lỗi đem lại nền công lý cho vạn dân nhờ cái chết của Ngài trên thập giá. Chân dung của Đức Giê-su Ki-tô quả là trùng khớp với chân dung Người Tôi Trung của Chúa mà I-sai-a đã mô tả.
     

    Mời Bạn CHIA SẺ: “Bạn đẹp quá, Giê-su ơi!” Có bao giờ bạn thốt lên lời đó khi chợt nhận ra Đức Giê-su, Người Tôi Trung, thật đẹp, thật đáng mến chưa?

      Mời bạn sốt sắng suy niệm Lời Chúa để chiêm ngắm chân dung Ngài và cứ để niềm yêu mến thiết tha trào dâng trong tâm hồn bạn và xin Người Tôi Trung biến đổi bạn trở nên giống Ngài, cho bạn được kết hiệp nên một với Ngài.

     

      Bạn cảm mến nét đẹp nào trong chân dung Người Tôi Trung “rất mực hiền lành” mà I-sai-a mô tả?

     

    Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để suy niệm Lời Chúa và dâng lên Chúa những tâm tình cảm mến sâu xa.

     

    Cầu nguyện: Dâng lên Chúa lời tâm sự tha thiết nhất của chính bạn.

     
     

Subcategories